Tóm tắt:

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ thế kỉ thứ I trước Công nguyên và đồng hành trong đời sống tinh thần của dân tộc. Tuy nhiên, đến thế kỷ 13 khi xuất hiện Thiền phái Trúc Lâm mà vua Trần Nhân Tông là vị tổ sư khai sáng thì Phật giáo Việt Nam mới chính thức có tông phái riêng với nền tảng triết lý và phương pháp hành đạo riêng. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, giai đoạn của triều đại Lý – Trần là một trong những thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất và đồng bộ trên tất cả các mặt kinh tế, ngoại giao, tư tưởng… Trong lĩnh vực tư tưởng, có thể thấy nổi bật nhất là sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một thiền phái có phương pháp hành thiền đặc sắc, Thiền hành động, nhập thế tích cực, mang cốt cách, dấu ấn riêng Việt Nam. Tư tưởng nhập thể đạo đời không tách rời của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là sản phẩm mang đậm nét văn hóa, cốt cách Việt Nam.

Từ khóa: Thiền phái Trúc Lâm, Trúc Lâm Yên Tử, Tinh thần nhập thế

1. Đôi nét về Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là sự dung hợp của ba dòng Thiền: Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường với sự sáng lập của Tổ Trúc Lâm. Trước khi Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ra đời, ba dòng Thiền trên đã du nhập và tồn tại trong đời sống văn hoá, tín ngưỡng Đại Việt.

Đức vua anh minh Trần Nhân Tông – Người sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ngài “Tên húy là Khâm, con trưởng của Thánh Tông, mẹ là Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu, sinh năm Mậu Ngọ, Nguyên Phong năm thứ 8, tháng 11, ngày 11, được tinh anh thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng. Hai cung đều cho là lạ, gọi là Kim Tiên đồng tử. Trên vai bên trái có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn, ở ngôi 14 năm, nhường ngôi 5 năm, xuất gia 8 năm, thọ 51 tuổi, băng hà ở am Ngọa Vân núi Yên Tử, đưa về táng ở Đức Lăng. Vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần”[1].

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Phat hoang Tran Nhan Tong

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, Yên Tử, Quảng Ninh. Ảnh: St

Các nhà nghiên cứu đều thống nhất nhận định rằng, Ngài Trần Nhân Tông không chỉ là một nhà chính trị lỗi lạc biết nhìn xa trông rộng, một nhà quân sự tài ba; không chỉ là nhà ngoại giao, nhà tư tưởng lớn mà ông còn có cả một tâm hồn nghệ sĩ và tiết tháo trong việc trị nước an dân. Ngài lên ngôi lúc đất nước lâm nguy, hai lần quân Mông Nguyên sang xâm lấn nước ta, “Trần Nhân Tông đã tỏ rõ khí phách hào hùng, nỗ lực cầm quân, lãnh đạo nhân dân kháng chiến giành thắng lợi. Dưới thời vua trị vì đã diễn ra hai hội nghị có ý nghĩa lịch sử trọng đại: hội nghị tướng lĩnh Bình Than và hội nghị bô lão Diên Hồng. Nhà vua đã thực hiện được chính sách đoàn kết toàn dân, chủ trương nới rộng sức dân và tư tưởng thân dân trong nội trị, nên đạt nhiều thành tích trong công cuộc xây dựng và giữ gìn đất nước”[2]. Sau khi đánh bại quân Nguyên, lúc vào yết Chiêu lăng, vua ngâm lên những vần thơ đầy cảm xúc:

“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã

Sơn hà thiên cổ điện kim âu”.

Ở Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, thiền có nội dung và phương pháp hoàn toàn mới so với các trường phái trước đây cũng như bản chất ban đầu của nó. Thiền giờ đây không còn là lánh đời, ép xác khổ hạnh, cũng không phải chỉ là trầm tư mặc tưởng mà thiền được thể hiện qua chính đời sống hàng ngày như ăn tự nhiên, sống hòa hợp với thiên nhiên, với cuộc sống đời thường và làm những điều tốt, những việc làm mang ý nghĩa xã hội lớn lao.

