Khi nhắc đến Tịnh Độ, chúng ta đều nghĩ tới hình ảnh Tây phương Tam Thánh, đức Phật A-di-đà, Bồ-tát Quán Thế Âm, và Bồ-tát Đại Thế Chí. Ba vị thánh này ở cõi nước Cực Lạc phương Tây, trong đó đức Phật A-di-đà là vị giáo chủ, còn đức Quán Âm và Thế Chí là hai vị hỗ trợ đức Phật Di Đà trong việc tiếp dẫn chúng sanh.

Xuyên suốt các bộ kinh và luận thuộc Tịnh Độ tông, tất cả đều khuyên người hành trì phải có đủ ba đức tính: Tín, Nguyện và Hạnh. Như ngài Ngẫu Ích từng nói: “Được vãng sanh hay không là do Tín Nguyện có hay không; còn phẩm vị vãng sanh cao hay thấp là tùy việc trì danh sâu hay cạn.” Đây là phương châm dẫn người vào pháp môn Tịnh Độ. Ai ai cũng có thể tu được, dù là kẻ ngu muội chưa từng đọc sách vở hay là bậc thức giả đều có thể nương nơi này mà tu tập. Yếu quyết là nắm chặt danh hiệu Phật không rời bỏ thì được khế hợp với tâm địa của đức Phật A-di-đà.

Tuy nhiên, đối với những vị có chí hướng vãng sanh và đồng thời thực hành Bồ-tát hạnh ngay trong cõi đời này thì chẳng những quy hướng về Tây phương Tam Thánh mà còn quy hướng về ngài Phổ Hiền Bồ-tát. Các vị này học và hành mười hạnh của ngài Phổ Hiền cũng được vãng sanh về cảnh giới Cực Lạc Phật A-di-đà.

Chúng ta biết rằng, trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Pháp Giới và Nhập Bất Tư Nghì, hình ảnh ngài Thiện Tài Đồng Tử trải thân cầu đạo không có dừng nghỉ. Năm mươi ba lần cầu đạo, Đồng Tử tiếp xúc với rất nhiều hạng người, từ các vị Tỳ-kheo, đến các vị trưởng giả, tiên nhân, đồng tử, cư sĩ, vua, Ưu-bà-di, Bà-la-môn… rồi cuối cùng Thiện Tài Đồng Tử cầu mong được gặp đức Phổ Hiền, và thực tập mười hạnh nguyện này.

Nếu ai muốn thành tựu được Phổ Hiền Hạnh thì nên thực hành mười hạnh nguyện này. Để có thể thấy rõ hơn về phương pháp và lợi ích của mười hạnh, chúng ta lần lượt tìm hiểu từng hạnh.

Hạnh thứ nhất là lễ kính chư Phật. Sau đây là lời phát nguyện: “Bao nhiêu các đức Phật Thế Tôn nhiều như số cực vi trần trong cõi Phật khắp pháp giới, hư không giới mười phương ba đời, tôi do nơi hạnh nguyện của Phổ Hiền thâm tâm tín giải như đối trước mắt, đều dùng thân, khẩu, ý ba nghiệp thanh tịnh thường tu hạnh lễ kính. Nơi mỗi đức Phật đều hóa hiện thân nhiều như số cực vi trần trong bất khả thuyết cõi Phật. Mỗi thân đều khắp lễ kính các đức Phật nhiều như số cực vi trần trong bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật. Cõi hư không kia hết thì sự kính lễ của tôi mới hết. Nhưng cõi hư không chẳng cùng tận nên sự kính lễ của tôi cũng không cùng tận. Nhẫn đến cõi chúng sanh hết, nghiệp chúng sanh hết, phiền não chúng sanh hết, sự lễ kính của tôi mới dứt. Nhưng cõi chúng sanh cho đến phiền não chẳng hết, nên sự lễ kính của tôi cũng không cùng tận, niệm niệm nối luôn không hở, ba nghiệp thân, khẩu, ý không hề nhàm mỏi.

Đối với phương pháp thực tập này, quả thật không dễ đối với chúng ta bởi vì chúng ta nghiệp nặng tình thâm chưa thể quán tưởng ‘một thân lại hiện sát trần thân, mỗi mỗi thân lễ kính mỗi đức Phật’ được. Nhưng chúng ta có thể phát nguyện ‘nhưng cõi chúng sanh cho đến phiền não chẳng hết, nên sự lễ kính của tôi cũng không cùng tận, niệm niệm nối luôn không hở, ba nghiệp thân khẩu ý không hề nhàm mỏi’ và thực hành ‘dùng thân, khẩu, ý ba nghiệp thanh tịnh thường tu hạnh lễ kính’ hàng ngày thì chúng ta có thể gột rửa được nghiệp duyên của mình và có thể tiến lên thực tập thành công hạnh lễ kính của đức Phổ Hiền.

