Nghệ thuật khảm sành sứ được biết đến sớm nhất vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, do Lê Quý Đôn nhắc đến trong tác phẩm Phủ biên tạp lục: “Ở điện Trường Lạc, hiên Duyệt Võ, mái lớn nguy nga, đài cao rực rỡ… tường trong tường ngoài đều xây dày mấy thước, lấy vôi và mảnh sứ đắp thành hình rồng phượng, lân hổ, có hoa…”. Nghệ thuật này ngày càng phát triển dưới triều Nguyễn và thời Pháp thuộc, trở thành đặc trưng của phong cách mỹ thuật Huế lúc bấy giờ. “Trước các công đường bản xứ có hai trụ lớn với đầu trụ có đắp nổi một cách mộc mạc hình lân hay rồng, chỉ lối đi vào chính giữa tức là lối đi danh dự, mà cách đó không được mấy bước thì đã bị chắn lại bởi một cái bình phong bằng gạch mang hình một con hổ hay một con phượng được ghép bằng mảnh sành xanh một cách tài tình, biểu hiện của quyền quy và tri thức”.

Với tiền đề từ khảm sành sứ Huế, nghệ thuật này dần phát triển lan rộng vào phía Nam và ngày càng phổ biến ở Nam bộ, với những công trình tiêu biểu tại vùng Sài Gòn – Gia Định, như: lăng Ông Bà Chiểu, Nhị Phủ miếu, chùa Giác Lâm,…. Trong đó, nghệ thuật khảm sành sứ ở chùa Giác Lâm là khác biệt và nổi bật hơn cả.

NGUỒN GỐC GỐM KHẢM Ở CHÙA GIÁC LÂM

Chùa Giác Lâm xưa kia tọa lạc ở xã Phú Thọ Hòa, tổng Dương Hòa Thượng, quận Tân Bình, xây dựng vào thế kỷ XVIII và được Trịnh Hoài Đức nhắc đến trong Gia Định thành thông chí. “Chùa tọa lạc trên gò Cẩm Sơn, cách phía Tây lũy Bán Bích ba dặm…, cây cao như rừng, hoa nở tựa gấm, sáng chiều mây khói nổi bay quanh quất, địa thế tuy nhỏ mà nhã thú. Mùa xuân Giáp Tý năm thứ 7 triều vua Thế Tông (tức Chúa Nguyễn Phước Hoạt – 1774), ông Lý Thoại Long người xã Minh Hương, cúng tiền xây dựng chùa viện trang nghiêm nhà thiền thanh vắng. Vào dịp tiết đẹp thanh minh (mồng 6 tháng 3 âm lịch), trùng cửu (mồng 9 tháng 9 âm lịch), thi nhân, du khách, tụm năm, tụm ba mở tiệc rượu ngồi ngắm hoa, nâng chén quỳnh mà ngâm vịnh. Trông xuống phố chợ bụi bặm xa cách vượt ngoài tầm mắt, thật đáng du ngoạn thưởng thức.

Gần đây, có Đại lão Hòa thượng Viên Quang, đời thứ 36 dòng Thiền Lâm Tế chính tông là bậc chân tu kiên trì mật hạnh. Từ thuở ấu thơ đến lúc cao tuổi, càng ngày càng tinh tiến. Tính ngài thích mây khói, suối đá nên bước chân hiếm khi đặt đến chốn thành thị ồn ào. Từ lúc gậy Thiền bay đến đây, trong núi dứt phiền não, dưới rừng xây Chùa Phật. Năm Gia Long thứ 15 (1816), Ngài mở giới đàn lớn, từ đó thiện nam tín nữ quy y đông đảo nên cửa Thiền càng phát triển, thịnh vượng”.

Ngay cạnh chính điện, tháp tổ Hồng Hưng cũng gắn hơn 1.000 đĩa trang trí

Từ khi xây dựng đến năm 1945, chùa đã trải qua ba lần trùng tu. Lần thứ nhất vào năm 1798 do Thiền sư Viên Quang tiến hành, chủ yếu trùng tu làm mới khung sườn, cột gỗ của chùa. Lần thứ hai vào khoảng năm 1900 – 1909, do hòa thượng Hồng Hưng đứng ra lãnh nhiệm, sử dụng chất liệu xi măng và áp dụng nghệ thuật khảm trang trí. Lần thứ ba trong khoảng năm 1939 – 1945, chủ yếu xây lại vách và tiếp tục khảm.

