Nghệ thuật khảm sành sứ được biết đến sớm nhất vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, do Lê Quý Đôn nhắc đến trong tác phẩm Phủ biên tạp lục: “Ở điện Trường Lạc, hiên Duyệt Võ, mái lớn nguy nga, đài cao rực rỡ… tường trong tường ngoài đều xây dày mấy thước, lấy vôi và mảnh sứ đắp thành hình rồng phượng, lân hổ, có hoa…”. Nghệ thuật này ngày càng phát triển dưới triều Nguyễn và thời Pháp thuộc, trở thành đặc trưng của phong cách mỹ thuật Huế lúc bấy giờ. “Trước các công đường bản xứ có hai trụ lớn với đầu trụ có đắp nổi một cách mộc mạc hình lân hay rồng, chỉ lối đi vào chính giữa tức là lối đi danh dự, mà cách đó không được mấy bước thì đã bị chắn lại bởi một cái bình phong bằng gạch mang hình một con hổ hay một con phượng được ghép bằng mảnh sành xanh một cách tài tình, biểu hiện của quyền quy và tri thức”.

Với tiền đề từ khảm sành sứ Huế, nghệ thuật này dần phát triển lan rộng vào phía Nam và ngày càng phổ biến ở Nam bộ, với những công trình tiêu biểu tại vùng Sài Gòn – Gia Định, như: lăng Ông Bà Chiểu, Nhị Phủ miếu, chùa Giác Lâm,…. Trong đó, nghệ thuật khảm sành sứ ở chùa Giác Lâm là khác biệt và nổi bật hơn cả.

NGUỒN GỐC GỐM KHẢM Ở CHÙA GIÁC LÂM

Chùa Giác Lâm xưa kia tọa lạc ở xã Phú Thọ Hòa, tổng Dương Hòa Thượng, quận Tân Bình, xây dựng vào thế kỷ XVIII và được Trịnh Hoài Đức nhắc đến trong Gia Định thành thông chí. “Chùa tọa lạc trên gò Cẩm Sơn, cách phía Tây lũy Bán Bích ba dặm…, cây cao như rừng, hoa nở tựa gấm, sáng chiều mây khói nổi bay quanh quất, địa thế tuy nhỏ mà nhã thú. Mùa xuân Giáp Tý năm thứ 7 triều vua Thế Tông (tức Chúa Nguyễn Phước Hoạt – 1774), ông Lý Thoại Long người xã Minh Hương, cúng tiền xây dựng chùa viện trang nghiêm nhà thiền thanh vắng. Vào dịp tiết đẹp thanh minh (mồng 6 tháng 3 âm lịch), trùng cửu (mồng 9 tháng 9 âm lịch), thi nhân, du khách, tụm năm, tụm ba mở tiệc rượu ngồi ngắm hoa, nâng chén quỳnh mà ngâm vịnh. Trông xuống phố chợ bụi bặm xa cách vượt ngoài tầm mắt, thật đáng du ngoạn thưởng thức.

Gần đây, có Đại lão Hòa thượng Viên Quang, đời thứ 36 dòng Thiền Lâm Tế chính tông là bậc chân tu kiên trì mật hạnh. Từ thuở ấu thơ đến lúc cao tuổi, càng ngày càng tinh tiến. Tính ngài thích mây khói, suối đá nên bước chân hiếm khi đặt đến chốn thành thị ồn ào. Từ lúc gậy Thiền bay đến đây, trong núi dứt phiền não, dưới rừng xây Chùa Phật. Năm Gia Long thứ 15 (1816), Ngài mở giới đàn lớn, từ đó thiện nam tín nữ quy y đông đảo nên cửa Thiền càng phát triển, thịnh vượng”.

Ngay cạnh chính điện, tháp tổ Hồng Hưng cũng gắn hơn 1.000 đĩa trang trí

Từ khi xây dựng đến năm 1945, chùa đã trải qua ba lần trùng tu. Lần thứ nhất vào năm 1798 do Thiền sư Viên Quang tiến hành, chủ yếu trùng tu làm mới khung sườn, cột gỗ của chùa. Lần thứ hai vào khoảng năm 1900 – 1909, do hòa thượng Hồng Hưng đứng ra lãnh nhiệm, sử dụng chất liệu xi măng và áp dụng nghệ thuật khảm trang trí. Lần thứ ba trong khoảng năm 1939 – 1945, chủ yếu xây lại vách và tiếp tục khảm.

