LỊCH SỬ TRUYỀN DỊCH

I. Ý NGHĨA VÀ TRUYỀN THỪA

Tạp A-hàm (Skt. Samyukta-āgama), truyền thống của phần lớn các học phái sơ kỳ Phật giáo, ngoại trừ Hữu bộ, liệt kê là bộ thứ ba trong bốn A-hàm, tương đương với Samyutta thuộc bộ thứ trong năm bộ Nikāya (Pāli), được biên tập trong đại hội kết tập lần thứ nhất.

Luật Ma-ha Tăng kỳ, thuộc Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika), chép: “Tôn giả A-nan tụng lại toàn bộ Pháp tạng như vậy. Những kinh có văn cú dài được tập hợp thành một bộ gọi là Trường A-hàm. Văn cú vừa, tập hợp thành bộ Trung A-hàm. Văn cú tạp, tập hợp thành bộ Tạp A-hàm. Các thể tài như Căn tạp, Lực tạp, Giác tạp, Đạo tạp, vân vân, được gọi là tạp.”[1] Các bộ Luật khác, chép về đại hội kết tập này, mà hầu hết Hán dịch đều gọi là “tạp’ với giải thích gần tương tợ, nhưng không xác định nghĩa.[2] Từ “tạp được giải thích như vậy không hoàn toàn có nghĩa “pha tạp” hay “tạp loạn”[3], nghĩa là pha trộn nhiều thứ linh tinh khác nhau vào một gói. Từ này được thấy xác định hơn theo giải thích của Tì-ni mẫu kinh: “Trong đó, tương ưng (liên hệ) tỳ-kheo, tương ưng tỳ-kheo- ni, tương ưng Đế Thích, tương ưng chư thiên, tương ưng Phạm Thiên; những kinh như vậy được tập hợp thành một bộ gọi là Tạp A-hàm.” Nói là tương ưng tì-kheo-ni, tương ưng Phạm Thiên, vân vân, cho thấy các tương đương của chúng trong Pāli: Bhikkhunī-samyutta, Brahma- samyutta. “Tạp” được giải thích như vậy hàm nghĩa “tương ưng”, chỉ rõ những kinh liên hệ đến tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, chư thiên, vân vân được tập hợp thành một bộ. Nghĩa Tịnh[4] và Huyền Trang đều hiểu theo nghĩa này, do đó dịch là Tương ưng A-cấp-ma. Từ Sanskrit saṃyukta, nguyên là phân từ quá khứ thụ động bởi động từ căn sam-YUJ, có nghĩa là kết hợp, nối kết hai cái lại với nhau như buộc hai con bò vào trong một cỗ xe kéo.[5] Ý nghĩa nối kết hay “tương ưng” này được thấy rõ trong giải thích của Hữu bộ tì-nại-da tạp sự. Theo đó, những kinh có nội dung liên hệ (=tương ưng) đến năm uẩn, được tập hợp thành “Phẩm Uẩn”[6]; những kinh có nội dung liên hệ đến xứ, giới, được tập hợp thành các phẩm “Xứ”[7] và “Giới”[8].

Huyền Trang trong Pháp trụ ký cũng dịch là “Tương ưng A-cấp-ma”, nhưng lại kể thêm “Tạp loại A-cấp-ma”, và nói Tố-đát-lam tạng, tức Kinh tạng, bao gồm năm A-cấp-ma.[9] Tạp loại A-cấp-ma được kể trong đây như vậy là bộ thứ năm, tương đương với Nikāya thứ năm của Pāli là Khuddaka-nikāya. Pāli khuddaka, hay Sanskrit kṣudra có nghĩa là “tạp toái”, chỉ những tiểu tiết, chi tiết vụn vặt, không quan trọng, như những điều luật Phật chế nếu thấy là không quan trọng thì chúng tỳ- kheo có thể liệt vào loại “tạp toái giới” (skt. kṣudrānukṣudraka) và có thể tùy ý không tuân giữ[10].

Nhưng trong Đại Tì-bà-sa 6, Câu-xá 29 Du-già-sư địa 85, Huyền Trang dịch từ này là Tạp A-cấp-ma[11]. Mặc dù trong Pháp trụ ký phân biệt rõ hai bộ loại tương ưng và tạp loại khác nhau, trong các Luận này, Hán dịch của Huyền Trang đồng nhất Tương ưng A-cấp-ma với Tạp A- cấp-ma. Có lẽ gọi là A-cấp-ma vì bấy giờ từ “Tạp” đã thông dụng chỉ một trong bốn A-hàm. Dù vậy, trong giải thích của luận Du-già sư địa, từ “Tạp” trong Tạp A-cấp-ma cũng hàm nghĩa “tương ưng”.

Luận nói, “Sự khế kinh, đó là bốn A-cấp-ma: 1. Tạp A-cấp-ma, 2. Trung A-cấp-ma, 3. Trường A-cấp-ma, 4. Tăng nhất A-cấp-ma. Về Tạp A-cấp-ma, trong đó, đức Thế Tôn quán sát các hạng cần được giáo hóa như vầy, như kia, tuyên thuyết những chủ đề liên hệ (=tương ưng) được nói bởi Như Lai và các Đệ tử; những chủ đề liên hệ uẩn, xứ, giới, liên hệ duyên khởi, thức ăn, Thánh đế; những chủ đề liên hệ niệm trụ, chánh đoạn, thần túc, căn, lực, giác chi, đạo chi, niệm hơi thở ra vào, hữu học chứng tịnh, vân vân. Lại nữa, y theo tám chúng mà nói liên hệ các chúng. Được kết tập vào phần cuối, với mục đích để cho Thánh giáo tồn tại lâu dài, cuối mỗi tương ưng được kết thúc bằng bài kệ tóm tắt.”[12]

Đấy là nói về hình thức tổ chức. Ý nghĩa liên hệ hay tương ưng như vậy được phân thành ba tổ: 1. người nói (năng thuyết), là Như Lai và các Thánh đệ tử; 2. điều được nói (sở thuyết), là các chủ đề liên hệ như uẩn, xứ, giới; 3. đối tượng nhắm đến (sở vị thuyết), là các chúng tỳ-kheo, chư thiên, Ma, v.v…

Như vậy, những kinh mà nội dung chứa đựng các chủ đề, hay vấn đề liên hệ nhau được tập hợp thành một tương ưng, theo đây có thể hiểu là một thiên hay một chương. Luận giải thích thêm: “Các giáo nghĩa với các thể tài liên hệ nhau như vậy được sưu tập và dồn chung lại thành nhóm, gọi là Tạp A-cấp-ma.”[13] Hán dịch của Huyền Trang trong đoạn này, từ “tạp” được giải thích là “gián xí cưu tập”. Trong Hán cổ, xí được dùng như là tạpCưu, chỉ loại chim gáy, thường tụ họp thành đàn, gọi là cưu hạp hay cưu tập. Căn cứ theo nghĩa Hán tự, Lữ Trừng giải thích cụm từ “gián xí cưu tập” như sau: “Thể tài được kết tập của Kinh tuy có thể gọi là tương ưng, nhưng văn của Kinh được sắp xếp tùy nghi, không thuận theo thứ tự, như vậy mà có nghĩa là tạp. Những tương ưng được nói bởi Như Lai hay các đệ tử, tùy theo người nói mà đặt lên đầu các thiên, nhưng văn của Kinh thì đặt xen kẽ (gián xí) các tương ưng khác vào giữa. Lại nữa, tương ưng giới cùng với tương ưng uẩn xứ nên được xếp chung một loại, nhưng trong văn của Kinh lại đặt xen kẽ vào giữa các đề tại như nhân duyên, (Thánh) đế, thực. Do sự “gián xí cưu tập” như vậy mà kinh được gọi tên là Tạp A-cấp-ma.”[14]

Tuy có các giải thích được thấy trên, “tạp” ở đây vẫn không hẳn có nghĩa là pha tap, nếu hiểu pha tạp là trộn lẫn nhiều thứ tạp nhạp với nhau, mà là sự tổ hợp có thứ tự hợp lý. Thế nhưng, như được định nghĩa trong Phân biệt công đức luận, “Tạp, chỉ những kinh có nội dung đoạn trừ kết sử, thật khó đọc thuộc, khó ghi nhớ; thể tài phần nhiều vụn vặt (= tạp toái) khiến người ta dễ quên.”[15] Đoạn Hán dịch này do từ “tạp toái”, được hiểu là tạp nhạp hay tạp loạn, xem đó là ý nghĩa chính của từ này, nên có thể khiến bỏ sót từ khác cũng rất quan trọng để hiểu nội hàm của tạp; đó là từ đoạn kết. Tất nhiên từ “đoạn kết” cũng có thể hiểu là kết luận đoạn văn, hay phán quyết; nghĩa này không phù hợp ở đây. Trong tiếng Phạn, cùng họ với samyukta ta có từ saṃyojana, kết phược, một từ khác chỉ phiền não. Đoạn kết, hay đoạn trừ phiền não, là nội dung đại bộ phận các kinh được tập hợp trong bộ loại này[16].

Trong đoạn văn dẫn thượng từ Du-già sư địa, có nhắc đến cụm từ “sự khế kinh.” Đó là một trong 24 đề mục tạo thành các bộ phận của Kinh tạng (Tố-đát-lãm sự, sūtra-vastu).[17] Sự, chỉ cho thể tài, hay các vấn đề được đề cập. Luận nói, “Nên biết, những điều Phật nói được bao gồm trong chín thể tài (sự, vastu): 1. hữu tình sự, 2. thọ dụng sự, 3. sinh khởi sự, 4. an trú sự, 5. nhiễm tịnh sự, 6. sai biệt sự, 7. thuyết giả sự, 8. sở thuyết sự, 9. chúng hội sự.”[18] Trong đó, hữu tình sự (sattva-vastu) bao gồm các vấn đề liên hệ đến năm thủ uẩn. Thọ dụng sự (upabhoga- vastu), các vấn đề liên hệ đến 12 xứ. Sinh khởi sự (utpatti-vastu), liên hệ đến duyên sinh và các chi duyên khởi. An trú sự (sthiti-vastu), liên hệ đến bốn loại thức ăn. Nhiễm tịnh sự (saṃkleśa-vyavadāna-vastu), liên hệ bốn Thánh đế. Sai biệt sự (vaicitrya-vastu), liên hệ vô lượng giới. Thuyết giả sự, Phật và các đệ tử của Phật. Sở thuyết sự, liên hệ các bồ đề phần (bodhyaṅga) gồm bốn niệm trụ, vân vân. Chúng hội sự, chỉ các Kinh liên hệ đến tám chúng.

Chín sự như vậy cũng chính là toàn bộ tổ chức của Tạp A-hàm, bao gồm cả nội dung và hình thức. Do bởi nguyên bản Phạn của Kinh đã thất lạc, đến nay chưa được phát hiện, nên Kinh được tổ chức như thế nào chỉ là vấn đề của suy luận. Bản dịch Hán hiện tại được nói là có phần tạp loạn, do bởi chính truyền bản hay do bởi những người biên tập Hán dịch. Song, nếu đối chiếu với truyền bản Pāli tương đương, ta cũng có thể hình dung một cách rất khái quát tổ chức nguyên thủy của Phạn bản, chí ít đó là truyền bản được đọc bởi Du-già sư địa.