Thông qua chất liệu đồ gốm dùng để khảm, khi đối chiếu với các dòng gốm nội địa và nhập vào nước ta giai đoạn này, có thể khẳng định tác phẩm khảm sành sứ độc đáo ở chùa Giác Lâm có nguồn nguyên liệu chủ yếu gồm gốm sứ Lái Thiêu và Trung Quốc.

Gốm Lái Thiêu mang phong cách mộc mạc, dân dã. Đây là những sản phẩm gia dụng, đậm tính dân gian, phục vụ mọi tầng lớp xã hội, nên người thợ gốm được tự do phóng bút, không ràng buộc theo khuôn mẫu nhất định. Hình họa chủ yếu thể hiện lối tả thực, bút pháp uốn lượn nhanh nhẹn, dứt khoát và đôi chút ngẫu hứng khiến hoa văn gốm thêm sinh động. Người thợ gốm lấy hình ảnh thực tế của vùng đất Nam bộ, như: con gà, cây chuối, hoa cúc,… để làm cảm hứng sáng tác tạo nên những tranh gốm hồn nhiên, gần gũi. Khi so sánh gốm Lái Thiêu với gốm khảm chùa Giác Lâm thì có rất nhiều điểm tương đồng. Có lẽ bởi những đặc trưng của gốm Lái Thiêu phù hợp với yêu cầu của nghệ thuật khảm sành sứ chùa Giác Lâm nên đã được chọn là vật liệu chính dùng để khảm.

Ngoài gốm nội địa, thông qua quan sát màu men và xương gốm, gốm khảm chùa Giác Lâm còn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Vào thế kỷ XIX, các dòng gốm Trung Quốc xuất khẩu sang nước ta chủ yếu là các sản phẩm với mẫu hình riêng, làm theo đơn đặt hàng của nhà Nguyễn để phục vụ cung đình là chính, một số ít được sử dụng trong dân gian. Gốm thường có hoa văn mang phong cách, điển tích Trung Quốc.

Nếu ở Huế, dòng gốm khảm chủ yếu là gốm nhập Trung Quốc và thủy tinh màu thì chùa Giác Lâm ưu tiên gốm nội địa. Gốm Trung Quốc chỉ tô điểm cho nội dung phong phú, đa dạng hơn. Khả năng tài chính cũng phần nào tác động nhưng tinh thần dùng đồ trong nước vẫn được Thiền sư Hồng Hưng chú trọng và trở thành nét đặc trưng trong kiến trúc khảm sành sứ ở Nam bộ.

ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT KHẢM SÀNH SỨ CHÙA GIÁC LÂM:

Ở chùa Giác Lâm, sành sứ được khảm ở kiến trúc chùa và khu tháp mộ, nổi bật nhất là tháp mộ của Thiền sư Hồng Hưng. Trong kiến trúc chùa, gốm khảm dàn trải dọc theo toàn bộ bờ tường, nhất là mi cửa ở trai đường và bốn mặt sân Thiên Tĩnh, với ba loại hình gốm chính: đĩa, muỗng và khay trà. Trong đó, khoảng 33 loại đĩa gốm có hoa văn khác nhau được dùng, chủ yếu là đĩa hình tròn, đĩa hột xoài và oval khuyết.

Về hoa văn trang trí, riêng gốm Lái Thiêu sử dụng phổ biến hình ảnh thực vật: hoa cúc, hoa mai, hoa hồng, hoa sen, trái Phật thủ… Động vật có cá, chim hạc, chim sẻ. Một vài đĩa kết hợp động – thực vật tạo nên chủ đề: ngư tảo (cá và rong)…. Phong cảnh thường mang nội dung tranh thủy mặc Trung Quốc với núi sông hùng vĩ. Điển tích Trung Quốc chỉ thấy hình ảnh “Trúc lâm thất hiền”, “Lã Vọng câu cá”, “Đằng vương các” hoặc tô điểm vài hình ảnh ước lệ như: ngôi nhà, chiếc thuyền…

