Tóm tắt: Giữa thế kỷ XVIII, Thiền sư Nguyên Thiều thuộc thiền phái Lâm Tế đời thứ 33, từ Quảng Đông chấn tích đến Đàng Trong truyền đạo. Dưới uy đức và đạo hạnh của Ngài cùng sự hộ trì của chính quyền chúa Nguyễn, Phật giáo Đàng Trong đã từng bước khởi sắc và phát triển rực rỡ. Ngoài ra, với thân phận là một thiền tăng Trung Hoa, ngài đã trực tiếp truyền thừa thiền Lâm Tế vào Đàng Trong Đại Việt, đồng thời hộ trì và kết nối để thiền phái Tào Động được truyền bá đến Đàng Trong. Từ đó mở ra phong trào phó Nam hoằng pháp của thiền tăng Trung Hoa thế kỷ XVII-XVIII. Có thể nói Ngài là nhịp cầu kết nối và giao lưu Phật giáo, tăng nhân Trung – Việt ở thế kỷ XVII-XVIII. Góp phần truyền bá văn hoá Phật giáo và Thiền tông Trung Hoa ra hải ngoại. Đồng thời làm phong phú nền Thiền tông Việt Nam, góp phần chấn hưng và phát triển Phật giáo Việt Nam.

Từ khóa: giao lưu Phật giáo, Phật giáo Đàng Trong, Thiền sư Nguyên Thiều.

Sau thời gian nội chiến kéo dài, đến nửa đầu thế kỷ XVII lãnh thổ nước ta bị chia cắt làm hai, lấy sông Gianh làm phân giới, với chế độ vua Lê chúa Trịnh ở phía Bắc sông Gianh (Đàng Ngoài) và chúa Nguyễn cai trị ở phía Nam (Đàng Trong). Lúc bấy giờ, với chính quyền non trẻ mới thành lập, các chúa Nguyễn đã chọn Phật giáo làm chỗ dựa tinh thần cho những người dân tha hương đến đây, kiến lập nền tảng tư tưởng thống nhất để định hướng xã hội và kết nối cộng đồng di dân người Việt, Hoa và cư dân Chăm-pa bản xứ. Bằng nhiều chính sách khuyến mộ Phật pháp, trọng đãi sư tăng, xây dựng trùng tu chùa viện, các chúa Nguyễn đã tích cực chú trọng phát triển và phổ cập Phật giáo đến toàn dân.

Năm 1677, Thiền sư Nguyên Thiều thuộc thiền phái Lâm Tế đời thứ 33, từ Quảng Đông chấn tích đến Đàng Trong, tại phủ Quy Ninh (Bình Định) lập chùa Thập Tháp truyền đạo. Hay tin, chúa Nguyễn Phúc Thái đã thỉnh ngài vào Thuận Hoá, lập chùa Quốc Ân để Ngài hoằng pháp. Khoảng những năm 1687-1690, ngài Nguyên Thiều phụng mệnh chúa Nguyễn Phúc Thái trở về Quảng Đông thỉnh mời cao Tăng và cung thỉnh kinh, tượng, pháp khí. “Chuyến đi xuôi thuận, lập được nhiều công tích. Từ đó, vâng chỉ trú trì chùa Hà Trung” [1]. Năm 1695 trở về sau, ngài vào đất Đồng Nai lập chùa Kim Cang hoằng hóa cho những lưu dân người Việt và người Hoa đến sinh sống và khai hoang nơi ấy.

Ngày 19 tháng 10 năm Mậu Thân (tức 20 tháng 11 năm 1728), Thiền sư Nguyên Thiều viên tịch tại chùa Kim Cang, thọ 80 tuổi. Đồ chúng lập bảo tháp thờ di cốt của ngài ở trong khuôn viên chùa. Tháng 4 năm 1729, nhân ngày lễ Phật Đản, chúa Nguyễn Phúc Chú ban thụy hiệu cho Ngài là Hạnh Đoan Thiền sư và làm bài minh cho khắc vào bia dựng tại tháp vọng ở Huế, để tán thán công hạnh của Ngài.

Thiền sư Nguyên Thiều với thân phận là một Thiền tăng Trung Hoa đến Đàng Trong hành đạo, Ngài đã gắn bó hơn 50 năm cuộc đời mình cho sự nghiệp khai hoá con người và chấn hưng, phát triển Phật giáo nơi đây. Những đóng góp to lớn của Ngài cho Phật giáo và dân tộc Việt Nam, văn bia, sử sách và con dân Việt đều khắc ghi muôn đời. Hoạt động hoằng pháp của Ngài tại Đàng Trong là minh chứng lịch sử cho sự giao lưu kết nối của Phật giáo Trung Hoa và Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ XVII-XVIII. Ngoài trực tiếp truyền thừa thiền Lâm Tế đến Đàng Trong, Ngài còn làm cầu nối gián tiếp cho thiền phái Tào Động truyền bá vào Đàng Trong, thắp sáng ngọn đuốc chánh pháp trên toàn lãnh thổ miền Trung và Nam Đại Việt. Đồng thời mở ra phong trào Thiền tăng Trung Hoa Nam du hoằng pháp ở thế kỷ XVII-XVIII. Những điều này đã góp phần làm phong phú nền Thiền tông và sắc thái văn hoá Phật giáo Việt Nam. Thúc đẩy sự giao lưu văn hóa và tăng nhân Trung – Việt, gắn kết và phát huy tinh thần hữu nghị của Phật giáo hai nước.

