Sự khởi nguyên của Phật giáo Đại Thừa (Mahāyāna Buddhism) bị bao phủ trong bức màng quá khứ xa xôi, mãi ẩn khuất trong những tài liệu khảo cổ và những áng văn chương đã bị thất lạc. Nhiều nhà nghiên cứu Phật giáo vẫn duy trì quan điểm rằng Phật giáo Đại Thừa bắt nguồn từ Đại Chúng Bộ (Mahāsāṁghika School). Quan điểm nầy chính xác về phương diện giáo lý, có nhiều điểm tương đồng mạnh mẽ tồn tại giữa Phật giáo Đại Thừa và Đại Chúng Bộtuy nhiên về phương diện khác, nhiều tư tưởng quan yếu của Phật giáo Đại Thừa được căn cứ trên giáo lý của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvāstivādin School). Điều này quá hiển nhiên từ sự khảo xác những giáo lý cốt lõi được trình bày trong Đại Trí Độ Luận (Mahāprajñāpāramitā-śāstra) của ngài Long Thọ (Nāgārjuna), phần lớn những tư tưởng cương yếu bắt nguồn từ Thuyết Nhứt Thiết Hữu BộNgoài ra, một sự kiện nổi bật khác nữa là, Duy Thức Tông (Yogācāra School) đã vay mượn nhiều khái niệm của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ. Như vậy, rõ ràng Phật giáo Đại Thừa và Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ có mối quan hệ lịch sử mật thiết về phương diện giáo lý.

Mối quan hệ giữa Phật giáo Đại Thừa với Bộ Phái Phật giáo (Nikāya Buddhism) nầy rất phức tạp và nó còn sớm để kết luận rằng Phật giáo Đại Thừa là sự phát triển từ Đại Chúng Bộ, lý do đơn giản là Đại Chúng Bộ chủ trương một số tư tưởng cấp tiến. Trong khảo luận này, tôi có ý định phân tích mối quan hệ giáo lý giữa Phật giáo Đại Thừa và Bộ Phái Phật giáo (Nikāya Buddhism) và khảo sát về khía cạnh cấu trúc của Tăng già Đại Thừa buổi ban đầu như là đầu mối hợp lý cho sự khởi nguyên của Phật giáo Đại Thừa. Qua khảo sát sơ bộ, tôi hy vọng vạch ra một số tư tưởng quan yếu chung cho cả Phật giáo Đại Thừa và Đại Chúng Bộ.

Luận Dị Bộ Tông Luân (Samayabhedoparacanacakra-śāstra) đưa ra một số tư tưởng Đại Chúng Bộ. Những tư tưởng nầy cho thấy sự tương đồng rõ ràng đến giáo lý Đại Thừa.

Thứ nhất, Đại Chúng Bộ có những tư tưởng tiến bộ về khái niệm Phật Quả. Họ chủ trưởng rằng Đức Phật giải thoát khỏi pháp hữu lậu (sāsravadharma) và thọ mạng vô lượng. Khái niệm nầy gần gũi với khái niệm Báo Thân Phật (Sambhoga-kāya) trong Đại Thừa.

Thứ hai, họ tin rằng Đức Phật thuyết giảng giáo pháp với một nhất âm (一音), một khái niệm được các bộ kinh Đại Thừa thừa kế như Kinh Duy Ma Cật (Vimalakīrtinirdeśa), bộ kinh có tầm ảnh hưởng lớn vào tư tưởng Phật giáo Trung Hoa sau nầy.

Thứ ba, họ phát triển lý tưởng Bồ Tát, những vị thệ nguyện cứu độ chúng sanh, tự nguyện dấn thân vào các cõi ác thú thấp kém. Trong văn học Phật giáo thuở ban sơ và Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, Bồ Tát chỉ cho tiền thân của đức Phật và trong phạm vi hạn hẹp hơn, Bồ Tát chỉ cho đời sống của đức Phật Thích Ca trước khi ngài giác ngộ. Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ cũng dạy rằng Bồ Tát vẫn còn lệ thuộc vào dòng nghiệp lực. Nếu ai đạt được quả vị A La Hán thì sẽ tự tại giải thoát khỏi dòng nghiệp lực. Một khi vị A La Hán xả bỏ báo thân, nhập Niết bàn (nirvāṇa) không còn trở lại thế giới luân hồi sanh tử (saṁsāra) nữa. Nhưng ở trong thế giới sanh tử luân hồi, các vị Bồ Tát còn bị dòng nghiệp lực chi phối. Ngược lại với bộ phái này, Đại Chúng Bộ chủ trương rằng Bồ Tát hoàn toàn giải thoát khỏi sự trói buộc của nghiệp lực, do vậy, các ngài dấn thân vào các cõi ác thú vì tự nguyện và thệ nguyện cứu độ rộng lớn. Bồ Tát đã hoàn toàn đầy đủ phước đức và trí huệ chứng đạt Phật Quả, nhưng để cứu độ chúng sanh, Bồ Tát dứt khoát khước từ quả vị viên mãn và vẫn ở trong quả vị Phật Sẽ Thành. Quan điểm nầy gần gũi với lý tưởng Bồ Tát Đạo của Đại Thừa. Thuật ngữ Bồ Tát không còn giới hạn cho tiền thân của đức Phật; đối với người nguyện cầu Phật Đạo và tu hành khổ hạnh đều gọi là Bồ Tát. Lý tưởng nầy đạt đến đỉnh cao trong những vị Bồ Tát có năng lực vĩ đại như ngài Văn Thù (Mañjuśri), Phổ Hiền (Samantabhadra), Di Lặc (Maitreya), năng lực cứu độ của các ngài hoàn toàn đồng với đức Phật.

