Xung đột và chiến tranh luôn hiện hữu trong lịch sử tồn sinh của nhân loại, và gần như nó không hề giảm thiểu nếu không muốn nói là ngày càng tăng thêm trong bối cảnh thế giới hiện nay. Chắc chắn một điều là nước nào có đầy đủ sức mạnh, toàn diện về các phương diện vật chất và tinh thần thì sẽ vững vàng, an ổn hơn trong các đối trọng giữa tương quan khu vực và toàn cầu.
Trường Bộ kinh (Kinh Đại Bát Niết Bàn) có ghi lại chuyện Đức Phật ở tại Ràjagaha, nước Magadha, bấy giờ vua Ajàtasattu thống trị một quốc gia hùng mạnh, có ý định thôn tính nước lân bang Vajjì, liền sai đại thần Vassakara đến thỉnh ý Thế Tôn.
Vua Ajàtasattu nói với đại thần Vassakara như sau: “Này Bà la môn, hãy đi đến Thế Tôn, và nhân danh ta, cúi đầu đảnh lễ chân Ngài: “Bạch Thế Tôn, Ajàtasattu Vedehiputta, vua nước Magadha cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, vấn an Ngài có thiểu bệnh, thiểu não, khinh an, lạc trú”. Và khanh hãy bạch tiếp: “Bạch Thế Tôn, Ajàtasattu Vedehiputta, vua nước Magadha muốn chinh phục dân Vajjì, vua tự nói: Ta quyết chinh phạt dân Vajjì này dầu chúng có uy quyền, có hùng mạnh, ta quyết làm cỏ dân Vajjì, ta sẽ tiêu diệt dân Vajjì, ta sẽ làm cho dân Vajjì bị hoại vong”. Thế Tôn trả lời khanh thế nào, hãy ghi nhớ kỹ và nói lại ta biết. Các bậc Thế Tôn không bao giờ nói lời hư vọng”.
Tất nhiên vua Ajàtasattu đã họp hành, bàn bạc kỹ lưỡng với hội đồng an ninh quốc gia Magadha nhưng ông vẫn muốn thỉnh ý Đức Phật. Có lẽ Ajàtasattu đang cân nhắc về việc khởi động một cuộc chiến tranh, dù dưới bất cứ lý do nào thì thương vong, chết chóc hàng triệu sanh mạng sẽ xảy ra và chưa hẳn cuộc chinh phạt sẽ thành công, hoặc nếu thành công chăng nữa cũng không lấy gì đảm bảo rằng sẽ mang lại quốc thái dân an. Vì thế, thỉnh ý bậc minh triết toàn thiện toàn tri hiện đang ngự trong quốc gia của mình, theo ông là cần thiết.
Trước vấn đề tuyệt mật và cực kỳ hệ trọng của quốc gia Magadha, nghe đại thần Vassakara thưa xong, Thế Tôn không biểu lộ ý kiến gì với sứ thần nhà vua mà chỉ nói với Tôn giả Ananda:
“Này Ananda, ngươi có nghe dân Vajjì thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau không?
Bạch Thế Tôn, con có nghe.
Này Ananda, khi nào dân Vajjì thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau, thời này Ananda, dân Vajjì sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Này Ananda, ngươi có nghe dân Vajjì tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết không?
Bạch Thế Tôn, con có nghe.
Này Ananda, khi nào nghe dân Vajjì tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết, này Ananda, dân Vajjì sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Này Ananda, ngươi có nghe dân Vajjì không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Vajjì như đã ban hành thời xưa không?
Bạch Thế Tôn, con có nghe.
Này Ananda, khi nào dân Vajjì, không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Vajjì như đã ban hành thuở xưa thời, này Ananda, dân Vajjì sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Này Ananda, ngươi có nghe dân Vajjì tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Vajjì và nghe theo lời dạy của những vị này không?
Bạch Thế Tôn, con có nghe.
Này Ananda, khi nào dân Vajjì tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Vajjì và nghe theo lời dạy của những vị này, thời dân Vajjì sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Này Ananda, ngươi có nghe dân Vajjì không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Vajjì phải sống với mình không?
Bạch Thế Tôn, con có nghe.
Này Ananda, khi nào dân Vajjì không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Vajjì phải sống với mình thời, này Ananda, dân Vajjì sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Này Ananda, ngươi có nghe dân Vajjì tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Vajjì ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp không?
Bạch Thế Tôn, con có nghe.
Này Ananda, khi nào dân Vajjì tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Vajjì ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp, thời này Ananda, dân Vajjì sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Này Ananda, ngươi có nghe dân Vajjì bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A la hán ở tại Vajjì khiến các vị A la hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A la hán đã đến được sống an lạc không?
Bạch Thế Tôn, con có nghe.
Này Ananda, khi nào dân Vajjì bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A la hán ở tại Vajjì khiến các vị A la hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A la hán đã đến được sống an lạc, thời này Ananda, dân Vajjì sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm”.
Dù không hề đả động gì đến lời thỉnh cầu của đại thần nước Magadha, nhưng qua cuộc hội thoại của Thế Tôn với Tôn giả Ananda, đại thần Vassakara đã nhận thức được rằng: “Tôn giả Gotama, nếu dân Vajjì chỉ hội đủ một pháp bất thối này, thời dân Vajjì nhất định được cường thịnh, không bị suy giảm, huống nữa là đủ cả bảy pháp bất thối. Tôn giả Gotama, Ajàtasattu Vedehiputta, vua nước Magadha không thể đánh bại dân Vajjì ở chiến trận”.
Tiễn khách, Thế Tôn chỉ ân cần khuyên đại thần Vassakara: “Người hãy làm những gì người nghĩ là hợp thời”.
Rõ ràng, Thế Tôn muốn nhắn gởi đến quốc vương Magadha một cách gián tiếp rằng không nên tiến hành cuộc chiến với dân Vajjì vì chắc chắn sẽ thất bại. Vajjì tuy không phải là một cường quốc nhưng họ đã làm được tất cả những gì cần thiết để giữ vững bờ cõi, dù nằm cạnh một láng giềng hiếu chiến, đầy tham vọng bành trướng.
Như vậy, “Cái đáng sợ không phải là thế giặc mạnh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi”. Muốn dân theo thì phải an dân (Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân – Nguyễn Trãi). Dân có an thì nước mới thái bình, thịnh trị, ngoại bang không dám lăm le xâm lược và nếu cứ hung hăng bành trướng thì chắc chắn “Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời” (Lý Thường Kiệt). Thế Tôn từ xưa đã khẳng định điều này, chứng minh rõ ràng qua “bảy pháp bất thối” mà dân Vajjì đã thực thi để tự cường, giữ yên bờ cõi bằng nội lực quốc gia. Đó là sức mạnh được tạo ra từ sự đoàn kết, hòa hợp, dân chủ, công bằng và văn minh đích thực chứ không phải chỉ hô hào, khẩu hiệu.
Trang sử Việt hào hùng với lịch sử chiến thắng ngoại xâm, từ xưa đến nay từng đánh bại những đế quốc hùng mạnh nhất thế giới đều nhờ sự đoàn kết toàn dân. Hơn 2.000 năm đồng hành cùng dân tộc, “Trang sử Phật/Đồng thời là trang sử Việt” (Hồ Dzếnh) nên “bảy pháp bất thối” của dân Vajjì là giải pháp cần yếu, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nội lực dân tộc, giữ vững biên cương Tổ quốc.
Quảng Tánh