Hoa và trăng trong thơ thiền Lý-Trần không chỉ là những hình ảnh đẹp đẽ mà còn là những triết lý sâu sắc về cuộc sống, khuyến khích con người sống trọn vẹn, tỉnh thức và hòa nhập với thiên nhiên.
Nước Việt Nam, từ thuở khai hoang lập địa, trải qua nhiều thời đại, mỗi triều đại đều có những đóng góp quan trọng cho việc bảo tồn và gìn giữ văn hóa, thể hiện đậm đà bản sắc dân tộc.
Triều đại Lý và Trần đánh dấu sự phát triển rực rỡ về mặt văn hóa và nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật thơ thiền.
Thơ thiền là một thể loại thơ ca xuất phát từ triết lý thiền tông, thường tập trung vào những cảm xúc, suy tư và chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống, con người và thiên nhiên. Thể loại thơ này nổi bật trong văn học Việt Nam, đặc biệt là trong thời kỳ Lý – Trần.
Nội dung thơ thiền thường thể hiện những tư tưởng triết lý về sự sống, cái chết, sự vô thường và mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, khuyến khích người đọc suy ngẫm và tìm kiếm sự thanh tịnh trong tâm hồn.
Các hình ảnh thiên nhiên như trăng, hoa, núi, sông không chỉ tạo nên vẻ đẹp mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống và tâm hồn. Một trong những hình ảnh gợi cảm xúc mạnh mẽ cho các thi sĩ chính là hình ảnh trăng và hoa. Khi dạo qua những trang thơ thiền Lý-Trần, ta dễ dàng bắt gặp Mãn Giác Thiền sư để lại trần gian đóa mai vụt nở trước sân, dù mùa xuân đã đi qua. Nhành hoa mai ấy, ngàn năm sau, vẫn không hề phai nhạt, khiến hậu thế phải thổn thức mỗi khi nhắc đến những vần thơ bất hủ trong bài “Cáo tật thị chúng”.Chúng ta cũng gặp ánh trăng mang triết lý bát nhã của Thiền sư Đạo Hạnh trong bài thơ “Hữu Không”.
Đến thời Nhà Trần, thơ thiền đã đạt tới đỉnh cao. Ở giai đoạn này, hình ảnh trăng và hoa thật dễ dàng tìm thấy; chắc hẳn những người yêu thơ sẽ luôn nhớ đến Trần Nhân Tông khi thức giấc, nhìn qua song thấy ánh trăng sáng vằng vặc giữa đêm khuya tĩnh mịch, lặng lẽ chiếu rọi trên chùm hoa quế trước sân, gợi bao niềm xúc cảm trong bài thơ “Nguyệt”.
Hình ảnh hoa cúc, loài hoa mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, cũng được Huyền Quang đưa vào trong sáu kỳ “Cúc Hoa”. Còn rất nhiều bài thơ khác, nhưng trong khuôn khổ bài viết này, xin được điểm qua những ý nghĩa đặc sắc của trăng và hoa trong thơ thiền Lý-Trần qua những tác phẩm tiêu biểu vừa kể trên.
Hình ảnh trăng trong thơ thiền Lý Trần
Hình ảnh ánh trăng trong thơ thiền thường xuất hiện trong đêm khuya thanh vắng tịch tĩnh. Lúc này, không gian và thời gian như lắng lại, ánh trăng sáng trong không gian vũ trụ bao la thật êm dịu và huyền bí.
Trong khoảng không gian ấy, tâm thức con người như hòa cùng thiên nhiên vạn vật, từ đó những mạch cảm xúc và suy tư chiêm nghiệm về cuộc đời được tuôn trào qua ý thơ. Mỗi bài thơ với hình ảnh ánh trăng thể hiện những ý nghĩa khác nhau. Ánh trăng thường được dùng để tượng trưng cho trí tuệ bát nhã, cho sự giác ngộ viên mãn. Thường thì đó là ánh trăng sáng vằng vặc trong một khoảng không bao la, cao rộng và sâu không giới hạn. Sự đơn lẻ của một vầng trăng sáng trên núi cao hay giữa bầu trời càng tạo cảm giác về sự rỗng rang và tịch tĩnh vô biên của thế giới ngoại vật trong tuệ nhãn của người giác ngộ. Mặt khác, ánh trăng trong nước lại là một hình ảnh thường gặp, biểu tượng cho cái giả, cái ảo của thế giới hiện tượng.
