Đức Phật là bậc đại giác ngộ, đại từ bi, đại trí tuệ. Ngài đã khẳng định: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh” (Kinh Đại Bát Niết Bàn). Điều này cho thấy, mỗi chúng sanh dù ác hay thiện, già hay trẻ, nam hay nữ, cao quý hay mọi rợ… đều có thể tu hành và thành tựu giác ngộ. Chính cuộc đời hoằng hóa của Đức Phật đã nói lên tính bình đẳng, từ bi của Ngài. Thế Tôn đã hóa độ rất nhiều chúng đệ tử ở các giai cấp khác nhau, từ những người Bà La Môn, hay Sát Đế Lợi, kể cả kỹ nữ, người gánh phân, hay tên giết người tàn bạo Angulima… Trong đó, Angulimala là một người cực ác trong xã hội khiến ai ai cũng khiếp sợ với danh xưng kẻ sát nhân, chỉ duy nhất tình thương của Phật pháp mới khiến tên cướp quay đầu sám hối, từ một kẻ đại ác trở thành Sa môn Thích tử.

1. CUỘC ĐỜI ANGULIMALA

Nghiệp quả của Angulimala 

Trong Tiểu Bộ Kinh có trình bày về vấn đề nghiệp quả của Angulimala. Đức Thế Tôn dạy nghiệp quả này là do ác nghiệp đời trước Ngài đã tạo. Vào thời Thế Tôn là một vị Tỳ kheo, Sutana, phụng dưỡng cha mẹ mình. Angulimala lúc này mang thân tướng là quỷ Yakka tên là Makhadeva, sinh tại cây đa. Hằng ngày, quỷ Dạ-xoa được vua Ba-la-nại đem đến một dĩa cơm và một tên tù nhân để ăn thịt. Ở đời này, Bồ tát Sutana , được khuyên hai ba lần rằng không nên đến gặp Makhadeva, nhưng Ngài vẫn quyết tâm “sẽ thắng quỷ Dạ-xoa và đem hạnh phúc cho mọi người” [1]. Sutana đã hóa độ cho Dạ-xoa: “Xưa kia bạn đã tạo ác nghiệp, bạn tham tàn độc ác, ăn thịt nhiều người nên tái sinh làm quỷ Dạ-xoa. Từ rày về sau đừng giết hại sinh mạng như vậy nữa.”[2], an trú ông vào Ngũ giới, đưa ông đến sống ở cổng thành để thọ hưởng cao lương mỹ vị thay vì ăn thịt người. Thế Tôn dạy rằng quỷ Dạ-xoa là Angulimala (Người đeo vòng ngón tay), vua là Ananda và hiếu tử kia chính là Ta [3].

Thời vua Pancala, xứ Kampila, Đức Phật lúc ấy là thái tử Alinasattu, Angulimala là quỷ nhân được quỷ cái nuôi dưỡng. Dù là con người nhưng bị quỷ cái bắt đi, nuôi sống bằng thịt người nên quỷ nhân lúc ấy nhận mình cũng là quỷ. Ông sống trong nghĩa địa, trong rừng và giết người để ăn thịt. Sau được thái tử Alinasattu hóa độ và đến tu tập với vị đại ẩn sĩ [4]. Mỗi tiền kiếp Angulimala đều được nuôi sống bằng việc ăn thịt người. Hành động ăn thịt người để sống đã trở thành tập quán nghiệp, chỉ cần hội đủ nhân duyên thì ác nghiệp này lập tức trổ quả.

Tại quốc độ Kuru, Bồ tát là thái tử Sutasoma, Angulimala là thái tử Brahmadatta, bạn đồng học tại Takkasila với Ngài. Brahmadatta sau khi làm vua xứ Ba-la-nại vẫn không thể bỏ thói quen ăn thịt. Một hôm, quan nấu ăn bất cẩn để cho chó mèo ăn hết thịt chuẩn bị riêng cho vua, sợ bị trách phạt ông ta đã bí mật lấy thịt người để dâng cho vua. Hành động này đã đánh thức ác nghiệp ăn thịt người của vua Ba-la-nại và hạ lệnh lấy thịt người làm thức ăn cho ông bởi đời trước vua là Dạ-xoa ăn thịt người… Chính thái tử Sutasoma đã hóa độ người bạn của mình [5].

