Người xuất gia mang trên mình pháp tướng đầu tròn, áo vuông, nguyện hủy hình để khác biệt với thế thường, sống đời thoát tục. Chưa nói đến tâm giải thoát hay tuệ giải thoát vốn ẩn tàng, sâu kín bên trong, hãy xem các hình thức bên ngoài như uy nghi và ứng xử trong đời sống hàng ngày thì phần nào cũng biết được công phu của hàng xuất sĩ.
Thực hành uy nghi đúng như pháp có vai trò rất quan trọng với người xuất gia. Nhiều khi, người xuất gia chỉ cần thể hiện uy nghi thật vững chãi thì đó cũng là những pháp thoại vô ngôn tuyệt vời. Và cũng lắm khi, sự chểnh mảng hay sơ thất về uy nghi sẽ khiến cho người xuất gia tự đánh mất mình, người tại gia mất lòng tin, thậm chí khiến cho người đời chê cười.
Khi người xuất gia có sơ thất về uy nghi và ứng xử, Thế Tôn gọi đó là pháp hủy nhục; tự mình hủy hoại thanh danh và hạ thấp phẩm giá của mình. Có năm pháp hủy nhục dễ dàng hiện hữu trong đời sống xuất gia, đó là “tóc dài, móng tay dài, y phục bẩn thỉu, chẳng biết thời nghi, nói năng nhiều”.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Sa-môn xuất gia có năm pháp hủy nhục. Thế nào là năm? Đầu tóc dài, móng tay dài, y phục bẩn thỉu, chẳng biết thời nghi, nói năng nhiều.
Vì sao thế? Tỳ-kheo có nhiều luận thuyết lại có năm việc. Thế nào là năm? Người chẳng tin lời, chẳng nhận lời dạy, người chẳng ưa gặp, nói láo, cãi lộn kia đây.
Đó là người nói năng nhiều có năm việc này. Tỳ-kheo nên từ bỏ năm điều này. Chớ có tưởng tà. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm 34, Đẳng kiến, VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.328)
Lời bàn:
Mới hay, có những thứ thuộc về hình thức rất bình thường, với một số người thực chẳng đáng để bận tâm, ấy vậy mà Thế Tôn lại quan tâm, khẳng định đó là pháp hủy nhục Sa-môn. Như người xuất gia mà đầu tóc dài. Nói là dài nhưng kỳ thực vẫn ngắn nhưng vì hàng nửa tháng không cạo, khiến đầu không “tròn” nên kém khuyết hảo tướng xuất gia, giống với thế tục hơn.
Rồi người xuất gia mà để móng tay dài, ăn mặc thì bẩn thỉu, rách rưới như các đạo sĩ lang thang khổ hạnh, những hình thức này không phù hợp với phép “hủy hình” của Sa-môn. Thực tế thì Thế Tôn luôn khuyến tấn hàng đệ tử sống thiểu dục, tri túc chứ không khuyến khích khổ hạnh hay chạy theo các hình thái dị thường, vì đó chính là pháp hủy nhục.
Lại nữa, người xuất gia mà không biết thời nghi, ra vào đến đi hay làm các việc một cách tùy tiện, không hợp thời, chẳng phải lúc cũng là tự hủy nhục. Nếu không tu tập chánh ngữ thì càng nguy hơn. Nói nhiều mà không chánh ngữ, thiếu ái ngữ thì thà không nói hoặc kiệm lời, ít nói. Vì sao? Nói nhiều thì lỗi nhiều. Khi chưa đạt đến biện tài thì sự nói nhiều rất dễ rơi vào các lỗi “người chẳng tin lời, chẳng nhận lời dạy, người chẳng ưa gặp, nói láo, cãi lộn kia đây”.
Ai cũng biết tướng tự tâm sinh. Cho nên luôn tự điều chỉnh, rèn luyện về uy nghi, ứng xử, nói năng cho chuẩn mực là pháp hành quan trọng của người xuất gia. Chỉ trừ một vài trường hợp đặc biệt, các bậc Thánh hiển bày phương tiện phá tướng để tùy duyên giáo hóa, còn lại tất cả chúng ta đều cần nương vào tướng để sửa tâm. Tướng hư thì tâm hoại, nên Thế Tôn thường căn dặn “Tỳ-kheo nên từ bỏ năm điều này. Chớ có tưởng tà”.
Quảng Tánh