Ước nguyện về một đời sống no đủ và thịnh vượng là khát vọng cháy bỏng của con người ở mọi thời kỳ. Nhằm đáp ứng một phần ước nguyện đó, nhiều tôn giáo đã xây dựng và định hình nên những vị thần chuyên trách, thường gọi là thần tài. 

Thần tài trong Phật giáo, cụ thể ở Phật giáo Bắc truyền đã vay mượn giữa hình ảnh Bố Đại hòa thượng và các truyền thuyết về thần tài Trung Hoa, để tổng hòa nên một vị thần tài có nguồn gốc ngoài Phật giáo.

Với Phật giáo, thần tài được hiểu ở đây là vị Thánh đệ tử (ariya-sāvaka) có nhân duyên tạo ra phúc lộc sâu dày (lābhagga). Và, trong lịch sử kinh điển, thực sự vị đó là ai?

Bước đầu khảo sát thư tịch Phật giáo, chúng tôi đã tìm thấy nhiều nguồn tư liệu quý hiếm cùng đề cập về một vị Thánh giả gắn liền với phúc lộc, nói theo ngôn ngữ số đông chính là thần tài, đó là ngài Sīvali. Kinh điển Hán tạng phiên âm thành Thi-bà-la (尸婆羅)1.

Từ những bằng chứng quan trọng trong kinh điển, từ Hán tạng đến Nikāya, từ sự xác tín của chính Đức Phật Thích Ca, đã cho thấy, đây là vị Thánh có nhân duyên với phúc lộc nhiều đời. Chuyên khảo sau sẽ làm sáng tỏ các vấn đề liên quan.

Cơ sở kinh, luận về ngài Thi-bà-la (尸婆羅: Sīvali)

1- Tư liệu Hán tạng

Trong thư tịch Hán tạng, ngài Thi-bà-la (尸婆羅, có khi viết 施婆羅, đôi khi phiên âm thành 世婆羅), xuất hiện trong những bản kinh, luận sau:

Kinh Tăng-nhất A-hàm, quyển thứ ba và quyển 252.

Chú giải kinh Tăng-nhất A-hàm. Thực ra, đây chính là bản luận Phân biệt công đức3.

Kinh Xuất diệu4.

Kinh Khởi thế5.

Kinh Khởi thế nhân bổn6.

Luận Đại-trí-độ7.

Luận A-tỳ-đàm-Tỳ-bà-sa8.

2- Tư liệu Nikāya

Tư liệu Nikāya đề cập về ngài Sīvali khá phong phú, bao gồm:

Kinh Tăng chi bộ9.

Kinh Tiểu bộ, kinh Phật tự thuyết (Ud.15)10.

Kinh Tiểu bộ, Jataka số 10011.

Trưởng lão Tăng kệ12.

Thánh nhân ký sự (Apadāna)13

Chú giải kinh Tăng chi bộ14.

Chú giải kinh Pháp cú15

Chú giải Trưởng lão Tăng kệ16.

Tôn giả Sīvali - vị "thần tài" đích thực của Phật giáo ảnh 1Tượng Tôn giả Sivali trước chùa Ubosot (Chedi Liam, Thái Lan)

3- Nhận định về tư liệu

– Cơ sở tư liệu vững chãi liên quan đến ngài Thi-bà-la (Sīvali) được ghi nhận trong một bản kinh quan trọng, đó là kinh Tăng chi bộ ở Nikāya và kinh Tăng-nhất A-hàm tương đương ở Hán tạng. Trong cả hai bản kinh, Tôn giả Thi-bà-la (Sīvali) được chính Đức Phật xác tín: bậc đệ nhất phước đức là Tỳ-kheo Thi-bà-la (第一福德者, 尸婆羅比丘是也). Nguyên tác Pāli ghi: Tối thắng…về phúc lộc là ngài Sīvali (Etadaggaṃ… lābhīnaṃ yadidaṃ sīvali)17.

– Nếu như tư liệu về cuộc đời ngài Sīvali trong kinh tạng Pāli phần lớn nằm trong những bản chú giải, có niên đại xuất hiện khá muộn; thì tư liệu về Tôn giả Thi-bà-la trong thư tịch Hán tạng xuất hiện trong kinh Tăng-nhất-A-hàm, quyển 25, có niên đại sớm hơn. Theo Khai nguyên thích giáo lục, quyển 3, kinh Tăng nhất-A-hàm do ngài Tăng-già-đề-bà (Saṃghadeva) dịch lại lần thứ hai18 vào niên hiệu Long An nguyên niên (397) thời Tấn An Đế (382–419)19.