Ở một thời đại khác, vua Brahamdatta và hoàng hậu sanh được vị hoàng tử đặt tên là Pancayudhakumara (hoàng tử có năm vũ khí). Vua bảo hoàng tử đi học nghề, tới một khu rừng hoàng tử gặp Dạ-xoa tên là Silesaloma. Lúc này, Dạ-xoa muốn ăn thịt hoàng tử và được hoàng tử hóa độ với bài thuyết về sự nguy hiểm của năm ác giới cùng lợi ích của 5 điều thiện. Quỷ Dạ-xoa ấy chính là Angulimala và hoàng tử chính là Thế Tôn [6]. Và còn các kiếp sống khác ở quá khứ, Angulimala cũng đều chịu nghiệp quả giết người như vậy và được nhân duyên gieo trồng hạt giống Phật pháp để đời sau có thể tu tập chứng ngộ.

Trở thành kẻ sát nhân 

Đến thời Phật tại thế, tại nước Kosala, lãnh thổ của vua Pasenadi, “có tên cướp Aṅgulimāla là một thợ săn, tay vấy máu, sát hại, bạo tàn, không có lòng từ mẫn đối với chúng sanh. Vì nó, các làng trở thành không làng, các thị trấn trở thành không thị trấn, quốc độ trở thành không quốc độ. Do nó luôn luôn giết người, nó mang một vòng hoa làm bằng ngón tay người” [7]. Angulimala là một nỗi khiếp sợ của Kosala.

Theo Trưởng lão Tăng kệ, trong đêm Ngài được sanh ra, tất cả binh khí và áo giáp trong thành phố đều sáng rực, khiến vua Pasenadi cảm thấy kinh hãi. Chính cha Ngài, một vị cố vấn cho vua đã nói rằng, Angulimala là đứa trẻ sinh ra sẽ trở thành tên sát nhân có thể chế ngự và vì có thể chế ngự nên được đặt tên là Ahimasaka. Khi sanh ra, ngài có sức mạnh bằng bảy con voi, được gửi học đạo với thầy Takhasila. Vì rất giỏi nên Ahimsaka bị bạn bè đố kị và bày kế làm hại. Vì cuồng tín mà Ahimasaka trở thành tên sát nhân, nghe lời thầy và bạn nói phải giết đủ 100 người lấy ngón tay mới truyền phép nhiệm mầu cho. Ngài dùng các ngón tay xâu lại thành vòng hoa và đeo trên cổ, nên người ta gọi ngài là Angulimala.

Tất cả dân chúng đều khiếp sợ Angulimala. Tên sát nhân Angulimala đã giết quá nhiều người, vua Pasenadi liền sai quân lính đến để giết ông. Vì quá thương con, bà Mantani lặn lội đường xa đến để báo tin đó cho Angulimala, bà khuyên con mình hãy từ bỏ việc giết hại. Và Angulimala định toan giết cả mẹ mình để đủ số lượng 100 người. Lúc này, Đức Phật xuất hiện để hóa độ Angulimala, vì thương tưởng Angulimala từ nhiều đời nhiều kiếp đã gây những nghiệp ác đều liên quan tới việc ăn thịt người, khiến Angulimala phải chịu quả báo nặng nề như vậy. Và đời này, chính là nhân duyên Angulimala được Đức Phật hóa độ, Thế Tôn đã đi đến rừng Jalini để gặp Angulimala và giáo hóa Ngài [8].

2. ĐỨC PHẬT GIÁO HOÁ TƯỚNG CƯỚP ANGULIMALA

Trở thành đệ tử Đức Thế Tôn 

Angulimala là nỗi khiếp sợ của người dân tại vương quốc vua Pasenadi, nước Kosala. Ông là một tên cướp, giết người man rợ tới nỗi xâu các ngón tay của người bị giết thành chuỗi vòng hoa mang trên người. Trung Bộ Kinh diễn tả: “… Trên con đường này có tên cướp Angulimala, là một thợ săn, tay vấy máu, sát hại, bạo tàn, không có lòng từ mẫn đối với chúng sanh. Vì nó, các làng trở thành không làng, các thị trấn trở thành không thị trấn, các quốc độ trở thành không quốc độ. Do nó luôn luôn giết người, nó mang một vòng hoa làm bằng ngón tay người”[9]. Có thể thấy, chỉ cần nghĩ tới Angulimala sẽ khiến mọi người né tránh và bỏ chạy.

