Phật giáo tại Tây Tạng có sức chú trọng vào các nghi lễ, thực hành thần bí cùng các biểu tượng cát tường có sức mạnh siêu linh. Đối riêng với nghệ thuật biểu tượng học Phật giáo, nổi bật hơn cả với đại chúng là tại Tây Tạng.

Phần I. Bát bảo nói chung

Bát bảo – Tức 8 bảo bối, hay còn được biết đến là “Tám biểu tượng tốt lành” hoặc “Bát cát tường” (Sanskrit: Ashtamangala), tạm hiểu là 8 biểu tượng cho sự thịnh vượng. Xét Bát bảo trên phương diện Phật giáo, chúng ta được biết tới nhiều nhất là danh sách gồm có:

1). Cái lọng trắng (Ô trắng – Bạch tản) (White parasol/ Precious Umbrella)

2). Đôi cá vàng (Song kim ngư) (A pair of golden fishes)

3). Bình báu (Bảo bình) (Treasure vase)

4). Hoa sen (Diệu liên) (Lotus)

5). Con ốc trắng xoắn – thuận chiều kim đồng hồ (Bạch loa) (A right – spiraling white conch shell)

6). Kết cát tường (Endless Knot)

7). Tán chiến thắng (Phướn) (Victorious banner)

8). Bánh xe pháp luân (Golden wheel)

Ảnh: St
Ảnh: St
Ảnh: St
Ảnh: St

Theo nhiều nhà nghiên cứu, thực chất các biểu tượng này không thuộc sở hữu của Phật giáo. Đức Phật là nhà tu hành, giáo lý chủ trương là “vô ngã”, khuyến khích con người từ bỏ, xa rời xan tham, vì lẽ đó những bảo vật này nói rằng thuộc Phật giáo là điều hơi trái nghịch.

Các dấu tích của tập hợp bảo vật này được cho rằng tìm thấy từ thời đại của các vương triều quân chủ Ấn Độ (Tạm coi xuất phát từ mốc thời gian thể chế Mahajanapadas), có mặt trước Phật giáo 1 quãng thời gian không nhỏ. Tám biểu tượng ban đầu được sử dụng làm lễ vật dâng lên tân vua trong lễ bổ nhiệm vua mới, hoặc vài văn kiện còn cho rằng là dành cho các dịp quan trọng ví như chào đón vua ra trận chiến thắng trở về.

Người Ấn cổ với 8 món bảo vật sơ khai

1). Ngai báu (Bảo toạ): Đại diện cho quyền lực

2). Chữ Vạn: Biểu tượng của vũ trụ, vô tận

3). Thủ ấn (Mudra): Cử chỉ, thủ ấn tạo biểu tượng tay thể hiện thông điệp tâm linh

4). Kết cát tường: Nút thắt vô tận, biểu tượng sự liên kết vũ trụ, liên tục của thời gian

5). Bảo bình: Biểu tượng của sự sung túc

6). Bình nước Cam lồ: Loại nước tượng trưng vị ngon ngọt của giải thoát

7). Đôi cá vàng (Song kim ngư): Biểu tượng sự hạnh phúc, tự do

8). Bát khất thực: Biểu tượng của sự khiêm tốn, sự chia sẻ

Danh sách Bát bảo khác được tìm thấy tại phía Nam Ấn Độ

1). Cây phát trần: Sử dụng trong các lễ nghi hoàng gia, mục đích xua đi bụi bẩn tà khí

2). Đôi cá vàng (Song kim ngư)

3). Gậy ngà voi: Biểu tượng sức mạnh bề thế, uy nghi bốn bề

4). Gương báu (Bảo kính): Phản chiếu hình ảnh, biểu tượng cho chân lý, sự sáng tỏ

5). Trống đồng: Biểu tượng sự hùng dũng, mạnh mẽ của chiến binh

6). Tán chiến thắng (Phướn): Biểu tượng sự bách chiến, bách thắng, sự bảo hộ

7). Bình nước Cam lồ

8). Đèn báu (Bảo đăng): Biểu tượng cho ánh sáng trí tuệ

Nhìn chung, khái niệm về Bát bảo – Tám biểu tượng tốt lành này đã có từ trước thời Phật giáo, tuy nhiên, đã mang tính biểu tượng truyền tải thông điệp thì thời nào cũng sẽ có chứ không nhất thiết thuộc sở hữu của một mình nơi nào. Nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng khi dung hoà những biểu tượng tốt lành của các triều đại cổ đại – Bát bảo, đã có sự chuyển hoá, cùng tinh thần phong phú, thông điệp tâm linh cao hơn.

