Chùa Vĩnh Nghiêm là một đại danh lam cổ tự – chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và là trung tâm Phật giáo lớn ở miền Bắc Việt Nam từ thể kỷ XIII đến nay.
1. Giới thiệu chung
“Ai Qua Yên Tử, Quỳnh Lâm,
Vĩnh Nghiêm chưa tới Thiên tâm chưa thành.”
Chùa Vĩnh Nghiêm thuộc địa bàn làng Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, ở vị trí đắc địa theo thế phong thủy của người xưa: “đầu gối sơn, chân đạp thủy“. Tấm bia trước Tiền Đường của chùa, soạn khắc năm 1606 có ghi rằng: “Nay ở huyện Phượng Nhãn, phủ Lạng Nguyên, đạo Kinh Bắc, nước Đại Việt có một khu sùng phúc rõ là đất Tam Bảo. Nơi đây trang nghiêm rực rỡ, non cao ngàn vạn nhận, trùng trùng điệp điệp vây tròn ôm lấy thành hình chiếc lọng hoa. Ở chỗ hai ba sông, sóng nước dạt dào mênh mông, quanh co uốn lượn chầu về như dải lựa bạc. Khoảng giữa là ngôi chùa cổ có một bầu trời riêng, truyền rằng đó là chùa Vĩnh Nghiêm. Thực là một danh lam đứng đầu thiên hạ“.
Chùa Vĩnh Nghiêm là một đại danh lam cổ tự – chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và là trung tâm Phật giáo lớn ở miền Bắc Việt Nam từ thể kỷ XIII đến nay. Hiện chưa xác định rõ thời gian chùa được xây dựng, chỉ biết rằng vào thời Lý ngôi chùa này đã hiện hữu, như tấm bia Công đức các đời mở mang và trùng tu chùa Vĩnh Nghiêm khắc dựng vào năm 1932 đặt ở tòa Tổ đệ nhất có đoạn viết rằng: “Dấu cũ đời Lý – Trần hãy còn rành rành“.
Có thuyết cho rằng chùa được dựng vào thời gian trị vì của vua Lý Thái Tổ (1009-1028) với tên gọi là Chùa Chúc Thánh. Từ thế kỷ XIV, khi Trần Nhân Tông xuất gia tu hành mở ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Ngài đã đổi tên chùa thành chùa Vĩnh Nghiêm, chọn làm nơi khai tràng thuyết pháp và nơi này được coi như trung tâm Phật giáo của nước Đại Việt. Với vai trò quan trọng đó, chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng với quy mô kiến trúc bề thế, nhiều hạng mục, mang tính quy chuẩn, mẫu mực của kiến trúc chùa tháp mà không ngôi chùa nào trong vùng có được, xứng danh là một “đại danh lam cổ tự“.
Đến các triều đại sau này đều quan tâm bảo vệ, xây dựng mở rộng chùa. Bài minh trên tấm bia khắc năm 1606 ghi việc trùng tu chùa Vĩnh Nghiêm có đoạn ca tụng như sau:
“Chùa Vĩnh Nghiêm tôn kính,
Nổi tiếng khắp một vùng.
Cổ, kim dầu đổi khác,
Phong cảnh vẫn là chung.
Núi ngàn trùng trải Bắc,
Sông muốn khúc triều Đông.
Tu nhien pho thang canh,
Sừng sững chốn Phạm cung.
Quy mô bày hoành tráng,
Bài trí thật kỳ công”.
Chùa Vĩnh Nghiêm có tên chữ là Vĩnh Nghiêm, hoặc Chúc Thánh Vĩnh Nghiêm tự, hai tên này được chép trong Tam tổ thực lục. Chùa còn có tên nôm là chùa La, chùa Ông La, chùa Đức La do nhân dân địa phương gọi theo tên làng La (Ông La) là thôn sở tại của chùa và gọi theo tên xã Đức La cũ vốn thuộc tổng Trí Yên, huyện Phượng Nhãn, phủ Lạng Giang, xứ Kinh Bắc ngày xưa. Cũng vì vậy mà lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm còn gọi là hội La hay hội chùa La. Trước đây lễ hội được tổ chức vào ngày 19 tháng 1 Âm lịch để tưởng nhớ ngày hóa của Giác hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông; ngày nay lễ hội được tổ chức vào ngày I4 tháng 2 Âm lịch là ngày giỗ chung của các vị Tổ chùa Vĩnh Nghiêm.
