Tóm tắt: Từ xưa đến nay, chùa Việt ở Khánh Hòa không chỉ thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo, mà nó còn góp phần gìn giữ, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống cũng như phản ánh sắc thái địa phương. Chùa Việt ở Khánh Hòa ngoài thờ Phật còn dung hòa với các tín ngưỡng và tôn giáo khác như: tín ngưỡng thờ Thành hoàng, tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu, tín ngưỡng thờ Quan Thánh, tín ngưỡng thờ Ngũ Hành thần nữ, Địa Mẫu, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam – Tứ phủ… Trong đó, sự dung hòa giữa tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu và tín ngưỡng thờ Quan Thánh trong chùa Việt ở Khánh Hòa là kết quả của sự tiếp biến văn hóa Việt-Chăm và Việt-Hoa. Theo đó, bài viết sẽ bàn luận về sự tiếp biến văn hóa này trong chùa Việt ở Khánh Hòa.

Từ khóa: Tiếp biến văn hóa, Việt-Chăm, Việt-Hoa, chùa Việt, Khánh Hòa

1. TIẾP BIẾN VĂN HÓA ĐẠI VIỆT – CHAMPA

Theo các nguồn tư liệu thì trong lịch sử quốc gia Đại Việt với vương quốc Chămpa đã giao lưu, tiếp biến văn hóa qua quá trình lâu dài trong lịch sử. Ngoài các cuộc xung đột, giữa vương quốc Chămpa với Đại Việt cũng đã nhiều lần bang giao với nhau qua quy phụ, cống nạp và hôn nhân.

Chùa Việt ở Khánh Hòa phản ánh sự tiếp biến văn hóa Việt – Chăm qua tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu. (Ảnh: Nữ thần Po Nagar hay theo cách gọi của người Việt là Thánh Mẫu Thiên Y A Na – sưu tầm)

Lịch sử Việt Nam ghi chép về mối quan hệ bang giao giữa Đại Việt – Chămpa diễn ra qua nhiều triều đại phong kiến khác nhau như: Tiền Lê, Lý – Trần, nhà Hồ, Lê sơ, thời Lê Trung hưng (trong đó có thời chúa Nguyễn), nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn. Từ thời Tiền Lê, nước ta đã bang giao với Chiêm Thành, Trương Hữu Quýnh viết: “Lê Hoàn sau khi lên ngôi (980) đã cử Từ Mục và Ngô Tử Canh sang sứ Chămpa nhằm thiết lập mối quan hệ ngoại giao hòa hảo” [1]. Dưới triều Lý: “Năm 1011, mùa hạ tháng 4, nước Chiêm Thành sang dâng sư tử” [2]. Và mối quan hệ giữa nhà Trần với Chiêm Thành còn được phản ánh: “Từ 1225 đến trước khi xảy ra các cuộc đụng độ vào những năm 50 thế kỷ XIV, sử chép có 21 sự kiện liên quan đến hoạt động ngoại giao, 16 sự kiện người Chiêm Thành sang triều cống, 3 sự kiện liên quan đến người Chiêm Thành quy phụ, còn lại ghi chép về cuộc hôn nhân giữa Huyền Trân và Chế Mân” [3]. Đặc biệt là sự kiện vua Trần Nhân Tông đã gả Huyền Trân Công chúa cho vua Chămpa. Tác giả Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng cho biết: “Vua Trần Anh Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân. Chế Mân đem đất châu Ô, châu Lý làm vật dẫn cưới và phong Huyền Trân làm hoàng hậu. Việc công chúa nước Việt kết hôn với vua Chiêm, trở thành hoàng hậu nước Chiêm Thành là hợp lẽ, môn đăng hộ đối, là cầu nối giao hảo chính trị, xóa bỏ hiềm khích, hận thù để hai dân tộc được sống yên bình” [4],…

Không những thế, người Việt và người Chăm còn hỗn huyết với nhau. Tác giả Đặng Thị Phong Lan viết: “Một số khá đông người Việt từ đèo Ngang trở vào đã pha máu của người Chăm với đặc điểm: đầu dài, vai ngang, tóc quăn và tròn, trán thấp, môi dày, nước da bánh gan hoặc bánh ít lá gai” [5]. Sự tiếp biến văn hóa giữa Đại Việt và Chămpa diễn ra trong nhiều thế kỷ, để lại nhiều dấu ấn trên hai phương diện văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần tại vùng Bắc Trung bộ và châu thổ Bắc bộ. Tác giả Đinh Đức Tiến và Vũ Diệu Trung viết: “Hà Nội, có các làng nay đã trở thành phường/xã như Xuân La, Xuân Đỉnh, Phú Gia, Nhật Tảo, Giáp Tứ, Giáp Nhị, Yên Sở, Vĩnh Hưng, Nhân Hòa, Triều Khúc… và các làng như So, Sở, Sấu Giá. Kinh Bắc có làng Diềm, làng Cảnh Thụy… Nhiều địa phương khác quanh Hà Nội như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, xứ Nam… còn nhiều dấu vết làng Chăm trên đất Bắc” [6].

Ngoài ra, trong quá trình Nam tiến, người Việt còn tiếp nhận những truyền thống văn hóa biển của người Chăm. Tác giả Ngô Đức Thịnh viết: “Người Việt Nam đã tiếp nhận truyền thống biển từ người Chăm và không loại trừ một bộ phận không nhỏ người Chăm từ sau thế kỷ XI trở đi, đã bị Việt hóa, tức người Việt gốc Chăm, mà ngày nay chúng ta còn có thể nhận thấy dấu vết ở không ít các làng Việt ở Trung bộ, nhất từ Trung Trung bộ vào tới cực Nam Trung bộ” [7]. Mặt khác, người Việt còn tiếp nhận các giá trị văn hóa tinh thần khác của người Chăm như văn học, âm nhạc, ẩm thực, mỹ thuật và điêu khắc. Theo Đặng Thị Phong Lan: “Những nghệ nhân Champa lại chính là những người thầy nghệ thuật đầu tiên, giúp Đại Việt thực hiện các công trình nghệ thuật Phật giáo đồ sộ, như chùa Dạm, chùa Phật Tích” [8].