Trong liệt kê chín sự bởi Du-già sư địa như đã thấy, ta có các tương đương Pāli từ Samyutta-nikāya như sau. Thứ nhất, những vấn đề liên hệ đến năm thủ uẩn, đó là các các Kinh được tập họp thành phẩm Uẩn, Khandhavaggo; phẩm này gồm 13 saṃyutta (tương ưng). Thứ đến, những Kinh với nội dung liên hệ đến xứ tập hợp thành phẩm Sáu xứ, Saḷāyatanavaggo; phẩm này gồm 10 sa yutta. Tiếp theo, liên hệ đến duyên sinh và duyên khởi bao gồm các Kinh trong phẩm Nhân duyên, Nidānavaggo, gồm 10 sa yutta. Thứ tư, liên hệ vấn đề thức ăn để chúng sinh tồn tại, không có thiên phẩm riêng biệt, mà là chỉ là một chương gọi là Ahāravaggo, trong tương ưng thứ nhất, Nidānasaṃyuttaṃ, thuộc phẩm Nhân duyên, Nidānavaggo. Thứ năm, liên hệ bốn Thánh đế, tương đương với tương ưng Thánh đế, Saccasaṃyuttam, thuộc thiên Đại phẩm, Mahāvaggo. Thứ sáu, liên hệ đến đa giới, tương đương Dhātusaṃyutta trong phẩm Nhân duyên, Nidānavaggo. Thứ bảy, gồm các samyutta phân tán trong các thiên phẩm (vagga). Thứ tám, gồm đại bộ phận các samyutta trong phẩm Đại, Mahāvaggo. Thứ chín, chúng hội sự, tức liên hệ tám chúng, gồm 11 samyutta trong phẩm thứ nhất, gọi là thiên “Có Kệ”, Sagāthāvaggo.

Xem thế, tổ chức nguyên hình Phạn bản rất gần với bản Pāli hiện tại. Sự bố trí các thiên phẩm, các samyutta, khác nhau là do sự truyền tụng khác nhau giữa các bộ phái. Đó là điều tất nhiên.

Về liên hệ bộ phái, như những ghi chép về cuộc kết tập Thánh điển lần đầu tiên tại Vương xá, Thánh điển nguyên thủy bao gồm hai bộ phận chính là Pháp và Luật. Trong đó, Pháp là những điều Phật dạy được kết tập thành Kinh tạng, gồm bốn A-hàm theo truyền thống phương bắc được truyền tụng phổ biến tại Trung hoa, hoặc năm bộ Nikāya như được truyền thừa trong truyền thống Phật giáo phương nam. Tổng quát mà nói, khởi thủy, các bộ phái đều có chung một nền văn hiến Thánh điển nguyên thủy. Về sau, do sự phát triển các bộ phái, theo thời gian và trong nhiều khu vực địa lý khác nhau, mỗi bộ phái có thể có riêng Thánh điển là cơ sở học tập và nghiên cứu. Tình hình có thể thấy qua những ghi chép về hai hay ba cuộc kết tập đầu tiên trong Luật tạng của các bộ phái qua các bản Hán dịch hiện hành[19].

Hiện tại, chỉ riêng Thượng tọa Nam phương (Theravāda) còn lưu truyền hầu như hoàn chỉnh Thánh điển nguyên thủy hay gần với nguyên thủy. Điều này có thể được là do nhở ở tình hình chính trị xã hội tại Tích Lan. Trên địa bàn Ấn Độ, nơi phát triển của các bộ phái Phật giáo, do tình hình xã hội, chính trị, tôn giáo qua nhiều thời đại và trong nhiều vương quốc cát cứ, Phật giáo nhiều nơi và nhiều thời bị trấn áp, bị khống chế và cuối cùng diệt vong, mà ảnh hưởng là Thánh điển các bộ phái theo đó cũng phần lớn bị hủy diệt. Điều may mắn là đại bộ phận đã được dịch sang Hán văn.

Các bộ A-hàm cũng bị chi phối bởi các biến cố lịch sử như vậy. Mặc dù các kinh đơn bản thuộc các bộ A-hàm được truyền dịch rất sớm, trong đó đáng kể là những kinh thuộc Tạp A-hàm. Nhưng do xu hướng Đại thừa Phật giáo Trung quốc, Thánh điển A-hàm được phán định là kinh điển Tiểu thừa, được xem là dành cho hạng căn cơ thấp kém, nên không có nghiên cứu đáng kể nào về bộ phận Thánh điển này. Điều này khiến các nhà nghiên cứu Phật giáo Trung quốc lấy làm ân hận.

Theo sự phán định của các nhà nghiên cứu văn học Phật giáo Hán tạng, trong bốn bộ A-hàm Hán dịch, thứ nhất Trường A-hàm thuộc Pháp tạng bộ (Dharmagupta), cùng hệ với luật Tứ phần. Tăng Nhất A-hàm thuộc Đại chúng bộ (Mahāsa gika), hoặc Thuyết xuất thế bộ (Lokottaravāda), một hệ phái chi mạt của Đại chúng bộ. Trung và Tạp A-hàm thuộc Hữu bộ (Sarvāstivāda)[20]. Ngoài ra, còn có Biệt dịch Tạp A-hàm được phán định thuộc Ẩm quang bộ (Kāśyapīya)[21].

Về thứ tự ưu tiên của bộ loại, hầu hết Luật tạng của các bộ đều ghi thứ nhất Trường, thứ đến Trung, Tạp, và cuối cùng Tăng nhất. Thứ tự này kể theo hình thức. Tuy vậy trong bản Hán dịch hiện tại, có những kinh trong Tạp A-hàm cũng được đặt vào trong Trường hay của các bộ phái khác. Cho nên, độ dài của các kinh không phải là tiêu chuẩn thống nhất giữa các bộ phái biên tập bộ loại.

Trong dẫn chứng của Du-già sư địa dẫn thượng[22], Tạp A-hàm được kể đầu tiên, tiếp theo Trung và Trường, cuối cùng là Tăng nhất. Đại sư Ấn Thuận cho rằng đây có thể là hình thức kết tập tối cấp được bảo lưu[23]Du-già cũng nói là tổ các kinh được biên tập thành bộ loại theo tiêu chuẩn độ dài. Nhưng chính thể tài mà luận này nói đó là toàn bộ những điều được Phật dạy; chín thể tài này là nội dung của chính Tạp A-hàm.

Trên đại thể, toàn bộ kinh được tổng quát trong ba bộ phận chính mà Du-già phân loại thành năng thuyết, sở thuyết và sở vị thuyết. Phân loại này có thể xem như phù hợp với điều được Tăng Triệu giới thiệu trong bài Tựa cho bản Hán dịch Trường A-hàm của Phật-đà-da-xá; theo đó, Tạp A-hàm gồm bốn phần mười tụng[24].

Căn cứ theo đây, và tham chiếu với trần thuật bởi Du-già sư địa, Lữ Trừng đề nghị tổ chức Tạp A-hàm như sau:

Phần I: Tương ưng năm thủ uẩn, sáu xứ và nhân duyên

Tụng 1: Năm thủ uẩn.
Tụng 2: Sáu xứ.
Tụng 3: Duyên khởi.
Tụng 4: Thực (thức ăn).
Tụng 5: Đế (Thánh đế).
Tụng 6: Giới.

Phần II: Phật và đệ tử sở thuyết:

Tụng 7: Sở thuyết bởi đệ tử của Phật.
Tụng 8: Sở thuyết bởi Phật.

Phần III: Đạo phẩm.

Tụng 9: Niệm trụ, v.v.

Phần IV: Kết tập.

Tụng 10: Tám chúng.

Đặc biệt, phát biểu của Lữ Trừng về mối quan hệ giữa Tạp A-hàm với “Nhiếp sự phần”, thứ năm trong năm phần của Du-già sư địa, mà ông gọi là “Bản mẫu của Tạp A-hàm”[25]. Bản mẫu, tức sanskrit Mātṛikā, phiên âm là ma-đát-lí-ca. Đó là thể Thánh điển phân tích giải thích, diễn giải những giáo nghĩa Phật nói trong các kinh mà ý nghĩa ẩn tàng chưa được rõ[26]. Thể loại này phát triển dần thành Thánh điển Luận tạng.

Nói cách khác, Bản Mẫu của Tạp A-hàm được biên tập trong Du-già sư địa là phác đồ giải thích những giáo nghĩa ẩn tàng mà Phật đã dạy được kết tập trong Tạp A-hàm. Xem thế cũng đủ thấy tầm quan trọng của bộ phận Thánh điển này đối với giáo nghĩa căn bản của các nhà Đại thừa Du-già hành (Duy thức)[27].

II. TIỂU SỬ PHIÊN DỊCH

Đơn bản của Tạp A-hàm được truyền dịch rất sớm bởi An Thế Cao. Các bản Hán dịch đầu tiên xuất xứ từ Tạp A-hàm và hiện ấn hành trong Đại chánh tạng, được ghi nhận trong bản mục lục cổ nhất bởi Đạo An, và rồi được ghi lại bởi Tăng Hựu[28], có thể kể:

No105. Ngũ ấm thí dụ kinh, 1 quyển. No109. Chuyển pháp luân kinh, 1 quyển. No112. Bát chánh đạo kinh, 1 quyển.

Các kinh này đều do An Thế Cao dịch, trong khoảng dương lịch 148-170. Ngoài ra trong Đại chánh tạng cũng ấn hành một bản dịch khác, No 101 Tạp A-hàm, 1 quyển, gồm 27 kinh, không rõ dịch giả, nhưng đưọc phỏng định là bởi dịch giả vào thời đại Ngô Ngụy (Tam quốc).

Bản dịch khác, No100, Biệt dịch Tạp A-hàm, gồm 16 quyển, không rõ dịch giả, được phỏng định vào đời Tần. Nhưng theo Câu-xá luận kê cổ, dẫn bởi Ấn Thuận, cho rằng xét theo thể tài dịch văn, Kinh có thể được phiên dịch trong khoảng thời đại Ngụy Tấn (dl. khoảng 220-); hoàn toàn không có ngữ khí của thời Đông Tấn về sau (dl. khoảng 316-). Phỏng định thời Tần là do bởi Khai nguyên lục, căn cứ ghi chú trong Kinh nói “tì-lê, tiếng nước Tần gọi là hùng[29]. Pháp Tràng cũng đề nghị nên gọi đúng tên kinh là Tiểu bản Tạp A-hàm, vì ngắn hơn so với bản 50 quyển.

Sau Đạo An, các dịch giả sơ kỳ truyền dịch Hán tạng cũng lần lượt nối tiếp nhau phiên dịch một số bản kinh từ Tạp A-hàm, gọi chung là các bản đơn hành, hay đơn dịch. Như cuối đời Hán đến cuối đời Tấn, có Chi Diệu (Hậu Hán, dl. 185-) Chi Khiêm (Ngô, dl. 223-294), Pháp Hộ (dl. 294), Pháp Cự (dl. 290-306), Đàm Vô Lan (dl. 381-395), … Đường, Tống về sau được kế tục bởi Huyền Trang (Đường, dl. 661), Nghĩa Tịnh (Đường, dl. 710), Thi Hộ (Tống, dl. 980), Pháp Hiền (Tống, dl. 1001), …[30]

Nguyên bản Phạn của bản Hán dịch Tạp A-hàm bởi Cầu-na-bạt-đà-la được nói, theo Trường Phòng, là do Pháp Hiển mang về. Trường Phòng cũng ghi chú rằng điều này chép theo Tề Ngụy lục của Đạo Huệ[31]. Đây là bản mục lục do Đạo Huệ biên tập dưới thời đại Nam Tề, sưu tập đề kinh của các bản dịch thực hiện khoảng cuối Đông Tấn đến đầu Nam Tề, dl. khoảng nửa đầu thế kỷ 5. Bản kinh lục này đã thất lạc nên khó khảo cứu tính chân thực của nó. Mặc dù Pháp Hiển truyện[32] cũng có chép rằng trong khi lưu trú tại đảo Sư tử, Tích-lan ngày nay, Pháp Hiển sưu tập được bộ Luật của Di-sa-tắc bộ, Trường A-hàm và Tạp A-hàm; nhưng sự kiện Cầu-na-bạt-đà-la căn cứ theo bản Phạn mà thực hiện Hán dịch thì không thấy nhắc đến trong Xuất Tam tạng ký tập của Tăng Hựu, và Cao tăng truyện của Huệ Hạo, vì vậy nhiều nhà nghiên cứu không lấy thế làm chắc[33].