Theo tục lệ người dân Ấn cổ, vua được hội đồng hoàng tộc bầu lên, được sự đồng tình của đại đa số dân chúng và thị tộc, chứng tỏ vị vua đó phải là đấng minh quân được lòng dân. Thì đối với tu sĩ Ấn cổ, sự hiện diện của đức Phật như một vị “vua” tối cao trong đời sống tinh thần của họ. Vì thế mà biểu tượng tốt lành cũng được sử dụng để dâng lên tán thán đức Phật. Không riêng gì Phật giáo, với Kỳ Na giáo, ngài Mahavira (vị đứng đầu) cũng dâng lên 1 tổ hợp gồm 8 bảo bối vừa dung hoà tinh thần Ấn cổ, vừa có nét riêng của đạo Kỳ Na.

Và một lưu ý rằng, 8 biểu tượng này vẫn có sự sai biệt ở một số văn kiện, hoặc trong thực tế vẫn có sự xuất hiện nhiều hơn là 8 đồ vật, ví dụ như “cây tù và”, “Ngai sư tử”, tuy nhiên, 8 biểu tượng được đề cập ở đây là 8 lễ vật phổ biến nhất. Ngoài ra, sự khác nhau thường là do tính chất khu vực, hoặc mong muốn thể hiện ý nghĩa riêng.

Phần II. Bát bảo với nghệ thuật biểu tượng Phật giáo

1. Nghệ thuật Phật giáo Trung Quốc

Trong nghệ thuật Phật giáo Trung Quốc, 8 biểu tượng này được người dân lấy làm tượng trưng cho 8 nội tạng của đức Phật:

1). Cái lọng tượng trưng cho “lá lách”: Cái lọng thể hiện sự che chở và bảo vệ, tương tự như chức năng của lá lách giúp điều hòa máu và bảo vệ cơ thể.

2). Song kim ngư đại diện cho thận: Trong y học Trung Quốc, được coi là nguồn gốc của năng lượng sống.

3). Bảo bình tượng trưng dạ dày: Bình chứa đựng những điều tốt lành, tương tự như dạ dày chứa thức ăn.

4). Kim liên/Hoa sen tượng trưng cho gan: Hoa sen thể hiện sự thanh khiết, cũng như gan giúp thanh lọc độc tố trong cơ thể.

5). Hải loa/Con ốc biển đại diện cho bàng quang: Biểu trưng cho sự chứa đựng và giải phóng chất độc.

6). Kết cát tường biểu tượng ruột non: Đây là biểu tượng của sự may mắn và điều tốt đẹp, tương tự như ruột non giúp hấp thụ chất dinh dưỡng.

7). Phướn chiến thắng đại diện cho phổi: Phướn chiến thắng biểu thị sự chiến thắng bệnh tật, giống như phổi giúp cung cấp không khí và duy trì sự sống.

8). Pháp luân tượng trưng cho tim: Pháp luân là biểu tượng của giáo lý Phật pháp, cũng như tim là trung tâm của sự sống.

So sánh này nhấn mạnh mối liên hệ giữa vật chất và tinh thần, biểu tượng và cơ thể, phản ánh niềm tin rằng mỗi yếu tố trong cơ thể đều có một chức năng tâm linh.

2. Nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng

Còn đối với nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng, 8 biểu tượng tốt lành (Ashtamangala) đại diện cho các phần trên thân thể của đức Phật, biểu thị sự kết nối giữa thân thể vật lý của Ngài và các khía cạnh tâm linh cao quý, phản ánh sự hợp nhất hoàn hảo giữa thân và tâm của Ngài.

1). Cái lọng – Đầu của đức Phật 

Cái lọng là biểu tượng của sự bảo vệ và che chở khỏi những điều xấu, tượng trưng cho sự an toàn và phúc lạc cao nhất. Nó cũng đại diện cho quyền lực, sự uy nghiêm. Khi được so sánh với đầu của Đức Phật, cái lọng phản ánh trí tuệ tối cao, tầm nhìn rộng lớn của Ngài, giống như một chiếc lọng che phủ mọi thứ, bảo vệ chúng sinh.