Đặc biệt là từ giữa thế kỉ XVI, việc mở rộng lãnh thổ quốc gia Đại Việt về phương Nam, đồng thời diễn ra quá trình giao thoa, tiếp biến Việt – Chăm trên cả phương diện chủng tộc và văn hóa đã dẫn tới hiện tượng nhiều người Chăm bản địa hỗn huyết với người Việt. Vì thế mà văn hóa được chuyển giao theo hai chiều: người Việt tiếp nhận văn hóa Chăm và ngược lại, người Chăm tiếp nhận văn hóa Việt, từ đó dẫn đến sự hỗn dung văn hóa Việt – Chăm. Theo GS. Trần Quốc Vượng: “Văn hóa Việt Nam và văn hóa Chàm quan hệ trực tiếp, thể chất, liên tục, vừa hữu thức vừa vô thức” [9].

Như vậy, có thể nói trong lịch sử, người Việt đã tiếp nhận các giá trị văn hóa tinh thần khác của người Chăm như văn học, âm nhạc, ẩm thực, mỹ thuật, tín ngưỡng, tôn giáo, điêu khắc… Bên cạnh đó, trong quá trình Nam tiến, người Việt còn tiếp nhận những truyền thống văn hóa biển của người Chăm. Đặc biệt là sự dung hợp và quá trình Việt hóa từ Nữ thần Pô Inư Nưgar của người Chăm thành Thiên Y A Na Thánh Mẫu của người Việt. Sự tiếp biến văn hóa này được biểu hiện qua hệ thống thần điện, truyền thuyết, tên gọi, địa danh, lễ hội, diễn xướng tâm linh trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Trung bộ nói chung và Khánh Hòa nói riêng.

2. TIẾP BIẾN VĂN HÓA VIỆT – CHĂM QUA TÍN NGƯỠNG THỜ THIÊN Y A NA

Như chúng ta biết, trong quá trình Nam tiến, người Việt đã hỗn dung và Việt hóa Nữ thần Pô Inư Nưgar của người Chăm thành Thiên Y A Na Thánh Mẫu của mình. Theo Huỳnh Ngọc Trảng và Nguyễn Đại Phúc: “Vị Nữ thần Chăm Pô Inư Naga hội nhập vào hệ thống thần linh Việt chính thức từ năm 1069 đời nhà Lý. Sau khi Lý Thánh Tông nam chinh trở về đã rước vị nữ thần vốn là “Tinh của đại địa Nam quốc” từ vùng biển Hoàn Hải về thờ ở làng An Lãng và sắc phong mỹ hiệu là “Hậu thổ Địa kỳ nguyên quân”… Bà Mẹ xứ sở Pô Inư Nagar đã trở thành vị thần có uy linh bao trùm kinh đô Thăng Long” [10]. Có lẽ, đây là bước khởi đầu cho quá trình dung hợp tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Chăm. Mặt khác, việc thờ phụng Thiên Y A Na là một trường hợp đặc biệt trong sự tiếp nhận văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của các triều đại phong kiến Việt Nam với một vị thần ngoại lai nhằm hợp thức hóa quyền lực.

Phật giáo Việt Nam đã tiếp nhận với tín ngưỡng thờ Mẫu thần của người Chăm trong quá trình Nam tiến. Nó thỏa mãn nhu cầu truyền thống của người Việt vừa thờ Phật vừa thờ Mẫu trên vùng đất mới.

Đến triều Nguyễn không chỉ là sự sùng kính đặc biệt, mà còn là quá trình hoàn thiện về sự Việt hóa Nữ thần Pô Inư Nưgar của người Chăm thành Thiên Y A Na Thánh Mẫu của người Việt. Không những thế, triều đình đã ban nhiều sắc phong và mỹ hiệu cho Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Chẳng hạn, sau khi Gia Long lên ngôi đã phong cho Nữ thần với tên gọi: “Thiên Y A Na Diễn Phi Chúa Ngọc, chức danh Hồng nhân phổ tế linh ứng thượng đẳng thần” [11]. Đặc biệt, vua Đồng Khánh đã tỏ lòng sự sùng kính Thiên Y A Na bằng việc làm như sau: “Đồng Khánh đã ra lệnh đổi tên đền Ngọc Trản thành điện Huệ Nam, và sắc phong cho thần các danh hiệu: Hoằng huệ, Phổ tế, Linh ứng, Diệu thông, Mạc trường, Trang huy, Ngọc trản, Thiên Y A Na, Diễn ngọc phi, thượng đẳng thần” [12].

Theo Tạ Chí Đại Trường: “Thiên Y A Na, thần được bảo trợ vương quốc Chàm, đã được Lý Thánh Tông đưa về làm một vị thần bảo trợ nước Việt. Thần Po Yan Dari làm Bà Banh hưởng cúng tế đến khoảng ¼ đầu thế kỷ XIX mới bị nhà Nguyễn đuổi đi. Thiên Y A Na bị quên lãng ở đền Hậu Thổ lại khoác áo Chúa Tiên, Liễu Hạnh đi vào các điện thần phủ” [13]. Về nhận định trên, theo chúng tôi thì giữa người Việt và người Chăm có môi trường sinh thái tương đồng, cùng sản xuất nông nghiệp lúa nước cùng có tục thờ nữ thần và Mẫu thần. Vì thế mà khi đến đây, người Việt đã dung hợp và Việt hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Chăm thành tín ngưỡng của họ. Và Thiên Y A Na Thánh Mẫu được người Việt thờ phụng từ Thừa Thiên – Huế đến duyên hải Nam Trung bộ với hai trung tâm thờ Mẫu Thiên Y quan trọng nhất là Điện Hòn Chén (huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế) và tháp Bà (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Sau đó tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na được người Việt mang theo vào vùng đất Nam bộ. Đồng thời, tín ngưỡng này bị biến đổi và dung hợp với các tín ngưỡng dân gian khác của người Việt ở Nam bộ.