Thông qua chất liệu đồ gốm dùng để khảm, khi đối chiếu với các dòng gốm nội địa và nhập vào nước ta giai đoạn này, có thể khẳng định tác phẩm khảm sành sứ độc đáo ở chùa Giác Lâm có nguồn nguyên liệu chủ yếu gồm gốm sứ Lái Thiêu và Trung Quốc.

Gốm Lái Thiêu mang phong cách mộc mạc, dân dã. Đây là những sản phẩm gia dụng, đậm tính dân gian, phục vụ mọi tầng lớp xã hội, nên người thợ gốm được tự do phóng bút, không ràng buộc theo khuôn mẫu nhất định. Hình họa chủ yếu thể hiện lối tả thực, bút pháp uốn lượn nhanh nhẹn, dứt khoát và đôi chút ngẫu hứng khiến hoa văn gốm thêm sinh động. Người thợ gốm lấy hình ảnh thực tế của vùng đất Nam bộ, như: con gà, cây chuối, hoa cúc,… để làm cảm hứng sáng tác tạo nên những tranh gốm hồn nhiên, gần gũi. Khi so sánh gốm Lái Thiêu với gốm khảm chùa Giác Lâm thì có rất nhiều điểm tương đồng. Có lẽ bởi những đặc trưng của gốm Lái Thiêu phù hợp với yêu cầu của nghệ thuật khảm sành sứ chùa Giác Lâm nên đã được chọn là vật liệu chính dùng để khảm.

Ngoài gốm nội địa, thông qua quan sát màu men và xương gốm, gốm khảm chùa Giác Lâm còn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Vào thế kỷ XIX, các dòng gốm Trung Quốc xuất khẩu sang nước ta chủ yếu là các sản phẩm với mẫu hình riêng, làm theo đơn đặt hàng của nhà Nguyễn để phục vụ cung đình là chính, một số ít được sử dụng trong dân gian. Gốm thường có hoa văn mang phong cách, điển tích Trung Quốc.

Nếu ở Huế, dòng gốm khảm chủ yếu là gốm nhập Trung Quốc và thủy tinh màu thì chùa Giác Lâm ưu tiên gốm nội địa. Gốm Trung Quốc chỉ tô điểm cho nội dung phong phú, đa dạng hơn. Khả năng tài chính cũng phần nào tác động nhưng tinh thần dùng đồ trong nước vẫn được Thiền sư Hồng Hưng chú trọng và trở thành nét đặc trưng trong kiến trúc khảm sành sứ ở Nam bộ.

ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT KHẢM SÀNH SỨ CHÙA GIÁC LÂM:

Ở chùa Giác Lâm, sành sứ được khảm ở kiến trúc chùa và khu tháp mộ, nổi bật nhất là tháp mộ của Thiền sư Hồng Hưng. Trong kiến trúc chùa, gốm khảm dàn trải dọc theo toàn bộ bờ tường, nhất là mi cửa ở trai đường và bốn mặt sân Thiên Tĩnh, với ba loại hình gốm chính: đĩa, muỗng và khay trà. Trong đó, khoảng 33 loại đĩa gốm có hoa văn khác nhau được dùng, chủ yếu là đĩa hình tròn, đĩa hột xoài và oval khuyết.

Về hoa văn trang trí, riêng gốm Lái Thiêu sử dụng phổ biến hình ảnh thực vật: hoa cúc, hoa mai, hoa hồng, hoa sen, trái Phật thủ… Động vật có cá, chim hạc, chim sẻ. Một vài đĩa kết hợp động – thực vật tạo nên chủ đề: ngư tảo (cá và rong)…. Phong cảnh thường mang nội dung tranh thủy mặc Trung Quốc với núi sông hùng vĩ. Điển tích Trung Quốc chỉ thấy hình ảnh “Trúc lâm thất hiền”, “Lã Vọng câu cá”, “Đằng vương các” hoặc tô điểm vài hình ảnh ước lệ như: ngôi nhà, chiếc thuyền…

