Việc ứng dụng giáo lý nhà Phật vào cuộc sống lứa đôi mang lại rất nhiều tích cực cho cuộc sống gia đình của các phật tử, hướng phật tử đến một cuộc hôn nhân tốt đẹp trên nền tảng đạo đức Phật giáo.

A. Mở đầu

Trong muôn vàn giá trị mà con người cố gắng tìm kiếm, xây dựng và giữ gìn thì hạnh phúc luôn là nguyện vọng được nhiều người hướng đến. Có một cuộc sống hạnh phúc là mơ ước của tất cả mọi người. Tuy nhiên, ý nghĩa hạnh phúc tùy thuộc vào trình độ nhận thức hay quan điểm sống của mỗi cá nhân nên có những quy chuẩn khác nhau.

Theo Phật giáo, mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau về hạnh phúc nhưng tất cả không ngoài hai phạm trù: Hạnh phúc thỏa mãn cảm thọ giác quan trong cuộc sống như: có được tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng, tiện nghi… và hạnh phúc về tinh thần như: tâm được vui mừng và an lạc… Hạnh phúc gia đình nói chung và hạnh phúc đôi lứa nói riêng là mục đích, lẽ sống cao nhất mà mọi người hướng đến. Hạnh phúc đôi lứa có vị trí rất quan trọng trong chuỗi đời của một con người. Cho đến nay, đây vẫn luôn là vấn đề được nhiều tôn giáo cũng như nhiều học giả trí thức trong xã hội quan tâm.

Cư sĩ Phật giáo là những người am hiểu về giáo lý nhà Phật, sống và làm việc theo chuẩn mực của người có đạo. Điều này đã giúp họ thích nghi và phát huy năng lực vốn có của bản thân trước sức mạnh phát triển như vũ bão của thời đại. Bên cạnh đó, vẫn có một số cư sĩ Phật giáo trẻ tuổi, còn ít kinh nghiệm trong cuộc sống. Họ không thể giải quyết những khó khăn của họ một cách triệt đễ để cân bằng lối sống. Chính điều này dễ làm cho không ít người rơi vào những khó khăn, đỗ vỡ trong cuộc sống. Vì vậy, việc ứng dụng giáo lý nhà Phật vào cuộc sống lứa đôi là vô cùng quan trọng và cần thiết.

Ảnh minh hoạ

B. Nội dung

1. Hạnh phúc lứa đôi dưới góc nhìn Phật giáo

Tình yêu

Mục đích tối thượng của Phật giáo là hướng đến giác ngộ và giải thoát. Tín đồ Phật giáo không phân biệt tuổi tác, giới tính hay địa vị xã hội nhưng suy cho cùng thì gồm có hai thành phần:

– Người xuất gia: Là những người có quyết tâm cao, muốn nhanh đến bờ giác, họ chọn cuộc sống thanh tịnh và tâm từ bi của họ rất lớn nên họ chọn con đường rời xa gia đình để tu tập tại các ngôi chùa, tự viện…. Những người này họ sống độc thân, không lập gia đình, không hưởng thụ những khoái lạc thế gian. Cuộc sống độc thân, không ràng buộc bởi tình yêu đôi lứa hay gánh nặng xã hội đã mang đến nhiều thuận duyên hơn cho sự tu tập cũng như chí nguyện phụng sự chúng sinh. Nhưng điều này không có nghĩa là đạo Phật phản đối tình yêu đôi lứa hay quan hệ vợ chồng chỉ là vì những người lập gia đình thường vướng bận rất nhiều ở những mối quan hệ, cơm áo gạo tiền, trách nhiệm hai bên dòng họ, trách nhiệm con cái… nên sẽ rất ít và thậm chí là không có thời gian để theo đuổi đời sống tâm linh, cũng chính vì lý do này mà giới luật Phật giáo nghiêm cấm tuyệt đối người xuất gia có đời sống vợ chồng.

– Người tại gia: Là những người chọn cuộc sống phàm tục, có gia đình, vợ chồng và con cái, họ sống và làm việc theo chuẩn mực và quy định của xã hội. Tuy nhiên, vì mến mộ đạo Phật nên họ có quy y Tam bảo và đời sống của họ có những quy chuẩn đạo đức mà Phật giáo quy định nên đời sống tâm linh của họ thăng hoa hơn và họ có cuộc sống an lạc hạnh phúc hơn.