Năm 1677, Thiền sư Nguyên Thiều thuộc thiền phái Lâm Tế đời thứ 33, từ Quảng Đông chấn tích đến Đàng Trong, tại phủ Quy Ninh (Bình Định) lập chùa Thập Tháp truyền đạo. Hay tin, chúa Nguyễn Phúc Thái đã thỉnh Ngài vào Thuận Hoá, lập chùa Quốc Ân để Ngài hoằng pháp. (Ảnh: chùa Quốc Ân – sưu tầm)

TRỰC TIẾP TRUYỀN THỪA THIỀN LÂM TẾ VÀO ĐÀNG TRONG ĐẠI VIỆT

Thiền Lâm Tế là một dòng thiền được liệt vào Ngũ gia Thất tông của Thiền tông Trung Hoa, do Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền (?-866/867) sáng lập vào đời Đường. Từ sơ tổ Lâm Tế Nghĩa Huyền truyền xuống đến ngài Nguyên Thiều là đời thứ 33. Thiền sư Nguyên Thiều trực tiếp truyền thừa pháp mạch thiền Lâm Tế đến Đàng Trong. Ngài dùng hai bài kệ truyền pháp của Thiền sư Vạn Phong Thời Uý phái Thiên Đồng và Thiền sư Mộc Trần Đạo Mân phái Thiên Khai truyền xuống cho hàng đệ tử. Từ đó, thiền Lâm Tế chính thức góp mặt và có vị trí quan trọng trong dòng Thiền sử Việt, được truyền bá rộng khắp và kế thừa cho đến ngày nay. Hiện nay phần nhiều Tăng Ni Việt Nam thuộc pháp mạch truyền thừa Lâm Tế.

Kỳ thực, tư tưởng của thiền Lâm Tế lần đầu tiên truyền vào nước ta ở thời nhà Trần. Vua Trần Thái Tông từng tham công án và sử dụng các giáo lý của Thiền tông Lâm Tế. Phật Hoàng Trần Nhân Tông cũng chịu ảnh hưởng từ bộ Đại Huệ Ngữ Lục của Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo và thường giảng bộ ngữ lục này cho Tăng chúng. Về sau đệ tử Ngài cũng giảng dạy bộ Ngữ Lục này [2]. Tuy nhiên đây chỉ là sự ảnh hưởng tư tưởng thiền Lâm Tế, chứ chưa thể xem là sự truyền thừa tông Lâm Tế đến Đại Việt. Vì chưa chính thức có tổ sư, lập tông môn, thiền pháp và pháp tử truyền thừa cụ thể. Thiền sử chỉ xem giai đoạn này là sự giao lưu thiền học giữa Thiền sư Trung Hoa và thiền sư Việt Nam, nhằm làm phong phú và hoàn chỉnh tư tưởng thiền Trúc Lâm Yên Tử đời Trần.

Và gần đây hơn, vào thế kỷ XVII, trước khi ngài Nguyên Thiều phó Việt, tại đây đã có Thiền sư Chuyết Công và Minh Hành Tại Tại, hai vị này trước đến Quảng Nam truyền giáo, sau ra Đàng Ngoài lập dòng thiền Lâm Tế Chuyết Chuyết. Tiếp đó lại có Thiền sư Lục Hồ Viên Cảnh và Đại Thâm Viên Khoan thuộc thiền phái Lâm Tế đến Quảng Trị hoằng pháp nhưng sức ảnh hưởng của hai Ngài khá mờ nhạt.

Mãi đến năm 1677, khi Thiền sư Nguyên Thiều đến Đàng Trong truyền pháp, lập thiền phái Lâm Tế Nguyên Thiều, khai thiền pháp, truyền thừa pháp mạch Lâm Tế cho hàng đệ tử thì thiền Lâm Tế mới chính thức được truyền bá đến Đàng Trong, trở thành một thiền phái trong Thiền tông Việt Nam. Ngài Nguyên Thiều trở thành sơ tổ thiền phái Lâm Tế ở Đàng Trong. Từ đây pháp mạch thiền Lâm Tế được truyền thừa và tiếp nối trực tiếp từ Trung Hoa vào nước ta, trở thành mốc son trong lịch sử Thiền tông Việt Nam.