Trong mọi hành động của cá nhân và tổ chức Giáo hội Trúc Lâm, Trần Nhân Tông luôn hành động với mục đích vì dân tộc, vì nhân dân. Ngay trong sự kiện chọn nơi xuất gia cũng thể hiện điều đó. Trần Nhân Tông chọn Yên Tử làm nơi tu hành hoàn toàn không phải Nhân Tông học tập và phát hiện ra chân lý Trúc Lâm trong vườn trúc Yên Tử, sở đắc đó Ông đã đạt được ngay khi còn làm vua ở kinh sư mà lý do chính là vì khu vực Yên Tử nằm trên yếu lộ giao thông thủy bộ với phương Bắc, người đi lại dập dìu và có thể ở đây mà xem được động tĩnh bên ngoài để hướng đến xây dựng  một xã hội Đại Việt phồn vinh, vững bền muôn thủa.

Nối tiếp Trần Nhân Tông là Thiền sư Pháp Loa. Thiền sư Pháp Loa (1284- 1330), tục danh là Đồng Kiên Cương. Ông là người thông minh, nổi tiếng nhân từ. Trong suốt 25 năm tu hành (trong đó có 23 năm lãnh đạo giáo hội Trúc Lâm), Ông đã tiếp tục tinh thần nhập thế của Điều Ngự và có những cống hiến lớn lao trên nhiều lĩnh vực cho sự phát triển Thiền phái Trúc Lâm. Ông là tấm gương sáng về tinh thần tích cực, hết lòng phụng sự cho sự phát triển của thiền phái. Hai lĩnh vực mà cuộc đời ông đã cống hiến nhiều và gặt hái được không ít thành tựu là phát triển lý luận thiền học và kiện toàn tổ chức giáo hội Phật giáo Trúc Lâm. Công lao lớn nhất của Pháp Loa trong lĩnh vực này chính là sự thống nhất tăng sĩ trong một tổ chức của giáo hội Trúc Lâm. Đây là công việc không hề dễ dàng. Bởi theo Việt Nam Phật giáo sử luận tập hai của Nguyễn Lang, trong số khoảng ba vạn tăng sĩ đời Trần, thì số tăng sĩ ở ngoài giáo hội Trúc Lâm nhiều hơn hai lần số tăng sĩ trong giáo hội, đồng thời qua các bài viết của Pháp Loa như Khuyến xuất gia tiến đạo ngôn (Lời khuyên người xuất gia vào đạo), bài Thượng thừa Tam học khuyến chúng phổ thuyết (Rộng khuyên chúng về ba môn học thượng thừa) chúng ta có thể thấy được thực trạng Phật giáo lúc đó có vấn đề, đặc biệt là ở giới tăng sĩ nằm ngoài giáo hội Trúc Lâm. Pháp Loa rất lo lắng và đôi lúc tỏ ra bất lực trước số đông tăng sĩ ngoài giáo hội, tuy họ mặc áo cà sa nhưng tâm còn nặng chuyện thế tục, hay lười biếng không chịu học đạo. Thậm chí còn có người lợi dụng cửa thiền để trốn lính trốn phu. Chính vì nhìn thấy nguy cơ suy thoái đó mà Ông đã thành lập sổ bộ tăng chúng, cấp độ điệp cho các tăng sĩ, quy định các thể thức và nghi lễ trong sinh hoạt thiền viện. Việc thực hiện nghiêm ngặt các giới pháp và tổ chức mùa an cư kết hạ hàng năm… đã đoàn kết, hòa hợp được  tổ chức giáo hội và làm cho Giáo hội có nền nếp và quy củ hơn trong Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm.

2. Tư tưởng nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trong sự nghiệp đoàn kết dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước

Ngài Trần Nhân Tông đã lĩnh hội đầy đủ tư tưởng nhập thế của người ông nội và người thầy để lại. Trần Nhân Tông nhận thấy bản thân mình phải biết lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Đặc biệt, khi với vai trò là một thiền sư, Ngài đã vận dụng và phát triển tư tưởng này lên một tầm cao mới thể hiện sự nhiệt huyết, tích cực hơn. Do đó, “nhập thế tích cực” trở thành tư tưởng và là phương châm hành động của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Tư tưởng Thiền nhập thế của Trần Nhân Tông được thể hiện ở hai nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, thiền quan tâm sâu sắc đến bản chất con người. Tính chất thiền nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã tiến thêm một bước mới so với bản chất gốc của thiền. Thiền nhập thế không phải chỉ là trầm tư mặc tưởng, cũng không còn nằm trong thiền môn, cửa chùa mà thiền đã đi sâu vào đời sống, đem đạo gắn với đời và phục vụ cho đời. Các thiền sư tinh cầu Phật đạo nhưng không phải chỉ để tu cho mình và hoàn thiện bản thân mà sự tu hành ở đây còn mang mục đích cao cả, rộng lớn hơn đó là vì cuộc sống hạnh phúc của mỗi người dân, vì tương lai của dân tộc, vì sự bình an của xã hội.

