Lời nói cũng như ngôn ngữ viết là phương tiện truyền đạt thông tin, là chất liệu tác động đến tư duy, nhận thức, vì vậy, chúng ta cần phải cẩn trọng trong từng lời nói, từng câu chữ của mình, nếu không chúng ta đang tạo ra sự đau khổ cho bản thân và cho người khác.
Đức Phật dạy rằng, nếu người nói nhiều, nói lắm lời mà không cẩn trọng, thì có 5 mối nguy xảy đến, đó là mình sẽ (1) nói láo, nói phét, (2) nói những lời gây chia rẽ, mất đoàn kết, (3) nói những lời độc địa, soi mói, (4) nói những chuyện phù phiếm, tào lao, không mang lại lợi ích cho mình cũng như người nghe. (5) Chính vì điều này, hiện tại bất an, đau khổ; sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, phương xấu, chốn khổ, địa ngục.
Trái lại, người nói những lời vừa phải, có cân nhắc, có tâm từ và hiểu biết, thì có 5 điều lợi ích đang chờ đợi mình, đó là mình sẽ (1) không nói láo, không bốc phét, (2) nói những lời hài hòa, đoàn kết và hiểu biết, (3) nói những lời từ ái và khích lệ, (4) nói những chuyện ý nghĩa, cần thiết, mang lại lợi ích cho mình cũng như người nghe. (5) Chính vì điều này, hiện tại bình an, hạnh phúc; sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này. (Kinh Tăng chi 5, 214 (A, III. 254)).
Bên cạnh đó, đức Phật cũng dạy rằng nếu người thuyết pháp với giọng ca ngâm kéo dài cũng đem lại những điều nguy hại, đó là, (1) tự mình say đắm trong âm giọng ấy; (2) người khác say đắm trong âm giọng ấy; (3) các người gia chủ phê bình: “Như chúng ta hát, cũng vậy, các Sa-môn Thích tử này ca hát;” (4) bị gián đoạn định vì cố gắng rèn luyện cho âm thanh điêu luyện; (5) các thế hệ sau bắt chước, [nên gây ra sự nguy hại kéo dài]. (Kinh Tăng chi 5, 209 (A, III. 251)).
Vì ngôn ngữ là chất liệu của tư duy đưa đến nhận thức về lẽ sống nhân sinh cuộc đời, nên đức Phật luôn nhắc nhở chúng ta rằng, nếu sử dụng lời nói mắng nhiếc, miệt thị, xúc phạm người khác, đặc biệt là miệt thị những người đức độ, thánh thiện, thì người đó sẽ (1) bị chặt đứt con đường hướng thiện, hướng thượng, hướng đến chỗ cao đẹp của nhân phẩm đời người, (2) tâm tư rơi vào nhiễm ô, bất thiện, (3) tiêm nhiễm những thứ nhận thức, quan điểm bệnh hoạn sai lầm, (4) đời sống khổ đau, bất an, lúc sắp mất, tâm tư mê loạn, (5) sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, phương xấu, chốn khổ, địa ngục. (Kinh Tăng chi 5, 211 (A, III. 252)).
Chúng ta thường hay nói rằng “khẩu xà nhưng tâm Phật” để bào chữa cho những phát ngôn gai góc, nặng nề, nhưng đó là sai lầm vô cùng nghiêm trọng. Có thể chúng ta bị lối tư duy, giáo dục phong kiến, một kiểu giáo dục ép buộc và chịu đựng, bị những người ăn trên ngồi trước chửi bới, nặng lời … nhưng họ lại nói rằng vì thương chúng ta, vì muốn chúng ta tốt lên, và đại khái như thế, nên mới nặng lời, chỉ là “khẩu xà mà tâm Phật thôi.” Tuy nhiên, một khi tâm đã Phật thì không bao giờ có việc “khẩu xà” với lời nặng nề, mắng mỏ. Đó là nguyên lý.
Hơn nữa, một khi “khẩu đã xà” thì tâm không bao giờ là “tâm Phật” được. Và một khi “tâm đã xà” thì khẩu không bao giờ là “khẩu Phật” được. Một số người cho rằng có rất nhiều người “khẩu Phật” với lời ngọt ngào, nói toàn chuyện đạo lý, nhưng tâm thì xà, rất thâm hiểm và độc ác. Đó là sự ngộ nhận của chính người nghe. Nếu người nghe tỉnh táo và đủ sáng tỏ thì dễ dàng nhận ra rằng những lời ngọt ngào, đạo lý đó chỉ là giả tạo, đạo đức giả, là “lời ma” chứ không phải “lời Phật,” lời ma mị, với mục đích lừa phỉnh, dối gạt.
Trong cuộc đời, một số người do tâm tư, do hoàn cảnh từ thời ấu thơ, do giáo dục thiếu thời, đã trau chuốt lời nói, rèn luyện kỹ năng thao túng tâm lý người khác với giọng điệu đôi khi mượt mà, mật ngọt, đôi khi nịnh bợ trá hình, đạo đức giả, đôi khi trấn áp những người nhẹ dạ, đôi khi gây ra cãi cọ, tranh luận giữa người này người kia. Điều này đức Phật đã từng cảnh báo là gây ra đau khổ cho mình đời này và cả đời sau. “Này các tỳ-kheo, người nào gây ra cãi cọ, gây ra tranh luận, gây ra đấu tranh, gây ra các cuộc đấu khẩu, gây ra kiện tụng, thì có năm sự nguy hại chờ đợi người ấy. Thế nào là năm? (1) Không chứng điều chưa chứng được [trên con đường rèn luyện tâm đạo]; (2) làm rơi mất điều đã chứng được; (3) tiếng ác đồn khắp; (4) khi mạng chung, tâm bị mê loạn; (5) sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, phương xấu, chốn khổ, địa ngục.” (Kinh Tăng chi 5, 212 (A, III. 252)).
Vì vậy, khi viết thì “bút sa gà chết,” khi nói thì “không ai có thể rút lại được lời nói của mình,” cho nên, mọi lời nói cần phải thận trọng, bộ não và trái tim phải nhanh hơn miệng, và cần phải “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói.”
Thầy Viên Minh