2). Song kim ngư – Đôi mắt của đức Phật

Hai con cá tượng trưng cho sự tự do, thanh tịnh và khả năng vượt qua biển khổ luân hồi. Đôi mắt của đức Phật, tương tự như hai con cá, có khả năng nhìn thấy chân lý, soi rọi thế giới với từ bi và trí tuệ, dẫn chúng sinh vượt qua vô minh.

3). Bảo bình – Cổ của đức Phật

Bảo bình chứa đựng những báu vật quý giá, tượng trưng cho sự sung túc, dồi dào. Cổ của đức Phật, nơi lưu chuyển thức ăn và phát ra những lời thuyết giảng trí tuệ, tương ứng với bảo bình, là nguồn chứa đựng, lan tỏa Pháp bảo quý báu cho chúng sinh.

4). Kim liên/Hoa sen – Lưỡi của Đức Phật

Hoa sen là biểu tượng của sự thanh tịnh. Lưỡi của đức Phật, tương tự như hoa sen, mang lại những lời dạy ngát hương thơm.

5). Kim luân/Pháp luân – Hai chân của đức Phật

Pháp luân tượng trưng cho sự luân chuyển của Phật pháp, không ngừng lan tỏa và đưa chúng sinh đến sự giác ngộ. Hai chân của đức Phât là biểu tương của sự vững vàng, dẫn dắt chúng sinh trên con đường chính pháp, giống như bánh xe pháp không ngừng chuyển động.

6). Phướn chiến thắng – Thân của Đức Phật

Phướn chiến thắng biểu thị sự chiến thắng của Phật pháp trước vô minh và các trở ngại. Thân của đức Phật, tương ứng với phướn, là hiện thân của sự chiến thắng tuyệt đối và hoàn hảo trước cám dỗ.

7). Hải loa/Con ốc – Giọng nói của đức Phật

Con ốc (Hải loa) tượng trưng cho âm thanh Phật pháp vang xa, truyền đạt sự giác ngộ, chân lý đến muôn nơi. Giọng nói của đức Phật, tương tự như âm thanh của ốc tù và, vang vọng khắp cõi, thức tỉnh chúng sinh.

8). Kết cát tường – Tâm trí của đức Phật:

Kết cát tường là biểu tượng của sự toàn hảo và sự hài hòa tuyệt đối, thường xuất hiện dưới hình dạng của một dải kết hợp tinh tế, biểu thị sự kết nối giữa vạn vật. Tâm trí của đức Phật, tương ứng với kết cát tường, là hiện thân của sự an lạc, tịnh tâm hoàn toàn, nơi mà không có sự chia cắt giữa bản thân và vũ trụ, một trạng thái của sự hợp nhất giữa đức cùng trí tuệ tối thượng.

Phần III. Ý nghĩa biểu tượng từng Bảo vật trong Nghệ thuật Phật giáo nói chung

1. Cái lọng

Lọng với thể chế quân chủ Ấn Độ được sử dụng để che nắng, che mưa cho vua. Khi chuyển hoá sang nghệ thuật Phật giáo, cái nắng, mưa đó tượng trưng như dục vọng, tham ái, sân, si, và cái lọng chính là sự che chở khỏi những độc đó.

Ảnh: St
Ảnh: St

Bên cạnh ý niệm này, cái lọng được sử dụng để thể hiện danh dự, tôn trọng cho vị đứng đầu. Tương tự với Phật giáo, đức Phật là vị đứng đầu tối cao, xứng đáng được thụ hưởng mọi sự cúng dường.

2. Đôi cá vàng

Trong tiếng Phạn, cặp cá được biết đến với thuật ngữ “Matsyayugma”, có nghĩa là “đôi cá vàng”. Điều này hàm ý nguồn gốc chúng là biểu tượng cổ xưa của hai con sông linh thiêng Ấn Độ là sông Hằng (Ganga) và sông Ấn (Indus River). Về mặt biểu tượng, hai con sông lớn này tượng trưng cho các kinh mạch nguồn nước Ấn Độ, gắn liền với các nền văn minh, và đại diện các dây thần kinh tâm linh.