Cầu-na-bạt-đà-la (Gu abhadra, Hán dịch: Công Đức Hiền)[34], gốc Trung Ấn, thuộc dòng họ Bà-la-môn; thủa nhỏ học các luận thư, các ngành học thuật thiên văn, thuật toán, y phương, chú thuật, không thứ gì không bác lãm. Về sau, do tình cờ đọc A-tì-đàm Tạp tâm luận, bèn cảnh ngộ, quay trở lại sùng tín Phật pháp. Vì gia thế thuộc Ngoại đạo, nên Sư trốn nhà, lánh đi tầm thầy học đạo. Một thời gian sau đó, chuyển hướng học tập Đại thừa.

Dười triều Lưu Tống, trong khoảng niên hiệu Nguyên gia 12 (dl. 435), do ngã đường ngang qua đảo Sư tử (Tích-lan), Sư đến đất Quảng châu. Thứ sử Quảng châu bấy giờ là Xa Lãng biểu tấu lên vua. Văn đế sai sứ đón Sư về Nam kinh, trú tại chùa Kỳ hoàn. Tại đây[35], quy tụ các tăng sỹ người Hoa tinh thông nghĩa học cộng tác với Sư khởi sự phiên dịch Tạp A-hàm.

Ngoài Tạp A-hàm, Sư còn dịch nhiều kinh khác nữa; tổng cộng tất cả, theo mục lục của Tăng Hựu, gồm 17 bộ, 73 quyển; Sa-môn Bảo Vân, và đệ tử Bồ Đề, Pháp Dũng truyền ngữ[36].

Về dịch văn của Cầu-na-bạt-đà-la, nói chung, được tán dương là “Truyền dịch tự cú tuy chất phác nhưng lý thì vi diệu uyên bác.” Tuy đây là tán dương cho bản dịch kinh Thắng-man nhưng cũng có thể chỉ chung cho toàn bộ sự nghiệp phiên dịch của Sư. Tuy có lời tán dương như vậy, mặc dù trong mức độ khiêm tốn, bản Hán dịch Tạp A-hàm của Cầu-na-bạt-đà-la chứa đựng nhiều từ ngữ bất xác, nhiều đoạn văn mơ hồ. Nếu không đọc được những dẫn chứng và giải thích bởi Du-già sư địa, và những tham khảo Samutta-nikāya, đối chiếu theo đoạn mạch tương đương, thì những điểm bất xác, mơ hồ ấy khó mà thông suốt. Dù sao, nếu so với bản dịch kinh Lăng-già 4 quyển, thì văn dịch của Cầu- na-bạt-đà-la trong Tạp A-hàm sáng tỏ hơn nhiều. Những nhầm lẫn, hoặc do phát âm không chuẩn, hoặc không nắm vững ý nghĩa của từ Phạn hay không hiểu hết ý của đoạn văn; những nhầm lẫn sai sót này nếu được phát hiện, theo thiển kiến của người hiệu chú, trong bản dịch Việt sẽ có ghi ở chú thích, đây không cần thiết chỉ xuất.

Văn dịch Hán của Cầu-na-bạt-đà-la cũng được kể là một trong các lý do khiến các nhà nghiên cứu Phật học Trung quốc thời cổ không mấy trọng thị, cho là kinh điển thuộc bộ loại “Tiểu thừa thấp kém”[37]. Nhiều vị nghiên cứu Phật học Việt Nam thời cận đại cũng do ảnh hưởng này mà ít lưu tâm học tập, nghiên cứu; hậu quả là một phần thiếu hiểu biết về căn bản giáo lý nguyên thủy, và do đó sở học Đại thừa trở thành lâu đài dựng trên bãi cát. Điều này đã được bổ túc bởi các bản dịch Nikāya của Ht. Thích Minh Châu, trong đó đại bộ phận nội cung giáo nghĩa của các kinh được tìm thấy tương đương trong các bản Hán dịch. Bản dịch Việt, cùng với các chú thích đối chiếu, hy vọng góp thêm tài liệu nghiên cứu, để cho sự học Phật tiến đến nhận thức có cơ sở nguyên thủy, hay gần với nguyên thủy hơn. Đây là điều không thể thiếu, kể trên hai phương diện, nghiên cứu và tu tập. Các bản Việt dịch từ Hán, thuộc bộ loại A-hàm, cũng rất cần thiết để nghiên cứu Luận tạng của các bộ phái, vốn là nền văn hiến rất phong phú của Phật giáo, mà trong đó truyền thống Pāli chỉ được kể là một bộ phận nhỏ. Bởi vì do trường kỳ đối diện với các hệ tư tưởng tôn giáo, triết học phát triển trong truyền thống tư duy Ấn Độ, nhất là từ thế kỷ I dương lịch, các Luận sư Phật giáo luôn luôn tự thấy phận sự thiêng liêng là phá tà hiển chánh; điều này rất hạn chế trong truyền thống Pāli. Lịch sử Phật học chứng kiến sự quay trở về với Kinh tạng của Kinh lượng bộ, chỉ trích Hữu bộ quá chú trọng tranh biện, tất nhiên là gián tiếp bị tác động bởi các hệ tôn giáo triết học đồng thời, mà nhiều khi đi quá xa mục đích thuyết giáo của Phật. Trong Đại thừa cũng vậy, các nhà Trung luận hậu kỳ nỗ lực đưa các luận điểm Phật học trở về y cứ Kinh tạng nguyên thủy, để tránh nhận thức nhầm lẫn với các luận thuyết của Số luận, Thắng luận, v.v… Nếu không có nhận thức căn bản về giáo lý nguyên thủy được kết tập trong các A-hàm, điều này không dễ gì nắm bắt.

Do các công phu nghiên cứu cận đại và hiện đại, trong số đáng kể là phát hiện của Lữ Trừng về sự liên hệ kinh văn và giáo nghĩa giữa Tạp A-hàm với “Nhiếp sự phần” trong Sư-già sư địa, và gợi hứng từ phát kiến này, Ấn Thuận biên tập Tạp A-hàm kinh hội biên, hiện nay văn nghĩa Tạp A-hàm trở nên sáng tỏ. Đây cũng thuận duyên cho những vị cần có cơ sở giáo nghĩa nguyên thủy để tiến đến các giáo nghĩa phát triển hậu kỳ.

TOÁT YẾU NỘI DUNG CÁC TƯƠNG ƯNG

I. Tạp A-hàm và Du-già sư địa Nhiếp sự phần

Kể từ khi Lữ Trừng phát biểu về sự liên hệ giữa Tạp A-hàm và Du-già sư địa luận Nhiếp sự phần[38], và gợi hứng từ đó, Ấn Thuận biên tập đối chiếu rất công phu tác phẩm Tạp A-hàm kinh hội biên; tác phẩm này trở thành cơ sở cho những nghiên cứu về Tạp A-hàm trong Hán tạng.

Luận Du-già sư địa, bản Hán dịch của ngài Huyền Trang, gồm 100 quyển, được chia làm năm phần: Bản địa phần, Nhiếp quyết trạch phần, Nhiếp thích phần, Nhiếp dị môn phần, và Nhiếp sự phần.

Trong đó, Nhiếp sự phần (skt. vastu-saṃgrahaṇi) gồm từ quyển 85-100. Nội dung tổng quát bao gồm ba thể loại Thánh điển (vastu): Tố- đát-lãm sự hay Khế kinh sự (skt. sūtra-vastu), Tỳ-nại-da sự (skt. vinaya-vastu), và Ma-đát-lí-ca sự (skt. mātṛikā-vastu).

Khế kinh sự, về thể loại, có 24 bộ phận Khế kinh: Biệt giải thoát khế kinh (prātimokṣa-sūtra), tức giới bản tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni; Sự khế kinh (vastu-sūtra), chỉ tập hợp bốn A-hàm; Thanh văn tương ưng khế kinh, chỉ các kinh điển chứa đựng giáo nghĩa Thanh văn thừa; Đại thừa tương ưng khế khinh, các kinh chứa đựng giáo nghĩa Đại thừa; các thể loại còn lại được phân loại theo nội dung hoặc hình thức, thuyết liễu nghĩa (nītartha-sūtrānta) hay chưa liễu nghĩa (neyārtha-sūtrānta), thuyết tóm lược hay chi tiết, thuyết sâu hay cạn, v.v…

Sự (vastu) ở đây được nêu rõ gồm 9 sự[39], tức 9 thể tài giáo nghĩa: năm uẩn, 12 xứ, 12 chi duyên khởi, 4 thực, 4 Thánh đế, vô lượng giới, những điều sở thuyết bởi Phật và Thánh đệ tử, 4 niệm trụ, và 8 chúng. Chín thể tài này được Nhiếp sự phần phân loại thành 4 khoa mục:

  1. Hành trạch nhiếp: quyển 85-88, tương đương Tạp A-hàm, tụng I. Năm uẩn, bao gồm các tương ưng, 1. Năm uẩn, 2. La-đà, 3. Kiến; bản Hán các quyển, 1, 10, 3, 2, 5, 6, 7, theo thứ tự các tương ưng đã được chỉnh lý[40].
  2. Xứ trạch nhiếp: quyển 88-92, tương đương Tạp A-hàm tụng II. Sáu xứ, bao gồm các tương ưng, 4. Sáu xứ; bản Hán các quyển 8, 9, 11, 13, 43.
  3. Duyên khởi – thực – đế – giới – trạch nhiếp: tương đương Tạp A-hàm, tụng III. Nhân duyên, gồm các tương ưng, 5. Nhân duyên, 6. Tứ đế, 7. giới, 8. Thọ; bản Hán, các quyển 12, 14-17; và tụng IV. Đệ tử sở thuyết, gồm các tương ưng, 9. Xá-lợi-phất, 10. Mục-kiền-liên, 11. A-na-luật, 12. Đại Ca-chiên-diên, 13. A-nan, 14. Chất-đa; bản Hán, các quyển 19-21.
  4. Bồ-đề phần pháp trạch nhiếp: quyển 97-98, tương đương Tạp A-hàm, tụng V. Đạo phẩm, tụng VI. Bát chúng, gồm các tương ưng 15. Niệm xứ đến tương ưng 30. Bất hoại tịnh, bản Hán các quyển 24, 26- 30.

Như vậy, Nhiếp sự phần của Du-già sư địa được thấy rõ là bản giải thích các giáo nghĩa cốt yếu như được kết tập trong Tạp A-hàm. Nhờ những giải thích này mà những từ hay những đoạn mơ hồ, bất xác trong bản Hán dịch Tạp A-hàm được hiểu rõ hơn. Thí dụ, từ “chánh vô gián đẳng” hay “vô gián đẳng” xuất hiện thường xuyên trong Tạp A-hàm, mà ý nghĩa của từ này không được rõ ràng theo ngữ cảnh. Trong kinh số 23, Hán dịch nói: đoạn ái dục, chuyển khứ chư kết, chánh vô gián đẳng, cứu cánh khổ biên 斷愛欲轉去諸結正無間等究竟苦邊. Trong đoạn hán dịch này, từ “chánh vô gián đẳng” muốn chỉ cho ý nghĩa gỉ? Giải thích đoạn kinh này, Nhiếp sự phần[41] nói: chánh mạn hiện quán cố, cập nhất thiết khổ bản tham ái tùy miên vĩnh bạt trừ cố, danh dĩ tác khổ biên 止慢現觀故。及一切苦本貪愛隨眠永拔除故。名已作苦邊。 “Do bởi chân chánh hiện quán mạn, và do bởi vĩnh viễn sở sạch gốc rễ của hết thảy khổ là tham ái ùy miên, do bởi đó được nói là đoạn tận khổ.” Đoạn văn của Nhiếp sự phần hoàn toàn phù hợp với nguyên văn Pāli (M.i.12): acchecchi ta ha , vivattayi sa yojana , sammā mānābhisamayā antamakāsi dukkhassā, cắt đứt ái, hủy diệt kết sử, chân chánh hiện quán mạn, đoạn tận khổ biên[42].

