Nghi lễ Vu Lan Bồn còn là một pháp hội thù thắng và có tính phổ cập nhất trong Phật Giáo Việt Nam và có sự ảnh hưởng rất lớn về văn hóa sống, đạo đức làm người trong xã hội Việt Nam nói chung và Huế nói riêng.

Phật giáo du nhập và phát triển vào Việt Nam từ rất sớm, gắn bó với văn hóa dân tộc, cho đến hiện nay có rất nhiều nghi lễ với các hình thức tổ chức và quy mô khác nhau nhưng tiêu biểu và nổi bật phải kể đến: Nghi lễ ngày trăng tròn tháng Vesak (ngày 15 tháng 4 Âm lịch, theo lịch hiện hành) là ngày Thái tử Sĩ Đạt Đa (Đức Bổn Sư Thích ca Mâu ni tương lai) ra đời hay còn gọi là ngày Phật Đản sinh; ngày 15/01 Âm lịch là nghi lễ Thượng nguyên; nghi lễ vía Bồ tát Quán Thế Âm vào ngày 19/02, 19/06, 19/09 Âm lịch hằng năm; nghi lễ Vu Lan ngày 15/07 Âm lịch; nghi lễ Phật xuất gia ngày 08/02 Âm lịch,… Trong những nghi lễ đó ngày 15 tháng 07 Âm lịch hằng năm nghi lễ hội Vu Lan Phật giáo là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của Phật giáo.

Ảnh: Sưu tầm

Trong đó ta thấy được sự lan tỏa của giá trị Phật giáo trong cộng đồng người dân tộc Việt Nam, làm nổi bật tinh thần hòa hợp, sự biến đổi giao thoa giữa Phật giáo với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt.

Nghi lễ Vu Lan là một nét đẹp văn hóa truyền thống từ xa xưa, nghi lễ Vu Lan báo hiếu mang lại cho chúng ta một giá trị văn hóa đạo đức thiêng liêng, trân trọng của đời sống tinh thần tốt đẹp.

Nghi lễ Vu Lan báo hiếu từ lâu đã hòa nhập với truyền thống đạo hiếu của người Việt, các nhà nghiên cứu quan tâm, và cũng theo đó các công trình lớn nhỏ có giá trị lần lượt ra đời như: Quyển sách 500 Câu Truyện Đạo Đức Về Lòng Hiếu Thảo xuất bản 2012 của Nguyễn Hạnh và Trần Thị Thanh Nguyên (Nhà xuất bản Trẻ); Hiếu Kính xuất bản năm 2018 của Đoàn Trung Còn (Nhà xuất bản Đà Nẵng); Kể Chuyện Gương Hiếu thảo tái bản năm 2019 của Phương Thúy và Hoàng Trang (Nhà xuất bản văn học);… Gần đây một số công trình nghiên cứu về sự dung hòa, gắn kết giữa đạo hiếu và nghi lễ Vu Lan của Phật giáo cũng được nhiều tác giả viết và nghiên cứu tuy nhiên vẫn chưa thể làm rõ hết được nghi lễ Vu Lan cũng như tinh thần đạo hiếu nghi lễ Vu Lan, càng không thể làm rõ được nét đặc thù của văn hóa vùng miền, được truyền tải trong nghi lễ Vu Lan được tổ chức ở các tỉnh thành trong đất nước Việt Nam.

Nghi lễ của Phật giáo biến đổi quá linh hoạt để thích nghi với từng vùng miền nên rất cần thiết có sự đi sâu nghiên cứu để làm rõ được hết những vấn đề trên.

Trong bài viết này, chúng tôi đi sâu một số khía cạnh và khái quát một số điểm đặc thù của nghi lễ tại Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế.

Huế là mảnh đất có bề dày Phật giáo, những ngôi chùa cổ chứng kiến sự thịnh suy của bao triều đại, vùng đất với biết bao cuộc chiến tranh cùng hàng ngàn người ngã xuống, chôn vùi trên mảnh đất Cố đô. Chính vì vậy mà nghi lễ Phật giáo tại Huế cũng có nhiều điều khác biệt cần được tìm hiểu và lưu giữ.

Nghi lễ Vu Lan của Phật giáo là nghi lễ quan trọng với người Cố đô nói chung, phật tử nói riêng. Nghi lễ Vu Lan là trong những lễ hội truyền thống được tổ chức với quy mô gần như lớn nhất, cũng là nghi lễ mà thu hút đông đảo số lượng người tham dự nhất tại Huế.

Nguồn gốc nghi lễ Vu Lan Bồn

Đại Lễ Vu Lan tiếng Phạn là Ullambana, Đông độ (1) phiên âm là Ô lam bà noa, còn gọi là Vu Lan Bồn. Phiên âm chữ Ullam là “Vu Lan” có nghĩa là “Đảo huyền” treo ngược, chữ bana là “Bồn” có nghĩa là “Cứu” chỉ cho vật dụng dùng để cứu giúp, cho nên danh xưng Vu Lan Bồn có nghĩa là Cứu đảo huyền, cứu giúp thoát khỏi nổi khổ bị treo ngược.

Vu Lan Bồn Đông độ dịch là Cứu đảo huyền (hay Giải đảo huyền, thực ra giải đảo huyền được các đại sư Trung Quốc lấy ý từ câu “Dân chi duyệt chi do giải đảo huyền dã” trong Mạnh Tử, chương 3 Công Tôn Sửu Thượng, chỉ sự giải thoát cho những kẻ khổ sở tột cùng ở cảnh giới Địa ngục), Cứu đảo huyền được hiểu theo nghĩa, là phương pháp cứu giúp tất cả các loài quỷ đói thoát khỏi những nỗi thống khổ bị đảo ngược, như thân thể có hình dáng thô, xấu, ác khác lạ với loài người, các cơ quan nội tạng ngược với các chức năng vốn có của nó như cổ thì bằng cây kim, bụng thì to như trống, và có những cách thức ăn uống vô cùng khó khăn thống khổ, muốn ăn cũng không cách nào nuốt được thức ăn, muốn uống thì cũng không sao uống được nước, lúc nào cũng bị lửa đói khát thiêu đốt, khi ăn thức ăn biến thành lửa, vì vậy nỗi thống khổ vô cùng, cho nên cứu đảo huyền là cứu cái khổ của những gì ngược lại với bình thường, cũng không khác với cái khổ của người bị treo ngược.

Khởi nguyên của Đại lễ Vu Lan Bồn là căn cứ theo Phật Thuyết kinh Vu Lan Bồn chính là từ thuyết về Ngài Mục Kiền Liên Tôn Giả, là một trong mười vị đại đệ tử của Phật. Khi chứng đắc được lục thần thông (2), ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sinh làm Ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ, không thể ăn được. Mục Liên thấy như vậy vô cùng thương sót quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: “dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư Tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”. Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được thoát được kiếp Ngạ quỷ đói khát, khổ sở. Phật cũng dạy rằng chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này. Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời.

