Nằm trên vị trí thuận lợi, từ lâu Việt Nam đón nhận và giao thoa với nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Trong quá trình tiếp thu và chọn lọc, có thể nói, không có nền văn hóa nào có sức sống mãnh liệt và hòa lẫn, cắm sâu vào nền văn hóa Việt Nam như Văn hóa Phật giáo. Được truyền vào Việt Nam từ thế kỷ I, văn hóa Phật giáo đã tạo thành dòng mạch chủ đạo trong suốt dòng chảy lịch sử của dân tộc. Trong vườn văn hóa Phật giáo muôn màu ấy, ngôi chùa đã trở thành biểu tượng văn hóa thiêng liêng và gần gũi nhất.
Nét đầu tiên của văn hóa ngôi chùa là kiến trúc. Tất cả ngôi chùa Việt Nam đều mang đậm dấu ấn của triết lý Á Đông. Những tinh ba của nền triết lý này đã được thể hiện thành kiến trúc, hoa văn biểu tượng của ngôi chùa. Ngôi chùa cũng được phối trí hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên. Hình ảnh và môi trường của ngôi chùa gợi lên trong mọi người những cảm xúc thăng hoa, thanh thoát:
“Vạn duyên bất nhiễm thành giả tục
Bán điểm vô ưu nhãn phóng khoan”.
(Thiền sư Huyền Quang)
Đệ tam tổ Trúc Lâm đã ghi lại những tâm thái của mình như thế khi ngắm cảnh chùa Một Cột. Ngôi Diên Hựu tự này được xây dựng năm Kỷ sửu (1049) gắn liền với giấc mộng của vua Lý Thái Tông, kiến trúc ngôi chùa mang đậm nét đặc thù kiến trúc thời Lý; đuôi mái cong, lưỡng long triều nguyệt, vững chãi trên một trụ đá như hoa sen thanh khiết vươn lên khỏi mặt hồ. Và hình ảnh bất nhiễm này đã trở thành biểu tượng của văn hóa Việt Nam.
Nét văn hóa mang tính hướng nội của ngôi chùa là nêp sống, sinh họat. Chính nếp sống giới-định-tuệ của tăng đồ đã tạo thành năng lực tự nội và mang sức ảnh hưởng lan tỏa đến xung quanh. Người xuất gia là thiền gia, sinh hoạt nhà chùa là sống thiền và cảnh chùa là cảnh thiền. Cảnh thiền môn luôn là không gian yên tĩnh, trầm mặc, linh thiêng. Sự huyền nhiệm nầy đã tác động đến những tâm hồn mê muội trong chốn trần ai, khiến người ta giật mình chiêm nghiệm về nhân tình thế thái, về thân phận con người trong giấc mộng ba sinh:
“Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái
Lững lờ khe yến cá nghe kinh
Thoảng bên tai một tiếng chày kình
Khách thương hải giật mình trong giấc mộng”.
(Chu Mạnh Trinh )
Hoặc khi nghe tiếng chuông, khách trần được gột rửa phiền não, lòng nhẹ nhàng, tự tại:
“Dạ văn Diệu đế chung thanh
Thuận an lãng nộ ngự thành pháo thôi
Giang khúc khúc, trường hồi khúc khúc
Lãng du du, dạ phục du du
Tiêu điều quán lữ tình thu…”.
(Đinh Nhật Thận)
Chính khung cảnh thiền vị, thoát tục của ngôi chùa đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của dân chúng. Bởi thế, nếp sống thuần từ đạo đức, quý chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam đã mang dấu ấn đậm nét từ nếp sống của ngôi chùa.
Nét văn hóa độc đáo của ngôi chùa được thể hiện qua cơ sở giáo dục văn hóa. Một ngôi chùa được xây dựng lên là do bá tánh đóng góp. Trong xã hội cũ chùa làng được dân làng xây cất. Do vậy, chùa là của chung và là nơi tổ chức hội họp, sinh hoạt văn hóa. Như thế ngoài chức năng tôn giáo chùa còn là cơ sở sinh hoạt văn hóa.