Nói một cách trung thực, thật khó mà tìm thấy những ngữ âm liên hệ với từ abhisamaya để có thể dịch là “vô gián đẳng”, thay vì hiểu là hiện quán hay hiện chứng.

Giải thích các kinh số 1 đến 10, tập họp thành phẩm thứ nhất trong “Tương ưng năm uẩn”, Nhiếp sự phần tóm tắt các điểm chính của giáo nghĩa được thuyết trong thành bài tụng:

界說前行觀察果    愚相無常等定界
二種漸次應當知    非斷非常及染淨

Giới, thuyết, tiền hành, quán sát, quả,
Ngu tướng, vô thường đẳng định, giới,
Nhị chủng tiệm thứ ưng đương tri,
Phi đoạn phi thường cập nhiễm tịnh.

Trong các kinh này, đức Phật chỉ dạy các tỳ kheo quán sát năm uẩn để đoạn trừ tham ái, đạt đến giải thoát. Năm uẩn được quán sát để có tri kiến như thật. Sự quán sát y trên bốn hành tướng của khổ đế, theo truyền thống Hữu bộ: vô thường, khổ, không, vô ngã.

Nhiếp sự phần trước tiên nêu lên “giới”. Giới (dhātu) ở đây được hiểu là bản tính cố hữu, tức tri kiến trở thành bản tính do bởi ảnh hưởng tà giải thoát. Những tà kiến này tác thành bốn loại chúng sanh, là đối tượng mà Phật giáo hóa. Để đối trị tà chấp thường kiến, và đoạn kiến, Phật dạy quán sát vô thường tính của các hành. Đối trị hạng tà kiến chấp hiện pháp niết-bàn, Phật dạy quán sát khổ, “cái gì vô thường, cái đó tất yếu là khổ”. Đối trị tà chấp tát-ca-da kiến (skt. satkāyadṛṣṭi), đức Phật dạy quán sát vô ngã.

Điểm thứ hai được nêu trong bài tụng là “thuyết.” Đó là pháp và luật được Phật thuyết một cách thiện xảo nhất định dẫn đến giải thoát cứu cánh được chứng nghiệm bởi nội tâm. Phương tiện được Phật thuyết, là tu vô thường tưởng; y vô thường tu khổ tưởng; y khổ tu không; y không tu vô ngã tưởng. Nhân đó, chứng nhập Thánh đế hiện quán, đạt được chánh kiến, cho đến cuối cùng chứng đắc giải thoát cứu cánh.

Tiếp theo là “tiền hành”. Giải thoát được dẫn đầu bởi hai pháp: kiến tiền hành và đạo quả tiền hành.

Tiếp theo là “quán sát”; bằng tám đề mục quán sát để đạt đến giải thoát: trong các hành, quán sát vị ngọt của ái, tai họa, và sự xuất ly, cùng với văn, tư, tư trạch lực, kiến đạo và tu đạo quán sát.

Điểm thứ tư, “quả”, do đoạn phiền nào và diệt khổ, có hai: quả đạt được do kiến sở đoạn, và quả đạt được do tu sở đoạn.

Thứ năm, ngu tướng; có hai đặc điểm hay dấu hiệu để nhận biết người ngu: không như thật biết điều đáng mong cầu; và ngược lại, phát sinh mong cầu điều không đáng mong cầu.

Thứ sáu, “quyết định” vô thường, khổ, không, vô ngã. Tức tính tất yếu của các hành.

Thứ bảy, “giới”, tức năm ly hệ giới: đoạn giới, vô dục giới, diệt giới, hữu dư y niết-bàn giới, vô dư y niết-bàn giới.

Thứ tám, hai “tiệm thứ”: 1. Trí tiệm thứ, nhận thức phát sinh theo tiệm thứ, do nhận thức vô thường mà biết khổ, do nhận thức khổ mà biết không, do nhận thức không mà biết vô ngã. 2. Trí quả tiệm thứ: bằng yểm nghịch tưởng mà đối trị các phiền não hiện hành; do tu tập yểm nghịch tưởng mà có ly dục; do ly dục mà giải thoát; do giải thoát phiền não tạp nhiễm mà cũng giải thoát tất cả khổ tạp nhiễm, đây gọi là biến giải thoát.

Thứ chín, “phi đoạn phi thường”: các hành vô thường, đã sinh mà không đình trú, tương lai tất yếu diệt. Do bốn duyên mà các hành tiếp nối lưu chuyển: nhân duyên, đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên và tăng thượng duyên. Tổng quát, hai điều kiện chi phối: nhân và duyên.

Thứ mười, quán sát “tạp nhiễm”: bằng ba yếu tố và hai đức tính mà quán sát hết thảy sự tạp nhiễm và thanh tịnh. Ba yếu tố: bằng quán sát vị ngọt của ái mà quán sát nhân duyên của tạp nhiễm; bằng quán sát sự tai hại mà quán sát nhân duyên thanh tịnh trong các hành; và bằng quán sát sự xuất ly mà quán sát thanh tịnh trong các hành. Hai đặc tính: 1. Như sở hữu tính (skt. yathāvad-bhāvikatā), những gì được thấy là như thực trong các hành, ở đây là vị ngọt, tai họa và sự xuất ly trong các hành; 2. Tận sở hữu tính (skt. yāvad-bhāvikatā), tất cả những gì tồn tại, như là tồn tại các hành, thảy đều có vị ngọt, có tai họa, và có sự xuất ly.

Như vậy, Nhiếp sự phần giải thích sự tu tập quán sát năm uẩn mà đức Phật đã dạy một cách ngắn gọn trong các kinh, phân tích trong mười đề mục. Nhờ vậy, giáo nghĩa được hiểu rõ hơn, và do đó, sự tu tập được hướng dẫn cụ thể hơn.

II. Toát yếu nội dung

Căn cứ theo Tựa Trường A-hàm của Tăng Triệu, Lữ Trừng san định phẩm mục Tạp A-hàm thành bốn phần mười tụng. Ấn Thuận, Tạp A- hàm kinh hội biên, không chia thành các phần, mà chỉ san định thành bảy tụng, 51 tương ưng. Bản Việt khoa mục thành tám tụng, 47 tương ưng[43].

Tụng I. Năm uẩn

Gồm ba tương ưng. Trong đó, 2 tương ưng La-đà và Kiến được Ấn Thuận đặt vào tụng vi. “Đệ tử sở thuyết.”

  1. Tương ưng năm uẩn, 112 kinh, chủ yếu y trên ba đặc tính vô thường, khổ, vô ngã – sau đó thêm đặc tính không – mà quán sát năm uẩn. Do như thật quán sát mà đạt được chánh kiến, chánh tư duy, sanh tâm yểm ly, và cuối cùng đạt được tâm giải thoát. Phương pháp quán sát là sự thiện xảo trong bảy đề mục (thất xứ thiện, Pāli: sattathānakusala) và ba phương diện (tam quán nghĩa, Pāli: tividhūpaparikkhī): như thật biết năm uẩn, biết sự tập khởi của chúng, biết sự diện tận và con đường dẫn đến sự diệt tận; đồng thời quán sát năm uẩn theo ba phương diện: vị ngọt, sự tai hại và sự xuất ly đối với năm uẩn. Do quán sát như thật năm uẩn như vậy mà dần dần đạt đến Thánh đế hiện quán. Do hiện quán Thánh đế mà chứng đắc Tu-đà-hoàn, cho đến A-la-hán.
  2. Tương ưng La-đà. Trong Hội biên, Ấn Thuận đặt tương ưng này vào tụng vii: “Như lai sở thuyết”. La-đà lúc bấy giờ là thị giả của Phật, trong thời gian Phật trú trong núi Ma-câu-la. Tôn giả hỏi riêng Phật về ý nghĩa hữu lậu, và đoạn khổ; được Phật giảng giải duyên khởi năm chi bắt đầu từ ái; và ý nghĩa biến tri để đoạn khổ. Phần lớn các kinh trong tương ưng này được Phật thuyết do sự tiếp xúc giữa La-đà và nhiều nhóm ngoại đạo. Sau mỗi thảo luận, La-đà về trình lại với Phật, để cầu ấn chứng những điều đã phát biểu. Các đề tài thảo luận liên hệ đến mục đích các Thánh đệ tử theo Phật xuất gia. Nội dung các phát biểu của La-đà đều nhắm đến quán sát như thật năm thủ uẩn. Phật chỉ dẫn La-đà tu tập quán sát năm thủ uẩn để diệt tận ái dục, chuyển y chúng sanh tánh, thoát khỏi lệ thuộc Ma.

Ba kinh cuối của tương ưng này, kinh số 132-134, Phật giảng chung cho các tỳ-kheo.

  1. Tương ưng kiến. Ấn Thuận đặt vào tụng vii: “Như lai sở thuyết.” Vô minh (Pāli: avijjā) và hữu ái (bhavataṇhā), mà biên tế tối sơ không thể biết, là hai động cơ chính của lưu chuyển sanh tử. Hai yếu tố này tồn tại do bởi tồn tại ngã. Ngã chấp khởi lên từ sáu xứ: không như thật biết 1. Sắc, 2. Thọ, 3. Tưởng; 4. Từ những gì được thấy, nghe, giác tri, nhận thức, sở cầu, sở đắc, truy ức; 5. Chấp thế gian thường hằng, không biến dịch; 6. Mong rằng ta đã không tồn tại, đang không tồn tại hay sẽ không tồn tại[44].

Do y sáu xứ này mà khởi các dị thuyết; như các thuyết của Lục Sư, và các thuyết khác như 62 kiến chấp, được nói chi tiết trong Trường A- hàm.

Các bồ đề phần, như bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn, năm căn, lực, v.v., được tu tập thảy đều y trên năm uẩn làm đối tượng quán sát.

Tụng II. Sáu xứ

Tụng II, chỉ có một tương ưng: tương ưng sáu xứ, có 152 kinh bao gồm các kinh Đại chánh 188-225 (quyển 8-9), kinh 273-282 (quyển 11), 304-342 (quyển 13), kinh 1164-1177 (quyển 43). Tương đương Pāli, Samyutta Nikāya v. Salāyatanavaggo.

Quán sát sáu nội xứ là vô thường, khổ, không, phi ngã, phát sanh chánh kiến, chánh tư duy, khiến tâm yểm ly, do yểm ly mà ly hỷ tham, tâm giải thoát.

Mắt và sắc là hai pháp. Duyên mắt và sắc, nhãn thức phát sanh. Tập hợp ba này là xúc. Từ xúc, phát sanh thọ, tưởng, tư. Như vậy, xuất hiện năm uẩn, là khối lớn thuần khổ.

Từ xúc phát sanh thọ; duyên thọ phát sinh ái, cho đến già-chết; đó là duyên khởi bảy chi.

Mắt được ví như biển lớn. Sắc được ví như sóng cả. Chúng sanh bị nhận chìm trong đó.

Thánh đệ tử đa văn quán sát và biết như thật về mắt, tập khởi của mắt, sự diệt tận của mắt, con đường dẫn đến diệt tận; biết như thật vị ngọt của mắt, sự tai hại và sự xuất ly nơi mắt.

Nói thế gian, chính là nói về sáu xứ.

