Phẩm Tựa
(phần đan xen cả ba nền tảng: nguyên lý, hiện thực và hành trì).
Phẩm Tựa là nói theo tiếng Hán Việt, còn tiếng Việt chúng ta gọi là Phần Giới thiệu tổng quát [về Kinh Pháp hoa], là phần giới thiệu bao quát nội dung và định dạng của kinh, bao gồm (1) dữ kiện lịch sử, (2) bối cảnh quy luật tự nhiên, và (3) giá trị ứng dụng.
1. Mục 1 trình bày dữ kiện lịch sử (tức ở lớp tích môn) gồm đức Phật Thích-ca Mâu-ni, các vị A-la-hán, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, nam nữ cư sĩ, v.v.
2. Mục 2 và 3 trình bày bối cảnh trong thế giới quy luật tự nhiên (tức ở lớp bản môn) với vô số các vị Bồ-tát cũng như mọi chúng sanh hiện hữu.
3. Cuối mục 3, đức Phật lại đưa chúng ta về thế giới hiện thực với sự xuất hiện của Vua A-xà-thế, con bà Vi-đề-hi lịch sử.
4. Mục 4 phác họa chấm nhỏ đặc thù trong giáo pháp sắp được đức Phật thuyết giảng. Chấm nhỏ trong thế giới lịch sử phẳng phiêu, nhưng lại bao trùm cả nhân sinh vũ trụ trong thế giới đa tầng đa chiều đa nguyên, trong vũ trụ 3D, trong không gian, chấm nhỏ “Vô lượng nghĩa.”
Mục 5, đức Phật dẫn chúng ta vào thế giới đa tầng đa nguyên ấy bằng chính cây cầu nối với thế giới lịch sử phẳng phiêu qua hình tượng “sợi lông trắng” giữa hai chặng mày. Và thế giới đa nguyên vô ngôn ấy thật rõ ràng, thật minh bạch, không cần phải dùng ngôn ngữ để mô tả. Nó thật đến trần trụi, không thương hiệu.
5. Mục 6 và 7, kinh chỉ cho ta thấy trong thế giới đa tầng đa nguyên ấy chứa đựng thế giới lịch sử phẳng phiêu, và ngược lại, trong thế giới phẳng phiêu đã hàm chứa thế giới đa tầng đa nguyên vô ngôn ấy.
6. Mục 8 đến 18 là sự trùng tuyên nội dung của các mục trước đó.
7. Mục 19 đến 30 là sự đan xen đa tầng đa chiều của hai thế giới hữu ngôn và vô ngôn bất phân ly. Tưởng như ảo ảnh nhưng lại thực đến bất ngờ. Bởi vì nó hiện hữu ngay trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
9. Các mục còn lại của Phẩm Tựa là sự trùng tuyên nội dung các mục từ 19 đến 30 mà thôi.
Giải thích:
1. Ở mục số 1, từ “Tôi nghe như thế này …” đến hết “… Tỳ-kheo-ni Gia-du-đà-la cùng với quyến thuộc câu hội” là nói đến thực tế lịch sử, trong đó, (1) về địa điểm: Núi Kỳ-xà-quật (Núi Linh Thứu), thành Vương Xá (Rajgir ngày nay); (2) về con người, có đức Phật Thích-ca, các vị trưởng lão Tỳ-kheo A-la-hán, các vị A-la-hán khác (vị vô học), cũng như các vị chứng đắc từ sơ quả đến tam quả (vị hữu học), bên cạnh đó, còn có các vị trưởng lão Tỳ-kheo-ni và các vị Tỳ-kheo-ni khác. Các vị đều là những con người có thật trong lịch sử, xuất hiện tại Ấn Độ khoảng hơn 2500 năm trước.
2. Mục số 2 và số 3, từ “Bậc đại Bồ-tát tám muôn người đều không thối chuyển …” đến “…, Như ý Ca-lâu-la vương, đều cùng bao nhiêu quyến thuộc câu hội” là đức Phật đang sử dụng ngôn ngữ tạo hình nghệ thuật trừu tượng để trình bày bản thể của quy luật tự nhiên. Ngài đưa chúng ta từ hiện thực sanh diệt vào bản thể quy luật tự nhiên không sanh không diệt. Mọi hoạt động trong bản thể quy luật tự nhiên vừa giống vừa không giống các hoạt động ở đời sống hiện thực. Nên chúng ta thấy kinh mô tả nào là Bồ-tát, thiên thần, v.v., nói chung đủ mọi tầng lớp chúng sanh hữu tình vừa thể hiện phẩm chất con người hiện thực vừa biểu thị đặc tính của chúng sanh trong sự vận hành của quy luật vũ trụ bất sinh bất diệt.
3. Ở mục số 3, câu “Vua A-xà-thế, con bà Vi-đề-hi, cùng bao nhiêu trăm ngàn quyến thuộc câu hội” là đức Phật đưa chúng ta quay về hiện thực cuộc đời với nhân vật lịch sử là Vua A-xà-thế.
