Hầu hết các bộ Luật đều giống nhau về duyên khởi an cư, đó là xuất phát từ việc than phiền của các người cư sĩ tại gia đối với nhóm sáu Tỷ-kheo[1] , nhóm này thường xuyên du hành không ngừng nghỉ trong dân gian bất cứ mùa nào, kể cả mùa mưa, khiến dẫm đạp làm tổn thương vô số côn trùng và cây cỏ, từ đó Phật chế định ba tháng an cư. Tuy duyên khởi an cư được hiểu đơn giản là sự tùy thuận của Thế Tôn theo ước muốn của cư sĩ tại gia nhưng sâu xa có nhiều tầng ý nghĩa khác nữa.

Theo Yết-ma yếu chỉ[2]An cư có những ý nghĩa sau:

1, Hợp pháp hóa một thông lệ hay một tập tục đã được chấp hành một cách tự nhiên cho các tu sĩ trong và ngoài đạo Phật đương thời.

2, Tránh dẫm đạp côn trùng và cây cỏ sinh trưởng nhiều trong mùa mưa.

3, Mùa mưa thích hợp cho việc tu tập để có những tiến bộ tâm linh.

4, Trách nhiệm của Tỷ-kheo đối với Tăng, tức là biểu hiện tinh thần thanh tịnh và hòa hợp của cộng đồng Tăng lữ tại một trú xứ, tinh thần này là sinh mệnh Tăng-già.

5, Nơi nương tựa tinh thần vững chắc và là niềm tin chân chính cho người Phật tử tại gia.

Như vậy, bên cạnh việc phát triển tâm linh của tự thân, vấn đề tương quan trong xã hội, trách nhiệm duy trì sinh mệnh Tăng-già của mỗi vị Tỷ-kheo, An cư còn có ý nghĩa kết nối giữa hàng đệ tử xuất gia và đệ tử tại gia của Thế Tôn, để người tại gia có điều kiện thuận tiện tham gia vào sự nghiệp củng cố và phát triển Tăng đoàn.

Có bốn cửa ngõ để một người đệ tử Như Lai có thể bước vào đạo, đó là: Thân cận thiện sĩ; Thính văn chánh pháp (lắng nghe học hỏi chánh pháp); Như lý tác ý (chiêm nghiệm sâu sắc những điều học hỏi); Pháp tùy pháp hành (hành trì những điều chiêm nghiệm)[3].

Thiện sĩ là Phật và đệ tử Phật, đầy đủ giới đức, trí đức và giải thoát đức, lại còn khiến cho chúng hữu tình cũng đầy đủ tín, giới, văn, xả, tuệ. Thân cận thiện sĩ là gần gũi phục vụ, cung kính cúng dường, học hỏi chánh pháp để từ đó chiêm nghiệm tư duy quán sát[4]. Như vậy, đệ tử tại gia nương tựa nơi Tăng-già nhằm chuẩn bị Phước và Trí làm hành trang tư lương cho hành trình tìm niềm an lạc tuyệt đối giữa thế gian đầy rẫy khổ lụy thương đau này.

Luận Thành Duy thức chia quá trình tu tập từ khởi sự cho đến viên mãn đạo quả gồm có năm giai đoạn[5]: (a) Tư lương vị, chuẩn bị hành trang phước và trí; (b) Gia hành vị, chính thức tu tập; (c) Thông đạt vị, giai đoạn kiến đạo bằng hiện quán Thánh đế; (d) Tu tập vị, lần lượt chứng đắc Thánh quả, tu đạo mà Bồ-tát an trụ; (5) Cứu cánh vị, viên mãn đạo quả, an trú nơi vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Lại nữa, có ba loại thiện căn: Thuận phước phần (puṇyabhāgīya), các loại thiện dẫn bởi tái sinh chư thiên và loài người; Thuận giải thoát phần (mokṣabhāgīya), thiện căn quyết định dẫn đến giải thoát, chứng Niết-bàn; Thuận quyết trạch phần (nirvedhabhāgīya), bốn thiện căn dẫn đến hiện quán Thánh đế là noãn, đảnh, nhẫn, thế đệ nhất[6]. Trong đó, thuận phước phần và thuận giải thoát phần thuộc Tư lương vị, giai đoạn chuẩn bị phước và trí; thuận quyết trạch phần thuộc Gia hành vị.

