A. DẪN NHẬP

Xuất gia theo đạo Phật là một việc cao cả và không nhiều người làm được, tuy nhiên, một người đã phát bồ-đề tâm quyết chí xuất trần, nếu không gặp thuận duyên từ môi trường sống, cộng đồng Tăng lữ, hay không có vị bổn sư co khả năng hướng dẫn thì tâm bồ đề dễ dàng bị thoái lui. Vị ấy có thể không còn tâm quyết chí tu hành và trở về nơi mà trước đó mình đã quyết định từ bỏ. Đây là một thất bại đau đớn của người mà ngày trước tưởng chừng như trọn cuộc đời hiến dâng mình cho lý tưởng giải thoát.

Do đó, sự tu hành cần phải có phương pháp phù hợp để áp dụng trong thực tế đời sống hằng ngày của mình nhằm đưa tới những kết quả an lạc giải thoát thực sự trong tâm. Chính đức Phật, hằng ngày cũng phải luôn nhắc nhở, đôi khi khiển trách các tỳ-kheo đệ tử của mình, nhằm chỉ ra sự sai trái, đồng thời hướng dẫn cho họ con đường làm sao tiến tới sự giải pháp chân chánh. Cho nên, qua các kinh điển còn lưu lại cho đến nay, sự giáo giới cho các tỳ-kheo của đức Phật chiếm một số lượng lơn trong toàn bộ hệ thống kinh điển. Đó có thể là dạy dỗ về oai nghi tế hạnh, về giới luật để áp dụng cho các sinh hoạt hằng ngày. Bên cạnh đó, nó còn là những lời hướng dẫn về các mức độ thâm sâu trong tâm của các vị tỳ-kheo trong quá trình hành thiền.

Có thể nói, kinh Trung A-hàm là bộ kinh mà những lời dạy của đức Phật về chủ đề này chiếm vị trí quan trọng và đa số trong đó. Vậy đức Phật đã dạy những gì để vị tỳ-kheo tự hoàn thành nhân cách xuất gia của mình, đồng thời làm khuôn mẫu cho hang tìn chủ noi theo? Điều cũng đặc biệt quan trọng là làm sao duy trì được sự ổn định và hòa hợp trong Tăng đoàn Phật giáo? Đó là mục đích thực hiện của người viết khi chọn đề tài “Người xuất gia lý tưởng theo kinh Trung A-hàm” này.

B. NỘI DUNG

1. Sự xuất gia của Thái tử Tất-đạt-đa

Trong kinh La-ma,[1] đức Phật nêu lên hai sự tìm cầu là Thánh cầu và phi Thánh cầu. Phi Thánh cầu là những người đã tật bệnh nhưng lại đi tìm tật bệnh thêm nữa. Những người bị lệ thuộc đối với bệnh tật, cái chết, ưu, bi, khổ, não, tạp uế… nhưng vẫn tiếp tục tìm cầu những sự ấy.

Có thể nói, phi Thánh cầu ở đây những người đang bị chìm trong đau khổ nhưng không tìm phương pháp thoát khổ, lại đi tìm cái khổ mới cho chính mình. Cứ như thế, họ tái sanh từ kiếp này sang kiếp khác, mà hành trang mang theo là nghiệp lực, vô minh, tham, sân, si nên đau khổ vẫn phải tiếp tục đau khổ. Do đó, họ không hề biết đến sự an lạc của Niết-bàn hay con đường đi đến Niết-bàn.

Thánh cầu là những người đang bị lệ thuộc bởi bệnh tật, cái chết, ưu, bi, khổ, não, tạp uế nhưng suy nghĩ muốn tìm phương cách thoát khỏi những sự đau khổ ấy. Sau khi suy nghĩ như thế rồi, họ quyết tâm chí cầu sự giải thoát, do đó, quả Niết-bàn là mục tiêu người đó có thể đạt được.

Đức Thế tôn kể lại những suy nghĩ của Ngài trước khi xuất gia rằng:

Khi ta đến tuổi thanh niên, trong sáng, tóc xanh, đến thời tráng niên năm hai chín tuổi, bấy giờ ta có cuộc sống rất vui vẻ, trang sức, dạo chơi. Vào lúc ấy, dù cha mẹ khóc than, thân quyến không vui, ta vẫn cạo bỏ râu tó, mặc áo cà-sa, chí tín, lìa xa gia đình, sống đời không nhà để học đạo, giữ gìn thân mạng thanh tịnh, phòng hộ khẩu, ý, mạng thanh tịnh.[2]

Chính vì nghĩ đến bản thân và mọi người đang sống trong đau khổ, dù sống giữa sự giàu sang và yêu quý của gia đình nhưng Ngài vẫn quyết chí từ bỏ xuất gia. Sau khi xuất gia, Ngài đã lần lượt tham học nơi A-la-la Già-la-ma (Āḷāra Kālāma) và Uất-đà-la La-ma tử (Uddaka Rāmaputta), dù trải qua những tầng thiền cao nhất mà hai vị thầy của Ngài đã dạy nhưng nhưng không làm thỏa mãn nghi vấn của Ngài. Cuối cùng Ngài đi đến bên bờ sông Ni-liên-thiền (Nairañjanā) và tọa thiền cho đến khi chứng đắc được lậu tận. Lời sau đây của Ngài có thể nói là tổng quát hết mục đích xuất gia của Ngài, sau này là của các Thánh đệ tử, và đó cũng là mục đích tối hậu của lý tưởng xuất gia:

Ta tìm cầu sự không bịnh và vô thượng an ổn của Niết-bàn, liền đắc được sự không bịnh và vô thượng an ổn của Niết-bàn. Ta cầu sự không già, không chết, không sầu, không ưu, không lo, không ô uế và vô thượng an ổn của Niết-bàn, liền đạt được sự không già, không chết, không sầu, không ưu, không lo, không ô uế và vô thượng an ổn của Niết-bàn, sanh tri, sanh kiến và định đạo phẩm pháp. Ta biết như thật rằng sự sanh đã hết, Phạm hạnh đã thiết lập, những gì cần làm thì đã làm xong, không thọ sanh trở lại nữa.[3]

Như vậy, mục tiêu tối hậu mà Thái tử Tất-đa-đa (Siddhārtha) hướng đến là sự vô sanh và sự an ổn của Niết-bàn. Chính mục đích này làm động lực nên Ngài quyết chí rời xa nơi mà thế gian cho là sung sướng nhất là hoàng cung để tìm đến những cánh rừng cô quạnh học hỏi pháp giải thoát, kiên trì khổ hạnh và thiền định cho đến khi đạt giải thoát tối hậu. Sự xuất gia ấy không phải là bổn phận bị áp đặt, không phải vì mong ta sẽ tu được bao nhiêu năm rồi đi khắp nơi thuyết pháp, sẽ được sự cung kính và lợi dưỡng của mọi người.

Muốn hoàn thành mục tiêu xuất gia như vậy, cũng trong kinh này, đức Phật dạy cho năm vị tỳ-kheo đầu tiên là phải điều phục chính mình trong chánh pháp để không bị các thứ dục lạc khống chế và điều khiển tâm mình. Từ chỗ bị điều khiển, ta sẽ trở lại trong vòng xoáy của sanh, lão, bệnh, tử, như thế thì mục đích xuất gia của mình đã không được hoàn thành. Phật dạy:

Kẻ phàm phu ngu si mà lại không đa văn, không gặp thiện hữu, không biết Thánh pháp, không được chế ngự bởi Thánh pháp, thì kẻ đó đối với năm tính chất của dục khi tiếp xúc sẽ đắm nhiễm, tham muốn và dính mắc, chúng ngạo nghễ đi vào mà không thấy tai họa, không thấy con đường thoát ly nên sử dụng năm thứ dục đó. Nên biết rằng, những kẻ đó chạy theo ma, làm việc cho ma, rơi vào tay ma, bị lưới ma trói, vì bị trói buộc bởi dây ma nên không thể thoát khởi sự trói buộc của ma.[4]

Vì thế, những người xuất gia cần đề cao cảnh giác đối với sắc, thanh, hương, vị xúc, đừng để chúng trói buộc và phải chạy theo chúng qua nhiều kiếp luân hồi.

2. Nguyên tắc của sự tu hành

2.1. Không bàn những việc siêu hình

Trong kinh Tiễn dụ,[5] Man đồng tử (Māluṅkyaputta) đưa ra những vấn đề siêu hình để chất vấn Thế tôn, bao gồm: 1. Thế giới là hữu thường? 2. Thế giới là không hữu thường? 3. Thế giới là hữu biên? 4. Thế giới là vô biên? 5. Thế giới là vô biên? 6. Mạng tức là thân? 7. Hay mạng khác, thân khác? 8. Như lai có mất? 9. Như lai không mất? 10. Như lai vừa mất vừa không mất? 11. Như lai cũng chẳng phải mất, chẳng phải không mất?[6] Man đồng tử còn yêu cầu, nếu điều gì Như lai biết thì nói là biết, điều gì Như lai không biết thì nói thẳng là không biết.

Đối với những sách nạn của Man đồng tử, đức Như lai đã không trả lời. Ngài nói rằng đối với việc xuất gia của Man đồng tử, Như lai không hứa trước rằng sau khi ông xuất gia, Như lai sẽ trả lời những câu hỏi ấy. Tại sao Như lai không trả lời những câu hỏi ấy? Trong kinh này Phật nói rằng: những người ngu si kia chưa biết hết điều đó thì nửa chừng đã chết rồi.[7]

Phật đưa ra ví dụ về người bị trúng mũi tên tẩm độc, việc trước tiên là phải rút mũi tên ra rồi chữa trị chứ không phải đợi điều tra xuất xứ của mũi tên xong rồi mới chịu cho rút ra. Vì sao vậy? Vì việc điều tra chưa xong thì chất độc đã làm anh ta mất mạng rồi. Cũng thế, hiện tại chúng ta đang bị phiền não, vô minh… làm cho phải sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khỗ, não… thì việc trước tiên là tu tập để dứt trừ nguyên nhân gây ra những nạn đó, tức là diệt trừ vô minh… chứ không phải là lo điều tra những vấn đề mà nó không mang lại kết quả thiết thực là chấm dứt nỗi khổ đau của chính ta trong đời sống hiện tại. Bởi vì dù các câu hỏi đó được trả lời bằng cách xác quyết rằng phải như vậy hay không phải như vậy thì thế gian này vẫn có sanh, có gì, có bệnh, có chết…, vẫn có toàn bộ khối đau khổ này phát sanh. Và dù thế giới này như thế nào đi nữa thì nó cũng không liên quan đến cứu cánh, không tương ưng với pháp giải thoát, không đưa đến sự thanh tịnh trong Phạm hạnh, không dẫn đến sự toàn giác và đạt được an ổn của Niết-bàn.