Thứ tư, khái niệm Thập Địa (Daśabhūmi) trong bộ Đại Sự (Mahāvastu) của Thuyết Xuất Thế Bộ (Lokottaravādin), một chi nhánh của Đại Chúng Bộ, báo trước khái niệm tương đương trong kinh Thập Địa (Daśabhūmika-sūtra), mặc dù danh xưng về Thập Địa khác nhau. Điểm đáng lưu ý là bộ Đại Sự đã kết hợp chặc chẽ những tư tưởng từ nhiều truyền thống khác nhau và kinh Thập Địa cũng có thể là một sự vay mượn[1]. Hiện chưa có chứng cớ bằng văn bản để chứng minh rằng những khái niệm bắt nguồn từ Thuyết Xuất Thế Bộ, nếu có, thì tầm ảnh hưởng của Thuyết Xuất Thế Bộ vào kinh Thập Địa rất lớn, bởi vì, bộ Đại Sự là văn bản cổ xưa nhất hiện còn, chỉ dẫn những giai đoạn tu tập trong phương pháp Thập Địa này.

Tôi đã thảo luận vắn tắt những điểm tương đồng giữa Đại Chúng Bộ và Đại Thừa, nhưng chỉ có điều nầy thôi vẫn chưa đủ để kết luận rằng Đại Thừa phát triển từ Đại Chúng Bộ. Cần phải viện dẫn tài liệu chứng minh sự thay đổi dần dần ở cả phương diện tư tưởng lẫn cấu trúc từ Đại Chúng Bộ đến Đại Thừa. Nhưng điều nầy hầu như bất khả thi với những nguồn tài liệu hiện còn. Nếu chỉ nói về mối tương đồng về mặt giáo lý, chúng ta chưa thật sự nhấn mạnh mối tương đồng tồn tại giữa hai tông phái như là bằng chứng lịch sử cho sự khởi nguyên của Phật giáo Đại Thừa, bởi vì sự ảnh hưởng của những tông phái như Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ trong vài trường hợp rất lớn không thể nào phủ nhận được.

Giáo lý Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ và Phật Giáo Đại Thừa

Mục đích của tôi không phải so sánh giáo lý của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ với Đại Thừa, nhưng chúng ta phải hiểu rõ một vài mối quan hệ cương yếu giữa hai tông phái này.

a) Tam tạng (Tripiṭaka)

Ngài Long Thọ đã sử dụng một số giáo lý của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ; một trong những giáo lý này, khái niệm Tam Tạng (Tripiṭaka), là một sự truyền thừa của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ. Ngài liệt kê trong Kinh Tạng (Sūtra-piṭaka) những bộ kinh như: Ekottara (kinh Tăng Nhất A Hàm), Madhyama (kinh Trung A Hàm), Dīrgha (kinh Trường A Hàm) và Saṁyukta-āgama (kinh Tạp A Hàm). Còn bộ Tạp Tạng (Kṣudrakapiṭaka), bộ kinh tiêu biểu của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ và Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ1 (Mūlavarvāstivādin), thì không được liệt kê vào. Ngược lại, đại hội kiết tập Ma Ha Tăng Kì Luật (Mahāsāṁghika-vinaya) của Đại Chúng Bộ liệt kê kinh Trường A Hàm (Dīrgha), Trung A Hàm (Madhyama) Tạp A Hàm (Saṁyukta), Tăng Nhất A Hàm (Ekottara) và Tạp Tạng (Kṣudrakapiṭaka). Như vậy, Tam Tạng kinh điển mà ngài Long Thọ nghiên cứu là Tam Tạng kinh điển của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, chứ không phải Tam Tạng của Đại Chúng Bộ.

Hệ thống Luật Tạng trong Đại Trí Độ Luận cũng trùng khớp với Thập Tụng Luật (Daśabhāṇavāra-vinaya) của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, nhưng nó khác hoàn toàn với Ma Ha Tăng Kì Luật (Mahāsāṁghika-vinaya). Ngài Long Thọ phải khảo cứu bộ Luật Tạng của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ chứ không phải Luật Tạng của Đại Chúng Bộ.

