Đức Phật đã từng dạy trong Kinh Pháp Cú: “Tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ, tâm tạo”. Vậy khổ đau ở đâu ra? Chính từ bản thân mình mà ra thôi. Nếu như tâm mình không vướng mắc, không chấp kẹt, không nắm giữ thì chẳng có khổ đau nào có thể xâm chiếm và án ngự trong tâm hồn của mình cả.
Biết rằng cuộc đời là bể khổ! Nhưng mỗi khi chịu khổ, chúng ta hay than vãn: “Trời ơi! Sao tôi khổ vậy nè!” hay cứ trách móc, giận hờn đối tượng A, B, C… nào đó cứ “kiếm chuyện” cho mình phải khổ sở, đớn đau! Nhưng thử nghĩ lại xem “ông trời” hay “người nào đó” liệu có phải là tác nhân gây khổ đau cho mình hay không?
Đức Phật đã từng dạy trong Kinh Pháp Cú: “Tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ, tâm tạo”. Vậy khổ đau ở đâu ra? Chính từ bản thân mình mà ra thôi. Nếu như tâm mình không vướng mắc, không chấp kẹt, không nắm giữ thì chẳng có khổ đau nào có thể xâm chiếm và án ngự trong tâm hồn của mình cả. Hóa ra tự mình làm khổ mình mà mình bấy lâu nay mình chưa từng để ý đến!
Khổ nỗi có những chuyện không đáng khổ, mình vẫn cứ khổ! Chia tay người yêu cũng khổ, bể bánh xe cũng khổ, đi đường gặp mưa cũng khổ, ăn chay lỡ nuốt phải xíu tỏi cũng khổ,… Chúng ta vô cùng “tham lam” trong việc ôm đồm và chiếm hữu quá nhiều nỗi khổ cho riêng bản thân mình. Mà vốn dĩ những điều đó lại không đáng để cho mình phải bận tâm nhiều như thế. Bởi thay vì tâm trí cứ “dán keo” những nỗi khổ đó thì sao ta không niệm Phật nhiều hơn, nhớ lời Phật dạy nhiều hơn, suy nghĩ cách giúp đời, giúp người nhiều hơn, hoặc thực hành từ bi hỷ xả nhiều hơn…
Và một điều đáng thương thay nếu như ta luôn cảm thấy mình cô đơn trong cõi lòng! Không có điểm tựa tâm linh! Không nhớ Phật tâm soi sáng! Khi đó, tâm ta vô cùng yếu ớt, lạc lõng, nhạy cảm, lo lắng hay bất an trước bất cứ sự đổi thay, vô thường, biến cố nào mà cuộc đời bão giông, cay đắng này mang đến cho mình.
Ta cứ hay oán giận người khác mà không biết rằng đang tự mình uống thuốc độc!
Ta cứ hay mặc cảm, tự ti mà không biết rằng đang tự mình giết chết mình!
Ta cứ hay ích kỷ yêu thương mà không biết rằng đang tự mình trói buộc mình không lối thoát!
Do đó, ta cứ “tha hồ” tự mình làm khổ mình mà thôi! Vậy ta phải làm sao để vực dậy bản thân? Chỉ có cách tự mình cứu mình! Tự mình phải đi tìm điểm tựa vững chắc cho tâm mình. Và không ai có thể cho ta nương tựa chắc chắn bằng Đức Phật, bằng sự tỉnh thức, giác ngộ trong tâm mình – một “nửa kia” lẽ ra mình phải đi tìm từ rất lâu để giải thoát khỏi những khổ đau, muộn phiền.
Chính khi đó, khổ đau không là gì cả, bởi phiền não tức bồ đề, khổ đau chính là hạnh phúc.
Thích Thiện Tuệ