Như vậy theo bản kinh Vu Lan Bồn thì Lễ Vu Lan xuất phát từ thời đức Phật còn tại thế và nhân sự kiện Ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ mà đức Phật thuyết kinh. Tuy nhiên ba bản kinh Vu lan hiện còn trong Đại tạng kinh Đại chính tân tu là Bát Nê-hoàn Hậu Quán Lạp, Phật Thuyết Vu Lan Bồn kinh, Phật Thuyết Báo Ân Phụng Bồn kinh đều chỉ nhắc đến việc Mục Kiền Liên cứu mẹ bị đọa ở địa ngục chứ không hề đề cập đến nhân thân của Mục Kiền Liên cũng như nguyên nhân vì sao mà mẹ của ông bị đọa địa ngục. Chính vì vậy, làm cho người đọc khó hình dung ra bối cảnh của vấn đề. Thế nên, về sau này đã có một tác phẩm Biến văn mang tên Mục Kiền Liên Minh Gian Cứu Mẫu, nhằm bổ sung những chi tiết quan trọng và cần thiết đó. Trong tác phẩm này, nội dung liên hệ đến nhân thân và nguyên nhân mà nhân thân của Tôn giả Mục Kiền Liên bị đọa địa ngục.

Thực chất Kinh Vu Lan Bồn không có trong kinh điển Nguyên thủy Phật giáo. Cũng có giả thuyết cho rằng, câu chuyện Mục Kiền Liên là biến tấu từ kinh Uất Đa La Mẫu Đọa Ngạ Quỷ Duyên, gọi tắt là kinh Uất Đa La Mẫu có viết trong mục Chuyện ngạ quỷ của Tiểu bộ kinh, chỉ thay tên nhân vật từ Uất Đa La (Uttara hay là Uttaramātu) thành Mục Kiền Liên và thay tên người giảng là một tỳ kheo thành lời giảng của đức Phật. Tuy nhiên, trong Tiểu Bộ kinh do giáo sư Trần Phương Lan dịch thì tất cả các chuyện này đã do Tôn giả Đại Mục-Kiền-Liên (Maha Moggallana) tường trình lên Đức Phật sau khi Tôn giả nhập định và nhờ thần lực đi lên cõi Thiên để gặp chư Thiên và hỏi chuyện. Về sau đức Phật dùng các đề tài này để thuyết pháp.

Mặc dù nguồn gốc của bản kinh Vu Lan Bồn đến nay vẫn là đề tài còn gây tranh luận. Song, việc thực hành phép cúng dường trong kinh Vu Lan để hồi hướng những phước lành cho người thân lại được nhắc đến trong nhiều bản kinh như trong: Kinh Đại Bồn Tịnh Độ chép: “Vua Tần Bà Sa La, Trưởng Giả Tu Đạt cùng với Phu Nhân Mạc Lợi đều y theo lời dạy của Phật trong kinh Vu Lan Bồn làm 500 cái bồn bằng vàng cúng dường Phật cùng chúng Tăng, để cầu nguyện diệt trừ tội chướng của cha mẹ trong bảy đời…”. Lại trong kinh Soạn Tập Bách Duyên, quyển thứ lăm do cư sĩ Chi Khiêm dịch. Trong mục Ưu Đa La Mẫu Đọa Ngạ Quỷ Duyên, gọi tắt là kinh Ưu Đa La Mẫu có chép: “Có một vị Tăng tên là Mục Liên, pháp lực quảng đại, mẹ của Ngài bị đọa xuống địa ngục là Ngạ quỷ, khi ăn thức ăn đều biến thành lửa, đói khát vô cùng. Mục Liên không có phương pháp nào để cứu ách nạn cho mẹ, đến Phật cầu xin chỉ giúp, đức Phật vì Mục Liên nói pháp Vu Lan Bồn để cứu mẹ thoát khổ…”.

Bản thân người viết nhìn nhận nguồn gốc của lễ hội Vu Lan Bồn Phật giáo có khởi nguyên từ thời đức Phật còn tại thế và được phát triển rộng rãi cho đến ngày nay đặc biết là những nước Châu á. Nguyên nhân chính do ý nghĩa của lễ Vu Lan Phật giáo mang phong thái giáo dục đạo lý “nhớ ơn và báo ơn” rất cao lại hoàn toàn phù hợp với đạo lý “hiếu nghĩa” của người Châu Á, đặc biệt là người Trung Quốc và Việt Nam. Đối với người Trung Quốc và Việt Nam nói chung thì ngày lễ Vu Lan là ngày mà người sống nhớ tưởng đến những người đã khuất, ngày cúng thí cho âm linh cô hồn, hay ngày xá tội vong nhân. Thì với Phật giáo lễ Vu Lan không chỉ là thời điểm người sống tưởng nhớ đến những người quá cố; ngày cúng thí cho âm linh cô hồn; mà đó là ngày mà học trò tưởng nhớ đến Thầy cô, đệ tử tưởng nhớ đến Thầy tổ và bậc sư trưởng; đó còn là ngày mà mọi người con Phật nhớ tưởng đến ơn nghĩa, báo hiếu cho những đấng sinh thành, đến những người có công, có ơn với ta không chỉ đã khuất không chỉ trong một đời mà còn trong nhiều đời nhiều kiếp, kể cả những người vẫn còn đang sống, đang hiện hữu; đó còn là ngày mà mọi người nhớ tưởng đến ơn của tổ quốc che chở, ơn của đất nước; đó còn là ngày mà chúng ta nhớ tưởng đến ơn của mọi loài hữu tình, vô tình.

Nghi thức cúng dường trai tăng ngày Tự tứ, Rằm tháng Bảy Âm lịch.

Trong bản kinh Phật Thuyết Kinh Vu Lan Bồn có ghi:

“… Rằm tháng bảy là ngày Tự tứ,

Mười phương Tăng đều dự lễ này,

Phải toan sắm sửa chớ chầy,…

Đựng trong bình bát vọng cầu kính dâng…”

Phật dạy cho Ngài Mục Kiền Liên trong kinh Vu Lan về phương cách cứu mẹ, có chép: “này Mục Liên ngày 15 tháng 7 là ngày Phật hoan hỷ, cũng là ngày Tự tứ của chư Tăng, nên đem thức ăn nước uống đựng trong bình bát cúng dường chư Tăng và Tam bảo, trượng thừa đại từ bi lực, oai thần công đức lực của Tam bảo, có thể cứu độ được cha mẹ đời này và cũng có thể cứu độ cha mẹ bảy đời trước…”

Trong kinh Báo Đáp Công Ơn Cha Mẹ cũng có ghi:

“… Rằm tháng bảy đến ngày Tự tứ,

Thập phương Tăng đều dự lễ này,

Sắm sinh lễ vật đủ đầy,

Chờ giờ câu hội đặt bày cúng dâng…”

Từ ba bản kinh trên ta thấy rằng phương cách cứu mẹ mà đức Phật dạy cho Ngài Mục liên trở thành nghi thức cúng dường trai Tăng nhân ngày Tự tứ, được gọi là pháp “Vu Lan” và bình bát để vật thực cúng dường cho chư Tăng chính là “Bồn” vật để trợ duyên cho pháp cứu tế, nên gọi đủ là Pháp Vu Lan Bồn.

