Tinh thần nhập thế của Phật giáo đã có từ thời Mâu Tử, nhưng dưới thời Vua Trần, thì được phát triển mạnh mẽ nhất. Đặt nền móng cho tinh thần nhập thế ấy là khi tướng Trần Thủ Độ nói với Vua Trần Thánh Tông: “Tôi dám nói rằng bệ hạ vì sự tự tu cho riêng mình mà làm vậy thì được, nhưng còn quốc gia xã tắc thì sao? Nếu để lời khen suông cho đời sau thì sao bằng lấy ngay thân mình làm người dẫn đạo cho thiên hạ?”

Tóm tắt:

Tinh thần nhập thế, hộ quốc an dân là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của Phật giáo Việt Nam từ khi đạo Phật du nhập vào Việt Nam. Nổi bật nhất ở triều đại nhà Trần với vị Vua – vị Phật Trần Nhân Tông đã dành cả cuộc đời vì vận mệnh của non sông đất nước. Trong mao mạch nhập thế ấy, tinh thần đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo vẫn luôn linh hoạt thích ứng hiệu quả qua từng giai đoạn lịch sử của đất nước Việt Nam. Nghiên cứu về cuộc đời và đạo nghiệp của Bồ Tát Quảng Đức chính là để thấy được một nhân chứng sống với tinh thần Bi, Trí, Dũng đã đấu tranh cho Đạo pháp và dân tộc ở giai đoạn đầu thế kỷ XX đầy biến động, nhằm chỉ ra được bản sắc của dân tộc Việt Nam và của Phật giáo Việt Nam.

Từ khóa: nhập thế, hộ quốc an dân, Bồ tát, Thích Quảng Đức

1. Đặt vấn đề

Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ, luôn gắn bó và đồng hành với cuộc sống của nhân dân, hướng về con người với tinh thần “lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha”. Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc và có những đóng góp quan trọng trong hành trình xây dựng và bảo vệ đất nước: “Nhìn lại lịch sử dân tộc và lịch sử Phật giáo kể từ khi được truyền vào nước ta, đều khẳng định trên cả hai phương diện dựng nước và giữ nước, cũng như đấu tranh chống bất công và cường quyền, Tăng, Ni và Phật tử Việt Nam đã khẳng định mình là một bộ phận gắn bó chặt chẽ với dân tộc, đã góp tiếng nói và công sức vào cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống và hạnh phúc của Nhân dân”[1]. Không chỉ ở mặt thời gian như triều đại Ngô, Đinh, Tiền, Lê, hay tới nhà Lý – Trần khi Phật giáo được coi như là Quốc giáo, trải qua thời Lê – Nguyễn đầy biến động, hay hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nhiều chông gai thử thách, ở mặt không gian dù ở thành thị hay rừng sâu núi thẳm, qua bậc đế vương hay người ẩn sĩ, một cách trực tiếp hay gián tiếp, khi thì hiển lộ, khi ẩn tàng đi… thì tinh thần nhập thế, hộ quốc an dân ấy vẫn không hề tách rời vận mệnh của dân tộc. Khi nhắc tới sự kiện chấn động thế giới, tự thiêu mình vì đạo pháp và dân tộc, chắc hẳn ai cũng nghĩ tới vị Đại Bồ Tát Quảng Đức. Sự kiện này vẫn được rất nhiều người quan tâm cho đến tận ngày hôm nay.

Screenshot 1

Tinh thần nhập thế, hộ quốc an dân là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của Phật giáo Việt Nam từ khi đạo Phật du nhập vào Việt Nam. Ảnh minh họa.

2. Khái niệm Nhập thế trong Phật giáo

2.1. Sự ra đời của khái niệm Nhập thế

Đầu thế kỷ XX, danh từ nhân gian Phật giáo (Humanistic Buddhism) xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc, tới năm 1937 khái niệm này được Nguyễn Trọng Thuật[2] viết trên báo Đuốc Tuệ như sau: “Chủ nghĩa Nhân gian Phật giáo đối với đạo Phật là phát biểu những điều chân chính có quan thiết đối với đời người ra để làm lợi ích cho đời, chứ không có gì là lạ khác”[3]. Vì ông quan niệm rằng: “Đạo Phật là đạo cứu tế, cứu thời, là đạo lấy chủ nghĩa bình đẳng, chủ nghĩa từ bi làm nghĩa vụ thực hành cứu độ cho loài người, là đạo ở nhân gian hiện tại, cho nên Ban Khảo cứu Hội Phật giáo chúng tôi hơn một năm nay chuyên tìm tòi những cái chủ nghĩa cốt yếu Nhân gian Phật giáo ấy để đề xướng lên và dâng cúng cùng thập phương giáo hữu.

Chỉ nguyền bể khổ tát vơi,

Xây đài Cực lạc giữa nơi Sa bà”.[4]

Năm 1964, cuốn sách Đạo Phật đi vào cuộc đời của Thiền sư Nhất Hạnh, nói về nhập thế là: “Đem đạo Phật đi vào cuộc đời có nghĩa là thể hiện những nguyên lý đạo Phật trong sự sống, thể hiện bằng những phương thức phù hợp với thực trạng của cuộc đời để biến cải cuộc đời theo chiều hướng thiện, mỹ. Chừng nào sinh lực của đạo Phật được trông thấy dào dạt trong mọi hình thức của sự sống chừng đó ta mới có thể nói được rằng đạo Phật đang thật sự hiện hữu trong cuộc đời” [5]. Mọi kiến thức trong Phật học phải được ứng dụng, thực hành trong cuộc sống thường hằng, qua đó mới thấy được tính dấn thân, tính hữu dụng của Phật học. Thêm nữa, tác phẩm Hoa sen trong biển lửa của Thiền sư Nhất Hạnh ra đời năm 1966, là sự khởi đầu của khái niệm Phật giáo nhập thế/ Phật giáo dấn thân như sau: “Cái tự thân của đạo Phật là đi vào cuộc đời rồi. Nếu không đi vào cuộc đời thì đâu còn là đạo Phật nữa? Điều này rất dễ hiểu. Chúng ta đã học Bát Chánh Đạo, chúng ta biết rằng Tứ Đế là một giáo lý khuyên chúng ta, chỉ dẫn cho chúng ta đối diện trực tiếp với khổ đau mà không phải chạy trốn khổ đau. Sự thật thứ nhất là sự có mặt của đau khổ và mình phải trực tiếp đối diện với đau khổ đó. Vậy thì ngay trong sự hình thành của Phật giáo ta đã thấy cái tính chất dấn thân rồi. Vì nếu không là dấn thân, nếu không phải là nhân gian, nếu không phải là đi vào cuộc đời, thì đạo Phật đâu còn là đạo Phật nữa?[6]. Như vậy, có thể thấy việc dấn thân là một tinh thần, một hành động đã được xác định rõ ràng, cụ thể, trực tiếp của Đạo Phật. Nếu thiếu đi việc dấn thân, như thiếu đi một phần tất yếu ý nghĩa của Đạo Phật. Kể từ đây, Phật giáo nhập thế chính thức được xác lập bản thân nó trong hệ thống Phật học và được cộng đồng quốc tế sử dụng chung.