Một điều lý thú liên quan đến địa danh ở đây mà ít người được rõ, giai thoại ấy gắn với vị Tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm. Tương truyền khi xuất gia, Ngài thường qua lại vùng này thấy phong cảnh đẹp rất lấy làm ưng ý. Một hôm, trên đường đi Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông gặp một đoạn nước sâu, đang tìm cách vượt qua thì có một người dân đang đánh dậm gần đó liền tới ghé vai cõng Ngài qua. Sau khi cảm ơn, Ngài hỏi tên thì người kia đáp: “Tôi là La, dân làng quen gọi là ông La“; thế rồi đó Ngài đi xem địa thế, chọn ngôi chùa ở làng của ông La làm nơi giảng pháp, đó chính địa điểm chùa Vĩnh Nghiêm sau này, và chùa còn mang tên là chùa Ông La. Vùng này có ba thôn đều mang tên La là La Thượng, La Trung, La Hạ hợp thành “nhất xã tam thôn“, xã gọi là xã Ông La; mãi đến đời vua Minh Mạng (1820-1840) triều Nguyễn thì xã Ông La mới đổi thành xã Đức La.
Đến nay, mặc dù trải qua nhiều biến động của lịch sử nhưng chùa Vĩnh Nghiêm vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ đặc sắc, đặc biệt là nhiều hiện vật quý báu phong phú, đa dạng mang giá trị về lịch sử, thẩm mĩ, khoa học, văn hóa, tiêu biểu nhất là bộ mộc bản đã được tổ chức UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Với người dân nơi đây, chùa Vĩnh Nghiêm là nơi linh thiêng, là một trong những Thánh tích quan trọng bậc nhất của Phật giáo Việt Nam nói chung và của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói riêng: đây cũng được coi là chốn tổ và được các nhà nghiên cứu coi là “Bảo tàng văn hóa Phật giáo Đại thừa”. Dân gian vẫn còn lưu truyền câu ca:
“Thứ nhất là chùa Đức La,
Thứ nhì chùa Bổ, thứ ba chùa Tràng“.
2. Tổng thể ngôi chùa
Chùa Vĩnh Nghiêm được dựng quay hướng Đông Nam trên một mặt bằng khá rộng, thoáng gần bờ sông Lục Nam. Tổng thể chùa có Hồ Bán Nguyệt phía trước, tiếp theo trên trục chính gồm nhiều hạng mục: Tam Quan, Tam Bảo, Nhà Thờ Tổ Đệ Nhất, Gác Chuông, Nhà Thờ Tổ Đệ Nhị, phía sau hai bên nhà Tổ Đệ Nhị là Nhà Mẫu và Nhà Khách.
Chạy song song và đăng đối hai bên trục chính là hai dãy hành lang: phía trước hành lang bên tay phải là Nhà Vong. Các hạng mục nằm trên trục chính kết hợp với hai dãy hành lang hai bên bởi các đoạn tường bao tạo thành một khuôn viên khép kín. Toàn bộ các hạng mục tạo nên một tổng thể kiểu “nội Công (Kép) – ngoại Quốc“.
Trên đoạn tường bao nối Tiền Đường với hành lang hai bên có mở hai ngách nhỏ để đi vào bên trong và phía sau, nằm giữa Nhà Tổ Đệ Nhị và hành lang cũng mở hai ngách nhỏ dẫn ra khu vườn phía sau. Ngoài các hạng mục chính, trong Khu nội tự còn có các công trình phụ trợ như: Nhà Sắp Lễ, Nhà Kho, Am Hóa Vàng… Phía trước, bên trái sân chùa còn có khu Tháp mộ sư, nơi chứa xá lợi của các vị sư đã trụ trì và viên tịch tại chùa. Trong tổng thể này chỉ có Tam Bảo, Nhà Thờ Tổ Đệ Nhất, Gác Chuông là còn nhiều giá trị, các hạng mục khác được tu sửa và tôn tạo trong thời gian gần đây.