Tích lũy phước là hành vi được Thế Tôn khuyến khích đệ tử tại gia nên làm. Có ba cơ sở cho hành vi phước thiện: thí loại phước nghiệp sự (tạo phước bằng bố thí), giới loại phước nghiệp sự (tạo phước bằng giữ giới), và tu loại phước nghiệp sự (tạo phước bằng tu tập)[7]. Luận Câu-xá phân tích ba cơ sở phước thiện này rất rõ ràng và chi tiết[8].

Cho để lợi mình, lợi người, vì cúng dường, giúp ích[9]. Dù cho đối tượng thí, vật thí, đối tượng nhận thí sai biệt nhưng hành vi bố thí nhất định sẽ cho quả tốt. Như kinh Cù-đàm-di nói: Bố thí cho súc sanh có kết quả gấp trăm, bố thí cho người ác giới quả gấp nghìn, bố thí cho người có giới quả dị thục gấp trăm nghìn lần. Thế nhưng, trong tất cả bố thí, tối thượng hơn hết là vị ly nhiễm bố thí cho vị ly nhiễm[10]. Vậy thì làm sao biết trong cộng đồng Tăng lữ ai là người đã ly nhiễm, ai chưa ly nhiễm, để cho sự bố thí của cư sĩ được tối thắng? Tuy nhiên, Câu-xá cũng phân tích sự bố thí vì nguyên nhân lợi lạc của hết thảy hữu tình, tuy là sự bố thí của vị chưa giải thoát cho những kẻ chưa giải thoát nhưng cũng là đệ nhất tối thắng[11].

Tăng đệ tử Phật là cộng đồng đầy đủ công đức giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, là vị ứng thỉnh, ứng khuất, ứng cung kính, là ruộng phước vô thượng, thế gian ứng cúng. Đầy đủ nhân tu hành: diệu hành, chất trực hành, như lí hành, pháp tùy pháp hành, hòa kính hành, tùy pháp hành. Gồm có bốn đôi tám vị, là sự an lập của tám Bổ-đặc-già-la từ Dự lưu hướng đến A-la-hán quả[12]. Như vậy thì cộng đồng Tăng lữ sẽ có cả Thánh và phàm cùng cộng trú, do đó mà sự bố thí cúng dường cho Tăng đệ tử Phật chắc chắn sẽ có phước, vì ngay cả thí cho súc sanh một viên thực phẩm còn có phước huống gì bố thí cho con người, mà trong đó còn có người đã chứng Thánh.

Nhưng, dù phước nghiệp nhiều cỡ nào thì khi cho quả hết, chúng sanh vẫn sẽ phải đọa lạc, có khi còn đọa địa ngục. Do vậy, ngoài tích lũy phước, cần phải tích lũy trí, thiện căn dẫn đến Niết-bàn. Câu-xá nói: “Người nào khi nghe về sự nguy hại của sanh tử, vô ngã và phẩm đức Niết-bàn, tức thì lông tóc dựng đứng, nước mắt chảy, quả quyết người này có thiện căn thuận giải thoát phần”[13]. Tích lũy Trí như vậy là bằng việc tu tập tuệ từ Văn-Tư-Tu. Tuệ được tác thành do văn là quyết định trí phát sinh từ Thánh ngôn lượng, tức là nhận thức phát sinh do nghe và học về những điều được Phật nói trong các kinh và những lý giải của các đệ tử về những giáo nghĩa này. Tuệ được tác thành do tư là trí phát sinh từ quyết trạch chánh lý, nhận thức do tư duy và chiêm nghiệm về những giáo nghĩa Phật thuyết. Tuệ được tác thành bởi tu là trí phát sinh từ chánh định. Cơ sở của ba loại tuệ này là bốn thánh đế, trực tiếp được kinh nghiệm từ chính đời sống của con người trong thế giới đầy biến động này. Do đó, Phật tử tại gia thường xuyên “thân cận thiện sĩ” để thuận tiện cho việc nghe và thực hành Phật pháp vậy.