Là một người theo chân Phật, tìm hiểu và hành thiền theo đạo Phật, Trần Nhân Tông đã ứng dụng tinh thần nhập thế một cách triệt để trong cả cuộc đời mình. Bất cứ một hành động nào của Ngài cũng là vì dân, vì nước, vì những con người còn lầm mê trong cuộc đời này. Trên thực tế, con người thường tìm kiếm sự thanh tịnh của tâm hồn ở ngoài thế giới hiện tượng. Họ mong cầu giải thoát ở một thế giới xa xôi và có khi với họ điều này chỉ có thể có được khi con người chết đi đến với thế giới bên kia của sự sống. Bởi con người luôn tìm kiếm một mong ước mơ hồ như vậy nên Trần Nhân Tông đã chỉ ra rằng thế giới mà con người hằng mơ ước chính là đạt tới cái tâm tĩnh lặng, là bản thể tức cái gốc của con người và đó cũng chính là Phật tính. Vậy Phật tính mà con người tìm kiếm đó ở đâu? Theo Trần Nhân Tông thì Bụt ở trong bản thân mình, không phải tìm đâu khác bên ngoài. Nghĩa là gốc “bản” ở chính trong tâm ta. Bụt là ta. Ta ở đây là cái ta đã giác ngộ, chứ không phải cái ta ở mọi người. Điều này được Ông nói tới trong bài Cư trần lạc đạo phú:

“Vậy mới hay! Bụt ở trong nhà;

Chẳng phải tìm xa.

Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt;

Đến gốc hay chỉn Bụt là ta”.

Trong cuộc sống, do con người đánh mất gốc, mất Bụt, mất của báu nên mới tìm Phật mà không biết Phật là tâm thanh tịnh, là lòng trong sạch nên mải mê đi tìm ở ngoài mình nơi Tây phương cực lạc. Cũng do mê lầm mà con người không thấy được bản chất của thế giới hiện tượng là không, nên cứ đi tìm kiếm mãi. Vậy muốn nhận thức được bản thể chân thực, đạt đến cái tâm bản nhiên trong sáng, hay “Tâm tĩnh lặng” để giải thoát con người khỏi mê lầm, theo Trần Nhân Tông người học Phật, trước phải “kiến tính” bằng quá trình tu tập giới hạnh, thiền định, từ tu hạnh đầu đà đến “vong nhị kiến” vượt qua mọi phân biệt, kén chọn, phá chấp và đạt tới “Tâm tĩnh lặng”. Thấy tính, không phải là nói về cái có thể nhìn thấy. Gọi là thấy, là thấy cái ở những nơi không thể nhìn thấy… sau khi đã thấy tính rồi phải kiên trì tịnh giới. Thế nào gọi là tịnh giới? Ấy là trong khoảng mười hai thời khắc của một ngày, bên ngoài tắt lặng mọi nhân duyên, bên trong tâm không xao động. Tâm không xao động thì cảnh dù hiện đến cũng như không… Từ chỗ giữ được giới, vững vàng không lay chuyển, sau mới tu tập thiền định, thân và tâm đều cùng vứt bỏ.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc tu tuong nhap the thien phai truc lam yen tu 3

Thứ hai, Trần Nhân Tông quan niệm đạo và đời gắn liền với nhau, hòa nhập đạo vào trong đời sống thường ngày và lấy đạo phục vụ cho đời. Điều cơ bản của đời sống thiền là tu thân mà không hề xa lánh cuộc đời. Nếu thiền mà chỉ bám víu vào kinh kệ không thì người tu thiền khó mà đạt đạo dẫn đến giác ngộ được. Cho nên muốn khai mở được trí tuệ, đạt đến tâm tĩnh lặng thực sự và nhập Niết bàn thì bên cạnh việc tìm hiểu kinh Phật, người thiền sư còn cần phải hành thiền. Hành thiền là đem thiền vào giữa cuộc đời, thực hiện tu thiền ngay giữa cuộc đời bụi bặm này để giác ngộ chứ không phải chỉ là thực hiện ăn chay, niệm Phật, tọa thiền, tu thiền… Tiến hành tu thiền ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hành động; sống giữ gìn giới luật, thanh lọc thân tâm nhưng vẫn hòa vào cuộc sống thiên nhiên, vui cùng cỏ cây, muông thú, “giới hạnh tinh nghiêm, đạo tâm mở rộng, hàng ngày ăn rau rừng, uống nước suối”.[3] Đạo và đời không tách biệt nhau, lấy đời để hành đạo và tu đạo, đồng thời tu đạo là để cống hiến cho đời. Lúc đó, với người thiền sư tất cả mọi hoạt động thường ngày như ăn, ngủ, đi, đứng, ngồi… cũng đều có thiền và là thiền. Được như vậy thì việc tiến hành tu thiền mới nhanh chóng giác ngộ và thực sự có ý nghĩa.