4. Qua mục số 4, kinh bắt đầu sử dụng một vài chấm nhỏ phác họa thế giới vũ trụ bao la, đan xen đa tầng giữa hiện thực và chân lý. Những nét phác họa đan xen trong một vài chấm nhỏ là đức Phật đang thuyết giảng giáo pháp cho mọi thính chúng vừa có thực trong lịch sử vừa biểu thị “nhân vật đặc tính” trong thế giới vô ngôn. Điều này giống như Kinh Tăng chi (2, 35) nói: vô số chư thiên đang đứng cùng nhau trên đầu một cây kim khi đến thăm viếng Phật, nghe pháp. Rất khó để chúng ta tưởng tượng các vị ấy đứng như thế nào, nhưng trong bản thể quy luật tự nhiên, mọi thứ đều có thể. Giống như thế giới vũ trụ 3D, hay hình học không gian, chỉ một chấm nhỏ có thể chứa đựng vô số.
Vì vậy, để nhìn nhận về mọi sự kiện trong cuộc sống, chúng ta không chỉ dựa trên quy luật hiện sinh hữu ngôn (quy luật mặt phẳng) mà còn phải dựa trên bản thể quy luật tự nhiên vô ngôn (quy luật đa chiều), nếu không mọi hiểu biết của chúng ta đều sai lầm. Chúng ta đang nhìn thấy mặt đất phẳng, rất thực tế, ai cũng thấy như vậy cả. Nhưng trong quy luật tự nhiên, nó không hề phẳng, nó rất cong. Con người, động vật, cỏ cây, v.v. như đang đứng với chân chạm xuống đất, đầu hướng lên, nhưng trong quy luật tự nhiên, chúng ta như những hạt thóc được gắn xung quanh quả cầu hình tròn, chân bị lực hút trái đất kéo vào, đầu bị lực hút của không gian kéo ra, vừa vẹn, không quá nhiều, không quá ít, đủ để mọi thứ vận hành như chính chúng.
Mục số 4 cũng chỉ rõ đức Phật đang thuyết giảng giáo pháp gì, đó là giáo pháp “Vô lượng nghĩa” có câu chữ rõ ràng trong thế giới nhân sinh, nhưng chứa đựng ý nghĩa thâm sâu không thể diễn tả bằng ngôn ngữ trong bản thể quy luật tự nhiên vô ngôn. Vì trong bản thể quy luật tự nhiên vô ngôn, mọi tồn tại, trong đó có ngôn ngữ đều như thực, đều vừa vẹn, đều vận hành như chính nó, không thêm không bớt.
Làm sao chúng ta có thể đi vào thế giới vô ngôn? Chúng ta cần có con đường. Con đường đó được xây dựng bằng những chất liệu ngôn ngữ, khi ngôn ngữ đủ đầy, chúng ta đạp lên từng nấc thang ngôn ngữ đó để bước vào thế giới vô ngôn, và bỏ lại đằng sau mọi thứ ngôn ngữ cao siêu. Trong thế giới vô ngôn, không có thứ giả hiệu mà chỉ có sự thật, một sự thật trần trụi, không màu mè, không thương hiệu, không cần diễn tả bằng ngôn ngữ, v.v., ngay cả đến cái tôi chí tôn cũng vắng bóng. Thế giới đó ở đâu trong chốn nhân gian này. Nó ở ngay trước mặt chúng ta. Nó ở trong hơi thở ra vào, trong mọi hành vi rất nhỏ, trong lúc trời nắng, trời mưa, v.v. Nó chính là cuộc đời hiện thực của chính mình. Khi mọi khát vọng được lắng đọng, thế giới vô ngôn hiện tiền.
5. Ngay khi bước chân vào mục số 5, chúng ta bắt gặp hình ảnh đức Phật vừa lịch sử trong thế giới hiện thực vừa thực hiện chức năng ở thế giới bản nguyên. Tướng lông trắng giữa chặng mày là một trong 32 tướng tốt của đức Phật Thích-ca lịch sử. Từ tướng lông trắng của thế giới lịch sử phẳng phiêu, kinh dẫn lối chúng ta vào vũ trụ đa tầng đa chiều đa nguyên của bản thể quy luật tự nhiên. Trong thế giới đa tầng đa chiều đa nguyên của bản thể quy luật tự nhiên ấy, mọi tồn tại đều không gây trở ngại lẫn nhau, không hoại diệt lẫn nhau, mà tương duyên tồn tại, rõ ràng minh bạch. Cho nên kinh nói mọi chúng sanh trong các cõi ở thế giới bản thể ấy đều thấy rất rõ lẫn nhau.