– Về phương diện chú giải, tư liệu Nikāya đề cập về ngài Sīvali rất phong phú, từ chú giải kinh Tăng chi, Pháp cú, Trưởng lão Tăng kệ…do hai bậc thầy về chú giải là ngài Budhaghosa và Dhammapālā trước tác. Xét về thời gian, cả hai Tôn giả vừa nêu có niên đại vào khoảng từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ VI. Trong khi đó, một phần chú giải bản kinh Tăng-nhất A-hàm ở Hán tạng, liên quan đến Tôn giả Thi-bà-la được ghi nhận vào thời Hậu-Hán (後漢:23-220), đó là bản luận Phân biệt công đức. Theo ngài Tăng Hựu (445-518) trong Xuất tam tạng ký tập, quyển bốn, thì đây là bản chú giải kinh Tăng-nhất A-hàm do hai ngài Ca-diếp và A-nan tạo ra và không rõ ai đã dịch sang chữ Hán20. Nếu ghi nhận của ngài Tăng Hựu chính xác, thì đây là bản chú giải kinh Tăng-nhất A-hàm sớm nhất trong lịch sử chú giải kinh điển21.

Như vậy, từ sự đối khảo cả hai nguồn thư tịch từ Hán tạng đến Nikāya đã cho thấy rằng, tư liệu về ngài Thi-bà-la (Sīvali) trong Hán tạng là những tư liệu có niên đại xuất hiện khá sớm trong lịch sử truyền dịch kinh điển.

Lược thuật về hành trạng của Tôn giả Thi-bà-la (Sīvali)

1- Theo kinh tạng Nikāya

Cha của Tôn giả Sīvali tên là Mahāli người xứ Licchavī22. Mẹ của Tôn giả tên là Suppavāsā, công chúa nước Koliya23 có truyền thống tín phụng Tam bảo, thường cúng dường Đức Phật và chư Tăng24.

Do nghiệp cũ oan khiên25, nên nàng phải mang thai Tôn giả Sīvali đến bảy năm và chịu cơn đau chuyển dạ đến bảy ngày. Tưởng mình sắp chết, nàng nói với chồng rằng: Trước khi mạng căn chấm dứt, tôi sẽ bố thí trọng thể (pure maraṇā jīvamānāva dānaṃ dassāmī)26.

Sau khi phát tâm cúng dường Đức Phật và Thánh Tăng, nhờ lòng chí thành của nàng và sự chú nguyện của Tam bảo, Suppavāsā đã hạ sanh một đứa con trai kháu khỉnh, đặt tên là Sīvali.

Chuyện tiền thân Asātarūpa (Jataka 100) đã bổ sung:


Thiếu niên Sīvali, vào năm thứ bảy, hiến thân mình cho đạo, và xuất gia. Khi tuổi được đầy đủ, vị ấy thọ Đại giới, làm các công đức, đạt được lợi đắc cao nhất trên cõi đất, tức là quả A-la-hán, và khiến quả đất vang lên tiếng động hoan nghênh
27.

Và kể từ khi chứng Thánh quả A-la-hán, Tôn giả Sīvali có một phước báo to lớn, thường được nhân loại hay chư Thiên ở khắp mọi nơi cúng dường, dù đó là chốn hoang vu hay nơi làng mạc, khi ở sông nước, hoặc trú tại đất liền (vane gāme jale thale)28.

Một lần, trong chuyến du hóa đến trụ xứ của Tôn giả Revata (Ly-bà-đa), Đức Phật đã dẫn 500 vị Tỳ-kheo dự kiến phải băn
g qua một vùng hoang vu dài khoảng 30 dặm và khó khăn về vật thực. Trước lúc khởi hành, Đức Phật đã hỏi Tôn giả A-nan:

– Này, A-nan! Có Sīvali đi với chúng ta không?

– Dạ có, bạch Thế Tôn!29

(Sīvali, pana, ānanda, amhehi saddhiṃ āgato ti? Āma, bhante ti)30.

Với Đức Phật, chỉ cần có Tôn giả Sīvali hiện diện trong đoàn thì dù con đường có hoang vu ít người qua lại, nhưng do phước báo của riêng Tôn giả mà các vị thiện thần (devatā) sẽ tùy duyên hóa hiện thành người phàm, để cúng dường vật dụng cần thiết cho đấng Chí Tôn và toàn thể chúng Tăng.

Sở dĩ có được phước báo to lớn đó là do nhiều thiện nhân duyên mà Tôn giả đã gây dựng trong nhiều kiếp, nhiều đời. Theo Chuyện tiền thân Asātarūpa (Jataka 100), Thánh nhân ký sự (Apadāna), Chú giải kinh Tăng chi bộ, Chú giải kinh Pháp cú, Chú giải trưởng lão Tăng kệ; thì tiền thân của Tôn giả Sīvali đã cúng dường lên Đức Phật Padumuttara31 và được Ngài thọ ký sẽ là người đầy đủ phúc lộc ở đời vị lai32. Sau đó, trong một kiếp khác, tiền thân Tôn giả đã hiến cúng hai phẩm vật, được xem như hai vị thuốc quý ở thời xưa33, đó chính là bơ tươi vo thành viên (guḷadadhiñca) và mật ong (madhuñca) lên Đức Phật Tỳ-bà-thi (Vipassī) với tâm tín thành và lòng kiên định sâu sắc34. Theo tư liệu, lễ phẩm tuy giản đơn nhưng do diễn ra trong một bối cảnh bức thiết nên trở thành đắt giá (sahassaṃ), mặc dù vậy tiền thân của Tôn giả Sīvali chỉ kính nguyện dâng lên Đức Phật Tỳ-bà-thi (Vipassī) và chúng Tăng.