Chúng ta thấy rằng, nếu chạy theo việc giải quyết tất cả những nghi vấn này thì liệu với sự ngắn ngủi của kiếp người, chúng ta biết được gì? Nếu thế giới này có là hữu tận, thì khi nó diệt thì có lẽ chúng ta đã diệt trước từ lâu rồi. Mà hiện tại đây, chúng ta đang đau khổ, thì liệu rằng sự biết được có bao nhiêu thế giới, bao nhiêu thiên hà có giải quyết được đau khổ hay không? Nếu hiểu như vậy thì chúng ta cũng hiểu được lý do vì sao mà Phật không trả lời tất cả các câu hỏi đó.

Đức Phật không trả lời những câu hỏi như thế thì Ngài đã nói những gì? Chính Phật tuyên ngôn:

Những pháp gì được ta khẳng định nói đến? Những ý nghĩa này được ta khẳng định nói đến: đây là Khổ, đây là Khổ tập, đây là Khổ diệt, đây là con đường Khổ diệt. Vì lý do gì ta khẳng định nói đến những điều đó? Ta khẳng định nói đến những điều này vì đây là ý nghĩa phù hợp, là pháp phù hợp, là căn bản Phạm hạnh, vì nó dẫn đến trí tuệ, dẫn đến giác ngộ, dẫn đến nơi Niết-bàn cho nên ta khẳng định nói đến. Những gì không nên nói đến thì ta không nói, những gì nên nói đến thì ta nói. Các ngươi nên thọ trì như thế, nên học theo như thế.[8]

Qua đây chúng ta thấy, sự thật thế gian này đang đau khổ, nếu có gì vui thì sau nó cũng là những sự đau khổ mà thôi. Đức Phật đã thuyết bài pháp đầu tiên về bốn sự thật là khổ, nguyên nhân của khổ, sự khổ diệt và con đường để khổ diệt. những người ở thế gian được giàu sang thì khi nghe nói đến bản chất của cuộc đời có lẽ họ không tin, vì họ đang bám víu lấy sự hạnh phúc giả tạo thì không dám nghĩ đến một ngày nào đó mình sẽ mất chúng. Người xuất gia chân chánh thì phải thấm thía điều này, và những điều đức Phật khẳng định trên đây chúng ta phải suy gẫm thật nhiều để không đi lệch với con đường Phật đã dạy.

2.2. Không bàn chuyện lợi dưỡng

Người xuất gia học đạo, như trong kinh La-ma, đức Phật đã diễn tả là từ bỏ gia đình, cạo bỏ râu tóc…, nghĩa là từ bỏ tất cả những gì mà thế gian cho là quan trọng, cao sang nhất của đời người. Do đó, người đã xuất gia, nguyện tu theo giáo pháp của Phật thì ý thức từ bỏ lợi dưỡng phải luôn luôn được đề cao. Vì sao vậy? Vì ngũ dục thế gian có những vị ngọt mà nếu ta không đủ sự tỉnh giác thì sẽ bị chúng lôi kéo, khiến cho đời sống Phạm hạnh bị thất bại, ta phải trở lại đời sống có nhiều trói buộc mà trước kia ta đã nguyện từ bỏ.

Trong kinh Tạp A-hàm tường thuật lại sự việc rằng các tỳ-kheo sau khi thọ thực xong, bèn tụ tập nơi giảng đường bàn chuyện về y phục, trang sức, ẩm thực, chuyện quốc gia, chuyện chiến tranh, uống rượu, dâm dật, ngũ dục lạc, múa hát, cười đùa, kỹ nhạc… Bấy giờ đức Phật nghe được những chuyện mà các vị tỳ-kheo đang bàn luận, bèn đi đến và quở mắng rằng những chuyện mà các tỳ-kheo đang bàn là phi pháp, không dẫn đến giải thoát. Qua đó, đức Phật dạy mười pháp mà các vị tỳ-kheo nên quán niệm và bàn đến mỗi khi hội họp cùng nhau:

Các ngươi nếu muốn bàn luận thì nên luận về mười việc công đức này. Những gì là mười? Nếu tỳ-kheo tinh cần thì (1) thiểu dục, (2) tri túc, (3) phát tâm dũng mãnh, (4) đa văn có thể thuyết pháp cho người khác, (5) không sợ không hãi, (6) đầy đủ giới luật, (7) thành tựu các loại định, (8) thành tựu trí tuệ, (9) thành tựu giải thoát, (10) thành tựu tuệ giải thoát tri kiến.[9]

Tâm phóng dật và ý thức phóng đại những kiến thức của mình chính là tập khí của con người nên việc hí luận về mọi vần đề của xã hội là không thể tránh khỏi. Do đó, người xuất gia, đã thọ dụng của tín thì thay vì bàn luận những vấn đề xã hội thì nên bàn luận về chánh pháp và luật. Điều này có lợi cho sự phát triển tri kiến của mình, đồng thời khi bàn luận các vấn đề chánh pháp sẽ giúp xóa bỏ các sự sai lầm của nhận thức về các pháp ấy. Ngược lại, nếu vị tỳ-kheo dựa vào sự tín phụng cúng dường của tín thí, làm thỏa mãn các nhu cầu về tứ sự mà lại không chú trọng đến sự phát triển về tâm linh, về trí tuệ thì không những đã cô phụ sự tin tưởng và tâm thành tín của đàn-na mà còn tạo nghiệp xấu thì uổng phí sự xuất gia của chính mình.

Trong đời sống hằng ngày của vị tỳ-kheo thì ngoài việc đi khất thực, nghe pháp thì cần phải học nhiều giáo pháp để đủ khả năng thuyết pháp cho người khác. Đối tượng thuyết pháp của vị tỳ-kheo có thể là một tỳ-kheo, sa-di khác hoặc là cư sĩ. Như vậy, đời sống chân chánh của tỳ-kheo là phải tự lợi cho bản thân bằng cách thiểu dục, tri túc, thiền định, giữ giới…, còn phải biết lợi tha là thuyết pháp cho người khác. Nếu vị tỳ-kheo mà chỉ biết tự sau khi thọ thực rồi bàn chuyện thế sự thì dễ dẫn đến xung đột vì tâm của vị ấy vẫn còn mang nặng những tập khí thế gian, thì đó là sự xuất gia mang tính tiêu cực và không có lợi cho sự phát triển của Phật giáo. Điều này đặc biệt quan trọng đối với đời sống xuất gia nếu chúng ta dùng nó để thấu thị tình hình hiện tại của Tăng đoàn.

Trở lại sự kiện Đề-bà-đạt-đa (Devadatta) nhiều lần hãm hại Phật và âm mưu chia rẽ Tăng đoàn, chúng ta thấy sự giao hảo của vị ấy với giới cầm quyền đã mang lại lợi dưỡng lớn, cũng đã dụ dỗ nhà vua hại Phật nhưng kết quả là sự thật bại. Ở đây, ta thấy ngoài sự tai hại đối với cá nhân vị ấy mà còn hại đến một bộ phận nhiều vị tỳ-kheo đã đi theo vị ấy. Các vị tỳ-kheo này thấy việc không cần đi khất thực mà vẫn có ăn, không cần học hỏi hay thuyết pháp mà vẫn được sự cung kính của quần chúng, vì nhà vua của họ cũng tôn kính những vị này. Đây quả là một tiền lệ xấu dẫn đến sự chia rẽ trong Tăng đoàn. Sự cung phụng đầy đủ vật chất của nhà vua cọng với lối sống buông thả của các vị tỳ-kheo ấy đã hại chính họ.

2.3. Không tụ họp đông đúc

Trong kinh Đại không[10]tường thuật rằng, khi đức Phật đi đến tinh xá Gia-la-sai-ma Thích (Kāḷakhemakassa Sakkassa vihāra) thì thấy có sắp đặt nhiều giường chõng và có rất nhiều tỳ-kheo đang trú ngụ ở đó. Đức Phật đã dạy rằng nếu các tỳ-kheo ham thích nói chuyện ồn ào, tụ tập để nói chuyện ồn ào, thích chỗ đông người, không thích chỗ vắng vẻ thì tỳ-kheo ấy không thể có sự an lạc của bậc Thánh. Chỉ có những tỳ-kheo thích nơi an tĩnh thì mới có sự an lạc được:

Này A-nan! Nếu có tỳ-kheo không ham muốn nói chuyện ồn ào, không lấy làm vui với sự nói chuyện ồn ào, không họp hội nói chuyện ồn ào, không thích chốn đông người, không lấy làm vui trong chốn đông người, không tụ họp đông người, muốn rời xa chỗ đông người, thường vui với sự sống một mình nơi xa vắng, thì vị ấy có an lạc, có sự vô dục của bậc Thánh, có sự an lạc do viễn ly, có sự an lạc của sự an tĩnh, có an lạc của chánh giác, có sự an lạc do không vật dục, có an lạc của không sanh tử. Nếu đắc sự an lạc đó thì sự đắc đó là không khó, điều này chắc chắn xảy ra.[11]

Sau đó đức Thế tôn dạy pháp án trú nội không và ngoại không để tỳ-kheo có sự an lạc hiện tiền. An trú nội không là sự giữ vững nội tâm cho an trụ, tĩnh chỉ, chuyên nhất và thiền định. Nếu được như vậy thì sự an lạc sẽ thấm nhuần cả thân lẫn tâm. Sau khi tác ý nội không thì tác ý ngoại không, suy xét có các dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu… có khởi lên trong tâm mình hay không, đồng thời xem xét các pháp ba mươi bảy phẩm trợ bồ-đề mình đã thực hiện trọn vẹn hay chưa. Đồng thời, với những luận bàn phi chánh pháp vị ấy không tham gia, chỉ muốn bàn luận những vấn đề thuộc chánh pháp, sau khi bàn luận, tâm không san tham lam, ưu sầu, ác kiến… Đối với năm thứ dục lạc, vị ấy quán sát rõ từng đối tượng và cảnh giác không cho tâm dao động,m khởi lên tham muốn những thứ ấy….