3. Kiến trúc các hạng mục nhiều giá trị
3.1. Tam bảo
Tam Bảo có mặt bằng chữ Công gồm: Tiền Đường, Thiêu Hương, Thượng Điện. Nền bên trong Tam Bảo là nền đất nện cổ rất mát và hút ẩm tốt; Tiền Đường và Thiêu Hương có chung cốt nền, nền Thượng Điện được nâng cao hơn 0,5m.
Tiền Đường có kích thước (29,72×10,09)m, gồm năm gian, hai chái được dựng nên cơ nền cao hơn sân trước 0,47m. Gian giữa rộng 4,15m, các gian bên rộng từ 3,98m đến 4,18m, hai chái rộng 4,25m và 4,35m. Bộ khung gỗ Tiền Đường dựng trên bốn hàng chân Cột với mười hai Cột cái, mười bốn Cột quân và bốn Cột góc (có đường kính từ từ 0,35 đến 0,45m). Các Cột cái có đường kính từ 0,45 đến 0,53m, dựng cách nhau 4,12m; các Cột quân có đường kính từ 0,35m đến 0,4m, khoảng cách đến Cột cái liền kề là 2,03m. Các chân tảng đá đỡ Cột có phần đế vuông và phần đỡ chân cột có hình thớt tròn, được tạo nhô cao hơn phần đế 0,05m.
Thiêu Hương là tòa ở giữa nối mái Tiền Đường với Thượng Điện, kích thước 10,3mx8,87m, gồm hai gian, mỗi gian rộng 3,6m. Bộ khung gỗ được dựng trên bốn hàng chân Cột: hai hàng Cột cái (đường kính cột 0,48m), dựng cách nhau 4,15m, hai hàng Cột quân (đường kính từ 0,42m đến 0,45m) dựng cách Cột cái liền kề 2,03m. Đỡ Cột là các chân tảng đá kiểu cổ bồng cao 0.55m.
Thượng Điện có kích thước 14,25mx9,93m, một gian hai chái. Bộ khung kiến trúc dựng trên bốn hàng chân Cột có bốn Cột cái ở gian giữa lớn nhất, đường kính từ 0,5m đến 0,66m; các Cột quân có đường kính từ 0,36m đến 0,52m và các Cột góc có đường kính từ 0,4m đến 0,46m.
Các Vì nóc ở Tam Bảo chùa Vĩnh Nghiêm đều kết cấu kiểu Giá Chiêng – Chồng Rường – Con Nhị. Ở kiểu vì này, Câu đầu kê trên đầu Cột cái qua hai Đấu vuông thót đáy, hai đầu đỡ Hoành mái; cật Câu đầu đỡ hai Trụ trốn lớn qua hai Đấu vuông thót đáy khác, đỉnh Trụ đỡ hai Rường suốt phía trên. Hai Rường suốt phía trên ăn mộng vào đầu Trụ trốn và kê chồng lên nhau qua các đấu vuông nhỏ, hai đầu đỡ hai hai Hoành mái, giữa cật Rường suốt trên cùng đỡ Thượng lương qua Dép nóc. Đỡ cặp Hoành mái thứ ba là một Rường cụt được tạo một đầu ăn mộng xuyên qua thân Trụ, đầu kia kê lên con Rường cụt phía dưới qua Đầu vuông.
Rường cụt phía dưới được kê trên cật Câu đầu qua đấu vuông, một đầu đỡ Hoành mái, một đầu làm giả Trụ trồn đỡ con Rường cụt phía trên. Các Hoành mái ở Tam Bảo đều là Hoành tròn. Chiều cao từ nền tới Thượng lương Tiền Đường là 6,4m, tới Thượng lương Thiêu Hương là 6,3m và tới Thượng lương Thượng Điện là 5,8m. Chiều cao từ nền tới tới Câu đầu Tiền Đường là 4,8m, tới Câu đầu Thiêu Hương là 4,7m và tới Câu đầu Thượng Điện là 4,2m.
Có hai kiểu liên kết Vì nách ở Tam Bảo là kiểu Chồng Rường và kiểu bán Giá Chiêng – Chồng rường. Kiểu Chồng Rường chỉ đơn giản với ba con Rường chồng lên nhau qua các Đấu vuông, một đầu đỡ Hoành mái. Ở kiểu bán Giá Chiêng – Chồng rường, với Xà nách một đầu ăn mộng vào thân Cột cái, đầu kia kê trên đầu Cột quân qua Đấu vuông thót đáy. Trên cật Xà Nách đỡ một Trụ trốn qua Đấu vuông nhỏ; đỉnh Trụ đỡ hai Rường cánh trên cùng qua các Đấu vuông nhỏ. Rường cánh có một đầu ăn mộng vào thân Cột cái, đầu kia đỡ Hoàng mái.