Như vậy, do dư nghiệp bất thiện ở quá khứ nên quá trình thác thai của Tôn giả Sīvali gặp nhiều bất hạnh, khổ đau. Tuy nhiên, do phước nghiệp tự tay mình (sahattheneva) cúng dường hai phẩm vật gồm bơ tươi và mật lên Đức Phật Tỳ-bà-thi (Vipassī) với lòng kiên định, sùng kính, thế nên hiện đời phúc báo của Tôn giả luôn đầy tràn, không những lan tỏa đến chư vị Thánh Tăng mà còn được Đức Phật Thích Ca tán thán: Trong các vị đệ tử… nhận được đồ cúng dường, này các Tỳ-kheo, tối thắng là Sīvali35.

2- Theo tư liệu Hán tạng

Xét về nguồn cội, Tôn giả Thi-bà-la (尸婆羅) vốn dòng dõi hoàng tộc Sư-tử- giáp (師子頰: Sīhahanu36), mẹ ngài tên là Cam-lộ-vị (甘露味: Amitā37; được phiên âm thành 阿彌多質多????38, có khi cũng gọi là 不死女39), cùng huyết thống với Đức Phật Thích Ca40.

Theo kinh Tăng-nhất A-hàm và bản chú giải kinh này ở Hán tạng, khi mới sinh ra, Thi-bà-la đã có những dấu hiệu đặc dị phi phàm. Kinh văn ghi nhận rằng, khi vừa sinh ra, hai tay Tôn giả đã cầm viên minh châu vô giá cùng nhiều biểu hiện kỳ đặc. Lo ngại nên cha mẹ của Tôn giả đã cầu thỉnh các vị đạo sĩ giải đáp nhưng vẫn không thỏa lòng. Nghe tin Đức Phật Thích Ca là bậc quán thông, nên đã đưa Tôn giả đến thỉnh an.

Phật dạy:

Đứa trẻ này cực kỳ đại phúc. Đến tuổi trưởng thành sẽ dẫn năm trăm đồ chúng cầu học với Ta. Sau khi xuất gia tu đạo sẽ chứng quả A-la-hán. Trong hàng thanh văn đệ tử của Ta là vị có phước đức lớn nhất, không ai sánh bằng.41

Như lời thọ ký của Đức Phật, vào lúc hai mươi tuổi, Tôn giả Thi-bà-la đã cùng năm trăm người bạn xuất gia. Chỉ sau một thời gian ngắn Tôn giả đắc quả A-la-hán.

Sau khi chứng đạt thánh quả, Tôn giả cùng năm trăm vị đồng học du hóa trong nhân gian, khi đi đến đâu Tôn giả cũng được cúng dường tứ sự đầy đủ, dù ở thị thành náo nhiệt hay nơi hẻo lánh hoang vu. Vì lẽ, mỗi khi Tôn giả đi đâu thì chư thiên đã mặc báo cho dân làng biết để tùy nghi cúng dường42. Đôi khi, Tôn giả vừa khởi ý thì vua trời Thích-đề-hoàn-nhơn (釋提桓因, có lúc phiên âm là 摩伽婆43: Maghavā), và ngay cả Tỳ-sa-môn Thiên vương (毘沙門王: Vessavaṇa) cũng tùy tâm của Tôn giả mà liệu biện các thứ. Thậm chí trong một trường hợp đặc biệt, Đức Phật đã cho phép Tôn giả tiếp nhận một trăm ngàn lượng vàng (百千兩金)44 để tùy nghi phân bổ cúng dường vật dụng cho mười phương chúng Tăng.

Với phước báo to lớn như vậy là do nhiều nhân duyên mà Tôn giả đã gây tạo ở nhiều kiếp xưa kia.