Theo bản kinh Vu Lan Bồn thì nghi lễ có từ thời đức Phật còn tại thế. Căn cứ vào kinh Vu Lan và Ngài Mục Kiền Liên là thủy tổ của Pháp hội này, và cũng là người tổ chức Pháp hội này trước nhất. Nghi lễ Vu Lan với tính chất đề cao tinh thần đạo đức hiếu hạnh và phương pháp cứu độ cho các hương linh thoát khỏi khổ não địa ngục của mình, rất hợp với thuần phong mỹ tục của Ấn Độ và đã nhanh chóng được lan truyền cũng như phát triển trong xã hội lúc bấy giờ.

Trong bản kinh, ta cũng có thể thấy được phương pháp đức Phật chỉ dạy cho mọi người lúc bấy giờ là cúng dường Tăng chúng trong ngày Tự tứ, và nương nhờ vào sự chú nguyện của Tăng chúng để chú nguyện cho cha mẹ hiện tiền cũng như nhiều kiếp quá khứ. Đặc biệt trong bản kinh Báo Đáp Công Ơn Cha Mẹ, Phật lại dạy thêm ngoài việc cúng dường cho chúng Tăng, Phật còn dạy thêm phương pháp báo hiếu đó là trì giới, những giới luật mà Phật chế ra cho người phật tử tại gia. Mà nhờ đó mà người thân cả quá cố lẫn còn sống của người phật tử đó được hưởng trọn phần công đức do họ hồi hướng.

Tiếp nối sau ngài Mục Kiền Liên Tôn giả ta thấy trong thời Phật còn tại thế có vua Tần Bà Sa La, trưởng giả Tu Đạt cũng y theo phương cách Phật dạy mà tổ chức nghi lễ cúng dường chúng Tăng, để hồi hướng công đức cho hương linh của những người thân đã mất trong bảy đời. Điều này được chép trong kinh Đại Bồn Tịnh Độ chép: “Vua Tần Bà Sa La, Trưởng giả Tu Đạt cùng với Phu nhân Mạc Lợi đều y theo lời dạy của Phật trong kinh Vu Lan Bồn làm 500 cái bồn bằng vàng cúng dường Phật cùng chúng Tăng, để cầu nguyện diệt trừ tội chướng của cha mẹ trong bảy đời…”.

Phật giáo Đông truyền, kinh Vu Lan Bồn cũng được Ngài Trúc Pháp Hộ dịch vào thời Tây Tấn, và một lần nữa đạo hiếu của Phật giáo lại thịnh hành ở Đông Á. Hiếu đạo ở Đông Á là một chuẩn mực đạo đức của xã hội rất được coi trọng, nhưng chỉ dừng lại ở hiếu thuận với cha mẹ còn tại thế, còn như nếu cha mẹ đã mất hoặc là bảy đời phụ mẫu tiền kiếp thì ngoài việc để tang, cúng tế ra chưa có phương cách nào hiệu quả để báo đáp đền ơn. Chính vì vậy nghi lễ cũng như phương cách báo hiếu của đạo Phật đã góp phần giải quyết vấn đề nan giải này. Rất nhanh chóng, nó được chấp nhận và phổ biến rộng rãi trong khắp các tầng lớp xã hội Đông Á.

Nghi lễ Vu Lan Bồn được truyền vào Đông Á và được tổ chức quy mô lần đầu tiên chính là Vua Lương Võ Đế, vị Vua phật tử thuần thành và có công trong việc hoằng truyền các nghi lễ trong Phật giáo Bắc truyền.

Trong sách Phật Tổ Thống Kỷ quyển 37 chép: “Niên hiệu Đại Đồng thứ 4, Vua đến chùa Đồng Thái thiết lễ Trai tăng Vu Lan Bồn”. Pháp Hội Vu Lan Bồn tại Đông Độ được tổ chức như thế nào thì trong sách Thích Thị Lục Thiếp có chép: “Vua Lương Võ Đế cứ mỗi khi đến ngày 15 tháng 7, đều dùng bồn đựng các thứ cúng dường, đem cúng cho các chùa. Từ đó về sau, dần dần trở thành phong tục, các vua quan đời sau, cho đến thứ dân đều tuân theo lời Phật dạy, hưng khởi Pháp hội Vu Lan Bồn để báo đáp ân của cha mẹ…”.

Nghi lễ Vu Lan Bồn Phật giáo tại Việt Nam và tại Huế hiện nay

Việt Nam ngày nay lễ hội Vu Lan được tổ chức một cách quy mô với nhiều yếu tố đặc thù của màu sắc khác nhau tại mỗi vùng miền của Tổ quốc. Bởi sự khoan dung của Phật giáo với tiêu chí là “tùy duyên nhưng bất biến” mà khi Phật giáo thâm nhập vào văn hóa trong từng vùng miền nên nghi lễ Vu Lan Bồn có những đặc điểm khác nhau, riêng biệt bởi Phật giáo dung hòa với đặc trưng văn hóa của các vùng miền đó. Các nghi thức khác của Phật giáo cũng vậy, khi du nhập vào từng vùng miền cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa địa phương mà có sự chuyển biến cho phù hợp nhất với từng vùng miền, cũng có khi nghi lễ Phật giáo vào lại làm cho văn hóa ở vùng miền đó chịu ảnh hưởng của nghi lễ trở nên phong phú hơn.

Ảnh: Sưu tầm

Ví dụ như nghi thức âm nhạc Phật giáo của nghi lễ Vu Lan Bồn khi du nhập vào Nam bộ mang đậm nhạc lễ của tân cổ giao duyên, của nhạc cải lương vùng Nam Bộ; còn ở vùng đồng bằng Bắc bộ thì nhạc lễ Vu Lan Bồn lại đậm nét của chèo, dân ca Bắc bộ. Còn đối với vùng Trung bộ, đặc biệt là Huế thì nghi lễ Phật giáo lại mang âm hưởng của các làn điệu nhã nhạc cung đình Huế trong các bài tán tụng của mình,…

Cũng bởi sự dung hòa với văn hóa địa phương như vậy mà việc tìm ra một khuôn mẫu định sẵn cho nghi lễ Phật giáo nói chung và thống nhất trên toàn Việt Nam là điều cực kỳ khó khăn.

Ban nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho tới ngày này vẫn bảo lưu tính đặc thù trong nghi thức các nghi lễ Phật giáo mang tính Sơn môn, Pháp phái mà chưa có sự thống nhất về nghi lễ trên toàn quốc.

