Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương ở tỉnh Quảng Nam chỉ còn sót lại chút “hình hài” là cổng tháp Sáng sau hơn nghìn năm tồn tại. Nhưng tháp này cũng đã xuống cấp nghiêm trọng, đang phải vất vả chống đỡ.
“Mất tháp Sáng sẽ mất luôn Phật viện Đồng Dương”
Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương nằm ở làng Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, H.Thăng Bình, Quảng Nam). Theo nội dung tấm bia tìm thấy tại làng Đồng Dương, phật viện được vua Indravarman II xây dựng vào năm 875 để thờ vị Bồ tát bảo hộ cho vương triều là Laksmindra – Lokesvara. Đây là một trong những tu viện Phật giáo của vương quốc Chămpa, thuộc vào hàng tu viện lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á bấy giờ. Hơn 10 thế kỷ trôi qua, thời gian, chiến tranh và bàn tay con người tàn phá đã khiến phật viện chỉ còn là phế tích. Đầu tháng 12.2019, Phật viện Đồng Dương được công nhận di tích quốc gia đặc biệt.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hiện di tích Phật viện Đồng Dương còn mảng tường tháp Sáng nhưng cũng đã xuống cấp nghiêm trọng đang được chống đỡ khẩn cấp bởi những trụ sắt kiên cố để tránh nguy cơ đổ sập; hoa văn dưới chân tháp bị rêu bụi phủ mờ. Quanh khu di tích, cây dại mọc um tùm…
Bà Phan Thị Hiệp, Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc, cho biết chính quyền địa phương chỉ có vai trò quản lý về mặt hiện trạng và tuyên truyền vận động người dân không xâm hại di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương. “Người dân lẫn chính quyền địa phương đôi lúc cũng thấy chạnh lòng, ngậm ngùi và buồn thay cho một di tích quốc gia đặc biệt khi nhìn vào chỉ là một bãi đất trống”, bà Hiệp nói.
Theo bà Hiệp, địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị, mong các cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ khẩn cấp các bộ phận kiến trúc còn sót lại, đặc biệt là cổng tháp Sáng, để trở thành một di tích khảo cổ quan trọng trong tương lai.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trương Công Hùng, Trưởng phòng VH-TT H.Thăng Bình, cho biết trong diện tích khoanh vùng bảo vệ 5,3 ha của di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương vẫn còn 11 nhà dân, 112 ngôi mộ cùng nhiều diện tích đất hoa màu, đất trồng rừng, cây trồng hằng năm. Mỗi năm, H.Thăng Bình chi khoảng 60 triệu đồng để phát quang, bảo vệ khu vực xung quanh cổng tháp Sáng và đường vào di tích. Riêng di tích tháp Sáng, UBND tỉnh cấp kinh phí làm giá đỡ bằng kim loại thay thế giá đỡ gỗ bị hư hỏng do thiên tai từ năm 2013 đến nay.
Theo ông Hùng, cuối tháng 12.2023, chủ trương đầu tư dự án tu bổ, gia cố, phục hồi và phát huy giá trị tháp Sáng thuộc di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương được thông qua với mức kinh phí 12 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, nhưng vì nhiều nguyên nhân đến nay dự án vẫn chưa được triển khai. “Thực tế hiện cổng tháp Sáng đang xuống cấp trầm trọng, gạch vữa rơi rớt, có nguy cơ ngã đổ bất cứ lúc nào. Vì vậy, bằng mọi cách phải phục dựng, bảo vệ được cổng tháp Sáng, nếu mất luôn tháp Sáng là mất luôn di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương. Các chuyên gia nhận định dưới lòng đất ở Đồng Dương còn nhiều dấu tích, hiện vật chưa được khám phá”, ông Hùng nói.
Một viên gạch cũng phải bảo vệ bằng được
Ông Trương Công Hùng cho biết vừa qua, đoàn chuyên gia đến từ Viện Khảo cổ học Ấn Độ (ASI) đến khảo sát và tiến hành đánh giá ban đầu về thực trạng, định hướng công tác bảo tồn, phục dựng Phật viện Đồng Dương.
Theo ông Hùng, vai trò của ngành văn hóa huyện cũng chỉ có nhiệm vụ khoanh vùng, bảo vệ di tích thôi. Phật viện Đồng Dương giờ đã là phế tích rồi, nếu không khẩn thiết có kế hoạch trùng tu, bảo vệ thì sẽ mai một dần theo thời gian. Tuy nhiên, để tôn tạo, trùng tu được di tích quốc gia đặc biệt này thì cần có động thái từ T.Ư, vì kinh phí thực hiện rất lớn. “Giá trị của Phật viện Đồng Dương là quá lớn nên lúc nào chúng tôi cũng nhắc nhở chính quyền xã Bình Định Bắc, kể cả một viên gạch cũng phải bảo vệ cho bằng được. Đồng Dương cần thiết phải được bảo tồn và trùng tu vì những giá trị văn hóa đặc biệt mà di tích sở hữu”, ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, cho hay đến nay vẫn chưa có phương án để trùng tu di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương. Để cứu di tích này, ngành văn hóa tỉnh cũng đã có các phương án nhằm bảo vệ những kiến trúc còn sót lại, đồng thời kiến nghị sớm có kế hoạch trùng tu để phát huy giá trị của di tích. Đặc biệt, trong năm 2025, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo Phật viện Đồng Dương” với sự tham gia của các nhà khảo cổ học, chuyên gia bảo tồn di tích hàng đầu.
Sau chuyến khảo sát, kiểm tra thực tế tại di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương mới đây, Bí thư Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu Sở VH-TT-DL chủ động nghiên cứu, phối hợp với địa phương tham mưu giải quyết các vấn đề liên quan đến hồ sơ, thủ tục đất đai bảo vệ vùng lõi di tích Phật viện Đồng Dương. Ngoài ra, vì là di tích quốc gia đặc biệt nên cần phải ưu tiên bố trí nguồn vốn theo hướng công trình khẩn cấp, để sớm có nguồn lực triển khai thực hiện khoanh vùng di tích, giải tỏa dân cư, tổ chức bảo tồn khu tháp Sáng.
Đồng Dương là một khu đền thờ đặc biệt
Theo tư liệu, năm 1902, nhà khảo cổ học người Pháp Henri Parmentier đã đến Đồng Dương. Ông tiến hành đo vẽ, khai quật các di tích và phát hiện cả một quần thể kiến trúc lớn bậc nhất của vương quốc Chămpa. Qua bản vẽ và những di vật mà ông phát hiện, đã thể hiện Đồng Dương là một khu đền thờ đặc biệt. Toàn bộ khu đền thờ chính và các tháp nằm lân cận phân bố trên một trục từ tây sang đông, dài khoảng 1.300 m. Khu đền thờ chính nằm trong khu vực hình chữ nhật dài 326 m, ngang 155 m, xung quanh có tường gạch bao bọc. Từ khu đền chính có một con đường dài khoảng 760 m chạy về phía đông đến một thung lũng hình chữ nhật. Ngoài ra, vào những năm đầu của thế kỷ 20, các nhà khoa học Pháp đã khai quật được hàng trăm tác phẩm điêu khắc, phần lớn đang được trưng bày ở Bảo tàng Chăm Đà Nẵng. Nổi bật nhất là tượng Bồ tát Tara bằng đồng cao hơn 1 m, được xem là kiệt tác nghệ thuật trong điêu khắc Chămpa.