Có thể khẳng định, trong số những điện thờ Thiên Y A Na của người Việt ở Trung bộ, tháp Bà được xem là nguồn gốc thờ phụng Nữ thần Pô Inư Nưgar của người Chăm xưa. Sau đó, tháp Bà được người Việt tiếp nhận và Việt hóa thành nơi thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu của họ. Kết quả nghiên cứu thực địa cho chúng tôi biết, tháp Bà là điện thần duy nhất được cả người Việt và người Chăm cùng thờ phụng và cùng thực hành tín ngưỡng thờ Nữ thần Pô Inư Nưgar – Thiên Y A Na ở Trung bộ. Mặt khác, kết quả nghiên cứu thực địa ở Khánh Hòa cho chúng tôi được biết, Thiên Y A Na Thánh Mẫu được người Việt thờ phụng phổ biến từ nông thôn đến thành thị. Đó là tháp Bà, đình làng, chùa Việt, miếu Thiên Y, am Chúa và điện thờ Mẫu tư gia. Do đó, tín ngưỡng này đã dung hợp với các tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống của người Việt ở Khánh Hòa như tín ngưỡng thờ Thành hoàng, Phật giáo, tín ngưỡng Tổ tiên, tín ngưỡng ông Nam Hải, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ Bắc…

Kết quả nghiên cứu thực địa tại các ngôi chùa Việt ở Khánh Hòa cho chúng tôi biết rằng, từ lâu Thiên Y A Na Thánh Mẫu đã được người Việt thờ phụng. Nhiều nhà sư trụ trì cho biết: “Thiên Y Thánh Mẫu là Mẫu bản thổ của người Việt ở Khánh Hòa. Nhiều người dân mong muốn được thờ phụng Thiên Y Thánh Mẫu ở trong chùa”. Đồng thời, sự dung hòa tín ngưỡng thờ Thiên Y Thánh Mẫu trong chùa Việt ở Khánh Hòa còn phản ảnh một mô típ truyền thống Phật giáo Việt Nam, đó là “Tiền Phật, hậu Mẫu” hoặc “Tiền Thánh, hậu Phật”. Theo Trần Lâm Biền thì: “Việc thờ Mẫu là một đảm bảo cho sự tồn tại của ngôi chùa, hay sự dung hội với tín ngưỡng dân dã này là đường đi tất yếu của Phật giáo, nhờ đó mà đạo Phật có bệ đỡ quần chúng” [14]. Nói cách khác, đây là sự dung hợp tín ngưỡng dân gian bản địa của người Việt với Phật giáo được du nhập từ bên ngoài. Mặt khác, sự dung hợp giữa tín ngưỡng thờ Mẫu trong chùa Việt ở các vùng văn hóa ngoài những nét tương đồng còn có những điểm khác biệt. Sự khác biệt này do điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh xã hội, bối cảnh lịch sử – văn hóa, niềm tin và thực hành tín ngưỡng của cộng đồng.

Theo khảo cứu của chúng tôi, chùa Việt ở Bắc bộ phổ biến là sự dung hợp tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ như: cung thờ Mẫu trong chùa Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh), chùa Trấn Quốc (Tây Hồ, Hà Nội), chùa Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương)… Ngược lại, trong quá trình Nam tiến thì sự tiếp biến văn hóa Phật giáo với tín ngưỡng dân gian nói chung, tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng đã có những nét khác biệt. Đặc biệt là quá trình dung hợp rồi Việt hóa Nữ thần Pô Inư Nưgar của người Chăm thành Thiên Y A Na Thánh Mẫu của người Việt ở Trung bộ. Điều này không chỉ tạo nên sự khác biệt mà còn góp phần làm đa dạng và phong phú cho bức tranh tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam. Theo đó, tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na đã được người Việt dung hợp trong chùa Việt ở đây. Do vậy, chùa Việt ở Khánh Hòa phổ biến là sự dung hợp tín ngưỡng thờ Thiên Y Thánh Mẫu. Nhưng tùy theo không gian mà sự phối thờ Thiên Y A Na trong chùa Việt ở Khánh Hòa cũng rất đa dạng và linh hoạt.

Sự phối thờ Thiên Y A Na trong chùa Việt ở Khánh Hòa tạm chia thành hai dạng thức, đó là thờ chung và thờ riêng. Một là, nhiều chùa do không gian hẹp hoặc chưa có điều kiện xây dựng cung riêng, cho nên thường bài trí ban thờ Thiên Y A Na trong cung thờ Phật như chùa Hoa Tiên thị trấn Diên Khánh, chùa Oai Linh, (Vĩnh Thọ), chùa Nghĩa Quang (Phương Sài), chùa Chí Lý (Vĩnh Hải) thành phố Nha Trang. Hai là, nhiều chùa Việt ở Khánh Hòa phổ biến xây dựng cung hoặc thờ Thiên Y A Na riêng như chùa Quán Âm dân gian thường gọi chùa Suối Đổ và chùa Hàng Thuận (Suối Hiệp), chùa Bửu Long (Diên Thọ) ở huyện Diên Khánh, chùa Đá Lố và chùa Suối Ngổ và chùa Thanh Vân (Vĩnh Phương), chùa Phước Huệ (Vĩnh Hải), chùa Linh Phong (Phương Sơn), chùa Pháp Tánh (Vĩnh Phước) ở TP. Nha Trang.. Bên cạnh đó, cung hoặc am thờ Thiên Y Thánh Mẫu trong chùa Việt ở Khánh Hòa còn thờ Phật Mẫu Diêu Trì, Quan Thánh Đế, Cửu Thiên Huyền Nữ, Chúa Tiên Huyền Nữ, Quan Thế Âm, Ngũ Hành thần nữ, Sơn Lâm chúa tướng…