Nghi lễ Vu Lan Phật giáo cũng vậy, để tổ chức thống nhất trên toàn quốc thì là điều vô cùng khó khăn. Trong một huyện mà việc tổ chức được thống nhất chương trình giữa các chùa đã là một việc khó khăn rồi chưa dám nói đến cấp tỉnh, rồi đến trên toàn quốc. Cũng bởi sự hòa nhập của Phật giáo đi sâu vào văn hóa vùng miền, lại cộng thêm chủ chương “tùy duyên” của Phật giáo nên sự đa dạng, đặc thù nên hiện nay tùy theo điều kiện vùng miền, tùy theo tín đồ tại từng địa phương mà lại có những cách thức tổ chức nghi lễ Vu Lan Bồn sao cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của từng chùa, của từng miền. Lại thêm nữa là mỗi năm một điều kiện khác nhau, về cơ sở vật chất, công việc của chùa, người dân, về tín đồ phật tử, … mà lại có quy mô và phương thức tổ chức khác nhau.

Từ những điều trên cho thấy sự đúng đắn của Ban nghi lễ Trung ương chỉ có định hướng những nội dung căn bản để có một nghi lễ Vu Lan chung nhất cho toàn quốc, nhưng trên nhiều cái đặc thù đó việc thừa nhận vẫn có nội dung chung.

Chúng tôi đã may mắn được tham gia lễ hội Vu Lan Bồn của Phật giáo ở 5 tỉnh, nhất là 10 chùa ở Huế, lại thêm được trao đổi với nhiều nhà sư ở các tỉnh khác nhau về lễ hội này nên chúng tôi xin đưa ra nội dung chung cho nghi lễ Vu Lan Bồn Phật giáo trên toàn quốc hiện nay đó là:

Thứ nhất là nghi thức Bông hồng Cài Áo

Nghi thức Bông Hồng Cài Áo nhiều người hiểu lầm rằng có nguồn gốc từ Nhật Bản, được nhà sư Thích Nhất Hạnh đưa vào trong lễ Vu Lan Bồn tại Việt Nam từ những năm 1962, nhưng Trong quyển sách Bông Hồng Cài Áo do Thầy Thích Nhất Hạnh viết, An Tiêm xuất bản năm 1962 có ghi: “Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother’s Day), ngày chủ nhật thứ nhì của tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong xắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.”. Từ đoạn văn trong sách Bông Hồng Cài Áo cho thấy nguồn gốc thực sự của nghi thức này là xuất phát từ phương Tây, mà được nhắc đến ở đây là Hoa Kỳ. Dù nghi thức đó có nguồn gốc từ nơi nào đi chăng nữa cũng được sư Nhất Hạnh đưa vào Việt Nam và khéo léo biến đổi cho phù hợp với phong tục tập quán của người Việt Nam ta, đặc biệt ý nghĩa của việc cài hoa Hồng lại vô cùng nhân văn nên được tín đồ phật tử nói chung và người Việt Nam nói riêng đón nhận một cách tự nhiên như một phong tục quý báu của ngày lễ.

Ảnh: Sưu tầm

Trước đây khi nghi thức Bông Hồng Cài Áo được đưa vào trong ngày lễ Vu Lan Bồn Phật giáo tại Việt Nam người ta thấy hình ảnh các em nhỏ sách trên tay những giỏ hoa hồng cài lên áo những người tham dự khi lễ cài hoa diễn ra. Lúc đó người ta chỉ dùng bông hồng đỏ tươi nhưng sau này nhiều nơi phân chia ra thành những bông hồng có màu sắc khác nhau.

Người nào con đủ cả cha mẹ thì cài bông hồng đỏ tươi, người nào chỉ còn cha hoặc mẹ thì cài bông hồng màu nhạt hơn chút, người nào đã mất cả cha mẹ thì cài bông hồng trắng.

Người có hoa hồng hẳn sẽ tự hào vô cùng vì trên đời này còn có cha mẹ. Ai mang hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở, rằng mình đã lỡ mất những gì quý giá nhất, từ đó mà hành động sao cho phải với lương tâm. Các vị tu sĩ đã lìa bỏ đời sống thế tục để sống cuộc sống của người xuất gia. Họ mượn thân tứ đại (3) do cha mẹ sinh ra để “trên cầu giải thoát, dưới cứu độ chúng sinh”. Đối với họ cứu cánh đạt đến sự giác ngộ là cách báo ân tuyệt diệu việc báo hiếu cho cha mẹ hiện đời và cha mẹ ở nhiều đời khác. Thay vì cài bông hồng đỏ hoặc trắng để chỉ cho cha mẹ hiện tiền, việc đó rất là đúng, hợp với trời đất nhưng người tu sĩ còn có cha mẹ rộng hơn, lớn hơn, cao cả hơn đó là tất cả chúng sinh, vì thế cài bông hồng vàng để tỏ rõ lý tưởng cao quý này.

Do vậy, dù hòa mình trong ngày lễ Vu Lan thắng hội nhưng người tu sĩ cũng muốn mượn màu sắc của hoa màu vàng để nói lên tinh thần đúng nghĩa của mùa lễ Vu Lan là sự giải thoát.

Thứ hai là nghi thức Cúng Ngọ

Nghi thức cúng Ngọ hay còn được gọi là nghi thức cúng cơm Phật, nghi thức này thường kéo dài khoảng 30 phút và được tiến hành vào khung giờ từ 10 đến 12 giờ trong ngày lễ Vu Lan. Đây là nghi thức mà người con Phật nói chung thể hiện sự tôn kính, luôn nhớ tưởng của mình đối với mười phương chư Phật, chư Bồ tát. Đây là nghi thức mà hàng đệ tử cả tại gia và xuất gia thành tâm cung thỉnh chư Phật, Bồ tát khắp trong pháp giới về tại nơi cử hành nghi lễ để thọ hưởng phẩm vật dâng cúng và chứng minh cho tấm lòng thành của hàng đệ tử. Nghi thức cúng Phật ở miền Nam và miền Trung tương đối giống nhau về cách thức thực hiện và nội dung câu chữ, chỉ khác nhau về cách đọc tụng, âm điệu ngân nga vì bị ảnh hưởng bởi ngữ âm, văn hóa vùng miền. Miền Bắc thì nghi thức cúng ngọ có khác nhiều hơn so với hai miền trên nhưng cũng vẫn trên tinh thần thành kính, nhớ tưởng tri ân đến các đấng bề trên.

Thứ ba là nghi lễ Pháp Hội Cầu Siêu và Cúng Thí Thực (cúng bố thí cho các loại âm linh cô hồn).