Hình ảnh trăng trong nước của bài thơ “Hữu Không” của ngài Đạo Hạnh thể hiện cho cái có và cái không (nhân duyên giả hợp của thế giới hiện tượng):
“Tác hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không,
Hữu không như thủy nguyệt,
Vật trước hữu không không.”
Nguyên khởi bài thơ là do có đệ tử hỏi ngài Đạo Hạnh: “Phật tâm là như thế nào?” Qua bài thơ, ta có thể hiểu rằng con người khi còn tư duy đối đãi bởi tục đế thì bảo có thì một hạt bụi nhỏ cũng là có, bảo là không thì hết thảy vũ trụ cũng là không. Nhưng sự có và không ấy như “trăng trong nước,” nó vốn do duyên sinh bởi có ánh trăng trên bầu trời soi xuống dòng nước tĩnh lặng của mặt hồ, chỉ cần khua tay, ánh trăng tan vỡ. cũng trên mặt hồ ấy , nếu mây đen kéo qua che đi ánh trăng trên bầu trời, ánh trăng trong nước liền biến mất. Cái có và không vốn vẫn ở trong phạm trù đối đãi, chỉ cần ta không chấp trước vào có và không (trung đạo) thì sẽ thấy Phật tâm hiển bày.
Khi ánh trăng đứng một mình trong khoảng không gian bao la vô tận, nó lại thể hiện cho sự giác ngộ tròn đầy. Hay nói cách khác, mảnh trăng khuya ấy là tấm chân như, là phật tính vốn có trong tâm thức mỗi người, vẫn lặng lẽ sáng soi. Ánh trăng ấy thể hiện rõ trong bài thơ “Nguyệt” của Trần Nhân Tông:
“Bán song đăng ảnh mãn sàng thư,
Lộ trích thu đình dạ khí hư.
Thuỵ khởi châm thanh vô mịch xứ,
Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ.”
Đọc thơ thiền Trần Nhân Tông, ta thường bắt gặp bút pháp tả thực một cách sống động đến từng chi tiết qua mỗi bài thơ. Sự thay đổi thời gian và không gian diễn ra liên tục nhưng rất uyển chuyển và nhịp nhàng, khiến người đọc như được hòa mình với nhịp điệu của cuộc sống trong thơ.
“Nguyệt” là bài thơ không ngoại lệ. Bài thơ ban đầu là một không gian nhỏ với ánh đèn soi nơi cửa sổ, những cuốn sách được xếp đầy trên giường.
Tác giả đưa chúng ta qua một không gian rộng lớn hơn với hạt sương đêm rơi trên sân mùa thu, hơi đêm trống không, tiếng sương rơi càng làm cho không gian thêm tĩnh lặng. Đây là lối lấy động tả tĩnh mà các nhà thơ thường sử dụng, nhưng tiếng sương rơi mà có thể nghe thấy chứng tỏ tâm của Ngài lúc này thật vắng lặng và tịch tĩnh, và không gian cũng vậy. Khi bất chợt tỉnh giấc, Ngài không còn nghe tiếng chày đập vải nữa, nhìn qua song cửa chỉ thấy vầng trăng sáng vừa mọc trên đầu cành hoa quế. Sự tịch tĩnh trong tâm thức cùng với không gian tĩnh lặng đã đưa tác giả đến sự bừng tỉnh giác ngộ, giống như ánh trăng mới lên trên đầu cành hoa quế.
Hình ảnh hoa trong thơ thiền Lý Trần
Hoa vốn là biểu tượng cho cái đẹp của thiên nhiên vạn vật, nhưng cái đẹp ấy không phải trường tồn vĩnh cửu mà luôn biến đổi vô thường. Hoa đẹp đó rồi cũng sẽ tàn phai, vì vậy trong thơ, hoa thường thể hiện sự vô thường của kiếp nhân sinh. Bên cạnh đó, mỗi loài hoa lại mang những ý nghĩa biểu trưng khác nhau, tùy vào hoàn cảnh và ý thơ mà tác giả muốn truyền tải thông điệp. Những loài hoa thường xuất hiện trong thơ thiền bao gồm hoa mai, hoa cúc, hoa sen…
Trong bài thơ “Cáo tật thị chúng,” Mãn Giác Thiền sư viết:
“Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.”
