Tăng cang là chức phẩm cao cấp nhất trong hàng giáo phẩm của Phật giáo Việt Nam thời Nguyễn (1802 – 1945). Đó không phải là một sự tôn xưng của dân gian hay trong nội bộ bản thân Phật giáo, mà là sự sắc chuẩn ban phong của triều đình như một sự ghi nhận, đánh giá về đạo hạnh của một thiền tăng trên con đường giác ngộ chân lý giải thoát của Đức Như Lai. Người được phong Tăng cang, bởi vậy, là một thiền sư đạo cao đức dày, là bậc long tượng chốn thiền lâm.
Phật giáo Quảng Nam – Đà Nẵng thời Nguyễn, đặc biệt giai đoạn cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX xuất hiện nhiều bậc danh tăng, trong đó có một số người được triều đình sắc chuẩn Tăng cang, như các Thiền sư Từ Trí, Phước Trí, Huệ Duyệt, Thiện Quả và Quảng Hưng. Trước mắt, bài viết này sẽ phác họa những nét cơ bản về cuộc đời và hành trạng của Thiền sư Ấn Lan – Tổ Huệ – Từ Trí (1852 – 1921), người đầu tiên của Phật giáo Quảng Nam – Đà Nẵng được nhận chức Tăng cang do triều Nguyễn ban phong.
Thiền sư Ấn Lan – Tổ Huệ – Từ Trí có tục danh là Nguyễn Viết Lư (Lô), hiệu Thức Trai, sinh năm Nhâm Tý (1852), tại xã An Bình, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Bình Chánh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam).
Năm 15 tuổi, ngài xuất gia vào chùa Ứng Chân tại Ngũ Hành Sơn (năm 1891, chùa được đổi thành Linh Ứng), được Thiền sư Chương Quảng – Tuyên Châu – Mật Hành nhận làm đệ tử trao truyền y bát, ban pháp danh Ấn Lan, tự Tổ Huệ, hiệu Từ Trí. Ngài nối pháp đời thứ 39 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 6 chi phái Lâm Tế Chúc Thánh.
Niên hiệu Đồng Khánh năm thứ 2 (1886), ngài được triều đình bổ làm trụ trì chùa Ứng Chân. Thiền sư Từ Trí là người có phong thái trang nghiêm, rất chú tâm lo liệu hoạt động Phật sự, cảnh quan chùa chiền được sư tôn dựng, bổ khuyết đẹp đẽ. Dưới thời ngài, nhiều tượng Phật, chuông đồng, bài vị được tạo tác an trí vào chùa. Không những vậy, ngài còn nổi tiếng là người am tường khoa phạm, quản lý và truyền dạy Tăng đồ rất nghiêm cẩn; đồng thời nhiều lần tổ chức trai đàn và đều dự làm ngôi tôn chứng. Vì thế, thiền sư có ảnh hưởng lớn trong hàng Tăng chúng; các vị Nho học tài năng cũng tín mộ; đặc biệt, còn được vua Thành Thái trọng thị. Năm Thành Thái thứ 7 (1895), thiền sư được sắc chuẩn Tăng cang cai quản cả hai chùa Tam Thai và Linh Ứng, một sự kiện chưa hề có của Phật giáo Quảng Nam – Đà Nẵng.
Cần nói thêm rằng dưới triều Nguyễn, Tam Thai và Linh Ứng là hai ngôi chùa lớn, những địa chỉ nổi tiếng của Phật giáo Quảng Nam – Đà Nẵng, là hai trong ba ngôi chùa của vùng đất này được hưởng quy chế chùa quan1. Tất cả các hoạt động về tu tạo cảnh chùa, tô tượng đúc chuông, tổ chức sơn môn và nghi lễ ở đây đều thông qua nhà nước và được nhà nước bao cấp quản lãnh. Đặc biệt, các vua từ Minh Mạng đến Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái thường đến đây thưởng lãm cảnh quan chùa chiền, dự lễ trai đàn và ban cho nhiều ân điển.
Như vậy, việc Thiền sư Từ Trí được phong Tăng cang là một vinh hạnh lớn lao, một sự thừa nhận của triều đình về công phu tu chứng của thiền sư.
Sau khi được phong Tăng cang, năm Thành Thái năm thứ 9 (1897), thiền sư được triều đình cho xây một ngôi nhà riêng để sinh hoạt. Cũng trong năm này, thiền sư được vinh dự phụng giá ngự Bắc Kỳ, được vua ban tặng “ngũ phúc ngân tiền nhị mai”. Đến năm Thành Thái thứ 12 (1900), ngài được ban biển có bốn chữ “Hữu tâm tượng giáo” để khuyến khích. Năm thứ 14 (1902), vua ngự đến lễ trai đàn do bổn tự tổ chức, lại ban “ngũ phúc ngân tiền” và sáu chiếc cà-sa tưởng thưởng cho công hạnh viên mãn của thiền sư.