Thiền Lâm Tế khi truyền vào Đại Việt do ảnh hưởng văn hoá, tín ngưỡng… mà tổ sư Nguyên Thiều đã quảng khai phương tiện, dung hoà tư tưởng thiền tịnh giáo, mang màu sắc thiền bình dân, hài hoà thích hợp mọi căn cơ, không còn thuần tuý thiền phong Lâm Tế Trung Hoa quyết liệt táo bạo với tiếng hét bổng hay những công án thiền hóc búa… Nhìn hình tướng bên ngoài tuy có điểm khác nhau, nhưng sự linh hoạt, quyết đoán trong chọn lựa phương thức giáo hoá của ngài Nguyên Thiều hoàn toàn ảnh hưởng bởi thiền phong mạnh mẽ, phóng khoáng, tự do cá nhân của sơ tổ Lâm Tế Nghĩa Huyền. Theo Hà Yến Sanh trong bài “Phát hiện con người tự do trong tác phẩm Lâm Tế Ngữ Lục viết: “Điểm đặc sắc của thiền học Lâm Tế Nghĩa Huyền chính là một Phật giáo của con người tự do phóng khoáng, một tôn giáo hoàn toàn không bị ràng buộc. Lâm Tế từng nhắc đến “Vô y đạo nhân”, “Vô vị chơn nhân” đây chính là chỉ cho một con người tự do, tự tại, giải thoát chân thật ra khỏi mọi ràng buộc, chấp trước” [3].

Do được kế thừa thiền phong tự tại, phóng khoáng đó, nên Thiền sư Nguyên Thiều đã không câu nệ hình tướng, quảng khai phương tiện để dễ dàng tiếp cận và độ hoá người dân Việt. Đây quả thật là tâm pháp kế thừa. Chính sự khế cơ kế lý, uyển chuyển linh động đó đã giúp thiền phái Lâm Tế Nguyên Thiều bén rễ, tồn tại và phát triển bền vững ở Việt Nam đến ngày nay.

Những đóng góp to lớn của Ngài cho Phật giáo và dân tộc Việt Nam, văn bia, sử sách và con dân Việt đều khắc ghi muôn đời. Hoạt động hoằng pháp của Ngài tại Đàng Trong là minh chứng lịch sử cho sự giao lưu kết nối của Phật giáo Trung Hoa và Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ XVII-XVIII.

GIÁN TIẾP TRUYỀN BÁ THIỀN TÀO ĐỘNG ĐẾN ĐÀNG TRONG

Ở thế kỷ XVII, theo chân những đoàn Thiền tăng Trung Hoa đến Đại Việt truyền giáo, ngoài thiền Lâm Tế ra thì thiền Tào Động cũng truyền bá đến Đàng Trong. Thiền sư Hưng Liên được xem là người truyền thiền Tào Động vào Đàng Trong. Theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận nhận định: “Thiền sư Hưng Liên, Pháp danh Quả Hoằng, trú trì chùa Tam Thai, Quảng Nam. Ông là đệ tử của Thiền sư Thạch Liêm, sang Ðại Việt vào khoảng đời chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687 – 1691). Ông là người đầu tiên đem tông phái Tào Ðộng vào Ðàng Trong của Ðại Việt. Ông được chúa Nguyễn Phúc Chu tôn làm Quốc sư” [4].

Liên quan đến nhân duyên Thiền sư Hưng Liên đến Đàng Trong, Nguyễn Hiền Đức trong Lịch sử Phật giáo Đàng Trong đồng quan điểm với Nguyễn Lang, ông viết: “Có lẽ thiền sư Hưng Liên qua Đàng Trong trong dịp Hoà thượng Nguyên Thiều vâng lệnh chúa Nguyễn Phúc Trăn về Quảng Đông thỉnh chư Tăng sang Đàng Trong khoảng năm 1687-1691” [5]. Và ông lý giải rằng trong chuyến hồi hương mời cao Tăng của Thiền sư Nguyên Thiều, Ngài có đến mời Thiền sư Thạch Liêm. Nhưng Thiền sư Thạch Liêm không đi mà chỉ cử đệ tử của mình là Thiền sư Hưng Liên sang Đại Việt cùng ngài Nguyên Thiều [6].