Hình ảnh hoa trong bài thơ rất sống động; mùa xuân đi qua, hoa rụng, mùa xuân đến, hoa nở đó là sự chuyển biến liên tục của vạn vật. Tuy vậy, bình thường chúng ta hay nói “hoa nở rồi tàn,” nhưng nếu để ý, trong bài thơ, tác giả đặt hình ảnh hoa tàn trước, hình ảnh hoa nở sau. Điều này ngụ ý về sự lạc quan trong tương lai, nhất là trong hoàn cảnh của bài thơ, khi Ngài đã về già và đang mang bệnh. Ngài muốn nhắn nhủ với đệ tử bài học về sự vô thường: Mọi sự trôi qua trong chớp mắt, cái già đã hiện đến từ trên mái đầu, mau gắng sức tu tập, đừng để thời gian trôi qua lãng phí. Hai câu thơ cuối chính là hai câu quan trọng nhất mà Ngài muốn gửi đến đệ tử cũng như hậu thế sau này: “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết, đêm qua sân trước một nhành mai.” Xuân tàn hoa rụng là quy luật muôn đời của tạo hóa, nhưng cành mai trong thơ Mãn Giác Thiền Sư lại hóa thân tiếp tục nở hoa và tồn tại như một sự vĩnh hằng, bất biến. Nói theo triết lý nhà Phật, các pháp vốn không sinh không diệt, vạn vật luôn chuyển từ dạng này sang dạng khác. Vì vậy, khi sống cần sống trọn vẹn, tỉnh thức; khi chết đi không có gì phải sợ hãi hay đau buồn, ung dung tự tại đến đi.
Hoa cúc là loài hoa đặc biệt xuất hiện rất nhiều trong thơ Huyền Quang, với sáu bài thơ liên tiếp được đặt tên “Cúc Hoa Kỳ 1” cho đến “Cúc Hoa Kỳ 6.” Trong dân gian, hoa cúc là biểu trưng cho mùa thu. Khi thu về, muôn cây rụng lá u sầu cũng là lúc cúc vươn cành xanh tươi. Mùa thu khi trời bắt đầu chuyển lạnh không khiến cúc lụi tàn; trái lại, càng khắc nghiệt, cúc càng nở nhụy khai hoa. Chính vì vậy, cúc là loài hoa biểu hiện sự kiên trì nhẫn nại. Hoa cúc là loài hoa “Diệp bất li chi, hoa vô lạc địa” nghĩa là: lá khô không rời cành, hoa tàn không rơi xuống đất.với ý nghĩa biểu trưng cho sự trường tồn, bất tử, cũng thể hiện tiết tháo của bậc quân tử với lòng kiên trung, bất khuất, không ngại khó khăn có lẽ vì ý nghĩa đó nên Huyền Quang dành cho hoa cúc một tình cảm rất đặc biệt.
Trong “Cúc Hoa Kỳ 1,” nếu Tường Hủ đời Hán chuộng tùng, Tây Hồ xử sĩ chuộng hoa mai, thì Huyền Quang đã chọn cho mình một hướng riêng, Bởi theo Ông “Nghĩa khí bất đồng nan cẩu hợp” nghĩa là: vì cách sống, cách suy nghĩ khác nhau khó mà hoà hợp, cho nên ông lựa chọn trở về vườn xưa làm bạn với hoa cúc.
“Tùng thanh Tưởng Hủ tiên sinh kính,
Mai cảnh Tây Hồ xử sĩ gia.
Nghĩa khí bất đồng nan cẩu hợp,
Cố viên tùy xứ thổ hoàng hoa.”
Nếu “Cúc Hoa Kỳ 1” mới chỉ là sự lựa chọn riêng, thì “Cúc Hoa Kỳ 2” Huyền Quang khẳng định vẻ đẹp của hoa cúc đạt đến độ hoa mai cũng phải e thẹn, nhường bước: “Bách vịnh mai hoa nhượng hảo trang”. Dù rằng tuổi đã già, đối trước mùa thu đẹp đôi khi làm thơ chưa được ổn, nhưng vì cái đẹp của hoa cúc lại khiến Huyền Quang phải bận lòng mà làm thơ: “Lão khứ sầu thu ngâm vị ổn, Thi biều thực vị cúc hoa mang.”