Thông thường khi chúng ta lễ Phật, chúng ta thường cầu nguyện này cầu nguyện kia. Chúng ta xem đức Phật là một vị tôn kính ở trên cao, còn chúng ta thì đảnh lễ để đón nhận một ân phước từ sự lễ kính ấy. Chúng ta quên mất một điều là trong chư Phật mười phương ba đời mà chúng ta lễ lạy hàng ngày đó có chúng ta và những người xung quanh ta. Chứ không phải chỉ lễ kính các vị Phật ở quá khứ và hiện tại mà còn ở tương lai nữa. ‘Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành’.

Do thế, chúng ta đảnh lễ Phật bày tỏ sự tôn kính, đồng thời nhắc nhở chúng ta về khả năng thành Phật của chúng ta và của mọi người. Chúng ta sống và sinh hoạt với mọi người, phải tương kính và thương yêu nhau. Hằng ngày chúng ta lễ Phật giúp chúng ta gột rửa dần những tập quán xấu và những thói quen không hay đẹp trong ta. Có như thế, việc lễ Phật của ta mới có giá trị và đúng nghĩa của việc lạy chư Phật ba đời. Khi chúng ta gặp nhau, chắp tay lại theo hình búp sen và xá chào nhau, thầm niệm Nam mô A-di-đà Phật. Hàm nghĩa là, cầu nguyện bạn cũng được sống lâu vô lượng, trí tuệ vô lượng và công đức vô lượng, đó cũng có nghĩa là cầu mong bạn sớm thành Phật (danh hiệu Phật A-di-đà bao hàm nghĩa Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang, Vô Lượng Công Đức).

Hạnh thứ hai là khen ngợi các đức Như Lai. “Tôi phải trọn dùng sức thậm thâm thắng giải tri kiến hiện tiền, đều dùng lưỡi vi diệu hơn Biện Tài thiên nữ. Mỗi lưỡi phát xuất vô tận âm thinh hải. Mỗi âm thanh diễn xuất tất cả ngôn từ hải, khen ngợi các công đức hải của tất cả các đức Như Lai, ca ngợi đến tột đời vị lai nối luôn không dứt, khắp cả pháp giới không sót chỗ nào.

Phần thực tập này cũng thế, chúng ta chưa đủ khả năng thực tập như trong kinh mô tả được, tuy nhiên chúng ta cũng phát nguyện ‘nhưng cõi hư không kia cho đến phiền não của chúng sanh chẳng cùng tận, nên sự khen ngợi của tôi cũng không cùng tận, niệm niệm nối luôn không hở, ba nghiệp thân, khẩu, ý không hề nhàm mỏi.’

Trong sự thực tập hằng ngày, nếu chúng ta thường xuyên khen ngợi những tính tốt của đức Phật, chẳng hạn lòng từ bi của Ngài:

“Phật thân thanh tịnh tợ lưu ly
Phật diện do như mãn nguyệt huy
Phật tại thế gian thường cứu khổ
Phật tâm vô xứ bất từ bi”.

Khi chúng ta khen ngợi như thế thì tự dưng chúng ta sẽ nhìn lại bản thân chúng ta. Đó là cái hay của sự thực tập. Chúng ta cũng có những hạt giống từ bi như thế. Trong chúng ta có đủ cả những hạt giống của bất an, của hận thù, của sự nghi kỵ… nhưng chúng ta cũng có những hạt giống của sự thương yêu, tha thứ, lắng nghe, nhẫn nhục… Do thế, khi chúng ta khen ngợi những đức tính quý báu nơi đức Phật thì những hạt giống tốt lành ấy trong ta được tưới tẩm sẽ phát triển lên. Nếu chúng ta không có sự hiểu biết, mà chúng ta cả ngày xem phim ảnh bạo động, hay thời cuộc chính trị lộn xộn và suy nghĩ về chúng thì những hạt giống của sự lo lắng, của sự hồi hộp, sự hận thù lại phát triển lên. Chúng ta sẽ khổ vì những thứ ấy.