Trần Nhân Tông khi chỉ ra việc làm ý nghĩa trên thì bản thân Ông cũng đã tiến hành việc tu thiền như vậy. Ngay từ sớm Ông đã đọc và thấm nhuần tư tưởng lo cho dân cho nước từ lời khai thị của Quốc sư Trúc Lâm nói với Trần Thái Tông: “Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ có trong tâm, tâm lặng mà biết thì gọi là Phật”[4]. Từ đó Ngài tiến hành tu đạo tìm lại bản tâm ngay giữa cuộc đời trần tục này. Hơn nữa, do tiếp thu tinh thần yêu thương giống nòi, sống hòa hiếu, khoan dung truyền thống của dân tộc cùng những yếu tố chính trị, đạo đức trong đạo trị nước của Nho gia như học thuyết “Tam cương ngũ thường”, quan điểm về đấng trượng phu kết hợp với triết lý thiền nguyên thủy của Phật giáo và tư tưởng thiền định của các thế hệ đi trước, Trần Nhân Tông xây dựng cho bản thân mình cũng như thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử một tư tưởng thiền riêng biệt hoàn toàn mang sắc thái thiền Việt đó là thiền nhập thế.

Thiền nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử không chỉ ở lĩnh vực tinh thần, giáo dục Phật tính, đạo đức cho dân, diệt trừ những cái xấu ác, làm những việc thiện lành mà còn nhập thế trong lĩnh vực chính trị để mang lại cuộc sống tự do, hạnh phúc cho dân. Trần Nhân Tông sống với tư cách vừa là một thiền sư, vừa là một vị vua nhân từ. Hai vị trí ấy hòa quyện lẫn nhau không hề tách biệt. Với Ngài trong đời luôn có đạo và trong đạo luôn có đời, đạo và đời không tách rời nhau. Là vua nhưng khi có thời gian, Trần Nhân Tông luôn tranh thủ tham cứu thiền học, sau lại lấy thiền để hỗ trợ cho những hoạt động chính trị hàng ngày. Bởi vậy, cuộc sống của Trần Nhân Tông luôn thích ứng với trạng thái của xã hội. Khi dân tộc bình yên Ngài vừa lo những việc chính trị hàng ngày, vừa nghiên cứu thiền học, nhưng khi dân tộc bị Đế quốc Nguyên- Mông xâm lăng, Ngài liền xếp lại mọi việc học tập, nghiên cứu mà khoác chiến bào xông pha ra trận.