Trước hết, vào chín mươi mốt kiếp xưa, khi Đức Phật Tỳ-bà-thi (毘婆尸 = Vipassī) ra đời và giáo hóa nhân dân tại nước Bàn-đầu (槃頭 = Bandhumatī), có một trưởng giả tên là Da-nhã-đạt (耶若達) muốn cúng dường Đức Phật Tỳ-bà-thi nhưng còn thiếu sữa đông (酪=Dadhi). Khi ấy, tiền thân Tôn giả làm một người chăn bò và hiện có sữa đông, định dùng để tế tự các vị Trời. Khi ấy, dù được trưởng giả Da-nhã-đạt trả giá cao, nhưng khi được nghe mục đích cúng dường nên tiền thân Tôn giả Thi-bà-la đã phát nguyện rằng:

Hôm nay tôi đích thân đem sữa đông đến cúng dường Như Lai.45

Thứ hai, vào ba mươi mốt kiếp về trước, có Đức Phật Thi-khí (Sikhī46. Nguyên tác: Thức-cật: 式詰) xuất hiện ở đời. Khi ấy, tiền thân Thi-bà-la là một nhà buôn lớn với tên gọi Thiện Tài (善財) đã đảnh lễ cúng dường nhiều kim ngọc trên thân Như Lai với lời nguyện rằng:

Nguyện nhờ công đức này, nơi nào con sinh ra, tiền tài luôn đầy đủ, bảo vật luôn sum vầy, không vật gì thiếu thốn, trong tay con lúc nào, cũng đong đầy tiền của, cho đến trong thai mẹ, cũng nắm giữ tiền tài.47

Thứ ba, ở thời Trung kiếp (Antara-kappa), khi Đức Như Lai Tỳ-xá-la-bà (毘舍羅婆, cũng gọi là Tỳ-xá-phù: Vessabhū ) xuất hiện, tiền thân Thi-ba-la tên là cư sĩ Thiện Giác (善覺) lắm tiền nhiều của, đã tự tay mình (躬自辦: Sahattha) thiết trai hiến cúng Đức Phật và Thánh chúng với lời phát nguyện:

Con nguyện nhờ công đức, nơi nào con sinh ra, thường được gặp Tam bảo, không vật gì thiếu thốn, có nhiều người phò trợ, ở trong đời tương lai, cũng gặp được Đức Phật, như đã gặp ngày nay48.

Thứ tư, trong hiền kiếp hiện tại (Bhadda-kappa), khi Đức Phật Câu-lâu-tôn (拘屢孫:Kakusandha) xuất hiện ở thế gian, tiền thân Thi-bà-la tên là Đa Tài (多財) đã phát tâm hiến cúng Đức Phật và thánh chúng suốt bảy ngày với đầy đủ tứ sự cùng lời phát nguyện:

Nguyện nơi con thác sanh, tiền tài luôn đầy đủ, bảo vật luôn sum vầy, không sinh nhà bần tiện; khiến nơi con sinh ra, thường cúng dường tứ sự; khiến bốn chúng, quốc vương, và nhân dân tôn kính; khiến trời rồng quỷ thần, nhân loại hay phi nhân, đều hân hoan đón tiếp.49

Do những nhân duyên công đức mà
Tôn giả Thi-bà-la đã gây tạo và phát nguyện trong nhiều kiếp quá khứ, thế nên kiếp này Tôn giả Thi-bà-la xứng danh là bậc phúc lộc đệ nhất trong chúng đệ tử của Đức Phật Thích Ca.

Nhận định và đề nghị

Tư liệu kinh điển từ Hán tạng đến Nikāya đều xác tín rằng, Thi-bà-la (Sīvali) là một vị Thánh Tăng, sinh trưởng trong gia đình có truyền thống mộ Phật và thiện thí.

Từ lúc xuất gia và chứng đắc thánh quả, khi đi hoằng hóa hay bất cứ nơi đâu, dù chốn hoang vu hay nơi làng mạc, khi ở sông nước hoặc trú tại đất liền (vane gāme jale thale)50, nơi nào Tôn giả đặt chân đến thì nơi ấy chúng Tăng luôn được bình yên với sự cúng dường của chư Thiên và dân chúng. Sự thực này đã được Phật xác chứng: bậc đệ nhất phước đức là Tỳ-kheo Thi-bà-la.

Khảo về nguyên nhân sâu xa thì tiền thân Tôn giả đã từng đảnh lễ, cúng dường nhiều phẩm vật, từ sữa đông, mật ngọt đến thức ăn, trân bảo…với nhiều vị Phật quá khứ, từ cổ Phật Tỳ-bà-thi, Thi-khí, Tỳ-xá-phù, Câu-lưu-tôn. Thậm chí, trước thời điểm Tôn giả sinh ra, cha mẹ cũng nhân đó mà thiết trai hiến cúng cho Đức Phật và mười phương Tăng chúng.

Xem ra, từ sự thực khả tín qua nhiều nguồn tư liệu vừa nêu, từ ước nguyện sâu xa về một cuộc sống ấm no của số đông Phật tử, từ thực trạng các vị thần tài có nguồn gốc Trung Hoa và kể cả Ấn giáo, đã mặc nhiên tồn tại trong không gian thờ tự, trong tâm khảm của hàng cư sĩ và kể cả một số ít các bậc xuất gia; cho thấy rằng, đã đến lúc phải tái xác nhận vai trò của Thánh giả Thi-bà-la như một vị thần tài của Phật giáo.