Hạnh thứ ba là rộng sắm đồ cúng dường. “Trong các thứ cúng dường, pháp cúng dường là hơn hết. Pháp cúng dường là: Tu hành đúng theo lời Phật dạy để cúng dường, làm lợi ích cho chúng sanh để cúng dường, chịu khổ thế cho chúng sanh để cúng dường, nhiếp thọ chúng sanh để cúng dường, siêng năng tu tập căn lành để cúng dường, không bỏ hạnh Bồ-tát để cúng dường, chẳng rời tâm Bồ-đề để cúng dường.

“… cõi hư không cho đến phiền não chẳng cùng tận, nên sự cúng dường của tôi cũng không cùng tận, niệm niệm nối luôn không hở, thân, khẩu, ý nghiệp không hề nhàm mỏi.

Chúng ta thấy rằng việc cúng dường không nhất thiết là phải có tiền mới làm được. Có nhiều vị Phật tử cũng có tâm niệm như vậy. Không dám đến chùa vì ngại là không có gì để cúng dường. Nghĩ như thế thì không đúng. Một câu Phật hiệu A-di-đà giữ luôn không bỏ; một cố gắng đoạn trừ lòng nóng giận của mình… đó đã là cúng dường chư Phật rồi. Một cử chỉ hòa nhã, một lời nói an ủi kẻ khổ đau… đó cũng là hình thức cúng dường chư Phật. “phụng sự chúng sanh tức cúng dường chư Phật” là đó vậy.

Hạnh thứ tư là sám hối nghiệp chướng. “… do lòng tham lam, giận dữ, ngu si khiến thân, khẩu, ý tạo vô lượng vô biên nghiệp ác. Nếu các nghiệp ác này mà có hình tướng, thì khắp cõi hư không cũng chẳng thể đựng chứa hết được. Nay tôi đem trọn cả ba nghiệp trong sạch đối trước các đức Phật và chúng Bồ-tát khắp cực vi trần cõi nước trong pháp giới, thành tâm sám hối, về sau không tái phạm nữa, thường an trụ nơi pháp giới trong sạch đầy đủ công đức lành.

“… nhưng hư không giới cho đến chúng sanh phiền não chẳng cùng tận, nên sự sám hối của tôi cũng không cùng tận, niệm niệm nối luôn không hở, thân, khẩu, ý ba nghiệp không hề nhàm mỏi.

Sám hối là một pháp môn giúp chúng ta tiêu trừ nghiệp cũ và tránh việc gây tạo nghiệp mới. Khi chúng ta sám hối một lỗi lầm nào tức là chúng ta thừa nhận những sai sót vụng về, không tỉnh giác của chúng ta trong quá khứ, và nguyện sửa chữa những sai lầm đó để không phạm lại trong tương lai. Khi chúng ta sám hối như thế, chúng ta cũng đồng thời chấp nhận trách nhiệm những gì chúng ta tạo ra mà không có sự than trời trách đất, hay hoảng hốt lo sợ. Khi biết lỗi rồi thì chúng ta dễ phục thiện hơn. Chính vì thế, đức Phật cũng thường nói rằng: “có hai hạng người mạnh nhất: một là người không phạm lỗi, hai là người có lỗi mà biết sửa.

Nơi đây, chúng ta cũng nên có một cái nhìn. Thông thường, chúng ta chỉ biết nhìn lỗi người khác và chỉ trích, nhưng nay chúng ta nhìn lại bản thân mình thì thấy mình cũng như vậy, cũng phạm lỗi như họ. Do thế, chúng ta có sự cảm thông và thương họ, mong muốn tìm cách giúp họ thay vì sự phê phán, dèm pha mà khi trước chúng ta phạm phải.

Hạnh thứ năm là tùy hỷ công đức. Tùy hỷ là vui mừng theo những việc tốt lành mà người khác làm được. Tùy hỷ giúp chúng ta đoạn trừ được tâm ganh tị, và đồng thời phát triển những việc thiện trong ta. Khi thực tập hạnh tùy hỷ này, trên đến công đức to lớn của chư Phật, Bồ-tát, xuống dưới đến công đức nhỏ nhoi của lục thú, tứ sanh chúng ta cũng đều vui theo. Đối với chư Phật, chúng ta tùy hỷ những hạnh khó làm mà đức Phật trải thân thực hành trong vô lượng kiếp, như: “… siêng tu cội phước chẳng tiếc thân mạng… thí xả đầu, mắt, tay, chân, v.v… nhiều như số cực vi trong bất khả thuyết, bất khả thuyết cõi Phật… đầy đủ các môn ba-la-mật, chứng nhập các trí địa của Bồ-tát, trọn nên quả vô thượng bồ-đề của chư Phật, cho đến nhập Niết-bàn phân chia xá-lợi…”.