Nghi lễ Pháp hội cầu siêu thường được diễn ra trước ngày tiến hành nghi lễ Vu Lan Bồn một ngày, hoặc cũng có nhiều nơi cử hành vào thời gian buổi chiều trong ngày lễ Vu Lan diễn ra. Pháp hội cầu siêu thông thường gồm hai phần:

Phần một là nghi thức cầu siêu cho toàn thể các bậc Tôn túc là những vị tiền bối đi trước đến những vị có công khai hoang núi rừng lập chùa “khai sơn lập tự”, những vị có công với đất nước, các chiến sĩ nghĩa sĩ thương vong, đồng bào tử trận vì quốc gia dân tộc, những vị hương linh được ký gửi tại chùa cho đến mười hai loại cô hồn, tất cả đều được những người cử hành nghi lễ mời gọi về. Khi thực hiện nghi thức này trước là vị sám chủ sẽ niệm hương để kính bạch trên chư Phật, Bồ tát và chư tổ chứng minh, tiếp theo là ba lần triệu thỉnh toàn bộ chư vị giác linh, hương linh, vong linh được nhắc đến ở trên, sau đó là thời khóa tụng kinh để kỳ siêu. Tùy thời gian cử hành, từng chùa, từng nơi mà bộ kinh được đọc trong khóa lễ có thể là kinh Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Địa Tạng, kinh Vu Lan Bồn,…(thông thường được lựa chọn là kinh Vu Lan Bồn ) được tụng niệm để cầu nguyện kỳ siêu cho các đối tượng được nhắc ở trên. Sau khi đọc tụng xong là phần hồi hướng an lành cho toàn bộ chúng sinh muôn loài và hồi hướng để cầu siêu cho tất cả các chư vị hương linh trên.

Chẩn tế Âm linh cô hồn tại chùa Từ Đàm – Huế , Ảnh: phatgiaohue.vn

Phần hai là nghi thức cúng thí cho âm linh cô hồn. Đây là nghi thức được thực hiện nhằm bố thí đồ ăn, thức uống, vật dụng… cho các vị cô hồn không nơi nương tựa. Nghi thức này thường được bày biện và thực hành ngoài trời với sự tham gia của những người tu hành và nhiều bà con tín đồ phật tử, nhân dân. Khi thực hiện nghi thức thông thường người chủ lễ cũng sẽ niệm hương để kính bạch lên chư Phật, Bồ tát, Chư Tổ sư sau đó là thỉnh chư vị Tiêu Diện Đại Sĩ, cuối cùng là ba lần mời thỉnh các loại cô hồn về tại nơi thực hành nghi lễ. Sau khi đã thực hiện toàn bộ các nội dung trên thì toàn bộ đại chúng tiến hành đọc tụng nghi thức cúng thí thực (Mông Sơn Thí Thực) trong kinh chú thường tụng của Phật giáo. Nghi thức cúng Mông Sơn Thí Thực này về câu chữ thì miền Nam và miền trung giống nhau hoàn toàn, chỉ khác nhau về cách đọc tụng, ngắt quãng mà thôi, riêng miền Bắc nghi thức này lại có một vài điểm khác biệt so với hai miền còn lại về câu chữ, đoạn văn, tụng niệm và tất nhiên cả cách đọc tụng cũng mang một âm hưởng khác hai miền còn lại.

Một số đặc thù của nghi lễ Vu Lan Bồn Phật giáo tại Huế.

Do Phật giáo tại Huế thừa hưởng những đặc điểm của vùng đất trước đây thuộc đất Chăm Pa, tuy nhiên từ thời Lý – Trần thì nghi lễ Vu Lan Bồn đã theo chân những người Việt được thực thi ở vùng Huế – Thừa Thiên (vùng Thuận Hóa trước đây).

Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, kỷ nhà Lý chép: “Mùa thu tháng bảy năm Mậu Tuất (1118) tiết Trung nguyên, vua Lý Nhân Tông bày cổ bàn, nhân vì lễ Vu Lan Bồn, cầu siêu cho Linh Nhân Hoàng thái hậu”…, điều này chứng tỏ rằng lễ Vu Lan đã được tổ chức trong các tự viện thuộc Đại Việt ta từ trước đó. Tới triều đại nhà Trần thì chắc là lễ Vu Lan đã được tổ chức một cách thường niên và khi Phật giáo của nhà Trần được đưa vào đất Thuận hóa không có lý nào mà lễ Vu Lan lại không được người tín đồ đi khai hóa mang theo vào vùng đất này. Từ suy luận đó chúng tôi cho rằng nghi lễ Vu Lan ở Thuận Hóa có lẽ được tổ chức cách những năm đầu khi hai châu Ô, Rí được sáp nhập vào đất Đại Việt trong đời nhà Trần không xa. Nhưng có lẽ thời gian này đây là vùng đất mới, những vị tu sĩ cùng với người dân vào đây khái hóa tổ chức nghi lễ Vu Lan nhỏ lẻ, rời rạc lại là vùng đất mới nên cũng không có mấy ai quan tâm đến việc viết chép các tư liệu văn hóa mà chỉ chăm lo khai hóa xây dựng cuộc sống vật chất và tinh thần ổn định tại vùng đất này. Cho đến những năm đầu thế thế kỷ thứ XVII bắt đầu mới thấy có các tư liệu ghi lại một cách rõ ràng.

Theo sách Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí ghi lại: “Năm Nhâm Dần, niên hiệu Hoằng Định thứ ba (1603), thượng tuần tháng bảy. Bấy giờ Đoan vương Nguyễn Hoàng ái mộ đạo Phật từ bi, khuyên việc thiện, trồng duyên lành, nhân gặp tiết Trung Nguyên ngày rằm tháng bảy ra chùa Thiên Mụ cúng Phật, niệm kinh giải oan cầu phúc; tế độ chúng sinh, giúp người cứu khổ công đức vẹn thành”.

Còn Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhất kỷ ghi lại: “Năm Nhâm Tuất, Gia Long nguyên niên (1802) vua lập đàn ở Thiên Mụ để tế, tế khắp các chiến sĩ chết trận”. “Năm Quý Hợi, Gia Long thứ hai (1803), lính các vệ thần sách đi vận tải lương thực gặp bão, chết mất 500 người ở ngoài biển. Vua xem họ là chiến sĩ trận vong, cấp cho tiền tuất và lại sai đặt đàn ở chùa Thiên Mụ để tế”.

Trong Châu bản triều Nguyễn có đoạn chép: “Tháng 7 năm Ất Mùi (1835), vua Minh Mạng mở đại trai đàn Vu Lan rất lớn ở chùa Thiên Mụ. Nhà vua giao cho Hà Tôn Quyền và Hoàng Quýnh chịu trách nhiệm tổ chức, Bùi Văn Huyến làm đổng lý trai đàn. Trong kỳ đàn tràng lớn này, vua Minh Mạng đích thân lên chùa Thiên Mụ dự lễ. Vua làm nhiều bài thơ sai đem dán ở điện Phật và các đàn Thủy lục. Trai đàn cử hành được một tuần. Được tin quân triều đình chiếm lại được thành Phiên An (thành Gia Định), vua ra lệnh cho viết linh vị các tướng sĩ và biền binh bị mất trong cuộc đánh dẹp, cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi, để làm lễ cầu siêu”.