Qua kinh này, chúng ta thấy đức Phật đã cảnh giác cho các vị tỳ-kheo rằng không nên tụ tập lại thành nhóm lớn rồi phóng túng về thân, khẩu, ý. Nếu tụ tập đông như vậy thì không tránh khỏi sự nói chuyện ồn ào, dẫn đến sự loạn tâm, và thường xuyên như vậy thì không có an lạc của sự xuất gia. Tâm đã phóng dật thì ngũ dục dễ dàng cám dỗ, có thể dẫn đến sự phá phạm hạnh, cũng như gây ra bất ổn trong Tăng chúng. Tỳ-kheo tránh xa sự ồn ào huyên náo, dùng pháp quán nội không và ngoại không để an trụ tâm của mình. Khi có sự an định trong tâm thì năm triền cái không nổi lên, vị ấy có thể đạt được những tầng thiền khác nhau, mà kết quả cao nhất là hướng được tâm đến chánh trí.

2.4. Những điều vị tỳ-kheo cần biết

Các tỳ-kheo không nên tụ tập lại để bàn luận những chuyện thế sự, cũng như luận đến các vấn đề siêu hình. Bổn phận của vị tỳ-kheo là phải chế ngự được tâm mình, đó là phải biết các hành của tâm. Sự kiểm soát được hoạt động của tâm, bao gồm những ý niệm mà từ trong tâm khởi lên ta sẽ điều khiển được các phiền não, các dục lậu. Trong kinh Đạt Phạm hạnh[12] đức Phật đã dạy sáu điều mà bất cứ vị tỳ-kheo nào cũng phải biết và thọ trì. Sáu điều đó bao gồm:

(1) Biết về lậu, nhân sinh của lậu, biết sự hữu báo của lậu, biết sự thắng liệt của lậu, biết sự diệt tận của lậu, biết lậu diệt đạo.

Biết về lậu là biết có ba thứ lậu, gồm: dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Nhân sinh ra lậu chính là vô minh. Do vô minh trói buộc nên có luân hồi tái sanh qua các cõi. Sự thắng liệt của lậu chính là do có lậu mà sinh trong sáu đường. Khi vô minh diệt thì lậu diệt, đó là sự diệt tận của lậu. Biết Bát thánh đạo là biết con đường diệt lậu.

(2) Biết về giác (cảm thọ), biết nhân sanh của thọ, biết sự hữu báo của thọ, biết sự thắng liệt của thọ, biết sự diệt tận của thọ, biết thọ diệt đạo.

Biết về thọ là biết có ba loại thọ, bao gồm: lạc thọ, khổ thọ và không khổ không lạc thọ. Biết xúc chính là nhân sanh ra thọ. Ái chính là hữu báo của thọ. Khi thân hay thân có cảm thọ như thế nào thì vị tỳ-kheo biết như thật về các lậu ấy, đồng thời biết mình có dục khởi lên về các cảm thọ lạc hay không thì gọi là sự thắng liệt của thọ. Khi xúc diệt thì thọ diệt thì gọi là biết sự diệt tận của thọ. Biết Bát thánh đạo là biết con đường diệt lậu.

(3) Biết về tưởng, biết nhân sanh của tưởng, biết sự hữu báo của tưởng, biết sự thắng liệt của tưởng, biết sự diệt tận của tưởng, biết tưởng diệt đạo.

Biết về tưởng là biết có 4 loại tưởng, bao gồm: tưởng nhỏ, tưởng lớn, vô lượng tưởng và vô sở hữu xứ tưởng. Cánh lạc (xúc) là nguyên nhân của tưởng. Quả báo của tưởng là ngôn thuyết (bao gồm sự sắp xếp các thông tin trong ý nghĩ và hình thành một mệnh đề trong ý nghĩ). Sự thắng liệt của tưởng là các tưởng về sắc, thanh, hương, vị, xúc. Khi cánh lạc (xúc) diệt thì tưởng cũng diệt, đó là biết về sự diệt của tưởng. Biết Bát thánh đạo là biết con đường diệt tưởng.

(4) Biết về dục, biết nhân sanh của dục, biết hữu báo của dục, biết sự thắng liệt của dục, biết sự diệt tận của dục, biết dục diệt đạo.

Biết về dục là biết năm tính chất[13] của dục là khả ái, khả hỉ, đẹp, phù hợp với dục, rất ham muốn. Năm loại này là tính chất của sáu đối tượng của sáu giác quan. Xúc là nguyên nhân của dục. Tùy theo loại dục mà sanh tham muốn, trụ nơi nó rồi phải nhận lãnh những quả báo thiện ác… gọi là hữu báo của dục. Sự thắng liệt của dục là những loại dục là sự tham muốn sắc, tham muốn thanh, hương, vị, xúc. Khi xúc diệt thì dục diệt, đó là sự diệt tận của dục. Biết Bát thánh đạo là biết con đường diệt dục.

(5) Biết về nghiệp, biết nhân sanh của nghiệp từ đâu sanh, biết hữu báo của nghiệp, biết sự thắng liệt của nghiệp, biết sự diệt tận của nghiệp, biết nghiệp diệt đạo.

Biết về nghiệp là biết có hai loại nghiệp, bao gồm: tư nghiệp và tư dĩ nghiệp (suy nghĩ và hành động). Xúc là nguyên nhân của nghiệp. Biết hữu báo của nghiệp là biết nghiệp đen (ác nghiệp) thì có quả báo đen, nghiệp trắng (thiện nghiệp) thì có quả báo trắng, nghiệp đen trắng có quả đen trắng, nghiệp không đen trắng thì không có quả báo và khi đó nghiệp được chấm dứt. Biết sự thắng liệt của nghiệp là biết có loại nghiệp sanh nơi địa ngục, có loại nghiệp sanh nơi súc sanh, ngạ quỷ, chư thiên hoặc loài người. Khi xúc diệt thì nghiệp diệt, đó là biết sự diệt của nghiệp. Biết Bát thánh đạo là biết con đường diệt nghiệp.

(6) Biết về khổ, biết nhân sanh của khổ, biết sự hữu báo của khổ, biết sự thắng liệt của khổ, biết sự diệt tận của khổ, biết khổ diệt đạo.

Biết về khổ là biết có sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, khổ do oán ghét mà gặp gỡ, khổ do thương yêu mà phải biệt ly, khổ do điều cầu mong mà không được, tóm lại, năm thủ uẩn hưng suy đều là khổ. Nguyên nhân của khổ là do ái sanh. Biết hữu báo của khổ là biết có loại khổ diệt hơi chậm, có loại khổ diệt hơi nhanh, có loại khổ diệt rất chậm, có loại khổ diệt rất nhanh. Sự thắng liệt của khổ là những kẻ phàm phu ngu si ít học, không gặp thiện tri thức, không được chế ngự bởi pháp trong chánh pháp, khi thân sanh cảm giác cực khổ, khổ cùng cực, mạng sống như sắp chấm dứt, muốn dứt bỏ nó thì phải từ bên ngoài rồi chữa vào bên trong… Biết sự diệt tận của khổ là biết khi ái diệt thì khổ cũng diệt. Biết Bát thánh đạo là biết con đường diệt nghiệp.

Qua kinh này chúng ta thấy rằng, điều cốt tủy mà những điều Phật dạy ở trên chính là tỳ-kheo phải có chánh niệm. Có chánh niệm để biết đâu là lậu, đâu là dục…, biết như vậy thì mới kiểm soát được tâm mình, phòng hộ các căn để các dục lậu, hữu lậu… không thâm nhập vào tâm. Nếu không có được chánh niệm như thế thì phiền não sẽ sinh từ các lậu, các loại thọ, các tưởng… như là điều tất yếu. Từ phiền não có thể tạo nghiệp xấu và thọ quả khổ. Phương pháp chung để diệt các các loại hữu lậu nêu trên chính là Bát thánh đạo. Trong ấy, chánh niệm được đề lên hàng đầu, bên cạnh đó, chánh trí luôn dẫn đầu tiến trình tịnh hóa các phiền não của người xuất gia. Thực hành trọn vẹn Bát thánh đạo thì đó là hành trọn vẹn Phạm hạnh của người xuất gia.

Trong kinh Thiện pháp[14], đức Phật dạy vị tỳ-kheo cần thành tựu bảy pháp hay cần biết bảy pháp này để thủ hộ oai nghi và có những hành vi đúng mực khi tiếp xúc với mọi người. Phật dạy:

Nếu có tỳ-kheo nào thành tựu bảy pháp này thì sẽ được hoan hỷ an lạc trong pháp Hiền Thánh, hướng thẳng đến sự lậu tận. Bảy pháp đó là gì? Đó là ty-kheo biết pháp, biết nghĩa, biết thời, biết tiết độ, biết chính mình, biết chúng hội, biết sự hơn hay kém của người.[15]

(1) Tỳ kheo biết pháp là biết chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ-tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, pháp vị tằng hữu, thuyết nghĩa.

Đây là các hình thức trình bày của kinh điển Phật giáo. Sự phân biệt chính xác của nó cần phải có khả năng đánh giá nội dung và hình thức trình bày, đòi hỏi người học phải ghi nhớ kỹ về cách phân loại đó để sự hiểu biết của mình hay khi trình bày cho người khác không bị lẫn lộn. Như vậy, trong điều thứ nhất này chính là đòi hỏi tỳ-kheo phải chuyên tâm học tập giáo nghĩa và biết cách phân loại hình thức để không bị lẫn lộn, dẫn đến hiểu biết sai lệch về chánh pháp. Từ chỗ không nhớ rõ kinh điển và không hiểu hết ý nghĩa sẽ dẫn đến hệ quả tất yếu là hành trì sai và giảng thuyết những điều sai lầm cho người khác mà đôi khi bản thân cho là đúng theo chủ quan.

