Nếu mỗi người tử tế hơn chính mình, tử tế hơn với thái độ của mình, tử tế hơn với những buồn phiền, bất mãn, xung đột, đấu tranh bên trong mình…thì xã hội sẽ thêm phần an ổn. Khi không tử tế được với chính mình, thì bạn sẽ không thể tử tế với ai được cả!
Nếu bạn muốn làm gì cho cuộc đời này, không phải cứ hô to nói lớn: Hãy trừng trị cái ác, hãy bài trừ cái xấu… hay tỏ ra chê bai, dè bỉu…Vì dù bạn có phản ứng hay không thì tự thân mỗi người phải chịu nhân quả với việc làm của họ không sớm thì muộn.
Cái xấu cần được giáo dục hơn là chê bai, phần lớn người ta làm việc xấu vì họ không biết rằng việc đó là xấu thế nào, hoặc nữa, họ không biết làm gì để được tốt hơn!
Nếu đem tâm hiềm khích, chê bai, đấu tranh… mà đóng góp cho đời thì chỉ góp thêm phần bất an và xung đột.
Nếu có thứ gì đó cuộc đời cần ở bạn thì không gì hơn là sự tử tế!
Nếu mỗi người tử tế hơn chính mình, tử tế hơn với thái độ của mình, tử tế hơn với những buồn phiền, bất mãn, xung đột, đấu tranh bên trong mình…thì xã hội sẽ thêm phần an ổn. Khi không tử tế được với chính mình, thì bạn sẽ không thể tử tế với ai được cả!
Nếu cái xấu của người có thể làm bạn phẫn nộ, cái tốt của người có thể làm bạn vui cười thì bạn chỉ là một nô lệ trung thành cho hai mặt đối đãi của cuộc sống!
Còn khi bạn có đủ bình an và tĩnh tại trước sự xấu tốt của người, dù bạn không làm gì cho đời thì bạn cũng đã đóng góp một phần tử tế của mình để làm an cuộc sống…
Có những người đến chùa làm công quả, nhưng họ thường nói những lời chứa đầy những xung đột và bất mãn bên trong mình, nên dù họ đang làm công quả bằng thân, nhưng ý và khẩu thì đang tạo nghiệp.
Có những vị nhân danh mình tu theo phái này là chính thống, là hay, nên chê bai, đã phá phái kia. Hoặc cho pháp môn này là đúng, pháp môn kia là sai nên sinh tâm bài trừ, hiềm khích.
Dù đúng hay sai, dù tà hay chánh… thì họ đang vận hành theo Nhân Quả, Nghiệp Báo của chính họ. Bạn muốn xen vào để thay đổi nhân quả và nghiệp báo thay họ ư?!
Mỗi cá nhân tự tu tập đủ năng lượng an lạc, từ bi và trí tuệ thì thế giới này sẽ tự thay đổi.
Nếu bạn là mặt trời, dù có đứng một chỗ thì tự thân cũng chiếu sáng cho vạn vật… Chân Lý cũng vậy, chỉ chiếu sáng cho người hữu duyên vượt thoát những khổ đau, soi chiếu cho họ thấy ra nguồn gốc từ vô minh của bản ngã. Chứ không phải đấu tranh để loại trừ điều gì. Bởi Chân Lý tự thân đã có đủ Chân Thiện Mỹ.
Cho nên, việc tốt, chính là làm cho bản thân mình tốt hơn, nếu bạn nghĩ rằng bạn đang làm việc tốt để cho ai đó, cho đời, cho đạo hay cho chùa… mà thân khẩu ý của mình vẫn còn nhiều buồn bực và bất mãn thì việc ấy chỉ là mặt khác của tham-sân-si trong bạn vẽ ra mà thôi…
Cho nên, hãy tử tế với những tư duy, cảm xúc, thái độ phản ứng của mình cũng là một cách tu tập để bài trừ cái xấu vậy…
Đổi tâm, đổi tánh, đời thay đổi
Đổi cảnh, đổi người, chỉ nhọc công
Người đời không mấy thong dong
Vì mong thế giới như trong lòng mình
Chừng nào tâm thái an bình
Nhìn đâu cũng thấy nhân sinh nhiệm mầu!
Sư cô Trúc Lan Nhã