Trong xã hội Cổ Trung Đại Việt Nam, nền giáo dục chủ yếu là Hán học. Lối giáo dục bác học này hầu như chỉ có các nhà sư hấp thụ còn tuyệt đại đa số quần chúng đều gắn liền với sinh hoạt đồng áng, một nắng hai sương. Do vậy, để mang ánh sáng văn hóa cho dân chúng, nhà sư trở thành thầy giáo và chùa trở thành nhà trường. Giáo sư Nguyễn Đăng Thục nhận định “Thời Giao Châu đô hộ phủ, các lò huấn dục nhân tài ắt phải ở tại các ngôi chùa Phật giáo cổ xưa, vốn thân cận với dân bị trị nơi quy tụ tín ngưỡng của người dân (Phật giáo Việt Nam, trang 284). Giáo sư Trần Văn Giáp viết “Bấy giờ chưa có kỳ thi Nho học, những người thông minh và có học, được biết, được học qua các vị tăng”. Rõ ràng ngôi chùa đã mang sứ mạng truyền bá văn hóa và nhà sư là người thực hiện sứ mạng này. Và chắc chắn rằng, ngoài việc học văn hóa, người học còn được hấp thụ đạo đức, luân lý từ các nhà sư để họ trở thành người hữu ích cho xã hội. Bởi thế chúng ta không ngạc nhiên chút nào, khi nhiều trạng nguyên, nhiều quan thanh liêm đều có nguồn gốc huấn dục từ nhà chùa, trong đó có những vị lỗi lạc như Nguyễn Thượng Hiền, Lương Hữu Khánh…
Trong xã hội hiện tại, ngôi chùa vẫn đang thực hiện xứ mạng này. Ngôi chùa là nơi để quần chúng nghe giảng đạo, học hỏi nghiên cứu giáo lý và tổ chức những lớp học tình thương.
Nét đẹp văn hóa của ngôi chùa cũng được thể hiện qua các lễ hội. Có thể nói, cho đến nay chưa có tôn giáo nào có sức ảnh hưởng lớn đến các lễ hội ở Việt Nam như Phật giáo. Hằng trăm lễ hội ở Việt Nam phần đông là lễ hội Phật giáo gắn liền với ngôi chùa. Lễ hội Phật giáo đã gắn bó, hòa quyện với quần chúng đến độ nó trở thành lễ hội của dân gian, mang tính đại đồng. Đi hành hương chiêm bái thánh tích, tham gia vào các lễ hội đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của người dân Việt. Mọi người, ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp, không phân biệt tôn giáo, quốc tịch đều tham gia lễ hội.
Hằng năm, hàng trăm lễ hội Phật giáo được diễn ra. Ngoài những lễ hội chung như Vu Lan, Khánh Đản, ở các địa phương còn có những lễ hội đặc thù gắn liền với những danh lam. Miền Nam có lễ hội Bà Đen (Linh Sơn Tiên Thạch tự), lễ hội chùa Bà núi Sam. Miền Trung có lễ hội chùa Núi (Bình Định), lễ hội Quan Âm (Non Nước)… Miền Bắc có lễ hội chùa Dâu, chùa Keo, chùa Hương…
Thông thường, lễ hội gồm hai phần: Phần lễ va phần hội. Phần lễ liên quan đến nghi thức cúng tế. Đó là sự tỏ lòng thành kính, tri ân đối với đấng thiêng liêng Phật Thánh, bậc tiền hiền có nhiều công trạng. Phần hội có múa tứ linh, hát chèo hát dân ca, kể hạnh… là những hình thức mang đậm bản sắc văn hóa dân gian sinh động.
Đi hành hương, tham quan lễ hội cũng là trở về với thiên nhiên và nguồn cội tâm linh. Chẳng hạn, khách du lịch tham quan lễ hội chùa Hương có cảm tưởng như mình đang đi “phong cảnh Bụt”. Từ bến Đục vào chùa, khách hành hương thỏa lòng chiêm ngưỡng, liên tưởng đến sơn thủy hữu tình, giang sơn tú lệ gắn liền với những cái tên dân dã mà người dân mong ước: núi Mâm xôi, Con gà, T
hiên trù, Cây vàng, Cây bạc, Nong tiền… Bên trong càng thêm hấp dẫn với những ngôi chùa thoát tục, động đá thiêng liêng, huyền bí với những hình tuyệt mỹ mà thiên nhiên ban tặng như Tiên sơn, Hồng sơn… đặc biệt động Hương tích (Nam thiên đệ nhất động) huyền nhiệm gắn liền với sự tích bà Chúa Ba (Bồ-tát Quan Âm) tu hành đắc đạo…
Nhìn chung các lễ hội Phật giáo gắn liền với những ngôi chùa nổi tiếng đã mang đậm và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và Phật giáo, đồng thời trở thành một phần tất yếu của đời sống tâm linh hướng thượng.
“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông”.
Chỉ hai câu thơ, thi sĩ Huyền Không đã lột tả được sự gắn bó bất khả phân ly của ngôi chùa với dân tộc. Ngôi chùa chính là quốc hồn, quốc túy của dân tộc. Ngôi chùa đã, đang và sẽ phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và che chở bao tâm hồn con việt. Bởi thế, những ai khi xa chùa không khỏi chạnh lòng, thương nhớ khôn nguôi:
“Mai này tôi bỏ quê tôi
Bỏ trăng bỏ gió chao ôi bỏ chùa”.
[Tập san Pháp Luân số 8]
Phong Giao