Về cách thức thực hiện, nếu như ở Lăng Ông Bà Chiểu hoặc Miếu Nhị Phủ thường đập nhỏ hiện vật gốm rồi gắn lên tường thì tại chùa Giác Lâm hầu như để nguyên đĩa gốm và khảm lên vách. Một phần vì nguyên liệu ở Lăng Ông Bà Chiểu và Miếu Nhị Phủ chủ yếu là thủy tinh, không có hoa văn, chỉ tạo hiệu ứng tốt nhất khi đập nhỏ rồi gắn lên; còn đĩa gốm chùa Giác Lâm có hoa văn, bề mặt phẳng thuận lợi để khảm trực tiếp lên vách. Ngoài ra, cách thức đập nhỏ cũng hao tốn nhiều tiền của và công sức hơn. Miếu Nhị Phủ là nơi hội họp của các ban hội thương nhân người Hoa, còn lăng Ông Bà Chiểu thờ Lê Văn Duyệt – vị đại thần triều Nguyễn. Nguồn kinh phí từ thương nhân và triều đình dồi dào hơn nhiều so với công quả người dân đóng góp vào chùa, khi so sánh với chùa Giác Lâm. Thiền sư Hồng Hưng chọn phương pháp khảm sành sứ nguyên hình dạng vừa tiết kiệm, vừa nhanh mà vẫn rất thẩm mỹ và thể hiện được nội dung Phật giáo.

Một điểm quan trọng của nghệ thuật khảm sành sứ ở chùa Giác Lâm là nội dung thể hiện của gốm khảm hợp nhất với khối kiến trúc chùa. Với Phật giáo, một trong những giới luật là không sát sanh nên đa số đĩa gốm ở chùa có hoa văn thực vật. Hoa (puspa) trong quan niệm Phật giáo là một trong sáu phẩm vật cúng dường tượng trưng cho vạn hạnh và làm trang nghiêm Phật quả. Lấy sáu thứ đồ cúng để phối hợp với sáu Ba La Mật, hoa tương ứng với nhẫn nhục Ba La Mật vì hoa mềm mại, nhu nhuyễn khiến lòng người khoan hòa.

Quả (phala), là từ đối lại với nhân. Hết thảy các pháp hữu vi là trước sau tiếp nối. Nên với nguyên nhân trước mà nói thì các pháp sinh ra về sau là quả “trạch diệt”, tức “Niết bàn”. Tuy là pháp vô vi nhưng do đạo lực chứng ngộ, cho nên gọi là quả. Am la là tên một loại quả. Trong Duy Mã Kinh Phật Quốc, phẩm Thập Chú ghi lại rằng cây Am la có quả giống quả đào, hoa rất nhiều nhưng kết quả rất ít. Trong 33 loại hoa văn đã nêu, có một loại đĩa mang hình quả này với chữ “Phước” ở giữa.

Chính những tư tưởng, quan niệm ấy đã ảnh hưởng đến việc lựa chọn nguồn gốm khảm sao cho phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ, mà vẫn thể hiện tư tưởng về thế giới quan, nhân sinh quan của đạo Phật, vừa gần gũi vừa hướng thiện hành đạo cho chúng sinh.

Điều này còn được thể hiện ở tổng thể, khi các đĩa hoa cúc, hoa sen,… – những loài thực vật nhỏ bé, thanh tao được khảm chung với đĩa rồng, tùng bách và con người. Con người trong thế giới được ví như một đóa hoa có hương thơm, màu sắc, dáng vóc, tâm tư riêng biệt nhưng luôn hòa mình với hàng triệu đời sống khác trên Trái Đất. Hệ tư tưởng thế giới đại đồng không chỉ áp dụng cho thế giới thực vật, mà còn ý chỉ thế giới con người. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều một lòng hướng thiện, tin vào Phật pháp thì cánh cửa ở cõi Niết Bàn vẫn luôn rộng mở.

Trong Phật giáo, các Tăng sĩ thường dâng hoa cúng Phật vào các lễ tiết vì hoa vốn tinh khiết, đẹp đẽ, tự tại như tâm người giác ngộ. Nếu áp dụng cách khảm các đĩa có hoa văn là các loài hoa và thực vật thì chúng sẽ trường tồn, không sợ bị phai tàn theo năm tháng. Thế giới thực vật không chỉ tô điểm cho đời mà con người còn tiếp nhận vẻ trong sáng, tâm thanh tịnh từ nó. Sử dụng nhiều đĩa hoa văn thực vật, phải chăng tác giả dân gian muốn truyền đạt tâm niệm đó đến người thưởng thức?

