Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính thưa Quý Vị,
Lần này Hội Đồng Tăng Già Thế Giới (World Buddhist Sangha Council) thảo luận về đề tài Environment Restoration for Harmonious CoExistence (Phục Hồi Môi Trường Để Cùng Tồn Tại). Dựa vào đề tài này, chúng tôi xin gửi đến quý vị quan điểm của mình như sau.
Đạo Phật là đạo lấy từ bi và trí tuệ làm phương châm cho cuộc sống hằng ngày, từ quá khứ cho đến ngày nay không có gì thay đổi. Nếu có thay đổi, thì đó là do lòng người cũng như không gian và hoàn cảnh khác nhau, nên mới có những việc xảy ra bất như ý trên quả địa cầu này.
Thế giới của chư Thiên ở các cõi Trời chắc là môi trường vẫn còn tốt, nên chưa thấy sách vở hay kinh điển nào đề cập đến là nên cần phải phục hồi lại môi trường ở những cõi ấy. Những cõi của các vị A La Hán, các vị Bồ Tát ở mười phương vô biên thế giới chắc cũng không cần phải phục hồi về môi trường để sinh sống, vì những vị này đã giải thoát sanh tử và không bị môi trường xung quanh mình chi phối. Riêng cõi người và những cõi bên dưới như: địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh chắc chắn cần phải bảo vệ nhiều hơn, mới mong môi trường xung quanh sạch sẽ được.
Đức Phật của chúng ta thường dạy rằng: Ở cõi người là cõi dễ tu thành Phật, thành Bồ Tát, thành A La Hán nhất. Nhưng đồng thời ở cõi này nếu chúng ta không biết tu tập, không biết làm lành lánh dữ thì cũng dễ bị đọa lạc vào những cõi bên dưới, với nhiều đau khổ hơn con người của chúng ta hiện đang sinh sống trên quả địa cầu này.
Đọc kinh sách Phật Giáo, chúng ta thấy rằng ở vào thời quá khứ xa xưa, cõi nầy vốn thanh tịnh, và con người không phải làm lụng vất vả như ngày hôm nay để có cái ăn, cái mặc, bởi vì tất cả đều do sự ước muốn của con người mà đồ ăn uống sẽ tự hiện ra để cho chúng ta sử dụng. Nhưng con người vốn do lòng tham không giới hạn, nên những ham muốn đó, khiến chúng ta bị sa lầy trong sanh tử, quên đường về lại Thiên cung, vì thần thông không còn nữa. Tất cả đều do chúng ta tạo ra và tham, sân, si chính là những độc tố giết hại tâm ta cũng như môi trường sống chung quanh của chúng ta. Thêm vào đó, sự ngờ vực, nghi kỵ, lòng cố chấp, vị kỷ, v.v… đã làm cho sự nhận thức của chúng ta bị hoen ố, nên càng ngày càng lún sâu vào con đường tội lỗi.
Nhìn lại từ thế kỷ thứ 18 đến thế kỷ thứ 21 này chúng ta thấy những gì đã và đang xảy ra chung quanh mình? Đầu tiên là dân số gia tăng chóng mặt. Sự sinh sản không giới hạn ở nhiều châu lục, khiến cho nạn đói càng ngày càng tăng, trẻ thơ không có đủ sữa để uống, áo quần không đủ mặc để đi đến trường. Sự thất học khiến cho con người cùng quẫn, sinh ra những tệ nạn khác của xã hội như: cướp bóc, giết người, buôn bán ma túy, v.v… Điều đó dẫn đến hệ lụy là tất cả sinh hoạt mưu sinh của con người đều cốt làm sao lợi nhuận được tăng cao, mà chưa bao giờ quan tâm đến sức khỏe và sự sống chết của người khác.
Trong lãnh vực hoạt động sản xuất cũng như thế. Nghĩa là con người không tập trung vào việc bảo vệ cây cối, rừng núi thiên nhiên, bằng cách chăm sóc và trồng cây xanh để giữ gìn môi trường thiên nhiên tốt đẹp. Ngược lại, con người chỉ nhắm vào mục đích gia tăng lợi nhuận mà khai thác vô tội vạ việc chặt phá cây cối để canh tác, lấy gỗ khiến cho môi trường ngày càng tồi tệ, mà hậu quả là lũ lụt, hạn hán càng lúc càng hung hãn để dẫn đến tình trạng nhiều dòng sông cạn nước, những cánh đồng không còn cây cỏ xanh tươi, động vật chết chóc, tuyệt chủng.