Về phần Luận Tạng (adhidharma-piṭaka), Đại Trí Độ Luận chỉ liệt kê những bộ luận như: Aṣṭagranthābhidharma (Bát Kiền Độ A Tỳ Đàm), Ṣaṭpādābhidharma (Lục Phần A Tỳ Đàm), Śāriputrābhidharma (Xá Lợi Phất A Tỳ Đàm), và Peṭaka (pheḷa) (Tỳ Lặc hoặc Khiếp Tạng). Hai bộ luận đầu là sự truyền thừa của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, còn bộ luận thứ ba, theo ngài Long Thọ, là sự truyền thừa của Độc Tử Bộ (Vātsīputrīya) nhưng không có dấu hiệu nào của giáo lý Độc Tử Bộ được tìm thấy trong bộ Xá Lợi Phất A Tỳ Đàm này. Một số học giả Nhật Bản cho bộ luận này thuộc về Luận tạng Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, vì tính tương đồng về phương diện giáo lý; trong khi đó, những nhà nghiên cứu khác lại chỉ ra điểm giống nhau của bộ luận này với tư tưởng Đại Chúng Bộ. Tuy nhiên, quan điểm thống nhất là mối quan hệ của nó chưa thể xác định được. Duy có một điều rõ ràng là bộ luận này có hệ thống chung với sự truyền thừa của văn hệ Pali, Vibhaṅga (kinh Phân Biệt) và Puggalapaññatti, và là một trong những bộ luận A Tỳ Đạt Ma cổ xưa hơn. Bộ Peṭaka (Tỳ-lặc) được mọi người cho là có vài điểm liên hệ đến bộ Peṭakopadesa của Thượng Tọa Bộ (Theravāda) nhưng về phương diện nội dung, điều này không chắc chắn lắm. Như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng, mặc dù ngài Long Thọ rất uyên áo nhiều bộ luận A Tỳ Đạt Ma, nhưng những giáo lý sử dụng trong Đại Trí Độ Luận phần lớn lấy từ Luận Tạng của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ.

Giáo lý chính yếu trong Đại Trí Độ Luận gồm có Ba mươi bảy trợ đạo phẩm (37 bodhipākṣikadharma) được tìm thấy trong bộ A Hàm, nhưng cũng có nhiều tư tưởng có nguồn gốc Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ như là Tứ đế thập lục quán (4 āryasatya 16 anupaśyanā); những giai đoạn tu tập là Noãn (uṣmagata), Đảnh (mūrdhan), Nhẫn (kṣānti), Thế Đệ Nhất Pháp (laukikāgradharma); những giai đoạn loại trừ phiền não như Bát Nhẫn (8 kṣānti), Bát Trí (8 jñāna), Cửu Vô NgạiĐạo (9 ānantaryamārga), Cửu Giải Thoát Đạo (9 vimuktimārga); sự phân loại phiền não thành 88 kiết (88 bandhana) và 98 sử (98 anuśaya); liệt kê LụcNhân (6 hetu) ngoài Tứ Duyên (4 pratyaya); ghi rõ Thập Trí (10 jñāna); và cộng thêm Vô Biểu Sắc (avijñaptirūpa) vào Ngũ Căn (5 indriya) và Ngũ Cảnh (5viṣaya) gồm thành Mười một sắc pháp (11 rūpa). Không còn nghi ngờ gì nữa, điều nầy chứng minh rằng tác giả của Đại Trí Độ Luận rất uyên bác về giáo lý của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ.

b) Thập Nhị Bộ Kinh (Dvādaśāṅga-dharmapravacana)

Thập Nhị Bộ Kinh trong Đại Trí Độ Luận y theo Thập Nhị Bộ Kinh của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ. Giáo pháp đức Phật (Buddha-vacana) nên sắp xếp theo Cửu Phần Giáo (Navāṅga-buddhavacana) hay Thập Nhị Bộ Kinh (Dvādaśāṅga-Buddhaśāsana) có bất đồng với Bộ Phái (Nikāya schools) hay không. Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ (ở trong Ma Ha Tăng Kì Luật) sử dụng Cửu Phần Giáo với chút ít khác nhau về mặt thứ tự. Ngược lại, Thập Nhị Bộ Kinh được Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, Hóa Địa Bộ (Mahīśāsaka) (ở trong Ngũ Phần Luật), Pháp Tạng Bộ (Dharmaguptaka) (ở trong Tứ Phần Luật) và Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Mūlasarvāstivādin) sử dụng. Thứ tự ở trong Thập Nhị Bộ Kinh không giống với những bộ phái. Vì vậy, dòng dõi của một văn bản có thể được suy luận ra nhờ nghiên cứu vào loại Cửu Bộ (navāṅga) hay Thập Nhị Bộ (dvādaśāṅga) đã được sử dụng trong văn bản đó.