Điều này, ở các nước Phật giáo theo truyền thống Theravāda đã thực hiện, nhưng chưa thực sự lan tỏa vào những quốc gia mang ảnh hưởng của Phật giáo Bắc truyền. Vì lẽ, mãi đến hôm nay cuộc đời và hành trạng của Tôn giả Thi-bà-la (Sīvali) vẫn chưa được quan tâm đúng mức, nếu không nói là do chưa tìm thấy cơ sở lý luận vững chãi, nên chưa được các giới Phật giáo Việt Nam chú trọng, quan tâm.

Trong hiện tình Phật giáo hiện tại nói chung, việc tạo hình một vị Thánh giả với bàn tay ban phúc phát lộc, là nguyên mẫu sống động gắn liền với hành trạng của Tôn giả Thi-bà-la (Sīvali). Chúng tôi nhất trí với mẫu tượng thờ này và chỉ bổ sung thêm, trong những đặc phẩm cúng dường ngài, nên chăng cần sử dụng mật ong (madhu) và bơ đặc (dadhi). Vì đây là những lễ phẩm mà Tôn giả dâng cúng đầu tiên, làm sơ khởi nhân duyên để tác thành nên một vị thần tài trong Phật giáo.

Chúc Phú/Nguyệt san Giác Ngộ

_____________________

(1) 大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第二十五. Nguyên văn: 第一福德者, 尸婆羅比丘是也.
(2)大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經.
(3) 大正藏第 25 冊 No. 1507 分別功德論.
(4)大正藏第 04 冊 No. 0212 出曜經, 卷第十五. Nguyên văn: 猶如尸婆羅比丘, 阿那律比丘, 功德滿足不求自至.
(5) 大正藏第 01 冊 No. 0024 起世經, 卷第十.
(6)大正藏第 01 冊 No. 0025 起世因本經, 名世婆羅.
(7)大正藏第 25 冊 No. 1509 大智度論, 卷第三. Nguyên văn: 甘露味女有一子,名施婆羅.
(8)大正藏第 28 冊 No. 1546 阿毘曇毘婆沙論, 卷第五十一.
(9) Kinh Tăng chi bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn Giáo, 2015, tr.59.
(10) Kinh Tiểu bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn Giáo, 2015, tr. 124-127.
(11) Kinh Tiểu bộ, tập 3, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn Giáo, 2015, tr.386-388.
(12) Kinh Tiểu bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu, dịch, Nxb.Tôn Giáo, 2015, tr.230-231.
(13) Apadāna, Thánh nhân ký sự. Tỳ-khưu Indacanda, dịch.
(14) Chú giải kinh Tăng chi bộ, (Aṅguttaranikāya-aṭṭhakathā). Xem tại, tipitaka.org.
(15) Nguyên tác: Dhammapada-aṭṭhakathā. Xem tại, tipitaka.org. Tham khảo: Tích truyện Pháp cú, tập 2, Thiền viện Viên chiếu, dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr. 66-75.
(16) Theragāthā-aṭṭhakathā. Xem tại, tipitaka.org.
(17) Aṅguttaranikāya, Ekakanipāta, Etadaggavagga. Xem tại, tipitaka.org.
(18) Bản kinh Tăng-nhất A-hàm đầu tiên, gồm 51 quyển, do ngài Đàm-ma-nan-đề (曇摩難提) dịch vào niên hiệu Kiến Nguyên năm thứ 21 (385), thời Tiền Tần. Xem, 大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第一, 序. Nguyên văn: 有外國沙門曇摩難提者,兜佉勒國人也,齠齓出家,孰與廣聞,誦二阿含,溫故日新,周行諸國,無土不涉.以秦建元二十年來詣長安,外國鄉人咸皆善之.武威太守趙文業求令出焉.佛念譯傳, 曇嵩筆受, 歲在甲申夏出,至來年春乃訖.
(19) 大正藏第 55 冊 No. 2154 開元釋教錄, 卷第三. Nguyên văn: 增壹阿含經五十一卷(第二出隆安元年正月出與難提本小異竺道祖筆受或四十二或三十三無定亦有六十卷成者見道祖及寶唱錄).
(20) 大正藏第 55 冊 No. 2145 出三藏記集, 卷第四. Nguyên văn: 分別功德經五卷(一名增一阿含經疏迦葉阿難造).
(21) Theo ngài Trí Thăng (智昇), trong tác phẩm Khai nguyên thích giáo lục, quyển thứ 13, đã cho rằng, căn cứ vào thông tin ở quyển thứ nhất của luận Phân biệt công đức, thì tác giả của bộ luận này không phải do hai ngài Ca-diếp và A-nan soạn (如論第一卷中引外國師及薩婆多說故知非是二尊所撰). Chúng tôi đã khảo sát lại, và thấy rằng, quan điểm của ngài Trí Thăng chưa đúng, vì ngữ cảnh câu văn không liên quan đến tác giả của bộ luận này. Và như vậy, quan điểm của ngài Tăng Hựu trong Xuất Tam Tạng ký tập quyển 4, là quan điểm đáng được ghi nhận. Xem thêm tại, 大正藏第 55 冊 No. 2154 開元釋教錄, 卷第十三.
(22) Apadāna, câu 6105. Tỳ khưu Indacanda, dịch.
(23) Malalasekera, G.P. Buddhist Dictionary of Pāli Proper Names. Vol 2. London: Luzac & Company Ltd., 1960, p. 1163.
(24) Kinh Tăng chi bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu, dịch, Nxb.Tôn Giáo, 2015, tr. 63; tr. 405-406; Kinh Tăng chi bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn Giáo, 2015, tr. 434.