Về cách thức thực hiện, nếu như ở Lăng Ông Bà Chiểu hoặc Miếu Nhị Phủ thường đập nhỏ hiện vật gốm rồi gắn lên tường thì tại chùa Giác Lâm hầu như để nguyên đĩa gốm và khảm lên vách. Một phần vì nguyên liệu ở Lăng Ông Bà Chiểu và Miếu Nhị Phủ chủ yếu là thủy tinh, không có hoa văn, chỉ tạo hiệu ứng tốt nhất khi đập nhỏ rồi gắn lên; còn đĩa gốm chùa Giác Lâm có hoa văn, bề mặt phẳng thuận lợi để khảm trực tiếp lên vách. Ngoài ra, cách thức đập nhỏ cũng hao tốn nhiều tiền của và công sức hơn. Miếu Nhị Phủ là nơi hội họp của các ban hội thương nhân người Hoa, còn lăng Ông Bà Chiểu thờ Lê Văn Duyệt – vị đại thần triều Nguyễn. Nguồn kinh phí từ thương nhân và triều đình dồi dào hơn nhiều so với công quả người dân đóng góp vào chùa, khi so sánh với chùa Giác Lâm. Thiền sư Hồng Hưng chọn phương pháp khảm sành sứ nguyên hình dạng vừa tiết kiệm, vừa nhanh mà vẫn rất thẩm mỹ và thể hiện được nội dung Phật giáo.

Một điểm quan trọng của nghệ thuật khảm sành sứ ở chùa Giác Lâm là nội dung thể hiện của gốm khảm hợp nhất với khối kiến trúc chùa. Với Phật giáo, một trong những giới luật là không sát sanh nên đa số đĩa gốm ở chùa có hoa văn thực vật. Hoa (puspa) trong quan niệm Phật giáo là một trong sáu phẩm vật cúng dường tượng trưng cho vạn hạnh và làm trang nghiêm Phật quả. Lấy sáu thứ đồ cúng để phối hợp với sáu Ba La Mật, hoa tương ứng với nhẫn nhục Ba La Mật vì hoa mềm mại, nhu nhuyễn khiến lòng người khoan hòa.

Quả (phala), là từ đối lại với nhân. Hết thảy các pháp hữu vi là trước sau tiếp nối. Nên với nguyên nhân trước mà nói thì các pháp sinh ra về sau là quả “trạch diệt”, tức “Niết bàn”. Tuy là pháp vô vi nhưng do đạo lực chứng ngộ, cho nên gọi là quả. Am la là tên một loại quả. Trong Duy Mã Kinh Phật Quốc, phẩm Thập Chú ghi lại rằng cây Am la có quả giống quả đào, hoa rất nhiều nhưng kết quả rất ít. Trong 33 loại hoa văn đã nêu, có một loại đĩa mang hình quả này với chữ “Phước” ở giữa.

Chính những tư tưởng, quan niệm ấy đã ảnh hưởng đến việc lựa chọn nguồn gốm khảm sao cho phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ, mà vẫn thể hiện tư tưởng về thế giới quan, nhân sinh quan của đạo Phật, vừa gần gũi vừa hướng thiện hành đạo cho chúng sinh.

Điều này còn được thể hiện ở tổng thể, khi các đĩa hoa cúc, hoa sen,… – những loài thực vật nhỏ bé, thanh tao được khảm chung với đĩa rồng, tùng bách và con người. Con người trong thế giới được ví như một đóa hoa có hương thơm, màu sắc, dáng vóc, tâm tư riêng biệt nhưng luôn hòa mình với hàng triệu đời sống khác trên Trái Đất. Hệ tư tưởng thế giới đại đồng không chỉ áp dụng cho thế giới thực vật, mà còn ý chỉ thế giới con người. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều một lòng hướng thiện, tin vào Phật pháp thì cánh cửa ở cõi Niết Bàn vẫn luôn rộng mở.

Trong Phật giáo, các Tăng sĩ thường dâng hoa cúng Phật vào các lễ tiết vì hoa vốn tinh khiết, đẹp đẽ, tự tại như tâm người giác ngộ. Nếu áp dụng cách khảm các đĩa có hoa văn là các loài hoa và thực vật thì chúng sẽ trường tồn, không sợ bị phai tàn theo năm tháng. Thế giới thực vật không chỉ tô điểm cho đời mà con người còn tiếp nhận vẻ trong sáng, tâm thanh tịnh từ nó. Sử dụng nhiều đĩa hoa văn thực vật, phải chăng tác giả dân gian muốn truyền đạt tâm niệm đó đến người thưởng thức?

