TÓM TẮT

Đức Phật nhập Niết Bàn vào khoảng năm 480 TCN, từ đó giáo lý của Ngài bắt đầu được truyền bá trong vùng lưu vực sông Hằng. Việc truyền bá Đạo Phật tiếp tục phát triển dưới triều vua Ashoka. Và đến thời vua Kanishka, Đạo Phật thịnh vượng trong toàn bán đảo Ấn Độ cho đến thế kỷ thứ VII. Bằng con đường thông thương qua các vùng sa mạc Trung Á, Phật giáo tiếp tục được truyền bá đến Iran, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản. Về phía Bắc sông Hằng, Phật giáo vượt qua dãy núi Himalaya và đi vào Tây Tạng. Vùng Dekkan, nhờ sự thuận lợi của đường biển, những nhà buôn và những nhà hàng hải mà Phật giáo phát triển khá mạnh, tiến đến vùng Đông Dương và các quần đảo thuộc miền Nam Trung Quốc.

1. Sự phân chia của phật giáo và các trường phái nghệ thuật

Đạo Phật cũng chịu sự phân chia do các vị cao tăng bất đồng chính kiến. Cuộc phân chia lớn nhất là vào khoảng thế kỷ thứ I Công nguyên và Phật giáo bị chia ra hai phái: phái Đại thừa hay còn gọi là Bắc tông (Mahayana Buddhism) và phái Tiểu thừa hay còn gọi là Nam tông (Theravada hay Hinayana Buddhism). Phái Nam tông phát triển về phương Nam, giữ được nhiều tính nguyên thủy của đạo, tức là phái mà hiện nay chúng ta thấy ở Sri Lanka, Thái Lan, Miến Điện, Lào, Campuchia và Việt Nam. Còn Bắc tông phát triển về phương Bắc, chủ trương thờ tất cả các vị Bồ tát và thừa nhận có nhiều vô số Phật. Phật giáo Đại thừa trở thành tôn giáo chính ở các quốc gia như: Nepal, Mông Cổ, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam.

Về phong cách tạo hình (iconography), có thể rút ra một vài điểm cần chú ý về các trường phái nghệ thuật Phật giáo. Trước tiên, Đạo Phật không có một kiểu mẫu nhất định nào về tượng Phật và các Bồ tát. Hình thức tạc tượng chỉ thể hiện qua những công thức và quy chuẩn có tính chất địa phương bao trùm toàn bộ Đông Á. Ngay ở Ấn Độ cũng có rất nhiều trường phái nghệ thuật Phật giáo khác nhau. Trường phái Ganddhara: ở vùng Tây Bắc, chịu ảnh hưởng nghệ thuật Hellénique của Hy Lạp. Trường phái Mathura: ở vùng trung du sông Hằng. Trường phái Gupta: ở vùng Trung Ấn. Và trường phái Amaravati ở vùng Đông Nam, gần cửa sông Krishna, thể hiện trong những hang động ở Ajanta, hang động Bamyan ở Afghanistan.

Khi nhìn vào vấn đề tạc tượng qua các thời đại, chúng ta có thể thấy sự khác biệt về cách thể hiện tượng Phật khác nhau ở Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Việt Nam và nước Champa cổ ở miền Trung Việt Nam. Chúng ta cũng có thể nhận thấy những nét đặc thù khác nhau của các tượng Phật theo kiểu Indo-greek, Indo-Seỳtha, kiểu tượng Khmer, kiểu tượng Trung Quốc, kiểu tượng Nhật. Phái Đại thừa (Mahayana Buddhism) thờ rất nhiều Phật và Bồ tát, bài viết này chủ yếu khảo cứu về các kiểu tượng Bồ tát mà tiếng Sanskrit gọi là Boddhisatva Alokitesvara.

2. Hình tượng Bồ tát ở Đông Dương

2.1. Bồ Tát trong văn hóa Chăm và Óc Eo

Ở Champa, Lokesvara (Bồ tát) hay Alokitesvara (Quan Thế Âm Bồ Tát) được thờ phổ biến nhưng không có nhiều tượng kích thước lớn. Di tích Phật viện Đồng Dương ở Quảng Nam là nơi tìm thấy rất nhiều tượng Lokesvara tuyệt đẹp, thuộc thời đại Indravarman II của vương quốc Champa. Những pho tượng này hầu hết được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nằm trong khuôn viên của Thảo Cầm Viên thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Điêu khắc Chăm tại Đà Nẵng. Người Campuchia có rất nhiều tượng Lokesvara thời xa xưa để lại nhưng đẹp nhất là pho tượng tìm thấy tại tỉnh Kiên Giang hồi thập niên 1950 và nghe đâu nó đã thuộc về bộ sưu tập của hoàng hậu Nam Phương vợ vua Bảo Đại. Ngoài ra, còn có ba pho tượng như vậy cũng được tìm thấy tại miền Nam Việt Nam và hai trong số đó hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP.HCM.