Theo từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học xuất bản năm 2004 nhập thế được định nghĩa là “dự vào cuộc đời (thường là ra làm quan), gánh vác việc đời, không đi ở ẩn, theo quan niệm của Nho giáo” [7]. Quan điểm này tiếp cận khái niệm nhập thế từ quan điểm của Nho gia về “xuất”, “xử” của Nho gia, các nhà Nho xưa luôn cho rằng quân tử phải đem trí óc của mình giúp đời, phò vua để ổn định đất nước, chăm lo cuộc sống cho nhân dân, có thể thấy tư tưởng này chưa hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Phật giáo.

Từ điển Nho, Phật, Đạo do Lão Tử, Thịnh Lê chủ biên giải thích nghĩa từ nhập thế như một quá trình trong mối quan hệ biện chứng giữa chứng đạo và độ thế hành đạo: “Đạo gia cho rằng, tại gia mà tu đạo, đó có nghĩa là hòa nhập theo thế tục mà lập thân hành đạo, cho nên gọi là công phu nhập thế. Như Lão Tử thờ nhà Chu, Trương Lương phò nhà Hán, Lưu Cơ giúp nhà Minh hưng thịnh, đều gọi là công phu nhập thế, để đối lập với công phu xuất thế. Hơn nữa, nếu lại làm các việc đời để làm nên công đức sửa mình, giúp đời, độ thế hành đạo, vì thế gian mà làm mọi đạo đức tế vật, tích lũy công hạnh để chứng đạo quả thì đều gọi là công phu nhập thế”[8]. Quan niệm của các tác giả có phần Đạo học, nhưng cũng tương đối phù hợp với tinh thần nhập thế của Phật giáo.

Đại sư Tinh Vân – người khai sáng và lãnh đạo Phật Quang Sơn khi còn tại thế, cho rằng tất cả những giáo pháp của Đức Phật đều là Phật giáo nhập thế, nhưng sự xuất hiện của khái niệm này hiển nhiên không phải là từ thời cổ đại, mà mới chỉ xuất hiện trong thời gian gần trăm năm trở lại đây. Ông quan niệm như sau: “nói một cách đơn giản, chính là đưa Phật pháp vào trong đời sống, chính là chú trọng thực hiện Tịnh độ ngay trong thế giới này, chứ không phải là trông chờ ở sự báo đáp trong tương lai”[9]. Đó cũng chính là mục đích mà tổ chức Phật Quang Sơn do Đại sư thành lập không chỉ quan tâm đến lĩnh vực giáo dục mà còn cung cấp những chương trình văn hóa thông qua lời Phật dạy đến hàng vạn người trên khắp thế giới. Ông đã lấy việc thúc đẩy Phật giáo nhập thế làm chí hướng trong suốt cuộc đời mình, dùng ngôn ngữ đơn giản để hiển bày đạo lý sâu xa của Phật giáo, đó là Phật giáo ôm ấp sự sống, Phật giáo giải quyết việc sinh tử, Phật giáo hiện thực cuộc sống.

Tóm lại, các khái niệm như: Phật giáo nhập thế, Phật giáo dấn thân, nhân gian Phật giáo, nhân sinh Phật giáo, nhân thế Phật giáo… có những điểm khác nhau về cơ sở triết học hay mặt ứng dụng. Tuy nhiên, đều không tách rời ý nghĩa chung như sau: Nhập là bước vào, ở trong, cuộc sống của con người tại thế gian. Phật giáo với tổ chức, lực lượng, giáo lý của mình tham gia trực tiếp trong việc ứng dụng những lý thuyết của Phật học vào cuộc sống hằng ngày của nhân dân, xử lý tận gốc các vấn đề, giúp cho cuộc sống của con người tốt đẹp hơn.

2.2. Nhập thế trong Phật giáo

Cách đây hơn 2.500 năm, Đức Phật ra đời với mục đích “Khai ngộ chúng sinh nhập Phật tri kiến”, nghĩa là dẫn dắt chúng sinh ra khỏi sinh tử khổ đau, khai mở đạo đức, phẩm hạnh từ bi và trí tuệ cho tất cả chúng sinh,. Theo như Mahavagga (Đại phẩm -19,20), Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã khuyên: “Này các Thầy, hãy đi, hãy đi vì lợi lạc, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng lân mẫn đối với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của trời và người. Các Thầy hãy đi, đừng đi hai người cùng một hướng, hãy đi mỗi người một ngả, hãy truyền bá Chánh pháp”[10]. Người xuất gia phải đem đạo đức, trí tuệ và lòng từ bi của mình để giúp đỡ cho tất cả các chúng sinh.

Trong cuốn Quy Sơn cảnh sách viết về nhập thế như sau: “Phàm là người xuất gia, bước đi một bước vượt đến chân trời cao rộng, hình tướng và tâm hồn khác với người thế tục, làm cho dòng thánh hưng long, nhiếp phục ma quân, để trên báo đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ cho ba đường”.[11] Đây là tinh thần và mục đích nhập thế của Phật giáo.

Ở bất cứ giai đoạn, thời gian, hoàn cảnh nào thì những giáo lý của Phật học cũng đều phù hợp với hiểu biết và trí tuệ của thế gian: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mích bồ đề, do như cầu thố giác”[12] (Tạm dịch: Phật pháp ở ngay trong đời, quả vị giác ngộ không lìa đời mà tựu thành, tách xa trần thế tìm bồ đề thì cũng tựa như đi tìm lông rùa sừng thỏ

Nhà nghiên cứu Ken Jones định nghĩa về Phật giáo Nhập thế “là một áp dụng của một quá trình xã hội, kinh tế, chánh trị và môi sinh phát sinh từ quan điểm nhân sinh của Đạo Phật”.[13] Phật giáo nhập thế trên cơ sở giáo lý của Đạo Phật để tham dự, bước vào nhập cuộc, thực hiện hành động để chuyển hóa hoàn cảnh khách quan bên ngoài. Đối tượng thực hiện hành động nhập thế phải thường xuyên tu luyện để làm lớn mạnh bên trong về nhiều mặt, việc này phải được diễn ra liên tục, tuần hoàn, có kế hoạch. Nhập thế ở đây không chỉ là làm việc xã hội hay đi làm từ thiện, mà đòi hỏi một tinh thần quyết tâm cao độ nhập cuộc để có những thay đổi theo hướng mới và tạo ra các kết quả tích cực nhằm giảm bớt những nỗi thống khổ bi ai của con người tại nhân gian.