Ví dụ, cung thờ Thiên Y Thánh Mẫu trong chùa Sắc Tứ Chí Linh Sơn còn gọi là chùa Suối Ngổ, xã Vĩnh Phương, thành phố Nha Trang. Ngôi chùa này được tạo dựng từ thời Nguyễn trên đỉnh núi Hòn Én. Chùa bao gồm tam quan, chính điện và khuôn viên. Trong khuôn viên chùa gồm am thờ chiến sĩ, tượng Quán Thế Âm Bồ tát, tượng Phật Di Lặc, am thờ ông Hổ, miếu thờ Bồ tát Địa Tạng, am thờ Ngũ Hành thần nữ và am thờ Cô hồn. Chính điện của ngôi chùa là một tòa nhà theo bình đồ chữ Nhất, được chia thành hai khu vực điện thờ Phật và điện thờ Mẫu. Theo đó, cung thờ Phật được bài trí như sau: cao nhất là tượng Đức Phật Thích Ca ở chính giữa, bên trái tượng Đức Thích Ca là tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, bên phải tượng Đức Thích Ca là tượng Bồ Đề Đạt Ma. Điện thờ Mẫu ở bên trái từ tam quan vào được bài trí như sau: hàng trên cùng là Phật Mẫu Diêu Trì, hàng thứ hai là Thiên Y Thánh Mẫu. Bên trái tượng Thiên Y A Na Thánh Mẫu là ban thờ Quan Công và hai người con của ông. Bên phải tượng Thiên Y A Na Thánh Mẫu là ban thờ Nhị thập bát tiên, bài vị của vị sư tổ, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Một ví dụ khác về sự dung hợp tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na trong chùa Bửu Long, Diên Thọ, Diên Khánh. Chùa này cũng được tạo dựng vào đầu thế kỷ XIX đã trải qua nhiều lần trùng tu và tái tạo. Bố cục kiến trúc của chùa gồm tam quan, tượng đài Phật Quan Âm, chính điện. Không gian thờ Phật được thờ chính điện trước cửa chùa. Còn cung thờ Mẫu được tạo dựng là một tòa nhà hình ống ở phía sau của chính điện. Cung thờ Mẫu có tên là Điện Ngọc Diêu Cung. Hệ thống tượng được bài trí trong cung thờ Mẫu như sau: hàng trên cùng chính giữa là tượng Phật Mẫu Diêu Trì, bên tay trái từ cửa vào là ban thờ Lão Tử, Nguyên Thủy Thiên Thanh, Linh Bảo Thiên Tôn, Quan Thánh, bên phải tượng Phật Mẫu Diêu Trì là tượng Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Tượng Thiên Y A Na Thánh Mẫu được tạc theo mẫu tượng Thiên Y A Na ở tháp Bà, thành phố Nha Trang. Hàng thứ hai là bộ Tam tòa Thánh Mẫu gồm Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải. Hàng thứ ba là Cô Cả, Cô Ba Ngoại Cảnh, Cô Năm Ngoại Cảnh, Cô Sáu Thượng Ngàn, Cô Chín Sòng Sơn. Ngoài ra trong cung còn thờ Ông Chín Thượng Ngàn, Thần Tài… Một trường hợp khác là ban thờ Thiên Y Thánh Mẫu trong chùa Nghĩa Quang (Phương Sài, Nha Trang). Ban thờ Thiên Y A Na nằm bên tay trái trong chính điện của chùa Nghĩa Quang. Theo đó, hàng cao nhất là tượng Thiên Y Thánh Mẫu, dưới là bộ tượng Tam tòa Thánh Mẫu, Ngũ Hành thần nữ và hạ ban gồm ngũ Hổ, Thanh – Bạch Xà. Như vậy, sự dung hòa tín ngưỡng thờ Mẫu trong chùa người Việt ở Khánh Hòa đa dạng, phong phú và linh hoạt. Trong đó, Thiên Y A Na là vị thần chủ đóng vai trò quan trọng trong thần điện Mẫu của người Việt ở Khánh Hòa. Thêm vào đó, cung thờ Mẫu còn tích hợp các vị Thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ Bắc và Tứ phủ Huế trong các cung thờ Mẫu trong chùa Việt ở Khánh Hòa.

Ngoài ra là sự dung hợp giữa các nghi lễ trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong chùa Việt ở Khánh Hòa. Các thực hành văn hóa này diễn ra vào ngày sinh, ngày hóa của các vị thần được người Việt thờ phụng trong chùa. Đó là ngày sinh, ngày hóa của Thiên Y A Na, ngày vía mẹ Ngũ hành, ngày vía Phật Mẫu Diêu Trì… Theo đó, các nghi lễ của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt được tích hợp vào sinh hoạt tôn giáo của chùa Việt ở Khánh Hòa như nghi lễ hầu đồng, hát chầu văn Huế, nghi lễ hầu đồng, hát chầu văn Bắc, múa bóng và múa dâng bông. Bên cạnh đó là một số nghi lễ của Phật giáo được tích hợp vào lễ hội tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở như lễ rước tượng Phật Thích Ca, thỉnh kinh, cầu quốc thái dân an, lễ mộc dục… trong lễ hội tháp Bà hàng năm. Đây chính là biểu hiện cho sự dung hòa các thực hành văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo trong chùa Việt ở Khánh Hòa. Nói cách khác, sự tiếp biến văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu trong chùa Việt ở Khánh Hòa là một sự đa dạng, sinh động, tổng hợp, vừa truyền thống, vừa biến đổi và mang sắc thái địa phương.

3. TIẾP BIẾN VĂN HÓA VIỆT – CHĂM QUA TÍN NGƯỠNG THỜ QUAN THÁNH

Trong quá trình nghiên cứu thực địa các chùa Việt ở Khánh Hòa, chúng tôi được biết rằng, ngoài sự tiếp biến văn hóa Việt – Chăm, còn là sự tiếp biến văn hóa Việt – Hoa. Điều này được biểu hiện qua sự dung hợp tín ngưỡng thờ Quan Thánh trong chùa Việt ở Khánh Hòa. Ngài Quan Thánh cùng với hai người con của ông, từ lâu cũng được người Việt thờ phổ biến trong chùa Việt ở Khánh Hòa. Sự tiếp biến văn hóa này phản ánh truyền thống của người Việt trong sự dung hợp với các tín ngưỡng, tôn giáo của người Hoa. Mặt khác, nó còn thể hiện sắc thái văn hóa Phật giáo của người Việt ở Khánh Hòa. Sự tiếp biến văn hóa Việt – Hoa qua tín ngưỡng thờ Quan Thánh trong chùa Việt ở đây do các nguyên nhân sau:

Một là, người Hoa có nhiều tên như Khách, Hán, Tàu, Trung Quốc và thường gọi là người Hoa. Người Hoa di cư đến Việt Nam vào nhiều thời kỳ khác nhau, kéo dài nhiều thế kỷ từ trước Công nguyên đến thời cận đại. Đồng thời, họ đến nước ta bằng nhiều con đường, như chiến tranh, thương mại, truyền giáo, lánh nạn… Người Hoa có mặt hầu khắp mọi vùng miền ở nước ta. Trong đó người Hoa vào miền Trung nước ta gồm nhiều nhóm đến từ Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Triều Châu, Phúc Kiến, Minh Hương, Hẹ… Theo Phan Thị Hoa Lý: “Miền Trung, từ thế kỷ XI – XIX, người Hoa đến sinh sống, buôn bán các khu vực như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế, Hội An…”[15]. Và vào năm 1644, nhà Minh sụp đổ, người Hoa ồ ạt di cư vào miền Trung nước ta. Đến năm Kỷ Mùi (1679), một bộ phận người Hoa thuộc nhà Minh không chịu thần phục nhà Thanh đã di cư vào Trung bộ và Nam bộ như: Quảng Nam, Thuận Hóa, Biên Hòa, Gia Định, Hà Tiên, Mỹ Tho…