Những ví dụ khác nhau về đôi cá, sưu tầm
Những ví dụ khác nhau về đôi cá, sưu tầm

Trong Phật giáo, những con cá vàng tượng trưng cho hạnh phúc và sức mạnh tự nhiên, vì chúng hoàn toàn tự do di chuyển trong nước. Chúng đại diện cho khả năng sinh sản vì chúng sinh sôi nẩy nở rất nhanh. Chúng tượng trưng cho tự do thoát khỏi những ràng buộc của đẳng cấp và địa vị, vì chúng dễ dàng hòa nhập, chạm vào nhau, đại diện cho sự trôi theo dòng nước nhập vào các đại dương.

Cá thường bơi theo cặp, một cặp cá tượng trưng cho sự đoàn kết và chung thủy của vợ chồng, theo truyền thống được tặng làm quà cưới. Cặp cá là biểu tượng tốt lành phổ biến đối với các truyền thống Ấn Độ giáo, Kỳ Na giáo và Phật giáo. Ngay cả Ai Cập cổ đại, một cặp cá cũng được sử dụng làm tượng trưng cho vùng nước màu mỡ của sông Nile.

Những người theo đạo Cơ đốc sơ kỳ đã coi những con cá được ghép đôi như một biểu tượng của Chúa Kito. Hai con cá vàng, một con đực và một con cái, được miêu tả đối xứng và ở dạng cá chép, với đuôi, mang và vây duyên dáng, các tua dài kéo từ hàm trên của chúng. Theo truyền thống, cá chép được coi là loài cá linh thiêng ở phương Đông, những con cá được ghép đôi thường được miêu tả với mũi chạm vào nhau. Đôi cá chính là tượng trưng cho cả sự chứng ngộ và khả năng giải thoát chúng sinh khỏi đại dương luân hồi

3. Bình báu

Chiếc bình châu báu bằng vàng, còn gọi là “bình chứa vô số châu báu”, mô phỏng theo chiếc bình đựng nước bằng đất sét truyền thống của Ấn Độ. Chiếc bình này gọi là kalasha hoặc kumbha, có đế phẳng, thân tròn, cổ hẹp và vành trên có rãnh.

Ảnh: St
Ảnh: St

Bình châu báu chủ yếu là biểu tượng của một số vị thần giàu có, nơi nó thường xuất hiện như một báu vật dưới chân của họ. Một hình tượng tiêu biểu của nữ thần giàu có là đứng trên một cặp bình châu báu nằm ngang đổ ra một dòng châu báu vô tận.

4. Hoa sen

Hoa sen đẹp, thơm ngát, mọc lên từ bùn lầy đen tối gần như là biểu tượng phổ biến nhất của Phật giáo với đại chúng nhiều nước. Trong nhiều văn kiện, hoa sen cũng đại diện cho sự vượt thoát được hoàn toàn cám dỗ, là nơi các bậc đại Thánh nhân ngự trị để quán chúng sinh hoặc giảng pháp. Ngay trong kinh Vệ đà, vị thần Mặt trời Surya, cũng cầm một bông sen trên mỗi cánh tay.

Ảnh: St
Ảnh: St

5. Pháp loa (Vỏ ốc xà cừ)

Vỏ ốc xà cừ màu trắng, xoắn bên phải thuận chiều kim đồng hồ, là pháp khí Ấn Độ cổ đại của các vị thần anh hùng, những người có tù và (sừng) vỏ ốc xà cừ, thổi to âm thanh dũng mãnh, tuyên bố lòng dũng cảm và chiến thắng trong trận chiến của họ.

Ốc xà cừ phát ra lửa của Vishnu được đặt tên là Panchajanya, có nghĩa là “sở hữu quyền kiểm soát năm loại sinh vật”. Con ốc xà cừ của Arjuna được gọi là Devadatta, có nghĩa là “được thượng đế ban tặng”, người có sức công phá làm kinh hoàng kẻ thù. Được dùng làm tù và, ốc xà cừ gần giống với chiếc kèn hiện đại, như một biểu tượng cho thị uy sức mạnh, uy quyền và chủ quyền.