Ngoài những hình ảnh thực vật đơn lẻ, đĩa gốm còn mang hình ảnh phong cảnh thiên nhiên. Đạo Phật quan niệm: “Cảnh là nơi mà tâm có thể vịn vào. Ví dụ: Sắc là nhãn thức vịn vào thì gọi là sắc cảnh, pháp là nơi ý thức vịn vào đó gọi là pháp cảnh. Sách Huyền Nghĩa nói rằng bởi vì cảnh kỳ diệu nên trí cũng kỳ diệu theo. Bởi vì pháp thường hằng nên Phật cũng thường hằng theo”. Nhất cơ là nhất cảnh, cơ là cái thuộc về bên trong và đọng lại ở tâm. Cảnh là cái bên ngoài và hiện rõ ở hình. Ví như khói là cảnh, nhìn thấy khói biết có lửa là cơ.

Khi quan sát cảnh trong đĩa, ta sẽ có sự liên tưởng nhất định về cảnh vật xung quanh. Với cuộc sống bộn bề, việc viếng cảnh chùa trước là lễ Phật để tìm nơi nương tựa đức tin, sau thì tìm chốn bình yên mà suy tưởng. Trong các đĩa gốm khảm có hoa văn phong cảnh, đa số mang bóng dáng tranh thủy mặc Trung Quốc với núi sông là chính, hình ảnh con người chỉ mang tính tượng trưng, ước lệ như ngôi nhà, con thuyền. Những hình ảnh ấy không chỉ làm tốt chức năng thẩm mỹ mà còn góp phần truyền đạt giáo lý nhà Phật đến Phật tử xa gần.

Chùa Giác Lâm theo dòng phái Thiền của đạo Phật nên ngoài một số tư tưởng cơ bản chung, còn có những nét riêng thể hiện tính thiền tồn tại trong nghệ thuật khảm. Thiền tông dạy con người có thể tìm thấy hạnh phúc và thành công bằng cách sống hòa hợp thiên nhiên, theo pháp môn “Dĩ tâm truyền tâm”. Một nét đặc trưng không thể thiếu trong tư tưởng và nghệ thuật của thiền là hướng về phong cảnh thiên nhiên, gần gũi nhưng vô cùng thâm thúy. Con người được tạo ra từ tự nhiên và phát triển tốt nhất khi hòa hợp với tự nhiên, thay vì cố gắng nắm giữ nó. Những đĩa gốm chùa Giác Lâm ít nhiều mang văn hoa núi đồi, tiêu biểu là ngọn Hùng Nhĩ Sơn. Đây là ngọn núi ở phía nam Lô Chi (Hà Nam), tiếp giáp Vĩnh Ninh (Lạc Dương) tại Trung Quốc, do núi dựng đứng như tai gấu nên được gọi là Hùng Nhĩ Sơn. Tháp của Tổ Đạt Ma được xây ở núi này.

Ngoài ra, hình thức hội họa của nghệ thuật thiền thường vẽ trong một hình tròn được hiển thị nấc thang tu hành của kẻ phàm phu. Vòng tròn thể hiện vô thủy vô chung, bất sanh bất diệt. Các đĩa gốm khảm ở chùa Giác Lâm đa số hình tròn. Tuy nhiên vẫn có những sự biến tấu, chỉ có gốm Trung Quốc là dùng hình tròn, còn gốm Việt có thêm hình oval và oval khuyết. Sự biến đổi này phải chăng hàm chứa ý nghĩa canh tân, thể hiện tính bứt phá của gốm Việt ra khỏi khuôn khổ vốn dĩ quá nổi tiếng của gốm Trung Quốc thời kỳ bấy giờ.