Nhằm cổ vũ và trình bày hai đặc điểm chính của nhập thế, TT.TS Thích Nguyên Đạt khẳng định:“Phật giáo nhập thế được hiểu bằng tiếng việt như Đạo Phật vào đời, đạo Phật dấn thân hay Đạo Phật nhập cuộc” [14], vậy nhập thế được coi là bản chất và hình thái Phật giáo của thời hiện đại và hậu hiện đại.

Ông Allie B. King đã viết trong “Socially Engaged Buddhism – Dimensions of Asian Spirituality” như sau: “Phật giáo nhập thế (Engaged Buddhism) là một hình thức đương đại của Phật giáo, tham gia tích cực nhưng không bạo lực để giải quyết các vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị, môi trường. Ở trạng thái tốt nhất, sự tham gia này không tách rời khỏi tinh thần của Phật giáo, mà là một biểu hiện của nó”[15]. Giá trị của Phật giáo nhập thế được thể hiện thông qua những hành động thực tiễn của mình với mục đích giải quyết các vấn đề cấp bách của xã hội và trong mọi lĩnh vực trên toàn cầu.

3. Tinh thần nhập thế, hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam trước thế kỷ XX

Tinh thần nhập thế của Phật giáo đã có từ thời Mâu Tử, nhưng dưới thời Vua Trần, thì được phát triển mạnh mẽ nhất. Đặt nền móng cho tinh thần nhập thế ấy là khi tướng Trần Thủ Độ nói với Vua Trần Thánh Tông: “Tôi dám nói rằng bệ hạ vì sự tự tu cho riêng mình mà làm vậy thì được, nhưng còn quốc gia xã tắc thì sao? Nếu để lời khen suông cho đời sau thì sao bằng lấy ngay thân mình làm người dẫn đạo cho thiên hạ?”[16]. Đặc biệt, trong thế kỷ XIII-XIV dưới sự thành công của vua Trần Nhân Tông đã linh hoạt trong tinh thần nhập thế – xuất thế, cầm quân đánh giặc rồi về lo bình yên xã tắc, cuộc sống no đủ cho nhân dân, sáng lập lên dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, với tư tưởng “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên, Cơ tắc xan hề khốn tắc miên. Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch, Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”. (Dịch: Ở đời vui đạo, hãy tùy duyên, Đói cứ ăn đi, mệt ngủ liền. Trong nhà có báu, thôi tìm kiếm, Đối cảnh vô tâm, chớ hỏi thiền)[17]. Nếu Sơ Tổ là người khai sáng, mở dường, dẫn nối thì nhị tổ Pháp Loa là người kế thừa tư tưởng và phát triển những đường lối đó, vận dụng được mọi sức mạnh để phát triển rực rỡ phù hợp với thời thế.  Tiếp nối là Tam tổ Huyền Quang đã lan rộng tư tưởng của Trúc Lâm phổ biến khắp trong phạm vi xã hội, con dân tiếp cận được kiến thức giáo lý phật pháp “phải tự thân rút lui vũ đài chính trị để có điều kiện đi vào hoạt động trong lòng xã hội… không bao giờ xác lập giáo quyền và thế quyền cho chính mình… chủ động an trú trong thâm sơn Thanh Mai và Côn Sơn để xác lập một hướng đi mới cho Phật giáo không gắn với quyền lợi triều đình mà gắn liền dân chúng trong sự bình an với một tinh thần vô trụ, vô ngã”. [18]

Tiếp đến thời Lê – Nguyễn (thế kỷ XV-XIX), do chiến tranh kéo dài, đất nước chia cắt, Phật giáo Việt Nam rơi vào tình trạng suy thoái. Tư tưởng đồng hành cùng dân tộc được thể hiện qua tư tưởng của các bậc tổ sư, thiền sư cao tăng đưa giáo lý của Phật pháp lui về nơi thôn dã, tiếp xúc với đông đảo quần chúng nhân dân. Phải kể đến như thiền sư Hương Hải nói về việc muốn nhập thế trước tiên cần phải tu, hiểu mình trước rồi mới hiểu đời: “Về lắng nghe mình mỗi xét xem, thẩm tra suy nghĩ khéo trông thêm, chớ tìm tri thức trong mơ mộng, sẽ thấy bóng thầy trên mặt mình”[19]. Thiền sư Chân Nguyên hết mình phụng sự việc đạo – đời: “Bè từ bi thênh thênh rộng rãi, mặc sức chở người; Thuyền Bát-nhã thăm thẳm bao la, dầu lòng độ khách”[20]. Thiền sư Hải Lượng khai phóng khỏi những khó khăn danh vọng ở hiện tại để hòa mình vào cuộc sống lầm than của nhân dân:“Hà thời vũ khố thác cung thỉ, Hạc cốt sương đề phản cố lâm”. (Bao giờ đút túi cung tên cất vào kho vũ khí Xương hạc, móng sương trở về rừng xưa)[21]. Thiền sư Toàn Nhật ca ngợi “đề cao quan niệm sống thoát ly để nhập cuộc một cách mạnh mẽ và hào hùng”[22] … Tinh thần nhập thế luôn tồn tại, khi ẩn, khi hiện. Không vì ngoại cảnh mà yếu thế đi, dù được trọng dụng hay không, ở bất cứ địa vị hay môi trường nào, thì tinh thần ấy vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc, đúng với bản sắc tùy duyên, tùy tục, nhập thế, hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam.

Những năm đầu thế kỷ XX, tình hình đất nước vẫn bị ngoại bang xâm chiếm, dân chúng lầm than, Phật giáo suy đồi. Thực hiện công cuộc chấn hưng Phật giáo, tích cực tham gia sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, thực hiện diệt giặc đói, giặc dốt, phát triển cơ quan ngôn luận, tham gia phong trào nam tiến…Tăng Ni, Phật tử trên khắp cả nước đã tích cực hưởng ứng: “Cương quyết xếp cà sa mặc chiến bào cùng với toàn thể quốc dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái chờ mệnh lệnh của Chính phủ dân chủ cộng hòa, để giữ vững chủ quyền của nước Việt Nam, thề chết không để mất một tấc đất nào cho thực dân Pháp”[23], kết quả 7-5-1954 chiến thắng Điện Biên Phủ, đưa tới 21-7-1954 ký kết Hiệp định Genève, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

4. Tinh thần nhập thế, hộ quốc an dân của Bồ Tát Quảng Đức

4.1 Bồ tát là gì?

Bồ-tát (chữ Hán: 菩薩), đầy đủ là Bồ-đề-tát-đóa (chữ Hán: 菩提薩) phiên âm từ tiếng Phạn Bodhisattva, dịch ý là Giác hữu tình (chữ Hán: 覺有情) hoặc Đại sĩ (chữ Hán: 大士), là những bậc trong Tam thập tam thiên thế giới, cứu giúp chúng sinh bằng hạnh Bồ-tát (Bồ-tát Maha tát). [24] Theo quan điểm của Phật giáo Thượng Tọa bộ Bồ-tát thực hành ba mươi pháp ba la mật hoặc sáu pháp ba la mật đa theo quan điểm của phần lớn bộ phận Phật giáo Đại thừa.