Bốn ví dụ về vỏ ốc xà cừ màu trắng, sưu tầm
Bốn ví dụ về vỏ ốc xà cừ màu trắng, sưu tầm

Ấn Độ giáo ban đầu đã phân loại giới tính cho ốc xà cừ. Ốc xà cừ có vỏ dày hơn là ốc đực và ốc xà cừ vỏ mỏng hơn là ốc cái. Sự phân chia bốn đẳng cấp của Ấn Độ giáo cũng được áp dụng: ốc xà cừ trắng mịn tượng trưng cho đẳng cấp tu sĩ hoặc bà la môn, ốc xà cừ đỏ tượng trưng cho đẳng cấp thống trị, chiến binh, ốc xà cừ vàng tượng trưng cho đẳng cấp thương nhân, và ốc xà cừ xám xỉn tượng trưng cho nông dân.

Ấn Độ giáo đã sử dụng ốc xà cừ như một biểu tượng nghi lễ chính giáo. Tương tự như vậy, những thế hệ phật tử đầu tiên coi nó như một biểu tượng uy quyền cho âm thanh tối thượng của Phật thuyết.

6. Kết cát tường – Nút thắt vô tận

Thuật ngữ tiếng Phạn của Kết cát tường là “Shrivatsa” có nghĩa là “Yêu dấu của Shri”. Shri ám chỉ nữ thần Lakshmi – người phối ngẫu của thần Vishnu. Shrivatsa là một dấu hiệu tốt lành hoặc lọn tóc tô điểm trên ngực Vishnu. Phù hiệu trên ngực của Vishnu thể hiện sự tận tâm trái tim ngài dành cho người tình (phối ngẫu), và vì Lakshmi là nữ thần giàu có, may mắn nên Shrivatsa tạo thành một biểu tượng tốt lành tự nhiên. Shrivatsa hoặc có dạng xoáy hình tam giác, hoặc hình thoi đứng với các vòng ở bốn góc liên kết chính. Một tên khác gọi lọn tóc xoăn này là nandyavarta, có nghĩa là “lọn tóc của hạnh phúc”, và kiểu tóc xoăn này có hình chữ vạn hoặc chữ thập có móc câu trong bảng chữ cái Hy Lạp. Và nhiều nhà nghiên cứu cho rằng kết cát tường có nguồn gốc từ đây.

Một nguồn gốc khác của nút thắt vô tận và chữ vạn được cho rằng là phát sinh từ các dạng hình chữ S trên mào rắn hổ mang. Trong đó hai hoặc nhiều con rắn quấn vào nhau tạo thành thiết kế nút thắt vô tận hay thần chú. Nút thắt vô tận cũng xuất hiện trên những con dấu đất sét từ nền văn minh thung lũng Indus thời kỳ khoảng năm 2500 TCN. Trong quá trình phát triển cuối cùng biểu tượng hình học Phật giáo – nút thắt vĩnh cửu hay “biểu đồ may mắn”, được mô tả là “xoay như chữ vạn”, được đồng nhất với shrivatsa/ suastika, vì những biểu tượng song song này là phổ biến đối với hầu hết các truyền thống Bát bảo (Astamangala) sơ khai của Ấn Độ.

Ảnh: St
Ảnh: St

Nút thắt vĩnh cửu, vô tận hoặc thần bí phổ biến đối với nhiều truyền thống cổ xưa, và trở nên đặc biệt sáng tạo trong các thiết kế của người Hồi giáo và Celtic. Ở Trung Quốc, nó là biểu tượng trường thọ, liên tục, tình yêu và sự hài hòa. Là biểu tượng của tâm Phật, nút thắt vĩnh cửu tượng trưng cho trí tuệ, lòng từ bi vô tận của đức Phật. Bên cạnh đó, nhiều nơi còn coi nó tượng trưng cho sự liên tục của “mười hai nhân duyên” (Thập nhị Nhân duyên), làm nền tảng cho thực tại của luân hồi.

7. Phướn chiến thắng

Tiếng Phạn là Dhvaja, có nghĩa là biểu ngữ, cờ, hoặc quân hiệu (Quân kỳ), ban đầu là một nghi trượng (standard/ tiêu chuẩn) quân sự trong chiến tranh Ấn Độ cổ đại.