Trong lãnh vực công kỹ nghệ, những nhà máy sản xuất mọc lên khắp nơi, dùng nước thải không xử lý cho chảy ra ao, hồ, sông, biển khiến cho môi trường nước bị nhiễm độc làm cho không biết bao nhiêu động vật đang sinh sống nơi ấy bị chết ngạt, thậm chí có nơi con người còn vớt lên để nấu ăn, tiêu thụ. Hệ quả theo sau là con người bị bệnh tật, chết chóc…, thuốc thang không đầy đủ để có thể cứu giải những khổ nạn nầy. Còn nữa, tình trạng các bao rác bằng ni lông thả đầy vào những dòng sông, vào biển cả, khiến cho những sinh vật đang sinh sống tại đó ăn nhầm hay bị vướng mắc khiến cho chúng không thể sống và sinh trưởng nữa. Sự sinh tồn nơi biển cả cũng có nguy cơ càng ngày càng giảm thiểu nhiều hơn qua việc đánh bắt tinh vi của con người. Vậy mà cũng không đáp ứng đủ với nhu cầu tiêu thụ của con người.
Từ lòng đất, trữ lượng khí đốt, dầu thô cũng bị con người đào xới, sử dụng không giới hạn. Rồi một ngày nào đó, lòng đất sẽ trống rỗng, khiến cho động đất xảy ra với cường độ mãnh liệt và sóng thần sẽ tràn ngập đó đây và con người sẽ đi vào chỗ diệt vong như kinh Phật đã từng cho biết. Từ đó thế giới khác sẽ được thành lập. Khi tuổi thọ của con người trên quả địa cầu này càng giảm đi là lúc chúng ta phải biết rằng đạo đức và phước báo của con người ngày càng cạn kiệt, mà một trong những nhân duyên đưa đến thảm trạng này là người xuất gia không hành trì giới luật một cách miên mật, người tại gia không giữ tròn Ngũ giới và Thập Thiện. Đây chính là nguyên nhân vậy. Đã rõ nguyên nhân rồi thì chính chúng ta phải khắc phục hậu quả và khắc phục như thế nào thì chúng ta phải bắt đầu lại từ đầu.
Tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, địa vị, v.v… là những thứ khiến chúng ta dễ bị say đắm và dễ bị rơi vào cạm bẫy để chúng tự làm chủ, còn chúng ta thì bị nô lệ. Một ngày nào đó chúng ta không tự biết mình là ai và chúng ta có mặt ở thế giới này để làm gì. Nếu sống mà không có mục đích thì việc sống ấy có giá trị gì chăng? Vậy chúng ta phải bắt đầu từ đâu đây? Chúng ta phải trở về với những lời dạy nguyên thủy của Đức Phật và chư vị Thánh Tăng, bởi lẽ không ai trong chúng ta tự biết vì sao chúng ta bị mắc phải vào những sai lầm như thế. Chỉ bằng cách là giáo dục con người từ thuở ấu thơ và dần lên trưởng thành bằng chất liệu từ bi và trí tuệ của Phật Giáo thì chắc chắn một điều, thế giới này sẽ đổi thay và môi trường sống chung quanh chúng ta cũng sẽ thay đổi. Nếu không giữ giới, thực hành hạnh lợi tha thì đừng trông mong gì môi trường chung quanh chúng ta được tốt hơn.
Bài viết này chỉ mong đóng góp một phần nhỏ vào chủ trương của WBSC qua ý tưởng của chúng tôi, với ước mong rằng tất cả chúng ta, trời và người, cùng bao nhiêu sinh vật khác đang chung sống trên thế giới này đều được ân triêm lợi lạc, để tất cả chúng sanh được sống hòa bình với nhau trong một môi trường sạch sẽ thì Tịnh Độ chính là bây giờ và ở đây vậy.
Cầu mong những nỗ lực chung của tất cả chúng ta sẽ dẫn đến một thế giới an bình, nơi tất cả chúng sinh cùng sống trong hài hòa và vẻ đẹp của Trái đất được bảo tồn cho nhiều thế hệ tương lai.” Kính nguyện tất cả luôn được an vui.
Ghi chú của Ban Biên Tập Viên Giác:
Hội Đồng Tăng Già Phật Giáo Thế Giới (The World Buddhist Sangha Council, viết tắt là WBSC) được thành lập vào tháng 5 năm 1966 tại Thủ đô Colombo, Tích Lan, với tiêu chỉ gồm 4 điểm sau: (1) Khuyến khích siết chặt tình hữu nghị giữa Tăng già (Promoting better relationship amongst the Sangha); (2) Đẩy mạnh các hoạt động hoằng dương Chánh Pháp (Promoting Dhammadutha activities); (3) Tăng thêm tình hữu nghị giữa hàng Tăng sĩ xuất gia và Phật tử tại gia (Promoting a cordial relationship between the laity and Sangha): (4) Tán thành, ủng hộ mọi hoạt động về tự do và hòa bình cho thế giới qua đóng góp của Tăng già (Upholding of freedom and peace in the World through the Sangha). Hiện nay HĐTGPGTG quy tụ 54 quốc gia thành viên trên toàn thế giới có trụ sở đặt tại Đài Loan. Bắt đầu từ năm 2018 Hòa Thượng Thích Như Điển được Đại Hội cung thỉnh vào Pháp vị Phó Chủ Tịch Hội Tăng Già Phật Giáo Thế Giới.
HT. Thích Như Điển