Thông thường khi nhắc đến đạo Phật đại đa số chúng ta luôn nghĩ đến những người xuất gia nên chúng ta thường quy chụp rằng Phật giáo phản đối hay không đồng tình thậm chí không quan tâm đến chuyện tình yêu đôi lứa. Nhưng nếu chúng ta nghiên cứu và tìm hiểu kỹ một chút thì có thể thấy đức Phật đã rất quan tâm và đã xác lập rõ ràng, cụ thể về quan hệ tình cảm nam nữ, tình yêu đôi lứa, trách nhiệm vợ chồng… rất nhiều trong các bản kinh nguyên thủy.

Mục đích là nhằm xây dựng một đời sống hạnh phúc, hướng thượng, hướng thiện cho chính những tín đồ phật tử, đôi lứa hạnh phúc thì gia đình êm ấm, gia đình êm ấm thì xã hội phát triển, xã hội phát triển thì đất nước phồn vinh.

Đức Phật dạy về vấn đề này trong đoạn kinh: “Ta không thấy một sắc nào khác, này các Tỳ kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông như sắc người đàn bà. Này các Tỳ kheo, sắc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông. Ta không thấy một hương … một vị… một xúc nào khác, này các Tỳ Kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông, như hương… vị… xúc người đàn bà. Này các Tỳ Kheo, xúc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông” [1] và ngược lại.

Dĩ nhiên là những lời kinh trên đức Phật dạy cho người xuất gia, như một lời cảnh tỉnh về sự nguy hiểm của dục vọng nhưng thông qua bản kinh này chúng ta cũng thấy sự thu hút của người nam và người nữ dành cho nhau rất mãnh liệt. Không một đối tượng nào trên thế gian này lại thu hút sự chú ý của người nam hơn là người nữ. Cùng lúc ấy, sự thu hút chính của người nữ lại là người nam. Hương là mùi hương, vị là vị nếm, xúc là cảm xúc tiếp xúc. Người nam thích những điều ấy từ người nữ và ngược lại không gì thu hút người nữ bằng người nam. Như vậy đức Phật đã khẳng định rõ ràng rằng do có sự khác nhau giới tính giữa nam và nữ nên họ thu hút và hấp dẫn lẫn nhau, thu hút nhau không chỉ ở hình dáng bên ngoài mà còn bởi âm thanh, mùi vị và sự xúc chạm nên họ tìm đến với nhau thông qua tình yêu đôi lứa.

Người nam và người nữ tìm đến với nhau và đem lại cho nhau những lạc thú trần tục mà không có một đối tượng nào khác có thể thay thế được, quan hệ kiểu này dẫn đến tình cảm lứa đôi rồi đi đến hôn nhân, thiết lập đời sống gia đình là chuyện bình thường và rất tự nhiên. Như vậy, Phật giáo không hề ngăn cấm tình yêu nam nữ vì con người đang sống trong cảnh dục giới, đầy khát ái, người nam và người nữ đến với nhau để xây dựng gia đình, duy trì nòi giống, đó cũng chính là nghiệp lực của con người trong cõi Ta bà này.

Tình dục

Chúng ta có thể thấy rõ ràng trong kinh điển cũng như trong giới luật đức Phật cấm tuyệt đối tình dục ở người xuất gia bởi nó cản trở con đường đi đến quả vị giải thoát nhiều. Nhưng đức Phật không cấm nó ở người cư sĩ tại gia mà chỉ có những quy chuẩn trong quan hệ tình dục để đảm bảo cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính bản thân và gia đình của mỗi người cư sĩ tại gia.

Tình dục là một biểu hiện của tình yêu, bản chất của tình dục không phải là xấu xa nhưng nó đem đến nhiều tác hại cho tâm và khó để phát triển đời sống tâm linh. Nếu xét trên phương diện thế gian và những định nghĩa ở xã hội thì tình dục là sự thăng hoa của tình yêu, là kết quả của một tình yêu sâu sắc và bình đẳng. Riêng đối với những đệ tử tại gia của mình đức Phật không cấm tuyệt đối chuyện tình dục nhưng Ngài khuyên những người đệ tử của mình nên có lối sống lành mạnh, quan hệ một vợ một chồng để giữ gìn sự chung thủy đó là nền tảng của hạnh phúc gia đình, ngay trong quan hệ vợ chồng, hành vi này cũng phải dựa trên tinh thần tự nguyện, dâng hiến, có chừng mực, đúng lúc, đúng nơi. Buông thả phóng dật, suy nghĩ bất chính cũng được xem là tà hạnh. Đều này được đức Phật nhắc đến ở giới thứ ba (không tà dâm, bảo vệ tiết hạnh) trong năm giới mà đức Phật chế cho hàng đệ tử tại gia của mình.