Khi chúng ta thực tập hạnh này, chúng ta phải có con mắt sáng, con mắt không có kiến chấp, con mắt của sự hiểu biết thì chúng ta mới thấy được những hành động tốt của người khác mà tùy hỷ, bằng không chúng ta sẽ tùy hỷ những công việc bất thiện của người mà chúng ta không biết. Chúng ta cũng phải có lỗ tai không thành kiến, không có sự phân biệt, chấp trước thì chúng ta mới có thể dễ dàng vui với niềm vui của người. Con người chúng ta, tâm đố kỵ rất nặng, chúng ta hay ghen ghét sự thành công của người khác, và vui mừng trên nỗi đau của họ. Do thế, thật không dễ thực tập hạnh này. Nhưng trong giai đoạn thực tập, nếu như tâm ganh tị nảy sinh, ta phải lắng lòng nhìn lại diễn biến của tâm, và hóa giải nó thì lần lần chúng ta sẽ giảm đi tâm ganh tị này.

Hạnh thứ sáu là thỉnh đức Phật thuyết pháp. “Tôi đều đem thân, khẩu, ý ba nghiệp dùng những phương tiện ân cần khuyên mời tất cả chư Phật nói pháp nhiệm mầu… tôi luôn khuyên mời tất cả các đức Phật chuyển pháp luân chơn chánh không cùng tận, niệm niệm nối luôn không hở, ba nghiệp thân, khẩu, ý không hề nhàm mỏi.

Chư Phật là Bậc giác ngộ hoàn toàn, thấu triệt được con đường giải thoát, có khả năng giúp chúng sanh chuyển mê khai ngộ, và đạt giác ngộ giải thoát như Ngài. Chính vì như thế, chúng ta mới thỉnh Phật thuyết pháp giáo hóa độ sanh, làm lợi ích chúng sanh. Trong cõi đời này, ngay nơi hiện tại này, chúng ta không có Phật. Cho nên, chúng ta không thực tập hạnh này được. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm những công việc như ấn tống kinh sách, những lời dạy của đức Phật cho mọi người cùng xem, để cùng tu tập, chuyển đổi những sai lầm của mình. Chúng ta cũng cầu thỉnh các bậc thầy trí tuệ, giới luật tinh nghiêm thương tưởng chúng sanh mê mờ mà thuyết pháp giáo hóa. Đó cũng là những công việc thiết thực, lợi lạc quần sanh, đó là cách gián tiếp thỉnh Phật chuyển pháp luân vậy.

Hạnh thứ bảy là thỉnh Phật ở lại nơi đời. “Các đức Như Lai như số cực vi trong tất cả cõi Phật khắp hư không pháp giới mười phương ba đời toan muốn thị hiện nhập Niết-bàn, cùng các Bồ-tát, Thinh văn, Duyên giác, hữu học, vô học, cho đến tất cả các bậc thiện tri thức, tôi đều khuyên mời xin đừng nhập Niết-bàn, xin ở lại đời trải qua số kiếp như vi trần trong tất cả cõi Phật, vì muốn cho tất cả chúng sanh được lợi lạc.

Khi một vị Phật chứng ngộ, Ngài quán xét nhân duyên của chúng sanh, sợ rằng không ai có thể hiểu và thực tập được những gì mà Ngài chứng ngộ, nên Ngài nghĩ đến việc nhập Niết-bàn. Lịch sử của đức Phật Thích-ca cho chúng ta thấy được điều đó. Nhưng ngay khi Ngài khởi ý niệm đó, có một vị Phạm Thiên (vị này tiền thân có nguyện sẽ thỉnh đức Phật thuyết pháp ngay khi Phật chứng ngộ) biết được nên vội đến trước đức Phật cầu xin trụ lại đời để làm lợi ích chúng sanh. Trong thời đại của đức Phật, cũng như trong suốt thời gian từ đó đến nay, có nhiều vị chứng ngộ xong cũng đều nhập diệt cả. Do thế, chúng ta khi nghe tin vị nào chứng ngộ, hoặc là những bậc giới đức trang nghiêm, chúng ta đều thành kính đảnh lễ cầu mong các vị trụ đời lâu hơn để cho chúng sanh nương tựa, học hỏi, thực tập. Có các vị này bên cạnh thì chúng ta sẽ biết được đâu là hướng đi đúng và đâu là nẻo tà phải tránh vậy.