Chính vì thế, sự kiện Angulimala được Đức Phật giáo hóa đã làm chấn động cả Kosala. Sau khi ngăn cản ba lần nhưng Đức Thế Tôn từ mẫn vẫn tiếp tục đi vào con đường dẫn đến chỗ Angulimala. Với tâm thế của một kẻ giết người, Angulimala thấy Thế Tôn như con thú thấy một con mồi, sung sướng nghĩ tất cả đều không thoát khỏi đao của Angulimala và sa môn này cũng vậy. Đức Phật đã thị hiện thần thông để hóa độ Angulimala ngay lúc này, khiến ông không đuổi kịp Ngài. Đức Phật đã dùng chính việc mà Angulimala hay dùng để làm hại người khác chính là chạy đuổi. Vì thế, khi Ngài nói: “Ta đã đứng rồi, này Angulimala! Và ngươi hãy đứng lại!” [10] đã làm Angulimala dấy lên suy nghĩ, cảm thấy nghi ngờ vì cho rằng Đức Phật là một Sa môn, mà Sa môn luôn chân thật, vậy tại sao Ngài lại nói ta đã dừng trong khi đang đi. Đức Phật biết được nghi ngờ của Angulimala và đáp lại rằng:

“Angulimala, Ta đã đứng rồi.

Với mọi chúng sanh, Ta bỏ trượng, kiếm,

Còn ngươi hữu tình, không tự kiềm chế,

Do vậy, Ta đứng, còn ngươi chưa đứng” [11].

Bài kệ như lời khẳng định của Thế Tôn về sự buông bỏ tham, sân, si. Ngài ngầm xác quyết với Angulimala rằng Ngài là người đã chứng ngộ giải thoát khỏi sự ràng buộc của tam độc thế gian, còn Angulimala là chúng sanh còn chìm đắm trong đó, nên chưa dừng lại. Trong các kiếp quá khứ khi làm dạ xoa, quỷ nhân…, tiền thân Tôn giả Angulimala đều được tiền thân Đức Phật hóa độ, an trú vào chánh pháp. Hạt giống thiện của Ngài ngày nay lại sanh khởi, người có thể giúp Ngài làm lại cuộc đời không ai khác chính là Đức Phật. Phải chăng đây là lời dạy đầu tiên Đức Phật dành cho Angulimala. Sau khi nghe xong bài kệ, Angulimala bừng tỉnh và quỳ dưới chân Phật, xin Phật xuất gia làm Sa môn. Sau đó, Thế Tôn cùng Tôn giả Angulimala là Sa môn tùy tùng, bắt đầu du hành đi đến Savatthi.

Chính tâm từ bi rộng lớn của Đức Phật đã hóa độ được Angulimala từ một kẻ sát nhân máu lạnh trở thành một vị Tỳ kheo nhân hậu hiền từ. Chính những thiện duyên gieo trồng với Phật pháp từ nhiều đời trước của Angulimala và sự ăn năn, sám hối kịp thời mà Angulimala trở thành đệ tử Phật, tu tập chứng đắc đạo quả.

Vua Pasenadi tán thán Đức Thế Tôn 

Sự kiện Đức Phật hóa độ được Angulimala đã làm chấn động cả nhân thiên, đặc biệt là với vua Pasenadi. Là một người đứng đầu đất nước, vua Pasenadi rất lo lắng, phiền muộn khi chưa giải quyết được nỗi lo sợ cho Kosala. Vua tìm đến Đức Thế Tôn để giải bày. Lúc này, Đức Phật nói với Pasenadi rằng: “Nếu Đại vương được thấy Aṅgulimāla cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ nói láo, ăn một ngày một bữa, sống phạm hạnh, giữ giới, hành trì thiện pháp, đại vương sẽ làm gì với Aṅgulimāla?”[12]. Vua Pasenadi trả lời Đức Phật rằng sẽ sẵn sàng cúng dường và hộ trì Angulimala tu tập, nhưng vua không tin một người ác nhân như vậy lại trở thành bậc xuất gia. Đức Thế Tôn biết tâm niệm của vua nên đã gọi Angulimala lại, xác nhận ông đã trở thành đệ tử Như Lai và chính Angulimala cũng xác nhận như vậy. Vua Pasenadi mừng rỡ, thốt lên lời tán thán rằng: “Thật vi diệu thay, …Bạch Thế Tôn, đối với người con không thể nhiếp phục với gậy, với kiếm, Thế Tôn đã có thể nhiếp phục được, với không gậy, không kiếm”[13].

Chính lời tán thán của vua Pasenadi đã nói lên niềm kinh ngạc tột độ khi thấy một kẻ đại ác lại có thể buông bỏ đao kiếm trở thành bậc hiền nhân. Qua đó, chúng ta thấy được sự cảm hóa đại tài của Thế Tôn, thấy được năng lượng từ tâm của Đức Phật đối với tất cả chúng sanh. Ngài không phân biệt giai cấp nào, tầng lớp nào trong xã hội, chỉ cần có duyên hóa độ Ngài sẽ hóa độ, cho dù đó là một tên giết người đi chăng nữa.