Tình dục trước hôn nhân có phạm tà dâm không?

Quan hệ tình dục trước hôn nhân nghĩa là hai đối tượng yêu thương nhau chưa được sự đồng ý của gia đình và pháp luật mà đã phát sinh quan hệ tình dục. Như vậy, quan hệ tình dục trước hôn nhân có phạm giới tà dâm không?

Cho đến hiện nay vẫn chưa tìm thấy một văn bản hay một đoạn kinh, đoạn luật nào khẳng định rõ ràng và cụ thể về vấn đề này. Tuy vậy, trong Trung Bộ kinh có một đoạn: “Người ấy sống tà hạnh đối với các dục lạc, giao cấu với các hạng nữ nhân có mẹ cha che chở… Như vậy, này các gia chủ, là thân hành phi pháp, phi chính đạo” [2].

Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng từng nhắc đến và diễn giải vấn đề này trong một buổi quy y cho phật tử: “Con nguyện không có liên hệ tình dục với bất cứ ai nếu không có tình yêu đích thực cùng những cam kết chính thức và lâu dài”. Như vậy cho thấy Phật giáo luôn khuyên cư sĩ phật tử phải có đời sống tiết dục, không phóng dật trong tình yêu để xây dựng hạnh phúc lâu dài cho hôn nhân.

2. Yếu tố xây dựng một tình yêu vững chắc

Lựa chọn đối tượng thương yêu phù hợp

Có rất nhiều việc quan trọng mà người nam và người nữ nên lưu ý trước khi tính đến tình yêu lâu dài. Việc đầu tiên đó chính là việc lựa chọn đối tượng yêu thương. Nếu mình lựa chọn được đối tượng yêu thương phù hợp và có được những điểm tương đồng về hoàn cảnh, tính cách, nghề nghiệp… thì tình cảm đó nhiều sự thăng hoa và bền vững  hơn.

Trong kinh đức Phật gọi sự phối hợp tốt đẹp của hai người là sự phối hợp của vị chư thiên nam và vị chư thiên nữ. “Này các Tỷ kheo, có bốn loại sống chung này. Thế nào là bốn? Ðê tiện nam sống chung với đê tiện nữ. Ðê tiện nam sống chung với thiên nữ. Thiên nam sống chung với đê tiện nữ. Thiên nam sống chung với thiên nữ”.

“Và này các Tỷ kheo, thế nào là đê tiện nam sống chung với đê tiện nữ? Ở đây, này các Tỷ kheo, người chồng là người sát sinh, …. Còn người vợ cũng sát sinh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời thô ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân tâm, tà kiến, ác giới, ác tính, sống ở gia đình với một tâm bị cấu uế xan tham chi phối. Như vậy, này các gia chủ, là đê tiện nam chung sống với đê tiện nữ”.

Và này các gia chủ, thế nào là đê tiện nam sống chung với thiên nữ? Ở đây, này các gia chủ, người chồng sát sinh… nhiếc mắng, chửi rủa các Sa môn, Bà la môn. Còn người vợ từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời thô ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, không tham, không có sân tâm, chính kiến, có giới, thiện tính, sống ở gia đình không với tâm vị cấu uế xan tham chi phối, không có nhiếc mắng chửi rủa các Sa môn, Bà la môn. Như vậy, này các gia chủ, là đê tiện nam sống chung với thiên nữ.

Và này các gia chủ, thế nào là thiên nam sống chung với đê tiện nữ? Ở đây, này các gia chủ, người chồng từ bỏ sát sinh… không có nhiếc mắng chửi rủa các Sa môn, Bà la môn. Nhưng người vợ là người sát sinh, lấy của không cho… nhiếc mắng chửi rủa các Sa môn, Bà la môn. Như vậy, này các gia chủ, là thiên nam sống chung với đê tiện nữ.