Ngoài ra còn có một Rường cụt với một đầu ăn mộng vào thân Cột trốn, đầu kia kê đỡ Hoành mái và được lên một Rường cụt phía dưới qua Đấu vuông nhỏ. Rường cụt dưới cùng kê lên cật Xà nách qua Đấu vuông. Khoảng cách từ nền tới Xà nách Tiền Đường là 4,45m, tới Xà nách Thiêu Hương là 4,35m và tới Xà nách Thượng Điện là 2,85m. Ở liên kết hiên ở tòa Tam Bảo là kiểu Bẩy chéo với một đầu ăn mộng qua cột quân, đầu kia vươn ra đỡ Tàu mái. Nối các đầu Cột theo hàng dọc là hệ thống Xà dọc với các cao độ khác nhau. Chiều cao từ nền tới Xà dọc Cột cái Tiền Đường là 4,45m, tới Xà dọc Cột cái Thiêu Hương là 4,48, tới Xà dọc Cột cái Thượng Điện là 3,8m. Chiều cao từ nền tới Xà dọc cột quân Tiền Đường là 3,2m, tới Xà dọc Cột quân Thiêu Hương là 3,5m và tới Xà dọc Cột quân Thượng Điện là 2,58m.
Mặt trước cả ba gian Tiền Đường mở cửa ra vào với những bộ cửa Bức bàn; hai gian tiếp theo dùng Vách gỗ và cửa sổ, hai chái là hai bộ cửa nhỏ kiểu Bức bàn dạng hai cánh được kết hợp với Vách đố lụa. Bao che ở những phần còn lại của cả tòa Tam Bảo là tường gạch, mặt trong được trát vữa, sơn trắng; mặt ngoài để trần, miết mạch. Tường hậu Tiền Đường và tường hai bên Thiêu Hương cách hàng Cột quân liền kề sau 0,9m. Trên thân tường của mỗi tòa đều có thêm các cửa ngách thông ra ngoài. Tòa Tam Bảo có một tầng mái. Tiền Đường, Thượng Điện có bốn mặt mái, Thiêu Hương hai mặt mái, toàn bộ lợp ngói mũi hài. Bờ nóc và bờ chảy đều xây gạch hoa chanh, trên các đao mái của Tiền Đường và Thượng Điện đều có hình tượng rồng. Chính giữa bờ nóc Tiền Đường đặt một biển ngạch dạng cuốn thư, trong lòng đắp tên chùa theo lối Đại tự.
3.2. Nhà Tổ Đệ Nhất
Nhà Tổ Đệ Nhất có mặt bằng chữ Công gồm: Tiền Đường, Thiêu Hương, Thượng Điện. Cốt nền Thiêu Hương bằng nền Tiền Đường, riêng gian giữa Thiêu Hương và Thượng Điện thì nền được nâng cao hơn 0,12m; nền ở giữa bốn cột cái của Thượng Điện được nâng lên thêm một bậc 0,12m nữa. Toàn bộ nền nhà được lát gạch bát 0,3mx0,3m.
Tiền Đường có kích thước 12,6mx6,68m, gồm ba gian, hai chái được dựng trên cơ nền cao hơn sân trước 0,33m. Gian giữa rộng 2,7m, mỗi gian bên rộng 2,4m và mỗi chái rộng 2,35m. Bộ khung gỗ dựng trên bốn hàng chân Cột: hai hàng Cột cái (đường kính từ 0,32m đến 0,33m), dựng cách nhau 2,5m, hai hàng Cột quân (đường kính từ 0,26m đến 0,32m) dựng cách Cột cái liền kề 1,5m và các Cột góc có đường kính từ 0,28mđến 0,31m.
Thiêu Hương là tòa ở giữa nối mái Tiền Đường với Thượng Điện kích thước 6,95mx3,4m, gồm hai gian, với bước gian là 1,68m và 1,75m. Bộ khung gỗ dựng trên bốn hàng chân Cột: hai hàng Cột cái (đường kính từ 0,3m đến 0,32m), dựng cách nhau 2,7m, hai hàng Cột quân (đường kính từ 0,28m đến 0,31m) dựng cách Cột cái liền kề 1,4m.