Những tượng Lokesvara thường được thể hiện trong tư thế ngồi nhưng rất dễ nhận ra vì thường trên búi tóc bó cao của Bồ tát người ta thường chạm hình vị Phật Amitabha (A Di Đà). Pho tượng phát hiện tại Kiên Giang thể hiện một loại hình đơn giản, tượng chỉ có hai tay, tay trái cầm hoa sen. Các tượng Bồ tát khác thì ngoài vật cầm tay là hoa sen còn có chuỗi tràng hạt, bình nước Cam Lồ và quyển Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Các tượng của Campuchia thời cổ xưa thường thể hiện Bồ tát theo những qui chuẩn nói trên và cách thể hiện trong tư thế tọa thiền, có tượng trong tư thế đứng, có tượng trong tư thế đang đi. Điều đó gợi cho các học giả ý nghĩ rằng: phải chăng đây là kiểu tượng của một nhân vật thần hóa? Tượng Lokesvara có nhiều hình dạng khác nhau, thường có bốn, sáu, tám, 10 tay hay thậm chí đến nghìn tay. Người nghệ nhân Á Đông thể hiện một tác phẩm nghệ thuật với một ý nghĩa thuần túy bằng trực giác, những hình ảnh tượng trưng cho nhà Phật phù hợp với ước vọng và niềm tin của xã hội mà họ đang sống. Sự thể hiện nhiều cánh tay là biểu hiện cho quyền năng vạn thế siêu phàm của Bồ tát Quán Thế Âm, vì vậy vai trò của người tạc tượng là phải tổng hợp được cái trừu tượng trong ý nghĩa dân gian. Tượng không phải là một sự trình bày Bồ tát dưới dạng nhân thần, mà còn gợi ý cho thiện nam, tín nữ có thể cảm nhận niềm tin thông qua pho tượng.

Tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP.HCM hiện còn trưng bày một pho tượng Quan Âm của Tây Tạng (Tibet). Pho tượng này có 11 chiếc đầu và 14 cánh tay; có hai cánh tay được thể hiện trong tư thế của người tụng kinh, những cánh tay còn lại thì cầm các pháp khí khác nhau. Trước hết, chúng ta cần hiểu Đức Bồ tát Quán Thế Âm là biểu hiện cho tư tưởng “phổ độ chúng sanh”, lẽ ra Ngài đã thành Phật từ lâu nhưng vì lòng từ bi sâu sắc mà Ngài đã tự nguyện tái sinh thành nhiều kiếp ở trần thế để cứu vớt chúng sinh. Với lòng từ bi bác ái của mình, Ngài sẵn lòng bảo vệ chúng sinh thoát khỏi những tai nạn như lụt lội, hỏa hoạn và dịch bệnh…

2.2. Tượng Bồ Tát trong văn hóa Campuchia

Tại ngôi chùa Banteai Chmar nằm dưới chân núi Dangrek, thuộc miền Tây Bắc Campuchia có thờ một pho tượng Lokesvara nhiều tay dưới dạng phù điêu (bas-relief). Còn việc thể hiện Quan Âm có nhiều đầu thì cụ thể và vĩ đại hơn hết là ngôi tháp bốn mặt tại điện Bayon, vốn do Jaya Varman VII, một vị vua mộ đạo xây dựng. Vị vua này có uy quyền to lớn về mặt chính trị, ngôi tháp bốn mặt mà ông xây dựng nhằm ca ngợi tấm lòng từ bi, đức hiếu sinh của Bồ tát trải rộng khắp bốn phương, tám hướng, đồng thời cũng nói lên quyền lực của nhà vua bao trùm toàn cõi dương gian và có thể sánh với quyền năng của Bồ tát. Tòa tháp này là một công trình kiến trúc độc nhất vô nhị về hình tượng Bồ tát tại Campuchia và Đông Nam Á.