Qua khảo cứu nhiều nghiên cứu hiện hành tại Việt Nam, chỉ thấy hai tác phẩm trên có viết vắn tắt về Thiền sư Hưng Liên, ngoài ra không có tài liệu nào khác viết rõ về hành trạng và thiền học của Ngài. Do đó, tạm kết luận rằng Thiền sư Nguyên Thiều phụng mệnh chúa Nguyễn Phúc Trăn (Nguyễn Phúc Thái) về Quảng Đông thỉnh cao Tăng và kinh tượng pháp khí, tuy không mời được Thiền sư Thạch Liêm, nhưng đệ tử ngài Thạch Liêm là Thiền sư Hưng Liên đã thay sư phụ mình cùng phái đoàn ngài Nguyên Thiều đến Đàng Trong. Giới đàn chùa Thiên Mụ kết thúc, ngài đến Quảng Nam lập chùa Tam Thai, khai mở đạo tràng truyền bá thiền Tào Động. Ngài được xem là người đầu tiên truyền Tào Động tông đến Đàng Trong. Như vậy, có thể thấy Thiền sư Nguyên Thiều là cầu nối gián tiếp truyền bá thiền Tào Động đến Đàng Trong Đại Việt.

Ngoài ra, sau ba lần nhận được thư mời của các chúa Nguyễn, Thiền sư Thạch Liêm cảm kích trước tấm lòng mộ đạo của Chúa bèn nhận lời đến Đại Việt. Năm 1694, Ngài cùng phái đoàn khoảng trăm người ngồi thuyền đến Đàng Trong truyền giáo [7]. Trong hai năm Hòa thượng Thạch Liêm truyền giáo ở đây, thiền phái Tào Động phát triển vô cùng mạnh mẽ.

Liên quan đến nhân duyên và thời gian ngài Thạch Liêm đến Đàng Trong hoằng pháp, hiện tại ở Việt Nam tồn tại hai luồng ý kiến. Có rất nhiều sử liệu như sách Đại Nam liệt truyện tiền biên [8], Việt Nam Phật giáo sử lược [9], Bài ký minh ở tháp Thiền sư Hoán Bích chùa Sắc Tứ Hà Trung do Đại Việt quốc chúa Nguyễn Phúc Thụ ban khắc… đều ghi nhận rằng: Vào khoảng năm 1687-1691, Thiền sư Nguyên Thiều phụng mệnh chúa Nguyễn Phúc Trăn về Quảng Đông mời được ngài Thạch Liêm và các danh Tăng khác, cũng như thỉnh được rất nhiều kinh, tượng, pháp khí đem về. Tuy nhiên, Nguyễn Lang và Nguyễn Hiền Đức lại bác bỏ quan điểm này. Cả hai cho rằng trong chuyến hồi hương Quảng Đông, Thiền sư Nguyên Thiều đã không mời được Thiền sư Thạch Liêm. Vì theo cuốn Hải ngoại ký sự của Thiền sư Thạch Liêm ghi rằng ngày 4 tháng 8 (năm 1694) nhận được thư thỉnh của Quốc vương Đại Việt gởi đến lần thứ ba và thư của đệ tử Ngài là Thiền sư Hưng Liên. Cảm động trước tấm lòng mộ đạo của các chúa Nguyễn nên Ngài đã nhận lời đến Đàng Trong [10].

Như vậy vào năm 1694, sau khi nhận bức thư mời thứ ba do chúa Nguyễn Phúc Chu viết và có cả thư của Quốc sư Hưng Liên gởi kèm, Thiền sư Thạch Liêm mới nhận lời đến Đàng Trong. Và trong cuộc đời hoằng đạo của mình, ngài Thạch Liêm chỉ đến Đại Việt một lần duy nhất này thôi, không có lần nào khác nữa. Theo Nguyễn Lang, trong ba bức thư mời Thiền sư Thạch Liêm đó, bức thư mời lần thứ nhất và thứ hai là do chúa Nguyễn Phúc Trăn viết, bức thư mời thứ hai được chúa Nguyễn uỷ thác cho Thiền sư Nguyên Thiều mang về Quảng Đông mời Thiền sư Thạch Liêm. Tại lần mời thứ ba, chúa Nguyễn Phúc Chu đã viết thư mời và phái Trần Thiêm Quan và Ngô Tư Quan đem đi, lần này Quốc sư Hưng Liên cũng có viết thư kèm theo [11]. Nguyễn Hiền Đức còn bổ sung thêm, trong chuyến hồi Thiền sư Nguyên Thiều đã đến thăm và mời Thiền sư Thạch Liêm, giữa hai Ngài vốn có mối tâm giao pháp lữ. Nên năm 1695, trước khi rời khỏi Đại Việt trở về nước, Thiền sư Thạch Liêm có ghé thăm chùa Hà Trung nơi Thiền sư Nguyên Thiều trụ trì, nhưng không gặp được lão đạo hữu, ngài Thạch Liêm bằng ngâm hai câu thơ: “Tìm đâu bạn cũ chùa xưa nhỉ/Trăng sáng bên cầu tương hội nhau” [12].

Trong hai quan điểm trên, quan điểm của Nguyễn Lang và Nguyễn Hiền Đức có độ tin cậy cao, vì dựa vào thông tin và niên đại ghi trong cuốn Hải ngoại ký sự do chính Thiền sư Thạch Liêm viết trong chuyến hoằng pháp đến Đại Việt.