Nghi trượng này thường cắm sau chiến xa của một chiến binh vỹ đại, và được gắn phía sau chiếc lọng vỹ đại, hay lọng hoàng gia. Trong chiến tranh ở Ấn Độ, phướn chiến thắng được thiết kể có hình dạng cực kỳ khủng khiếp, ví như việc treo đầu, hoặc lớp da địch thù lên đầu ngọn cờ, sau đó dựng cờ tại nơi xảy ra chiến trận như một cách khẳng định vị thế, sự chiến thắng và gieo rắc nỗi ám ảnh cho kẻ địch. Tương tự như vậy, các thế hệ phật tử dựng phướn xung quanh bảo tháp đức Phật ý nói Ngài đã chiến thắng các đội binh Ma vương.

Ba ví dụ về Phướn chiến thắng, với hai phướn bên phải được trang trí bằng da hổ, sưu tầm
Ba ví dụ về Phướn chiến thắng, với hai phướn bên phải được trang trí bằng da hổ, sưu tầm

Trong truyền thống Tây Tạng, 11 hình thức khác nhau của cờ chiến thắng là tượng trưng cho 11 phương pháp cụ thể vượt qua phiền não. Nhiều thức phướn nhìn thấy trên các mái chùa và tu viện. Ở dạng truyền thống nhất, phướn chiến thắng kiểu cờ hiệu dọc gắn trên một trục gỗ dài. Phần nóc có hình dạng chiếc ô nhỏ màu trắng, phía trên gắn viên ngọc ước ở giữa.

8. Pháp luân

Bánh xe là biểu tượng Mặt trời ban đầu của Ấn Độ cổ đại thể hiện chủ quyền, bảo vệ. Biểu tượng Mặt trời lần đầu tiên xuất hiện trên những con dấu đất sét khai quật từ nền văn minh Harappan ở thung lũng Indus (khoảng 2.500 TCN). Bánh xe hay luân xa đại diện cho hiện tượng luân xa (quay) của vũ trụ. Bánh xe tượng trưng cho sự chuyển động, liên tục và thay đổi, mãi mãi quay về phía trước giống như quả cầu quay tròn.

Phật giáo đã sử dụng bánh xe làm biểu tượng chính của “chuyển pháp luân” (chakravartin) hay “quốc vương” (Pháp luân vương), xác định bánh xe này là luân xa pháp hay “bánh xe pháp” của giáo lý đức Phật. Thuật ngữ luân xa pháp trong tiếng Tây Tạng nghĩa đen là “bánh xe chuyển hóa” hay sự thay đổi tâm linh. So sánh bánh xe với vũ khí xoay của Pháp luân vương thể hiện khả năng cắt xuyên qua mọi chướng ngại và ảo tưởng. Bài thuyết pháp đầu tiên của đức Phật tại vườn Lộc Uyển, nơi lần đầu Ngài dạy Tứ Diệu để và Bát Chính đạo được gọi là “lần chuyển pháp luân đầu tiên” của Ngài.

Hai pháp luân 8 nan hoa ở bên phải và bên trái, với một pháp luôn kép 16 nan hoa ở giữa, sưu tầm
Hai pháp luân 8 nan hoa ở bên phải và bên trái, với một pháp luôn kép 16 nan hoa ở giữa, sưu tầm

Ba thành phần của bánh xe – trục, nan hoa và vành – tượng trưng cho ba khía cạnh của Phật thuyết về đạo đức (Giới), định lực, trí tuệ. Trục trung tâm tượng trưng cho kỷ luật đạo đức, tập trung và ổn định tâm trí. Các nan hoa sắc nhọn tượng trưng cho trí tuệ cắt đứt vô minh. Vành tượng trưng cho sự tập trung thiền định, vừa bao trùm vừa tạo đà chuyển động của bánh xe. Nhiều hình ảnh tượng trưng được thêm thắt ví như nếu một bánh xe có ngàn nan hoa tỏa ra thì đó đại diện cho tia sáng mặt trời biểu tượng cho ngàn hoạt động và giáo lý của chư Phật. Còn nếu một bánh xe có tám nan hoa thì đó là sự biểu tượng cho Bát Chính đạo, sự truyền bá những giáo lý này đến tám hướng.