Làm nên nghệ thuật khảm gốm chùa Giác Lâm không thể không kể đến vai trò người thợ gốm. Ngoài sự kế thừa tranh phong thủy Trung Quốc, bản ngã của người thợ gốm Việt cũng được thể hiện. Khi so sánh với nét vẽ trên gốm Trung Quốc, nét vẽ ở gốm Lái Thiêu tự do, phóng khoáng, không gò bó, quy chuẩn. Cách tạo màu men cũng mang sắc thái riêng, vẫn là tranh phong thủy nhưng nét vẽ bằng mực tàu có sự loan tỏa và độ nhòe nhất định, không quá sắc nét như gốm Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các đĩa gốm khảm chùa Giác Lâm ngoài tinh thần Phật giáo, còn mang tư tưởng Nho giáo và Đạo giáo. Tinh thần Đạo giáo được thể hiện ở nhiều đĩa gốm có hoa văn mang hình bảy ông tiên “Trúc lâm thất hiền”. Còn Nho giáo cũng xuất hiện với một số điển cố, điển tích. “Tuế hàn tùng bách” là đề tài bắt nguồn từ luận ngữ Tử Hãn có câu: “Tuế hàn, nhiên hậu tri tùng bách chi hậu điêu dã” (mùa đông vào tháng chạp tiết trời lạnh giá, mới biết cây tùng, cây bách rụng lá sau cùng) nhằm ví hình ảnh “tùng bách” với người quân tử giữ vững tiết tháo trước nghịch cảnh khó khăn. “Thái công điếu ngư” (Lã vọng câu cá): Vào thế kỷ XI TCN, vua Trụ hoang dâm vô đạo, Khương Tử Nha từ quan chờ thời, ngồi câu cá bên bờ sông. Vị bằng lưỡi câu thẳng, không mồi, đặt cách mặt nước ba thước, về sau ông được Tây bá hầu Cơ Xương mời về phò tá và phong làm Thái công, lập nên nhà Chu; điển tích trên nhắc người đời về hai chữ trung quân của người quân tử.

Một điều làm nên nét nổi bật ở nghệ thuật khảm gốm chùa Giác Lâm là triết lý âm dương trong lối khảm. Nếu như lăng Lê Văn Duyệt và miếu Nhị Phủ dùng lối khảm nổi, thì chùa Giác Lâm hầu hết là khảm âm vách, tạo độ lõm nhất định. Âm tương đương với tĩnh, nhấn mạnh đời sống nội tâm bên trong con người. Khảm âm tạo nên hiệu ứng ánh sáng khi mặt trời chiếu vào, sẽ có một bên tối một bên sáng, tương đương cho hai yếu tố âm dương. Yếu tố âm dương còn được cài cắm ở cách bài trí các ô hình vuông ở giảng đường và kiểu bố trí đan xen bốn đĩa oval, một đĩa tròn ở giữa một hình vuông trên tháp mộ. Hai yếu tố vuông tròn luôn đan xen với nhau.

Có thể nói, nghệ thuật khảm sành sứ ở chùa Giác Lâm là kết quả của sự hội tụ văn hóa, tiếp thu tất cả những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần, sau đó được cách tân, biến đổi thành nét đặc trưng riêng.

Thứ nhất, nghệ thuật khảm sành sứ đã xuất hiện từ thời các chúa Nguyễn và khá phổ biến ở nhiều nơi, tiêu biểu là ở chùa Giác Lâm, tuy có những khác biệt theo thời gian nhưng vẫn bảo lưu những nét vốn có thuở ban đầu.

Thứ hai, Giác Lâm là ngôi chùa cổ Nam bộ, có sự kết hợp đậm nét văn hóa Hoa – Việt nên nghệ thuật khảm ở chùa vừa thể hiện nội dung tôn giáo với tư tưởng “tam giáo đồng nguyên”, vừa là ví dụ cho sự giao lưu văn hóa khi tư tưởng phương Đông kết hợp khoa học kỹ thuật phương Tây.

Thứ ba, nét nổi trội trong nghệ thuật khảm sành sứ chùa Giác Lâm được biểu hiện qua cách trang trí tháp tổ Thiền sư Hồng Hưng. Tháp tổ ở các chùa miền Bắc hay miền Trung được trang trí đơn giản, không cầu kỳ, công phu; nét cách tân cũng thể hiện ở chỗ các chùa miền Bắc – Trung thường chú trọng vào nghệ thuật điêu khắc gỗ và đá thay vì khảm sành sứ như ở miền Nam. Tất cả những yếu tố đã tạo nên nét riêng của nghệ thuật khảm sành sứ chùa Giác Lâm. Sau nhiều thăng trầm lịch sử, chùa Giác Lâm vẫn giữ được nét cổ kính, uy nghiêm, là một thắng tích thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, chiêm bái, tìm hiểu lịch sử và chiêm ngưỡng nét nghệ thuật khảm sành sứ đặc trưng.