Tóm lại, An cư là dịp Tăng đoàn tập trung thành cộng đồng theo từng trú xứ nhất định, sinh hoạt trong tinh thần thanh tịnh và hòa hợp, là cơ hội để hàng Phật tử tại gia gieo hạt giống phước và trí cho bản thân. Họ là những đàn-việt thí chủ cung cấp cho chúng Tăng đồ ăn, đồ mặc, chỗ ở, thuốc men. Chúng Tăng thọ nhận ân đức này cũng cần phải hoàn thiện giới, hoàn thiện các thiện pháp, tự thân tu tập lại còn khéo giảng nói, khuyến khích người khác tu tập thì mới xứng đáng thọ nhận sự hiến cúng, mới xứng đáng là Tăng bảo cho thế gian nương tựa. Thế Tôn dạy: “Này các Tỷ-kheo, hãy có tâm từ với đàn-việt. Ân nhỏ còn không quên, huống gì ân lớn. Hãy đem tâm từ mà nói cho đàn-việt kia về hành vi thanh tịnh của thân, khẩu, ý, không thể tính đếm, không thể hạn lượng. Hãy với thân hành từ, khẩu hành từ, ý hành từ, khiến cho vật sở thí của đàn-việt kia trọn không bị phế bỏ, được quả lớn, thành tựu phước lớn, có danh xưng lớn, truyền khắp thế gian, pháp vị cam lộ”[14].

Tịch Liêu cốc, mùa An cư Quý Mão 2567
CHƠN TRÍ.


[1] Lục quần Tỷ-kheo, nhóm sáu Tỷ-kheo thường xuyên làm việc phi pháp, phi luật.

[2] Thích Trí Thủ (2011). Yết-ma yếu chỉ. Thích Đỗng Minh & Thích Nguyên Chứng (biên tập). Nxb Phương Đông. Tr.257-263.

[3] Đại 26, No. 1537, p. 458b25. Tham khảo: Tuệ Sỹ & Nguyên An (dịch) (2018). A-tỳ-đạt-ma Pháp uẩn túc luận. Nxb Hồng Đức. Tr. 86.

[4] Sđd. Tr. 88.

[5] Đại 31, No. 1585. Tham khảo: Tuệ Sỹ (2019). Luận Thành duy thức. Nxb Hồng Đức.

[6] Tỳ-bà-sa 7, tr.34c27. Kośa iv. k. 125cd. Dẫn bởi: Tuệ Sỹ (2019). Luận Thành duy thức. Nxb Hồng Đức. Tr. 561.

[7] Trường A-hàm. Kinh Chúng Tập.

[8] Tuệ Sỹ (dịch) (2015). A-tỳ-đạt-ma Câu-xá (iii). Nxb Hồng Đức. Tr. 608.

[9] Sđd. Tr. 611.

[10] Trung A-hàm. Kinh số 180. Dẫn bởi: Luận Câu-xá.

[11] Sđd. Tr. 617.

[12] Trường A-hàm, Kinh Du hành.

[13] Sđd. Tr. 632.

[14] Tăng nhất a-hàm. Phẩm hộ tâm. Kinh số 3.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Xu thế biến đổi trong Kiến trúc, cảnh quan chùa Huế
Kiến trúc-Mỹ thuật, Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Phật giáo Huế với một bề dày lịch sử, gắn liền với thăng trầm vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân xưa, đã hàm chứa, bảo tồn được nét riêng có trên nhiều mặt của yếu tính truyền thống Phật giáo. Tuy nhiên, trong chiều hướng phát triển của xã hội thì trong...