Khổ và lạc không tự tạo, không do kẻ khác tạo, mà do nhân duyên hòa hiệp. Nhân duyên đó là duyên mắt và sắc, nhãn thức phát sanh; ba sự hòa hiệp xúc phát sanh thọ. Thọ có khổ, lạc và phi khổ phi lạc.

Do phòng hộ căn môn tức sáu nội xứ mà tu tập bốn niệm trụ, và các bồ đề phần, cho đến bảy giác chi, Thánh đạo tám chi.

Liên hệ sáu xứ, y trên sáu xứ, có sáu ngoại xứ, sáu thức thân (cha viññāṇakāyā), sáu xúc thân (cha phassakāyā), sáu thọ thân (cha vedanākāyā), sáu tưởng thân (cha saññākāyā), sáu tư thân (cha sañcetanākāyā), sáu ái thân (cha taṇjākāyā), 18 cận hành (upavicāra) gồm sáu hỷ (cha somanassa-upavicārā), sáu ưu (cha domanassa- upavicārā) và sáu xả (cha upekkhā-upavicārā).

Cũng y trên sáu xứ mà có sáu hằng trụ (cha satatavihārā), an trụ xả với chánh niệm, chánh tri.

Nhị Thập Ức Nhĩ do y sáu xứ mà tu tập không hoãn không cấp như người lên giây đàn không căng, không chùng. Do phòng hộ sáu xứ mà Phú-lâu-na kham nhẫn trước sự thô bạo của dân chúng khi hành đạo ở phương tây.

Tỳ kheo phòng hộ sáu xứ như con rùa thu thúc sáu chi để tự vệ. An trụ thân niệm xứ để kiểm soát sáu căn, như người buộc sáu con vật (chó, chim, rắn độc, dã can, cá sấu và khỉ) vào một cọc trụ.

Sáu nội và ngoại xứ như hai bờ sông mà lòng sông là Dục ái, Sắc ái và Vô sắc ái; trong đó đầy tràn tro nóng là ba bất thiện tầm: dục, nhuế và hại. Vượt cả hai bờ sông để đi đến nơi an toàn là giải thoát.

Tụng III. Nhân duyên.

Gồm bốn tương ưng: 5. Tương ưng nhân duyên, 6. Tương ưng đế, 7. Tương ưng giới, 8. Tương ưng thọ.

  1. Tương ưng nhân duyên, nói về duyên khởi, mà phần nhiều nói về duyên khởi năm chi, kể từ ái. Do quán vô thường, quán trụ, sanh, diệt, quán vô dục, quán tịch diệt, quán xả, không sanh luyến tiếc, tâm không hệ lụy, ái diệt; ái diệt thì thủ diệt, cho đến khổ diệt.

Một số kinh nói về duyên khởi bảy chi, bắt đầu từ xúc.

Một số kinh nói đến 9 hoặc 10 chi, bắt đầu từ thức duyên danh sắc, hoặc danh sắc duyên thức. Ba pháp hỗ tương y trì như ba cọng lau tựa nhau mà đứng.

Duyên khởi hoàn chỉnh gồm 12 chi, kể từ vô minh. Pháp duyên khởi được định nghĩa là “cái này có, cái kia có”, tức duyên vô minh có hành, cho đến ưu, bi, khổ, não. Pháp duyên khởi được tuyên bố là “Dù các Như lai có xuất hiện hay không xuất hiện, pháp giới này (pháp duyên khởi) vẫn thường trú. Đó là pháp trụ, pháp vị. ”

Trong tương ưng này cũng gồm một số kinh nói về bốn loại thức ăn (bản Việt, kinh số 343-44, và 370-377), mà Lữ Trừng khoa mục thành Tụng iv. Thực. Các kinh này đều được Ấn Thuận đặt trong Tương ưng Nhân duyên.

Nhân, tập, sanh, duyên[45] của bốn loại thức ăn này trực tiếp từ ái, lần lên cho đến thức.

  1. Tương ưng đế, tập hợp các kinh liên hệ đến bốn Thánh đế; bài pháp đầu tiên được Phật thuyết trong vườn nai. Do hiện quán Thánh đế mà đoạn trừ ba kết, chứng đắc Tu-đà-hoàn.

Những pháp mà Phật giác ngộ nhiều như lá cây trong rừng; những gì được Phật thuyết chỉ ít như lá trong nắm tay. Phật chỉ nói những gì thiết thực để các đệ tử tu tập, hướng thẳng đến Niết-bàn. Tức những điều cần tu tập để có thể hiện quán Thánh đế.

Những đề tài luận nghị như thế gian thường hay vô thường, v.v., và nhiều đề tài khác nữa, chúng không dẫn đến Niết-bàn, vì vậy hãy nên học và tu tập để hiện quán Thánh đế.

Một nghìn mặt trời thành một tiểu thiên thế giới. Có nhiều tiểu thiên như vậy. Giữa hai tiểu thiên có một khoảng không gian cực kỳ tối tăm cho dù có đến một nghìn mặt trời cùng lúc cũng không rọi sáng nơi đó được. Sự không thấy biết bốn Thánh đế còn tối tăm đáng sợ hơn thế.

Như người lên nhà nhiều tầng cần theo thứ tự đi lên; cũng vậy hiện quán Thánh đế theo tiệm thứ: khổ, tập, diệt, đạo.

Một hòn đất bằng hạt cải trong lòng tay đức Phật thì quá ít so với tất cả đất trong núi Tuyết; cũng vậy, số lượng chúng sanh thấy biết bốn Thánh đế cũng ít như vậy so với những hạng chưa biết.

  1. Tương ưng giới, giới (dhātu) là yếu tố tác thành một pháp. Số lượng pháp vô tận nên giới cũng vô tận. Những yếu tố tương thích tập hợp thành một chủng loại, như vàng tụ lại trong mõ vàng, than trong mõ than. Chúng sanh được phân loại theo giới. Thiện tụ với thiện; tâm cao tụ với tâm cao; hẹp tụ với hẹp.

Chúng đệ tử Phật cũng vậy. Những vị có xu hướng trí tuệ thì thân cận với Xá-lợi-phất; có xu hướng trì luật thì thân cận Ưu-ba-li; xu hướng biện tài, thuyết pháp thì thân cận A-na-luật.

Trong các pháp, những yếu tố để nhìn, tụ thành nhãn giới; để được nhìn, tụ thành sắc giới. Cho đến ý thức giới và pháp giới. Hết thảy pháp được bao gồm trong 18 giới.

Có bảy loại giới: quang giới (ánh sáng), tịnh giới, không vô biên giới, vô sở hữu xứ giới, phi tưởng phi phi tưởng xứ giới, tưởng thọ diệt giới (sattimā dhātuyo – ābhādhātu, subhadhātu, ākāsānañcāyatanadhātu, viññā  añcāya-tanadhātu, ākiñcaññāyatanadhātu, nevasaññānāsaññāyatanadhātu, saññāvedayita-nirodhadhātu). Đó là những yếu tố nhận thức được do thiền và định.

Có ba giới: Dục, Sắc và Vô sắc. Những giới này hình thành thế giới; hình thành do thủ (upādāna), do nghiệp được tích lũy.

Có sáu giới: đất, nước, lửa, gió, hư không và thức. Những giới này tác thành sinh mạng của hữu tình.

  1. Tương ưng thọ, Lữ Trừng không san định thành một tương ưng riêng.

Ba thọ là khổ, lạc, và không khổ không lạc. Thấy biết rõ về nhân, tập, sanh, duyên của chúng, thì không còn kết sử ngã, ngã sở, ngã mạn.

Phàm phu chịu khổ thọ cả nơi thân và tâm. Thánh đệ tử do thân xúc mà phát sanh khổ thọ, nhưng nơi tâm không sanh khổ thọ.

Như quán trọ là nơi tá túc đủ hạng người, từ cực sang đến cực hèn; cũng vậy, thân là nơi tụ tập đủ các loại cảm thọ.

Có ba nhân duyên sanh thọ: dục, cho cảm thọ trong Dục giới; tầm (tầm- tứ, pāli: vitakka-vicāra) cho Sắc giới; và xúc cho Vô sắc giới. Khi xúc lắng xuống, tịch tĩnh, bấy giờ vượt qua Hữu đỉnh.

Cảm thọ của chúng sanh cũng phát sanh do nhân duyên mười tà: từ tà kiến cho đến tà định, tà giải thoát và tà trí.

Tụng IV. Đệ tử sở thuyết.

Thuộc tụng vii trong Tạp A-hàm hội biên. Tập hợp các kinh được thuyết, được thảo luận giữa các đệ tử. Nội dung bao gồm nhiều vấn đề khác nhau, từ mục đích xuất gia, uẩn, xứ, giới, duyên khởi, cho đến Niết-bàn.

Trong Pāli, không có khoa mục riêng biệt này. Các kinh do các Thánh đệ tử thuyết, như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, A-na-luật, v.v., được kết tập tản mạn trong các Vagga mà nội dung có liên hệ.

  1. Tương ưng Xá-lợi-phất, tập hợp các kinh được thuyết bởi Xá-lợi- phất, với ngoại đạo Diêm-phù-xa (Jambukhādaka-paribbājaka), về những gì khó hành trong Thánh pháp, mục đích xuất gia, nghĩa A-la- hán, nghĩa vô minh, hữu thân (sakkāya), khổ, bộc lưu, ách (ogha), và nhiêu giáo nghĩa khác nữa.

Giảng cho các tỳ kheo về trường hợp đạt được vô lượng tam-muội (santa cetovimutti: tịch tĩnh tâm giải thoát), mà không diệt được hữu thân kiến (sakkāyanirodha); về tỳ kheo a-lan-nhã mà còn khởi ái dục nơi tịnh tướng như người chèo thuyền ngược dòng; và nhiều đề tài khác nữa, như phá giới, tranh chấp, cử tội, … Chỉ điểm thiếu sót của Đề-bà- đạt-đa khi thuyết pháp; trả lời nữ ngoại đạo Tịnh Khẩu (Suvikhukha) về sinh hoạt chánh mạng và tà mạng.

  1. Tương ưng Mục-kiền-liên, tập hợp các kinh Mục-kiền-liên giảng cho các tỳ-kheo; pháp thoại với Xá-lợi-phất, A-nan; với Thiên đế Thích và chư thiên; phát biểu những điều được thấy về các chúng sanh hiện thọ quả báo, mà nhiều tỳ kheo không thấy được nên không tin cho là phạm tội đại vọng ngữ. Phật xác nhận những gì Mục-kiền-liên thấy là chân thật.
  2. Tương ưng A-na-luật, trao đổi kinh nghiệm tu tập về bốn niệm trụ giữa A-na-luật với Đại Mục-kiên-liên, Xá-lợi-phất và A-nan.
  3. Tương ưng Đại Ca-chiên-diên, về nguyên nhân xung đột xã hội; giá trị đạo đức và tuổi tác; về sự bình đẳng giữa các đẳng cấp xã hội; về tu tập biến xứ định (kasi a-samāpatti); về tu tập sáu tùy niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí và niệm thiên; về sáu nội xứ là dòng nước cuốn ô nhiễm và ba hòa hiệp xúc là nguồn ô nhiễm; về ái tận giải thoát (ta hākkhayavimutti); về bốn bất hoại tín.
  4. Tương ưng A-nan, giảng cho các tỳ kheo và tỳ-kheo-ni về vô tướng tâm tam-muội (animittā samādhi); về tu tập chỉ và quán (samatha-vipassanā) liên hệ bốn chi; ý nghĩa dục (chanda) và ái dục (ta hā-chanda). Đối với chủ trương diệt nghiệp bằng khổ hành của Ni- kiền tử, A-nan nói về ba sự diệt tận thanh tịnh (tisso nijjarā visuddhiyo): an trụ ba-la-đề-mộc-xoa, chứng và trú bốn thiền; như thật biết bốn Thánh đế. Giảng cho một tỳ kheo ni có tâm ái dục về sự đoạn tận thức ăn (āhāra), đoạn tận ái dục, đoạn tận kiêu mạn, vốn là những sở y tác thành thân này. Giảng cho các niên thiếu về bốn thanh tịnh cần chi (pārisuddhipadhāniya ga): giới thanh tịnh, tâm thanh tịnh, kiến thanh tịnh và giải thoát thanh tịnh.
  5. Tương ưng Chất-đa-la. Chất-đa-la là một cư sĩ, chứng đắc A-na- hàm, được Phật khen là thuyết pháp đệ nhất trong số các đệ tử tại gia. Tương ưng này tập hợp những thảo luận giáo lý giữa ông và các tỳ kheo, giải thích những điều Phật dạy, như vô lượng tâm, vô lượng tướng, vô sở hữu, ba tam-muội, v.v., cho đến, thứ tự nhập và xuất diệt tận định. Sau khi chết, ông tái sinh lên Tịnh cư thiên, trong tầng Vô phiền thiên.