Lời kết

Mặc dù nguồn gốc của Phật giáo bắt nguồn từ Ấn Độ cổ, nhưng việc biểu tượng học Phật giáo Tây Tạng phát triển mạnh mẽ là kết quả của quá trình truyền bá và tiếp biến văn hóa lâu dài. Phật giáo tại Tây Tạng có sức chú trọng vào các nghi lễ, thực hành thần bí cùng các biểu tượng cát tường có sức mạnh siêu linh. Đối riêng với nghệ thuật biểu tượng học Phật giáo, nổi bật hơn cả với đại chúng là tại Tây Tạng. Khi nhắc tới Phật giáo, chúng ta nghĩ tới đạo đức, trí tuệ, nhưng khi nhắc tới Phật giáo Tây Tạng, con người thường nghĩ nhiều tới sự thần bí và biểu tượng tâm linh.

Cư sĩ Phúc Quang sưu tầm, tổng hợp


Tài liệu nguồn

The handbook of Tibetan Buddhist Symbols, Robert Beer, 2003, dịch: Phan Cẩm Thượng, Phan Tường Linh, NXB ZENBOOKS, NXB Thế giới.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Vai trò của vua Trần Thái Tông trong việc thiết lập nền tảng cho sự hình thành Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Bên cạnh vai trò là một vị vua hiền về mặt trị quốc, Trần Thái Tông còn được biết đến với tư cách là người đã có vai trò quan trọng trong việc tiếp nối, duy trì và phát triển Thiền tông Việt Nam trong giai đoạn chuyển giao quyền lực Lý –...

Sự thành lập Giáo đoàn Ni Phật giáo
Lịch sử, Nghiên cứu

Hơn hai nghìn năm Giáo đoàn Ni có mặt trên thế gian này, dù trải qua bao biến cố trong những giai đoạn thăng trầm của lịch sử, nhưng những nữ tu sĩ Phật giáo vẫn luôn thể hiện khả năng xuất sắc của giới nữ trong tu tập, hộ quốc an dân và phát...

Đóng góp và giá trị của Tạp chí Viên Âm
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Hoạt động hoằng pháp của tạp chí Viên Âm ở miền trung đã trở thành cơ quan ngôn luận góp phần trong công cuộc chấn hưng Phật giáo… Hoạt động hoằng pháp của Tạp chí Viên Âm ở miền trung đã trở thành cơ quan ngôn luận góp phần trong công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt...

Vài nét về âm nhạc Phật giáo
Nghiên cứu, Văn hóa

Âm nhạc là lĩnh vực không được nói đến nhiều trong Phật giáo, càng không phải lĩnh vực được đề cao và khuyến khích, ít nhất là trong Phật giáo thời kỳ đầu. Điều này không có gì lạ, vì theo truyền thống Phật giáo, âm nhạc là thứ đức Phật khuyên dạy những đệ...

Về tên gọi Thượng Tọa và Thượng Tọa Bộ trong các nguồn tư liệu Phật giáo Trung Hoa
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

VỀ TÊN GỌI THƯỢNG TOẠ (STHĀVIRA, THERA) VÀ THƯỢNG TOẠ BỘ (STHĀVIRAVĀDA) TRONG CÁC NGUỒN TƯ LIỆU PHẬT GIÁO TRUNG HOA (Sthavira, Thera and ‘*Sthaviravāda’ in Chinese Buddhist Sources)  của Max Deeg THÍCH NHUẬN CHÂU dịch Lời người dịch Bhikkhu Sujato, vị tỉ-khưu uyên bác người Úc châu, đã dịch bốn bộ Nikāya từ tiếng Pāli sang tiếng Anh. Bhikkhu...

Văn bản Giải Địa Tạng Kinh của Hương Hải Thiền sư
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt Địa Tạng kinh giải thích Hoa ngôn đây là một trong 20 tác phẩm dịch Nôm lớn của Hương Hải thiền sư, được nhắc tới trong Hương Hải Ngữ Lục và trong Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn với tên gọi là Giải Địa Tạng kinh. Đây là tác phẩm dịch...

Khảo sát “Pháp Bảo Đàn Kinh giải” ở chùa Linh Quang Điều Hạ, Hải Phòng
Nghiên cứu

Pháp bảo đàn kinh giải của Hương Hải Thiền sư, là một tác phẩm diễn Nôm có giá trị về nhiều mặt. Qua khảo sát sơ bộ văn bản tại Linh Quang tự có thể thấy đây là một bản dịch từ Hán sang chữ Nôm theo thể văn xuôi. Tóm tắt: Trong quá trình...