Tuy nhiên, nhân duyên đến Đại Việt cùng chuyến hoằng pháp thành công rực rỡ của Thiền sư Thạch Liêm ở Đàng Trong và sự phát triển mạnh mẽ của thiền phái Tào Động, dù theo quan điểm nào cũng đều có sự liên quan mật thiết và âm thầm hộ trì của Thiền sư Nguyên Thiều. Do đó có thể nói, ngài Nguyên Thiều là cầu nối cho sự giao lưu phật giáo của hai nước Trung – Việt, góp phần truyền bá và phát triển thiền phái Tào Động vào Đàng Trong, bổ sung và làm phong phú nền thiền học Việt Nam.

Chuyến vân du đến Đàng Trong và sự nghiệp hoằng pháp thành công rực rỡ của thiền sư Nguyên Thiều ở Đại Việt có những ý nghĩa to lớn đối với dân tộc và Phật giáo Việt Nam.

MỞ ĐẦU PHONG TRÀO THIỀN TĂNG TRUNG HOA PHÓ VIỆT HOẰNG PHÁP Ở THẾ KỶ XVII-XVIII

Vào thế kỷ XVII, phong trào xuôi Nam của người Hoa diễn ra rầm rộ, Đàng Trong trở thành vùng đất hứa cho những đoàn người Hoa di dân dừng chân lập nghiệp. Trong đoàn người di dân Nam tiến đó, có những vị Thiền tăng Trung Hoa đến Đại Việt hoằng pháp và gắn bó cả cuộc đời mình cho Phật giáo và người dân nơi đây, tạo thành một trào lưu Thiền tăng Trung Hoa phó Việt hoằng pháp tại thế kỷ XVII-XVIII.

Theo Nguyễn Lang, ở thế kỷ XVII ghi nhận sự có mặt của các Thiền sư Trung Hoa sau đây tại Ðàng Trong:
– Các Thiền sư Viên Cảnh và Viên Khoan ở Quảng Trị.
– Thiền sư Minh Hoằng khai sơn chùa Ấn Tôn, Thuận Hóa.
– Thiền sư Giác Phong khai sơn chùa Thiên Thọ, Thuận hóa.
– Thiền sư Từ Lâm khai sơn chùa Từ Lâm, Thuận Hóa.
– Thiền sư Pháp Bảo khai sơn chùa Chúc Thánh, Quảng Nam.
– Quốc sư Hưng Liên trụ trì chùa Tam Thai, Quảng Nam.
– Thiền sư Pháp Hóa khai sơn chùa Thiên Ấn, Quảng Ngãi.
– Thiền sư Tế Viên khai sơn chùa Hội Tông, Phú Yên
– Thiền sư Nguyên Thiều khai sơn chùa Thập Tháp Di Ðà ở Bình Ðịnh và các chùa Quốc Ân và Hà Trung, Thuận Hóa.
– Thiền sư Thạch Liêm khai sơn chùa Thiền Lâm, Thuận Hóa.
Tất cả đều thuộc thiền phái Lâm Tế – chỉ trừ hai vị Hưng Liên và Thạch Liêm thuộc thiền phái Tào Ðộng [13].

Trong số các vị trên, Thiền sư Viên Cảnh và Viên Khoan được ghi nhận là những Thiền tăng Trung Hoa đầu tiên đến Đàng Trong ở thế kỷ XVII. Hai vị này thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 25, hành đạo ở vùng Quảng Trị. Theo Việt Nam Phật giáo sử luận viết: “Năm 1652, Thiền sư Minh Châu Hương Hải đã được học Phật với hai du Tăng Trung Hoa. Vị thứ nhất tên là Lục Hồ Viên Cảnh. Vị thứ hai tên là Ðại Thâm Viên Khoan.”[14] Như vậy, tuy không biết rõ năm nào hai Thiền sư Viên Cảnh và Viên Khoan đến Đại Việt, nhưng năm 1652, hai Ngài đã có mặt và hoằng pháp tại đây. Có thể thời điểm đến Đại Việt của hai Ngài khá sớm, Thiền tăng Trung Hoa lúc đó tại Đàng Trong chưa nhiều, nên hoạt động hoằng pháp của hai Ngài ở Đàng Trong chỉ mang tính rời rạc, không mấy nổi trội và có sự ảnh hưởng lớn.