Thượng Điện có kích thước 6,12mx8,45m gồm một gian hai chái. Bộ khung kiến trúc dựng trên bốn hàng chân Cột với bốn Cột cái ở gian giữa, đường kính từ 0,32m đến 0,38m; các Cột quân có đường kính từ 0,25m đến 0,29m và các Cột góc đường kính là 0,3m. Kết cấu Vì nóc ở cả ba tòa của Nhà Tổ Đệ Nhất đều dùng kiểu Vì Kèo Cọc Báng, liên kết Vì nách có hai kiểu bán Giá Chiêng – Chồng Rường và kiểu Kẻ. Các Hoành mái đều có thiết diện tròn. Ở Tiền Đường và Thiêu Hương, khoảng cách từ nền tới Câu đầu là 2,98m và tới Thượng lương là 4,28m; ở Thượng Điện, khoảng cách từ nền tới Thượng lương là 4,4m, tới Câu đầu là 3,4m.
Nối các đầu Cột theo hàng dọc ở Nhà Tổ Đệ Nhất là hệ thống Xà dọc tương tự như ơ Tam Bảo. Chiều cao từ nền tới Xà dọc Cột cái Tiền Đường là 2,98m, tới Xà dọc Cột cái Thiêu Hương và Thượng Điện là 3m. Chiều cao từ nền tới Xà dọc cột quân Tiền Đường là 2,15m, tới Xà dọc Cột quân Thiêu Hương và Thượng Điện là 2,5m.
Mặt trước và hai chái Tiền Đường được bao che bằng Vách đố lụa, những phần còn lại đều được xây tường gạch bao che, cùng chất liệu và kiểu dáng như ở tòa Tam Bảo. Cửa ra vào được mở ở mặt đứng chính Tiền Đường tại hàng cột quân trước mở ba bộ cửa đi kiểu cửa Bức bàn, bốn cánh ở gian giữa và hai gian bên, ở hai chái là Vách và cửa sổ.
Toàn bộ mái của Nhà Tổ đệ Nhất lợp ngói mũi hài, trên bờ nóc của Tiền Đường ở chính giữa cũng đặt một đại tự dạng cuốn thư, tất cả các bờ nóc và bờ chảy đều có gắn gạch hoa chanh, trên các đao mái của Tiền đường và Thượng điện đều là rồng và vân mây cách điệu.
3.3. Gác chuông
Gác Chuông có kích thước 7,5mx7,9m, một gian hai chái, hai tầng, chiều cao từ nền tới sàn tầng hai là 4,6m. Bộ khung kiến trúc dựng trên bốn hàng chân Cột với bốn Cột cái ở gian giữa đường kính từ 0,35m đến 0,38m; các Cột quân từ 0,22m đến 0,3m. Vì nóc Gác Chuông đỡ mái tầng trên có kết cấu kiểu Vì Kèo Cọc Báng, chiều cao từ nền tới Thượng lương là 7,26m, tới Câu đầu là 6,3m. Liên kết hiên ở tầng mái trên là kiểu Bẩy. Ở tầng mái dưới, các bộ Vì nách giữa Cột cái với Cột quân có kết cấu kiểu Kẻ ngồi; liên kết hiên kiếu Bẩy chéo.
Các hoành ở Gác chuông đều sử dụng hoành tròn. Nối các đầu Cột với nhau bởi hệ xà dọc, khoảng cách từ nền tới xà dọc cột quân là 2,47m. Nồi Cột cái là ba cấp xà: Xà thượng cách nền 6,08m, Xà trung cách nền 4,4m và Xà hạ cách 2,57m.
Gác Chuông có hai tầng, tầng trên bồn mặt hái, tầng dưới hai mặt mái. Mái Gác Chuông lợp ngói mũi hài. Bờ nóc, bờ chảy xây gạch hoa chanh, trát vữa; đầu đao tầng mái trên đắp rồng, vân xoắn cách điệu. Bao che hai hồi tầng một là tường gạch với kiểu xây và chất liệu tương tự như ở Tam Bảo bà Nhà Tổ Đệ Nhất, hai mặt trước sau tầng 1 để trống. Ở tầng 2, hai chái cũng được bao che bởi tường gạch có đắp nổi chữ Thọ.