Tụng V. Đạo phẩm

Tụng có 10 Tương ưng gồm các kinh liên hệ đến Bồ đề phần, hay đạo phẩm (Pāli: bodhipakkhiyā dhammā) như Niệm xứ, Căn, Lực, Giác chi, v.v…

  1. Tương ưng niệm xứ, tập hợp các kinh Phật dạy tu tập bốn niệm trụ và kết quả đạt được do tu tập.
  2. Tương ưng căn. Ba vô lậu căn: vị trị đương tri căn, dĩ tri căn, cụ tri căn (Pāli: tī ’indriyāni: anaññātāññassāmītindriya , aññindriyauï, aññātā-vindriya ). Hán dịch ở đây là căn vị tri đương tri, căn tri, căn vô tri.

Có năm căn: tín, tấn, niệm định và huệ.

  1. Tương ưng lực. Có hai lực: tư trạch lực (pa isa khānabala) và tu tập lực (bhāvanā-sa khānabala).

Có ba lực: tín, tinh tấn và huệ.

Có bốn lực: tín, tinh tấn, niệm và huệ. Hoặc: giác tức tư trạch, tinh tấn, vô tội (anavajjabala ) tức ba nghiệp thanh tịnh, và  nhiếp  lực  (sa gahabala ) tức bốn nhiếp sự.

Có năm lực: tín, tinh tấn, niệm, định và huệ.

Có bảy lực: tín, tinh tấn, tàm, quý, niệm, định và huệ. Tỳ-kheo lậu tận có tám lực.

Có chín lực: tín, tinh tấn, tàm, quý, niệm, định, huệ, tư trạch và tu tập. Có mười lực của Như Lai, mà A-la-hán không có.

  1. Tương ưng giác chi. Bảy giác chi (bojjhā ga): niệm, trạch pháp, tinh tấn, khinh an, hỷ, định, xả. Nếu không như lý tác ý, bảy giác chi không khởi do bởi năm chướng cái lan rộng. Năm chướng cái (pañca nīvara āni) khiến thối thất bảy giác chi.

Bảy giác chi cần được tu tập theo thời: khi tâm yếu ớt, hay khi tâm quá hăng. Bảy giác chi cần được phát triển với bảy loại thức ăn tương ứng.

Cũng như khi có Chuyển luân vương xuất hiện thì bảy báu cũng xuất hiện. Cũng vậy, khi có Phật xuất thế, thì thế gian mới có bảy giác chi.

  1. Tương ưng Thánh đạo. Thánh đạo tám chi. Như trước khi mặt trời xuất hiện có ánh sáng bình minh làm tiền tướng; cũng vậy, chánh kiến là tiền tướng của cứu cánh biên tế khổ. Do chánh kiến dẫn sanh chánh tư duy, cho đến chánh định, chánh giải thoát, và giải thoát tri kiến.

Trái lại, vô minh là tiền tướng của các pháp ác bất thiện; từ đó sanh vô tàm, vô quý, rồi dẫn đến tà kiến, cho đến tà định.

  1. Tương ưng An-na-ban-na. An-na-ban-na là hơi thở vào và ra (ānapāna). Để tu tập, cần chuẩn bị năm điều: 1. an trụ luật nghi (phòng hộ) bằng ba-la-đề-mộc-xoa; 2. ít mong cầu, ít bận rộn; 3. tiết độ ăn uống; 4. tinh cần tư duy đầu hôm, cuối đêm; 5. viễn ly nơi náo nhiệt.

Một số tỳ-kheo tu quán bất tịnh sai lầm, khiến ghê tởm thân xác, dẫn đến chỗ tuyệt vọng, tự sát. Phật dạy thay thế bằng tu tập niệm hơi thở.

Bốn niệm trụ và bảy giác chi được tu tập đầy đủ nhờ tu tập niệm hơi thở.

  1. Tương ưng học. Ba học: 1. tăng thượng giới, an trụ ba-la-đề-mộc- xoa; 2. tăng thượng tâm, chứng và trú bốn thiền; 3. tăng thượng huệ, biết như thật bốn Thánh đế. Tu tăng thượng giới có thể không thiên trọng định và huệ; tu tăng thượng định có thể không thiện trong huệ nhưng cần có giới. Tu tăng thượng huệ cần có cả giới và định.
  2. Tương ưng bất hoại tịnh. Cũng gọi là bất hoại tín, bất động tín, hay trừng tịnh (aveccapasāda). Thành tựu bốn bất hoại tịnh: tin Phật, tin Pháp, tin Tăng, tin Thánh giới, nếu sinh giữa loài người sẽ không nghèo khốn, sinh lên chư thiên thì uy lực cũng hơn hẳn các chư thiên khác. Thành tựu bất hoại tịnh thì thoát khỏi các đường dữ địa, ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Bốn bất hoại tịnh là bốn loại thức ăn cho an lạc.

Bốn bất hoại tịnh cũng gọi là bốn Dự lưu chi, tức bốn chi phần của vị Tu-đà-hoàn.

Cũng có bốn chi phần khác của Dự lưu: thân cận thiện sĩ, thính văn chánh pháp, như lý tác ý, pháp tùy pháp hành.

Các đệ tử thành tựu bốn bất hoại tịnh đều được đức Phật ký thuyết là chứng đắc Tu-đà-hoàn.

San định bởi Tạp A-hàm kinh hội biên, Tương ưng bất hoại tịnh, và các tương ưng tiếp theo, thuộc Tụng vii. Như Lai sở thuyết. (xem bảng Mục lục chỉnh lý)

  1. Tương ưng thiên. Thời phần khác nhau và tương đối giữa các cõi trời: Đâu-suất, Hóa lạc, Tha hóa tự tại. Tịch tĩnh thắng diệu, giải thoát, nơi bốn cấp thiền. Tịnh cư thiên. Chư thiên và các hiện tượng thiên nhiên.

Trong khoa mục của Hội biên, Tương ưng thiên thuộc Tụng vii. Như Lai sở thuyết.

  1. Tương ưng tu chứng. Về sự tu tập, điều phục, của bốn chúng đệ tử. Ưu-bà-tắc như con trong một gia đình: con kém cha, bằng cha và hơn cha. Sự quan trọng trong tu tập: bốn chánh đoạn (chánh cần), và không phóng dật. Bậc vô học có ba minh: túc mạng trí chứng thông, sinh tử trí chứng thông và lậu tận trí chứng thông. Tu tập cần có tín làm động lực (đẳng khởi) và để phát triển (tăng ích).

Trong Hội biên, Tương ưng tu chứng thuộc Tụng vii. Như Lai sở thuyết.

  1. Tương ưng xứ – giới – uẩn. Thuộc Tụng vii, theo Hội biên. Quán sát sáu nội xứ để đạt đến tùy tín hành (Pāli: saddhānusārin), hoặc tùy pháp hành (Pāli: dhammānusārin), cho đến quả A-la-hán. Ái, kiến, mạn, vô minh làn những yếu tố tẩm ướt nghiệp để phát sinh hành, cho đến phát sinh già-chết. Các pháp thiện cũng y trên sáu xứ mà phát triển.

Tụng VI. Tám chúng

Thứ chín trong chín sự mà luận Du-già sư địa đề cập, gọi là chúng hội sự (skt. parṣad-vastu). Tám chúng được kể là: chúng sát-đế-lị, chúng bà-la-môn, chúng trưởng giả, chúng sa-môn, chúng Tứ đại thiên vương, chúng Tam thập tam thiên, chúng Diệm-ma thiên và chúng Phạm thiên. Trong đó, chúng Diệm-ma thiên trong Trường A-hàm được thay thế bằng chúng Ma thiên. Du-già luận ký giải thích: từ Dạ-ma trở lên, bốn tầng trời không cư được gọi chung là Ma thiên.

Tạp A-hàm kinh hội biên san định Tụng v. Tám chúng gồm 11 tương ưng:

  1. Tương ưng tỳ kheo.
  2. Tương ưng Ma.
  3. Tương ưng Đế Thích.
  4. Tương ưng sát-lị.
  5. Tương ưng bà-la-môn.
  6. Tương ưng Phạm thiên.
  7. Tương ưng tỳ-kheo-ni.
  8. Tương ưng Bà-kì-xá.
  9. Tương ưng chư thiên.
  10. Tương ưng dạ-xoa.
  11. Tương ưng lâm.

Trong bản dịch Việt, Tụng vi. Tám chúng, chỉ gồm 4 tương ưng. Còn lại đặt vào Tụng vii. Kệ.

  1. Tương ưng tám chúng. Đối tượng được nói đến trong đây gồm chúng tỳ-kheo, ưu-bà-tắc, chư thiên, khách buôn. Đề tài khác nhau, khó có thể tập hợp thành phẩm loại tương thích.
  2. Tương ưng thí dụ. Các thí dụ được nêu: thuật luyện kim, chăn bò, nước mưa, gia đình có con trai ít con gái nhiều, dao chủy thủ, đất trên đầu móng tay, người bắn cung, trống a-năng-ha, mèo chồn, v.v…
  3. Tương ưng bệnh. Các tỳ kheo và các cư sĩ bệnh khốn, sắp mạng chung, được Phật hoặc các Đại Đệ tử giáo giới, để trấn áp những đau nhức kịch liệt, và để chết yên ổn. Có tỳ kheo, sát-na trước khi chết chứng quả A-la-hán, như Bạt-ca-lê (Pāli: Vakkali), Xiển-đà (Pāli: Channa). Hoặc có vị sau khi nghe pháp, đắc quả A-na-hàm, như tỳ kheo Phả-cầu-na, v.v. Các đệ tử xuất gia hoặc tại gia, do nhân duyên bệnh, được nghe và hiểu pháp thâm diệu, mà vượt qua bệnh ngặt, hoặc chứng đắc Thánh quả.
  4. Tương ưng nghiệp báo. Tập hợp các kinh nói về nghiệp thiện, bất thiện và những kết quả báo ứng khác nhau của nghiệp.

Tụng VII. Kệ

Lữ Trừng và Ấn Thuận đều không có khoa mục kệ tụng. Thực tế, các kệ tụng thường xuất hiện tản mác trong các kinh, do đó không hợp lý để đặt thành tụng phần riêng biệt. Tuy nhiên, trong Pāli, Samyutta- nikāya cũng dành một phẩm riêng biệt cho kệ tụng, gọi là Sagāthāvaggo.