Phật Quang Đại từ điển viết: “Bồ Tát là chỉ cho người tu hành trên cầu Vô thượng bồ- đề bằng trí tuệ, dưới hóa độ chúng sinh bằng tâm từ bi, tu các hạnh Ba-la-mật và trong vị lai sẽ thành tựu quả Phật. Cũng tức là người dũng mãnh cầu bồ đề, tròn đủ hai hạnh lợi mình và lợi người”[25]. Danh từ Bồ tát chỉ những người có lý tưởng trong Phật giáo, không nản chí, không đo đếm bằng đơn vị thời gian dài hay ngắn, không bó hẹp trong phạm vi là người xuất gia hay tại gia, trên con đường dấn thân phụng sự chúng sinh trên khắp lĩnh vực, góp hương thơm cho đời và đạo ngày một đơm bông khởi sắc.

Trong cuộc đời nhân thế, các vị Bồ tát ẩn hiện trong các hình hài khác nhau, bỏ qua nhu cầu của cá nhân, để tình nguyện làm lợi cho chúng sinh, vì hạnh phúc và an vui cho người khác. Bộ Bách Khoa Tôn giáo viết: “Bồ Tát Bodhisattva đề cập đến hoặc một người đang mưu cầu giác ngộ (Bodhi) hoặc một chúng sinh giác ngộ (Bodhi being), nghĩa là chúng sinh ấy chắc chắn sẽ chứng đắc quả vị Phật. Sự giải thích khác về nó như một chúng sinh mà tâm của người ấy đã trở nên vững chắc ở sự giác ngộ, cũng được truyền thống công nhận.”[26] Phật giáo Việt Nam đã sản sinh nên những bậc Bồ Tát cùng chung tay xây dựng góp phần bảo vệ văn hóa dân tộc và phát triển đạo mầu đến khắp nhân sinh.

4.2. Tiểu sử của Bồ Tát Quảng Đức

Bồ Tát Quảng Đức, thế danh Lâm Văn Tuất, sinh 29-10-1898 tại tỉnh Khánh Hòa, là con út trong một gia đình có bảy anh chị em, thân mẫu là Bà Nguyễn Thị Nương, thân phụ là Ông Lâm Hữu Ứng. Bồ tát xuất gia học đạo lúc 7 tuổi với cậu ruột là Hòa Thượng Thích Hoằng Thâm, đổi tên là Nguyễn Văn Khiết.  Khi 15 tuổi dự vào dòng Thích tử, 20 tuổi thọ đại giới Tì – Kheo, lấy pháp danh là Thị Thủy, pháp tự Hạnh Pháp, pháp hiệu Quảng Đức, thuộc phái Chúc Thánh, đời thứ 42 thiền tông Lâm Tế thế hệ thứ 9.

Sau thọ đại giới, ông chuyên tu khổ hạnh, một y một bát vân du hóa đạo khắp nơi. Sau về nhập thất chuyên tu tại chùa Thiên Ân, Nha Trang.

Năm 1932, ông giữ chức kiểm tăng tại Chi Hội Phật giáo Ninh Hòa, sau chuyển tới kiểm tăng trong tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, ông đã tiến hành sửa chữa và xây mới 14 ngôi chùa. Ông cho đúc 2 chuông lớn tại ngôi chùa Thiên Lộc trên ngọn núi Ninh Hòa nơi ông từng nhập thất tịnh tu, đến ngày nay vẫn còn.

Năm 1934, ông vào miền Nam để giáo hóa, trong khoảng thời gian 20 năm hành đạo đã xây dựng và sửa chữa 17 ngôi chùa. Trong thời gian này, Ông đến Campuchia hai năm để giúp đỡ các Kiều bào và nghiên cứu kinh điển theo truyền thống Theravada.

Năm 1953, ông được cung thỉnh làm Trưởng Ban Nghi Lễ của Giáo Hội Tăng Già Nam Việt. Theo lời của Cư sĩ Tâm Bửu đã từng nhiều lần gặp Bồ tát Quảng Đức có nhắc lại như sau: “Đó là một nhà sư gầy gò với đôi mắt nhân hậu, bao dung. Đời tu hành của ngài là một huyền thoại lặng lẽ… bồ tát có ánh mắt hiền từ, đôi khi phảng phất nét buồn trầm lặng.”[27]

Ngôi chùa cuối cùng mà Bồ Tát Quảng Đức trụ trì là chùa Quán Thế Âm (Nguyễn Huệ, Q.Phú Nhuận, Gia Định). Trước khi tự thiêu, Bồ tát đã để lại bốn văn bản vô cùng quan trọng : 5 bài thơ chữ Nôm, bài Lời Nguyện Tâm Quyết bằng chữ Nôm, Tờ Di Chúc cho chùa Quán Thế Âm, cuối cùng là Tờ Di Chúc gồm có 10 điều trước ngày tự thiêu.

4.3. Tinh thần nhập thế của Bồ tát Quảng Đức

Pháp nạn 1963, Phật giáo Việt Nam ở miền Nam phải trải qua một thời kỳ gian khổ, khốc liệt nhất. Tăng, ni, phật tử đã hi sinh xương máu và nước mắt, phải tuyệt thực, thiêu thân để bảo vệ chánh pháp. Trong hoàn cảnh đó, Hòa thượng Quảng Đức nhận thấy “tôi là một tu sĩ mệnh danh là Trưởng Tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật giáo tiêu vong”[28]. Ngày 27-5-1963, Hòa thượng Quảng Đức đến chùa Ấn Quang gặp Hòa thượng Thích Thiện Hoa – Trưởng Trị Sự giáo hội Tăng già Nam Việt, nộp đơn trình bày tâm nguyện của mình xin thiêu đốt nhục thân quyết bảo vệ đạo Pháp cũng như sự tồn vong của đất nước Việt Nam. Trong đơn, Hòa thượng Quảng Đức khẳng định: “Tinh thần Phật giáo đã gắn liền với tinh thần quốc gia dân tộc, Phật giáo thịnh thì quốc gia thịnh, Phật giáo suy thì quốc gia suy, điều này lịch sử đã minh nhận”.[29]

Lời tâm nguyện của Hòa thượng Thích Quảng Đức trước lúc tự thiêu như sau:

“Tôi pháp danh Thích Quảng Đức, Hòa thượng trụ trì Chùa Quán Âm Phú Nhuận (Gia Định).

Nhận thấy Phật giáo nước nhà đương lúc ngửa nghiêng, tôi là một tu sĩ mệnh danh là trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật Pháp tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo.

Mong ơn mười phương chư Phật, chư Đại Đức Tăng Ni chứng minh cho tôi đạt thành chí nguyện như sau:

Mong ơn Phật Tổ gia hộ cho Tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản tuyên ngôn.

Nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường cửu bất diệt.