3. PHẨM TÍNH QUAN TRỌNG CỦA NGƯỜI HỌC TRÒ

Đạo Phật đề cao sự nỗ lực của tự thân, Đức Phật chỉ là người dẫn đường. Còn phàm nhân chưa chứng được quả thánh sẽ dễ mắc phải những sai lầm. Vai trò giáo dục của cha mẹ, thầy tổ rất quan trọng, sự giáo dục ấy tạo tiền đề cho học trò phát triển nhân cách về sau. Đây là những thiện hữu tri thức giúp đỡ ta vững bước trên con đường tu học của mình. Đức Phật là vị thầy hóa độ và hướng dẫn cho tôn giả Angulimala tu tập. Nhưng chiếc bè có được sử dụng tốt để qua sông hay không còn phụ thuộc vào người chèo đò như thế nào. Vì thế đòi hỏi học trò phải có những phẩm tính tốt. Qua cuộc đời tôn giả Angulimala, ta thấy rõ những phẩm tính quan trọng này.

Ăn năn, sám hối 

Qua cuộc đời của Tôn giả Angulimala, có thể thấy, đức tính đầu tiên rõ ràng nhất là sự ăn năn, hối lỗi, quay đầu vì những lỗi lầm mình đã làm. Điều này trước hết thể hiện ở hoàn cảnh ngài quy y, xuất gia với Thế Tôn. Trong Kinh Angulimala, vua Pasenadi tán thán Đức Phật rằng: “Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Làm sao Thế Tôn lại nhiếp phục được người không thể nhiếp phục, làm cho an tịnh được người không thể an tịnh, làm cho tịch diệt được người không có thể tịch diệt. Bạch Thế Tôn, đối với người con không thể nhiếp phục với gậy, với kiếm, Thế Tôn đã có thể nhiếp phục được, với không gậy, không kiếm”[14]. Đức Phật là vị thầy tài ba đã nhiếp phục được Angulimala, Ngài biết nên hóa độ tướng cướp như thế nào? Hóa độ vào lúc nào? Và tất nhiên, ngay tự thân Angulimala đã khởi lên sự sám hối từ thân, khẩu, ý, chính ngài đã thốt lên rằng: “Ðã lâu con tôn kính, bậc vĩ đại Tiên nhân. Nay bậc Sa môn này đã bước vào đại lâm, con nay sẽ sẵn sàng từ bỏ ngàn điều ác, sau khi nghe kệ Ngài, liên hệ đến Chánh pháp” [15].

Ngài biết được lỗi lầm của mình và quay đầu lại, sẵn sàng buông đao sám hối, đạt đến an lạc giải thoát khỏi tội lỗi. Đây là một đức tính tốt đẹp và quan trọng mà người học trò cần có, một khía cạnh đạo đức không thể thiếu trong quá trình học tập và học đạo. Một người học trò biết lỗi và nhận lỗi của mình thể hiện sự chân thành, mạnh mẽ, nhờ vậy mới có thể thăng tiến trong con đường trí tuệ và con đường tu tập.

Sự kiên trì, tinh tấn 

Nghiệp báo từ nhiều đời nhiều kiếp của Angulimala rất lớn, vì thế khi đã trở thành đệ tử xuất gia, ngài cần tinh tấn và kiên trì rất nhiều để có thể chuyển hóa nghiệp lực của mình. Ngài luôn chuyên tâm tu tập, đạt đến mục đích cuối cùng mình hướng tới. Angulimala đã thốt lên bài kệ:

“Ai trước làm nghiệp ác,

Nay lấy thiện chận lại,

Chói sáng thế giới này,

Như trăng thoát mây che”[16].

Trước ngài làm bao nhiêu nghiệp ác, nay ngài làm nhiều việc thiện bấy nhiêu. Ngài biết những nghiệp mình đã làm nên nỗ lực để trả nghiệp. Người thật sự tu tập thì không biết được lỗi của chính mình và tinh tiến tu tập để chuyển hóa lỗi lầm đó. Siêng năng cũng là một phẩm tính quan trọng người học trò cần hoàn thiện. Siêng năng mới đi được đến đích của kiến thức, tinh tấn mới đi đến được đích giải thoát. Nếu không có sự kiên trì, nỗ lực và tinh tấn thì không làm được lợi ích gì cho bản thân, xã hội. Một chiếc tàu đầy đủ linh kiện nhưng không có nhiên liệu vận hành thì cũng không vượt được đại dương xa xôi. Chính vì thế trước khi nhập diệt, Đức Phật đã dạy các đệ tử rằng: “Hỡi các đệ tử! Hãy tinh tấn lên để được giải thoát” [17]. Đức Phật chính là tấm gương tinh tấn mà thế hệ học trò chúng ta cần học tập.