Mãi đến năm 1677, sau khi Thiền sư Nguyên Thiều đến Đàng Trong hoằng pháp, dựa vào đạo hạnh, uy đức của Ngài cùng sự thành tâm thỉnh mời cao Tăng đến Đàng Trong tuyên dương Phật pháp của các chúa Nguyễn, đã mở ra một trào lưu Thiền tăng Trung Hoa phó Nam hoằng pháp ở thế kỷ XVII-XVIII. Sự kiện phó Nam của Thiền sư Nguyên Thiều vào năm 1677 và những lần hồi hương Quảng Đông thỉnh mời cao Tăng của Ngài đã góp phần thức đẩy sự giao lưu Tăng nhân và văn hóa Phật giáo giữa hai nước Trung – Việt thế kỷ XVII-XVIII.

Qua khảo sát những sử liệu hiện tồn tại Việt Nam đều ghi nhận đóng góp to lớn này của Thiền sư Nguyên Thiều. Những tác phẩm như Việt Nam Phật giáo sử luận[15] của Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử lược[16] của Thích Mật Thể, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong[17] của Nguyễn Hiền Đức, Chư Tôn thiện đức & Cư sĩ Hữu Công Phật giáo Thuận Hóa – Tập 1[18] của Thích Trung Hậu – Thích Hải Ấn, Thiền sư Việt Nam [19] của Thích Thanh Từ… đều tán đồng rằng: Những Thiền tăng Trung Hoa hoằng pháp thành công và có sự ảnh hưởng lớn đối với Phật giáo Đàng Trong thời điểm đó, như Thiền sư Giác Phong khai sơn chùa Thiên Thọ – Thuận Hóa, Thiền sư Từ Lâm khai sơn chùa Từ Lâm  – Thuận Hóa… đều là những vị Thiền tăng vào năm 1677 cùng Thiền sư Nguyên Thiều phó Đàng Trong hoằng pháp. Còn những thiền sư như: Thiền sư Minh Hoằng Từ Dung (thuộc tông Lâm Tế đời 34) khai sơn chùa Ấn Tôn – Thuận Hóa. Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo (thuộc tông Lâm Tế đời 34) khai sơn chùa Chúc Thánh – Quảng Nam, sáng lập chi phái Lâm Tế Chúc Thánh ở Đại Việt truyền thừa cho đến ngày nay. Thiền sư Hưng Liên trụ trì chùa Tam Thai – Quảng Nam, được chúa Nguyễn sắc phong làm quốc sư, là người đầu tiên truyền thừa thiền Tào Động vào Đàng Trong Đại Việt. Thiền sư Pháp Hóa khai sơn chùa Thiên Ấn – Quảng Ngãi… những vị này đều được mời qua Đại Việt hoằng pháp nhân chuyến hồi hương Quảng Đông của Thiền sư Nguyên Thiều khoảng vào năm 1687-1690.

Ngoài ra, chuyến hoằng pháp thành công của Thiền sư Thạch Liêm ở Đại Việt năm 1694-1695 và sự phát triển mạnh mẽ của thiền phái Tào Động tại Đàng Trong đều có sự liên hệ, hộ trì gián tiếp của Thiền sư Nguyên Thiều.

Tóm lại, chuyến vân du đến Đàng Trong và sự nghiệp hoằng pháp thành công rực rỡ của Thiền sư Nguyên Thiều ở Đại Việt có những ý nghĩa to lớn đối với dân tộc và Phật giáo Việt Nam. Ngoài ra, với thân phận là một Thiền tăng Trung Hoa thuộc thiền phái Lâm Tế phó Nam hoằng pháp ở giữ thế kỷ XVII, ngài Nguyên Thiều đã tiên phong cho phong trào phó Nam hoằng pháp của Thiền tăng Trung Hoa thế kỷ XVII-XVIII, thúc đẩy sự giao lưu văn hóa Phật giáo và Thiền tăng của hai nước. Đồng thời, Ngài đã trực tiếp truyền thừa thiền Lâm Tế đến Đàng Trong Đại Việt và làm cầu nối gián tiếp đưa thiền Tào Động truyền vào nơi đây, góp phần bổ sung và làm phong phú nền thiền học Việt Nam. Đã hơn ba thế kỷ trôi qua, thiền pháp của Ngài Nguyên Thiều vẫn không ngừng truyền thừa và phát triển trên mảnh đất Việt. Chúng con hàng hậu học xin hướng tâm đảnh lễ đạo ân đạo hạnh của ngài, nguyện nương theo tấm gương trí huệ của Ngài để tiếp nối tinh thần phụng sự, giải thoát viên dung.

SC. Thích Nữ Tuệ Châu, Nghiên cứu sinh Trường Đại học Tây Bắc Thiểm Tây (Trung Quốc).