Mong nhờ hồng ân chư Phật gia hộ cho chư Đại đức Tăng Ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi tai nạn khủng bố bắt bớ giam cầm của kẻ gian ác.

Cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc.

Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho Tổng thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân và thi hành chánh sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thủa.

Tôi tha thiết kêu gọi chư Đại Đức Tăng Ni và Phật tử nên đoàn kết nhất trí hy sinh để bảo tồn Phật giáo.

Nam Mô A Di Đà Phật

Làm tại chùa Ấn Quang, ngày mùng 8 tháng 4 nhuần năm Quý Mão

Tỳ kheo Thích Quảng Đức

Kính bạch”[30]

Trong lời tâm nguyện có nhấn mạnh“Cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc” là một mục tiêu tối thượng của con người có lòng từ bi cao quý, bỏ qua những mưu cầu của cá nhân, luôn đặt vận mệnh của non sông và con người lên hàng đầu. Hi sinh thân mình để bảo vệ những điều thiêng liêng, hẳn cũng là lòng từ bi của Đức Phật, của Đạo Bụt, của nhà vua Trần Nhân Tông,của những bậc Bồ tát cũng là sứ mệnh cao cả trong công cuộc dựng nước và giữ nước từ ngàn xa xưa. Cuộc tranh đấu Phật giáo 1963 không bó hẹp trong khuôn khổ đấu tranh để mưu cầu cho sự bình đẳng và quyền tự do tôn giáo, mà còn là công bằng xã hội, quyền tự do, quyền được sống của con người.

“Vị pháp thiêu thân vạn cổ hùng uy thiên nhật nguyệt

Lưu danh bất tử bá niên chánh khí địa sơn hà”[31]

Đó là câu đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân viết để tôn vinh Bồ Tát Quảng Đức khi nhận được tin Bồ Tát Quảng Đức tự phát nguyện lấy thân mình làm ngọn đuốc sáng cúng dường Tam Bảo, bảo vệ chánh pháp, thức tỉnh lương tri chấn động địa cầu ngày 20 tháng 4 năm Quý Mão. Đúng là:

Khắp thế giới mười phương

Thiêu thân cúng dường Phật

Thành tựu pháp vô úy

Việt Nam bậc thần tăng[32]

Ngày 11-6-1963, tại chùa Phật Bửu sau khi tiến hành xong lễ cầu siêu, số lượng lớn tăng ni tham gia diễu hành trên đường phố với mục đích là yêu cầu Chính quyền Ngô Đình Diệm phải thực thi 5 nguyện vọng của Phật giáo đã đề ra trước đó, chấm dứt chính sách kỳ thị tôn giáo. Hòa thượng Quảng Đức bước xuống xe, ngồi tại ngã tư, tự châm lửa đốt mình, khi lửa bùng cháy, Hòa thượng vẫn ngồi an nhiên trong tư thế kiết già thiền định tam muội. Khi lửa bắt đầu hạ ngọn, Hòa thượng gật đầu 3 lần để thay lời từ biệt Tăng Ni Phật tử. Sự kiện chấn động lương tri địa cầu này xảy ra ở ngã tư Phan Đình Phùng và phố Lê Văn Duyệt (nay là CMT8 – Nguyễn Đình Chiểu). Điều linh thiêng là khi tự thiêu chính là trái tim của Bồ tát dù bị nung nóng trên 4000 độ C vẫn giữ y nguyên không bị thiêu cháy. Hiện nay, trái tim của Bồ tát Quảng Đức được thờ trong bảo tháp Việt Nam Quốc Tự (Q.10 -TP. HCM). Trái tim bất diệt của Bồ tát chính là ngọc xá lợi. Trái tim này không phải chỉ bằng xương bằng thịt bình thường mà là trái tim từ bi, bác ái của Bồ Tát chứa đựng những giá trị tâm linh tinh thần đạo hạnh bất diệt.

Phóng viên David Halberstam khi đó giữ chức vụ trưởng đại diện hãng thông tấn AP tại Sài Gòn[33] có mặt chứng kiến cuộc hỏa thiêu của Bồ tát, ngay sau đó đã viết trên tờ New York Times: “I was to see that sight again, but once was enough. Flames were coming from a human being; his body was slowly withering and shriveling up, his head blackening and charring. In the air was the smell of burning human flesh; human beings burn surprisingly quickly. Behind me I could hear the sobbing of the Vietnamese who were now gathering. I was too shocked to cry, too confused to take notes or ask questions, too bewildered to even think…. As he burned he never moved a muscle, never uttered a sound, his outward composure in sharp contrast to the wailing people around him”[34] (Tạm dịch: Tôi chứng kiến thêm lần nữa, nhưng một lần đối với tôi là quá đủ rồi. Một người bốc cháy; cơ thể của ông ấy đang dần khô lại và nhỏ đi, phần đầu của ông ấy đen lại và cháy thành than. Có mùi cháy khét của thịt người và cháy nhanh một cách đáng kinh ngạc. Từ phía sau lưng, tôi có thể nghe tiếng khóc của những người Việt. Khi đó tôi đã quá sốc để có thể khóc, quá bối rối để kịp ghi chép hay đặt ra bất cứ câu hỏi nào, quá hoang mang để suy nghĩ… Khi thân thể đốt cháy, ông ấy không hề cử động, không hề phát ra một âm thanh nào, vẻ ngoài điềm tĩnh của ông ấy trái ngược với cảnh những người đang khóc than xung quanh). Bài tường thuật cùng với những bức hình do nhà báo chụp lại, được rất nhiều các hãng báo trên khắp thế giới đăng lên trang đầu. Đối với đông đảo độc giả nước ngoài, họ bắt đầu tò mò đưa sự tập trung hướng về những thứ đang diễn ra ở Việt Nam, một vùng trời ở Đông Nam Á, “là một sự tố cáo, lên án trước dư luận toàn thế giới chế độ độc tài cực kỳ tàn bạo của bọn Mỹ – Diệm. Chế độ ấy phải bị đánh đổ. Mười bốn triệu đồng bào miền Nam quyết đánh đổ chế độ ấy”[35], theo như thiền sư Thích Nhất Hạnh “sự kiện ấy là sự thách thức bi thống mà hùng tráng của lực tượng tâm linh nhân bản đối với thế lực,…hiếp đáp ngoại bang”. [36]Đối với Phật giáo Việt Nam thì“cái chết vô úy của Hòa thượng Thích Quảng Đức là hồi chuông cảnh tỉnh mọi người, một tiếng gọi đàn cho hàng tứ chúng” [37]. Cuộc tranh đấu Phật Giáo 1963 được toàn dân, toàn quân ủng hộ và thế giới tán đồng. Sự hi sinh của Bồ Tát Thích Quảng Đức đặt ra một dâu chấm hỏi lớn cho toàn nhân loại đó là: “Người ta có thể tự hỏi sự khủng khiếp và niềm phẫn hận nào đã có thể khiến cho một người của ‘Tình Thương’ của ‘Hòa Bình’, quyết chí tự thiêu?[38]. Không một ai có thể bàng quang trước cuộc tranh đấu gìn giữ hòa bình của Phật tử Việt Nam.