Kham nhẫn 

Dù trở thành Sa môn Thích tử nhưng những sự thù hận của các người thân đã bị ngài giết vẫn còn. Ngài đi khất thực qua những ngôi nhà này đều bị họ ném đất đá lên thân, ngài không phản kháng lại, họ dùng gậy gộc đánh ngài khiến ngài nằm bất động. Ngài bị đánh tới bị thương, máu chảy từ đầu xuống chân, y áo, bình bát bể nát thế nhưng tâm ngài không buồn giận: “Tôn giả nghĩ đấy là những dịp để chịu đựng, kham nhẫn cho tiêu tan nghiệp chướng cũ”[18], trái lại ngài phát tâm từ bi hướng đến tất cả chúng sanh. Đức Phật dạy Tôn giả rằng: “Hãy kham nhẫn, này Bà-la-môn! Hãy kham nhẫn, này Bà-la-môn, Ông đang gặt hái ngay trong hiện tại quả báo của nghiệp mà đáng lẽ Ông phải chịu nấu sôi ở địa ngục nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm”[19]. Chính nhẫn nhục như vậy mà Tôn giả Angulimala từng bước tiến tu trong đạo quả, thực hành từ bi, sống trong an lạc và hạnh phúc. Kham nhẫn là một đức hạnh cần thiết để thành công, nó là vũ khí mạnh mẽ để chúng ta đương đầu với mọi chông gai, thách thức trong cuộc sống. Kham nhẫn để vượt qua những điều bất như ý, mới có thể duy trì tâm thế vững vàng trong mọi lĩnh vực. Vận dụng trí tuệ vào thực hành kham nhẫn là chìa khóa giúp người học trò đạt đến an vui và giải thoát trong tu tập.

Từ bi 

Trong quá khứ, Tôn giả Angulimala được biết đến là kẻ tàn bạo, giết người không nhân nhượng. Với sắc mặt lạnh lùng, không cảm xúc, ngài đã để lại bao nhiêu nỗi sợ hãi cho dân chúng. Ngược lại, khi xuất gia, ngài lại hết sức tinh tấn tu tập, nhiệt tâm, tinh cần thực hành thiền định và trở thành A-la-hán: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, từ nay không còn trở lui đời này nữa. Vị ấy biết như vậy. Và như vậy, Tôn giả Aṅgulimāla trở thành một vị A-la-hán nữa” [20]. Vì những việc làm xấu ác trước đó khiến ngài cảm thấy rất đau khổ và khởi tâm từ bi, thương yêu đối với tất cả.

Tại Savatthi, ngài đi khất thực và thấy người phụ nữ khó sinh, đau đớn, tính mạng nguy kịch. Ngài khởi tâm từ bi, thương cảm trước cảnh đau đớn của người phụ nữ kia và tất cả chúng sanh. Trở về tịnh xá, ngài đem chuyện này bạch với Đức Phật. Đức Phật dạy ngài hãy đến để giúp đỡ cho người phụ nữ kia bằng cách nói lên lời chân thật rằng: “Này bà chị, vì rằng tôi từ khi được Thánh sanh đến nay chưa bao giờ cố ý giết hại mạng sống của chúng sanh, mong rằng với sự thật ấy, bà được an toàn và sanh đẻ được an toàn!”[20]. Sau khi ngài nói xong câu kệ trên, người phụ nữ ấy được mẹ tròn con vuông. Tâm từ bi với hạnh nguyện nói lời chân thật của ngài đã khiến chúng sanh hết đau khổ và được mọi người tán thán. “Tôn giả về sau là vị Tôn giả biểu hiện lòng Từ rất nhiều đối với đời”[22].

Tâm từ bi có thể chuyển hóa mọi sự thù hận với nhau. Đức Phật, một vị Đạo sư cũng đã rải tâm từ để hóa độ ngài Angulimala. Là một học trò, chúng ta cũng nên thực hành tâm từ bi trong đời sống tu học của mình, từ bi với chính bản thân và từ bi với tất cả mọi người xung quanh. Người học trò Angulimala đã học được điều đó và vận dụng rất tốt trong tu tập để cảm hóa chúng sanh, hóa giải nghiệp lực.