Cũng có một kiểu tượng Quan Âm khác phổ biến ở Campuchia mà người ta có thể dễ dàng nhìn thấy trong các sưu tập Khmer của các Bảo tàng ở Đông Nam Á. Kiểu tượng này thể hiện Đức Quan Âm khoác một chiếc áo choàng giống như áo giáp của các kỵ sĩ châu Âu thời trung cổ. Thực ra, đó là sự thể hiện đầy đủ trên thân thể Ngài với hằng hà sa số những tượng Phật bé xíu. Những tượng Phật đó bao gồm trên cả móng tay, móng chân của Ngài nữa. Vấn đề này các nghệ nhân phương Đông giải thích là trên mỗi lỗ chân lông của Quan Âm cũng có thể sinh ra hàng nghìn vị Phật và các vị Bồ tát khác, để khắp mọi nơi đều có mặt Ngài tựa như ánh sáng mặt trời chiếu rọi xuống trần gian.

Trên một bức phù điêu tại ngôi đền Neak Pean thuộc khu di tích Angkor Wat, Bồ tát được thể hiện dưới hình hài của một con ngựa thần khổng lồ tên là Balaha. Ngôi đền này được xây dựng trên một hồ nước có thể là nơi tôn thờ vị Bồ tát Dược Sư. Còn về hình tượng con ngựa thì theo Phật thoại, Đức Bồ tát có lần hóa thân thành một con ngựa để cứu 500 người lái buôn Ấn Độ sắp chết đuối ngoài biển khơi. 500 con người thoát chết này đã kết đôi lứa với một giống đàn bà ăn thịt người mà trong truyền thuyết gọi là Dạ Xoa (Raksasis). Do đó bên hông, chân và đuôi ngựa người ta chạm những xâu đầu lâu treo lủng lẳng, một bức phù điêu kế tiếp cho thấy con ngựa đang bay lên trời.

3. Mối liên hệ với Trung Hoa và Tây Tạng

Ở Trung Hoa và Nhật Bản có đến 30 kiểu tượng Quan Âm khác nhau nhưng cả hai nơi này đều có một quan điểm chung là người ta thể hiện Quan Thế Âm là một vị nữ thần. Hơn ai hết, các nhà tu hành hiểu rõ nhất về truyền thuyết của Ấn Độ kể về hình tượng Quan Âm nguyên thủy là một vị nam thần nhưng việc biến Ngài thành một nữ thần thì cho đến nay vẫn chưa có lời giải thích thuyết phục.

Phật giáo Mật tông (Tantranism) chịu nhiều ảnh hưởng của giáo phái Shiva. Ở Tây Tạng có nhiều kiểu tượng Quan Âm được thể hiện dưới hình dạng của một phụ nữ mang tên là Tara, vị nữ thần tiêu biểu cho sức mạnh và lòng đại từ, đại bi của nhà Phật. Còn tại Campuchia, người ta cũng thường thấy kiểu tượng Bồ tát có ba mặt, trong đó có một khuôn mặt là phụ nữ. Ngoài ra, kiểu tượng Bồ tát Tara còn mang một tên khác là Prajanaparmita nhằm biểu trưng cho trí tuệ siêu việt của Phật giáo. Tượng này đôi khi lại được thể hiện trong tư thế ngồi, đầu có búi tóc nhô cao, phía trước có hình Đức Phật Amitabha. Trong nghệ thuật Khmer, Tara hay Prajanarmita thường được thể hiện dưới dạng phù điêu.

Tóm lại, giống như nhiều khu vực khác trên thế giới, Phật giáo đã dung hòa các yếu tố văn hóa bản địa để tạo nên một nền văn hóa đặc sắc ở Đông Dương. Một trong những nét đặc sắc của tín ngưỡng tôn giáo vùng này là tục thờ cúng Thiên vương (Devajaya), sự đồng hóa một người cầm quyền với thượng đế được dùng để nâng đức vua lên đến địa vị thần thánh hoặc bán thần. Đây là sự phối hợp tuyệt vời thích hợp với tính chất chính trị thần quyền của chính quyền Khmer và các nước Đông Dương. Sự sáp nhập giữa hoàng gia và thần linh thậm chí còn tác động lên các pho tượng Bồ tát qua hành vi gắn thêm châu báu và vương miện vào các pho tượng này.

Một nét đặc sắc của nghệ thuật điêu khắc Đông Dương là khuynh hướng thiên về hình thể đầy đặn và có ba chiều. Khác với Ấn Độ, nơi mà đa số các công trình kiến trúc trên đá là phù điêu nổi cao với các bức tượng lớn được tạc theo khuôn mẫu thống nhất ở mọi phía. Có thể thấy sự ảnh hưởng này ở Campuchia vào khoảng thế kỷ thứ VI rồi sau đó lan truyền đến Thái Lan, Java và các nơi khác. Các pho tượng sau này là những tác phẩm gây ấn tượng sâu sắc nhất về hình tượng không gian ba chiều của chúng. Hơn nữa, theo ghi chép của thư tịch Ấn Độ và Trung Hoa thì vùng đất này có nhiều vàng, đó cũng là lý do vì sao ngày nay giới khảo cổ phát hiện được nhiều tượng bằng vàng nằm rải rác khắp nơi.