Trong Kinh Pháp Hoa có nói về hai vị Bồ Tát Dược Vương và Bồ Tát Dược Thượng cũng đốt tay dâng cúng Phật, chắc hẳn Hòa thượng Quảng Đức đã thẩm thấu tất thảy mọi điều diệu ý trong Kinh văn này. Khi Hòa thượng phát nguyện tự thiêu thân mình cúng dường cho Phật pháp, có lẽ Hòa thượng đã đạt tới cảnh giới vô ngã, thấu rõ tứ đại giai không. Nếu một người bình thường, không có chí nguyện lớn và không có công phu tu tập, thì không thể vượt qua nổi. Hòa thượng là tấm gương cho việc thực tập và tu hành luôn song hành tịnh tiến với nhau.

Bởi để phát được lời đại nguyện hy sinh vì Phật Pháp, chịu được sức nóng thiêu đốt, thì chắc chắn rằng trong cuộc đời tu hành của Hòa thượng đã rất nghiêm khắc và miên mật thực hành. Khi lửa cháy khắp thân thể, Hòa thượng vẫn an nhiên tọa thiền niệm Phật, có lẽ Hòa thượng đang nhập vào đại định tam muội. Dù thiêu thân mình cũng chỉ muốn thức tỉnh lương tri không hề có ý niệm sân hận đối với những người, những thế lực đang bức hại Phật giáo. Tư tưởng Bi, Trí, Dũng được Hòa Thượng Thích Quảng Đức viết trong tập Diễn Giảng rằng người nào chiến thắng được giặc, bao gồm giặc nội tâm và kể cả giặc ngoại cảnh, thì người đó có đại hùng và đại lực: “Đem sức mạnh ngàn cân, dùng trăm mưu vạn chước để đánh bại kẻ đối phương, người đời làm được dễ dàng gọi là anh hùng bạt tỵ mà thử hỏi những người ấy có ai thắng nổi tất cả dục vọng của mình chưa, hay là ai cũng như ai đều chịu dưới mệnh lệnh của vọng tâm mình sai khiến. Thế thì thắng người rất dễ, thắng ngoại cảnh cũng thường. Vả lại, thắng mình thật khó, thắng nội tâm hết sức gay go…”[39]. Bồ tát Quảng Đức là một trong những minh chứng sống động thời hiện đại của tinh thần Bồ Tát trong Phật giáo: Đại lực, đại bi và vô úy. Chắc chắn rằng trái tim từ bi vô lượng cùng sự hy sinh to lớn của Bồ Tát cho đạo pháp và dân tộc sẽ mãi mãi trường tồn trong tâm thức Tăng Ni Phật tử cũng như con người Việt Nam

5. Thay lời kết

Sáu mươi năm đã trôi qua, khi nhắc về tinh thần nhập thế hộ quốc an dân, ngọn lửa thiêng của Bồ Tát Quảng Đức vẫn nguyên vẹn, soi đường cho chính nghĩa và cho những ai yêu chuộng công lý, hòa bình. Trái tim từ bi hùng lực bất tử của Bồ Tát Quảng Đức chính là kết tinh đạo lực tu hành, nếp sống đạo hạnh và tâm từ bi quảng đại vì chúng sinh. Mỗi người con Phật chúng ta hôm nay, không luận là xuất gia hay tại gia cần tu học, tinh tấn rèn luyện bản thân để có được những phẩm chất cao quý như các bậc Bồ tát, có được tâm đại hùng, đại lực, đại bi, đại trí, đại dũng, góp phần làm lợi ích cho đời, cho đạo, cho mọi người và vạn loại chúng sinh theo tinh thần từ bi vô ngã của Phật giáo.

Tác giả: Thích Nữ Thanh Quế – BTV Lưu Hồng Hoa


Chú thích:

[1] Lê Cung (2008), Phong Trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.337.

[2]  Nguyễn Trọng Thuật ( 1883- 1940) bút danh Đồ Nam Tử, là học giả, tiểu thuyết gia, thư ký ban  biên tập báo Đuốc Tuệ

[3] Nguyễn Trọng Thuật, “Nhân gian Phật giáo”, Đuốc Tuệ, số 55, ngày 15-2-1937.

[4] Trích Báo giáo ngộ, https://giacngo.vn/do-nam-tu-nguyen-trong-thuat-post11385.html, đăng ngày 19-12-2010.

[5] Thích Nhất Hạnh (1964), Đạo Phật đi vào cuộc đời, Nxb. Lá Bối, Sài Gòn, tr. 41.

[6] Thích Nhất Hạnh (2009), “Lịch sử Đạo Bụt nhập thế”, Phiên tả pháp thoại của TS. Nhất Hạnh ngày 6-7 tháng 5 năm 2008 tại Khách sạn Kim Liên, Hà Nội trong khóa tu của các thiền sinh Tây phương nhân dịp Đại lễ Phật Đản Quốc Tế Liên Hiệp Quốc 2008, Lá thư Làng Mai số 32, ngày 1-1-2009.

[7] Viện Ngôn ngữ học (2004), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, tr 714.

[8] Lão Tử, Thịnh Lê chủ biên (2001), Từ điển Nho, Phật, Đạo, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.1001.

[9] Đại sư Tinh Vân (1997), Phật quang học, Phật Quang sơn tôn vụ uỷ viên hội, Cao Hùng, tr. 1.

[10] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng Bộ 1, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2013, tr. 178.

[11] Thích Hành Trụ (1970), Quy Sơn Cảnh Sách, Nxb. Sen Vàng, tr.32.

[12] Hòa Thượng Tuyên Hóa (2010), Kinh Lục Tổ Pháp Bảo Đàn, Nxb. Tôn Giáo, tr. 153.

[13] Ken Jones (1989), The Social Face of Buddhism, London, p.223.

[14] Viện Trần Nhân Tông (2018), Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.222.

[15] Allie B. King (2009), Socially Engaged Buddhism – Dimensions of Asian Spirituality, University of Hawaii press, Honolulu,p 1.

[16] Thích Thanh Từ (2008), Khóa hư lục giảng giải, Nxb Tổng hợp TP.HCM, tr.10.

[17] Lê Mạnh Thát  (2000), Trần Nhân Tông toàn tập, Nxb TP.HCM, tr.414.

[18] Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích Nữ Thanh Quế (2021), Đại Cương tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, TP.HCM, tr.231.

[19] Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Minh Châu Hương Hải, Nxb TP. HCM, tr.113

[20] Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập 1, 2, 3 Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr.728

[21] Mai Quốc Liên chủ biên, Đỗ Thị Hảo, Kiều Thu Hoạch, Trần Huy Hân (2001), Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 1, Nxb Văn Học, Hà Nội, tr.305

[22] Lê Mạnh Thát (2005), Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài, tập I, Nxb Tổng hợp TP.HCM, tr.179.

