Động lực để giúp cho ta thay đổi, cái đó trong nhà Phật gọi là Bồ đề tâm. Ta phải có khả năng phát ra tâm yêu thương, tấm lòng yêu thương. Ta phải lập nguyện để tâm yêu thương trong ta được phát khởi.
Cảm xúc chi phối ta rất nhiều. Ví dụ như mục đích ta đi đến chùa là để ta học kinh, học Phật pháp, học giáo lý, hoặc đến cơ quan là để làm việc nhưng có người ở chùa hay là ở cơ quan ta không ưa thích người đó vì một nguyên nhân nào đó mà mỗi khi gặp người đó tự nhiên ta có cảm xúc khó chịu, bực bội và thế là ta muốn bỏ cơ quan, thay đổi công việc khác hay là ta bỏ ngôi chùa đó đi tìm một ngôi chùa khác chẳng hạn có phải là ta khờ khạo không? Có phải là ta bị cảm xúc của ta làm chủ không ?
Trong khi mục đích ban đầu ta đến làm việc ở cơ quan đó là để làm gì ? Hoặc là ta tu học trong môi trường đó để làm gì ? Nó đâu có dính dáng gì với người kia đâu, ta chỉ cần gạt người kia qua một bên, gạt cái người mà ta nghĩ là họ làm ta khổ hoặc là cái người mà ta nghĩ là họ không ưa ta, chỉ cần gạt họ qua thôi và tiếp tục thực hiện những điều ta muốn làm. Nhưng để làm được điều này thật không dễ một khi cảm xúc phát khởi thì rất là khó. Đôi khi ta đã nhiều lần bỏ đi ước mơ, bỏ đi chí nguyện của ta chỉ vì có những cảm xúc mạnh phát khởi trong tâm và nguyên nhân của những cảm xúc đó rất nhỏ.
Bây giờ ta thấy là giá trị làm chủ được cảm xúc của ta là cực kỳ quan trọng, không những vậy mà trong đời sống hàng ngày, trong mọi mối quan hệ ở gia đình hay bên ngoài trong khi ta cư xử với người ta thương, bạn bè, đồng nghiệp hoặc ngay cả với con cái nữa mà ta có thể làm chủ được cảm xúc thì ta có thể nuôi lớn niềm an vui của ta trong mọi mối quan hệ. Cách để ta có thể hiểu cảm xúc của ta, cách để cho ta có động lực chuyển hóa cảm xúc của ta, làm chủ cảm xúc của ta đó chính là khả năng nhìn sâu.
Ta nhìn sâu vào cảm xúc của mình, ta nhìn sâu xuyên qua tầng lớp thời gian, có nghĩa là bây giờ cảm xúc ấy chưa xảy ra nhưng nếu nó xảy ra tiếp thì ta sẽ mệt mỏi như thế nào, và nếu ta lặp lại giống như thái độ và hành vi cũ của mình. Còn nếu như ta không lặp lại thái độ, hành vi cũ và không có những cảm xúc đó thì ta sẽ có hạnh phúc như thế nào? tình huống xảy ra ta hóa giải nó, chuyển hoá những cảm xúc ấy như thế nào ta phải thấy rõ, biết rõ.
Một chiếc xe mà nó muốn chạy được thì cũng phải có động lực. con người mình cũng vậy, muốn làm một điều gì thì cũng cần phải có động lực, phải có sức mạnh ở bên trong. Còn nếu như trong cuộc sống ta không có động lực gì để hướng ta đi, đẩy ta về tương lai. Ta đang khổ ta cứ chấp nhận khổ mà không muốn thay đổi thì cuộc đời ta làm sao thay đổi được, vận mệnh ta làm sao thay đổi được. Thành ra tạo cho bản thân động lực để ta thay đổi cuộc sống này, để ta thay đổi cuộc đời của ta là bước đầu quan trọng trong công cuộc chuyển hoá vận mệnh, làm chủ vận mệnh.
Người mà có khả năng tạo cho những người khác có một động lực để thay đổi thì người đó ta gọi là người có khả năng truyền cảm hứng. Ta phải là người cho chính ta cảm hứng đầu tiên để ta thay đổi. Nếu ta chưa làm được điều đó thì sự thay đổi khó diễn ra lắm. Động lực để giúp cho ta thay đổi, cái đó trong nhà Phật gọi là Bồ đề tâm. Ta phải có khả năng phát ra tâm yêu thương, tấm lòng yêu thương. Ta phải lập nguyện để tâm yêu thương trong ta được phát khởi.
Vì sao có những người ngày đêm họ làm việc không phải vì cá nhân mà vì người khác mà họ không thấy mệt mỏi là bởi vì trong trái tim của họ có tình yêu thương. Người mà trong trái tim có tình thương yêu thì vận mệnh của người đó chắc chắn sẽ thay đổi. Tình thương của người này càng lớn thì số phận người đó càng thăng hoa, vận mệnh của người đó sẽ chuyển theo hướng tích cực nhất.
Do đó làm sao mà ta phải biến tình thương của ta, biến tình yêu thương trong lòng của ta thành một nguồn sức mạnh, thành một nguồn động lực để nó đẩy bánh xe cuộc đời của ta đi một cách mạnh mẽ trơn chu, một cách hùng dũng vượt qua tất cả mọi cảm xúc tiêu cực để ta có thể về nơi mà ta mong muốn đến trong cuộc đời này.
Thầy Pháp Nhật