Trong tư tưởng thiền của Trần Nhân Tông thì thiền nhập thế không chỉ là sống hòa đồng giữa cuộc sống trần tục mà thiền nhập thế còn là sống thiền với tất cả hoạt động hàng ngày, trong đó có cả hành động đánh giặc cứu nước. Bởi quan niệm đánh giặc cứu dân, cứu nước cũng là thiền nên Trần Nhân Tông nhập thế một cách tích cực. Nhờ đó, Ông đã tập hợp được sức mạnh toàn dân, nay lại trực tiếp chỉ huy trận đánh làm cho sức mạnh chống giặc của Đại Việt được nhân lên gấp bội. Trong chiến tranh, Trần Nhân Tông bôn ba khắp nơi không nề hà hiểm nguy gian khổ đến mức một chiếc thuyền con lánh giặc, lúc suốt ngày nhịn đói; Bởi Trần Nhân Tông chiến đấu với giặc cũng là chiến đấu trong trạng thái thiền nên ông rất bình tĩnh và sáng suốt trong chỉ đạo các tướng lĩnh cũng như trực tiếp chỉ huy các trận đánh. Cũng bởi vậy mà ông đã khai thác được hết sức mạnh của toàn dân, toàn quân để chiến đấu với kẻ thù, khiến cho chúng phải thất bại. Tuy nhiên, trước thủ cấp của tướng giặc, Trần Nhân Tông lại cảm thấy thương xót cho chúng, bởi theo Ông, tướng giặc vì vô minh mà lâm vào tội ác, đến nỗi bị đọa chết, không được toàn thây, Ngài liền cởi áo bào đang mặc, quẳng cho bọc thủ cấp Toa Đô. Sau khi thắng trận trở về, bằng tấm lòng từ bi của Phật giáo, Trần Nhân Tông đã ban lệnh đại xá thiên hạ, miễn tô dịch toàn phần cho những nơi bị giặc cướp phá. Lại còn tiến hành bình công toàn dân chứ không riêng gì các tướng sĩ. Trần Nhân Tông đã lấy tâm Phật mà đối nhân xử thế trong vai trò làm vua. Là một minh vương, Trần Nhân Tông không hề dùng quyền lực để buộc quần thần vâng mệnh mà Ngài luôn dùng tâm để thu phục nhân tâm. Với Trần Hưng Đạo, một người bị giao trọng trách cướp ngôi thì Trần Nhân Tông luôn tin dùng, vẫn giao binh quyền, luôn hỏi kế sách chống giặc. Với bọn công hầu lén lút đầu hàng giặc đáng tội chết mà Trần Nhân Tông vẫn thủ tiêu bằng chứng, không xem. Với quan lại mắc tội, Trần Nhân Tông phạt nhưng không cách chức, Ngài dùng công danh để ràng buộc cũng như khích lệ tinh thần họ khiến họ phục vụ hết mình cho triều đình. Nhờ những chính sách mềm dẻo, độ lượng, khoan dung mà Trần Nhân Tông đã xây dựng được một vương triều Đại Việt vững mạnh.

Sau thời gian làm vua trực tiếp lãnh đạo đất nước và làm Thái thượng hoàng giúp Anh Tông trong mọi việc triều chính, thấy tình hình giặc giã đã lặng, đất nước được yên mọi bề, năm 1299 Trần Nhân Tông chính thức xuất gia tại núi Yên Tử, tinh cần tu 12 hạnh đầu đà. Mặc dù chính thức xuất gia vào chùa tu hành, không còn trực tiếp giải quyết mọi việc của triều chính, nhưng Trần Nhân Tông không phải vì thế mà không có sự can thiệp nào vào thế sự. Ngược lại, với tinh thần nhập thế, vị thiền sư ấy vẫn luôn theo dõi và sát cánh cùng những thăng trầm của xã tắc. Đã xuất gia nhưng không hề xuất thế, Trần Nhân Tông vẫn tích cực nhập thế với vai trò của một thiền sư. Ngài luôn theo dõi tình hình đất nước về mọi mặt, lại đích thân thường xuyên đi vi hành khắp nơi để tìm hiểu cái tốt, cái xấu trong dân và đưa ra lời khuyên với vua trị vì, giúp vua con điều hành quốc sự.