Hai là, người Hoa ở Khánh Hòa là một bộ phận người Hoa di cư từ Bắc Trung Bộ và Hội An vào thế kỷ XIX. Hiện nay, ở Khánh Hòa có trên 3.000 người Hoa sinh sống. Kết quả khảo sát cho biết, người Hoa ở Khánh Hòa gồm 4 nhóm: Quảng Đông, Hải Nam, Phúc Kiến và Triều Châu. Những nhóm người Hoa trên phân bố tập trung tại TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và thị trấn Diên Khánh. Họ sống bằng nhiều nghề như sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, kinh doanh và tiểu thủ công nghiệp. Song, họ chủ yếu làm kinh doanh dịch vụ, buôn bán và tiểu thủ công nghiệp. Quá trình di cư vào Việt Nam nói chung, Khánh Hòa nói riêng, họ đã mang theo nhiều phong tục, tín ngưỡng truyền thống như thờ cúng gia tộc, Thần Bếp, Thổ Địa, Thần Tài, Thiên Lý Nhãn, Khổng Tử, Thiên Hậu, Quan Thánh, Lão Tử và những người đã tử nạn trên đường từ miền Trung vào Nam bộ… Tiêu biểu nhất trong cộng đồng người Hoa ở Khánh Hòa là tín ngưỡng thờ Thiên Hậu, tín ngưỡng thờ Quan Thánh Đế và tín ngưỡng thờ Quan Âm Nam Hải. Theo đó, người Hoa đã dựng nhiều miếu hoặc chùa thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và Quan Thánh ở Khánh Hòa. Chẳng hạn, miếu bà Thiên Hậu và Võ Đế Miếu (Ninh Hòa), miếu bà Thiên Hậu Hải Nam, chùa bà Phước Triều Thiên Hậu Thánh Mẫu, chùa Quan Thánh Đế (Ngọc Hiệp, Nha Trang) và miếu Quan Thánh Đế Quảng Đông (Diên Khánh). Ngoài ra, bà Thiên Hậu, Quan Thánh còn được người Hoa thờ trong nhà thờ tổ và hội quán như Quỳnh Phủ Hội Quán (Ninh Hòa), Hội Quán Hải Nam (Diên Khánh), Tổ hội đồng hương Phước Kiến (Vĩnh Hòa, Nha Trang)…

Ba là, người Việt và người Hoa sống cộng cư với nhau trên vùng đất Khánh Hòa. Do đó, người Việt và người Hoa đã thường xuyên tiếp xúc, trao đổi thông qua hoạt động kinh doanh dịch vụ, hôn nhân, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo… Mặt khác, giữa người Việt và người Hoa có những nét tương đồng về văn hóa như tín ngưỡng đa thần. Đây là những nguyên nhân dẫn đến sự tiếp biến văn hóa Việt – Hoa ở Khánh Hòa. Sự tiếp biến văn hóa Việt – Hoa cũng được phản ánh thông qua tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Khánh Hòa. Bên cạnh đó, nghiên cứu thực địa các thần điện thờ Thiên Y Thánh Mẫu ở Khánh Hòa cho chúng tôi biết, người Việt thường phối thờ các vị thần của người Hoa như Cửu Thiên Huyền Nữ, Quan Thánh, Phật Mẫu Diêu Trì. Trong đó, Diêu Trì Phật Mẫu vốn là một vị thần của Đạo giáo, từ lâu đã được tiếp nhận vào không gian văn hóa Phật giáo, đạo Cao Đài và thần điện Mẫu của người Việt ở Khánh Hòa. Đặc biệt, Quan Thánh cùng với hai tùy tướng của ông là Quan Bình và Châu Xương được phối thờ phổ biến trong thần điện Thiên Y Thánh Mẫu của người Việt ở Khánh Hòa. Tác giả Nguyễn Tôn Nhan cho biết: “Quan Thánh Đế tức Quan Vũ, danh tướng nước Thục thời Tam quốc. Nhân chết trong lúc tác chiến với nước Ngô nên được truy tặng tên thụy là Tráng Mẫu được nhân dân lập đền thờ trên núi Ngọc Tuyền… Quan Vũ từ một võ tướng thăng lên Vương, Đế, Đại đế và trở thành bậc võ Thánh ngang hàng văn Thánh Khổng Tử” [16].

Bốn là, việc phối thờ Quan Thánh trong điện thần Mẫu Thiên Y của người Việt ở Khánh Hòa được lý giải bằng giả thuyết sau: Đó là người Việt tiếp nhận tín ngưỡng thờ Quan Thánh của người Hoa thông qua trao đổi thương mại, sự cộng cư giữa người Việt với người Hoa hoặc các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian. Hai là chúa Nguyễn muốn xây dựng văn hóa Đàng Trong khác Đàng Ngoài (Lê – Trịnh). Bùi Xuân Đính cho biết: “Năm 1558, nhằm gây dựng giang sơn, cơ đồ riêng, thoát khỏi sự ràng buộc của nhà Lê Trung hưng khi đó quyền lực trong tay anh rể Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng xin vào trấn thủ ở Thuận Hóa. Nguyễn Hoàng xây dựng Thuận Hóa thành trung tâm Đàng Trong, có hệ thống hành chính, bộ máy quản lý nhà nước, văn hóa khác với Đàng Ngoài”[17].