[23] Nguyễn Đại Đồng (2008), Biên niên sử Phật giáo miền Bắc (1920 -1953), Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr.274.

[24] Theo https://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BB%93_t%C3%A1t

[25] Thích Quảng Độ dịch (1999), Phật Quang Đại Từ Điển, tập I, tr.765.

[26] Mircea Eliade (1987), The Encyclopaedia of Religion, Collier Macmillan Publishers, New York, tập II, tr. 265.

[27] Theo Trái tim bất tử, Kỳ 2: Một huyền thoại lặng lẽ, đăng trên báo tuổi trẻ, ngày 31-5-2010

https://tuoitre.vn/trai-tim-bat-tu—ky-2-mot-huyen-thoai-lang-le-381348.htm

[28] Lời Nguyện Tâm Quyết của Bồ Tát Thích Quảng Đức. Trích trong: Thích Nhật Từ (2014), Bồ Tát Thích Quảng Đức cuộc đời và lửa từ bi, Nxb Phương Đông, tr.57

[29] Thích Nhật Từ (2014), Bồ Tát Thích Quảng Đức cuộc đời và lửa từ bi, Nxb Phương Đông, tr.2

[30] Lời Nguyện Tâm Quyết – Hòa Thượng Thích Quảng Đức

[31] Báo Sài Gòn Giải Phóng, ngày 30-5-2005

[32] Thích Hạnh Tuệ, Lưu Hồng Hoa, Nguyễn Ngọc Tấn (2022), Hạnh phúc chỉ nam, Nxb Phụ nữ, tr.232

[33] Jacobs, Seth (2006), Cold War Mandarin: Ngo Dinh Diem and the Origins of America’s War in Vietnam, 1950–1963, Lanham: Rowman & Littlefield, p 147.

[34] Halberstam, David (1965), The Making of a Quagmire, New York: Random House, p.211

[35] “Lửa căm hờn rực cháy, xã luận báo Nhân Dân, ngày 13-6-1963, tr.1

[36] Thích Nhất Hạnh (1969), Cuộc đấu tranh bất bạo động ở Việt Nam, tr 97-98

[37] Diễn từ của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết – Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam; sau lễ hỏa thiêu nhục thân của Hòa thượng Thích Quảng Đức, Tài liệu lưu tại chùa Từ Đàm, Huế.

[38] Tuần báo New York Times (Nữu Ước Thời Báo), tháng 6-8.1963

[39] Thích Nhật Từ (2014), Bồ Tát Thích Quảng Đức cuộc đời và lửa từ bi, Nxb Phương Đông, tr.47

Tài liệu tham khảo:

Tiếng Việt:
1. Hòa Thượng Tuyên Hóa (2010), Kinh Lục Tổ Pháp Bảo Đàn, Nxb Tôn Giáo.
2. Lão Tử, Thịnh Lê (2001), Từ điển Nho, Phật, Đạo, Nxb Văn học, Hà Nội
3. Lê Cung (2003), Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, Nxb Thuận Hoá.
4. Lê Cung (2019), Tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam (1945-1975), Nxb Tổng hợp, TP. HCM.
5. Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Minh Châu Hương Hải, Nxb TP. HCM.
6. Lê Mạnh Thát (2005), Bồ Tát Quảng Đức: Ngọn Lửa và Trái Tim Nxb Tổng Hợp, TPHCM.
7. Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập 1, 2, 3 Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
8. Nguyễn Đại Đồng (2008), Biên niên sử Phật giáo miền Bắc (1920 -1953), Nxb Tôn Giáo, Hà Nội.
9. Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận. tập I-II-III, Nxb Phương Đông.
10. Thích Hành Trụ (1970), Quy Sơn Cảnh Sách, Nxb. Sen Vàng.
11. Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Tương Ưng Bộ 1, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội.
12. Thích Nhất Hạnh (1964), Đạo Phật đi vào cuộc đời, Nxb. Lá Bối, Sài Gòn
13. Thích Nhật Từ (2014), Bồ Tát Thích Quảng Đức cuộc đời và lửa từ bi, Nxb Phương Đông
14. Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích Nữ Thanh Quế (2021), Đại Cương tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, TP.HCM.
15. Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích Nữ Thanh Quế, Đinh Văn Viễn (2022), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.
16. Thích Thanh Từ (2008), Khóa hư lục giảng giải, Nxb Tổng hợp TP.HCM
17. Viện Ngôn ngữ học (2004), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng.
18. Viện Trần Nhân Tông (2018), Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tiếng Anh:
19. Jacobs, Seth (2006), Cold War Mandarin: Ngo Dinh Diem and the Origins of America’s War in Vietnam, 1950–1963, Lanham: Rowman & Littlefield.
20. Nhat Hanh (1967), Vietnam: Lotus in a Sea of Fire. Hill and Wang, Inc. New York.
21. Mircea Eliade (1987), The Encyclopaedia of Religion, Collier Macmillan Publishers, New York.
22. Halberstam, David (1965), The Making of a Quagmire, New York: Random House

Thông tin tác giả:

TS. Thích Nữ Thanh Quế

– Ủy viên Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam , Chánh Thư ký Trung tâm nghiên cứu PGVN

– Giảng viên Học viện PGVN tại TPHCM

– Trưởng Ban TTXH Phật giáo tại Đà Nẵng

– Chủ tịch Quỹ Học Bổng Minh Trần

– Thành viên Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TPHCM

– Đã có 5 tác phẩm (viết chung và riêng) và 20 bài nghiên cứu, bài báo, tham luận quốc gia và quốc tế công bố trên các tạp chí, báo trung và địa phương.

Biên tập viên CN Lưu Hồng Hoa

– Ủy viên, Chánh Văn Phòng Trung tâm Nghiên cứu PGVN  – Viện Nghiên cứu PHVN

– Thành viên Ban Giám đốc Trung tâm Nhân đạo Minh Trần

– Thành viên Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TPHCM.

– Đã có 1 tác phẩm ( viết chung); Biên tập 10 đầu sách, 10 bài báo, tham luận khoa học đã công bố trên các tạp chí trung ương và địa phương

– Đã có kinh nghiệm biên tập hơn 10 đầu sách thuộc thể loại văn, triết, sử (TT PGVN)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Đóng góp của thiền phái Liễu Quán trong việc khẳng định chủ quyền của người Việt trên vùng đất phương Nam
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Từ khi xuất hiện cho đến khi tổ Thiệt Diệu Liễu Quán viên tịch, dòng thiền Liễu Quán được thắp sáng và lan tỏa chánh pháp bởi các đệ tử và các pháp tôn. Trong các thế kỉ XVII – đầu thế kỉ XIX, Thiền phái Liễu Quán ra đời, phát triển và mở...