Tác giả bài viết: LAN HƯƠNG

Nguồn: Văn hóa Phật giáo, 15 – 1 – 2021


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Coedré Goerge (1953), Lịch sử các nước Viễn Đông chịu ảnh hưởng văn minh Ấn Độ (Đào Khải Từ dịch), SG, Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP.HCM.
2. Lê Thị Liên (2003), Nghệ thuật Phật giáo và Hindu giáo ở đồng bằng sông Cửu Long trước thế kỷ X, Luận án tiến sĩ Khoa học Lịch Sử, Viện khảo Cổ học.
3. Marellet L. (1968), Tìm hiểu nghệ thuật điêu khắc Phật giáo và Bà La Môn giáo ở Đông Dương (Đào Khải Từ dịch), Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP.HCM.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Đức Phật nhà văn hóa lớn của nhân loại
Lịch sử, Nghiên cứu, Sự kiện, Văn hóa

Đức Phật được Liên Hiệp Quốc tôn vinh là nhà văn hóa lớn của nhân loại của 25 thế kỷ qua, hẳn là cuộc đời hoằng hóa và hệ thống giáo lý của Ngài đã cống hiến cho nhân loại nhiều đóng góp quan trọng và ý nghĩa. Nhà Phật học H.W. Schumann đã phát biểu về Đức Phật trong tác phẩm thời danh của Ông, nhan đề Đức Phật lịch sử (The Historical Buddha) rằng: “Rất hiếm nhân vật trong lịch sử tư tưởng nhân...

Về văn bản Sự ly dung thông
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Thiền sư Minh Châu Hương Hải (1628-1715) là một tác gia văn học Phật Giáo thời Hậu Lê. Ngữ lục cho biết sư biên soạn, biên dịch được 20 tác phẩm. Hầu hết các tác phẩm này đều viết theo hai thể chữ hán và Nôm, vừa dịch giải vừa biên soạn.  Trong số sách dịch...

Đóng góp của thiền phái Liễu Quán trong việc khẳng định chủ quyền của người Việt trên vùng đất phương Nam
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Từ khi xuất hiện cho đến khi tổ Thiệt Diệu Liễu Quán viên tịch, dòng thiền Liễu Quán được thắp sáng và lan tỏa chánh pháp bởi các đệ tử và các pháp tôn. Trong các thế kỉ XVII – đầu thế kỉ XIX, Thiền phái Liễu Quán ra đời, phát triển và mở...

Tục Bầu Hậu Phật qua một số văn bia ở Thanh Hóa
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

DẪN NHẬP Bầu Hậu Phật, lập Hậu Phật là hoạt động văn hóa trong sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo ở làng xã nước ta trước đây. Người gửi hậu Phật có thể là do hoàn cảnh, nhu cầu và mục đích khác nhau, nhưng tựu trung, hoạt động này phản ánh tâm linh, tư...

Phổ hệ truyền thừa thiền phái Liễu Quán tại Khánh Hoà
Lịch sử, Nghiên cứu

Thiền phái Liễu Quán, một trong năm thiền phái của dòng thiền Lâm Tế có sự ảnh hưởng lớn ở nước ta. Trong dòng chảy lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế tại Việt Nam, Liễu Quán tuy ra đời muộn nhưng là dòng thiền có phạm vi rộng khắp bởi tính bản địa....

Hành trình Phật giáo du nhập vào Trung Quốc thông qua Con đường tơ lụa
Lịch sử, Nghiên cứu

BƯỚC ĐƯỜNG TÂY CHINH VÀ LỘ TRÌNH KHAI THÔNG THƯƠNG MẠI – VĂN HÓA Trung Quốc là nước đầu tiên tìm ra cách trồng dâu nuôi tằm, lấy kén ươm tơ, dệt lụa sớm nhất trên thế giới cổ đại. Tơ lụa thời đó được dành riêng cho vua chúa và hàng quý tộc, sau...