4. Bài trí tượng
Chùa Vĩnh Nghiêm là một chốn tổ lớn nên ở đây bài trí khá nhiều tượng. Tuy thế trải qua nhiều năm, vừa mất vừa thêm tượng nên cũng có sự xáo trộn trong việc bài trí ở ban Tam Bảo. Điển hình ở đây có 2 pho Phật A Di Đà ở vị trí số 4 và số 7.
Tượng A Di Đà ở vị trí số 7 kết hợp với tượng Đại Thế Chí và Quan Thế Âm tạo thành bộ tượng Tây Phương Tam Thánh, tuy nhiên 2 tượng Bồ Tát 2 bên pho A Di Đà ở vị trí số 4 lại được làm theo hình mẫu Đại Thế Chí. Ở vị trí 13 còn có thêm tượng A Di Đà Tiếp dẫn đứng giữa, hai bên lại là Quán Âm Chuẩn Đề và Địa Tạng Vương Bồ Tát.
Ngoài ra trên ban Tam Bảo còn thấy sự xuất hiện của 2 tượng Hộ Pháp kích cỡ nhỏ. Hai tượng Hộ Pháp cỡ lớn được đặt ở ngoài Tiền Đường. Bộ tượng Tam Thế/Tam Thân vẫn được đặt ở vị trí cao nhất trong chùa.
Ngoài tượng trên ban Tam Bảo, tượng ở dưới vẫn tuân thủ theo cách bài trí truyền thống như bộ La Hán, bộ Thập Điện Diêm Vương, Tứ Đại Thiên Vương, ban Thánh Đức Ông, ban Thánh Tăng, Giám Trai, Thổ Địa xếp thành hai bên trong chùa.
Ở Tiền Đường còn có thêm 2 động Quán Âm rất đẹp, bên trái là Quán Âm động Bổ Đà, bên phải là Quán Âm động Hương Tích. Ngoài ra, ở chùa còn thấy xuất hiện tượng Độc Cước và Tôn Ngộ Không đặt ở Nhà Tổ Đệ Nhất.
5. Mỹ thuật tượng
Phần lớn tượng trong chùa Vĩnh Nghiêm mang phong cách mỹ thuật của thế kỷ XVIII và XIX đan xen một vài tượng mới làm. Tuy nhiên nổi bật và giá trị hơn cả là pho tượng Phật ở giữa bộ tượng Tam Thế/Tam Thân. Đây là pho tượng có phong cách mỹ thuật thời Mạc đồng nhất từ bệ đến tượng. Đặc điểm khác biệt ở đây là tượng có tác ria mép, đây là điều hiểm thấy ở các tượng Phật của người Việt.
Hai pho tượng hai bên cùng bộ với tượng này cũng có phong cách mỹ thuật đồng nhất nhưng có thể nhận thấy khuôn mặt đã bị sửa lại ở các đời sau. Hai tượng có giá trị thẩm mỹ cao khác ở chùa là 2 động Quán Âm ở Tiền Đường, Tượng Quán Âm ngồi trong động Bổ Đà có dáng người khoan thai, tay bế đứa trẻ, hai chân đặt lên 2 bông sen, nét mặt đẹp như người mẹ hiền. Phía trên có mái chùa đua ra che chắn, trên vách động có các pháp bảo như hồ lô, sách, bát… và còn có con chim vẹt. Nhìn thế này cũng có thể gọi tên là Quán Âm Tống Tử hoặc tên dân gian là Quán Âm Thị Kính. Tượng Quán Âm ngồi trong động Hương Tích được làm cầu kỳ hơn. Ngài ngồi thụt sâu vào trong động, phía trên một quả núi với 2 tầng mây bao quanh. Ở trên của động có con rồng vươn ra để che chắn, trên vách động đặt nhiều nhân vật hơn. Ở trên cùng có tượng Tỳ Lô Giá Na. Có thể nói đây là 2 động Quán Âm đẹp có giá trị cao, một đóng góp không nhỏ vào kho tàng điêu khắc động Phật ở Việt Nam.
Nguồn: Sách Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Việt – NXB Thông tin và Truyền thông (trang 263-285)