Tín ngưỡng thờ Long Vương trong Phật giáo Nam bộ
Nghiên cứu, Văn hóa

Tượng Long Vương ở Tổ đình Hội Khánh (Bình Dương). LONG VƯƠNG TRONG PHẬT GIÁO Trong Phật giáo, rồng là một trong Bát bộ chúng thủ hộ Phật pháp. Lãnh tụ của Long tộc gọi là Long Vương, có đầy đủ uy lực lớn mạnh, thường theo bảo vệ Phật. Trong các kinh sách Phật...

Vai trò nhập thế qua những biểu hiện, một số vấn đề đặt ra và giải pháp nhằm phát huy vai trò của nữ Phật tử
Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhân loại. Ở phương diện tích cực, chúng phục vụ nhiều nhu cầu, đem lại hiệu suất làm việc cao cho con người. Song ở phương diện tiêu cực, chúng khiến đời sống tinh thần đứng...

Các công chúa triều Trần với đạo Phật và chốn thiền môn
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Khi công chúa Thái Đường mắc lỗi, triều đình tịch thu điền trang của bà sung vào ruộng quốc khố. Bà bèn đi tu ở chùa Nghĩa Xá, gần Lạc Quần (Xuân Trường). Thời nhà Trần, đạo Phật được nhân dân Đại Việt rất coi trọng và tôn sùng. Các vua Trần từ Trần Thái...

Đóng góp của gia đình danh y Lê Hữu Trác đối với Phật giáo Việt Nam
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Với việc xây chùa Tượng Sơn, gia đình đại danh y Lê Hữu Trác có những đóng góp nhất định đối với Phật giáo Hà Tĩnh. Tượng Sơn tự cũng là nơi Hải Thượng Lãn Ông dành phần lớn thời gian lưu lại chùa để bốc thuốc, chữa bệnh cứu người và hoàn thành...

Nghiên cứu về một vài ngộ nhận đối với lịch sử phát triển Ni đoàn
Lịch sử, Nghiên cứu

TÓM TẮT Từ khi Đức Phật còn tại thế, Ngài đã cho phái nữ xuất gia thành Tỳ kheo Ni với điều kiện là thọ trì Bát kỉnh pháp. Có Ni giới, hàng xuất gia của Đức Phật được tăng đông lên. Tứ chúng của Đức Phật trở nên đầy đủ. Sự xuất hiện của...

Đức Từ Cung với sự phát triển và chấn hưng Phật giáo xứ Huế từ những năm 30 đến những năm 80 Thế kỷ XX
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Đức Từ Cung hay Đoan Huy Hoàng thái hậu không chỉ quan tâm chăm lo hương khói, cúng tế tổ tiên nhà Nguyễn, mà còn là một tín đồ thuần thành của Phật giáo. Trên cương vị Hoàng Thái hậu triều Nguyễn, bà Từ Cung đã có nhiều đóng góp trong công cuộc chấn...

Nghĩ Về Thịnh Pháp Và Mạt Pháp
Điểm nhìn

Có phải bây giờ đã tới thời mạt pháp? Hay là sắp tới thời mạt pháp? Bài này được viết để trình bày một số suy nghĩ liên hệ. Bài này được viết trong tinh thần biết ơn Phật, biết ơn Pháp, biết ơn Tăng. Tuy nêu lên vấn đề, có phải chúng ta đang ở thời mạt pháp, nhưng người viết không có bất kỳ thẩm quyền nào về...

Tín tâm và chính ngữ trong thời đại nhiễu loạn thông tin
Điểm nhìn

Một buổi sáng thức dậy, bạn mở điện thoại lên, sẽ có nhiều những thông tin hiện ra trên một màn hình phẳng, đập vào mắt chúng ta sẽ là những dòng tin tức nóng hổi ở nhiều lĩnh vực, thể loại khác nhau, thông tin như một sa bàn, chằng chịt, đa dạng và...