(2) Tỳ-kheo biết nghĩa là biết những mỗi mỗi thuyết đó là có nghĩa đó hay có nghĩa này.

Khi nghe pháp thì vị tỳ-kheo phải hiểu rõ ràng nghĩa lý của từng vấn đề, nếu lẫn lộn ý nghĩa vấn đề này với vấn đề khác thì huệ do văn không thể phát sanh, huệ do tư cũng không thể có được, dẫn đến hành trì trong thật tế cũng sai.

(3) Tỳ-kheo biết thời là biết lúc nào tu pháp thấp, thời nào tu pháp cao, thời nào tu pháp xả.

Biết pháp tu nào phù hợp với giai đoạn nào của sự phát triển tâm thức của mình thì sự hành trì sẽ mang lại kết quả nhanh chóng và đúng đắn.

(4) Tỳ-kheo biết tiết độ là biết tiết độ trong việc ăn, uống, đi, đứng, ngồi, nằm, hoặc nói hoặc yên lặng, hoặc đại tiểu tiện, giảm bớt ngủ nghỉ, tu hành chánh trí.

Thiểu dục tri túc không những là một pháp tu nhằm loại bỏ tập khí tham muốn của con người mà nó còn là vẻ đẹp thanh cao của người xuất gia. Nếu người xuất gia quá coi trọng việc ăn uống… có nghĩa là sự tham muốn vẫn còn, đồng thời tập khí của mình lúc còn ngoài đời cũng chưa trừ được thì nói gì đến việc dồn hết thời gian và sức lực cho việc hành trì.

(5) Tỳ-kheo biết mình là biết mình có bao nhiêu về tín, giới, văn, thí, tuệ, biện, a-hàm (sở chí-āgama, đến mức độ nào), sở đắc.

Vị tỳ-kheo phải thường xuyên kiểm thảo lại những gì mình đạt được qua quá trình hành trì theo một pháp nào đó. Đối với chánh pháp, phải đánh giá mình đã tin vào pháp do Phật tuyên thuyết có thâm sâu hay không. Đối với những giới luật mà mình đã phát nguyện lãnh thọ, trong đời sống hằng ngày, có phạm giới, làm cho giới sút kém hay không; nếu có thì phải sám hối cho được thanh tịnh và ngày càng giữ giới thanh tịnh hơn nữa. Đối với những gì được nghe thật sự mình đã nghe chính xác, có bị quên mất đoạn nào không. Sau khi kiểm điểm như vậy, vị tỳ-kheo cần phải thưa hỏi những bậc thiện tri thức… để bổ sung vào chỗ khiếm khuyết đó.

Sự bố thí của vị tỳ-kheo chính là bố thí pháp, nhưng muốn được vậy thì trước hết vị đó phải có đa văn, có kinh nghiệm hành trì chánh pháp thì mới thuyết giảng mới hợp chánh pháp. Đối với tuệ, biện, a-hàm (sở chí-āgama, đến mức độ nào), sở đắc cũng phải tự kiểm điểm như vậy để luôn có thái độ cầu tiến và khiêm cung, vì tự biết rằng mình là người còn nhiều khiếm khuyết so với những gì Phật đã dạy.

(6) Tỳ-kheo biết về chúng hội là biết đây là chúng hội Sát-lợi, chúng hội Bà-la-môn, chúng cư sĩ, chúng hội Sa-môn. Khi ở trong chúng hội ấy, ta nên đi như thế này, nên đứng như thế này, nên ngồi như thế này, nên nói như thế này, nên im lặng như thế này.

Khi vị tỳ-kheo cu trú tại nơi nào thì luôn phải cảnh giác về oai nghi của mình. Vì oai nghi của vị tỳ-kheo ấy là oai nghi của đạo pháp khi mọi người xem vị ấy như là đại diện cho đạo pháp. Do đó, từ thân đến khẩu rồi ý phải luôn luôn đặt trong chánh niệm. Vị tỳ-kheo có trí luôn biết mình cần làm, cần nói lúc nào cho phù hợp hay không làm và im lặng lúc nào. Chính ngoại biểu như vậy cũng nói lên trí tuệ và phẩm hạnh của vị ấy. Nếu vị tỳ-kheo mà nói quá nhiều, hay giành quyền nói của người khác, luôn đề cao những hiểu biết của chính mình, thì đối với thế gian cũng đáng bị chê cười chứ chưa nói gì đến tư cách của người xuất gia. Vị tỳ-kheo phải tự biết nói năng như chánh pháp và im lặng trong chánh pháp. Muốn được vậy thì trước hết phải có chánh niệm, đa văn và thiền định thâm sâu. Đó là người đi đúng con đường xuất gia như Phật dạy.

(7) Tỳ-kheo biết sự hơn hay kém của người là biết có hai hạng người, hạng người có tín và hạng người bất tín. Người có tín là hơn, người bất tín là kém. Người có tín cũng có hai hạng hơn kém khác nhau…

Qua đây, chúng ta thấy, sự tôn quí thật sự của con người theo đức Phật chính là tư cách đạo đức, muốn được vậy thì người ấy phải có sự tin tưởng nơi giáo pháp chứ không phải do đẳng cấp xã hội hay giàu sang. Người tín phụng Tam bảo, có chí nguyện xuất trần và giáo hóa cho người khác còn đang bị vô minh che lấp, như lời trong kinh này, đó là người tôn quí bậc nhất.

2.5. Ước nguyện của người xuất gia

Người xuất gia có ý chí mạnh mẽ với mục tiêu đạt được Niết-bàn thì lẽ cố nhiên dù làm việc gì, suy nghĩ điều gì, mong mỏi sự gì thì những thứ đó đều không được rời xa mục tiêu giải thoát. Khi đã có mục tiêu như vậy tức là đã có sự mong muốn, ước nguyện, nhưng sự mong muốn, ước nguyện này là phù hợp với chánh pháp. Điều hiển nhiên là khi làm việc gì thì trước hết phải tác ý mong muốn thực hiện sự việc đó. Trong đời sống thường nhật của người xuất gia, các tỳ-kheo không được có ước muốn, mà những ước muốn đó xa rời mục tiêu giải thoát, tiệm cận với phiền não nhiễm ô về cả thân lẫn tâm. Vậy các tỳ-kheo nên ước muốn việc gì hợp chánh pháp và hướng đến Niết-bàn? Trong kinh Nguyện,[16] đức Phật dạy các tỳ-kheo nên ước nguyện 13 điều:

(1) Ước nguyện đức Thế tôn thăm hỏi, nói chuyện với ta, thuyết pháp cho ta.

(2) Ước nguyện những thân tộc của ta, nhờ ta mà sau khi mạng chung chắc chắn được sanh thiện xứ, sanh nơi cõi trời.

(3) Ước nguyện những thí chủ đã cung cấp cho ta y phục, đồ ăn thức uống…, nhờ sự bố thí này mà có nhiều công đức, có đại quang minh, có nhiều phước báo.

(4) Ước nguyện ta có thể nhẫn chịu được sự đói, khát, nóng, lạnh, muỗi mòng châm chích, sự áp bức của gió, của mặt trời; bị tiếng xấu, bị đánh đập cũng có thể nhẫn chịu; bản thân bị tật bệnh rất là đau khổ, cho đến mạng sống sắp tuyệt, các sự không được vui, ta cũng đều có thể kham nhẫn.

(5) Ước nguyện ta nhẫn chịu được những sự không vui, nếu sanh sự không vui, tâm đều không chấp trước.

(6) Ước nguyện ta nhẫn chịu được những sợ hãi, nếu sanh sợ hãi, tâm đều không chấp trước.

(7) Ước nguyện nếu ta sanh ba niệm ác thuộc bất thiện là dục niệm, nhuế niệm, hại niệm thì tâm không dính mắc nơi các niệm thuộc ba niệm ác thuộc bất thiện này.

(8) Ước nguyện ta ly dục, ly các pháp ác bất thiện, cho đến Tứ thiền, thành tựu và an trụ.

(9) Ước nguyện ta diệt hết ba kết, đắc Tu-đà-hoàn, không rơi vào ác pháp, nhất định hướng đến Chánh giác, tối đa là bảy lần tái sanh, qua lại cõi trời và nhân gian bảy lần rồi liền chứng đắc sự chấm dứt của sự khổ.

(10) Ước nguyện ta diệt hết ba kết, làm mỏng dâm, nộ, si, một lần qua lại cõi trời và nhân gian, xong rồi liền chứng đắc sự chấm dứt của khổ.

(11) Ước nguyện ta diết hết ba hạ phần kết, sanh vào nơi kia liền chứng đắc Niết-bàn, đắc pháp bất thoái, không trở lại thế gian này nữa.

(12) Ước nguyện ta được tịch tịnh giải thoát, ly sắc, đắc vô sắc, với loại định như vậy, tự thân ta chứng ngộ, thành tựu và an trụ, dùng trí tuệ mà quán sát và đoạn trừ lậu hoặc và tri lậu hoặc.

(13) Ước nguyện ta được như ý túc, thiên nhãn trí, tha tâm trí, túc mạng trí, sanh tử trí, các lậu đã dứt sạch, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự tri tự giác, tự thân chứng ngộ, thành tựu và an trụ, biết một cách như thật rằng: Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.