Có thể thấy, thiền Trúc Lâm Yên Tử đã thực sự nhập thế và gánh vác trọng trách đối với giang sơn Đại Việt. Trước nhu cầu thiết thực của dân tộc là phải tập trung toàn bộ tinh thần và vật lực để xây dựng nước Đại Việt thành một nước hùng mạnh về mọi mặt có thể bảo vệ vững chắc chủ quyền dân tộc; Trần Nhân Tông nhận thấy một nhu cầu cấp bách là phải xây dựng cho được đời sống văn hóa, tư tưởng vững mạnh và thống nhất trong toàn dân. Xét thấy trong các luồng tư tưởng đang hiện tồn trên đất nước Đại Việt chỉ có Phật giáo là nền văn hóa có thể dẫn dắt nhân dân theo một con đường chung nhất, và đó cũng là tôn giáo thực sự chăm lo cho đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân, nên Trần Nhân Tông đã quyết chọn đưa Phật giáo vào trong đời sống tâm linh toàn thể dân tộc từ tầng lớp quan lại, quý tộc cho đến những người bình dân. Bởi vậy trong hoàng cung, ngoài công việc của xã tắc, Ngài luôn dành thời gian cũng như trong mọi hành động để bản thân cũng như các vị thiền sư và một số quan lại cùng nhau tham quán thiền đạo. Đây là hành động vừa mang ý nghĩa tỏ đạo cho mình, đồng thời lại mang ý nghĩa phát triển rộng rãi nội dung của đạo ra giới quý tộc, quan lại thân cận. Ngài khéo léo lôi kéo những người xung quanh mình cùng tham vấn thiền và hướng dẫn họ qua câu nói: “Này quý vị, thời gian qua đi mau chóng, mạng sống con người trôi chảy không ngừng, tại sao hàng ngày biết ăn cháo ăn cơm mà lại không biết tham khảo ngay về vấn đề cái chén cái thìa?”[5]. Đối với mọi người, vấn đề cái chén cái thìa là những vấn đề tầm thường không cần đặt ra. Trần Nhân Tông chỉ ra rằng do sự tham quán thường trực về những vấn đề tầm thường như vậy mà người ta chứng ngộ được. Thân mạng con người và cuộc đời vô thường, đời người như một mùa xuân trôi qua nên không thể để cho nó trôi qua một cách vô ích mà hãy tu luyện để có thể giác ngộ, đạt đạo ngay trong kiếp hiện tại.

3. Giá trị và bài học quý báu từ tinh thần nhập thế của Thiền phái Trúc lâm Yên Tử đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước

Tư tưởng thiền nhập thế do Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử xây dựng đã để lại những dấu ấn sâu sắc và giá trị to lớn không chỉ trong lĩnh vực tôn giáo mà cả trong đời sống chính trị xã hội; không chỉ đối với quá trình xây dựng đất nước, bảo vệ nền độc lập dân tộc mà còn có ý nghĩa to lớn đối với đời sống của mỗi người dân Việt Nam.

Tư tưởng thiền nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã góp phần làm phong phú tư tưởng thiền trong thiền học Phật giáo nói chung và thiền học Phật giáo Việt Nam nói riêng.

Tư tưởng thiền nhập thế đã thực sự khẳng định tính độc đáo riêng có của thiền Việt Nam mà đỉnh cao là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Tổ Trần Nhân Tông sáng lập là sự kết hợp các trường phái thiền trước đây như Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường và kế thừa tư tưởng của Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ, cũng như triết lý nhân sinh của Nho, Lão, Phật trên cơ sở nền văn hóa Việt Nam. Từ đây, thiền phái Trúc Lâm vừa mang tính chất chung lại vừa thể hiện tính chất và sắc thái riêng của thiền Việt Nam.

Trong tư tưởng thiền nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang những nội dung thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới con người; vị sư Tổ luôn trăn trở với ý nghĩ và lòng mong muốn lo cho đời sống của dân, giáo hóa đạo đức cho dân; đặc biệt là tinh thần và hành động cao cả, thiết thực là đánh giặc cứu nước, cứu dân, xây dựng một chế độ thân dân, yêu dân, cố kết lòng dân, đoàn kết nhân dân, lấy ý dân làm ý của mình, tất cả vì lợi ích  quốc gia dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, bài học đó cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Những tư tưởng đó góp phần làm cho truyền thống tốt đẹp trong tư tưởng văn hóa dân tộc được hâm nóng, bồi đắp để phát triển rộng rãi và có sức sống lan toả trong đời sống dân tộc Việt Nam.

Khi được hình thành, nó đã nhanh chóng đi vào đời sống nhân dân và có những đóng góp tích cực cho cuộc sống con người. Tư tưởng nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ra đời với mục đích và trọng trách lớn lao là thống nhất và khôi phục vị trí của nền Phật giáo trong lòng xã hội Đại Việt, đưa triết lý đạo đức nhà Phật đi vào đời sống nhân sinh và hướng tới xây dựng một xã hội Đại Việt độc lập, có nền kinh tế, chính trị, văn hóa- xã hội phát triển mạnh mẽ, vững bền.