Ngoài những hình ảnh thực vật đơn lẻ, đĩa gốm còn mang hình ảnh phong cảnh thiên nhiên. Đạo Phật quan niệm: “Cảnh là nơi mà tâm có thể vịn vào. Ví dụ: Sắc là nhãn thức vịn vào thì gọi là sắc cảnh, pháp là nơi ý thức vịn vào đó gọi là pháp cảnh. Sách Huyền Nghĩa nói rằng bởi vì cảnh kỳ diệu nên trí cũng kỳ diệu theo. Bởi vì pháp thường hằng nên Phật cũng thường hằng theo”. Nhất cơ là nhất cảnh, cơ là cái thuộc về bên trong và đọng lại ở tâm. Cảnh là cái bên ngoài và hiện rõ ở hình. Ví như khói là cảnh, nhìn thấy khói biết có lửa là cơ.

Khi quan sát cảnh trong đĩa, ta sẽ có sự liên tưởng nhất định về cảnh vật xung quanh. Với cuộc sống bộn bề, việc viếng cảnh chùa trước là lễ Phật để tìm nơi nương tựa đức tin, sau thì tìm chốn bình yên mà suy tưởng. Trong các đĩa gốm khảm có hoa văn phong cảnh, đa số mang bóng dáng tranh thủy mặc Trung Quốc với núi sông là chính, hình ảnh con người chỉ mang tính tượng trưng, ước lệ như ngôi nhà, con thuyền. Những hình ảnh ấy không chỉ làm tốt chức năng thẩm mỹ mà còn góp phần truyền đạt giáo lý nhà Phật đến Phật tử xa gần.

Chùa Giác Lâm theo dòng phái Thiền của đạo Phật nên ngoài một số tư tưởng cơ bản chung, còn có những nét riêng thể hiện tính thiền tồn tại trong nghệ thuật khảm. Thiền tông dạy con người có thể tìm thấy hạnh phúc và thành công bằng cách sống hòa hợp thiên nhiên, theo pháp môn “Dĩ tâm truyền tâm”. Một nét đặc trưng không thể thiếu trong tư tưởng và nghệ thuật của thiền là hướng về phong cảnh thiên nhiên, gần gũi nhưng vô cùng thâm thúy. Con người được tạo ra từ tự nhiên và phát triển tốt nhất khi hòa hợp với tự nhiên, thay vì cố gắng nắm giữ nó. Những đĩa gốm chùa Giác Lâm ít nhiều mang văn hoa núi đồi, tiêu biểu là ngọn Hùng Nhĩ Sơn. Đây là ngọn núi ở phía nam Lô Chi (Hà Nam), tiếp giáp Vĩnh Ninh (Lạc Dương) tại Trung Quốc, do núi dựng đứng như tai gấu nên được gọi là Hùng Nhĩ Sơn. Tháp của Tổ Đạt Ma được xây ở núi này.

Ngoài ra, hình thức hội họa của nghệ thuật thiền thường vẽ trong một hình tròn được hiển thị nấc thang tu hành của kẻ phàm phu. Vòng tròn thể hiện vô thủy vô chung, bất sanh bất diệt. Các đĩa gốm khảm ở chùa Giác Lâm đa số hình tròn. Tuy nhiên vẫn có những sự biến tấu, chỉ có gốm Trung Quốc là dùng hình tròn, còn gốm Việt có thêm hình oval và oval khuyết. Sự biến đổi này phải chăng hàm chứa ý nghĩa canh tân, thể hiện tính bứt phá của gốm Việt ra khỏi khuôn khổ vốn dĩ quá nổi tiếng của gốm Trung Quốc thời kỳ bấy giờ.