Năm Mậu Dần vua Tự Đức cũng tổ chức lễ cầu siêu cho chư anh linh chiến sĩ nhân lễ Vu Lan. Mậu Dần, năm Tự Đức thứ 31 (1878) vào rằm tháng 7, vua thiết lễ Vu Lan Bồn rất lớn ở chùa Thiên Mụ. Bộ Lễ tâu vua: “Theo lệ đã đến kỳ mở đại trai đàn để chúc thọ nhà vua”. Vua Tự Đức bảo: “Chúc một người sống lâu không bằng cứu vớt một người chết oan”. Sau đó vua ra lệnh triệu tập chư Tăng từ trong Nam ra tới Quảng Bình về kinh đô, lên chùa Thiên Mụ mở hội Vu Lan bạt độ và vua ra lệnh cho các quan ở Thừa Thiên lấy ngày Trung nguyên tức ngày rằm tháng 7 năm đó, khai kinh phổ tế các tướng sĩ trận vong khắp cả Trung Nam Bắc kể từ năm Tự Đức nguyên niên đến lúc đó (1848 –1878)”.

Thế thì khoa nghi chẩn tế là một trong những phương cách cầu siêu bạt độ, báo ân tiền hiền liệt vị khởi phát từ ý nghĩa nghi lễ Vu Lan Bồn. Qua một số triều đại, và gần nhất là triều Nguyễn cũng đã chú trọng đến việc lập đàn chẩn tế hướng vọng trong nghi lễ Vu Lan Bồn. Tùy tập quán của mỗi vùng mà mùa Vu Lan thể hiện một cách khác nhau theo đặc thù vùng miền.

Truyện tích Vu Lan và chẩn tế khởi xuất từ kinh Tiểu Bộ nói về Quỷ sự Uttaramaatu Petavatthuva.N.Nanaa. Thời bấy giờ chỉ nói đến việc làm phước hồi hướng cho quỷ Uất Đa La, chưa có khoa nghi chẩn tế. Về sau, kết hợp văn hóa Trung Quốc mới trở thành đàn chẩn, nhiều màu sắc nghệ thuật, nhưng chú trọng nặng phần nghi tế quá dễ rời xa tinh thần nguyên thủy tu tập của Phật giáo để rồi phát sinh lắm hình thức rườm rà mê tín như đốt vàng mã.

Nét đặc thù nghi lễ Vu Lan Bồn Phật giáo ở Huế là ở tính tương đối thống nhất về nghi thức, thời gian, do ở đây có sự nổi trội của các ngôi chùa theo dòng Lâm tế – Liễu quán và tập trung thực hành trong hai ngày 14 – 15 tháng Bảy Âm lịch. Mâm cúng trong nghi lễ Vu Lan Bồn sẽ là đồ chay ở ban thờ Phật tại gia và các chùa. Sẽ là đồ mặn ở trong cúng gia tiên, ngoài ra ở Huế các gia đình thường có mâm cúng cô hồn ở ngoài trời trước nhà dành cho các vong hồn thọ hưởng. Do điều kiện lịch sử, tự nhiên ở Huế còn có đặc thù thực hành nghi thức phóng sinh – hoa đăng trên sông Hương là nét đẹp của Phật giáo Huế.

Tuy nhiên nghi lễ Vu Lan Bồn Phật giáo Huế hiện nay cũng đang đặt ra nhiều vấn đề mới. Nổi bật là vấn đề hiện nay, nghi thức Vu Lan Bồn còn phát sinh nhiều hình thái rườm rà, tốn kém, có sự rời xa tinh thần Phật giáo nguyên thủy, mang nhiều yếu tố bất cập.

Ví dụ: vấn đề đốt vàng mã, vấn đề môi trường khi thả hoa đăng, phóng sinh, vấn đề an ninh sức khỏe, an ninh trật tự xã hội, vấn đề quản lý môi trường….

Tóm lại nghi Lễ Vu Lan Bồn khởi nguyên từ hạnh hiếu của Mục Kiền Liên Tôn giả, ngày nay đã trở thành nét văn hóa đạo đức hiếu hạnh của Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Huế nói riêng.

Một trong những giá trị “Tứ trọng ân” (4), đã là người phật tử ai cũng phải biết nhớ ân đền đáp, vì vậy mọi người muốn báo ân cha mẹ nên cúng dường Vu Lan, để hồi hướng cho cha mẹ siêu thoát. Đất nước nhớ ơn những người vì Tổ quốc đã hy sinh nên tham dự nghi lễ Vu Lan Phật giáo để cầu nguyện chư anh linh được về cảnh Phật. v.v… Nghi lễ Vu Lan Bồn còn là một pháp hội thù thắng và có tính phổ cập nhất trong Phật Giáo Việt Nam và có sự ảnh hưởng rất lớn về văn hóa sống, đạo đức làm người trong xã hội Việt Nam nói chung và Huế nói riêng.

Nghi lễ Vu Lan Bồn với những tính chất đặc thù vùng miền góp vào cho văn hóa dân tộc thêm phong phú, sâu sắc. Chính vì vậy, hết đời này đến thời đại khác, không phân thời kỳ không kể chế độ, nghi lễ Vu Lan Bồn Phật giáo vẫn được cử hành, vì dù thế nào đi nữa thì tâm hiếu của con người chỉ là một và lòng biết ơn và báo ơn của con người thì không hai. Mặc dù còn có những biểu hiện bất cập so với thời đại, nhưng Ban nghi lễ Phật giáo cùng với toàn Giáo hội và hệ thống Chính trị cùng suy tư để thanh lọc nhằm kế thừa và phát huy các nét đẹp và vai trò của nó.