Tái hiện khất thực: Làm sai thì sẽ gây phản cảm, để lại hình ảnh xấu dung tục
Điểm nhìn

Trong vài năm gần đây, vào mỗi dịp Vu lan, bỗng thấy xuất hiện các hình thức cúng sớt bát, đặt bình bát với thức ăn chứa sẵn hoặc đi khất thực, Phật tử quỳ dâng cúng. Cúng sớt bát hay tổ chức trì bình khất thực nhằm tái hiện lại hình ảnh Tăng đoàn...

Kiến trúc chùa Huế
Chùa Việt, Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu

Với lối kiến trúc đặc trưng nhưng vẫn nằm trong dòng chảy kiến trúc đặc trưng của những ngôi chùa Việt, chùa Huế thực sự đã tạo ra một dấu ấn đậm nét đối với khách thập phương. Với nét đặc trưng đó những ngôi chùa xứ Huế không chỉ góp phần làm phong phú cho...

Bảo Vệ Sự Truyền Trao Và Tiếp Nhận Giới Luật Trong Phật Giáo
Điểm nhìn

Phật giáo, với hơn hàng ngàn năm lịch sử, đã xây dựng một hệ thống giới luật nghiêm ngặt và quan trọng để hướng dẫn người tu hành trên con đường tu tập và giải thoát. Những quy định này không chỉ là các quy tắc về hành vi mà còn là biểu hiện của đạo đức và tâm linh, đóng vai trò then chốt trong việc duy trì sự thanh tịnh và phát triển của tăng đoàn và cộng đồng Phật tử. Quá trình truyền...

Nét đẹp Chư Tăng trong mùa An cư Kiết hạ
Nghiên cứu, Văn hóa

Chúng ta sẽ cảm nhận được nét đẹp tuyệt vời, một nghệ thuật siêu việt của cái thiêng liêng được toát ra từ sâu thẳm trong tâm hồn của chư Tăng, Ni. Nét đẹp đó, được phát ra từ nội tại của những con người mang những hoài bảo, những lý tưởng hướng thiện và...

Góc quan điểm: XU HƯỚNG MINH TUỆ – KHÔNG PHẢI CHUYỆN MỚI MẺ
Điểm nhìn, Sự kiện

Đối với người Việt xưa nay, tính hướng ngoại và chạy theo các trào lưu mới không phải chuyện sớm sủa gì, từ nhu cầu sử dụng vật chất, đến tiếp nhận văn hóa ngoại lai, … thậm chí là tiếp nhận luồng tư tưởng mới trong một tôn giáo, cụ thể là đạo Phật....

Xoay Quanh Câu Chuyện Thầy Minh Tuệ – Niềm Vui Và Nỗi Buồn
Điểm nhìn

Những ngày gần đây, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh một vị sư đầu trần chân đất, đắp một tấm y chắp vá từ nhiều mảnh vải được nhặt nhạnh từ đâu đó, và ôm bình bát tự chế bằng ruột nồi cơm điện, đi khất thực dọc theo chiều dài con đường quốc lộ mà không xác định điểm đến. Nhiều người nói rằng vị...

Nguồn Gốc Và Ý Nghĩa Của Chiếc Áo Cà Sa
Nghiên cứu, Văn hóa

Gốc tiếng Phạn của chữ cà-sa là kasaya. Nhưng thật sự chữ kasaya trong tiếng Phạn không có nghĩa là áo mà có nghĩa là bạc màu, cáu cặn hay hư hoại. Sách tiếng Hán dịch chữ này là đạm (màu nhạt), trọc hay trược (đục, dơ bẩn, ô nhiễm, rác bẩn), hoặc còn dịch là hoại sắc, bất chính sắc, hư nát, dính bẩn…Tóm lại chiếc áo cà-sa của người xuất gia tu Phật, của hàng tỳ kheo,…tượng trưng cho những gì nghèo nàn,...