Đời người như những chuyến xe, ngược xuôi bất tận giữa dòng mưu sinh đầy biến động với vô vàn chia ly và hội ngộ. Trớ trêu là hội ngộ với những điều không đáng hội ngộ, chia ly với những điều không thể chia ly, ấy vậy mà người ta khổ.
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, gọi các Tỷ kheo:
Các ông nghĩ thế nào, này các Tỷ kheo, cái gì là nhiều hơn? Nước mắt tuôn chảy do các ông than khóc lúc phải hội ngộ với những gì không ưa, phải chia ly với những gì mình thích, khi lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài hay nước trong bốn biển?
Bạch Thế Tôn, theo như lời Thế Tôn dạy, chúng con hiểu rằng, nhiều hơn là nước mắt tuôn chảy do chúng con than khóc lúc phải hội ngộ với những gì không ưa, phải chia ly với những gì mình thích, khi lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài chớ không phải nước trong bốn biển.
Lành thay, này các Tỷ kheo, các ông đã hiểu pháp mà Ta đã dạy.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 4, phẩm 1, phần Nước mắt, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.312)
Suy nghiệm:
Có bi quan chăng khi nhìn cuộc đời với khổ đau nhiều hơn hạnh phúc? Chẳng bi quan chút nào bởi sự thật cuộc đời vốn dĩ như vậy, hạnh phúc khó tìm nhưng lại dễ mất trong khi khổ đau cố tránh mà cứ thường gặp. Không lúc nào vừa ý, chẳng có cái gì làm đẹp lòng là một thực trạng luôn đoanh vây kiếp người. Chúng xuất hiện gần như thường trực trong đời sống như cố tình thách thức, trêu ngươi làm cho con người ta hiếm khi được an bình, thanh thản.
Đời người như những chuyến xe, ngược xuôi bất tận giữa dòng mưu sinh đầy biến động với vô vàn chia ly và hội ngộ. Trớ trêu là hội ngộ với những điều không đáng hội ngộ, chia ly với những điều không thể chia ly, ấy vậy mà người ta khổ. Tất nhiên, thỉnh thoảng chúng ta cũng có những phút giây hạnh phúc. Có điều, phần đông chúng ta không biết tận hưởng niềm hạnh phúc ấy, ít bằng lòng với những gì mình đang có trong hiện tại.
Hạnh phúc của con người dường như đang ở đâu đó trước mặt, thấp thoáng chợt ẩn chợt hiện nhưng không nắm bắt được. Vì vậy, đời người chỉ giẫm lên đau khổ để chạy theo bóng dáng hạnh phúc mà thôi.
Thực ra hạnh phúc đang hiện hữu và tràn ngập quanh ta. Vì con người quay lưng với hạnh phúc chân thật vốn rất đỗi bình thường và quen truy tìm bóng dáng hạnh phúc nên mới ngược xuôi, đau khổ. Người đệ tử Phật cần bình tâm quán sát để thấy được khổ là bản chất của cuộc đời. Đây là một tuệ giác lớn để luôn tự chủ, tự tại trước mọi đổi thay, biến động.
Quảng Tánh