Hạnh thứ tám là thường học tập theo Phật. Học tập theo Phật là học những công hạnh mà chư Phật mười phương thực hành từ khi phát tâm cho đến khi thành Phật. Như “lột da làm giấy, chẻ xương làm viết, chích máu làm mực, dùng biên chép kinh điển chất cao như núi Tu Di, vì tôn trọng chánh pháp nên Phật không tiếc thân mạng, huống là ngôi vua, thành ấp, cung điện, vườn, rừng…” và hiện thân trong các chúng hội để giáo hóa cho chúng sanh được lợi ích, và Ngài còn làm vô số công hạnh lợi ích khác.

Chúng ta có tâm ý cầu thỉnh chư Phật và các vị thánh hiền trụ thế, giáo hóa chúng sanh thì chúng ta phải thường theo các vị ấy mà học hỏi, tu tập để chuyển hóa những phiền não mà được Niết-bàn giải thoát. Chúng ta học hỏi không những từ nơi khẩu giáo của các Ngài mà chúng ta còn phải học hỏi từ nơi thân giáo nữa.

Việc học và tu Phật đòi hỏi chúng ta có sự tinh tấn, ngày ngày đều dụng công. Có như thế, chúng ta mới thấu rõ được đạo lý và đồng thời tăng trưởng đạo lực cho mình. Có những người trong chúng ta cứ hứa hẹn sự tu tập. Cứ cho rằng hôm nay bận nên không thể đến chùa học Phật pháp hay tu tập được, đợi khi nào rãnh thì sẽ đi. Nếu cứ đà này thẳng tiến thì chúng ta sẽ không bao giờ thấu rõ được đạo lý nhiệm mầu, cũng như ích lợi của Phật pháp trong đời sống thường nhật của mình.

Hạnh thứ chín là hằng thuận lợi ích của chúng sanh. “Bao nhiêu chúng sanh sai khác trong tất cả cõi ở mười phương pháp giới, hư không giới, chính là những loài noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh… Các loài như vậy tôi đều tùy thuận tất cả mà thực hành các sự vâng thờ, cúng dường, như kính cha mẹ, như thờ bậc thầy, cùng A-la-hán, nhẫn đến như đức Như Lai đồng không khác. Trong các loài ấy, nếu là kẻ có bệnh thì tôi vì họ mà làm lương y, nếu ai bị lạc đường thì tôi vì họ mà chỉ cho con đường chân chánh, nơi đêm tối tôi vì họ mà làm ngọn đuốc sáng, người nghèo thiếu tôi làm cho được của báu. Bồ-tát bình đẳng lợi ích cho chúng sanh như vậy.

Vì sao thế? Vì Bồ-tát nếu có thể tùy thuận chúng sanh, thì chính là tùy thuận cúng dường các đức Phật. Còn tôn trọng và thừa sự chúng sanh thì chính là tôn trọng và thừa sự các đức Như Lai. Nếu làm cho chúng sanh vui mừng thì chính là làm cho tất cả Như Lai vui mừng. Vì sao thế? Vì các đức Như Lai lấy tâm đại bi mà làm thể. Nhơn nơi chúng sanh mà sanh lòng đại bi, nhơn lòng đại bi mà phát tâm bồ-đề, nhơn nơi tâm bồ-đề mà thành bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”

Hạnh thứ mười là hồi hướng khắp tất cả. “Từ sự lễ kính ban đầu nhẫn đến tùy thuận có bao nhiêu công đức, thảy đều đem hồi hướng cho tất cả chúng sanh khắp trong hư không pháp giới. Nguyện cho tất cả chúng sanh thường được an lạc, không các bệnh khổ, muốn thực hành pháp ác thảy đều không thành, còn tu nghiệp lành thì đều mau thành tựu. Đóng chặt cửa của tất cả ác thú, mở bày đường chánh nhân thiên Niết-bàn. Nếu các chúng sanh nhơn vì trước kia chứa nhóm các nghiệp ác nên chiêu cảm tất cả quả rất khổ, tôi đều chịu thế cho, khiến chúng sanh đều được giải thoát, rốt ráo thành tựu quả Vô thượng Bồ-đề. Bồ-tát tu hạnh hồi hướng như vậy.”

Trong thời khóa tu tập hằng ngày của chúng ta, có phần hồi hướng:

Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.