(25) Chuyện tiền thân Asātarūpa (Jataka 100) đã giải thích, trong kiếp quá khứ, Tôn giả Sīvali là hoàng tử con vua Ba-la-nại, bị vua nước Kosala tấn công và cưỡng chiếm thành. Trong khi tái chiếm thành Ba-la-nại, nghe lời mẹ, hoàng tử đã bao vây, cắt đứt mọi nguồn viện trợ từ bên ngoài, thế nên đến ngày thứ bảy đã chiếm được thành. Do nghiệp cũ đó mà ngài phải chịu bảy năm trong thai và bảy ngày đau đớn trong khi chuyển dạ. Khổ đau cũng tương ứng với người mẹ, vì lúc xưa mẹ ngài đã góp lời khuyên thực hiện kế sách này. Xem, Kinh Tiểu bộ, tập 3, HT. Thích Minh Châu, dịch, Nxb.Tôn Giáo, 2015 tr. 388.
(26) Chú giải kinh Tăng chi bộ, (Aṅguttaranikāya – aṭṭhakathā, Sīvalittheravatthu); Chú giải Trưởng lão Tăng kệ (Theragāthā-aṭṭhakathā, Sīvalittheragāthāvaṇṇanā). Xem tại, tipitaka.org.
(27) Kinh Tiểu bộ, tập 3, HT.Thích Minh Châu, dịch, Nxb.Tôn Giáo,
2015 tr. 387
(28) Apadāna, câu 88, bản Pāli. Xem tại, tipitaka.org.
(29) Tích truyện Pháp cú, tập 2, Thiền viện Viên Chiếu, dịch, Nxb.Tôn Giáo, 2012, tr. 69.
(30) Nguyên tác: Dhammapada-aṭṭhakathā. Nội dung tương tự cũng được tìm thấy trong Chú giải kinh Tăng chi bộ, chuyện về ngài Revata. Xem tại, tipitaka.org.
(31) Là vị Phật thứ 10 trong 24 vị Phật quá khứ. Xem, Malalasekera, G.P. Buddhist Dictionary of Pāli Proper Names. Vol 2. London: Luzac & Company Ltd., 1960, p. 136.
(32) Apadāna, câu 6090. Tỳ-khưu Indacanda, dịch.
(33) 大正藏第 02 冊 No. 0150A 七處三觀經, 四五. Nguyên văn: 比丘有三大藥, 風者比丘大病, 麻油大藥, 亦麻油輩. 熱大病者, 酪酥大藥, 亦如酪酥輩. 寒大病者, 蜜大藥, 亦如蜜輩.
(34) Tích truyện Pháp cú, tập 2, Thiền viện Viên Chiếu, dịch, Nxb.Tôn Giáo, 2012, tr. 73-74.
(35) Kinh Tăng chi bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.59.
(36) Malalasekera, G.P. Buddhist Dictionary of Pāli Proper Names. Vol 2. London: Luzac & Company Ltd., 1960, p. 1171.
(37) Malalasekera, G.P. Buddhist Dictionary of Pāli Proper Names. Vol 2. London: Luzac & Company Ltd., 1960, p.1171.
(38)大正藏第 03 冊 No. 0190 佛本行集經, 卷第十一.
(39) 大正藏第 01 冊 No. 0025 起世因本經, 卷第十.
(40) 大正藏第 03 冊 No. 0156 大方便佛報恩經, 卷第三; 大正藏第 03 冊 No. 0190 佛本行集經, 卷第五; 大正藏第 25 冊 No. 1509 大智度論, 卷第三. Nguyên văn: 昔有日種王名師子頰, 其王有四子: 第一名淨飯, 二名白飯, 三名斛飯,四名甘露飯. 有一女, 名甘露味. 淨飯王有二子佛, 難陀. 白飯王有二子:跋提, 提沙. 斛飯王有二子: 提婆達多, 阿難. 甘露飯王有二子: 摩訶男, 阿泥盧豆. 甘露味女有一子, 名施婆羅.
(41) 大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第二十五. Nguyên văn: 今此小兒極有大福, 此小兒若當大者, 當將五百徒眾來至我所, 而出家學道得阿羅漢, 我聲聞中福德第一, 無能及者. (
42) 大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第二十五. Nguyên văn:復有諸天告諸村落: 今有尊者尸婆羅,得阿羅漢福德第一, 將五百比丘, 在人間遊化. 諸賢可往供養, 今不為者. 後悔無益.
(43) 大正藏第 02 冊 No. 0099 雜阿含經, 卷第四十, 一一〇六,
(44) 大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第二十五. Nguyên văn: 爾時,世尊告尸婆羅曰:汝今可受此長者百千兩金, 使蒙其福, 此是宿緣之業,可受其報.
(45) 大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第二十五. Nguyên văn:我今躬持此酪往施如來.
(46) Là Đức Phật thứ 20 trong 24 vị cổ Phật. Theo, Malalasekera, G.P. Buddhist Dictionary of Pāli Proper Names. Vol 2. London: Luzac & Company Ltd., 1960, p. p.1130.
(47) 大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第二十五. Nguyên văn: 持此功德, 所生之處, 饒財多寶, 無所乏短, 無令手中有空缺時,乃至母胞胎中亦使不空.
(48) 大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第二十五. Nguyên văn: 我持功德,所生之處,常值三尊,無所短乏,恒多使人,令將來之世值如來, 如今日也.
(49) 大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第三. Nguyên văn: 所生之處常饒財多寶,莫生貧賤之家,使我所生之處恒得四事供養,為四部之眾,國王,人民所見宗敬,天,龍,鬼神,人若非人,所見接遇.
(50) Apadāna, câu 88, bản Pāli. Xem tại, tipitaka.org.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Xu thế biến đổi trong Kiến trúc, cảnh quan chùa Huế
Kiến trúc-Mỹ thuật, Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Phật giáo Huế với một bề dày lịch sử, gắn liền với thăng trầm vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân xưa, đã hàm chứa, bảo tồn được nét riêng có trên nhiều mặt của yếu tính truyền thống Phật giáo. Tuy nhiên, trong chiều hướng phát triển của xã hội thì trong...