Muốn thành tựu các ước nguyện này, Phật dạy:

Đắc giới cụ túc mà không bỏ phế thiền định, thành tựu quán hạnh ở nơi không tịnh.[17]

Vị tỳ-kheo phải có ước nguyện, nhưng không phải là về cơm áo, danh dự, lợi dưỡng mà là ước nguyện đoạn trừ các kết sử. Khi thọ dụng của đàn việt thì phải có tâm tàm quí, tự xét đức hạnh của mình có xứng đáng với những gì đang thọ dụng hay không. Do đó, khi ước nguyện những người hiến cúng cho mình luôn có công đức và sau khi chết được thác sanh cõi lành, vị tỳ-kheo đồng thời cũng luôn thấy mình phải có trách nhiệm tinh tấn tu tập, không những cho mình mà cũng không luống uổng những kỳ vọng của tín thí khi họ cung dưỡng mình. Đồng thời, quá trình tu tập là quá trình vị tỳ-kheo tự chiến đấu với chính mình để loại trừ những tập tính cố hữu của người thế gian mà mình đã huân tập không chỉ kiếp này mà đã từ nhiều kiếp trước. Cho nên vị tỳ-kheo cần phải biết nhẫn chịu những nghịch duyên, có thể nó đến từ môi trường, mà cũng có thể là từ con người. Nếu không đủ sự nhẫn nhục thì vị ấy sẽ dễ dàng bị đánh bại bởi những nghịch duyên ấy, và tâm bồ-đề cũng dần lụi tàn. Có thể vị ấy vẫn còn hình tướng xuất gia nhưng tâm của vị ấy đã bị cuốn theo lục trần, đã bị kết sử buộc chặt không có lối thoát. Dù trong hoàn cảnh nào, vị tỳ-kheo cũng không nên sợ hãi, vì sợ hãi trước sự đe dọa thì cũng dễ dàng thoái lui. Nói cách khác, vị tỳ-kheo phải tinh tấn trong mọi hoàn cảnh và thời điểm.

Mọi ý nghĩ của vị tỳ-kheo phải hướng đến sự giải trừ phiền não, hướng đến sự chứng đắc các tầng thiền mà Phật đã dạy, vì khi đạt định cũng đồng thời trí tuệ và các thứ thần thông cũng đầy đủ. Và đó cũng là phương tiện hóa độ chúng sanh, đáp đền tín thí vậy.

3. Thứ tự của sự tu hành

3.1. Hành trì giới luật

Sau khi xuất gia, việc đầu tiên của các vị tỳ-kheo là phát nguyện lãnh thọ giới luật. Thọ giới thì nghiêm cẩn thọ trì những giới ấy cho đến trọn đời. Trong kinh Tượng tích dụ,[18]đức Phật giải thích tường tận về các giới này.

Vị tỳ-kheo đã xuất gia rồi thì lìa bỏ sát sanh, đoạn trừ sát sanh, dẹp bỏ dao gậy, có tâm tàm quý, có tâm từ bi làm lợi ích hết thảy chúng sanh, cho đến côn trùng. Không trộm cắp, chỉ nhận của được cho, không keo kiết, không trông chờ báo đáp. Xa lìa phi phạm hạnh, tinh tấn tu phạm hạnh, ly dục, đoạn dâm. Không nói dối, nói lời chân thật, không lừa gạt người đời. Không nói hai lưỡi, không phá hoại người khác, không nghe lời người này rồi nói với người khác để gây chia rẽ, không kết bè đảng. Xa lìa lời nói cộc cằn, chỉ nói những lời ôn hòa. Không nói phù phiếm, nói đúng thời, nói đúng sự thật, nói đúng pháp. Không buôn bán, không gạt gẫm người khác. Xa lìa sự nhận đàn bà góa, đồng nữ… Không thu nhận nô tỳ. Không nhận bất kỳ loài vật nào. Không nhận ruộng vườn, quán xá. Không thu nhận lúa thóc, hoa màu. Không uống rượu. Không nằm giường cao rộng lớn. Không đeo vòng hoa, anh lạc, các loại trang sức. Không ca vũ nhạc kịch hay đi xem, nghe. Không thu nhận tiền bạc. Không ăn quá ngọ. Sau khi giữ được như vậy rồi, vị tỳ-kheo còn sống tri túc, mặc áo chỉ cốt để che thân, ăn cốt để nuôi thân, chỉ ba y một bát là đủ và du hành giáo hóa khắp nơi.

Như vậy, vị tỳ-kheo không làm những việc gì có hại đến thế gian, không dục tham sự cúng dường để hưởng thụ. Đối với những sự du hí, giải trí của thế gian, vị tỳ-kheo cũng không đắm trước, mà lấy sự hành trì pháp làm niềm an lạc cho mình.

3.2. Phòng hộ lục căn

Sáu căn là sáu nơi mang đến cảm xúc cho một con người do nó có khả năng xúc với các đối tượng tương ưng với nó, từ đó mà khởi lên sự tham lam, yêu, ghét… Do đó, vị tỳ-kheo cần phải phòng hộ sáu căn. Phật dạy rằng khi mắt thấy sắc cũng không đắm nhiễm, không đắm niễm các cảm giác do thấy sắc mà có. Nếu không thủ hộ thì tâm sanh tham lam, ưu sầu, các bất thiện pháp cũng khởi lên. Cũng vậy, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng phải phòng hộ, không chấp thủ nơi các đối tượng mà nó tiếp xúc. Khi đã phòng hộ được sáu căn rồi thì khi đi, đứng, nằm, ngồi…, vị ấy cũng ở trong chánh niệm và biết rõ từng hành động và ý nghĩ của mình.

3.3. Đắc thiền và diệt trừ lậu hoặc

Vị tỳ-kheo giữ giới, sống đời tri túc, thủ hộ các căn, có chánh niệm, rồi tìm nơi xa vắng, sống độc cư và hành thiền định. Vị ấy giữ thân ngay thẳng, hướng niệm vào bên trong, đoạn trừ tâm tham lam, tâm không não hại, khi thấy vật của người khác mà tâm vẫn không khởi lên niệm tham lam. Như vậy, sự tham lam của tâm đã được đoạn trừ. Cũng vậy, đối với sân nhuế, thùy miên, trạo hối, đoạn trừ nghi hoặc, đối với các thiện pháp thực hành mà không còn do dự.

Sau khi đoạn trừ năm triền cái thì những thứ làm tâm ô uế, nhiễu loạn, làm tuệ bị mờ nhạt đã không còn, vị ấy chứng được Sơ thiền, thành tựu an trụ. Khi đã an trụ, các giác quan đã không còn hướng ra các đối cảnh, trong tâm an tĩnh, nhất tâm, không giác, không quán, có hỷ lạc do định sanh, vị ấy đắc Nhị thiền. Vị ấy ly hỷ dục, xả, vô cầu, an trụ nơi chánh niệm, chánh trí, thân cảm lạc thọ, điều mà Thánh nói là Thánh sở xả niệm lạc trụ thất, đạt đến Tam thiền. Vị ấy lạc diệt, khổ diệt, ưu hỷ vốn cũng đã diệt, không lạc, không khổ, xả niệm thanh tịnh, đạt đến Tứ thiền.

Vị ấy sau khi đạt đến tịnh tâm như vậy, thanh tịnh, không uế, không phiền, nhu nhuyến, an trụ vững vàng, đạt được bất động tâm, thú hướng đến sự tác chứng lậu tận trí thông. Vị ấy biết như thật đây là Khổ, biết như thật đây là Khổ tập, đây là Khổ diệt, đây là Khổ diệt đạo, biết như thật đây là lậu, biết như thật đây là lậu tận, đây là lậu diệt, đây là lậu diệt đạo. Vị ấy biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu, vô minh lậu. Giải thoát rồi thì biết mình đã giải thoát, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

Qua nội dung đoạn này chúng ta thấy rằng, chính đời sống vô cầu dục lạc, chỉ một lòng hướng đến mục tiêu giải thoát nên vị tỳ-kheo có cơ hội được đoạn trừ ngoại duyên. Ngoại duyên ở đây là các nhu cầu ăn, mặc, ở, sự bận tâm về tín đồ…. Khi ngoại duyên đã dứt thì vị tỳ-kheo dành mọi thời gian cho việc thiền định. Như đã thấy, năm kết sử kết buộc chúng sanh đã từ vô lượng kiếp nên sự trừ bỏ nó rất khó. Tuy nhiên xét cho cùng, chính vì không kiểm soát được các giác quan và tâm ý nên chính mình khởi lên năm kết sử rồi bị chính nó làm cho đau khổ và không giải thoát. Cho nên sự phòng hộ lục căn là việc quan trọng với người xuất gia. Từ sự phòng hộ lục căn, cũng tức là giữ giới, thì tâm không bị chính lỗi lầm, nếu phạm, làm cho áo não; sự tham lam, sân hận, si mê thiêu đốt thân tâm thì dù có tọa thiền cũng không thể được an tâm. Như vậy, theo như Phật dạy, từ căn bản ban đầu là giữ giới, vị tỳ-kheo tu thiền sẽ đạt được định. Đây là những bước tiến quan trọng để hướng đến Thánh trí. Thánh trí là trí biết rõ Tứ đế và diệt trừ các lậu là dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Vị tỳ-kheo nào được vậy cũng tức là giải thoát.

4. Tư cách tỳ-kheo

Trong kinh Mã ấp,[19]đức Phật đã dạy những pháp để tỳ-kheo xứng đáng với tư cách của một tỳ-kheo, để một vị tỳ-kheo trở thành một vị xuất gia chân chánh, không phải là một tỳ-kheo hư danh, làm ô uế Tăng đoàn và luống uổng sự thọ dụng của tín thí đã dâng cúng. Điều căn bản là tỳ-kheo phải ý thức hành động của mình và luôn có ý chí cầu tiến đến sự viên mãn về tư cách của một tỳ-kheo, và các tín chủ cúng dường cho mình, nhờ đó cũng được phước lớn.

Trước hết là vị tỳ-kheo phải có thân hành thanh tịnh. Thứ đến là khẩu hành thanh tịnh, ý hành thanh tịnh, mạng hành thanh tịnh. Kế đến là thường niệm tưởng sự thủ hộ các căn, hằng khởi chánh tri. Tỳ-kheo phải học chánh tri khi ra, khi vào, khéo quán sát phân biệt; co duỗi, cúi ngước, nghi dung chững chạc; khéo mang Tăng-già-lê và các y bát; đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức, nói năng hay im lặng… đều có chánh tri. Sau cùng là hướng đến sự chứng đắc lậu tận.