Và này các gia chủ, thế nào là thiên nam sống chung với thiên nữ? Ở đây, này các gia chủ, người chồng từ bỏ sát sinh… không nhiếc mắng chửi rủa các Sa môn, Bà la môn; và người vợ cũng là người từ bỏ sát sinh… không nhiếc mắng chưởi rủa các Sa môn, Bà la môn. Này các gia chủ, có bốn loại sống chung này”.

Để tiến đến một gia đình hạnh phúc thì ngay từ ban đầu đối tượng yêu thương, một nửa của mình phải tìm kiếm sao cho phù hợp. Chúng ta, ai cũng tự đặt cho mình một hình ảnh người phụ nữ lý tưởng (xinh đẹp, dịu dàng, đảm đang, học thức…), người đàn ông lý tưởng (nam tính, không gia trưởng, trách nhiệm….) để mình kiếm tìm và chung sống. Vậy thì trong Phật giáo đâu là thước đo cho những mẫu người lý tưởng đó? Đức Phật dạy:

“Này các Tỳ kheo, đầy đủ năm đức tính này, một nữ nhân hoàn toàn khả ý đối với người đàn ông. Thế nào là năm? Có nhan sắc, có tài sản, có giới hạnh, lanh lợi, không biếng nhác, có sinh con. Ðầy đủ năm đức tính này, này các Tỳ kheo, một nữ nhân hoàn toàn khả ý đối với người đàn ông.

Này các Tỷ kheo, đầy đủ năm đức tính này, một người đàn ông hoàn toàn khả ý đối với nữ nhân. Thế nào là năm? Có nhan sắc, có tài sản, có giới hạnh, lanh lợi, không biếng nhác, có khả năng sinh con. Này các Tỳ kheo, đầy đủ năm đức tính này, một người đàn ông hoàn toàn khả ý đối với nữ nhân. Với năm đức tính đó chính là mẫu người lý tưởng đáng được lựa chọn làm người để mình gửi gắm tình thương và hạnh phúc. Và thật sự, trong cuộc sống, năm yếu tố căn bản này nếu như trong gia đình nào không có được thì chắc rằng gia đình đó sẽ không được hạnh phúc, hoặc là hạnh phúc sẽ không bền lâu” [3].

Ngày nay, chúng ta thấy một hiện trạng rất rõ là xã hội chúng ta xảy ra nhiều tình trạng hôn nhân bị vỡ đổ do làm ăn thất bại, bạn đời ngoại tình, hoặc là do thích ăn xài mà lại lười biếng lao động để tạo ra của cải, và đôi khi lại chính một nguyên nhân khác cũng hơi tế nhị là một trong hai người bị chứng bệnh vô sinh, không thể có khả năng sinh con.

Vì vậy, để có một tình cảm vững bền thì Phật giáo cho rằng việc lựa chọn đối tượng thương yêu phù hợp là rất cần thiết.

Sự chung thủy

Yếu tố vô cùng quan trọng để đảm bảo cho một tình yêu trong sáng và hướng đến hạnh phúc bền vững là yếu tố chung thủy, đây là yếu tố không thể thiếu để có được một hạnh phúc bền vững. Từ xưa cho đến nay, biết bao gia đình có điều kiện vật chất, nhà lầu xe hơi, tiện nghi đầy đủ, quyền cao chức trọng, nhưng lại đổ vỡ chỉ vì chồng hoặc vợ của gia đình ấy đã có hình ảnh “người thứ ba” xen vào. Hoặc hiện nay trên các thông tin truyền thông hằng ngày biết bao nhiêu thảm án xảy ra vì sự ghen tuông bởi người bạn đời lăng nhăng.

Nhận thức được vấn đề đó và nhằm ngăn chặn, hạn chế những khổ đau có thể gây ra cho gia đình, đức Phật đã đưa ra giới điều, khuyên răn, ngăn cấm người đệ tử tại gia có người thứ ba trong mối quan hệ, ngược lại nên sống hết lòng chung thủy trước sau với người chồng, người vợ của mình. Điều này đã trở thành một giới điều căn bản của một người cư sĩ tại gia, dù theo truyền thống Nam hay Bắc tông Phật giáo.