Tư liệu điền dã cho chúng tôi biết: “Đức Thánh Trần là vua cha của người Việt ở Bắc bộ. Dân gian người Việt thường nói: Tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ Mẹ. Đồng thời, miền Bắc nhiều nơi có đền thờ Đức Thánh Trần. Song, người Việt ở Huế và Nam Trung bộ lại thờ rất ít. Trịnh – Nguyễn phân tranh thì chúa Nguyễn kỳ thị Đàng Ngoài. Chúa – triều Nguyễn muốn xóa bỏ và hạn chế tín ngưỡng Đức Thánh Trần nên đã chọn Quan Thánh Đế. Năm 1769, Trung Quốc có phong trào kháng Thanh phục Minh bị đàn áp dữ dội, một số thần dân nhà Minh như Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam… đã theo đường biển đi về phương Nam tị nạn đến Khánh Hòa sinh sống và cộng cư với người Việt. Người Hoa được chúa Nguyễn thừa nhận và cho lập ấp. Đồng thời, người Hoa mang theo tín ngưỡng Quan Thánh vào Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Dần dần người Việt ảnh hưởng và thờ Quan Thánh của người Hoa. Người Việt ở Huế, Nam Trung bộ và Nam bộ đã thờ Đức Quan Thánh thay cho Đức Thánh Trần. Quan Thánh là người trung tiết và hiếu nghĩa. Nhưng, xét tính dân tộc thì Quan Thánh là người Trung Quốc. Đức Thánh Trần là người Việt Nam nhưng ít được thờ và tôn sùng ở Huế và Nam Trung bộ và Nam bộ” [18].

Người Hoa ở Khánh Hòa là một bộ phận người Hoa di cư từ Bắc Trung bộ và Hội An vào thế kỷ XIX. Hiện nay, ở Khánh Hòa có trên 3.000 người Hoa sinh sống. Kết quả khảo sát cho biết, người Hoa ở Khánh Hòa gồm 4 nhóm: Quảng Đông, Hải Nam, Phúc Kiến và Triều Châu.

Kết quả nghiên cứu thực điện cho chúng tôi được biết, Đức Thánh Trần được người Việt ở Khánh Hòa thờ trong thần điện Mẫu Tam-Tứ phủ từ sau năm 1954. Đặc biệt vào năm 1962, nhóm người Việt di cư từ các tỉnh Bắc bộ vào Khánh Hòa đã tạo dựng đền thờ Đức Thánh Trần tại số 124 đường Nguyễn Trãi, thành phố Nha Trang. Tuy nhiên, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần ở Khánh Hòa không được phổ biến như tục thờ Thiên Y Thánh Mẫu, Quan Thánh Đế hay ông Nam Hải. Bên cạnh đó, một số thần điện Mẫu Tam phủ, Tứ phủ Bắc của người Việt ở Khánh Hòa cũng phối thờ Quan Thánh Đế cùng với Đức Thánh Trần. Chẳng hạn như đền Thánh Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên, Bảo Hà Linh từ, điện Cửu Thiên… Mặt khác, Quan Thánh Đế được người Việt phối thờ trong chùa, lăng ông Nam Hải như chùa Chí Lý (Vĩnh Hải), chùa Liên Hoa (Vĩnh Ngọc), chùa Nghĩa Quang (Phương Sài), chùa Thanh Vân (Vĩnh Phương), chùa Kim Long (Ngọc Hiệp), chùa Oai Linh (Vĩnh Thọ), chùa Đào Viên (Ngọc Hiệp), chùa Phước Hải trong thành phố Nha Trang, lăng ông Nam Hải (Cam Phúc Nam, Cam Ranh), chùa Từ Vân (Cam Linh, Cam Ranh) và nhiều địa phương ở Khánh Hòa.

Theo tục lệ, người Hoa ở Khánh Hòa thường dâng hương Quan Thánh vào ngày 13 tháng 1 âm lịch, là ngày vía quy y Tam bảo, ngày 13 tháng 5 âm lịch là vía sanh và ngày 24 tháng 6 âm lịch là vía hiển thánh. Trong đó, lễ hội Quan Công được người Hoa tổ chức với quy mô lớn nhất là ngày 13 tháng 1 âm lịch hàng năm. Vào ngày này, người Hoa tụ hội về miếu hoặc chùa để dâng hương, tưởng nhớ, cầu xin Quan Thánh phù hộ độ trì cho sức khỏe, hạnh phúc, kinh doanh phát tài phát lộc và làm ăn được hanh thông. Lễ vật dâng cúng của người Hoa gồm lễ vật mặn, mì sợi, tiền, áo giấy, 3 chén trà, 3 chén rượu, trái cây, bánh bao, bánh quả đào, hoa… Vì thế mà những thần điện Thiên Y Thánh Mẫu trong chùa Việt ở Khánh Hòa mà có sự phối thờ Quan Thánh cũng thường dâng hương, hoa quả, trà, rượu và tụng niệm kinh ông Quan Đế.

4. KẾT LUẬN

Chùa Việt ở Khánh Hòa là không gian linh thiêng, là cơ sở thờ tự cũng như các thực hành văn hóa Phật giáo. Chùa Việt ở Khánh Hòa ngoài thờ Phật cũng là sự dung hợp với các tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống của người Việt. Song, chùa Việt ở Khánh Hòa phản ánh sự tiếp biến văn hóa Việt – Chăm qua tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Sự tiếp biến văn hóa này được phản ánh thông qua việc phối thờ và các thực hành văn hóa trong chùa Việt ở Khánh Hòa. Mặt khác, một số nghi thức trong chùa Việt ở Khánh Hòa đã dung hợp trong thực hành văn hóa tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Bên cạnh đó, chùa Việt ở Khánh Hòa còn là sự tiếp biến văn hóa Việt – Hoa qua tín ngưỡng thờ Quan Thánh. Tín ngưỡng này thường được phối thờ trong chùa Việt ở Khánh Hòa song song với Thiên Y A Na. Đây là nét khác biệt về sự tiếp biến văn hóa Phật giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu trong chùa Việt ở Khánh Hòa. Như vậy, sự tiếp biến văn hóa Phật giáo trong chùa Việt ở Khánh Hòa với tín ngưỡng thờ Mẫu phản ánh truyền thống, tính đa thần, tính biến đổi theo không gian và thời gian. Sự tiếp biến này không chỉ góp phần tạo nên tính đa dạng, mà nó còn phản ánh sắc thái văn hóa vùng miền của văn hóa Phật giáo Việt Nam. Nói cách khác, Phật giáo Việt Nam là sự linh hoạt trong sự dung hợp với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt theo không gian văn hóa. Phật giáo Việt Nam đã tiếp nhận với tín ngưỡng thờ Mẫu thần của người Chăm trong quá trình Nam tiến. Nó thỏa mãn nhu cầu truyền thống của người Việt vừa thờ Phật vừa thờ Mẫu trên vùng đất mới.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bốn, Đại học Khánh Hòa.