Hồi hướng này, tâm lượng phải rộng lớn, ‘tâm bao thái hư, lượng châu sa giới’. Quả vị Phật là quả vị cao tột, mà bất kỳ người tu nào cũng cầu nguyện chứng đắc được. Vậy mà sau buổi kinh, hay công việc lợi ích nào, chúng ta cũng đều hồi hướng, chia sẻ cho khắp pháp giới chúng sanh, điều này thật là một việc làm cao thượng. Mong rằng, chúng sanh đều thành Phật. Tuy nhiên, có nhiều người chúng ta hồi hướng thì vẫn hồi hướng, nhưng những việc rất nhỏ nhặt chúng ta cũng không bỏ qua cho nhau được. Âu đó có phải là do thiếu sự hành trì chân chánh chăng?

Có một câu chuyện tếu cũng có ý nghĩa này. Một chị vợ phát hiện chồng của mình ngoại tình, nên buồn nản vào chùa tu. Cô ta thực hành các thời khóa hằng ngày rất chuyên cần. Một hôm, Sư Phụ dạy rằng, khi cô tụng kinh xong thì phải hồi hướng bài kệ trên. Cô vâng lời. Hôm sau, đến phần hồi hướng, cô đang tụng gần xong bài kệ thì chợt nhớ tới ông chồng đáng ghét khi xưa. Vội bỏ mõ chạy xuống thưa Sư Phụ: “Con hồi hướng cho ai thì được, chứ không bao giờ hồi hướng cho người đàn ông ngoại tình đó”.

Chúng ta đọc xong câu chuyện phiếm này sẽ cười cô ta, nhưng nếu chúng ta ngồi nghiệm lại, chúng ta cũng như vậy, chứ đâu khác gì. Đôi khi còn hơn nữa. Chúng ta hiềm khích một người bạn, chẳng bao giờ chịu nhìn mặt nhau. Vậy mà trong thời khóa nào ta cũng tụng bài kệ kia hết. Chúng ta tụng nhưng không hiểu được ý nghĩa hay đẹp cũng như thực tập bài kệ kia, liệu có uổng lắm không?

Mười hạnh nguyện của đức Phổ Hiền chỉ dạy cho ngài Thiện Tài Đồng Tử làm lợi ích chúng sanh, cuối cùng đều đưa hành giả quy hướng về Tịnh độ.

Lại người này lúc lâm chung, phút cuối cùng tất cả căn thân đều hư hoại, tất cả thân thuộc đều phải bỏ lìa, tất cả oai thế đều thoái thất, cho đến các quan phụ tướng đại thần, cung thành trong ngoài, voi ngựa xe cộ, trân bảo kho đụn,… tất cả đều không đem theo một món nào được. Chỉ có mười nguyện vương này chẳng rời người mà thôi. Trong tất cả thời gian nó thường ở trước dẫn đường, trong khoảnh khắc liền được vãng sanh về cõi Cực Lạc. Đến Cực Lạc rồi liền thấy đức A-di-đà Phật cùng các ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát, Phổ Hiền Bồ-tát, Quán Tự Tại Bồ-tát, Di Lặc Bồ-tát… Các vị Bồ-tát này sắc tướng đoan nghiêm công đức đầy đủ chung cùng vây quanh. Lúc bấy giờ người ấy tự thấy mình gá sanh nơi hoa sen báu, được đức Phật xoa đầu thọ ký…”

Đường về Tây phương Tịnh độ xa xôi diệu vợi. Dù có dùng sức thần thông của đức Mục-kiền-liên cũng không thể nào đến được. Tuy nhiên, cõi Tịnh độ ấy không ngoài tâm niệm hiện tiền. Một niệm tâm chân thật, đầy đủ tín nguyện hạnh, thì nương vào thần lực đức Phật A-di-đà khoảnh khắc được vãng sanh nơi cảnh giới kia. Một niệm tâm ấy, trọn vẹn thập hạnh nguyện của đức Bồ-tát Phổ Hiền, rộng lợi ích chúng sanh cũng đều siêu việt nơi biển sanh tử, tự tại thọ sanh nơi cảnh giới trang nghiêm Cực Lạc. Pháp môn tuy đa thù nhưng rốt lại đều không ngoài biển hạnh nguyện của đức Phật A-di-đà. Tùy nơi tâm lượng nhỏ hẹp hay rộng lớn mà hóa độ khác nhau. Phổ Hiền Hạnh Nguyện mà Thiện Tài Đồng Tử tham học để hoàn thành công hạnh Bồ-tát đạo và trì danh hiệu Phật dành cho chúng sanh nơi biển khổ trầm luân này cũng không ngoài biển hạnh nguyện ấy.