Làm nên nghệ thuật khảm gốm chùa Giác Lâm không thể không kể đến vai trò người thợ gốm. Ngoài sự kế thừa tranh phong thủy Trung Quốc, bản ngã của người thợ gốm Việt cũng được thể hiện. Khi so sánh với nét vẽ trên gốm Trung Quốc, nét vẽ ở gốm Lái Thiêu tự do, phóng khoáng, không gò bó, quy chuẩn. Cách tạo màu men cũng mang sắc thái riêng, vẫn là tranh phong thủy nhưng nét vẽ bằng mực tàu có sự loan tỏa và độ nhòe nhất định, không quá sắc nét như gốm Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các đĩa gốm khảm chùa Giác Lâm ngoài tinh thần Phật giáo, còn mang tư tưởng Nho giáo và Đạo giáo. Tinh thần Đạo giáo được thể hiện ở nhiều đĩa gốm có hoa văn mang hình bảy ông tiên “Trúc lâm thất hiền”. Còn Nho giáo cũng xuất hiện với một số điển cố, điển tích. “Tuế hàn tùng bách” là đề tài bắt nguồn từ luận ngữ Tử Hãn có câu: “Tuế hàn, nhiên hậu tri tùng bách chi hậu điêu dã” (mùa đông vào tháng chạp tiết trời lạnh giá, mới biết cây tùng, cây bách rụng lá sau cùng) nhằm ví hình ảnh “tùng bách” với người quân tử giữ vững tiết tháo trước nghịch cảnh khó khăn. “Thái công điếu ngư” (Lã vọng câu cá): Vào thế kỷ XI TCN, vua Trụ hoang dâm vô đạo, Khương Tử Nha từ quan chờ thời, ngồi câu cá bên bờ sông. Vị bằng lưỡi câu thẳng, không mồi, đặt cách mặt nước ba thước, về sau ông được Tây bá hầu Cơ Xương mời về phò tá và phong làm Thái công, lập nên nhà Chu; điển tích trên nhắc người đời về hai chữ trung quân của người quân tử.

Một điều làm nên nét nổi bật ở nghệ thuật khảm gốm chùa Giác Lâm là triết lý âm dương trong lối khảm. Nếu như lăng Lê Văn Duyệt và miếu Nhị Phủ dùng lối khảm nổi, thì chùa Giác Lâm hầu hết là khảm âm vách, tạo độ lõm nhất định. Âm tương đương với tĩnh, nhấn mạnh đời sống nội tâm bên trong con người. Khảm âm tạo nên hiệu ứng ánh sáng khi mặt trời chiếu vào, sẽ có một bên tối một bên sáng, tương đương cho hai yếu tố âm dương. Yếu tố âm dương còn được cài cắm ở cách bài trí các ô hình vuông ở giảng đường và kiểu bố trí đan xen bốn đĩa oval, một đĩa tròn ở giữa một hình vuông trên tháp mộ. Hai yếu tố vuông tròn luôn đan xen với nhau.

Có thể nói, nghệ thuật khảm sành sứ ở chùa Giác Lâm là kết quả của sự hội tụ văn hóa, tiếp thu tất cả những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần, sau đó được cách tân, biến đổi thành nét đặc trưng riêng.

Thứ nhất, nghệ thuật khảm sành sứ đã xuất hiện từ thời các chúa Nguyễn và khá phổ biến ở nhiều nơi, tiêu biểu là ở chùa Giác Lâm, tuy có những khác biệt theo thời gian nhưng vẫn bảo lưu những nét vốn có thuở ban đầu.

Thứ hai, Giác Lâm là ngôi chùa cổ Nam bộ, có sự kết hợp đậm nét văn hóa Hoa – Việt nên nghệ thuật khảm ở chùa vừa thể hiện nội dung tôn giáo với tư tưởng “tam giáo đồng nguyên”, vừa là ví dụ cho sự giao lưu văn hóa khi tư tưởng phương Đông kết hợp khoa học kỹ thuật phương Tây.

Thứ ba, nét nổi trội trong nghệ thuật khảm sành sứ chùa Giác Lâm được biểu hiện qua cách trang trí tháp tổ Thiền sư Hồng Hưng. Tháp tổ ở các chùa miền Bắc hay miền Trung được trang trí đơn giản, không cầu kỳ, công phu; nét cách tân cũng thể hiện ở chỗ các chùa miền Bắc – Trung thường chú trọng vào nghệ thuật điêu khắc gỗ và đá thay vì khảm sành sứ như ở miền Nam. Tất cả những yếu tố đã tạo nên nét riêng của nghệ thuật khảm sành sứ chùa Giác Lâm. Sau nhiều thăng trầm lịch sử, chùa Giác Lâm vẫn giữ được nét cổ kính, uy nghiêm, là một thắng tích thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, chiêm bái, tìm hiểu lịch sử và chiêm ngưỡng nét nghệ thuật khảm sành sứ đặc trưng.

Lam Phương/ Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo

Chú thích:

* Th.S Đào Ngọc Lam Phương – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM).