Lam Phương/ Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo

Chú thích:

* Th.S Đào Ngọc Lam Phương – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM).

1. Lê Quý Đôn (2007), Phủ biên tạp lục, Viện Sử học, Nxb Văn hóa Thông tin, tr.145 – 146.
2. H. Deletie (1997), Những người bạn cố đô Huế (tập 13), Đặng Như Tùng dịch, Nxb Thuận Hóa, tr.139.
3. Hiện tại, Chùa Giác Lâm tọa lạc ở 118 dường Lạc Long Quân, quận Tân Bình, TP.HCM, được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia.
4. Trịnh Hoài Đức (1998), Gia Định thành thông chí, Nxb Giáo dục, tr.183.
5. Kim Cương Tử (chủ biên) (1998), Từ điển Phật học, Nxb Khoa học Xã hội, tr.496.
6. Kim Cương Tử, Sđd, tr.1029.
7. Kim Cương Tử, Sđd, tr.48.
8. Kim Cương Tử, Sđd, tr.159
9. Kim Cương Tử, Sđd, tr.987
10. Hân Mẫn – Thông Thiên (2002), Từ điển thiền tông Hán Việt, Nxb TP HCM.
11. Lưu Lực Sinh (2002), Từ điển điển cố Trung Hoa, Nxb Văn hóa Thông tin, tr.269 và 379.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Chính quyền Chúa Nguyễn với các ngôi chùa Sắc tứ ở Đàng Trong (giai đoạn 1558-1777)
Lịch sử, Nghiên cứu

Các chùa sắc tứ luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền chúa Nguyễn, mặt khác, thông qua các hoạt động và thực hành nghi lễ Phật giáo với quy mô lớn, thời kỳ này các ngôi chùa sắc tứ đã tỏ rõ vai trò quan trọng trong việc xiển dương Phật...

Đi tìm cơ sở truyền thừa của Ni giới tại Việt Nam qua thư tịch Hán cổ
Lịch sử, Nghiên cứu

Lịch sử truyền thừa của Ni giới ở một số bộ phái Phật giáo nói chung mãi đến hôm nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa thể lý giải trọn vẹn. Ngay như tại Việt Nam, do đặc thù của các điều kiện lịch sử, thế nên nhiều nguồn thư tịch quý giá cổ xưa...

Hai bảo vật quốc gia ở chùa Sùng Khánh và chùa Bình Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Vị Xuyên – Hà Giang không chỉ nổi tiếng về phong cảnh thiên nhiên phong phú, nhiều phong tục tập quán, văn hóa truyền thống và những di tích lịch sử mang đậm nét bản sắc dân tộc, mà còn nhiều điểm du lịch tâm linh như: Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, đền thờ...

Chủ nghĩa Platon và giáo lý đạo Phật
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Thời đó, khoa học chưa phát triển, máy móc còn thô sơ nhưng họ hướng tới sự tìm tòi thế giới, bản tính con người một cách sâu sắc. Phật pháp ở thế gian, không xa sự giác ngộ của thế gian, tuy hai nền triết học khác nhau nhưng đều chung tư tưởng giúp...

Chấn hưng Phật giáo – Con đường truyền bá tư tưởng yêu nước của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Lịch sử, Nghiên cứu

Trong hành trình phương Nam, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã tích cực tham gia và có nhiều đóng góp quan trọng cho phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ… Tóm tắt: Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một người yêu nước. Trong hành trình trên mảnh...

Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian qua trường hợp Thiền sư Từ Đạo Hạnh
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian ở vùng đồng bằng sông Hồng qua trường hợp thiền Sự Từ Đạo Hạnh đã tạo nên hỗn hợp Phật – Thánh mang tính quy chuẩn từ kiến trúc không gian thờ tự cho đến nội dung tôn giáo, trở thành một tổng thể tương đối...

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên… Tín ngưỡng thờ...