Tín ngưỡng thờ Long Vương trong Phật giáo Nam bộ
Nghiên cứu, Văn hóa

Tượng Long Vương ở Tổ đình Hội Khánh (Bình Dương). LONG VƯƠNG TRONG PHẬT GIÁO Trong Phật giáo, rồng là một trong Bát bộ chúng thủ hộ Phật pháp. Lãnh tụ của Long tộc gọi là Long Vương, có đầy đủ uy lực lớn mạnh, thường theo bảo vệ Phật. Trong các kinh sách Phật...

Vai trò nhập thế qua những biểu hiện, một số vấn đề đặt ra và giải pháp nhằm phát huy vai trò của nữ Phật tử
Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhân loại. Ở phương diện tích cực, chúng phục vụ nhiều nhu cầu, đem lại hiệu suất làm việc cao cho con người. Song ở phương diện tiêu cực, chúng khiến đời sống tinh thần đứng...

Các công chúa triều Trần với đạo Phật và chốn thiền môn
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Khi công chúa Thái Đường mắc lỗi, triều đình tịch thu điền trang của bà sung vào ruộng quốc khố. Bà bèn đi tu ở chùa Nghĩa Xá, gần Lạc Quần (Xuân Trường). Thời nhà Trần, đạo Phật được nhân dân Đại Việt rất coi trọng và tôn sùng. Các vua Trần từ Trần Thái...

Đóng góp của gia đình danh y Lê Hữu Trác đối với Phật giáo Việt Nam
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Với việc xây chùa Tượng Sơn, gia đình đại danh y Lê Hữu Trác có những đóng góp nhất định đối với Phật giáo Hà Tĩnh. Tượng Sơn tự cũng là nơi Hải Thượng Lãn Ông dành phần lớn thời gian lưu lại chùa để bốc thuốc, chữa bệnh cứu người và hoàn thành...

Nghiên cứu về một vài ngộ nhận đối với lịch sử phát triển Ni đoàn
Lịch sử, Nghiên cứu

TÓM TẮT Từ khi Đức Phật còn tại thế, Ngài đã cho phái nữ xuất gia thành Tỳ kheo Ni với điều kiện là thọ trì Bát kỉnh pháp. Có Ni giới, hàng xuất gia của Đức Phật được tăng đông lên. Tứ chúng của Đức Phật trở nên đầy đủ. Sự xuất hiện của...

Đức Từ Cung với sự phát triển và chấn hưng Phật giáo xứ Huế từ những năm 30 đến những năm 80 Thế kỷ XX
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Đức Từ Cung hay Đoan Huy Hoàng thái hậu không chỉ quan tâm chăm lo hương khói, cúng tế tổ tiên nhà Nguyễn, mà còn là một tín đồ thuần thành của Phật giáo. Trên cương vị Hoàng Thái hậu triều Nguyễn, bà Từ Cung đã có nhiều đóng góp trong công cuộc chấn...