Tôn trọng đối phương

Tôn trọng đối tượng mình yêu thương là sự căn bản cần phải có để nuôi dưỡng tình yêu và xây dựng hôn nhân. Khi tiếp xúc lâu ngày và tìm hiểu kĩ về nhau thường những điểm xấu của đối phương sẽ càng ngày càng biểu hiện rõ từ đó sinh tâm xem thường, ỷ lại, đánh mất sự tôn trọng cần phải có với đối tượng thương yêu của mình. Trong Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt thuộc Trường Bộ kinh, đức Phật dạy cho cư sĩ Thi-ca-la-việt (Singala), người chồng đối với vợ và vợ đối với chồng trong mọi ứng xử, phải biết tương kính nhau như sau:

“Này gia chủ tử, có năm cách, người chồng phải đối xử với vợ như phương Tây: Kính trọng vợ, không bất kính với vợ, trung thành với vợ, giao quyền hành cho vợ, sắm sửa đồ nữ trang cho vợ. Này gia chủ tử, được chồng đối xử như phương Tây theo năm cách như vậy, người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách: thi hành tốt đẹp bổn phận của mình, khéo tiếp đón bà con, trung thành với chồng, khéo gìn giữ tài sản của chồng, khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc. Này gia chủ, người vợ được chồng đối xử như phương Tây theo năm cách và người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách. Như vậy, phương Tây được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi.”[4].

Chúng ta thường có xu hướng xem nhẹ đối tượng yêu thương khi đã quá gần gũi và chính vì vậy, đức Phật nhấn mạnh đến việc tương kính trong mối quan hệ tình cảm này. Đây là điểm hết sức độc đáo trong cái nhìn của đức Phật về mối quan hệ bình đẳng giữa nam và nữ.

Tinh thần trách nhiệm

Tinh thần trách nhiệm với đối tượng thương yêu là một phạm trù đạo đức nhân văn. Mỗi người đều có những bổn phận trách nhiệm nhất định phải hoàn thành để tình cảm được vững mạnh, hôn nhân được ổn định, gia đình thịnh vượng và hạnh phúc.

Theo quan niệm và phong tục của người xưa thì người đàn ông ra ngoài tạo kinh tế cho gia đình và người phụ nữ ở nhà phải giáo dục con cái… chăm sóc gia đình hai bên. Nhưng với xã hội hiện đại ngày nay, trong gia đình ai cũng đi làm để tăng nguồn thu nhập, do đó khối lượng công việc và sự vất vả là như nhau, và thực tế hiện nay có trường hợp người vợ có năng lực hơn người chồng, nên công việc thậm chí nặng nề hơn. Vì vậy, người vợ hoặc chồng nên quan tâm thời gian và công việc của nhau để trợ giúp trong điều kiện có thể. Không nên nghĩ rằng việc bếp núc, giặt giũ áo quần, dọn dẹp nhà cửa là công việc dành riêng cho người vợ, của người nội trợ.

Người chồng lý tưởng là người chồng biết san sẻ công việc, sướng khổ có nhau, dù đó là nấu cơm, rửa bát, quét nhà… Có làm những việc như vậy, vừa làm gương giáo dục con cái, mà cũng là cách thiết lập mối quan hệ tình cảm đôi lứa mặn nồng và sâu sắc hơn.

3. Lễ Hằng thuận – đóng góp thiết thực của Phật giáo cho hạnh phúc lứa đôi

Hằng Thuận là gì

Lễ Hằng thuận là một nghi thức kết hôn của cô dâu và chú rể, được tổ chức tại chùa dưới sự chứng minh của chư Tăng và họ hàng hai bên. Ngoài ra, lễ Hằng thuận cũng có thể tổ chức tại nhà và thỉnh chư tăng đến chứng minh, làm lễ chúc phúc.

Hằng là thường xuyên, lâu dài hoặc bền bỉ, biểu hiện tính liên tục [5]. Thuận là hòa thuận, đồng thuận hoặc bằng lòng [6]. Như vậy Hằng thuận có nghĩa là cùng nhau hướng về những điều tốt đẹp, cao thượng một cách bền bỉ, lâu dài, sống với nhau hòa thuận tương kính, cùng nhau vừa làm tròn trách nhiệm bổn phận của mình, hướng đến đời sống cao thượng trên cơ sở chuẩn mực của giáo lý Phật giáo.

