Pháp khí hay còn gọi là Phật khí, Phật cụ, pháp cụ là những dụng cụ dùng để thực hành các loại pháp sự, dâng cúng lên chư Phật, trang nghiêm đạo tràng, hay làm dụng cụ trợ ích trong tu chứng Phật pháp.
Pháp khí hay còn gọi là Phật khí, Phật cụ, pháp cụ là những dụng cụ dùng để thực hành các loại pháp sự, dâng cúng lên chư Phật, trang nghiêm đạo tràng, hay làm dụng cụ trợ ích trong tu chứng Phật pháp. Khi nói đến pháp khí, sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc đến pháp khí của Mật Tông Tây Tạng. Mỗi loại pháp khí lại mang một hàm nghĩa giáo pháp khác nhau.
Chày Kim Cang
Pháp khí đầu tiên phải kể đến đó là Chày Kim Cang, được xem là một trong những pháp khí biểu tượng của Phật giáo Mật Tông, hay còn được gọi với nhiều tên khác là: Kim Cang Chùy, Kim Cương Chùy, Kim Cang Chử hoặc Kim Cương Chử. Chày Kim Cang là biểu tượng tinh túy của truyền thống Kim Cương thừa, tên của pháp khí này khởi nguồn từ chất liệu kim cương. Vì theo thuật ngữ tiếng Phạn, Kim Cương có nghĩa là bất hoại, đầy uy lực và rực rỡ, giống như viên kim cương không thể bị cắt rời hoặc phá vỡ. Chày Kim Cang biểu trưng cho Phật tính, có tính chất không thể phá hủy và thường hằng.
Chày Kim Cang cũng có nguồn gốc là Đại Vũ Trụ vì nó gồm cả ba phần: “Vật chất, trí tuệ và tinh thần”. Vì thế mà các Chư Tôn Kim Cang bộ trong hải nội Mandala, phần lớn trong tay đều cầm Chày Kim Cang. Chày Kim Cang trong Phật giáo có thể được tạo hình dưới hình thức từ 1 đến 9 nhánh chẽ. Và tùy vào số nhánh chẽ sẽ mang trong mình những hàm ý Phật giáo khác nhau.
Chuông Kim Cang
Pháp khí quan trọng thứ hai là một loại nhạc khí, được nhắc đến và sử dụng phổ biến nhất đó là Chuông Kim Cang. Chuông Kim Cang hay còn gọi là chuông pháp, đây là nhạc khí không thể thiếu trong nghi lễ Mật thừa.
Chuông gồm ba phần: Chốt Kim Cang, khuân diện và bầu chuông. Ba phần tiêu biểu cho tam giới: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Nền tảng của chuông ở trong rỗng không, nêu biểu 3 cõi đều nương vào tính Không. Khi con lắc đánh vào thành chuông, phát ra âm thanh cảnh tỉnh chúng sinh trong ba cõi rằng: “Tất cả đều là khổ, không vô thường và không vô ngã”. Vì vậy mà còn được tin là mỗi khi âm thanh chuông vang lên, sẽ làm rung động không gian, xua tan phiền não, đẩy lùi yêu ma.
Dưới phương diện nghi thức, Chuông và Chày Kim Cang là hai pháp khí hay đi chung một cặp. Nên chúng ta sẽ thường thấy hai pháp khí này thường được đặt trang nghiêm cạnh nhau. Chuông tượng trưng cho phương tiện, Cahyf tượng trưng cho trí tuệ.
Rìu Kim Cang
Rìu Kim Cang là một pháp khí có hình dáng tương tự như một loại rìu dùng trong chiến đấu thời cổ đại. Với vẻ ngoài gần giống Chày Kim Cang, phần đuôi có hình chóp nhọn, ở chính giữa gắn vào một cán dài. Pháp khí này thường thấy trong các bức họa Thang-kar, tượng trưng cho đức nhiếp triệu của Như Lai là đưa tất thảy chúng sinh vào trí tuệ Phật. Hình ảnh pháp khí Rìu Kim Cang thể hiện sự bảo vệ đối với Phật pháp và ngụ ý Phật pháp là bất khả xâm phạm.
Dao Phổ Ba
Pháp khí tiếp theo đó là Dao Phổ Ba, đây là một loại dao găm có dạng hình tam giác. Mang ý nghĩa là một vũ khí sắc nhọn có thể đâm xuyên mọi thứ, nhưng lại không có thứ gì đâm xuyên qua được. Sự sắc bén và năng lượng xuyên thủng mọi thứ này là những gì được sử dụng trong thực hành tu tập và là phương pháp quan trọng nhất trong những phương tiện vô lượng không thể tính đếm của Kim Cang Thừa. Dao Phổ Ba và hành giả thực hành pháp này ở đâu thì nơi đó sẽ được an bình, tránh được các não hại, ma chướng. Sự thực hành các pháp bí mật lại sớm được thành tựu do oai lực bất khả tư nghì của pháp khí và đàn pháp này.
Kèn Ốc Loa
Khi đã tìm hiểu về Mật Giáo Tây Tạng, thì những câu mật chú uy lực bắt đầu bằng âm “Om” – âm thanh khởi đầu của vũ trụ sẽ không ai cảm thấy xa lạ. Và Kèn Ốc Loa, chiếc kèn được làm bằng vỏ ốc này chính là pháp khí tạo ra âm thanh tượng trưng cho âm “Om” uy lực đó. Theo kinh sách, Kèn Ốc Loa còn được xem như Pháp Loa, là biểu tượng cho chính pháp được lưu truyền khắp nơi do sức vang rền, chấn động không gian của nó.
Kinh Luân
Một trong những pháp khí độc đáo, tiêu biểu và thu hút sự quan tâm về bản sắc nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng, kể cả không phải là tín đồ Phật giáo đó là Kinh Luân. Kinh Luân hay Kim luân còn được gọi là bánh xe cầu nguyện. Bao gồm một hình trụ xoay trên một trục ở trung tâm. Những cuộn kinh ghi chân ngôn được quấn bên trong quanh trục này và vỏ bên ngoài thường chạm khảm chân ngôn Lục Tự Đại Minh Chú, cùng các biểu tượng Tam muội da của chư Phật hoặc các biểu tượng cát tường cúng dường thù thắng. Chính vì vậy, mà pháp khí này được tin là sẽ mang lại những năng lượng từ trường an lành vô cùng tích cực, khiến tịnh hóa vô vàn nghiệp xấu và giúp thân tâm an lạc.
Kinh Luân được tạo ra với nhiều kích thước khác nhau, từ chiếc bé nhỏ có kích cỡ vài centimet đến những chiếc lớn đường kính vài mét. Và chất liệu tạo nên Kinh Luân cũng phong phú và đa dạng. từ vải, da, gỗ đơn giản cho đến khảm đồng, thếp vàng tinh tế và cầu kỳ.
Sưu tầm