1. Lê Quý Đôn (2007), Phủ biên tạp lục, Viện Sử học, Nxb Văn hóa Thông tin, tr.145 – 146.
2. H. Deletie (1997), Những người bạn cố đô Huế (tập 13), Đặng Như Tùng dịch, Nxb Thuận Hóa, tr.139.
3. Hiện tại, Chùa Giác Lâm tọa lạc ở 118 dường Lạc Long Quân, quận Tân Bình, TP.HCM, được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia.
4. Trịnh Hoài Đức (1998), Gia Định thành thông chí, Nxb Giáo dục, tr.183.
5. Kim Cương Tử (chủ biên) (1998), Từ điển Phật học, Nxb Khoa học Xã hội, tr.496.
6. Kim Cương Tử, Sđd, tr.1029.
7. Kim Cương Tử, Sđd, tr.48.
8. Kim Cương Tử, Sđd, tr.159
9. Kim Cương Tử, Sđd, tr.987
10. Hân Mẫn – Thông Thiên (2002), Từ điển thiền tông Hán Việt, Nxb TP HCM.
11. Lưu Lực Sinh (2002), Từ điển điển cố Trung Hoa, Nxb Văn hóa Thông tin, tr.269 và 379.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Tâm linh qua góc nhìn Khoa học và Tôn giáo
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

“Tâm linh” vốn là cụm từ mà đối với nhiều người vẫn xem đó là những gì thuộc về thế giới siêu linh, huyền bí, thuộc về cõi âm. Với không ít người, khi nói đến “tâm linh”, người ta cho rằng đó là một cụm từ mang tính đe dọa và đáng sợ. Thế...

Chúa Nguyễn và sự hình thành hệ thống chùa làng ở Đàng Trong (1558-1777)
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Chùa làng ngoài việc đáp ứng nhu cầu thực hành Phật giáo của người dân, còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giúp người dân tái cố kết cộng đồng, ổn định cuộc sống trong quá trình khai hoang, lập làng lập ấp. Tóm tắt Trong quá trình Nam tiến, Phật giáo theo chân...

Vai trò của Phật giáo trong việc xây dựng quốc gia Đại Việt thời Lý – Trần
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mở đầu Từ buổi đầu du nhập Phật giáo đã sớm hòa mình vào trong tín ngưỡng văn hóa bản địa và bén rễ sâu vào trong đời sống xã hội, gắn bó với dân tộc. Phật giáo với tư cách là một tôn giáo, đã không ngừng đóng góp trong sự nghiệp dựng nước và giữ...

Nghiên cứu về ngày, tháng Thành đạo của Ðức Phật
Lịch sử, Nghiên cứu

Theo Phật giáo Nam truyền, ngày Đản sanh, Thành đạo và nhập Niết-bàn của Đức Phật đều diễn ra vào ngày trăng tròn tháng Vesākha; với Phật giáo Bắc truyền, ngày Thành đạo diễn ra vào ngày mùng 8 tháng 12 âm lịch. Trong ngày hôm nay, thời gian tổ chức sự kiện Đức Phật...

Những nhân vật tiêu biểu trong quá trình hình thành Tổng hội Phật giáo Việt Nam
Lịch sử, Nghiên cứu

Quá trình hình thành Tổng Hội Phật giáo Việt Nam năm 1951 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, khi Phật giáo chính thức có một tổ chức đại diện thống nhất trên toàn quốc. Bối cảnh lịch sử – xã hội và thực trạng Phật giáo Việt Nam đầu...

Ý nghĩa các tên gọi của ngôi chùa dưới góc độ ngôn ngữ văn hóa
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Ngôi chùa từ lâu đã hiện hữu và gắn bó thiết thân trong mỗi chúng ta. Khắp nơi nơi trên cả nước, đâu đâu cũng có chùa, lớn có, nhỏ có, kim có, cổ có, tất cả đã trở thành một phần không thể tách rời trong cộng đồng làng xã Việt Nam. Về tên...

Khảo cứu lịch sử chất liệu ghi chép lưu trữ kinh Phật
Lịch sử, Nghiên cứu

Thời điểm xưa nhất tài liệu ghi chép, Vua A Dục (Asoka, 268-233 trước Dương lịch) vào lần tập kết kinh điển lần thứ 3 đã cho cán mỏng đồng đỏ thành lá để ghi chép và lưu trữ kinh Phật. Tổng lược các lần tập kết kinh điển theo góc nhìn các nhà nghiên...