Nguồn gốc lễ Hằng thuận đã xuất phát từ thời đức Phật còn tại thế, thể hiện trong các bản kinh nguyên thủy cụ thể như: đức Phật đã hướng dẫn cho chàng thanh niên Thiện Sinh về ý nghĩa lễ lạy sáu phương và bổn phận, trách nhiệm của vợ chồng. Đức Phật dạy cho Sujàtà con dâu của trưởng giả Cấp Cô Độc về cách trở thành người vợ đúng nghĩa. Ngoài ra, còn rất nhiều pháp thoại khác dạy về hạnh phúc gia đình cho người cư sĩ tại gia mà đức Phật từng nhắc đến.

Nội dung và nghi thức lễ Hằng Thuận

Khi Phật tại thế thì lễ hằng thuận chỉ có nghĩa là những bài giảng cũng như lời chúc phúc của đức Phật dành cho vị cư sĩ đó. Sau này, với sự nhập thế của Phật giáo thì lễ Hằng Thuận có nhiều những lễ nghi hơn tùy theo vùng miền và văn hóa tại mỗi địa phương. Nhưng mục đích và nội dung thì không khác nhau, sau đây là thứ tự một chương trình lễ Hằng thuận trong “Nghi thức lễ Hằng thuận” [7]:

– Mời hai họ và phật tử vân tập lên Chính điện

– Tác bạch thỉnh sư

– Dâng hương lễ Tổ

– Cung thỉnh chư Tôn đức đăng lâm Bảo điện

– Nghi thức chính, gồm có:

+ Kệ dâng hoa quả

+ Nguyện hương, đảnh lễ Tam bảo, kệ sái tịnh, chú Đại bi, kệ An lành.

+ Nghi thức truyền Tam quy, Ngũ giới (nếu Tân lang và Tân nương đã Quy y thì bỏ qua)

+ Huấn thị về bổn phận làm vợ, bổn phận làm chồng, bổn phận làm dâu, bổn phận làm rể, bổn phận làm cha mẹ tương lai và ý nghĩa đôi nhẫn cưới.

+ Tân lang và Tân nương đeo nhẫn

+ Tân lang và Tân nương phát nguyện

+ Ký tên và trao Giấy Chứng nhận lễ Hằng Thuận

+ Kệ Chúc phúc

+ Hồi hướng

+ Phục nguyện

+ Ba tự Quy y

– Cảm tạ

– Lễ tạ Tổ sư

Nội dung lễ Hằng thuận không ngoài việc chư Tăng hướng dẫn về đời sống gia đình, đời sống tâm linh, không chỉ cho cô dâu chú rể mà trong đó có cả họ hàng và những người đến tham dự hôn lễ. Đem đến một cách nhìn minh triết, nhân văn, một Phật giáo nhập thế và thực tế, không phải là đạo Phật bi quan yếm thế như nhiều người đã hiểu lầm.

C. Kết luận

Nói tóm lại, Phật giáo với phương tiện thiện xảo đã đưa đạo vào đời với tinh thần nhập thế, mục đích là mang lại hạnh phúc cho con người và giảm thiểu nổi khổ niềm đau. Việc ứng dụng giáo lý nhà Phật vào cuộc sống lứa đôi mang lại rất nhiều tích cực cho cuộc sống gia đình của các phật tử, hướng phật tử đến một cuộc hôn nhân tốt đẹp trên nền tảng đạo đức Phật giáo.

Trong một mối quan hệ lứa đôi mà đối phương biết thấu hiểu, sẻ chia và thương yêu nhau sẽ là nền tảng vững chắc để nuôi dạy con cái sau này. Khi cha mẹ hạnh phúc thì con cái sẽ thừa hưởng được hạnh phúc của cha mẹ và chúng cũng sẽ hạnh phúc. Đức Phật khuyến khích hàng đệ tử xuất gia sống đời sống xả ly, tu tập giác ngộ, giải thoát xuất thế nhưng đức Phật không chối bỏ hạnh phúc xuất thế gian, đối với cư sĩ tại gia Ngài vẫn dành nhiều bài pháp để hướng dẫn quý vị cách sống để có một gia đình hạnh phúc, hướng thượng, hướng thiện.