Thiều Quang
[Tập san Pháp Luân – số 57, tr.10, 2009]


Tài liệu tham khảo

1. Kinh Hoa Nghiêm tập 4, HT. Thích Trí Thủ dịch
2. Sen nở trời phương ngoại, HT. Thích Nhất Hạnh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Nghi Thức Truyền Giới Cho Thập Thiện Và Bồ Tát Tại Gia
Luật, Phật học

TỰA Kể từ khi đạo Phật truyền vào nước ta, hàng Phật tử tại gia trong bất cứ thời đại nào và hoàn cảnh nào cũng đã có những đóng góp thiết thực trong sứ mạng hộ trì và hoằng dương chánh pháp, song song với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Sở dĩ được như thế, là do tinh thần cùng học cùng tu hòa hợp như nước với sữa. Tinh thần ấy càng được củng cố và phát triển thì giáo...

Một số vấn đề trong A tỳ đàm
Luận, Phật học

Không hài lòng với việc phân loại thực tại (các pháp) thành các uẩn, xứ và giới, các bộ phái ngày càng thấy nhu cầu thảo ra một danh sách tổng thể các pháp, và việc này đã đưa đến một liệt kê khá cụ thể cho các mục tiêu thiền quán về những thành...

Tìm hiểu tổng lược về Bộ kinh Milindapañha
Kinh, Phật học

Bộ kinh phản ánh đầy đủ giáo lý căn bản trong Kinh tạng Pāli của Phật giáo Theraveda, “những vấn đề được đề cập hoàn toàn là tinh yếu của Tam Tạng Pàli văn, ít bị pha tạp tư tưởng và kiến giải của các bộ phái phát triển sau này” I. Tổng lược Kinh Milindapañha...

Giới thiệu kinh ‘Chuyện vua Thập Xa’
Kinh, Phật học

Chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu đến quí Phật tử từng mẩu chuyện trong kinh Tạp bảo tạng (雜寶藏經 ‘Saṃyukta-ratna-piṭaka-sūtra’), 10 quyển, do ngài Cát-ca-dạ (Kiṅkara, dịch là Hà sự, người Tây Vực) và Đàm Diệu (Tăng nhân thời Bắc Ngụy, năm sinh, mất và quê quán không rõ) dịch thời Nguyên Ngụy (A.D...

Luật tạng trong tổ chức Tăng đoàn ngày nay tại Việt Nam
Luật, Phật học

Tăng đoàn (Sangha) là những người nguyện sống với đời sống hoà hợp, để hổ trợ cho nhau thực hiện đời sống Giải thoát và Giác ngộ. I.  Luật tạng trong tổ chức tăng đoàn. Định nghĩa về tăng, Thiền sư Nhất Hạnh viết: “Tăng là đoàn thể đẹp Cùng đi trên đường vui Tu...

Kinh Chuyển Pháp Luân – Tỳ Kheo Hộ Pháp
Kinh, Phật học

Ba Ngày Lịch Sử Trọng Đại Trong Phật-Giáo  Theo truyền thồng Phật-Giáo-Nguyên-Thuỷ có 3 ngày lịch sử trọng đại như sau: 1– Ngày rằm tháng tư (âm-lịch) có 3 sự kiện lịch sử trọng đại trùng hợp theo thời gian khác nhau: * Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha đản-sinh kiếp chót, * Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha trở thành Đức-Phật-Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama,...

Những điều cần biết về ăn trộm Tăng tướng và lối tu Đầu đà khổ hạnh theo giới luật của Đức Phật
Luật, Phật học

Lối tu Đầu đà khổ hạnh và giới luật của Đức Phật là những khía cạnh quan trọng trong Phật giáo. PHẦN I: LUẬT PHẬT DO AI QUY ĐỊNH? 1) Hỏi: Luật Phật là gì? Ai là người chế định ra Luật Phật? Đáp: Luật Phật là khái niệm cho tất cả quy định về giới...

Sơ Quát về ba pháp môn Chỉ-Quán-Thiền trong kinh Thủ Lăng Nghiêm qua Duy Thức Học
Kinh, Phật học

Pháp Tứ Niệm Xứ Quán giúp tâm niệm được an trú mà liễu tường được các nhân duyên sinh khởi, rõ được 4 chỗ Thân- Thọ- Tâm- Pháp đều không có thực thể, không có tự tánh. Quán liễu được như vậy khiến giúp chủ thể Năng Quán không còn khởi sinh. Điều này có...