Phần lớn các văn bản Đại Thừa sử dụng Thập Nhị Bộ, chỉ một vài văn bản sử dụng Cửu Bộ. Nhiều văn bản theo thứ tự của Thập Nhị Bộ của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ. Trong Đại Tỳ Bà Sa Luận (Mahāvibhāṣā-sāstra), một tác phẩm tiêu biểu của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, Thập Nhị Bộ Kinh được liệt kê như dưới đây:

1. Khế Kinh (Sūtra)

2. Kỳ Dạ (Geya)

3. Thọ Ký (Vyākaraṇa)

4. Phúng Tụng (Cô Khởi) (Gāthā)

5. Tự Thuyết (Udāna)

6. Nhơn Duyên (Nidāna)

7. Thí Dụ (Avadāna)

8. Bổn Sanh (Itivṛttaka)

9. Bổn Sự (Jātaka)

10. Phương Quảng (Vaipulya)

11. Vị Tằng Hữu (Adbhūtadharma)

12. Luận Nghị (Upadeśa)

Nét đặc trưng của thứ tự nầy là Thí Dụ ở vị trí thứ bảy. Bản dịch Trung Hoa về Tạp A Hàm (Saṁyuktāgama) có cùng thứ tự nầy và được cho là cùng một hệ thống truyền thừa. Những bộ kinh Đại Thừa sau đây có cùng thứ tự trên: Bản dịch Trung Hoa về Đại Phẩm Bát Nhã (Pañcaviṁśati-sāhasrikā-prajñā-pāramitā-sūtra), Giải  Thâm Mật Kinh (Saṁdhinirmocana-sūtra), Đại Thừa Niết Bàn Kinh[2](Mahāyāna-mahāparinirvāṇa-sūtra), Đại Tập Kinh[3] (Mahāsaṁnipāta-sūtra), Đại Bi Kinh (Mahākaruṇa-sūtra), Hoa Thủ Kinh (Kuśalamūlasaṁgraha), Đại Trí Độ Luận, Du Già Luận (Yogācārabhūmi-śāstra), Hiển Dương Thánh Giáo Luận (Prakaraṇāryavācā-śāstra), Đại Thừa A Tỳ Đạt Ma Tập Luận (Mahāyānābhidharma-samuccayavyākhyā) và Mahāvyutpatti.

Mặc dù không phải văn bản của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, Thành Thật Luận (Satyasiddhi-śāstra) cũng chịu ảnh hưởng Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ và có cùng trật tự của Thập Nhị Bộ Kinh. Trong Ngũ Phần Luật[4] (Pañcavargika-vinaya) của Hóa Địa Bộ (Mahīśāsaka), Thập Nhị Bộ Kinh được trình bày như dưới đây:

1. Khế Kinh (Sūtra)

2. Kỳ Dạ (Geya)

3. Thọ Ký (Vyākaraṇa)

4. Phúng Tụng (Cô Khởi) (Gāthā)

5. Tự Thuyết (Udāna)

6. Nhơn Duyên (Nidāna)

7. Bổn Sanh (Itivṛttaka)

8. Bổn Sự (Jātaka)

9. Phương Quảng (Vaipulya)

10. Vị Tằng Hữu (Adbhūtadharma)

11. Thí Dụ (Avadāna)

12. Luận Nghị (Upadeśa)

Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da Tạp Sự (Mūlasarvāstivāda-kṣudrakavastu) duy trì cùng trật tự này, chứng tỏ rằng Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Mūlasarvāstivādin) và Hóa Địa Bộ (Mahīśāsaka) thuộc cùng một truyền thống. Bộ luận này mang nhiều tư tưởng thuộc về Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ nhưng trật tự về Thập Nhị Bộ Kinh thì khác. Trong số những bản kinh Đại Thừa, Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh (Mahā-prajñāpāramitā-sūtra) có cùng Thập Nhị Bộ Kinh như vậy ở trong phẩm thứ nhất, quyển 3 và 127; phẩm thứ hai, quyển 402; và phẩm thứ ba, quyển 479. Thực ra, bộ Đại Phẩm Bát Nhã của Trung Hoa thuộc về truyền thống Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, nhưng ngược lại, bộ Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh thuộc truyền thống Hóa Địa Bộ (Mahīśāsaka) và Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Mūlasarvāstivādin) đáng nên chú ý. Kinh Hoa Nghiêm (Buddhāvataṁsaka) cũng trình bày cùng Thập Nhị Bộ Kinh như vậy; chỉ khác nhau là Nidāna (Nhơn Duyên) ở vị trí thứ năm và Udāna (Tự Thuyết) ở vị trí thứ sáu. Bởi vì tất cả nguồn tài liệu về Thập Nhị Bộ Kinh đều ghi Udāna (Tự Thuyết) ở vị trí thứ năm, vài sự lẫn lộn cần phải đảo ngược lại trật tự Udāna (Tự Thuyết) và Nidāna (Nhơn Duyên).

