Chùa Láng (Chiêu Thiền tự) thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa là di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia năm 1962. Chùa được xây dựng từ thời vua Lý Anh Tông (1138-1175), đến nay đã gần 900 năm tuổi.
Tương truyền, Chùa được vua Lý Anh Tông cho xây dựng để thờ Phật, thờ vua cha Lý Thần Tông và tiền thân của ngài là Thiền sư Từ Đạo Hạnh – một nhà sư rất nổi tiếng trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam. (Ảnh: Cổng Tam quan Chùa Láng).
Chùa Láng được dựng trên một thế đất đẹp với nhiều cây cổ thụ rợp mát, phong cảnh u tịch, thâm nghiêm, từ xa xưa đã là “Đệ nhất tùng lâm” (rừng thông cổ thụ nhất ở kinh thành Thăng Long). Bên trong là một khoảng sân rộng rợp bóng cây, lối đi giữa lát gạch dẫn tới tam quan nội, phía trong là sân chùa.
Giữa sân chùa có phương đình với mặt bằng hình bát giác, hai tầng mái, là nơi đặt tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh. Phần đỉnh nóc của nhà bát giác có họa tiết hình 4 con phượng đang múa (phượng vũ). Tầng mái bên trên đắp 8 con rồng cuộn tượng trưng cho sự tồn tại của 8 triều vua nhà Lý, tầng mái phía dưới lại đắp họa tiết những dải sấu miệng ngậm các đầu đao hài hòa.
Chùa Láng được xây dựng theo phong cách kiến trúc nội công ngoại quốc. Kiểu kiến trúc này đã có từ thời xưa với đặc điểm nổi bật là hai hàng lang dài kết nối nhà tiền đường và hậu đường với nhau, tạo nên một khung hình chữ nhật đóng kin. Ở giữa thường bố trí nhà thiêu hương hoặc Thượng điện.
Kim Ngưu