4. KẾT LUẬN

Cuộc đời Tôn giả Angulimala là tấm gương sáng cho thế hệ học trò chúng ta học tập trên con đường phát triển tâm linh. Tinh thần nỗ lực tu tập, nhẫn nhục của ngài là bài học quý giá. Ngài là bậc Thánh đệ tử của Đức Phật có tâm đại từ bi. Từ kẻ sát nhân, ngài quay đầu sám hối, xuất gia, nỗ lực tinh tấn tu tập chứng đắc giải thoát. Tinh thần kiên định, tinh tấn của ngài thật khó ai có được. Học theo hạnh nguyện của ngài sau khi xuất gia, chúng ta phải hết sức tinh tấn con đường tu tập, nhẫn chịu được những gì người khác khó nhẫn chịu. Quan trọng nhất là phải chiến thắng chính mình, từ bi với chúng sanh. Có như vậy, chúng ta mới có thể chuyển hóa những nghiệp ác, bất thiện của mình, phần nào nếm được hương vị giải thoát ngay trong đời này và phước quả cho nhiều kiếp về sau.


Chú thích:

* Học viên Cao học khóa V tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh

[1] HT. Thích Minh Châu (dịch, 2015), Kinh Tiểu Bộ – Tập IV, Chương Bảy: Phẩm Bảy Bài Kệ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.590.

[2] Sđd, tr.592

[3] HT. Thích Minh Châu (dịch, 2015), Kinh Tiểu Bộ – Tập IV, Chương Bảy: Phẩm Bảy Bài Kệ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.588-593.

[4] Sđd, tr.542-553.

[5] HT. Thích Minh Châu (dịch, 2004), Kinh Tiểu Bộ 9, Chương XXI. Phẩm Tám Mươi Bài Kệ 537. Chuyện Đại Sutasoma, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.565-569.

[6] HT. Thích Minh Châu (dịch, 2001), Kinh Tiểu Bộ 4, Chương I. Phẩm Àsimsa 55. Chuyện Năm Vũ Khí, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.369.

[7] HT. Thích Minh Châu (dịch, 2012), Kinh Trung Bộ 2, 86. Kinh Aṅgulimāla, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.125.

[8] HT. Thích Minh Châu (dịch, 2012), Kinh Trung Bộ 2, 86. Kinh Aṅgulimāla, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.125-126.

[9] HT. Thích Minh Châu (dịch, 2012), Kinh Trung Bộ 2, 86. Kinh Aṅgulimāla, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.125.

[10] Sđd, tr.126.

[11] HT. Thích Minh Châu (dịch, 2012), Kinh Trung Bộ 2, 86. Kinh Aṅgulimāla, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.1127.

[12] HT. Thích Minh Châu (dịch, 2012), Kinh Trung Bộ 2, 86. Kinh Aṅgulimāla, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.128.

[13] HT. Thích Minh Châu (dịch, 2012), Kinh Trung Bộ 2, 86. Kinh Aṅgulimāla, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.129.

[14] Kinh Trung Bộ, Kinh 86. Angulimala, truy cập tại: https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung86.htm, ngày 29/4/2022.

[15] HT. Thích Minh Châu (dịch, 2015), Kinh Tiểu Bộ, tập II, Chương XVI: Phẩm Hai Mươi Kệ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.446.

[16] Kinh Tiểu Bộ , Truy cập tại: https://www.budsas.org/uni/u-kinh-tieubo3/tb3-ta07.htm, ngày 18/4/2022.

[17] HT. Thích Thiện Hoa (1992), Tám quyển sách quý, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.168.

[18] HT. Thích Chơn Thiện (2006), Tăng già thời Đức Phật, Chương 8: Các Đệ Tử Của Đức Phật, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.283.

[19] HT. Thích Minh Châu (dịch, 2012), Kinh Trung Bộ 2, 86. Kinh Aṅgulimāla, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.130-131.

[20] HT. Thích Minh Châu (dịch, 2012), Kinh Trung Bộ 2, 86. Kinh Aṅgulimāla, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.130.

[21] HT. Thích Minh Châu (dịch, 2012), Kinh Trung Bộ 2, 86. Kinh Aṅgulimāla, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.130.

[22] HT. Thích Chơn Thiện (2006), Tăng già thời Đức Phật, Chương 8: Các Đệ Tử Của Đức Phật, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.283.