Năm Thành Thái thứ 18 (1906), ngài bị bệnh đau yếu, khó kham công vụ nên trình xin thôi việc quản lý Phật giáo ở Ngũ Hành Sơn. Bệnh tình ngày càng nghiêm trọng, ngài phải vào Hội An điều trị, nhưng không một phút lìa xa giới luật, trai giới nghiêm khắc. A. Sallet sau này ghi lại: “Theo tôi biết thì vị Tăng cang tên Lư rất nghiêm khắc đối với điều này. Năm 1920, ông ta đến nhờ Bệnh viện Faifo điều trị về một căn bệnh trầm trọng và sau đó ông ta đã chết. Bất chấp mọi giải thích, mọi lý lẽ viện ra, vị thầy tu cao tuổi không bao giờ chịu phạm vào điều luật ăn chay…”2.
Khải Định năm thứ 6 (1921), sư thâu thần viên tịch. Nhục thân được tôn trí tại phía Nam ngọn Thủy Sơn.
Tập Ngũ Hành Sơn lục hoàn thành vào năm Khải Định thứ nhất (1916) còn lại đến nay, một phần là do thiền sư trước tác3. Đây là tập sách đầu tiên viết về Phật giáo Quảng Nam – Đà Nẵng, một tài liệu tham khảo tốt cho những ai quan tâm nghiên cứu Phật giáo trên mảnh đất này.
Công lao và đức hạnh của thiền sư được văn bia chùa Linh Ứng ca ngợi: “Ngũ Hành Sơn chi danh ư ngã Nam cố tự hữu thiên nhiên kỳ thắng dã. Tuy nhiên bất hữu tiên cốt nan khấu huyền huyền, duy bảo Phật tâm thủy thác thiền phạm. Thức Trai thử thân Phật da! Tiên da! Bỉ kỳ triều tự lôi chuyên, tâm tự tịch hải đồng thiên tế tính đồng viên. Thử nhân nhi đắc, thử sơn đắc đắc nhi lai diệc Tiên nhi Phật dã (…) Lượng Thức Trai kỳ vi thiền lưu chi tôn. Ô hô! Sơn hữu Ngũ Hành Sơn, tăng hữu ngũ thông thiên tác chi hợp tại thử sơn trung, Thức Trai hòa thượng vạn cổ cao phong”. Nghĩa là: “Danh thắng Ngũ Hành Sơn ở nước Nam ta từ xưa đã là nơi có thiên nhiên tuyệt đẹp. Tuy nhiên, không có tiên cốt thì khó mà xem là huyền bí, chỉ có bảo Phật tâm mới gánh vác được thiền phạm. Thức Trai này thân là Phật ư! Là tiên ư! Nước triều kia tự tiếng sét đánh, tâm tự tĩnh lặng giữa biển khơi, cùng trời đất giao hòa để chân tính về cùng một thể. Người này mà đắc đạo, cũng như núi kia đắc đạo thì cái sự đắc ấy đại để cũng là tiên, là Phật cả (…) Lượng xét Thức Trai là bậc tôn quý của thiền lưu vậy. Ôi! Núi có Ngũ Hành, tăng có ngũ thông, do trời tạo tác mà hợp ở giữa núi này. Hòa thượng Thức Trai vạn năm còn mãi!”4.
Bài & ảnh: Lê Xuân Thông
Ghi chú:
- Ngôi chùa kia là chùa Vĩnh An (ở huyện Duy Xuyên) do vua Minh Mạng sức cho xây dựng năm 1824. Chùa này nay đã mất.
- A. Sallet (2002), “Núi đá hoa cương (Ngũ Hành Sơn)”, Những người bạn cố đô Huế (B.A.V.H), Tập XI, 1924, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.127-128.
- Tài liệu được viết bằng chữ Hán Nôm trên giấy dó, gồm49 tờ; được với bởi các thời điểm khác nhau, hoàn thành năm Khải Định thứ 2 (1917). Tác giả gồm nhiều người, ngoài Thiền sư Từ Trí còn có các quan lại ở phủ Điện Bàn và một số thiền sư ở chùa Tam Thai và Linh Ứng.
- Bia lập năm Duy Tân thứ 9 (1915). Hiện bia vẫn còn dựng trước sân chùa Linh Ứng. Bài ký do Tri phủ Điện Bàn Nguyễn Đình Tiến cẩn tác, nguyên Án sát sứ Bình Thuận Nguyễn Đức Quân sửa chính, Tri phủ Điện Bàn đã nghỉ hưu và Giáo thụ Võ Thái nhuận sắc.