Thiền sư Nguyên Thiều cầu nối cho sự giao lưu Phật giáo Trung-Việt thế kỷ XVII-XVIII
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Giữa thế kỷ XVIII, Thiền sư Nguyên Thiều thuộc thiền phái Lâm Tế đời thứ 33, từ Quảng Đông chấn tích đến Đàng Trong truyền đạo. Dưới uy đức và đạo hạnh của Ngài cùng sự hộ trì của chính quyền chúa Nguyễn, Phật giáo Đàng Trong đã từng bước khởi sắc và...

Tính dân gian trong Phật giáo ở Thừa Thiên Huế
Nghiên cứu, Văn hóa

DẪN NHẬP Đối với người Việt, Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, có quá trình gắn bó và phát triển lâu dài trong lịch sử dân tộc. Trong quá trình định cư của cư dân Việt trên vùng đất được mệnh danh là “Ô châu ác địa”, “lam sơn...

Nguyên Nhân Phân Phái Phật Giáo
Lịch sử, Nghiên cứu

Mọi tư tưởng, triết lý, quan điểm hay học thuyết của một đấng giáo chủ nào, sau khi trải qua những giai đoạn truyền thừa, đều có một vài sự thay đổi để thích ứng với các giai đoạn đó. Vì thế, cách chuyển tải nội dung tư tưởng hay cách lý giải về chúng đương nhiên sẽ có những sự thay đổi, phát triển, thậm chí có những...

Điển cố Phật giáo trong sáng tác của Nguyễn Du
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Trong các sáng tác của đại thi hào Nguyễn Du, Phật giáo để lại dấu ấn sâu đậm. Một trong những dấu ấn đó là sự xuất hiện thường xuyên với vai trò quan trọng của lớp từ ngữ điển cố Phật giáo trong các tác phẩm của ông. Bài viết hướng đến nhận...

Nguồn càng sâu – Dòng càng dài
Danh Tăng, Lịch sử, Nghiên cứu

Tác giả bài viết: TT. Thích Tâm Hạnh* Tóm tắt: Tổ sư Liễu Quán ở tổ trên nhánh cây, ăn rong “sột soạt” mà thiền cơ dĩnh ngộ, xuất kệ lập nên thiền phái, đời đời nối thạnh. Từ xưa đến nay, bậc Tổ đức nào miên mật công phu, chứng ngộ, bảo nhậm rồi sáng...

Anāthapiṇḍika (Tu Đà Cấp Cô Độc): Cuộc đời và sự đóng góp cho Phật giáo
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Đạo Phật ra đời không ngoài mục đích ban cho chúng sanh niềm an lạc và hạnh phúc. Nhưng để tồn tại, chúng đệ tử cần biết giữ gìn và thực hiện theo lời dạy của Ngài. Trong số đệ tử của Đức Phật thời bấy giờ có một vị Ưu-bà-tắc được mệnh danh...

Giải mã Phật viện Đồng Dương nhìn từ cấu trúc của Thai tạng giới mạn-đà-la Mật tông.
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Phế  tích Đồng Dương (1) là tổ hợp kiến trúc đền-tháp Phật giáo quan trọng nhất của vương quốc Champa, hiện tọa lạc tại xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Phế tích đồ sộ này đã được Henri Parmentier và Charles Carpeaux khai quật trong thời gian từ ngày 07-9-1902 đến...

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và Thiền phái Liễu Quán – Những nét tương đồng
Lịch sử, Nghiên cứu

TÓM TẮT Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là thiền phái Phật giáo yêu nước, nhập thế, kết hợp chặt chẽ giữa đời và đạo, đạo với đời. Vào thế kỷ XVII-XVIII, hệ tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm lại có điều kiện tỏa sáng trong đời sống người dân. Hệ tư tưởng này...

Tư tưởng nhập thế của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trong sự nghiệp đoàn kết, xây dựng và phát triển đất nước
Luận, Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ thế kỉ thứ I trước Công nguyên và đồng hành trong đời sống tinh thần của dân tộc. Tuy nhiên, đến thế kỷ 13 khi xuất hiện Thiền phái Trúc Lâm mà vua Trần Nhân Tông là vị tổ sư khai sáng thì Phật giáo...

Tinh thần nhập thế, hộ quốc an dân và công hạnh các bậc cao tăng trong lịch sử
Nghiên cứu, Văn hóa

Tinh thần nhập thế của Phật giáo đã có từ thời Mâu Tử, nhưng dưới thời Vua Trần, thì được phát triển mạnh mẽ nhất. Đặt nền móng cho tinh thần nhập thế ấy là khi tướng Trần Thủ Độ nói với Vua Trần Thánh Tông: “Tôi dám nói rằng bệ hạ vì sự tự...