Tài liệu tham khảo:

1. HT. Thích Minh Châu (dịch, 2012), Kinh Trung Bộ 2, 86. Kinh Aṅgulimāla, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 
2. HT. Thích Minh Châu (dịch, 2015), Kinh Tiểu Bộ 4, Chương Bảy: Phẩm Bảy Bài Kệ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 
3. HT. Thích Minh Châu (dịch, 2004), Kinh Tiểu Bộ 9, Chương XXI. Phẩm Tám Mươi Bài Kệ 537. Chuyện Đại Sutasoma, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh. 
4. HT. Thích Minh Châu (dịch, 2015), Kinh Tiểu Bộ, tập II, Chương XVI: Phẩm Hai Mươi Kệ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 
5. HT. Thích Thiện Hoa (1992), Tám quyển sách quý, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 
6. HT. Thích Chơn Thiện (2006), Tăng già thời Đức Phật, Chương 8: Các Đệ Tử Của Đức Phật, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Vai trò của giới luật trong nếp sống thiền môn
Luật, Phật học

Trong tam tạng kinh điển thì luật tạng (vinaya) có một vai trò và vị trí vô cùng quan trọng trong Phật giáo. Theo thứ tự sắp xếp thông thường thì tam tạng bao giờ cũng được sắp xếp tuần tự từ kinh, luật và luận. Nhưng theo văn học Pāli, luật tạng được xếp đầu tiên sau đó đến kinh và luận. Điều này cho thấy rằng, luật tạng luôn được đặt trọng tâm trong nếp sống tu học của tứ...

Tìm hiểu Thành Thật Luận
Luận, Phật học

A. DẪN NHẬP Đức Phật Thích ca Mâu ni, ngay khi còn thị hiện là Thái tử Tất đạt đa đã vì cảm thấu nỗi thống khổ miên trường của kiếp nhân sinh mà xuất gia. Sau khi thành đạo, Ngài đi khắp nơi trong cõi Ấn độ mà thuyết kinh giảng pháp, khai hóa...

Luận khơi dậy đức tin Đại thừa
Luận, Phật học

LUẬN KHƠI DẬY ĐỨC TIN ĐẠI THỪA Nguyên tác: Bồ-tát Mã Minh Hán dịch: Tam tạng pháp sư Chân Đế, người Tây Ấn Độ, dịch vào đời nhà Lương Việt dịch: Sa-môn Nguyên Hùng LỜI BẠT  I. Tác giả Mã Minh (Aśvaghosa, 馬鳴, 100-160), người Trung thiên trúc, vốn xuất thân trong một gia đình Bà-la-môn, ở thành Sa-chi-đa, nước Xá-vệ. Thời đại...

Nghĩ về tánh Không
Luận, Phật học

Shikantaza(1) là thực hành hay hiện thực hóa tánh Không. Mặc dù bạn có thể đã có một sự hiểu biết sơ sài nào đó về tánh Không qua tư duy, nhưng bạn nên hiểu tánh Không qua trải nghiệm của mình. Bạn có một ý tưởng về vô và một ý tưởng về hữu và bạn nghĩ rằng hữu và vô là hai ý tưởng đối lập nhau. Nhưng trong Phật giáo, cả hai đều...

Tâm Lý Học Phật Giáo
Luận, Phật học

TÂM LÝ HỌC PHẬT GIÁO Thích Chơn Thiện A. GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT I. Về tâm lý học phương Tây 1. Các định nghĩa: Các dịnh nghĩa tâm lý học trước thế kỷ XX (tiêu biểu): a. Wilhelm Wundt (1832 – 1920), người Đức: Wundt là nhà sáng lập phòng thực nghiệm về tâm lý đầu tiên gọi là Psychological laboratory (1879), định nghĩa: “Tôi thiết...

Nghiệp Và Các Loại Nghiệp | U Silannanda – Khánh Hỷ dịch
Luận, Phật học

Bài giảng hôm nay nói về luật Nghiệp Báo. Nhiều người không sinh ra trong gia đình Phật Giáo, nhưng đã tìm học về Phật Giáo nhờ nghe luật Nghiệp Báo; bởi vì luật Nghiệp Báo đã giải thích cho họ thấy rõ lý do của sự bất đồng của các cá nhân trong xã hội con người, đồng thời cũng giải thích cho họ biết tại sao những người rất tốt trên cõi đời này lại...

Quá trình hình thành giới luật
Luật, Phật học

Những quy tắc đạo đức có một vị trí rất quan trọng trong hầu hết các tôn giáo. Pháp luật hay các quy ước là điều cần thiết đối với bất cứ thành viên nào trong xã hội.Trong mỗi gia đình nếu không có quy tắc, gia đình đó sẽ xảy ra bất đồng; một quốc gia, nếu không có phép nước, thì quốc gia đó sẽ nổi loạn. Trong Phật giáo cũng vậy, giới luật đóng một vai trò vô cùng đặc biệt. Giới được xem...