Vị tỳ-kheo giữ được oai nghi như thế rồi nhưng tâm không được khởi lên sự cao ngạo, không khinh chê người khác, không ô uế, không vẩn đục, như thế mới xứng đáng tư cách của một tỳ-kheo chân chánh.

5. Tâm thanh tịnh

Trong kinh Niệm,[20] đức Phật kể lại pháp tu diệt tầm tứ khi Ngài chưa thành đạo, còn ngồi thiền định dưới cây bồ-đề.

Đức Phật chia các niệm thành hai phần là (1) dục niệm, nhuế niệm và hại niệm; (2) vô dục niệm, vô nhuế niệm và vô hại niệm.

Nếu biết rõ mình đang khởi dục niệm, nhuế niệm và hại niệm, các niệm này là hại mình, hại người, hại cả hai, diệt trí tuệ, nhiều phiền nhọc, không chứng đắc Niết-bàn. Biết rằng, hại mình, hại người, hại cả hai, diệt trí tuệ, nhiều phiền nhọc, không chứng đắc Niết-bàn, nó liền tiêu diệt nhanh chóng.

Khi tâm có dục niệm, nhuế niệm và hại niệm thì không thọ nhận mà đoạn trừ, tống khứ nó đi. Vì thấy rằng nếu có các niệm đó thì sẽ có vô lượng pháp ác bất thiện pháp phát sanh từ nó.

Nếu tâm cứ chạy theo các dục niệm, nhuế niệm và hại niệm thì bị chúng cuốn hút trong nó, sẽ bỏ mất các loại niệm vô dục niệm, vô nhuế niệm và vô hại niệm. Nếu không lìa được dục niệm, nhuế niệm và hại niệm thì sẽ không thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu sầu, khóc lóc, cũng không thể xa lìa tất cả khổ.

Nếu tâm sinh khởi vô dục niệm, vô nhuế niệm và vô hại niệm liền biết là đang sanh niệm vô dục, không hại mình, không hại người, không hại cả hai, tu trí tuệ, không phiền nhọc mà chứng đắc Niết-bàn. Biết rằng, không hại mình, không hại người, không hại cả hai, tu trí tuệ không phiền nhọc mà chứng đắc Niết-bàn, liền được tu tập nhanh chóng và rộng rãi.

Nếu tư niệm quá nhiều thì thân mệt, mất hỷ, tâm liền bị tổn hại, thì liền đối trị nội tâm, khiến thường an trú bên trong, tĩnh chỉ, chuyên nhất, đắc định mà tâm không bị tổn hại. Sau đã sanh khởi niệm vô dục, rồi lại sanh khởi suy niệm về hướng pháp, thứ pháp, sanh khởi niệm vô nhuế, niệm vô hại, rồi lại cũng sanh khởi suy niệm về hướng pháp, thứ pháp. Vì không thấy nhân nơi đó mà sanh vô lượng pháp ác bất thiện.

Tỳ-kheo giác quán đã dứt, nội tĩnh nhất tâm, không giác không quán, định sanh hỷ lạc, chứng đệ Nhị thiền, thành tựu và an trụ. Tỳ-kheo đó ly hỷ dục, an trú xả, vô cầu, chánh niệm chánh trí mà thân cảm giác lạc, điều mà bậc Thánh gọi là Thánh xả, niệm, an trú lạc, chứng đắc đệ Tam thiền, thành tựu an trụ. Tỳ-kheo diệt lạc, diệt khổ, diệt ưu hỷ vốn đã có, rồi thì không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Như vậy, Tỳ-kheo định tâm, thanh tịnh, không ô uế, không phiền não, nhu nhuyến, khéo an trụ, chứng đắc tâm bất động, hướng đến quả vị lậu tận, tự thân chứng ngộ trí thông, liền biết như thật rằng ‘Đây là Khổ’, ‘Đây là Khổ tập’, ‘Đây là Khổ diệt’, ‘Đây là Khổ diệt đạo’. Cũng biết như thật đây là lậu diệt và đây là lậu diệt đạo.

6. Tám điều suy niệm

Trong kinh Bát niệm,[21] đức Phật dạy cho các tỳ-kheo tám điều, gọi là tám điều suy niệm của bậc Đại nhân, nên suy nghĩ và ghi nhớ để tinh tấn hướng đến Niết-bàn. Tám điều đó bao gồm:

(1) Đạo từ vô dục, không phải từ hữu dục mà chứng đắc. (2) Đạo từ tri túc, không phải từ không yểm ly mà chứng đắc. (3) Đạo từ viễn ly, không phải từ chỗ ưa tụ hội, không phải từ sự sống chỗ tụ hội, không phải từ sự sống hội hợp tụ hội mà chứng đắc. (4) Đạo từ tinh cần, không phải từ giả đãi mà chứng đắc. (5) Đạo từ chánh niệm, không phải từ tà niệm mà chứng đắc. (6) Đạo từ chỗ định ý, không phải từ loạn ý mà chứng đắc. (7) Đạo từ trí tuệ, không phải từ ngu si mà chứng đắc. (8) Đạo từ chỗ không hý luận, ưa sự không hý luận, hành sự không hý luận, không phải từ hý luận, không phải từ sự ưa hý luận, không phải từ sự hành hý luận, mà chứng đắc.[22]

Nếu có dục thì còn ưa thích trần cảnh thì tâm bị nhiễu loạn, tâm nhiễu loạn thì không thể tu thiền định. Người xuất gia mà quý hồ nơi cơm áo thì suốt ngày chỉ nghĩ đến việc phải làm gì để có cơm ngon, y tốt hay ngủ nhiều thì đâu còn tâm trí vá thời gian để dành cho sự tu tập thì hiển nhiên không thể đạt đạo. Nếu sống trong chúng hội đông đúc, mà chúng hội đó có nhiều người không có chí tu hành thì cả ngày sẽ bàn luận hí tiếu, hoặc gây gỗ với nhau thì sẽ ảnh hưởng đến sự tu tập thiền định nên cần phải tránh xa nơi ấy. Làm việc gì cũng cần phải có sự chuyên tâm và nỗ lực thì mới thành công, sự tu hành cũng vậy, đòi hỏi sự nỗ lực tinh chuyên bền bỉ của hành giả thì mới có cơ hội tiến bộ, trí tuệ mới đủ điều kiện để phát sanh và đạo mới đạt được. Nếu loạn tâm thì không có định, không có định thì không thể phát sanh trí tuệ. Có trí tuệ thì mới phân biện được chánh tà, mới biết phân định giữa phiền não và thiện pháp, phân biệt được như thế sẽcó trạch pháp, có trạch pháp thì hẳn nhiên là chọn đúng pháp phù hợp với mình để tu thì sẽ đạt đạo mau chóng. Hằng ngày không ở chỗ nhàn tĩnh để tu thiền định mà chỉ tụ họp hí luận thì tâm bị tán loạn, phóng dật, đạo không thể đạt được trong trường hợp như thế.

Do đó, hằng ngày luôn suy niệm như thế thì mới nỗ lực tu tập và biết bổn phận của mình là tỳ-kheo thì nên làm gì và không nên làm gì. Được như thế thì mới không bỏ quá ngày giờ xuất gia.

7. Bảy pháp bất thoái và sáu pháp hòa hợp

7.1. Bảy pháp bất thoái

Tăng (Saṅga) là một đoàn thể gồm 4 vị tỳ-kheo xuất gia trở lên, sống hòa hợp và cùng một mục tiêu hướng đến giải thoát. Sau khi Phật thuyết pháp và độ cho 5 anh em ngài Kiều-trần-như thì Tăng đoàn của Phật giáo chính thức được thành lập. thời gian đầu, trong khoảng 12 năm, các vị tỳ-kheo đã sống thanh tịnh hòa hợp với nhau, nhưng từ khi Phật thu nhận nhiều để tử thuộc các giai tầng khác nhau thì các việc hữu lậu xuất hiện, Phật phải chế giới. Điều đáng chú ý là sự kiện Đề-bà-đạt-đa chia rẽ Tăng đoàn và định lập Tăng đoàn riêng thì trong nội bộ Tăng đoàn của Phật cũng có những mâu thuẫn nhất định tồn tại.

Trong kinh Vũ thế,[23] đức Phật dạy 7 bảy pháp bất thoái, nếu các tỳ kheo thực hành đúng như thế thì Tăng đoàn không bị suy thoái, không bị chia rẽ và càng ngày càng phát triển vững mạnh. Điểm chính yếu của các pháp bất thoái này là các tỳ-kheo phải tự mình giữ giới luật, thực tu, thực chứng thì mới tạo nên sự thanh tịnh hòa hợp trong Tăng đoàn, tiêu biểu là các pháp bất thối sau:

Nếu tỳ-kheo thành tựu tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, bác văn tài, thí tài và thành tựu tuệ tài thì tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không suy thoái. Nếu tỳ-kheo hành bảy pháp bất thoái này, thọ trì không phạm thì tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không suy thoái.[24]

Một vị tỳ-kheo mà có đầy đủ tín, giới, tàm, quí, bác văn, trí tuệ thì đó là vị khuôn mẫu lý tưởng của người xuất gia. Nếu như toàn thể Tăng đoàn chỉ bao gồm những vị tỳ-kheo như thế thì Tăng đoàn sẽ vững mạnh, không suy thoái được. Bởi vì vị ấy có lòng tin chắc chắn với Tam bảo, đầy đủ giới đức thì không có thể có xảy ra tranh chấp giữa Tăng đoàn vì mục đích danh lợi, địa vị, tầm ảnh hưởng với tín đồ…, cũng không xuất hiện những người muốn lập giáo phái riêng để mình làm vị giáo chủ, để được người khác cung kính, sung mộ.

7.2. Sáu pháp hòa kính

Cũng trong kinh Vũ thế, đức Phật dạy sáu phương pháp để Tăng đoàn áp dụng nhằm tạo sự hòa hợp, gọi là sáu pháp ủy lạo, nhằm tăng cường sự hiểu biết và sách tấn lẫn nhau. Sáu pháp này áp dụng cho thân, khẩu, ý, lợi, giới và kiến.