Nguồn: Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo


Chú thích:

[1] Trương Hữu Quýnh (Chủ biên), Đại cương lịch sử Việt Nam, tập I, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr.118.

[2] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, tr.251.

[3] Đinh Đức Tiến, “Lược sử quan hệ Đại Việt – Champa”, Văn hóa nghệ thuật, số 339, Hà Nội, 2012, tr.17.

[4] Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng, Các triều đại Việt Nam, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1995, tr.117.

[5] Đặng Thị Phong Lan, “Yếu tố Chăm trong nghệ thuật điêu khắc chùa Thầy”, Văn hóa nghệ thuật, số 354, Hà Nội, 2013, tr.73.

[6] Đinh Đức Tiến, Vũ Diệu Trung, ”Dấu tích một số làng Chăm trên đất Bắc”, Văn hóa nghệ thuật, số 354, Hà Nội, 2013, tr.33.

[7] Ngô Đức Thịnh, Văn hóavăn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006, tr.700.

[8] Đặng Thị Phong Lan, “Yếu tố Chăm trong nghệ thuật điêu khắc chùa Thầy”, Văn hóa nghệ thuật, số 354, Hà Nội, 2013, tr.73.

[9] Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm, Nxb. Văn hóa dân tộc – Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2000, tr.101.

[10] Huỳnh Ngọc Trảng, Nguyễn Đại Phúc, Đặc khảo về tín ngưỡng thờ gia thần, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 2013, tr.67 – 68.

[11] Nguyễn Thế Anh, “Thiên Y A Na hay sự tiếp nhận Bà Chúa Chăm Pô Nagar của vương triều Nho giáo Việt Nam”, Xưa Nay, số 100, Hà Nội, 2001, tr.24.

[12] Nguyễn Thế Anh, “Thiên Y A Na hay sự tiếp nhận Bà Chúa Chăm Pô Nagar của vương triều Nho giáo Việt Nam”, Xưa Nay, số 100, Hà Nội, 2001, tr.25.

[13] Tạ Chí Đại Trường, Thần, người và đất Việt, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2014, tr.33 – 34.

[14] Trần Lâm Biền (2000), Một con đường tiếp cận lịch sử, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tr.637.

[15] Phan Thị Hoa Lý, Tín ngưỡng thờ Thiên Hậu ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ Văn hóa học, Học viện Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2014, tr.6 – 7.

[16] Nguyễn Tôn Nhan, Bách khoa thư văn hóa cổ điển Trung Quốc, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2000, tr.755 – 756.

[17] Bùi Xuân Đính, Các tộc người ở Việt Nam, Nxb. Thời đại, Hà Nội, 2012, tr.203 – 204.

[18] Tư liệu điền dã tại phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Thế Anh (2001), “Thiên Y A Na hay sự tiếp nhận Bà Chúa Chăm Pô Nagar của vương triều Nho giáo Việt Nam”, Tạp chí Xưa Nay, số 100, Hà Nội.
2. Trần Lâm Biền (2000), Một con đường tiếp cận lịch sử, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
3. Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng (1995), Các triều đại Việt Nam, Nxb. Thanh niên, Hà Nội.
4. Bùi Xuân Đính (2012), Các tộc người ở Việt Nam, Nxb. Thời đại, Hà Nội.
5. Đặng Thị Phong Lan (2013), “Yếu tố Chăm trong nghệ thuật điêu khắc chùa Thầy”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 354, Hà Nội.
6. Ngô Sĩ Liên (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
7. Phan Thị Hoa Lý (2014), Tín ngưỡng thờ Thiên Hậu ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ Văn hóa học, Học viện Khoa học Xã hội, Hà Nội.
8. Nguyễn Tôn Nhan (2000), Bách khoa thư văn hóa cổ điển Trung Quốc, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
9. Po Dharma (2013), Vương quốc Champa: Lịch sử 33 năm cuối cùng (1802 – 1835), (Tiếng Việt), Nxb. San Jose, California, USA.
10. Trương Hữu Quýnh chủ biên (1998), Đại cương lịch sử Việt Nam, tập I, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
11. Ngô Đức Thịnh (2006), Văn hóa, văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
12. Đinh Đức Tiến (2012), “Lược sử quan hệ Đại Việt – Champa”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 339, Hà Nội.
13. Đinh Đức Tiến, Vũ Diệu Trung (2013), “Dấu tích một số làng Chăm trên đất Bắc”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 354, Hà Nội, 2013.
14. Huỳnh Ngọc Trảng, Nguyễn Đại Phúc (2013), Đặc khảo về tín ngưỡng thờ gia thần, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh.
15. Tạ Chí Đại Trường (2014), Thần, người và đất Việt, Nxb. Tri thức, Hà Nội.
16. Trần Quốc Vượng (2000), Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn hóa dân tộc – Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Xu thế biến đổi trong Kiến trúc, cảnh quan chùa Huế
Kiến trúc-Mỹ thuật, Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Phật giáo Huế với một bề dày lịch sử, gắn liền với thăng trầm vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân xưa, đã hàm chứa, bảo tồn được nét riêng có trên nhiều mặt của yếu tính truyền thống Phật giáo. Tuy nhiên, trong chiều hướng phát triển của xã hội thì trong...

Tín ngưỡng thờ Long Vương trong Phật giáo Nam bộ
Nghiên cứu, Văn hóa

Tượng Long Vương ở Tổ đình Hội Khánh (Bình Dương). LONG VƯƠNG TRONG PHẬT GIÁO Trong Phật giáo, rồng là một trong Bát bộ chúng thủ hộ Phật pháp. Lãnh tụ của Long tộc gọi là Long Vương, có đầy đủ uy lực lớn mạnh, thường theo bảo vệ Phật. Trong các kinh sách Phật...

Vai trò nhập thế qua những biểu hiện, một số vấn đề đặt ra và giải pháp nhằm phát huy vai trò của nữ Phật tử
Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhân loại. Ở phương diện tích cực, chúng phục vụ nhiều nhu cầu, đem lại hiệu suất làm việc cao cho con người. Song ở phương diện tiêu cực, chúng khiến đời sống tinh thần đứng...

Các công chúa triều Trần với đạo Phật và chốn thiền môn
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Khi công chúa Thái Đường mắc lỗi, triều đình tịch thu điền trang của bà sung vào ruộng quốc khố. Bà bèn đi tu ở chùa Nghĩa Xá, gần Lạc Quần (Xuân Trường). Thời nhà Trần, đạo Phật được nhân dân Đại Việt rất coi trọng và tôn sùng. Các vua Trần từ Trần Thái...