4. Kết luận

Tư tưởng nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử không chỉ là sự phản ánh điều kiện lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội Đại Việt thời kỳ đầu nhà Trần mà còn là kết quả kế thừa những tư tưởng thiền, tôn giáo, văn hóa trước đó. Trước hết tư tưởng nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là sự tiếp thu kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc ở ý thức về quốc gia dân tộc, về tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường dân tộc và lòng yêu nước nồng nàn, một truyền thống quý báu của dân tộc ta được hun đúc trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước. Tư tưởng Nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử còn là sự tiếp thu, kế thừa, chắt lọc những yếu tố thiền nhập thế của Nho giáo, Đạo giáo và đặc biệt là Phật giáo; là sự kế thừa triết lý tinh túy về thiền của ba trường phái nổi tiếng dưới triều đại nhà Lý là Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Thảo Đường, Vô Ngôn Thông và đặc biệt trực tiếp là tư tưởng thiền nhập thế, hành động của Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng sĩ để tạo nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang tư tưởng thiền nhập thế tích cực của Phật giáo Việt Nam.

HT TS Thích Gia Quang
Phó Chủ tịch Hội Đồng Trị sự,
Trưởng Ban Thông tin truyền thông Trung ương,
Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học tại Hà Nội,
Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học

***

Tap chi Nghien cuu Phat hoc tu tuong nhap the thien phai truc lam yen tu 1Tap chi Nghien cuu Phat hoc tu tuong nhap the thien phai truc lam yen tu 2

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Đóng góp của thiền phái Liễu Quán trong việc khẳng định chủ quyền của người Việt trên vùng đất phương Nam
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Từ khi xuất hiện cho đến khi tổ Thiệt Diệu Liễu Quán viên tịch, dòng thiền Liễu Quán được thắp sáng và lan tỏa chánh pháp bởi các đệ tử và các pháp tôn. Trong các thế kỉ XVII – đầu thế kỉ XIX, Thiền phái Liễu Quán ra đời, phát triển và mở...

Tu tập tịnh giới và pháp môn Tịnh Độ
Luận, Phật học

Thầy Thích Thái Hòa giảng tại trường Hạ chùa Vạn-đức, Thủ-đức, Phật lịch 2564  I. Im lặng 1- Pháp môn Tịnh độ được thiết lập trên nền tảng của Tịnh giới Chúng ta muốn công cụ Tịnh độ thành công nên phải đặt nền tảng của Tịnh giới. Bởi vì, thế giới Tịnh độ của Phật...

Tục Bầu Hậu Phật qua một số văn bia ở Thanh Hóa
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

DẪN NHẬP Bầu Hậu Phật, lập Hậu Phật là hoạt động văn hóa trong sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo ở làng xã nước ta trước đây. Người gửi hậu Phật có thể là do hoàn cảnh, nhu cầu và mục đích khác nhau, nhưng tựu trung, hoạt động này phản ánh tâm linh, tư...

Phổ hệ truyền thừa thiền phái Liễu Quán tại Khánh Hoà
Lịch sử, Nghiên cứu

Thiền phái Liễu Quán, một trong năm thiền phái của dòng thiền Lâm Tế có sự ảnh hưởng lớn ở nước ta. Trong dòng chảy lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế tại Việt Nam, Liễu Quán tuy ra đời muộn nhưng là dòng thiền có phạm vi rộng khắp bởi tính bản địa....

Hành trình Phật giáo du nhập vào Trung Quốc thông qua Con đường tơ lụa
Lịch sử, Nghiên cứu

BƯỚC ĐƯỜNG TÂY CHINH VÀ LỘ TRÌNH KHAI THÔNG THƯƠNG MẠI – VĂN HÓA Trung Quốc là nước đầu tiên tìm ra cách trồng dâu nuôi tằm, lấy kén ươm tơ, dệt lụa sớm nhất trên thế giới cổ đại. Tơ lụa thời đó được dành riêng cho vua chúa và hàng quý tộc, sau...

Thiền sư Nguyên Thiều cầu nối cho sự giao lưu Phật giáo Trung-Việt thế kỷ XVII-XVIII
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Giữa thế kỷ XVIII, Thiền sư Nguyên Thiều thuộc thiền phái Lâm Tế đời thứ 33, từ Quảng Đông chấn tích đến Đàng Trong truyền đạo. Dưới uy đức và đạo hạnh của Ngài cùng sự hộ trì của chính quyền chúa Nguyễn, Phật giáo Đàng Trong đã từng bước khởi sắc và...

Tính dân gian trong Phật giáo ở Thừa Thiên Huế
Nghiên cứu, Văn hóa

DẪN NHẬP Đối với người Việt, Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, có quá trình gắn bó và phát triển lâu dài trong lịch sử dân tộc. Trong quá trình định cư của cư dân Việt trên vùng đất được mệnh danh là “Ô châu ác địa”, “lam sơn...