Tác giả: Thích Thiền Như

Link bài viết gốc: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/hon-nhan-hanh-phuc-tren-nen-tang-dao-duc-phat-giao.html


CHÚ THÍCH
[1] Thích Minh Châu dịch (2015), Kinh Tăng Chi Bộ tập 1, Nxb Tôn giáo, Tr 35.
[2] Thích Minh Châu dịch (2015), Kinh Trung Bộ tập 1, Nxb Tôn giáo, Tr 41.
[3] Thích Minh Châu dịch (1996), Kinh Tăng Chi Bộ 1, Nxb Tôn giáo, Tr 661.
[4] Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Trường Bộ, Nxb Tôn giáo, Tr 628.
[5] Hoàng phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Viện ngôn ngữ học, Hà Nội, 2003, tr.427
[6] Hoàng phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Viện ngôn ngữ học, Hà Nội, 2003, tr.962
[7] Tỳ kheo Thích Chơn Không, Nghi thức lễ Hằng thuận, Nxb. Tổng Hợp TP.HCM, Hồ Chí Minh, 2014, tr. tr.16-37.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Khảo cứu Nghi lễ Vu Lan trong không gian văn hóa Phật giáo Thừa Thiên Huế
Nghiên cứu, Văn hóa

Nghi lễ Vu Lan Bồn còn là một pháp hội thù thắng và có tính phổ cập nhất trong Phật Giáo Việt Nam và có sự ảnh hưởng rất lớn về văn hóa sống, đạo đức làm người trong xã hội Việt Nam nói chung và Huế nói riêng. Phật giáo du nhập và phát...

Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Phật giáo thời Lý
Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu

Tóm tắt: Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, tư tưởng từ bi, vị tha của Phật giáo nhanh chóng được cư dân bản địa tiếp thu và trở thành tâm thức của người Việt, đa phần người dân Việt Nam điều tôn sùng Phật giáo. Thời Lý là một trong những thời...

Chúa Nguyễn Phúc Chu và hai bảo vật quốc gia chùa Thiên Mụ
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Bia “Ngự kiến Thiên Mụ tự” của chúa Nguyễn Phúc Chu là hiện vật gốc độc bản – một trong số những di vật hiếm hoi thời chúa Nguyễn còn giữ được gần như nguyên vẹn, có nhiều giá trị về mặt mỹ thuật. Chúa Nguyễn Phúc Chu (Quốc Chúa) (1691-1725) là vị chúa thứ...

Biểu tượng hoa sen trong trang trí chùa ở Huế
Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu, Văn hóa

PHẦN MỞ ĐẦU Đã là công dân nước Việt thì dù có ở đâu đi chăng nữa mà khi nghe ai đó nhắc nhắc đến sông Hương, núi Ngự thì mỗi người con đất Việt đều nghĩ ngay đến một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, thơ mộng và hoài cổ. Nơi mảnh đất thần...

“Bản Sắc Hóa” Pháp Phục Phật Giáo Việt Nam
Nghiên cứu, Văn hóa

I. Y PHỤC LÀ BẢN SẮC VĂN HÓA CỦA DÂN TỘC Nếu trang phục truyền thống của một dân tộc hay quốc gia biểu đạt bản sắc văn hóa về y phục của dân tộc hay quốc gia đó, thì pháp phục Phật giáo thể hiện bản sắc đặc thù, khác hẳn với và vượt lên trên các quốc phục và thường phục của người đời, dù ở phạm vi dân tộc hay quốc gia. Lễ phục tôn...

A Dục, Ashoka -Một Vị Vua Phật Tử
Lịch sử, Nghiên cứu

Hoàng đế A-dục trị vì nước Ấn vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch và cũng là một trong những nhân vật sáng chói nhất trong lịch sử Phật giáo. Là vị hoàng đế nổi tiếng nhất của triều đại Maurya ông đã thống nhất gần toàn thể bán lục địa Ấn độ. Dưới triều đại của ông, văn hóa được phát triển cao độ và cũng là lần...

Biểu tượng Phật giáo trong kiến trúc chùa Việt ở Bắc bộ
Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu, Văn hóa

1. Vị trí, vai trò biểu tượng Phật giáo trong kiến trúc chùa Việt ở Bắc Bộ Trong kiến trúc một ngôi chùa Việt, các biểu tượng Phật giáo được hiện diện ở khắp mọi nơi, từ các hoa văn trên từng viên gạch, viên ngói, đến trên các trang trí cửa võng, y môn,...