Hệ Phái Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam
Lịch sử, Nghiên cứu

Bài viết ngắn nầy chỉ nhằm phác họa lại sơ lược về sự thành hình và phát triển của Hệ Phái Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam hồi giữa thế kỷ thứ mười chín. Giáo hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam được Đức Tôn Sư Minh Đăng Quang sáng lập năm 1944. Giáo Hội được sáng lập trong giai đoạn suy đồi của Phật giáo Việt Nam. Đức Tôn Sư đã khéo léo phối hợp giữa hai truyền thống giáo lý Nam...

Các thiền sư thời Lê sơ và sự nỗ lực chấn hưng truyền thống văn hóa dân tộc Đại Việt
Lịch sử, Nghiên cứu

Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước, đánh bạt âm mưu xâm lược, nô dịch văn hóa của thế lực phương bắc ngay từ những thế kỷ đầu. Tóm tắt Phật giáo thời Lê sơ (1428 – 1527) tuy ít được triều đình...

Sự hình thành Đại thừa
Lịch sử, Nghiên cứu

Phong trào phát triển một đường lối Phật Giáo mới, về sau nầy được gọi là Mahayana (Đại thừa), bắt đầu thành hình trong thời gian 250 năm, từ năm 150 TCN đến 100 CN, là kết quả tích tụ của nhiều phát triển vốn có từ trước. Nguồn gốc của nó không liên hệ...

Chúa Nguyễn Hoàng (1525 – 1613) với đạo Phật
Lịch sử, Nghiên cứu

Việc Nguyễn Hoàng cho xây dựng và tu sửa những ngôi chùa trên đất Thuận Quảng đã làm cho Phật giáo ngày càng lan rộng ảnh hưởng trong đời sống xã hội, từ chốn cung nội ra khắp dân gian. Chúa Nguyễn Hoàng sinh ngày 28/8/1525, còn gọi là Chúa Tiên, vị chúa Nguyễn đầu...

Khảo cứu Nghi lễ Vu Lan trong không gian văn hóa Phật giáo Thừa Thiên Huế
Nghiên cứu, Văn hóa

Nghi lễ Vu Lan Bồn còn là một pháp hội thù thắng và có tính phổ cập nhất trong Phật Giáo Việt Nam và có sự ảnh hưởng rất lớn về văn hóa sống, đạo đức làm người trong xã hội Việt Nam nói chung và Huế nói riêng. Phật giáo du nhập và phát...

Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Phật giáo thời Lý
Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu

Tóm tắt: Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, tư tưởng từ bi, vị tha của Phật giáo nhanh chóng được cư dân bản địa tiếp thu và trở thành tâm thức của người Việt, đa phần người dân Việt Nam điều tôn sùng Phật giáo. Thời Lý là một trong những thời...

Chúa Nguyễn Phúc Chu và hai bảo vật quốc gia chùa Thiên Mụ
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Bia “Ngự kiến Thiên Mụ tự” của chúa Nguyễn Phúc Chu là hiện vật gốc độc bản – một trong số những di vật hiếm hoi thời chúa Nguyễn còn giữ được gần như nguyên vẹn, có nhiều giá trị về mặt mỹ thuật. Chúa Nguyễn Phúc Chu (Quốc Chúa) (1691-1725) là vị chúa thứ...

Biểu tượng hoa sen trong trang trí chùa ở Huế
Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu, Văn hóa

PHẦN MỞ ĐẦU Đã là công dân nước Việt thì dù có ở đâu đi chăng nữa mà khi nghe ai đó nhắc nhắc đến sông Hương, núi Ngự thì mỗi người con đất Việt đều nghĩ ngay đến một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, thơ mộng và hoài cổ. Nơi mảnh đất thần...

“Bản Sắc Hóa” Pháp Phục Phật Giáo Việt Nam
Nghiên cứu, Văn hóa

I. Y PHỤC LÀ BẢN SẮC VĂN HÓA CỦA DÂN TỘC Nếu trang phục truyền thống của một dân tộc hay quốc gia biểu đạt bản sắc văn hóa về y phục của dân tộc hay quốc gia đó, thì pháp phục Phật giáo thể hiện bản sắc đặc thù, khác hẳn với và vượt lên trên các quốc phục và thường phục của người đời, dù ở phạm vi dân tộc hay quốc gia. Lễ phục tôn...