Thiên có kệ của Pāli, Sagāthāvaggo gồm 11 tương ưng (samyutta), đại bộ phận tương đương tụng Tám chúng. Điều này Du-già sư địa gọi là Kết tập phẩm. Đây là hình thức kết tập chung cho Thánh điển các bộ phái cũng như Đại thừa, như Đại Tì-bà-sa[46] nói: “Trong các kinh, y theo văn cú được thuyết tản mạn trong Khế kinh, cuối cùng tổng kết thành tụng, để tụng đọc (để dễ học thuộc). Tức kết tập văn thành kết tập phẩm.” Phương thức kết tập này cũng được thấy trong kinh điển Đại thừa, Như Lăng già chẳng hạn, mà phẩm cuối cùng là Sagāthakam, tức phẩm có kệ.

Như vậy, Tụng tám chúng trong các bản Hán chỉnh lý tương đương với thiên có kệ, Sagāthāvaggo, trong Pāli.

Bản Hán Tạp A-hàm hiện lưu hành, như đã thấy, có sự tạp loạn về quyển số, và khoa mục, do đó cần được chỉnh lý. Tuy nhiên, bản Việt vì cố gắng không làm xáo trộn bản Hán hiện hành, để tiện việc người đọc tham khảo và đối chiếu Hán Việt, cho nên khoa mục trong đây có chỗ chưa hoàn toàn hợp lý.

Tụng vii. Kệ trong bản Việt dịch hoàn toàn tương đương với thiên có kệ Sagāthāvaggo, duy chỉ một một tương ưng trong bản Việt, 23. Tương ưng thiên, chạy sang tụng v. Đạo phẩm, vì lý do cố gắng giữ thứ tự kinh theo bản Hán hiện hành.

Thể tài giáo nghĩa trong các tương ưng thuộc tụng này khá đa dạng, khó mà phân loại. Đại để, tường thuật những sinh hoạt thường nhật của chúng đệ tử Phật, cùng với quan hệ các chúng chư thiên, Ma, cư sĩ, v.v. Đặc biệt là tương ưng tỳ-kheo-ni, cho thấy các cô thường xuyên bị quấy nhiễu nhưng đã dũng mãnh chiến thắng Ác ma.

Tụng VIII. Như Lai sở thuyết

Chủ thuyết kinh (năng thuyết), như Nhiếp sự phần nói, có hai: Như Lai và Thánh đệ tử. Trong Tạp A-hàm kinh hội biên, phần này có hai tụng: Tụng vi. Đệ tử sở thuyết gồm 6 tương ưng, và Tụng vii. Như Lai sở thuyết gồm 18 tương ưng.

Tổng quát mà nói, tất cả các kinh, nếu không do Phật thuyết thì cũng do các Thánh đệ tử thuyết.

Đại sư Ấn Thuận liên hệ ý nghĩa “ký thuyết” với “Như Lai sở thuyết” được nói bởi Du-già sư địa, và “Như Lai ký thuyết” được nói trong Đại Tì-bà sa. Theo đó, Đại Tì-bà-sa[47] nói: “Ký thuyết là gì? Trong các kinh, các đệ tử hỏi, Như Lai ký thuyết; hoặc Như Lai hỏi, đệ tử ký thuyết… Hoặc trong các kinh, có bốn loại vấn ký; hoặc ký về sở chứng, về nơi tái sinh.” Từ “ký thuyết” được nói ở đây, skt. vyākaraṇa, có nghĩa là trả lời, mà trong thể tài văn học có thể gọi là giải thuyết.

Theo ý nghĩa này, Ấn Thuận liệt Tương ưng La-đà và Tương ưng Kiến vào tụng Như Lai sở thuyết, mà trong bản Việt, thuộc tụng i. Năm uẩn. Một số kinh trong đó Phật xác định nơi tái sinh của các đệ tử; hoặc các trường hợp chứng Thánh quả. Đồng thời, những kinh mà trong đó ngoại đạo hỏi nhưng Phật không trả lời, tức loại thứ tư trong bốn loại vấn ký, cũng được Ấn Thuận đặt và tụng này.

Ngoài ra, Du-già sư địa[48] còn nêu thêm một ý nghĩa nữa cho từ ký thuyết, mà Hán dịch ở đây gọi là ký biệt. “Ký biệt là gì? Ở trong đó, Phật ký biệt (xác định) các đệ tử qua đời sinh về đâu. Hoặc lại tuyên thuyết kinh đã liễu nghĩa.” Theo giải thích của Ấn Thuận, đây là giải thích những ý nghĩa ẩn chưa rõ trong các bài kệ. Vì vậy, những kinh có nội dung tương tự được liệt vào nhóm tụng Như Lai sở thuyết.

Trong bản Việt, tụng viii. Như Lai sở thuyết, có 7 tương ưng. Trong đó,

  1. Tương ưng Đại Ca-diếp, gồm những kinh Phật tán thán phẩm đức của Đại Ca-diếp. Các Tương ưng còn lại, Phật đối thoại với các tục gia và ngoại đạo, về những sinh hoạt nghề nghiệp thế tục liên hệ đến sự tu tập Thánh đạo, và các quan điểm liên hệ tín ngưỡng tôn giáo như vũ trụ hữu hạn hay vô hạn, sau khi chết còn hay không còn linh hồn.

Kinh cuối cùng trong tương ưng cuối cùng Phật giảng cho Tu-bạt-đà-la, vị đệ tử cuối cùng trước khi nhập Niết-bàn tại rừng Sa-la song thọ.

T.N.C.


[1] Căn tạp,…, Đạo tạp, các tương đương Pāli: Indriyasamyuttaṃ (Samyutta- nikāya, v. Mahāvaggo 4), BalasamIyuttaṃ (ibid. Mahāggo 6), Bojjhaṅgasamyuttaṃ (ibid. 2), Maggasamyuttaṃ (inid. 1). Luật Ma-ha Tăng kỳ, quyển 32, T22n1425, tr.491c16: 尊者阿難誦如是等一切法藏。文句長者集為長阿含。文句中者集為中阿含。文句雜者集為雜阿含。所謂根雜力雜覺雜道雜。如是比等名為雜。一增二增三增乃至百增。隨其數類相從。集為增一阿含。雜藏者。所謂辟支佛阿羅漢自說本行因緣。如是等比諸偈誦。是名雜藏。

[2] Tham khảo, Luật Ngũ phần quyển 30, Hóa địa bộ (Mahīśāsaka), T22n1421, tr.191a23: 迦葉如是問一切修多羅已。僧中唱言。此是長經今集為一部。名長阿含。此是不長不短今集為一部。名為中阿含。此是雜說為比丘比丘尼優婆塞優婆夷天子天女說。今集為一部名雜阿含。此是從一法增至十一法。今集為一部名增一阿含。自餘雜說今集為一部。名為雜藏。Luật Tứ phần quyển 54, Pháp tạng bộ (Dharmagupta): T22n1428_p0968b19: 彼即集一切長經。為長阿含。一切中經。為中阿含。從一事至十事從十事至十一事。為增一。雜比丘比丘尼優婆塞優婆私諸天雜帝釋雜魔雜梵王。集為雜阿含。如是生經本經善因緣經。方等經未曾有經譬喻經。優婆提舍經句義經。法句經波羅延經。雜難經聖偈經。如是集為雜藏。

[3] Dịch, quẻ Không, phần văn ngôn: đen và vàng, là sự xen tạp của trời đất. Vì trời thì đen, mà đất thì vàng.夫玄黃者,天地之雜也,天玄而地黃。

[4] Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ tì-nại-da tạp sự, quyển 39, Nghĩa Tịnh dịch, T24n1451_p0407b16: 爾時諸阿羅漢咸作是念。我已結集世尊所說第三蘇怛羅。於同梵行無有違逆亦無訶厭。是故當知。此蘇怛羅是佛真教。復作是言。自餘經法。世尊或於王宮聚落城邑處說。此阿難陀今皆演說。諸阿羅漢同為結集。但是五蘊相應者。即以蘊品而為建立。若與六處十八界相應者。即以處界品而為建。若與緣起聖諦相應者。即名緣起而為建立。若所說者。於佛品處而為建立。若與念處正勤神足根力覺道分相應者。於聖道品處而為建立。若經與伽他相應者。此即名為相應阿笈摩。

[5] Trong ý nghĩa liên hệ, từ saṃyutta trong Pāli cũng có nghĩa là ràng buộc, nối kết. Thí dụ, đoạn kinh Pāli sau đây nói: kāḷo ca balībaddo‚ odāto ca balībaddo ekena dāmena vā yottena vā saṃyuttā assu. (S IV.163.), Có một con bò đen và một con bò trắng, chúng được buộc lại với nhau bằng một sợi dây thừng hay bằng một cái ách.

[6] Tương đương Pāli, Samyuttanikāyo, iii. Khandhavaggo, 1. Khandhasamyuttaṃ.

[7] Tương đương Pāli, Samyuttanikāyo, iv. Saḷāyatanavaggo, 1. Saḷāyatanasamyuttaṃ.

[8] Tương đương Pāli, Samyuttanikāyo, ii. Nidānavaggo, 3. Dhātusamyuttaṃ.

[9] Đại A-la-hán Nan-đề-mật-đa-la sở thuyết pháp trụ ký, Huyền Trang dịch, T49n2030_p0014b03: 有五阿笈摩。謂長阿笈摩。中阿笈摩。增一阿笈摩。相應阿笈摩。雜類阿笈摩。

[10] D. ii. tr. 154: Ākaṅkhamāno, ānanda, saṅgho mamaccayena khuddānukhuddakāni sikkhāpadāni samūhanatu.

[11] T27, tr. 28c14; T29 tr. 154b22; T30 tr. 772c9.

[12] Du-già sư địa 85, T30 tr. 772c9: 事契經者。謂四阿笈摩。一者雜阿笈摩。二者中阿笈摩。三者長阿笈摩。四者增一阿笈摩。雜阿笈摩者。謂於是中世尊觀待彼彼所化。宣說如來及諸弟子所說相應。蘊界處相應。緣起食諦相應。念住正斷神足根力覺支道支入出息念學證淨等相應。又依八眾說眾相應。後結集者為令聖教久住。結嗢拕南頌。

[13] op. cit.: 即彼一切事相應教間廁鳩集。是故說名雜阿笈摩。

[14] Lữ Trừng, Phật học luận trước tuyển tập, T. I, tr. 2.

[15] T25 tr. 32b01: 雜者。諸經斷結。難誦難憶。事多雜碎喜令人忘。故曰雜也。

[16] Cf. Phiên dịch danh nghĩa 4, T54 tr. 111b5: 增一阿含明人天因果。二長阿含破邪見。三中阿含明諸深義。四雜阿含明諸禪法。

[17] Du-già sư địa 85, T30 tr. 772b20.

[18] op.cit. T30 tr. 294a20: 又復應知諸佛語言九事所攝。云何九事。一有情事。二受用事。三生起事。四安住事。五染淨事。六差別事。七說者事。八所說事。九眾會事。

[19] Hóa địa bộ (Mahīśāsaka), Ngũ phần luật, T22 tr. 191a; Đại chúng bộ (Mahāsaṅgika), Ma-ha Tăng-kỳ luật, T22 tr. 491c; Pháp tạng bộ (Dharmagupta, Đàm-vô-đức), Tứ phần luật, T22 tr.968b; Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sảvāstivāda), Thập tụng luật, T24 tr. 407b.

[20] Ấn Thuận, Thuyết nhất hữu bộ luận thư dữ luận sư chi nghiên cứu, Dân quốc 81, tr. 91-95.

[21] Ấn Thuận, Nguyên thủy Phật giáo Thánh điển chi tập thành, Dân quốc 83, tr. 464. Xem thêm, Thủy Dã Hoăng Nguyên (Nhật bản), Bộ phái Phật giáo và Tạp A-hàm, phụ lục bởi Phật quang điện tử Đại tạng kinh A-hàm tạng.

[22] Dẫn bởi chú thích 12 trên.

[23] Ấn Thuận, Tạp A-hàm kinh hội biên, tập 1, tr.7.

