1. Nguyên văn
伏以
一堂彰暎、萬宇輝光、半窻雨夏龍歸、一片雲秋鶴涙、禪心炤耀、世界空中、安寶座而藹祥光、置金容而浮瑞氣。疏爲越南國…省…縣[郡]…社…村、本寺奉
佛修香諷經請佛昇座尊嚴安位日日瞻拜、祈安迎祥集福事。今弟子…等、卽日焚香、心誠拜干
金相光中、俯垂炤鑒。竊念、從初不覺、以至無明、徒爲十惡牽纒、妄作百端業障、由是覺來惶惧、幸遇茲辰、仗佛力以懺根塵、請諸尊而安寶座。茲者…。伏願、
大圓敎主、萬德洪名、捲風塵而眞源湛寂、收波浪而覺海澄清、祈當生共添五福之延、願過徃同超九蓮之會。實賴佛恩証明之不可思議也。謹疏。
佛曆…歲次…年…月…日時、弟子眾等和南上疏
(疏)奉 白佛金章 弟子眾等和南上疏
2. Phiên âm
Phục dĩ
Nhất đường chương ánh, vạn vũ huy quang; bán song vũ hạ long quy, nhất phiến vân thu hạc lệ; Thiền tâm chiếu diệu, thế giới không trung; an bảo tòa nhi ái tường quang, trí kim dung nhi phù thoại khí.
Sớ vị: Việt Nam quốc … Tỉnh … Huyện (Quận) … Xã … Thôn, gia cư phụng Phật tu hương phúng kinh thỉnh Phật thăng tòa tôn nghiêm an vị, nhật nhật chiêm bái, kỳ an nghinh tường tập phước sự. Kim đệ tử … đẳng, tức nhật phần hương, tâm thành bái can, Kim Tướng quang trung, phủ thùy chiếu giám.
Thiết niệm: Tùng sơ bất giác, dĩ chí vô minh; đồ vi Thập Ác1 khiên triền, vọng tác bách đoan nghiệp chướng; do thị giác lai hoàng cụ, hạnh ngộ tư thần; trượng Phật lực dĩ sám căn trần, thỉnh chư tôn nhi an bảo tọa. Tư giả …
Phục nguyện: Đại viên giáo chủ, vạn đức hồng danh; quyện phong trần nhi chơn nguyên trạm tịch, thâu ba lãng nhi giác hải trừng thanh; kỳ đương sanh cọng thiêm Ngũ Phước chi diên, nguyện quá vãng đồng siêu Cửu Liên chi hội. Thật lại Phật ân chứng minh chi bất khả tư nghì dã. Cẩn sớ.
Phật lịch … Tuế thứ … niên … nguyệt … nhật … thời.
Đệ tử chúng đẳng hòa nam thượng sớ.
3. Dịch nghĩa
Cúi nghĩ:
Một nhà sáng rực, vạn cõi huy hoàng; nữa song mưa hạ rồng về, một mảnh mây thu hạc lệ; Thiền tâm rọi tỏ, thế giới không trung; an tòa báu rwujc rỡ hào quang, đặt dung vàng tỏa vờn khí tốt.
Sớ tâu: Nay tại Thôn …, Xã …, Huyện (Quận) …, Tỉnh, nước Việt Nam; có gia đình thờ Phật, dâng hương tụng kinh thỉnh Phật lên tòa tôn nghiêm an vị, hằng ngày chiêm bái, cầu an đón lành gom phước. Nay đệ tử …, ngày nầy dâng hương, tâm thành trăm lạy, Tướng Vàng chói sáng, xót thương chứng giám.
Nép nghĩ: Từ đầu chẳng rõ, mãi chịu vô minh; lỡ làm Mười Ác buộc ràng, lầm tạo trăm điều nghiệp chướng; do vậy tỉnh rồi run sợ, may gặp lúc nầy; nương lực Phật sám hối căn trần, thỉnh tôn tượng cung an tòa báu. Hôm nay …
Cúi mong: Giáo chủ giác ngộ, muôn đức danh thơm; quét gió bụi làm nguồn chơn vắng lặng, thâu sóng gió khiến biển giác lắng trong; cầu người sống cùng thêm Năm Phước dài lâu, nguyện kẻ mất đều lên Liên Trì thắng hội. Ngưỡng lạy ơn Phật chứng minh không thể nghĩ bàn. Kính dâng sớ.
Phật lịch … Ngày … tháng … năm …
Đệ tử chúng con kính thành dâng sớ.
4. Chú thích
- Thập Ác (s: daśākuśala-karma-pathāni, 十惡): còn gọi là Thập Ác Nghiệp Đạo (十惡業道), Thập Bất Thiện Nghiệp Đạo (十不善業道), Thập Bất Thiện Căn Bổn Nghiệp Đạo (十不善根本業道), Thập Hắc Nghiệp Đạo (十黑業道); là 10 hành vi ác, không tốt của ba nghiệp thân, miệng và ý; gồm: (1) Sát sanh; (2) Trộm cắp; (3) Tà dâm; (4) Nói dối; (5) Nói hai lưỡi, tức nói lời ly gián; (6) Nói thô ác, tức mắng nhiếc thậm tệ, nói lời ác độc; (7) Nói lời thêu dệt; (8) Tham dục; (9) Sân si; (10) Tà kiến. Tu tập Thập Thiện Nghiệp (s: daśakuśala-karmāni, 十善業) để chuyển hóa 10 nghiệp ác kể trên. Theo Tân Hoa Nghiêm Kinh (新華嚴經) quyển 35, Phẩm Thập Địa (十地品), có nêu lên quả báo của 10 nghiệp ác như sau: (1) Quả báo sát sanh, ở trong loài người thì bị đoản mạng, nhiều bệnh. (2) Quả báo trộm cắp, ở trong loài người thường bị bần cùng, tài của không có. (3) Quả báo tà dâm, ở trong loài người thường bị vợ không trinh tiết, không có quyến thuộc tùy ý. (4) Quả báo nói dối, ở trong loài người thường bị mọi người phỉ báng, khinh khi. (5) Quả báo nói lời hai lưỡi, ở trong loài người thường bị quyến thuộc xa lìa, thân tộc tệ ác. (6) Quả báo nói lời thô ác, ở trong loài người thường nghe tiếng ác, nói lên thường bị tranh cãi, kiện tụng. (7) Quả báo nói lời thêu dệt, ở trong loài người thường nói ra không ai tin, nói không rõ ràng. (8) Quả báo tham dục, ở trong loài người thường tâm không biết đủ, tham nhiều không bỏ. (9) Quả báo sân si, ở trong loài người thường bị người khác gây tổn hại. (10) Quả báo tà kiến, ở trong loài người thường sanh vào nhà tà kiến, tâm khúc mắc, không ngay thẳng.