Chú thích:
[1] Trích trong “Bài ký minh ở tháp Thiền sư Hoán Bích chùa Sắc tứ Hà Trung” do Đại Việt quốc chúa Nguyễn Phúc Thụ (1723-1738) ban khắc ở bia tháp mộ Ngài.
[2] Theo Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, trang 261 – 262:  Tháng 5 năm 1307 tại am Quán Trú, đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông vì hàng đệ tử giảng dạy bộ Đại Tuệ Ngữ Lục. Năm 1312, Pháp Loa đệ tử của tổ Trúc Lâm, giảng Đại Tuệ Ngữ Lục ở chùa Tư Phúc.
[3] 何燕生, “从《临济录》中发现 “自由人”, https://wenhui.whb.cn/third/baidu/201908/28/286018.html.
[4] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Hà Nội: Nxb. Văn học, 2000, tr.453.
[5] Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, TP HCM: Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 1995, tr.125.
[6] Nguyễn Hiền Đức, Sđd, tr.123 – 166.
[7] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Hà Nội: Nxb. Văn học, 2000, tr.470 – 471.
[8] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện tiền biên, Cao Tự Thanh dịch, Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội, 1995, tr.139.
[9] Thích Mật Thể, Việt Nam Phật giáo sử lược, Hà Nội: Nxb. Tôn giáo, 2004, tr.192.
[10] Theo Thích Đại Sán, Hải ngoại ký sự, Huế: Viện Đại học Huế xuất bản, 1963, tr.19 – 20.
[11] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Hà Nội: Nxb. Văn học, 2000, tr.453.
[12] Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, TP HCM: Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 1995, tr.123 – 166.
[13] Theo Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Hà  Nội: Nxb. Văn học, 2000, tr.445.
[14] Nguyễn Lang, Sđd, tr.445.
[15] Nguyễn Lang, Sđd, tr.444 – 461.
[16] Mật Thể, Việt Nam Phật giáo sử lược, Hà Nội: Nxb. Tôn giáo, 2004, tr.196.
[17] Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, TP HCM: Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 1995, tr.81.
[18] Theo Thích Trung Hậu, Thích Hải Ấn, Chư tôn Thiện Đức & cư sĩ hữu công Phật giáo Thuận Hóa,  Tập 1”, TP HCM: Nxb. Tổng hợp, 2011, tr.50 – 99.
[19] Theo Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, TP HCM: Thành hội Phật giáo TP HCM, 1992, tr.43 2- 463.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Đóng góp của thiền phái Liễu Quán trong việc khẳng định chủ quyền của người Việt trên vùng đất phương Nam
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Từ khi xuất hiện cho đến khi tổ Thiệt Diệu Liễu Quán viên tịch, dòng thiền Liễu Quán được thắp sáng và lan tỏa chánh pháp bởi các đệ tử và các pháp tôn. Trong các thế kỉ XVII – đầu thế kỉ XIX, Thiền phái Liễu Quán ra đời, phát triển và mở...

Tục Bầu Hậu Phật qua một số văn bia ở Thanh Hóa
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

DẪN NHẬP Bầu Hậu Phật, lập Hậu Phật là hoạt động văn hóa trong sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo ở làng xã nước ta trước đây. Người gửi hậu Phật có thể là do hoàn cảnh, nhu cầu và mục đích khác nhau, nhưng tựu trung, hoạt động này phản ánh tâm linh, tư...

Phổ hệ truyền thừa thiền phái Liễu Quán tại Khánh Hoà
Lịch sử, Nghiên cứu

Thiền phái Liễu Quán, một trong năm thiền phái của dòng thiền Lâm Tế có sự ảnh hưởng lớn ở nước ta. Trong dòng chảy lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế tại Việt Nam, Liễu Quán tuy ra đời muộn nhưng là dòng thiền có phạm vi rộng khắp bởi tính bản địa....

Hành trình Phật giáo du nhập vào Trung Quốc thông qua Con đường tơ lụa
Lịch sử, Nghiên cứu

BƯỚC ĐƯỜNG TÂY CHINH VÀ LỘ TRÌNH KHAI THÔNG THƯƠNG MẠI – VĂN HÓA Trung Quốc là nước đầu tiên tìm ra cách trồng dâu nuôi tằm, lấy kén ươm tơ, dệt lụa sớm nhất trên thế giới cổ đại. Tơ lụa thời đó được dành riêng cho vua chúa và hàng quý tộc, sau...

Tính dân gian trong Phật giáo ở Thừa Thiên Huế
Nghiên cứu, Văn hóa

DẪN NHẬP Đối với người Việt, Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, có quá trình gắn bó và phát triển lâu dài trong lịch sử dân tộc. Trong quá trình định cư của cư dân Việt trên vùng đất được mệnh danh là “Ô châu ác địa”, “lam sơn...

Nguyên Nhân Phân Phái Phật Giáo
Lịch sử, Nghiên cứu

Mọi tư tưởng, triết lý, quan điểm hay học thuyết của một đấng giáo chủ nào, sau khi trải qua những giai đoạn truyền thừa, đều có một vài sự thay đổi để thích ứng với các giai đoạn đó. Vì thế, cách chuyển tải nội dung tư tưởng hay cách lý giải về chúng đương nhiên sẽ có những sự thay đổi, phát triển, thậm chí có những...