Nguyên Nhân Phân Phái Phật Giáo
Lịch sử, Nghiên cứu

Mọi tư tưởng, triết lý, quan điểm hay học thuyết của một đấng giáo chủ nào, sau khi trải qua những giai đoạn truyền thừa, đều có một vài sự thay đổi để thích ứng với các giai đoạn đó. Vì thế, cách chuyển tải nội dung tư tưởng hay cách lý giải về chúng đương nhiên sẽ có những sự thay đổi, phát triển, thậm chí có những...

Điển cố Phật giáo trong sáng tác của Nguyễn Du
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Trong các sáng tác của đại thi hào Nguyễn Du, Phật giáo để lại dấu ấn sâu đậm. Một trong những dấu ấn đó là sự xuất hiện thường xuyên với vai trò quan trọng của lớp từ ngữ điển cố Phật giáo trong các tác phẩm của ông. Bài viết hướng đến nhận...

Hạnh nguyện của Đức Bồ tát Quán Thế Âm
Luận, Phật học

Hiện tướng bản thể vũ trụ là một trò chơi vừa có tính thực và bất thực, hay vừa có tính hòa âm và bất hòa âm. Nếu người biết được trò chơi này, là người nắm được thực tại trên mười đầu ngón tay; thì trái lại, kẻ không nắm được thực tại trên...

Nguồn càng sâu – Dòng càng dài
Danh Tăng, Lịch sử, Nghiên cứu

Tác giả bài viết: TT. Thích Tâm Hạnh* Tóm tắt: Tổ sư Liễu Quán ở tổ trên nhánh cây, ăn rong “sột soạt” mà thiền cơ dĩnh ngộ, xuất kệ lập nên thiền phái, đời đời nối thạnh. Từ xưa đến nay, bậc Tổ đức nào miên mật công phu, chứng ngộ, bảo nhậm rồi sáng...

Tánh Khởi Luận: Lý thuyết phân phối trật tự trong Hoa Nghiêm Tông
Luận, Phật học

(I) Sự thành tựu tối thượng mà những vị đang đi trên con đường độc nhất tiến tới giác ngộ, là khả năng thành tựu tất cả từ hư vô. Họ khởi đầu bằng nỗ lực nghe và thấu hiểu mọi lời được nói ra. Họ nỗ lực để thấy hiểu mọi chiều hướng tác...

Chánh niệm phát huy khả năng nhận thức, điều tiết cảm xúc và làm chủ hành vi
Luận, Phật học

Chánh niệm viết đầy đủ trong tiếng Pali là “sammā-sati”, nghĩa là sự tâm niệm đúng đắn. Nó có nguồn gốc xuất phát từ tuyền thống thiền quán phương Đông, cụ thể là từ Phật giáo Nguyên thủy (Hart, 1987). Có mặt hơn 25 thế kỷ, thế nhưng chánh niệm mới được tiếp cận và...

Anāthapiṇḍika (Tu Đà Cấp Cô Độc): Cuộc đời và sự đóng góp cho Phật giáo
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Đạo Phật ra đời không ngoài mục đích ban cho chúng sanh niềm an lạc và hạnh phúc. Nhưng để tồn tại, chúng đệ tử cần biết giữ gìn và thực hiện theo lời dạy của Ngài. Trong số đệ tử của Đức Phật thời bấy giờ có một vị Ưu-bà-tắc được mệnh danh...

Tứ diệu đế với vấn đề giáo dục đạo đức toàn cầu
Luận, Phật học, Văn hóa

TÓM TẮT Tứ diệu đế hay là bốn chân lý vĩ đại của Phật giáo chính là cốt tủy cơ bản để hợp thành học thuyết nhân sinh cứu đời. Đó là kết quả suy ngẫm và trải nghiệm thông qua thực tiễn cuộc sống của chính Phật tổ và sự tổng kết những suy...

Giải mã Phật viện Đồng Dương nhìn từ cấu trúc của Thai tạng giới mạn-đà-la Mật tông.
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Phế  tích Đồng Dương (1) là tổ hợp kiến trúc đền-tháp Phật giáo quan trọng nhất của vương quốc Champa, hiện tọa lạc tại xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Phế tích đồ sộ này đã được Henri Parmentier và Charles Carpeaux khai quật trong thời gian từ ngày 07-9-1902 đến...