Văn bia Phật giáo Quảng Nam – Đà Nẵng thời Nguyễn (1802-1945): Một số vấn đề về hình thức
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Theo đà tiến bước của lưu dân Đại Việt về phương Nam, Phật giáo cũng từng bước xuất hiện và cắm rễ sâu trên vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng, trở thành một yếu tố văn hóa không thể tách rời trong bức tranh đa sắc của tiểu vùng văn hóa xứ Quảng. Trong...

Các Giống Dân Cổ Ấn Trước Thời Đức Phật
Lịch sử, Nghiên cứu

Theo các tài liệu cho biết rằng ngày xưa, ở Ấn Độ chỉ có một giống dân tên Negro da đen, tóc quăn, nhỏ con và mặt choắt. Họ không biết canh tác trồng tỉa gì cả. Hiện nay, giống dân này còn sót lại ở một số vùng cao tại Ấn Độ và châu...

Khởi Nguồn Giáo Hội Phật Giáo Nam Tông Kinh Việt Nam
Lịch sử, Nghiên cứu

Trong thập niên 1920 và 1930, ở Việt Nam có nhiều phong trào hồi sinh và canh tân các hoạt động Phật Giáo. Song song với sự chỉnh đốn các tổ chức Phật Giáo Phát Triển còn có nhiều chú tâm đến các hoạt động của truyền thống Nguyên Thủy, về hành thiền và các...

Lịch Sử Của Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma)
Lịch sử, Nghiên cứu

Trong tuần lễ thứ tư sau khi Đức Phật giác ngộ, Ngài đã suy xét một cách chi tiết về Vô Tỷ Pháp là cốt lõi liên quan đến pháp siêu lý (Tâm, Sở hữu tâm, Sắc pháp, Níp-bàn) cũng là cốt lõi của giáo pháp trong Phật giáo suốt 7 ngày. Trong lúc suy...

Lan toả của dòng Lâm Tế Gia Phổ tại tổ đình Giác Lâm
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Các chúa Nguyễn thực hiện chính sách di dân, mở cõi về phía Nam của đất nước, theo các đoàn di dân có các thiền sư người Việt Nam và Trung Hoa. Mở cõi đến đâu, các thiền sư đều lập am, chùa đến đó để làm chỗ dựa tinh thần cho người dân trên...

Rồng trong mỹ thuật Phật giáo thời Lý: Từ huyền thoại đến hiện thực
Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu

Hình ảnh rồng trong thời Lý không chỉ phong phú về hình dáng và truyền thuyết, mà còn thể hiện sự kết nối chặt chẽ với những giá trị tâm linh và văn hóa. Mở bài Khi đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni nhập diệt, kiến trúc Phật giáo bắt đầu chập chững những...

Sự hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm thời nhà Trần
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Việc ra đời Thiền phái Trúc Lâm đã kết thúc thời kỳ các tông phái Phật giáo Việt Nam do người nước ngoài sáng lập, chứng minh Phật giáo đã thực sự bắt rễ tại Việt Nam, thực sự được người Việt đương thời tiếp thu và phát triển. Tóm tắt: Nhà Trần (1226-1400) là...

Triết lý Phật giáo qua bài Kệ vô thường lúc bấy giờ của Trần Thái Tông
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mở đầu Nhà Trần, như một ngọn hải đăng sáng chói giữa biển cả lịch sử phong kiến Việt Nam, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng dân tộc. Trong suốt 175 năm trị vì, với mười hai đời vua và bảy năm thời hậu Trần, triều đại này không chỉ nổi bật...

Văn học Phật giáo Đàng Trong: Sự dung hòa tư tưởng Phật – Nho – Đạo
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Hòa hợp Tam giáo không phải là sự dung hợp mang tính áp đặt, mà là sự bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, tạo nên một hệ tư tưởng toàn diện Trong dòng chảy lịch sử văn hóa Việt Nam, sự dung hợp giữa Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo (Tam giáo đồng...

Ads Blocker Image Powered by Code Help Pro

Đã phát hiện trình chặn quảng cáo!!!

Chúng tôi đã phát hiện thấy bạn đang sử dụng tiện ích mở rộng để chặn quảng cáo. Vui lòng hỗ trợ chúng tôi bằng cách vô hiệu hóa các trình chặn quảng cáo này.