Điển cố Phật giáo trong sáng tác của Nguyễn Du
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Trong các sáng tác của đại thi hào Nguyễn Du, Phật giáo để lại dấu ấn sâu đậm. Một trong những dấu ấn đó là sự xuất hiện thường xuyên với vai trò quan trọng của lớp từ ngữ điển cố Phật giáo trong các tác phẩm của ông. Bài viết hướng đến nhận...

Nguồn càng sâu – Dòng càng dài
Danh Tăng, Lịch sử, Nghiên cứu

Tác giả bài viết: TT. Thích Tâm Hạnh* Tóm tắt: Tổ sư Liễu Quán ở tổ trên nhánh cây, ăn rong “sột soạt” mà thiền cơ dĩnh ngộ, xuất kệ lập nên thiền phái, đời đời nối thạnh. Từ xưa đến nay, bậc Tổ đức nào miên mật công phu, chứng ngộ, bảo nhậm rồi sáng...

Anāthapiṇḍika (Tu Đà Cấp Cô Độc): Cuộc đời và sự đóng góp cho Phật giáo
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Đạo Phật ra đời không ngoài mục đích ban cho chúng sanh niềm an lạc và hạnh phúc. Nhưng để tồn tại, chúng đệ tử cần biết giữ gìn và thực hiện theo lời dạy của Ngài. Trong số đệ tử của Đức Phật thời bấy giờ có một vị Ưu-bà-tắc được mệnh danh...

Giải mã Phật viện Đồng Dương nhìn từ cấu trúc của Thai tạng giới mạn-đà-la Mật tông.
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Phế  tích Đồng Dương (1) là tổ hợp kiến trúc đền-tháp Phật giáo quan trọng nhất của vương quốc Champa, hiện tọa lạc tại xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Phế tích đồ sộ này đã được Henri Parmentier và Charles Carpeaux khai quật trong thời gian từ ngày 07-9-1902 đến...

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và Thiền phái Liễu Quán – Những nét tương đồng
Lịch sử, Nghiên cứu

TÓM TẮT Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là thiền phái Phật giáo yêu nước, nhập thế, kết hợp chặt chẽ giữa đời và đạo, đạo với đời. Vào thế kỷ XVII-XVIII, hệ tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm lại có điều kiện tỏa sáng trong đời sống người dân. Hệ tư tưởng này...

Tư tưởng nhập thế của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trong sự nghiệp đoàn kết, xây dựng và phát triển đất nước
Luận, Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ thế kỉ thứ I trước Công nguyên và đồng hành trong đời sống tinh thần của dân tộc. Tuy nhiên, đến thế kỷ 13 khi xuất hiện Thiền phái Trúc Lâm mà vua Trần Nhân Tông là vị tổ sư khai sáng thì Phật giáo...

Tinh thần nhập thế, hộ quốc an dân và công hạnh các bậc cao tăng trong lịch sử
Nghiên cứu, Văn hóa

Tinh thần nhập thế của Phật giáo đã có từ thời Mâu Tử, nhưng dưới thời Vua Trần, thì được phát triển mạnh mẽ nhất. Đặt nền móng cho tinh thần nhập thế ấy là khi tướng Trần Thủ Độ nói với Vua Trần Thánh Tông: “Tôi dám nói rằng bệ hạ vì sự tự...

Ảnh hưởng của Phật giáo trong văn học chữ Nôm giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Giai đoạn lịch sử xã hội đầy biến chuyển, phản ảnh đời sống con người văn học chữ Nôm giai đoạn này cũng đã ghi nhận vào mình khá đầy đủ mọi phương diện về đời sống tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng. Đời sống ấy được quy chiếu vào văn thơ...

Tôn Sư trọng Đạo – dưới góc nhìn của đạo Phật
Nghiên cứu, Văn hóa

Nói đến truyền thống Tôn sư trọng đạo là nói đến mối quan hệ tương tức và tương nhập. Đây là mối quan hệ cùng nhau, nếu thiếu hay tách biệt sẽ không tồn tại. Có cả thầy và trò trong mối quan hệ trong nhau, cùng nhau, để hiện hữu, chuyển tải và hóa Đạo...

Tìm hiểu trai đàn Giải oan Bạt độ trong nghi lễ Phật giáo xứ Huế
Nghiên cứu, Văn hóa

Trai đàn Giải oan bạt độ là một pháp phương tiện. Nó nhắc nhở mỗi con người nên tự thân ý thức về những hành nghiệp của mình, đừng để gây ương lụy để rồi thọ khổ quả, đó là ý nghĩa “lấy việc độ tử mà độ sinh” trong Đạo Phật. Dẫn nhập: Nghi lễ...