Thân nghiệp từ hòa hướng đến các vị đồng Phạm hạnh. Cũng vậy, khẩu nghiệp từ hòa, ý nghiệp từ hòa. Lợi lộc nào đúng theo pháp mà được, cho đến miếng cơm ở chính trong bình bát của mình, với phần lợi như vậy mang chia xẻ cho các vị đồng Phạm hạnh. Nếu có giới nào không bị sứt mẻ, không bị hư thủng, không bị uế tạp, không bị đen, vững vàng như mặt đất, được Thánh khen ngợi, đầy đủ, cẩn thận thọ trì. Với giới phần như vậy, cùng chia xẻ với các vị đồng Phạm hạnh. Nếu có kiến giải của Thánh, có sự xuất yếu, có sự thấy rõ, có sự thấu triệt, đưa đến sự chân chánh diệt khổ; với kiến phần như vậy, cùng chia xẻ với các vị đồng Phạm hạnh.

Sáu pháp đó đều được gọi là pháp ủy lạo, là pháp khả ái, là pháp khả lạc, khiến cho ái niệm, khiến cho tôn trọng, khiến cho phụng sự, khiến cho cung kính, khiến cho tu tập, khiến cho hòa thuận, được Sa-môn, được sự nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc Niết-bàn.

C. KẾT LUẬN

Mục đích của người xuất gia là hướng đến sự giải thoát tối hậu hay niết-bàn toàn diện. Nếu không vì mục tiêu này thì sự xuất gia chỉ là luống uổng thì gian của mình mà thôi.

Khi thọ dụng thức ăn do đàn-việt hiến cúng, dù ngon hay dở thì vị tỳ-kheo cũng ước nguyện cho họ nhờ sự hiến cúng này mà được những thắng phước để sống an lành trong kiếp này và kiếp sau. Ước nguyện như vậy thì tất nhiên vị ấy cũng phải xét thấy sự tu hành thực tế của mình có xứng đáng với sự thọ dụng này hay không. Từ đó sanh tâm tàm quý và càng tinh cần trong tu tập nhiều hơn nữa.

Qua những phân tích như trên, chúng ta thấy rằng, đã là vị xuất gia chân chánh thì không nên bàn đến chuyện lợi dưỡng, danh tiếng… Ở thế gian, một người có tư cách đạo đức thì vấn đề lợi dưỡng, cơm áo, họ đã xem là không quan trọng và tự hổ thẹn khi nhắc đến, thì người xuất gia chẳng lẽ lại không bằng những người ấy.

Muốn được vậy thì vị ấy phải chuyên trì tịnh giới không được hủy phạm một điều gì dù là nhỏ nhất. Vị tỳ-kheo phải có đầy đủ chánh niệm để phòng hộ các căn môn, không để các lậu hoặc khởi lên, dẫn đến phiền não, phá giới, làm mất tư cách của tỳ-kheo.

Để hoàn thành mục tiêu giải thoát thì vị ấy phải có sự thực hành thiền định. Bước đầu tiên là chọn những nơi xa với chỗ xô bồ phức tạp của xã hội, cũng như trong những cộng đồng gồm nhiều vị xuất gia nhưng không giữ giới luật, hằng ngày chỉ lo vật thực cho mình. Sau đó nhiếp tâm hành thiền, mà điều quan trọng của việc này như các đoạn trên chúng ta đã thấy là vị tỳ-kheo phải có chánh niệm. Bất kì một niệm thiện hay ác khởi lên thì vị ấy cũng phải biết rõ ràng. Biết rõ nhưng không nắm bắt nó, cũng không ghét bỏ những niệm ác mà cũng không say đắm các niệm thiện, mà như trong kinh đã nói, đó cũng là một loại hí luận do chính tâm của mình tạo ra. Cái gì do tưởng tạo ra mà mình chạy đuổi theo thì sinh ra tán loạn, thất niệm, thân và tâm đều mệt nhọc, không đưa đến ích lợi thiết thực nào cả.

Ngoài nhiệm vụ tu tập cho chính mình, vị tỳ-kheo còn phải đa văn để có thể thuyết pháp cho người khác. Đó là sự tự lợi và lợi tha của vị tỳ-kheo đều được viên mãn. Và đó cũng là khuôn mẫu lý tưởng chân chánh của người xuất gia vậy.

Thích Nhuận Tịnh


THƯ MỤC THAM KHẢO

– CBETA, T01, no. 26, 204: 羅摩經 (La-ma kinh ).

– CBETA, T01, no. 26, 221: 箭喻經 (Tiễn dụ kinh).

– CBETA, T01, no. 26, 191: 大空經 (Đại không kinh).

– CBETA, T01, no. 26, 111: 達梵行經 (Đạt Phạm hạnh kinh).

– CBETA, T01, no. 26, 01: 善法經 (Thiện pháp kinh).

– CBETA, T01, no. 26, 105: 願經 (Nguyện kinh).

– CBETA, T01, no. 26, 146: 象跡喻經 (Tượng tích dụ kinh).

– CBETA, T01, no. 26, 182: 馬邑經 (Mã ấp kinh).

– CBETA, T01, no. 26, 102: 念經 (Niệm kinh).

– CBETA, T01, no. 26, 74: 八念經 (Bát niệm kinh).

– CBETA, T01, no. 26, 142: 雨勢經 (Vũ thế kinh).

– CBETA, T02, no. 125. 增壹阿含經

– Trung A-hàm, Tuệ Sỹ dịch và chú, Nxb Phương Đông, 2009, 3 tập.


[1] CBETA, T01, no. 26, 204: 羅摩經 (La-ma kinh ). Pāḷi: M. 26. Ariyapariyesana sutta.

[2] 《中阿含經》卷56〈3 晡利多品〉:「我時年少童子。清淨青髮。盛年年二十九。爾時極多樂戲。莊飾遊行。我於爾時。父母啼哭。諸親不樂。我剃除鬚髮。著袈裟衣。至信.捨家.無家.學道。護身命清淨。護口.意命清淨。」(CBETA, T01, no. 26, p. 776, b1-5)

[3] 《中阿含經》卷56〈3 晡利多品〉:「我求無病無上安隱涅槃。便得無病無上安隱涅槃。求無老.無死.無愁憂慼.無穢污無上安隱涅槃。便得無老.無死.無愁憂慼.無穢污無上安隱涅槃。生知生見。定道品法。生已盡。梵行已立。所作已辦。不更受有。知如真。」(CBETA, T01, no. 26, p. 777, a13-18)

[4] 《中阿含經》卷56〈3 晡利多品〉:「愚癡凡夫而不多聞。不見善友。不知聖法。不御聖法。彼於此五欲功德觸染貪著。憍慠受入。不見災患。不見出要。而取用之。當知彼隨弊魔。自作弊魔。墮弊魔手。為魔網纏。魔纏所纏。不脫魔纏。」(CBETA, T01, no. 26, p. 778, a21-25)

[5] CBETA, T01, no. 26, 221: 箭喻經 (Tiễn dụ kinh). Pāḷi: M. 63. (Cūḷa) Māluṅya sutta.

[6] 《中阿含經》卷60〈4 例品〉:「謂世有常。世無有常。世有底。世無底。命即是身。為命異身異。如來終。如來不終。如來終不終。如來亦非終亦非不終耶。」(CBETA, T01, no. 26, p. 804, a26-28)

[7] 《中阿含經》卷60〈4 例品〉:「彼愚癡人竟不得知於其中間而命終也。」(CBETA, T01, no. 26, p. 804, c23-24)

[8] 《中阿含經》卷60〈4 例品〉:「何等法我一向說耶。此義我一向說。苦.苦習.苦滅.苦滅道跡。我一向說。以何等故。我一向說此。此是義相應。是法相應。是梵行本。趣智.趣覺.趣於涅槃。是故我一向說此。是為不可說者則不說。可說者則說。當如是持。當如是學。」(CBETA, T01, no. 26, p. 805, c2-7)

[9] 《增壹阿含經》卷43〈47 善惡品〉:「汝等設欲論者。當論十事功德之論。云何為十。若精勤比丘。少欲.知足.有勇猛心.多聞能與人說法.無畏無恐.戒律具足.三昧成就.智慧成就.解脫成就.解脫見慧成就。」(CBETA, T02, no. 125, p. 781, c12-16)

[10] CBETA, T01, no. 26, 191: 大空經 (Đại không kinh). Pāḷi: M. 122. Mahā-suññatā sutta.

[11] 《中阿含經》卷49〈1 雙品〉:「阿難。若有比丘不欲嘩說。不樂嘩說。不合會嘩說。不欲於眾。不樂於眾。不合會眾。欲離於眾。常樂獨住遠離處者。謂有樂.聖樂.無欲之樂.離樂.息樂.正覺之樂.無食之樂.非生死樂。若得如是樂。易不難得者。必有是處。」(CBETA, T01, no. 26, p. 738, a26-b2)

[12] CBETA, T01, no. 26, 111: 達梵行經 (Đạt Phạm hạnh kinh). Pāḷi: A. VI. 63. Nibbedhika sutta.

[13] Guṇa là công đức hay tính chất của một sự vật, khác với công đức (punya) của các thiện nghiệp… Ở đây, dục công đức chính là tính chất của năm loại dục.

[14] CBETA, T01, no. 26, 01: 善法經 (Thiện pháp kinh). Pāḷi: A. VII. 64. Dhammaññū sutta.

[15] 《中阿含經》卷1〈1 七法品〉:「若有比丘成就七法者。便於賢聖得歡喜樂。正趣漏盡。云何為七。謂比丘知法.知義.知時.知節.知己.知眾.知人勝如」(CBETA, T01, no. 26, p. 421, a14-17)

[16] CBETA, T01, no. 26, 105: 願經 (Nguyện kinh). Pāḷi: M. 6. Ākaṅkheyya.

[17] 《中阿含經》卷26〈4 因品〉:「得具足戒而不廢禪。成就觀行於空靜處」(CBETA, T01, no. 26, p. 596, a7-8)

[18] CBETA, T01, no. 26, 146: 象跡喻經 (Tượng tích dụ kinh). Pāḷi: M. 27. Hatthipadopama sutta(cūḷa).

[19] CBETA, T01, no. 26, 182: 馬邑經 (Mã ấp kinh). Pāḷi: M. 39. (Mahā)-Assapura sutta.