Trong Tứ Phần Luật của Pháp Tạng Bộ (Dharmaguptaka Caturvargika-vinaya) và Trường A Hàm của Trung Hoa, thứ tự của Thập Nhị Bộ Kinh như sau:

1. Khế Kinh (Sūtra)

2. Kỳ Dạ (Geya)

3. Thọ Ký (Vyākaraṇa)

4. Phúng Tụng (Cô Khởi) (Gāthā)

5. Tự Thuyết (Udāna)

6. Nhơn Duyên (Nidāna)

7. Bổn Sự (Jātaka)

8. Bổn Sanh (Itivṛttaka)

9. Phương Quảng (Vaipulya)

10. Vị Tằng Hữu (Adbhūtadharma)

11. Thí Dụ (Avadāna)

12. Luận Nghị (Upadeśa)

Thứ tự này giống với thứ tự trong Hóa Địa Bộ, ngoại trừ vị trí thứ bảy, Bổn Sự (Jātaka) và vị trí thứ tám, Bổn Sanh (Itivṛttaka). Thứ tự bị đảo lộn này là đặc điểm của Thập Nhị Bộ Kinh trong Pháp Tạng Bộ. Một bộ kinh Đại Thừa khác có cùng truyền thống là Quang Tán Bát Nhã của Trung Hoa. Kinh nầy có nội dung tương tự với kinh Đại Phẩm Bát Nhã của Trung Hoa và kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa ở phẩm thứ nhất và thứ hai, nhưng thứ tự về Thập Nhị Bộ Kinh lại khác nhau. Điều này phản ánh những nền tảng đa dạng về kiến thức Phật học đã được duy trì bởi những vị có trách nhiệm truyền thừa văn học Bát Nhã. Thập Nhị Bộ Kinh trong Đại Phẩm Bát Nhã của Phạn bản (Sanskrit Pañcaviṁśatisāhasrikā-prajñā-pāramitā-sūtra) do N. Dutt biên tập hoàn toàn giống với kinh Đại Phẩm Bát Nhã của Trung Hoa và thuộc về truyền thống Hóa Địa Bộ.

Từ sự khảo sát ở trên, chúng ta đi đến kết luận rằng có vài hình thức khác nhau về thứ tự của Thập Nhị Bộ Kinh, nhưng chỉ có hình thức trong Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ là nổi bật nhất trong kinh và luận Đại Thừa. Điều nầy chứng minh rằng các tác giả của những văn bản Đại Thừa rất uyên thâm giáo nghĩa của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ.

c) Cửu Phần Giáo (navāgṅa-buddhavacana)

Ma Ha Tăng Kì Luật liệt kê ra Cửu Phần Giáo với thứ tự như sau:

1. Khế Kinh (Sūtra)

2. Kỳ Dạ (Geya)

3. Thọ Ký (Vyākaraṇa)

4. Phúng Tụng (Cô Khởi) (Gāthā)

5. Tự Thuyết (Udāna)

6. Bổn Sanh (Ityuktaka hay Itivṛttaka)

7.  Bổn Sự (Jātaka)

8. Phương Quảng (Vaipulya)

9. Vị Tằng Hữu (Adbhūtadharma)

Ai cũng biết rằng Thượng Tọa Bộ[5] (Theravādin) phân loại giáo pháp của Phật dạy (Buddha-vacana) thành Cửu Bộ nhưng thứ tự khác nhau chút ít với số tám là Adbhūtadhamma (Vị Tằng Hữu) và số chín, Vedalla (Tỳ Phật Lược). Tương phản với Đại Chúng Bộ sử dụng Cửu Bộ, Đại Thừa hầu hết sử dụng Thập Nhị Bộ. Từ quan điểm nầy, Đại Chúng Bộ quan hệ rất ít với Đại Thừa. Vài nhà nghiên cứu cho rằng kinh Tăng Nhất A Hàm (Ekottara-āgama) của Trung Hoa thuộc hệ truyền thừa của Đại Chúng Bộ, nhưng điều nầy còn nghi ngờ, bởi vì bộ kinh nầy có trình bày về Thập Nhị Bộ[6] chứ không phải Cửu Bộ; thật ra, Thập Nhị Bộ xuất hiện trong năm vị trí ở trong kinh Tăng Nhất A Hàm và thứ tự của nó khác nhau và không có thứ tự nào tương đồng với thứ tự của Thập Nhị Bộ ở trong các bản kinh Đại Thừa.

Trong số những bản kinh Đại Thừa có đề cập đến Cửu Bộ Kinh gồm có: Pháp Hoa kinh (Saddharmapuṇḍarīka-sūtra), Đại Thừa Niết Bàn kinh (Mahāyāna-mahāparivirvāṇa-sūtra) và Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận (Daśabhūmika-vibhāṣa). Cửu Bộ trong kinh Đại Bát Niết Bàn (Mahāparinirvāṇa-sūtra) giống với Cửu Bộ trong Ma Ha Tăng Kì Luật (Mahāsāṁghika-vinaya), nhưng nó được viện dẫn cho mục đích phê bình. Cửu Bộ thuyết giảng về Phật giáo Tiểu Thừa (Hīnayāna Buddhism) và bị xem nhẹ như là những giáo pháp chưa viên mãn (ardha-vacana半字); mặc khác, Thập Nhị Bộ trình bày trọn vẹn về giáo nghĩa viên mãn của đức Phật. Tác giả đã biết rõ Cửu Bộ thuộc vào một truyền thống khác với truyền thống Đại Thừa của mình, và điều thú vị là Cửu Bộ nầy chính là Cửu Bộ được phát hiện trong Ma Ha Tăng Kì Luật.