Tỳ kheo: Thích Quảng Định (Đoàn Văn Được)

Link bài viết gốc: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/khao-cuu-nghi-le-vu-lan-trong-khong-gian-van-hoa-phat-giao-thua-thien-hue.html#ngun-gc-nghi-l-vu-lan-bn


Các chú thích:

(1).Đông độ: Ám chỉ cho Trung Quốc thời xưa, gọi là Đông độ để phân biệt với Tây Trúc tức Ấn Độ.
(2) Lục thần thông: Theo từ điển Phật Học Đạo Uyển là sáu năng lực siêu nhiên của một vị Phật đó gồm: 1 – Thiên Nhãn Thông: tăng khả năng nhìn của mắt, không bị trở ngại bởi khoảng cách, chướng ngại vật, thậm chí còn nhìn xuyên thời gian, nhìn thấy những sinh vật ở thế giới khác. 2 – Thiên Nhĩ Thông: tăng khả năng nghe của tai, không bị trở ngại của ngôn ngữ, giống loài, có thể nghe được mọi âm thanh trên thế gian, hiểu được tiếng muôn loài. 3 – Tha Tâm Thông: khả năng biết được suy nghĩ của kẻ khác. 4 – Thần Túc Thông: khả năng nhìn thấy được trăm ngàn kiếp quá khứ của mình và người khác. 5 – Thần Cảnh Thông: khả năng di chuyển không hạn chế: phi thân, di chuyển tức thời. Thậm chí còn có thể tàng hình, hiện thân to, nhỏ tùy ý. 6 – Lậu Tận Thông: khả năng làm chủ bản thân tuyệt đối, ý nghĩ được kiểm soát, không còn vọng tưởng (suy nghĩ vẫn vơ), không còn nghi ngờ, không bị nhiễm ô dù trong hoàn cảnh nào, tâm thức tỉnh lặng, xóa bỏ mọi nghiệp chướng (tốt hoặc xấu). Người đạt Lậu Tận Thông sau khi chết sẽ không còn luân hồi sinh tử, sẽ ở trong một trạng thái vô cùng trong sáng, thoải mái, mà Phật giáo gọi là Niết bàn.
(3) Thân tứ đại: Phật giáo quan niệm thân thể của con người chúng ta là sự hợp thành từ bốn yếu tố đó là đất, nước, gió, lửa được gọi là thân tứ đại. Trong đó đất (dưới cách nhìn là chất rắn) gồm: xương, thịt, da, lông, tóc,…; nước (dưới cách nhìn là chất lỏng) gồm: máu, mủ, dịch,…; gió (dưới cách nhìn à chất khí) chính là hơi thở lưu thông trong con người; lửa (dưới cách nhìn là hơi ấm) thì nó chính là thân nhiện của con người.
(4) Tứ trọng ân: Ngày nay có rất nhiều quan niệm và cách giải thích về tứ trọng ân của Phật giáo, nhưng theo người viết tứ trọng ân mà đầy đủ nhất có thể diễn tả được một cách tổ quát nhất đó là: ơn Tam bảo, ơn sanh thành dưỡng dục, ơn tổ quốc, ơn chúng sanh vạn loài.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Duy Anh (2003), Từ Điển Hán – Việt, nhà xuất bản Văn hóa thông tin, Hà Nội.
2. Đoàn Trung Còn, Từ Điển Phật Học, nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Thích Huệ Đăng (2008), Kinh Vu Lan Và Báo Hiếu (dịch nghĩa, tái bản lần 7), nhà xuất bản Tôn giáo.
4. Nguyễn Đăng Duy (1999), Phật Giáo Với Văn Hóa Việt Nam, nhà xuất bản Hà Nội, Hà Nội.
5. Thích Hoàng Quang, Nghi Lễ Và Bách Sự Nhật Dụng, nhà xuất bản Đồng Nai.
6. Thích Mật Thể (1984), Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, Phật học viện quốc tế, California.
7. Thích Nguyên Tạng (1996),  Phật GiáoViệt Nam tại Chùa Pháp Vân thành phố Hồ Chí Minh năm.
8. Trần Quang Thuận, Phật Giáo Việt Nam Đi Vào Thời Đại Mới Trước Những Thử Thách Văn Hóa Thời Đại, nhà xuất bản Hồng Đức, thành phố Hồ Chí Minh.
9. Thích Phước Đạt, Lễ Vu Lan Và Đạo Lý Sống Của Dân Tộc Việt Nam, nhà xuất bản Văn hóa giáo dục, Hà Nội.
10. Giáo hội Phật giáo việt Nam (2012), Kinh Vu Lan Báo Hiếu, nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội.
11. Tâm Chơn (2016), Nghi Thức Khai Thị Vong Linh Và Sám Hối Ba Nghiệp, nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội. 
12. Thích Nhất Hạnh (1960), Bông Hồng Cài Áo, nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội.
13. Nguyễn Thị Phương Hà, Đạo Hiếu Trong Lễ Vu Lan Của Phật Giáo, Luận văn thạc sĩ Tôn giáo học, Đại Học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn, Đại Học Quốc Gia Hà Nội, Hà Nội.
14. Kỷ yếu tọa đàm khoa học của trung tâm bảo tồn di sản Phật giáo (2015), Vu Lan Báo Hiếu Của Đạo Phật Với Xã Hội Việt Nam Hiện Nay, Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội.
15. Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội.
16. Đỗ Thị Thanh Thảo (2016), khóa luận tốt nghiệp, khoa Triết học Đai Học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn, Đại Học Quốc Gia, Hà Nội, Hà Nội.
17. Thích Bích Liên (2016), Mông Sơn Thí Thực Khoa Nghi, nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội.
18. Thích Quảng Minh (2013), Thủy Lục Chư Khoa, Nhà xuất bản Hồng Đức, Hà Nội.
19. Thích Hải Ấn – Hà Xuân Liêm (2001), Lịch Sử Phật Giáo Xứ Huế, nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, Thành Phố Hồ Chí Minh.
20. Thích Phước Trí (2016), Giáo Khoa Về Nghi Lễ Phật Giáo, Chùa Pháp Vân Thành Phố Hồ Chí Minh ấn tông, Thành Phố Hồ Chí Minh.
21. Thích Nguyên Hòa, Ý Nghĩa Trai Đàn Chẩn Tế, Vườn hoa Phật giáo, Thành Phố Hồ Chí Minh.
22. Đỗ Công Định (số 4 – 2002), Ý Nghĩa Nhân Bản Của Vu Lan, Tạp chí nghiên cứu Phật học.
23. Ngô Sĩ Liên (1993), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
24. Thích Phước Đạt (2012), Lễ Vu Lan Và Đạo Lý Sống của Dân Tộc Việt Nam, Báo Văn hóa giáo dục.
25. Thích Diệu Tánh (biên soạn), Nghi lễ Phật giáo. Tủ sách Hoa Vô Ưu. Tu viện ấn tống.
26. https://thuvienhoasen.org/
27. http://www.daophatngaynay.com/vn/
28. http://www.vuonghoaphatgiao.com/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Vai trò của vua Trần Thái Tông trong việc thiết lập nền tảng cho sự hình thành Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Bên cạnh vai trò là một vị vua hiền về mặt trị quốc, Trần Thái Tông còn được biết đến với tư cách là người đã có vai trò quan trọng trong việc tiếp nối, duy trì và phát triển Thiền tông Việt Nam trong giai đoạn chuyển giao quyền lực Lý –...

Sự thành lập Giáo đoàn Ni Phật giáo
Lịch sử, Nghiên cứu

Hơn hai nghìn năm Giáo đoàn Ni có mặt trên thế gian này, dù trải qua bao biến cố trong những giai đoạn thăng trầm của lịch sử, nhưng những nữ tu sĩ Phật giáo vẫn luôn thể hiện khả năng xuất sắc của giới nữ trong tu tập, hộ quốc an dân và phát...