[20] CBETA, T01, no. 26, 102: 念經 (Niệm kinh). Pāḷi: M. 19. Dvedhāvitakka sutta.

[21] CBETA, T01, no. 26, 74: 八念經 (Bát niệm kinh). Pāḷi. VIII. 30. Anuruddha

[22] 《中阿含經》卷18〈2 長壽王品〉:「大人八念者。謂道從無欲。非有欲得。道從知足。非無厭得。道從遠離。非樂聚會。非住聚會。非合聚會得。道從精勤。非懈怠得。道從正念。非邪念得。道從定意。非亂意得。道從智慧。非愚癡得。道從不戲.樂不戲.行不戲。非戲.非樂戲.非行戲得。」(CBETA, T01, no. 26, p. 541, c7-13)

[23] CBETA, T01, no. 26, 142: 雨勢經 (Vũ thế kinh). Pāḷi: A. VII. 20. Vassakāra, D. 16. Mahāpari-nibbāna.

[24] 《中阿含經》卷35〈2 梵志品〉:「若比丘成就信財.戒財.慚財.愧財.博聞財.施財。成就慧財者。比丘必勝。則法不衰。若比丘行此七不衰法。受持不犯者。比丘必勝。則法不衰。」(CBETA, T01, no. 26, p. 649, c22-25)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Du Già Bồ Tát Giới Bổn – Di Lặc Bồ Tát Tuyên Thuyết
Luật, Phật học

Các vị Bồ tát! sau khi đã thọ lãnh giới pháp thanh tịnh của Bồ tát, phải nên tự mình thường thường chuyên tâm cẩn thận suy ngẫm: “Đây là chỗ Bồ tát nên làm, đây là chỗ Bồ tát không nên làm”. Suy ngẫm như vậy rồi, vì muốn thành tựu công hạnh Bồ tát, cần phải siêng năng tu tập, lại phải chú ý lắng nghe tạng Tố đát lãm, và tạng Ma đát...

Nhân sinh quan theo quan niệm Phật giáo
Luận, Phật học

Trước khi bắt đầu, tôi xin hướng về thành phần Phật tử trong cử tọa hôm nay để nhắc nhở một điều quan trọng, đó là thái độ cần có khi nghe giảng Phật pháp. Quí vị cần ngồi nghe với tâm nguyện thật trong sáng. Lý do chúng ta ngồi đây hôm nay, trao...

Long Thọ Và Khoa Học Lượng Tử
Luận, Phật học

Trong thế giới thường nghiệm, con người quen sống theo một thói quen lấy cá nhân làm trung tâm qui chiếu mọi nhận định, đó là một định chế đã được huân tập từ ngày con người xuất hiện. Quan niệm định chế này còn được củng cố bằng thế giới khoa học nhị nguyên chỉ thấy vũ trụ rất trật tự, gọi là quan điểm Cartesian dualism. Trong một thế giới khoa học rất cụ thể và trật tự rõ ràng như thế, thì quả thật khái niệm vô ngã và tính không bất định của giáo...

Phật thuyết kinh Bà-la-môn mất con
Kinh, Phật học

DẪN NHẬP “Từ bao đời kiếp, chúng ta đã đổ nước mắt vì người thân quá nhiều: hãy để mình và người thân đừng chìm ngập trong nước mắt ấy nữa.” – đức Phật đã dạy như vậy. Vì dòng nước mắt ấy luôn chất chứa tình yêu luyến ái, chảy ra vị mặn của bi...

Tư tưởng duy tâm trong Kinh Lăng-già
Kinh, Phật học

1. DẪN NHẬP Kinh Lăng-già tên gọi đầy đủ là Thể Nhập Chánh Pháp Lăng-già, cuối chương १० सगाथकम्। (10-sagāthakam), biên tập bởi Nanjō Bunyū 南條文雄 (laṅkāvatāra sūtra, kyoto, 1923) được ghi chép như sau: Nanjō. 375: इत्यार्यसद्धर्मलङ्कावतारो नाम महायानसूत्रं सगाथकं समाप्तमिति॥ ityāryasaddharmalaṅkāvatāro nāma mahāyānasūtraṃ sagāthakaṃ samāptamiti || (Kết thúc chương chỉnh cú của bản...

Tìm hiểu tư tưởng bình đẳng của Phật giáo qua tác phẩm Khoá Hư Lục
Luận, Phật học

DẪN NHẬP Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, vào thời Trần, vua Trần Thái Tông đã tỏ ngộ lý thiền, thắp lên ngọn đuốc chân lý, soi đường cho người hữu duyên cùng tiến lên trên con đường giác ngộ, giải thoát. Trong số các trước tác của ngài, tác phẩm Khóa hư lục chứa đựng...

Hiểu biết về Tánh không
Luận, Phật học

Việc học và hành về tánh không là công việc sâu xa lớn rộng. Ở Tây tạng người ta phải trải qua nhiều năm để học về Không. Do đó những trình bày sau đây về Tánh không chỉ là toát yếu sơ lược. Điều vô cùng quan yếu là phải hiểu “Tánh không” có nghĩa là gì. Lại cũng quan trọng để biết Tánh không ở ngay trong tâm mình,...

Một Thời Truyền Luật
Luật, Phật học

Nguyễn Du khi cho Kiều đi tu phía sau vườn của nhà Hoạn Thư, chỉ cho cô thọ tam quy ngũ giới. Nhiều Thầy của chúng ta phản đối, cho là Nguyễn Du không hiểu luật xuất gia cho nên nói như vậy, vì người xuất gia, theo luật, thấp nhất là thọ mười giới sa-di. Sự phản đối này thiếu cơ sở lịch sử về vấn đề truyền thọ...

Tư tưởng Tam giáo nhất trí luận trong tác phẩm Lý Hoặc Luận
Luận, Phật học

Tóm tắt: Lý Hoặc Luận (理惑论) là một tác phẩm của thời kỳ đầu Phật giáo truyền vào Trung Quốc, do một học sĩ tên là Mâu Tử (Mâu Bác) trước tác. Nội dung chính là giảng giải và lý luận về Phật giáo ngoại lai, nhằm kết hợp Phật giáo với tư tưởng Nho giáo và...

Giảng kinh Phước Đức
Kinh, Phật học

PHẦN 1 (Đây là bài pháp thoại Sư Ông giảng ngày 29.12 tại chùa Cam Lộ – Xóm Hạ trong thiền đường Hội Ngàn Sao trong mùa An Cư 2009-2010) Trong sách Nhật Tụng Thiền Môn, chúng ta có Kinh Phước Đức, một Kinh nói về đề tài hạnh phúc. Kinh được dịch từ tạng...

Tìm hiểu tư tưởng bình đẳng của Phật giáo qua tác phẩm Khoá Hư Lục
Luận, Phật học

DẪN NHẬP Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, vào thời Trần, vua Trần Thái Tông đã tỏ ngộ lý thiền, thắp lên ngọn đuốc chân lý, soi đường cho người hữu duyên cùng tiến lên trên con đường giác ngộ, giải thoát. Trong số các trước tác của ngài, tác phẩm Khóa hư lục chứa đựng...

Duyên khởi và ý nghĩa của Kiết hạ An cư
Kiến thức, Luật, Phật học

Theo luật Tứ phần[1] duyên khởi của Ðức Phật qui định mùa an cư của chúng tỳ kheo xảy ra khi Ngài đang trú tại Xá Vệ, trong vườn của Ông Cấp Cô Ðộc. Nguyên do của việc chế định này là bởi vì sự than phiền của các người cư sĩ đối với nhóm 6...

Lịch Sử Kết Tập Kinh Luật Lần Thứ Năm Và Sáu
Luật, Phật học

LỊCH SỬ KẾT TẬP PHÁP TẠNG LẦN THỨ V Sau lần kết tập pháp tạng thứ tư đúng 2015 năm thì đến lần kết tập pháp tạng thứ 5. Theo sự ghi chép của Pàli giáo sử chương 6 và sử Miến Điện; thì vào năm 1871, quốc vương Miến Điện là Mẫn Đông (Mindon – tại vị từ 1853 – 1878) đứng ra triệu tập 2400 vị cao tăng, cử hành kết...

Lịch Sử Kết Tập Kinh Luật Lần Thứ Tư
Luật, Phật học

I– Thuyết thứ nhất Sau Phật Niết bàn khoảng 400 năm, tại nước Kiền Đà La (Gandhàra) có vua Ca Nị Sắc Ca (Kanishca) trị vì, đất nước phú cường, danh vang khắp nơi ,các nước xung quanh đều quy phục. Trong những lúc rảnh rỗi việc triều đình, nhà vua thường đọc kinh Phật. Mỗi ngày vua thỉnh một vị cao tăng vào cung thuyết pháp. Nhưng vua thấy quan...

Lịch Sử Kết Tập Kinh Luật Lần Thứ Ba
Luật, Phật học

Sau Phật Niết bàn 100 năm thì Đại hội kết tập Pháp Tạng lần thứ hai diễn ra, và sau lần kết tập lần thứ 2 đúng 118 năm lại diễn ra cuộc kết tập lần thứ 3. Như vậy lần kết tập này xảy ra sau Phật Niết bàn 218 năm, tức là 325 năm trước Tây lịch. Đại hội lần này do Hoàng đế A Dục (Asoka) đề xướng và bảo trợ . Vua...

Lịch Sử Kết Tập Kinh Luật Lần Thứ Hai
Luật, Phật học

Sau khi Phật Niết bàn độ 100 năm, các Tỳ kheo Bạt Kỳ ở Tỳ Xá Ly đề ra 10 điều phi pháp như sau: 1/ Tỳ kheo ăn muối gừng để dành qua đêm vẫn hợp pháp, 2/ Tỳ kheo ăn xong, nhận được thức ăn khác, dùng hai ngón tay cầm thức ăn để ăn vẫn hợp pháp, 3/ Tỳ kheo ăn xong, rời khỏi chỗ, rồi ngồi ăn lại vẫn hợp pháp, 4/ Tỳ kheo ăn xong, đi sang nơi...