Bước đầu khảo cứu mộc bản kinh sách Phật giáo Đàng Trong thời chúa Nguyễn
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Thông qua hoạt động tổ chức khắc in kinh sách, chúng ta thấy được mối quan hệ mật thiết giữa chính quyền chúa Nguyễn với các vị cao tăng, bên cạnh đó là mối quan hệ gắn bó, cầu tiến, giúp đỡ lẫn nhau giữa các vị sư tăng ở các tông phái khác nhau....

Quá trình phát triển giáo dục Phật giáo miền Nam 1954-1981
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Giáo dục Phật giáo là nền tảng cho mọi hoạt động hoằng pháp của tăng ni, tri thức giúp họ gặt hái được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp truyền thừa mạng mạch phật pháp. Lời mở đầu Lịch sử Việt Nam được hình thành và phát triển trên hai nghìn năm văn...

Bồ-tát Quán Thế Âm Trong Văn Hóa Tín Ngưỡng Của Người Việt
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Đức Quán Thế Âm trở nên thân thiết trong đời sống của người dân Việt đến mức trong sâu thẳm trái tim của mỗi người đều có hình ảnh về vị Bồ-tát luôn đầy lòng bi mẫn này. Ngài là một đối tượng tín ngưỡng thiêng liêng nhưng đồng thời là một người Mẹ thân thương luôn là chỗ dựa cho con cái trên đường đời lắm thác ghềnh,...

Thuyết tái sinh góp phần xây dựng giá trị đạo đức xã hội
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Theo nhân quả nghiệp báo thì một hành động thiện sẽ dẫn đến các cảnh giới tái sinh tốt đẹp, do đó, tinh thần bất bạo động được xây dựng dựa trên nền tảng từ bi vô ngã trí tuệ của Phật giáo. Tóm tắt: Thuyết tái sinh và nghiệp báo là một trong những chủ...

Hòa thượng Tâm An phụng sự Đạo pháp và Dân tộc
Danh Tăng, Lịch sử, Nghiên cứu

Từ những buổi đầu Phật giáo suy vi, dân tộc chịu ách thống trị của thực dân Pháp, ngài tham gia cuộc chấn hưng Phật giáo Bắc Kỳ. Khi có Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, ngài tích cực tham gia phong trào Phật giáo Cứu Quốc. Dẫn nhập Phật...

Ảnh hưởng của đạo Phật đến các giá trị văn hóa xã hội
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Sự nhấn mạnh vào nhận thức bản thân, từ bi tâm và công lý xã hội đã biến đạo Phật thành một động lực kiên cường cho sự chuyển hoá tích cực. Đạo Phật ra đời ở Ấn Độ từ thế kỷ thứ 6 trước Tây lịch, trong điều kiện xã hội phân chia theo chế...

Những đóng góp của triều đại nhà Trần đối với Phật giáo Việt Nam về văn hoá, tư tưởng
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Triều đại nhà Trần không chỉ là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong công cuộc khôi phục và phát triển đất nước, mà còn là thời kỳ đánh dấu sự thăng hoa của Phật giáo trong mọi lĩnh vực văn hóa, giáo dục và tinh thần của dân tộc. Chương I. Khái quát...

Các thiền sư thời Lê sơ và sự nỗ lực chấn hưng truyền thống văn hóa dân tộc Đại Việt
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước, đánh bạt âm mưu xâm lược, nô dịch văn hóa của thế lực phương bắc ngay từ những thế kỷ đầu. Tóm tắt Phật giáo thời Lê sơ (1428 – 1527) tuy ít được triều đình...

Hoà thượng Tâm Ấn Vĩnh Thừa Thiền – Tịnh – Mật tam hành
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Tóm tắt: Sự biến động về chính trị, xã hội của Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XIX đã ảnh hưởng rất nhiều đến Phật giáo nước nhà, nên tông chỉ tu tập giữa các tông phái dần bị phai mờ, mất đi ranh giới mà thay vào đó là sự pha lẫn, hoà...

Ads Blocker Image Powered by Code Help Pro

Đã phát hiện trình chặn quảng cáo!!!

Chúng tôi đã phát hiện thấy bạn đang sử dụng tiện ích mở rộng để chặn quảng cáo. Vui lòng hỗ trợ chúng tôi bằng cách vô hiệu hóa các trình chặn quảng cáo này.