Góp thêm những tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật giáo
Lịch sử, Nghiên cứu

Nghiên cứu cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều chúng ta dễ dàng bắt gặp là ở chỗ Người có nhiều mối quan hệ gắn bó với Phật giáo, không chỉ ở mặt tư tưởng, tình cảm mà cả chính bằng những việc làm cụ thể. Trên bình diện...

Sơn môn Bổ Đà-Dấu thiêng còn vang mãi
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Thời kỳ Lê Trung Hưng (Thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII) dòng thiền Lâm Tế Trung Hoa được truyền vào Việt Nam và đã vô cùng phát triển ở cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài. Ngoài những sơn môn nổi tiếng của Lâm Tế Đàng Ngoài như: chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chùa...

Hoạt động đào tạo Tăng tài trong phong trào chấn hưng PGVN giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX
Lịch sử, Nghiên cứu

Tăng sĩ không tu tập, không am hiểu giáo lý để hoằng pháp, điều này ảnh hưởng rất lớn trong quần chúng tín đồ phật tử. 1. Dẫn nhập    Phật giáo du nhập vào nước ta đã trải qua hơn 2000 năm, những giá trị tâm linh Phật giáo để lại trên mảnh đất...

Ứng dụng Kinh tạng Pali về đạo đức, xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả và bền vững
Nghiên cứu

Sự phát triển của kinh tế hôm nay và sự bình ổn của xã hội, sự an toàn của môi trường trong tương lai không thể tách rời nhau, có mối quan hệ hỗ tương cho nhau A. Dẫn nhập Kinh doanh nhằm tạo ra lợi nhuận, nhưng kinh doanh như thế nào để tạo...

Vai trò của Phật giáo thời Lý trong lĩnh vực chính trị, tôn giáo và đoàn kết chống ngoại bang
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt Khi đề cập đến sự tín ngưỡng tâm linh của người Việt thì không thể không nói đến Phật giáo. Phật giáo du nhập vào Việt Nam vòa khoảng thế kỷ thứ III trước Công nguyên, tư tưởng từ bi, vị tha của đạo Phật nhanh chóng được cư dân bản địa tiếp...

Hành trạng và tư tưởng Phật học của Tổ sư Hoán Bích – Nguyên Thiều
Lịch sử, Nghiên cứu

Thiền sư Nguyên Thiều được biết là một vị tổ sư, cao tăng gốc Trung Hoa thuộc thế hệ thứ 33 dòng thiền Lâm Tế, đã sang Việt Nam hoằng đạo ở Đàng Trong vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh (1627-1789) và giúp phục hồi Phật giáo Xứ Đàng Trong.  1. Vấn đề về hành...

Chùa Diệu Ðế và hai bài thơ liên quan vừa được tìm thấy trong Cống Thảo Viên Tập của Nguyễn Phúc Miên Cư
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Trong dòng chảy lịch sử, văn hóa, văn học Việt Nam, có không ít những công trình kiến trúc từ lâu đã trở thành kinh điển, đại diện cho tinh thần và tư duy của một triều đại với những thăng trầm bi hùng. Không chỉ thế, nó còn mang xu hướng linh thiêng, là...

Mối liên hệ về chữ “Hiếu” trong Nho giáo và văn hóa Lễ Vu Lan ở Trung Quốc: từ thế tục tới tính thiêng!
Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt Phật giáo được truyền bá từ Ấn Độ sang Trung Quốc vào thời nhà Hán (202 TCN – 220 CN); kết hợp các nền văn hóa bản địa cố hữu, Phật giáo dần trở thành một tôn giáo có sức ảnh hưởng lớn ở Trung Quốc. Trong thời kỳ Phật giáo sơ truyền,...

Xu thế biến đổi trong Kiến trúc, cảnh quan chùa Huế
Kiến trúc-Mỹ thuật, Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Phật giáo Huế với một bề dày lịch sử, gắn liền với thăng trầm vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân xưa, đã hàm chứa, bảo tồn được nét riêng có trên nhiều mặt của yếu tính truyền thống Phật giáo. Tuy nhiên, trong chiều hướng phát triển của xã hội thì trong...