Cửu Bộ Pháp (navāṅga-śāsana) trong kinh Pháp Hoa rất nổi tiếng nhưng nó khác cả mặt nội dung lẫn thứ tự với Cửu Bộ Pháp trong bản Pāli, Ma Ha Tăng Kì Luật (Mahāsāṁghika-vinaya). Được thành lập bằng cách loại Vyākaraṇa (Thọ Ký), Udāna (Tự Thuyết), Vaipulya (Phương Quảng) ra khỏi Thập Nhị Bộ Kinh và thay thế Avadāna (Thí Dụ) bằng Aupamya. Cửu Bộ Pháp nầy cũng được xem là diễn giảng giáo lý Tiểu Thừa. Cửu Bộ Pháp trong Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận (Daśabhūmika-vibhāṣa) lại khác với bản Pāli; nó loại bỏ Jātaka (Bổn Sự) và thêm vào Nidāna (Nhơn Duyên). Có lẽ tác giả giải thích về Cửu Bộ Pháp, mặc dù đã rất thông thạo Thập Nhị Bộ Kinh. Thứ tự nầy không được tìm thấy ở những nơi khác và rất khó xác định dòng truyền thừa của nó. Tuy nhiên, tác phẩm nầy đề cập về giáo lý Ngũ Pháp Tạng[7] (pañcadharmakoṣa) của Độc Tử Bộ (Vātsīputrīya) trong năm vị trí khác nhau; vì vậy nó phải có ít nhiều quan hệ với Độc Tử Bộ. Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa[8] (Mahā-prajñāpāramitā-sūtra) cũng giảng nói đến Ngũ Pháp Tạng (pañcadharma-koṣa). Điểm thú vị cần lưu ý ở đây là, trong khi Đại Trí Độ Luận, Abhidharmakoṣa-bhāṣya Satyasiddhi, v.v… xem nhẹ giáo lý Độc Tử Bộ thì Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận và Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa lại đề cao giáo lý nầy. Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận phân chia phiền não thành 10, và dạy thêm về 98 sử. Điểm nầy giống với giáo lý Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, nhưng những điểm khác không tương đồng nhau, như 14 loại triền (paryavasthāna), phân chia thành tam giới (tri-dhātu), Kiến đạo (darśanamārga), Tu đạo (bhāvanāmārga) và liệt kê 198 triền cấu (paryavasthāna). Một điểm khác nữa là 298 phiền não (kleśa), kết hợp 98 sử và 198 triền cấu, điều nầy giống như 294 hoặc (kleśa) đã thảo luận trong tác phẩm Luật Nhị Thập Nhị Minh Liễu Luận của Chánh Lượng Bộ (Sāmmitīya). Chánh Lượng Bộ và Độc Tử Bộ là những bộ phái có quan hệ gần gũi với nhau. Vẫn một điểm khác nữa là 700 bất tương ưng pháp (asamprayutadharma) và 65 loại thiền (dhyāna). Điểm quan trọng cần lưu ý ở đây là, mặc dù ngài Long Thọ, tác giả của Đại Trí Độ Luận, chỉ sử dụng những giáo lý của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ nhưng ngài vẫn tham khảo những giáo lý của các bộ phái khác ở trong tác phẩm Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận của mình.

d) Thập  Địa  (Daśabhūmi)

Học thuyết Thập Địa đầu tiên xuất hiện trong bộ Đại Sự (Mahāvastu). Sự kiện nầy làm cho chúng ta tin rằng nó có mối quan hệ chặc chẽ với Đại Chúng Bộ. Điều nầy không có nghĩa rằng học thuyết Thập Địa không được giảng thuyết trong những bộ phái khác, bởi vì nó được phát hiện trong những bộ kinh như: Tu Hành Bổn Khởi Kinh, Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả Kinh, Thái Tử Đoan Ứng Bổn Khởi Kinh và Đại Phương Quảng Trang Nghiêm Kinh. Những bộ kinh nầy có đề cập đến tiểu sử của đức Phật, và mặc dù những danh xưng về Thập Địa không được nói đến nhưng tầm quan trọng về quá trình tiến triển tất yếu qua Thập Địa để đạt được quả vị Nhất Sinh Bổ Xứ (eka-jātipratibaddha) được nhấn mạnh. Bộ Đại Sự trình bày giai đoạn tiến triển trong học thuyết Thập Địa, bởi vì học thuyết Thập Địa được thảo luận không những chỉ liên quan đến Bồ Tát Thích Ca (Śakya-bodhisattva) mà còn liên quan đến tất cả Bồ Tát nói chung. Vì vậy, chúng ta có thể hiểu học thuyết Thập Địa trong bộ Đại Sự như là một sự kế thừa nền học thuyết đã được phát triển trong các bộ kinh nói về tiểu sử. Có sự khác biệt đáng kể về danh xưng của Thập Địa giữa kinh Daśabhūmika-sūtra (Thập Địa kinh) và Mahāmstu, và ở trong kinh Buddhāvataṁsaka (Hoa nghiêm kinh), daśa-vyavasthāna (Thập Trụ) chứ không phải daśabhūmi (Thập Địa), tương ứng gần gũi với daśabhūmi (Thập Địa)  trong Mahāvastu (Đại Sự). Dưới đây là bảng so sánh về Thập Địa được tìm thấy trong ba bản kinh:

 

Daśabhūmi        Daśa-vyavasthāna         Mahāvastu

 

1. Pramuditā          1. Prathamacittotpādika     1. Durāroha

2. Vimalā               2. Ādikarmika                    2. baddhamānā

3. Pravākari            3. Yogācāra                       3. Puṣpamaṇḍitā

4. Arciṣmatī           4. Janmaja                          4. Rucirā

5. Sudurjayā           5. Pūrvayogasampanna      5. Cittavistarā

6. Abhimukhī         6. Śuddhādhyāśaya            6. Rūpavatī

7. Dūraṅgamā        7. Avivarta                         7. Durjayā

8. Acalā                  8. Kumārabhūta                 8. Janmanideśa

9. Sādhumatī          9. Yauvarājya                     9. Yauvarājyatā

10. Dharmameghā 10. Abhiṣikta                     10. Abhiṣekatā

 

Trong số các loại Thập Địa đã liệt kê ở trên, có vài địa được tìm thấy trong những bộ kinh khác. Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa thiết lập bốn giai đoạn lũy tiến (tứ địa) trong Bồ Tát Đạo, đó là: Sơ Phát Ý Bồ Tát (prathamacittopadika-bodhisattva), Hành Lục Độ Ba La Mật Bồ Tát, Bất Thối Chuyển Bồ Tát (avinivartanīya-bodhisattva) và Nhất Sanh Bổ Xứ Bồ Tát (ekajātipratibaddha-bodhisattva hoặc abhiṣikta). Vài danh xưng nầy tương tự với những danh xưng trong kinh Daśa-vyavasthāna (Thập Trụ). Cũng vậy, có thể nói vài địa được phát hiện trong Tự Thệ Tam Muội kinh, đó là: Đồng Chơn (kumārabhūta), Liễu Sanh (yauvarājya?), và A Duy Nhan (abhiṣika). Những nhà nghiên cứu cho rằng bản kinh Thập Trụ (Daśa-vyāvasthāna) xuất hiện sớm hơn bản kinh Thập Địa (Daśabhūmi). Dù cho bản Thập Địa trong bộ Đại Sự (Mahāvastu) có mặt sớm nhất đi nữa thì bản Thập Trụ trong kinh Hoa Nghiêm (Buddhāvataṁka), dù bị bộ Đại Sự ảnh hưởng, vẫn được phát triển nhờ sự hợp nhất tư tưởng của bốn hạng loại Bồ Tát trong kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa (Mahājñāpāramitā-sūtra) và những giáo lý khác. Bản Thập Trụ không đơn giản là bản sao chép lại từ bộ Đại Sự, và bản Thập Địa trong kinh Thập Địa (Daśabhūmika-sūtra) phải phát triển từ bản Thập Trụ nầy vào một niên đại chậm hơn. Bản Thập Trụ mô tả những giai đoạn tu Bồ Tát Hạnh bắt đầu từ địa thứ nhất prathamacittotpāda (Sơ Phát Ý Bồ Tát) và kết thúc bằng địa thứ mười Abhiṣikta (Nhất Sanh Bổ Xứ); nhưng bản Thập Địa bắt đầu từ sự đạt được tín tâm ở địa thứ nhất Hoan Hỷ Địa (pramuditā), tiến triển đến chỗ tinh thông các giới thể ở Ly Cấu Địa (vimalā), tương tự như vậy trải qua Thập Địa. Kết cấu của Thập Địa hoàn toàn khác nhau. Do vậy, mặc dù ba văn bản trên có điểm đặc trưng chung về Thập Địa, nhưng chỉ có điểm nầy thôi sẽ không bảo đảm cho sự biến đổi máy móc từ bộ Đại Sự (Mahāvastu) đi đến bản kinh Thập Địa (Daśabhūmika-sūtra).

e) Cộng Thập Địa

Thập Địa và Thập Trụ đã trình bày ở trên chỉ áp dụng cho hàng Bồ Tát, không liên quan gì đến hàng Thanh Văn (Śrāvaka), nhưng có một thuyết Thập Địa khác bao gồm cả những địa vị tu tập của hàng Thanh Văn. Thuyết nầy xuất hiện trong kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa.

Có hai loại Thập Địa được bàn luận trong bộ Đại Phẩm Bát Nhã của Trung Hoa, phẩm Phát Thú.