Học và ứng dụng giới luật Phật giáo trong đời sống tu tập
Luật, Phật học

Phật giáo do Đức Phật sáng lập là một tổ chức gồm có ba thành phần tạo nên là Phật, Pháp và Tăng, còn gọi là Tam bảo. Trong đó, Đức Phật là bậc Thầy vĩ đại và là tấm gương cao thượng để các đệ tử học tập theo, giáo pháp là con đường...

Tư tưởng “không sát sinh” trong Tứ bộ A hàm kinh
Kinh, Phật học

Sự sống vô cùng quý giá, bất kể là ai, tôn giáo nào, xã hội nào và quốc gia nào. Mọi người mọi loại dù là hữu tình hay vô tình luôn luôn tôn trọng sự sống, bất cứ sự sống nào, từ sự sống của côn trùng cho đến sự sống của cỏ cây....

Luận “Sa môn bất kính vương giả”
Luận, Phật học

Khi một tu sĩ không giữ mình, không có giới hạnh, lại dùng tà thuyết chiêu dụ mê hoặc, thì không còn tư cách làm thầy làm sư, thậm chí còn thấp hơn người thế tục; khi đó họ nhận nhân quả – bị phỉ báng cũng là tất yếu. “Sa môn bất kính vương...

Tư tưởng Long Thọ trùng phùng trên nẻo đường quê hương
Phật học

(TƯỞNG NIỆM ÂN SƯ THÍCH TUỆ SỸ) Thầy sinh ra và lớn lên tại thành phố Paksé, tỉnh Champasak, Lào; năm chín tuổi được phụ mẫu gửi vào ngôi chùa làng gần nhà (chùa Trang Nghiêm) hành điệu. Thiên bẩm thông minh, học đâu nhớ đó, điều này khiến cho thân mẫu lo sợ, liên...

Ý nghĩa phương tiện và cứu cánh qua phẩm Tín giải trong Kinh Pháp Hoa
Kinh, Phật học

Kinh Pháp Hoa gửi thông điệp: Ai cũng sẽ thành Phật. Các tôn giáo khác không bao giờ nói tín đồ bằng giáo chủ, đây là điểm khác biệt trong Phật giáo. Tóm tắt phẩm Tín giải Sau khi nghe về pháp Phương tiện và được đức Phật khai mở về Nhất thừa giáo, đặc...

Nghiên cứu triết lý kinh Pháp Hoa qua Phẩm Tựa
Kinh, Phật học

Sự ra đời của kinh Pháp Hoa chính là để hòa giải, thống lĩnh, điều hòa và hợp nhất các tông phái nên tạo ra nhất thừa. 1. Bối cảnh lịch sử ra đời kinh Pháp Hoa 1.1. Bối cảnh lịch sử Những diễn biến về mặt Tôn giáo Sau Phật Niết-bàn khoảng một trăm...

Lược Khảo Về Tư Tưởng Niệm Phật
Luận, Phật học

Tịnh Độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương; Di đà là tính sáng soi, Mựa phải nhọc nhằn tìm về Cực Lạc.[1] I. DẪN KHỞI “Lúc Ta mới ngồi nơi đạo tràng, dưới cội Bồ-đề, quán sát và đi kinh hành, trong hai mươi mốt ngày, suy nghĩ như vầy: Trí tuệ mà Ta đã đạt được thật là vi diệu đệ nhất. Chúng sanh các căn ám độn, đắm...

Kinh Kiến Chánh – Thích Nguyên Hiền dịch
Kinh, Phật học

NHÂN DUYÊN DỊCH KINH KIẾN CHÁNH Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Từ lúc xuất gia, ngay cả nhiều năm được diễm phúc tiếp xúc với Đại tạng kinh, tôi vẫn chưa bao giờ nghe đến tên kinh Kiến Chánh. Năm Quý Mùi (2003), tôi may mắn được về hầu Thầy nhập thất. Một...

Ads Blocker Image Powered by Code Help Pro

Đã phát hiện trình chặn quảng cáo!!!

Chúng tôi đã phát hiện thấy bạn đang sử dụng tiện ích mở rộng để chặn quảng cáo. Vui lòng hỗ trợ chúng tôi bằng cách vô hiệu hóa các trình chặn quảng cáo này.