Nhiếp phục sợ hãi
Phật học

Thông thường sống trên cuộc đời, có bốn việc mà ai cũng sợ gặp phải. Trước nhất con người hiện hữu trên cuộc đời, có cuộc sống thì thường sợ nghèo đói và kế tiếp sợ bạn bè xem thường, rồi sợ già, sợ bệnh và sợ chết, mà Đức Phật gọi bốn thứ này...

Du Già Bồ Tát Giới Bổn – Di Lặc Bồ Tát Tuyên Thuyết
Luật, Phật học

Các vị Bồ tát! sau khi đã thọ lãnh giới pháp thanh tịnh của Bồ tát, phải nên tự mình thường thường chuyên tâm cẩn thận suy ngẫm: “Đây là chỗ Bồ tát nên làm, đây là chỗ Bồ tát không nên làm”. Suy ngẫm như vậy rồi, vì muốn thành tựu công hạnh Bồ tát, cần phải siêng năng tu tập, lại phải chú ý lắng nghe tạng Tố đát lãm, và tạng Ma đát...

Nhân sinh quan theo quan niệm Phật giáo
Luận, Phật học

Trước khi bắt đầu, tôi xin hướng về thành phần Phật tử trong cử tọa hôm nay để nhắc nhở một điều quan trọng, đó là thái độ cần có khi nghe giảng Phật pháp. Quí vị cần ngồi nghe với tâm nguyện thật trong sáng. Lý do chúng ta ngồi đây hôm nay, trao...

Người xuất gia lý tưởng theo kinh Trung A-hàm
Luận, Phật học

A. DẪN NHẬP Xuất gia theo đạo Phật là một việc cao cả và không nhiều người làm được, tuy nhiên, một người đã phát bồ-đề tâm quyết chí xuất trần, nếu không gặp thuận duyên từ môi trường sống, cộng đồng Tăng lữ, hay không có vị bổn sư co khả năng hướng dẫn...

Long Thọ Và Khoa Học Lượng Tử
Luận, Phật học

Trong thế giới thường nghiệm, con người quen sống theo một thói quen lấy cá nhân làm trung tâm qui chiếu mọi nhận định, đó là một định chế đã được huân tập từ ngày con người xuất hiện. Quan niệm định chế này còn được củng cố bằng thế giới khoa học nhị nguyên chỉ thấy vũ trụ rất trật tự, gọi là quan điểm Cartesian dualism. Trong một thế giới khoa học rất cụ thể và trật tự rõ ràng như thế, thì quả thật khái niệm vô ngã và tính không bất định của giáo...

Phật thuyết kinh Bà-la-môn mất con
Kinh, Phật học

DẪN NHẬP “Từ bao đời kiếp, chúng ta đã đổ nước mắt vì người thân quá nhiều: hãy để mình và người thân đừng chìm ngập trong nước mắt ấy nữa.” – đức Phật đã dạy như vậy. Vì dòng nước mắt ấy luôn chất chứa tình yêu luyến ái, chảy ra vị mặn của bi...

Tư tưởng duy tâm trong Kinh Lăng-già
Kinh, Phật học

1. DẪN NHẬP Kinh Lăng-già tên gọi đầy đủ là Thể Nhập Chánh Pháp Lăng-già, cuối chương १० सगाथकम्। (10-sagāthakam), biên tập bởi Nanjō Bunyū 南條文雄 (laṅkāvatāra sūtra, kyoto, 1923) được ghi chép như sau: Nanjō. 375: इत्यार्यसद्धर्मलङ्कावतारो नाम महायानसूत्रं सगाथकं समाप्तमिति॥ ityāryasaddharmalaṅkāvatāro nāma mahāyānasūtraṃ sagāthakaṃ samāptamiti || (Kết thúc chương chỉnh cú của bản...

Tìm hiểu tư tưởng bình đẳng của Phật giáo qua tác phẩm Khoá Hư Lục
Luận, Phật học

DẪN NHẬP Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, vào thời Trần, vua Trần Thái Tông đã tỏ ngộ lý thiền, thắp lên ngọn đuốc chân lý, soi đường cho người hữu duyên cùng tiến lên trên con đường giác ngộ, giải thoát. Trong số các trước tác của ngài, tác phẩm Khóa hư lục chứa đựng...

Hiểu biết về Tánh không
Luận, Phật học

Việc học và hành về tánh không là công việc sâu xa lớn rộng. Ở Tây tạng người ta phải trải qua nhiều năm để học về Không. Do đó những trình bày sau đây về Tánh không chỉ là toát yếu sơ lược. Điều vô cùng quan yếu là phải hiểu “Tánh không” có nghĩa là gì. Lại cũng quan trọng để biết Tánh không ở ngay trong tâm mình,...