[24] Tăng Triệu, Trường A-hàm kinh tự, T1 tr. 1a11.

[25] Lữ Trừng, Tạp A-hàm kinh san định ký, Phật học luận trước tuyển tập I, tr. 17.

[26] Du-già sư địa 85 T30 tr. 773: 當說契經摩呾理迦。為欲決擇如來所說。如來所稱所讚所美先聖契經。譬如無本母字義不明了。如是本母所不攝經。其義隱昧義不明了。與此相違義即明了。是故說名摩呾理迦。

[27] Chính nhờ những giải thích của Du-già sư địa, đồng thời đối chiếu với Samyutta-nikāya, bản dịch Việt có thể lý giải được một số điểm mơ hồ hay bất xác trong bản dịch Hán.

[28] Xuất tam tạng ký tập, quyển 1, T55 tr. 6a.

[29] Pháp Trang (Nhật bản), A-tì-đạt-ma câu-xá luận kê cổ, T64 tr. 446a25.

[30] Xem “Thư mục đối chiếu”, Tạp A-hàm bản dịch Việt của Thích Đức Thắng, Tuệ Sỹ hiệu chính, Hương Tích phát hành.

[31] Phí Trường Phòng, Lịch đại Tam bảo kỷ 10, T49 tr. 91a24: 雜阿含經五十卷(於瓦官寺譯。法顯齎來。見道慧宋齊錄)

[32] Cao tăng Pháp Hiển truyện, T51 tr. 865c24.

[33] Ấn Thuận, Tạp A-hàm kinh hội biên, tập 1, tr. 3.

[34] Tiểu truyện chép bởi Huệ Hạo, Cao tăng truyện 3, T50 tr 344a5 tt.

[35] Lịch Tam bảo kỷ 10, dẫn thượng, chép là dịch tại chùa Ngõa quan; bản Phạn do Pháp Hiển mang về.

[36] Xuất tam tạng ký tập 2, T55 tr. 12c17-13a5.

[37] Xem Hy-bá-nhĩ-liệt-khắc 希爾伯列克 (?), Sử niệm nguyên thủy Phật pháp; Nguyên Thủy Phật giáo hiệp hội trù bị hội, Đài loan 1990.

[38] Lữ Trừng, Tạp A-hàm san định ký, Chi-na nội học viện, 1923.

[39] Xem đoạn trên, “Lịch sử truyền dịch”.

[40] Xem bảng “Mục lục chỉnh lý”, Tạp A-hàm bản dịch Việt của Thích Đức Thắng, Tuệ Sỹ hiệu chính.

[41] Du-già 85, tr. 778a10.

[42] Xem bản dịch Việt, kinh số 23, chú thích 30.

[43] Sđd. Xem “Mục lục đối chiếu” I & II.

[44] Xem Đại Tỳ-bà-sa 138, tr. 713b02.

[45] Pāli: kiṃnidāno kiṃsamudayo kiṃjātiko kiṃpabhavo, cái gì làm duyên do, cái làm tập khởi, cái gì làm phát sanh, cái gì làm chuyển hiện? Trong truyền thống Hữu bộ, nhân-tập-sanh-duyên, hay nhân-tập-hữu-duyên (skt. hetu-samudaya- prabhava-pratyaya) là bốn hành tướng của tập đế.

[46] T27, tr. 659c24.

[47] T27, tr. 659c28.

[48] T30, tr. 418c.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Tìm hiểu Thành Thật Luận
Luận, Phật học

A. DẪN NHẬP Đức Phật Thích ca Mâu ni, ngay khi còn thị hiện là Thái tử Tất đạt đa đã vì cảm thấu nỗi thống khổ miên trường của kiếp nhân sinh mà xuất gia. Sau khi thành đạo, Ngài đi khắp nơi trong cõi Ấn độ mà thuyết kinh giảng pháp, khai hóa...

Luận khơi dậy đức tin Đại thừa
Luận, Phật học

LUẬN KHƠI DẬY ĐỨC TIN ĐẠI THỪA Nguyên tác: Bồ-tát Mã Minh Hán dịch: Tam tạng pháp sư Chân Đế, người Tây Ấn Độ, dịch vào đời nhà Lương Việt dịch: Sa-môn Nguyên Hùng LỜI BẠT  I. Tác giả Mã Minh (Aśvaghosa, 馬鳴, 100-160), người Trung thiên trúc, vốn xuất thân trong một gia đình Bà-la-môn, ở thành Sa-chi-đa, nước Xá-vệ. Thời đại...

Nghĩ về tánh Không
Luận, Phật học

Shikantaza(1) là thực hành hay hiện thực hóa tánh Không. Mặc dù bạn có thể đã có một sự hiểu biết sơ sài nào đó về tánh Không qua tư duy, nhưng bạn nên hiểu tánh Không qua trải nghiệm của mình. Bạn có một ý tưởng về vô và một ý tưởng về hữu và bạn nghĩ rằng hữu và vô là hai ý tưởng đối lập nhau. Nhưng trong Phật giáo, cả hai đều...

Tâm Lý Học Phật Giáo
Luận, Phật học

TÂM LÝ HỌC PHẬT GIÁO Thích Chơn Thiện A. GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT I. Về tâm lý học phương Tây 1. Các định nghĩa: Các dịnh nghĩa tâm lý học trước thế kỷ XX (tiêu biểu): a. Wilhelm Wundt (1832 – 1920), người Đức: Wundt là nhà sáng lập phòng thực nghiệm về tâm lý đầu tiên gọi là Psychological laboratory (1879), định nghĩa: “Tôi thiết...

Nghiệp Và Các Loại Nghiệp | U Silannanda – Khánh Hỷ dịch
Luận, Phật học

Bài giảng hôm nay nói về luật Nghiệp Báo. Nhiều người không sinh ra trong gia đình Phật Giáo, nhưng đã tìm học về Phật Giáo nhờ nghe luật Nghiệp Báo; bởi vì luật Nghiệp Báo đã giải thích cho họ thấy rõ lý do của sự bất đồng của các cá nhân trong xã hội con người, đồng thời cũng giải thích cho họ biết tại sao những người rất tốt trên cõi đời này lại...

Quá trình hình thành giới luật
Luật, Phật học

Những quy tắc đạo đức có một vị trí rất quan trọng trong hầu hết các tôn giáo. Pháp luật hay các quy ước là điều cần thiết đối với bất cứ thành viên nào trong xã hội.Trong mỗi gia đình nếu không có quy tắc, gia đình đó sẽ xảy ra bất đồng; một quốc gia, nếu không có phép nước, thì quốc gia đó sẽ nổi loạn. Trong Phật giáo cũng vậy, giới luật đóng một vai trò vô cùng đặc biệt. Giới được xem...

Nhiếp phục sợ hãi
Phật học

Thông thường sống trên cuộc đời, có bốn việc mà ai cũng sợ gặp phải. Trước nhất con người hiện hữu trên cuộc đời, có cuộc sống thì thường sợ nghèo đói và kế tiếp sợ bạn bè xem thường, rồi sợ già, sợ bệnh và sợ chết, mà Đức Phật gọi bốn thứ này...

Du Già Bồ Tát Giới Bổn – Di Lặc Bồ Tát Tuyên Thuyết
Luật, Phật học

Các vị Bồ tát! sau khi đã thọ lãnh giới pháp thanh tịnh của Bồ tát, phải nên tự mình thường thường chuyên tâm cẩn thận suy ngẫm: “Đây là chỗ Bồ tát nên làm, đây là chỗ Bồ tát không nên làm”. Suy ngẫm như vậy rồi, vì muốn thành tựu công hạnh Bồ tát, cần phải siêng năng tu tập, lại phải chú ý lắng nghe tạng Tố đát lãm, và tạng Ma đát...

Nhân sinh quan theo quan niệm Phật giáo
Luận, Phật học

Trước khi bắt đầu, tôi xin hướng về thành phần Phật tử trong cử tọa hôm nay để nhắc nhở một điều quan trọng, đó là thái độ cần có khi nghe giảng Phật pháp. Quí vị cần ngồi nghe với tâm nguyện thật trong sáng. Lý do chúng ta ngồi đây hôm nay, trao...

Người xuất gia lý tưởng theo kinh Trung A-hàm
Luận, Phật học

A. DẪN NHẬP Xuất gia theo đạo Phật là một việc cao cả và không nhiều người làm được, tuy nhiên, một người đã phát bồ-đề tâm quyết chí xuất trần, nếu không gặp thuận duyên từ môi trường sống, cộng đồng Tăng lữ, hay không có vị bổn sư co khả năng hướng dẫn...

Long Thọ Và Khoa Học Lượng Tử
Luận, Phật học

Trong thế giới thường nghiệm, con người quen sống theo một thói quen lấy cá nhân làm trung tâm qui chiếu mọi nhận định, đó là một định chế đã được huân tập từ ngày con người xuất hiện. Quan niệm định chế này còn được củng cố bằng thế giới khoa học nhị nguyên chỉ thấy vũ trụ rất trật tự, gọi là quan điểm Cartesian dualism. Trong một thế giới khoa học rất cụ thể và trật tự rõ ràng như thế, thì quả thật khái niệm vô ngã và tính không bất định của giáo...

Phật thuyết kinh Bà-la-môn mất con
Kinh, Phật học

DẪN NHẬP “Từ bao đời kiếp, chúng ta đã đổ nước mắt vì người thân quá nhiều: hãy để mình và người thân đừng chìm ngập trong nước mắt ấy nữa.” – đức Phật đã dạy như vậy. Vì dòng nước mắt ấy luôn chất chứa tình yêu luyến ái, chảy ra vị mặn của bi...

Tư tưởng duy tâm trong Kinh Lăng-già
Kinh, Phật học

1. DẪN NHẬP Kinh Lăng-già tên gọi đầy đủ là Thể Nhập Chánh Pháp Lăng-già, cuối chương १० सगाथकम्। (10-sagāthakam), biên tập bởi Nanjō Bunyū 南條文雄 (laṅkāvatāra sūtra, kyoto, 1923) được ghi chép như sau: Nanjō. 375: इत्यार्यसद्धर्मलङ्कावतारो नाम महायानसूत्रं सगाथकं समाप्तमिति॥ ityāryasaddharmalaṅkāvatāro nāma mahāyānasūtraṃ sagāthakaṃ samāptamiti || (Kết thúc chương chỉnh cú của bản...

Tìm hiểu tư tưởng bình đẳng của Phật giáo qua tác phẩm Khoá Hư Lục
Luận, Phật học

DẪN NHẬP Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, vào thời Trần, vua Trần Thái Tông đã tỏ ngộ lý thiền, thắp lên ngọn đuốc chân lý, soi đường cho người hữu duyên cùng tiến lên trên con đường giác ngộ, giải thoát. Trong số các trước tác của ngài, tác phẩm Khóa hư lục chứa đựng...

Hiểu biết về Tánh không
Luận, Phật học

Việc học và hành về tánh không là công việc sâu xa lớn rộng. Ở Tây tạng người ta phải trải qua nhiều năm để học về Không. Do đó những trình bày sau đây về Tánh không chỉ là toát yếu sơ lược. Điều vô cùng quan yếu là phải hiểu “Tánh không” có nghĩa là gì. Lại cũng quan trọng để biết Tánh không ở ngay trong tâm mình,...

Một Thời Truyền Luật
Luật, Phật học

Nguyễn Du khi cho Kiều đi tu phía sau vườn của nhà Hoạn Thư, chỉ cho cô thọ tam quy ngũ giới. Nhiều Thầy của chúng ta phản đối, cho là Nguyễn Du không hiểu luật xuất gia cho nên nói như vậy, vì người xuất gia, theo luật, thấp nhất là thọ mười giới sa-di. Sự phản đối này thiếu cơ sở lịch sử về vấn đề truyền thọ...