Đóng góp và giá trị của Tạp chí Viên Âm
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Hoạt động hoằng pháp của tạp chí Viên Âm ở miền trung đã trở thành cơ quan ngôn luận góp phần trong công cuộc chấn hưng Phật giáo… Hoạt động hoằng pháp của Tạp chí Viên Âm ở miền trung đã trở thành cơ quan ngôn luận góp phần trong công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt...

Vài nét về âm nhạc Phật giáo
Nghiên cứu, Văn hóa

Âm nhạc là lĩnh vực không được nói đến nhiều trong Phật giáo, càng không phải lĩnh vực được đề cao và khuyến khích, ít nhất là trong Phật giáo thời kỳ đầu. Điều này không có gì lạ, vì theo truyền thống Phật giáo, âm nhạc là thứ đức Phật khuyên dạy những đệ...

Về tên gọi Thượng Tọa và Thượng Tọa Bộ trong các nguồn tư liệu Phật giáo Trung Hoa
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

VỀ TÊN GỌI THƯỢNG TOẠ (STHĀVIRA, THERA) VÀ THƯỢNG TOẠ BỘ (STHĀVIRAVĀDA) TRONG CÁC NGUỒN TƯ LIỆU PHẬT GIÁO TRUNG HOA (Sthavira, Thera and ‘*Sthaviravāda’ in Chinese Buddhist Sources)  của Max Deeg THÍCH NHUẬN CHÂU dịch Lời người dịch Bhikkhu Sujato, vị tỉ-khưu uyên bác người Úc châu, đã dịch bốn bộ Nikāya từ tiếng Pāli sang tiếng Anh. Bhikkhu...

Văn bản Giải Địa Tạng Kinh của Hương Hải Thiền sư
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt Địa Tạng kinh giải thích Hoa ngôn đây là một trong 20 tác phẩm dịch Nôm lớn của Hương Hải thiền sư, được nhắc tới trong Hương Hải Ngữ Lục và trong Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn với tên gọi là Giải Địa Tạng kinh. Đây là tác phẩm dịch...

Khảo sát “Pháp Bảo Đàn Kinh giải” ở chùa Linh Quang Điều Hạ, Hải Phòng
Nghiên cứu

Pháp bảo đàn kinh giải của Hương Hải Thiền sư, là một tác phẩm diễn Nôm có giá trị về nhiều mặt. Qua khảo sát sơ bộ văn bản tại Linh Quang tự có thể thấy đây là một bản dịch từ Hán sang chữ Nôm theo thể văn xuôi. Tóm tắt: Trong quá trình...

Nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng và ý nghĩa biểu tượng cổ – Bát bảo (P.1)
Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu

Phật giáo tại Tây Tạng có sức chú trọng vào các nghi lễ, thực hành thần bí cùng các biểu tượng cát tường có sức mạnh siêu linh. Đối riêng với nghệ thuật biểu tượng học Phật giáo, nổi bật hơn cả với đại chúng là tại Tây Tạng. Phần I. Bát bảo nói chung...

Hệ Phái Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam
Lịch sử, Nghiên cứu

Bài viết ngắn nầy chỉ nhằm phác họa lại sơ lược về sự thành hình và phát triển của Hệ Phái Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam hồi giữa thế kỷ thứ mười chín. Giáo hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam được Đức Tôn Sư Minh Đăng Quang sáng lập năm 1944. Giáo Hội được sáng lập trong giai đoạn suy đồi của Phật giáo Việt Nam. Đức Tôn Sư đã khéo léo phối hợp giữa hai truyền thống giáo lý Nam...

Các thiền sư thời Lê sơ và sự nỗ lực chấn hưng truyền thống văn hóa dân tộc Đại Việt
Lịch sử, Nghiên cứu

Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước, đánh bạt âm mưu xâm lược, nô dịch văn hóa của thế lực phương bắc ngay từ những thế kỷ đầu. Tóm tắt Phật giáo thời Lê sơ (1428 – 1527) tuy ít được triều đình...

Sự hình thành Đại thừa
Lịch sử, Nghiên cứu

Phong trào phát triển một đường lối Phật Giáo mới, về sau nầy được gọi là Mahayana (Đại thừa), bắt đầu thành hình trong thời gian 250 năm, từ năm 150 TCN đến 100 CN, là kết quả tích tụ của nhiều phát triển vốn có từ trước. Nguồn gốc của nó không liên hệ...

Chúa Nguyễn Hoàng (1525 – 1613) với đạo Phật
Lịch sử, Nghiên cứu

Việc Nguyễn Hoàng cho xây dựng và tu sửa những ngôi chùa trên đất Thuận Quảng đã làm cho Phật giáo ngày càng lan rộng ảnh hưởng trong đời sống xã hội, từ chốn cung nội ra khắp dân gian. Chúa Nguyễn Hoàng sinh ngày 28/8/1525, còn gọi là Chúa Tiên, vị chúa Nguyễn đầu...

Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Phật giáo thời Lý
Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu

Tóm tắt: Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, tư tưởng từ bi, vị tha của Phật giáo nhanh chóng được cư dân bản địa tiếp thu và trở thành tâm thức của người Việt, đa phần người dân Việt Nam điều tôn sùng Phật giáo. Thời Lý là một trong những thời...

Chúa Nguyễn Phúc Chu và hai bảo vật quốc gia chùa Thiên Mụ
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Bia “Ngự kiến Thiên Mụ tự” của chúa Nguyễn Phúc Chu là hiện vật gốc độc bản – một trong số những di vật hiếm hoi thời chúa Nguyễn còn giữ được gần như nguyên vẹn, có nhiều giá trị về mặt mỹ thuật. Chúa Nguyễn Phúc Chu (Quốc Chúa) (1691-1725) là vị chúa thứ...

Biểu tượng hoa sen trong trang trí chùa ở Huế
Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu, Văn hóa

PHẦN MỞ ĐẦU Đã là công dân nước Việt thì dù có ở đâu đi chăng nữa mà khi nghe ai đó nhắc nhắc đến sông Hương, núi Ngự thì mỗi người con đất Việt đều nghĩ ngay đến một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, thơ mộng và hoài cổ. Nơi mảnh đất thần...

“Bản Sắc Hóa” Pháp Phục Phật Giáo Việt Nam
Nghiên cứu, Văn hóa

I. Y PHỤC LÀ BẢN SẮC VĂN HÓA CỦA DÂN TỘC Nếu trang phục truyền thống của một dân tộc hay quốc gia biểu đạt bản sắc văn hóa về y phục của dân tộc hay quốc gia đó, thì pháp phục Phật giáo thể hiện bản sắc đặc thù, khác hẳn với và vượt lên trên các quốc phục và thường phục của người đời, dù ở phạm vi dân tộc hay quốc gia. Lễ phục tôn...