Kiến trúc chùa Huế
Chùa Việt, Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu

Với lối kiến trúc đặc trưng nhưng vẫn nằm trong dòng chảy kiến trúc đặc trưng của những ngôi chùa Việt, chùa Huế thực sự đã tạo ra một dấu ấn đậm nét đối với khách thập phương. Với nét đặc trưng đó những ngôi chùa xứ Huế không chỉ góp phần làm phong phú cho...

Nét đẹp Chư Tăng trong mùa An cư Kiết hạ
Nghiên cứu, Văn hóa

Chúng ta sẽ cảm nhận được nét đẹp tuyệt vời, một nghệ thuật siêu việt của cái thiêng liêng được toát ra từ sâu thẳm trong tâm hồn của chư Tăng, Ni. Nét đẹp đó, được phát ra từ nội tại của những con người mang những hoài bảo, những lý tưởng hướng thiện và...

Nguồn Gốc Và Ý Nghĩa Của Chiếc Áo Cà Sa
Nghiên cứu, Văn hóa

Gốc tiếng Phạn của chữ cà-sa là kasaya. Nhưng thật sự chữ kasaya trong tiếng Phạn không có nghĩa là áo mà có nghĩa là bạc màu, cáu cặn hay hư hoại. Sách tiếng Hán dịch chữ này là đạm (màu nhạt), trọc hay trược (đục, dơ bẩn, ô nhiễm, rác bẩn), hoặc còn dịch là hoại sắc, bất chính sắc, hư nát, dính bẩn…Tóm lại chiếc áo cà-sa của người xuất gia tu Phật, của hàng tỳ kheo,…tượng trưng cho những gì nghèo nàn,...

Chùa Kim Cang trong mối quan hệ với dòng thiền Liễu Quán ở Tây Nam bộ
Kiến trúc-Mỹ thuật, Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Bài nghiên cứu tập trung vào hai nội dung chính, thứ nhất, tìm hiểu khái quát về lịch sử dòng thiền Liễu Quán mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam; thứ hai, đề cập lịch sử hình thành chùa Kim Cang. Đây là ngôi chùa cổ, có nhiều đóng góp trong quá trình...

Đức Phật nhà văn hóa lớn của nhân loại
Lịch sử, Nghiên cứu, Sự kiện, Văn hóa

Đức Phật được Liên Hiệp Quốc tôn vinh là nhà văn hóa lớn của nhân loại của 25 thế kỷ qua, hẳn là cuộc đời hoằng hóa và hệ thống giáo lý của Ngài đã cống hiến cho nhân loại nhiều đóng góp quan trọng và ý nghĩa. Nhà Phật học H.W. Schumann đã phát biểu về Đức Phật trong tác phẩm thời danh của Ông, nhan đề Đức Phật lịch sử (The Historical Buddha) rằng: “Rất hiếm nhân vật trong lịch sử tư tưởng nhân...

Về văn bản Sự ly dung thông
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Thiền sư Minh Châu Hương Hải (1628-1715) là một tác gia văn học Phật Giáo thời Hậu Lê. Ngữ lục cho biết sư biên soạn, biên dịch được 20 tác phẩm. Hầu hết các tác phẩm này đều viết theo hai thể chữ hán và Nôm, vừa dịch giải vừa biên soạn.  Trong số sách dịch...

Đóng góp của thiền phái Liễu Quán trong việc khẳng định chủ quyền của người Việt trên vùng đất phương Nam
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Từ khi xuất hiện cho đến khi tổ Thiệt Diệu Liễu Quán viên tịch, dòng thiền Liễu Quán được thắp sáng và lan tỏa chánh pháp bởi các đệ tử và các pháp tôn. Trong các thế kỉ XVII – đầu thế kỉ XIX, Thiền phái Liễu Quán ra đời, phát triển và mở...

Tục Bầu Hậu Phật qua một số văn bia ở Thanh Hóa
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

DẪN NHẬP Bầu Hậu Phật, lập Hậu Phật là hoạt động văn hóa trong sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo ở làng xã nước ta trước đây. Người gửi hậu Phật có thể là do hoàn cảnh, nhu cầu và mục đích khác nhau, nhưng tựu trung, hoạt động này phản ánh tâm linh, tư...

Phổ hệ truyền thừa thiền phái Liễu Quán tại Khánh Hoà
Lịch sử, Nghiên cứu

Thiền phái Liễu Quán, một trong năm thiền phái của dòng thiền Lâm Tế có sự ảnh hưởng lớn ở nước ta. Trong dòng chảy lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế tại Việt Nam, Liễu Quán tuy ra đời muộn nhưng là dòng thiền có phạm vi rộng khắp bởi tính bản địa....