Sang đến “Cúc Hoa Kỳ 3,” Huyền Quang đã rời xa sự ồn ào đời sống thế tục để sống nơi cửa thiền thanh tịnh. Ông đã quên đi cả bản thân mình: từng là ai, đến từ đâu; quên đi những thói đời tầm thường, buông bỏ những dục vọng thấp hèn. Mặc cho thế sự, hoa cúc vẫn đồng hành cùng ông, mọi thứ cứ thế trôi qua khiến thiền sư không còn biết rõ ngày tháng. Nhưng hoa cúc như một tri âm, luôn thấu hiểu, luôn xuất hiện đúng lúc. “Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật, Cúc hoa khai xứ tức trùng dương”. Cuộc gặp gỡ này như đánh thức ý niệm thời gian đã bị quên lãng trong ông và càng ý nghĩa hơn khi lần tương ngộ này diễn ra tại một thời khắc đẹp – Tết Trùng Dương.
Đến “Cúc Hoa Kỳ 4,” loài hoa ấy như một loài hoa huyền diệu trước phong sương mùa thu, hoa vẫn nở rộ. Hoa cúc như đối lập tất cả, cúc là duy nhất khi có thể đứng giữa đất trời mà ung dung cảm nhận tiết thu, trong khi muôn loài cây phải sợ hãi, sầu úa, xác xơ. Cúc hòa hợp với khí tiết thu tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp: “Niên niên hòa lộ hướng thu khai,Nguyệt đạm phong quang thiếp thốn hoài”.
Sang “Cúc Hoa Kỳ 5”, Huyền Quang khẳng định cúc là loài hoa đứng đầu trong trăm hoa, bởi ông chợt nhận ra hoa còn hơn cả một con người trần thế, vì hoa không có những ganh ghét, cạnh tranh: “Chủ nhân dữ vật hồn vô cạnh.” Làm bạn với hoa thật vô tư, không phải lo lắng đề phòng cũng chẳng cần che đậy tâm tư.
Nếu như cúc ở các kỳ trước khi nở là báo hiệu mùa thu, thì ở “Cúc Hoa Kỳ 6,” khi xuân về, hoa cúc cũng rạo rực vươn mình khoe sắc hương như bao loài hoa khác. Khi các loài hoa khác nhanh chóng tàn lụi, thì hoa cúc là loài hoa bền nhất: Biến giới phồn hoa toàn trụy địa/Hậu điêu nhan sắc thuộc đông ly.”
Qua hình ảnh hoa cúc trong sáu bài thơ, bên cạnh việc thể hiện sự nâng niu, trân trọng loài hoa cúc, coi hoa như một người bạn tri âm để chia sẻ tâm sự, Huyền Quang cũng muốn mượn hoa cúc để nói lên nỗi lòng của một người muốn rời xa những tranh đua ồn ào, những hơn thua được mất nơi chốn phàm trần, tìm về với sự an tịnh thanh tao chốn cửa không.
Lời kết
Trong thơ thiền thời Lý-Trần, hình ảnh hoa và trăng không chỉ đơn thuần là những biểu tượng của thiên nhiên, mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống và triết lý nhân sinh. Ánh trăng, với sự huyền bí và tĩnh lặng, biểu trưng cho trí tuệ, sự giác ngộ và cái đẹp thanh cao trong tâm hồn con người. Đôi khi, trăng trong nước lại chỉ cho ảo ảnh của thực tại vốn do nhân duyên giả hợp.
Ngược lại, hoa mang trong mình sự sống động, biểu trưng cho cái đẹp mong manh nhưng cũng vĩnh hằng trong tâm thức con người. Hoa trong thơ thiền thường thể hiện sự chuyển biến và tính vô thường của cuộc sống, như hoa mai tàn phai nhưng vẫn nở rộ trong những điều kiện khắc nghiệt. Huyền Quang qua hình ảnh hoa cúc đã nhấn mạnh sự kiên trì, nhẫn nại trước những khó khăn thử thách. Hoa cúc cũng thể hiện sự thanh cao của đấng quân tử, không ganh đua hơn thua với thói đời.
Như vậy, hoa và trăng trong thơ thiền Lý-Trần không chỉ là những hình ảnh đẹp đẽ mà còn là những triết lý sâu sắc về cuộc sống, khuyến khích con người sống trọn vẹn, tỉnh thức và hòa nhập với thiên nhiên. Qua những bài thơ tiêu biểu, ta nhận thấy rằng vẻ đẹp của thiên nhiên chính là gương phản chiếu của tâm hồn, nơi con người tìm thấy sự bình an và chân lý trong hành trình tìm kiếm bản thân.
Tác giả: Thích Nhuận Giác (Đỗ Văn Tân)
Học viên lớp Thạc sĩ Phật học khoá VII, Học viện PGVN tại Tp.HCM
Link bài viết gốc: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/hinh-anh-trang-va-hoa-trong-tho-thien-ly-tran.html