Tục Bầu Hậu Phật qua một số văn bia ở Thanh Hóa
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

DẪN NHẬP Bầu Hậu Phật, lập Hậu Phật là hoạt động văn hóa trong sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo ở làng xã nước ta trước đây. Người gửi hậu Phật có thể là do hoàn cảnh, nhu cầu và mục đích khác nhau, nhưng tựu trung, hoạt động này phản ánh tâm linh, tư...

Phổ hệ truyền thừa thiền phái Liễu Quán tại Khánh Hoà
Lịch sử, Nghiên cứu

Thiền phái Liễu Quán, một trong năm thiền phái của dòng thiền Lâm Tế có sự ảnh hưởng lớn ở nước ta. Trong dòng chảy lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế tại Việt Nam, Liễu Quán tuy ra đời muộn nhưng là dòng thiền có phạm vi rộng khắp bởi tính bản địa....

Hành trình Phật giáo du nhập vào Trung Quốc thông qua Con đường tơ lụa
Lịch sử, Nghiên cứu

BƯỚC ĐƯỜNG TÂY CHINH VÀ LỘ TRÌNH KHAI THÔNG THƯƠNG MẠI – VĂN HÓA Trung Quốc là nước đầu tiên tìm ra cách trồng dâu nuôi tằm, lấy kén ươm tơ, dệt lụa sớm nhất trên thế giới cổ đại. Tơ lụa thời đó được dành riêng cho vua chúa và hàng quý tộc, sau...

Thiền sư Nguyên Thiều cầu nối cho sự giao lưu Phật giáo Trung-Việt thế kỷ XVII-XVIII
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Giữa thế kỷ XVIII, Thiền sư Nguyên Thiều thuộc thiền phái Lâm Tế đời thứ 33, từ Quảng Đông chấn tích đến Đàng Trong truyền đạo. Dưới uy đức và đạo hạnh của Ngài cùng sự hộ trì của chính quyền chúa Nguyễn, Phật giáo Đàng Trong đã từng bước khởi sắc và...

Tính dân gian trong Phật giáo ở Thừa Thiên Huế
Nghiên cứu, Văn hóa

DẪN NHẬP Đối với người Việt, Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, có quá trình gắn bó và phát triển lâu dài trong lịch sử dân tộc. Trong quá trình định cư của cư dân Việt trên vùng đất được mệnh danh là “Ô châu ác địa”, “lam sơn...

Nguyên Nhân Phân Phái Phật Giáo
Lịch sử, Nghiên cứu

Mọi tư tưởng, triết lý, quan điểm hay học thuyết của một đấng giáo chủ nào, sau khi trải qua những giai đoạn truyền thừa, đều có một vài sự thay đổi để thích ứng với các giai đoạn đó. Vì thế, cách chuyển tải nội dung tư tưởng hay cách lý giải về chúng đương nhiên sẽ có những sự thay đổi, phát triển, thậm chí có những...

Điển cố Phật giáo trong sáng tác của Nguyễn Du
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Trong các sáng tác của đại thi hào Nguyễn Du, Phật giáo để lại dấu ấn sâu đậm. Một trong những dấu ấn đó là sự xuất hiện thường xuyên với vai trò quan trọng của lớp từ ngữ điển cố Phật giáo trong các tác phẩm của ông. Bài viết hướng đến nhận...

Nguồn càng sâu – Dòng càng dài
Danh Tăng, Lịch sử, Nghiên cứu

Tác giả bài viết: TT. Thích Tâm Hạnh* Tóm tắt: Tổ sư Liễu Quán ở tổ trên nhánh cây, ăn rong “sột soạt” mà thiền cơ dĩnh ngộ, xuất kệ lập nên thiền phái, đời đời nối thạnh. Từ xưa đến nay, bậc Tổ đức nào miên mật công phu, chứng ngộ, bảo nhậm rồi sáng...

Anāthapiṇḍika (Tu Đà Cấp Cô Độc): Cuộc đời và sự đóng góp cho Phật giáo
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Đạo Phật ra đời không ngoài mục đích ban cho chúng sanh niềm an lạc và hạnh phúc. Nhưng để tồn tại, chúng đệ tử cần biết giữ gìn và thực hiện theo lời dạy của Ngài. Trong số đệ tử của Đức Phật thời bấy giờ có một vị Ưu-bà-tắc được mệnh danh...

Tứ diệu đế với vấn đề giáo dục đạo đức toàn cầu
Luận, Phật học, Văn hóa

TÓM TẮT Tứ diệu đế hay là bốn chân lý vĩ đại của Phật giáo chính là cốt tủy cơ bản để hợp thành học thuyết nhân sinh cứu đời. Đó là kết quả suy ngẫm và trải nghiệm thông qua thực tiễn cuộc sống của chính Phật tổ và sự tổng kết những suy...

Giải mã Phật viện Đồng Dương nhìn từ cấu trúc của Thai tạng giới mạn-đà-la Mật tông.
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Phế  tích Đồng Dương (1) là tổ hợp kiến trúc đền-tháp Phật giáo quan trọng nhất của vương quốc Champa, hiện tọa lạc tại xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Phế tích đồ sộ này đã được Henri Parmentier và Charles Carpeaux khai quật trong thời gian từ ngày 07-9-1902 đến...

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và Thiền phái Liễu Quán – Những nét tương đồng
Lịch sử, Nghiên cứu

TÓM TẮT Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là thiền phái Phật giáo yêu nước, nhập thế, kết hợp chặt chẽ giữa đời và đạo, đạo với đời. Vào thế kỷ XVII-XVIII, hệ tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm lại có điều kiện tỏa sáng trong đời sống người dân. Hệ tư tưởng này...

Tư tưởng nhập thế của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trong sự nghiệp đoàn kết, xây dựng và phát triển đất nước
Luận, Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ thế kỉ thứ I trước Công nguyên và đồng hành trong đời sống tinh thần của dân tộc. Tuy nhiên, đến thế kỷ 13 khi xuất hiện Thiền phái Trúc Lâm mà vua Trần Nhân Tông là vị tổ sư khai sáng thì Phật giáo...

Ảnh hưởng của Phật giáo trong văn học chữ Nôm giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Giai đoạn lịch sử xã hội đầy biến chuyển, phản ảnh đời sống con người văn học chữ Nôm giai đoạn này cũng đã ghi nhận vào mình khá đầy đủ mọi phương diện về đời sống tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng. Đời sống ấy được quy chiếu vào văn thơ...

Tôn Sư trọng Đạo – dưới góc nhìn của đạo Phật
Nghiên cứu, Văn hóa

Nói đến truyền thống Tôn sư trọng đạo là nói đến mối quan hệ tương tức và tương nhập. Đây là mối quan hệ cùng nhau, nếu thiếu hay tách biệt sẽ không tồn tại. Có cả thầy và trò trong mối quan hệ trong nhau, cùng nhau, để hiện hữu, chuyển tải và hóa Đạo...