Vì vậy, để bước chân vào đạo lộ giải thoát vô ngôn, điều đầu tiên và thiết yếu cần phải làm cho mọi thứ rõ ràng minh bạch, suy nghĩ rõ ràng minh bạch, lời nói, hành vi rõ ràng minh bạch. Nhưng đời mỗi người có được bao nhiêu lần rõ ràng minh bạch; suy nghĩ đầy toan tính thiệt hơn; lời nói đầy ma mị, lươn lẹo; ánh mắt đầy dò xét, nghi ngờ; các mối quan hệ đầy mập mờ, giả tạo, v.v., thì làm sao chúng ta bước chân vào đạo lộ giải thoát. Điều này thật khó, nhưng không phải là không làm được. Hãy quán chiếu thật rõ ràng những thứ này là chúng ta đã bước vào lĩnh vức của bản thể quy luật tự nhiên, giải thoát vô ngôn.
6. Ở trong thế giới đa tầng đa chiều đa nguyên của vũ trụ tự nhiên ấy, đức Phật dắt chúng ta vào một thế giới phẳng phiêu với Bồ-tát Di Lặc, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, các tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, nam nữ cư sĩ, và vô số trời, rồng, v.v. Thế giới hiện thực và bản nguyên đan xen lẫn nhau. Trong thế giới hiện thực phẳng phiêu bao hàm thế giới đa tầng đa chiều, và ngược lại, trong thế giới đa tầng đa chiều hiện bày thế giới phẳng phiêu. Đây là ý nghĩa của mục số 6 và số 7 của Phẩm Tựa.
7. Từ mục 8 đến 18 là những vầng thơ kệ trùng tuyên nội dung của các mục trước.
8. Từ mục 19 đến 30, kinh tường thuật những gì xảy ra trong thế giới bản nguyên vô ngôn bằng ngôn ngữ và dữ kiện của thế giới hiện thực hữu ngôn. Một sự kết nối của hai thế giới bất phân ly với đầy đủ những gì thuộc quá khứ kéo đến hiện tại và tương lai. Quá khứ trong thế giới bản nguyên của vũ trụ nhân sinh cũng có những sự kiện giống như những gì đang xảy ra ở Núi Linh Thứu trong thế giới hiện thực. Bồ-tát Di Lặc, Văn-thù, v.v. cũng đã có mặt ở nơi xa xôi đó, cũng nhớ lại sự kiện đó. Và sau những dấu hiệu đó thì đức Phật sẽ thuyết giảng giáo pháp vi diệu có tên là Hoa Sen (Diệu pháp Liên Hoa). Đến đây, Phẩm Tựa (Phần Giới thiệu tổng quát) đã hoàn thành sứ mạng của mình, sứ mạng giới thiệu đến mọi người giáo pháp Hoa Sen.
9. Từ mục 31 cho đến hết Phẩm Tựu (hết mục 46) là bài kệ trùng tuyên nội dung của phần phía trước mà thôi.
Cuối cùng thì chúng ta học được gì trong Phẩm Tựa này?
1. Cái chúng ta thấy bằng mắt, nghe bằng tai, ngửi bằng mũi, v.v., ngay cả những gì chúng ta tư duy bằng ý chưa chắc đã đúng sự thật. Cho nên đừng vội phán xét. Bởi vì cái mình thích, mình cho rằng ai cũng thích, nhưng không hẳn như thế. Nhưng tất cả những cái thấy bằng mắt, nghe bằng tai, v.v. đó, nếu được quán chiếu rõ ràng minh bạch, thì sự thật lại nằm ở đấy, chứ chẳng ở nơi nào khác.
2. Mọi thứ mình tưởng là quan trọng, nhưng thật ra không quan trọng, còn những thứ mình nghĩ là không quan trọng, nhưng thực ra lại quan trọng; những thứ mình tưởng là lớn, nhưng rất nhỏ, còn những thứ mình tưởng là nhỏ, nhưng rất lớn, v.v. Cho nên hãy sống tử tế từ những việc nhỏ nhất. Đó mới là thứ quan trọng nhất và to lớn nhất.
3. Nếu mọi cánh cửa đều đóng lại với mình, đừng vội hoang mang, chúng ta sẽ mở chúng bằng cách gõ vào cánh cửa mà mình muốn mở. Không phải cánh cửa nào là dễ, cánh cửa nào là khó, mà là chúng ta hãy gõ cánh cửa như một nhạc sĩ tài ba đang trình bày bản nhạc thật tuyệt, cánh cửa sẽ tự mở.
4. Đời sống an nhiên tự tại, giải thoát vô ngôn đó tưởng ở đâu xa xôi, huyền bí mờ ảo, nhưng không ngờ là ngay cuộc sống đời thường khi mọi thứ được chúng ta quán chiếu chúng một cách rõ ràng minh bạch và đưa chúng ra ánh sáng.
5. Cuối cùng, hãy bước đi trên đôi chân của mình, hãy sống hết lòng, hãy cố gắng hết sức, còn kết quả ra sao không quan trọng. Và điều rất đặc biệt, đó là ứng dụng Kinh Pháp hoa trong cuộc sống, mình sẽ ăn rất ngon, ngủ rất thoải mái. Cảnh giới của chư thiên hiện tiền.
Thượng toạ Viên Minh