Đóng góp của gia đình danh y Lê Hữu Trác đối với Phật giáo Việt Nam
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Với việc xây chùa Tượng Sơn, gia đình đại danh y Lê Hữu Trác có những đóng góp nhất định đối với Phật giáo Hà Tĩnh. Tượng Sơn tự cũng là nơi Hải Thượng Lãn Ông dành phần lớn thời gian lưu lại chùa để bốc thuốc, chữa bệnh cứu người và hoàn thành...

Nghiên cứu về một vài ngộ nhận đối với lịch sử phát triển Ni đoàn
Lịch sử, Nghiên cứu

TÓM TẮT Từ khi Đức Phật còn tại thế, Ngài đã cho phái nữ xuất gia thành Tỳ kheo Ni với điều kiện là thọ trì Bát kỉnh pháp. Có Ni giới, hàng xuất gia của Đức Phật được tăng đông lên. Tứ chúng của Đức Phật trở nên đầy đủ. Sự xuất hiện của...

Đức Từ Cung với sự phát triển và chấn hưng Phật giáo xứ Huế từ những năm 30 đến những năm 80 Thế kỷ XX
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Đức Từ Cung hay Đoan Huy Hoàng thái hậu không chỉ quan tâm chăm lo hương khói, cúng tế tổ tiên nhà Nguyễn, mà còn là một tín đồ thuần thành của Phật giáo. Trên cương vị Hoàng Thái hậu triều Nguyễn, bà Từ Cung đã có nhiều đóng góp trong công cuộc chấn...

Kiến trúc chùa Huế
Chùa Việt, Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu

Với lối kiến trúc đặc trưng nhưng vẫn nằm trong dòng chảy kiến trúc đặc trưng của những ngôi chùa Việt, chùa Huế thực sự đã tạo ra một dấu ấn đậm nét đối với khách thập phương. Với nét đặc trưng đó những ngôi chùa xứ Huế không chỉ góp phần làm phong phú cho...

Nét đẹp Chư Tăng trong mùa An cư Kiết hạ
Nghiên cứu, Văn hóa

Chúng ta sẽ cảm nhận được nét đẹp tuyệt vời, một nghệ thuật siêu việt của cái thiêng liêng được toát ra từ sâu thẳm trong tâm hồn của chư Tăng, Ni. Nét đẹp đó, được phát ra từ nội tại của những con người mang những hoài bảo, những lý tưởng hướng thiện và...

Nguồn Gốc Và Ý Nghĩa Của Chiếc Áo Cà Sa
Nghiên cứu, Văn hóa

Gốc tiếng Phạn của chữ cà-sa là kasaya. Nhưng thật sự chữ kasaya trong tiếng Phạn không có nghĩa là áo mà có nghĩa là bạc màu, cáu cặn hay hư hoại. Sách tiếng Hán dịch chữ này là đạm (màu nhạt), trọc hay trược (đục, dơ bẩn, ô nhiễm, rác bẩn), hoặc còn dịch là hoại sắc, bất chính sắc, hư nát, dính bẩn…Tóm lại chiếc áo cà-sa của người xuất gia tu Phật, của hàng tỳ kheo,…tượng trưng cho những gì nghèo nàn,...

Chùa Kim Cang trong mối quan hệ với dòng thiền Liễu Quán ở Tây Nam bộ
Kiến trúc-Mỹ thuật, Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Bài nghiên cứu tập trung vào hai nội dung chính, thứ nhất, tìm hiểu khái quát về lịch sử dòng thiền Liễu Quán mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam; thứ hai, đề cập lịch sử hình thành chùa Kim Cang. Đây là ngôi chùa cổ, có nhiều đóng góp trong quá trình...

Đức Phật nhà văn hóa lớn của nhân loại
Lịch sử, Nghiên cứu, Sự kiện, Văn hóa

Đức Phật được Liên Hiệp Quốc tôn vinh là nhà văn hóa lớn của nhân loại của 25 thế kỷ qua, hẳn là cuộc đời hoằng hóa và hệ thống giáo lý của Ngài đã cống hiến cho nhân loại nhiều đóng góp quan trọng và ý nghĩa. Nhà Phật học H.W. Schumann đã phát biểu về Đức Phật trong tác phẩm thời danh của Ông, nhan đề Đức Phật lịch sử (The Historical Buddha) rằng: “Rất hiếm nhân vật trong lịch sử tư tưởng nhân...

Về văn bản Sự ly dung thông
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Thiền sư Minh Châu Hương Hải (1628-1715) là một tác gia văn học Phật Giáo thời Hậu Lê. Ngữ lục cho biết sư biên soạn, biên dịch được 20 tác phẩm. Hầu hết các tác phẩm này đều viết theo hai thể chữ hán và Nôm, vừa dịch giải vừa biên soạn.  Trong số sách dịch...

Đóng góp của thiền phái Liễu Quán trong việc khẳng định chủ quyền của người Việt trên vùng đất phương Nam
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Từ khi xuất hiện cho đến khi tổ Thiệt Diệu Liễu Quán viên tịch, dòng thiền Liễu Quán được thắp sáng và lan tỏa chánh pháp bởi các đệ tử và các pháp tôn. Trong các thế kỉ XVII – đầu thế kỉ XIX, Thiền phái Liễu Quán ra đời, phát triển và mở...

Tục Bầu Hậu Phật qua một số văn bia ở Thanh Hóa
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

DẪN NHẬP Bầu Hậu Phật, lập Hậu Phật là hoạt động văn hóa trong sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo ở làng xã nước ta trước đây. Người gửi hậu Phật có thể là do hoàn cảnh, nhu cầu và mục đích khác nhau, nhưng tựu trung, hoạt động này phản ánh tâm linh, tư...

Phổ hệ truyền thừa thiền phái Liễu Quán tại Khánh Hoà
Lịch sử, Nghiên cứu

Thiền phái Liễu Quán, một trong năm thiền phái của dòng thiền Lâm Tế có sự ảnh hưởng lớn ở nước ta. Trong dòng chảy lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế tại Việt Nam, Liễu Quán tuy ra đời muộn nhưng là dòng thiền có phạm vi rộng khắp bởi tính bản địa....