– Loại Thập Địa thứ nhất1 được trình bày dưới dạng thức địa thứ nhất, địa thứ hai v.v… mà không có danh xưng mô tả cho mỗi địa. Đại Trí Độ Luận giải thích loại Thập Địa nầy tương tự với Thập Địa ở trong kinh Thập Địa, nhưng thực tế nó gần gũi với thuyết Thập Trụ hơn. Có thể rằng kinh Thập Địa được giảng dạy cùng với kinh Thập Trụ để ghi nhớ, nhưng khi thuyết Thập Địa đạt được trạng thái cao hơn thì thuyết nầy được giải thích bằng chính Thập Địa, chứ không phải Thập Trụ. Kinh Đại Bát Nhã[9] (Mahā-prajñāpāramitā-sūtra), bản biên soạn có niên đại chậm hơn, cũng có đề cập đến thuyết Thập Địa tương tự với thuyết Thập Địa trong bản kinh Thập Địa.

– Tương phản với loại Thập Địa thứ nhất được truyền thống mô tả như là Bất Cộng Thật Địa, loại Thập Địa thứ  hai được biết như là Cộng Thập Địa. Loại Thập Địa nầy gồm có:

1. Càn Huệ Địa (śuklavidarśana-bhūmi)

2. Tánh Địa (gotra-bhūmi)

3. Bát Nhân Địa (aṣṭamaka-bhūmi)

4. Kiến Địa (darśana-bhūmi)

5. Bạc Địa (tanū-bhūmi)

6. Ly Dục Địa (vītarāga-bhūmi)

7. Dĩ Tác Địa (kṛtāvī-bhūmi)

8. Bích Chi Phật Địa (pratyekabuddha- bhūmi)

9. Bồ Tát Địa (bodhisattva-bhūmi

10. Phật Địa (Buddha-bhūmi)

Loại Thập Địa nầy chắc chắn do Phật tử Đại Thừa thành lập, nhưng tài liệu làm nền tảng chính cho hình thức nầy lại được tìm thấy trong những bản luận của Phật tử Bộ Phái (Nikāya Buddhists), bởi vì họ quyết theo những phẩm vị tu tập trong một phương pháp tương tự như vậy. Ví dụ, trong Đại Tỳ Bà Sa Luận (Mahāvibhāṣa-śāstra) 1, chúng ta thấy ngài Diệu Âm (Ghoṣaka) giảng dạy bốn địa, gồm có:

– Bạc Địa (tanū-bhūmi),

– Ly Dục Địa (vītarāga-bhūmi),

– Vô Học Địa (aśaikṣa-bhūmi) và 

– Địa Quả (bhūmi-phala).

Ba địa đầu tiên tương tự với địa thứ 5, 6 và 7 của Thập Địa ở trên, và Quả Địa chỉ cho Niết Bàn (nirvāṇa). Đại Tỳ Bà Sa Luận cũng nói rằng ngài Ca Đa Diễn Ni Tử (Kātyāyanīputra) giảng dạy sáu địa, như:

– Tu Hành Địa (bhāvanā-bhūmi?),

– Kiến Địa (darśana-bhūmi),

– Bạc Địa (tanū-bhūmi),

– Ly Dục Địa (vītarāga-bhūmi),

– Vô Học Địa (aśaikṣa-bhūmi) và

– Địa Quả (bhūmi-phala).

Tu Hành Địa dường như là giai đoạn trước khi phân chia thành những địa 1, 2, và 3 của mười địa ở trên; từ Kiến Địa đến Vô Học Địa tương đương với địa thứ 4, 5, 6 và 7. Bảy địa nầy (từ địa thứ nhất đến địa thứ bảy của Cộng Thập Địa ở trên) bao gồm hết những phương pháp tu tập trong Thanh Văn Thừa (Śrāvaka-yāna); thêm vào Bích Chi Phật Địa, Bồ Tát Địa và Phật Địa dẫn đến sự hình thành Thập Địa.

Những địa dưới đây được tìm thấy trong Tỳ Ni Mẫu Kinh (Vinayamātṛkā-śāstra) như:

– Chủng Tánh Địa (gotra-bhūmi),

– Tứ Hướng Tứ Quả Đệ Bát Địa (aṣtamaka-bhūmi),

– Đế Địa (darśana-bhūmi),

– Bạc Địa (Tanū bhūmi)

– Ly Dục Địa (Vīṭarāga-bhūmi),

– Dĩ Tác Địa (kṛṭavī-bhūmi).

Ngoài những địa nầy ra, Bích Chi Phật Địa cũng được đề cập. Tác phẩm nầy liệt kê những địa dưới đây như là một thuyết riêng biệt của mình:

– Bạch Cốt Quán Địa (aśubhasaṁjñā-bhūmi)

– Bát Nhân Địa (aṣṭamaka-bhūmi)

– Bạc Địa (Tanū-bhūmi)

– Ly Dục Địa (vītarāga-bhūmi)

– Dĩ Tác Địa (kṛtāvī-bhūmi)

Một số nhà nghiên cứu cho bộ luận nầy thuộc hệ truyền thừa của Haimavata, nhưng nhận xét nầy không có căn cứ, bởi vì nội dung của bộ luận Tỳ Ni Mẫu Kinh có nhiều điểm phù hợp với nội dung của bộ Tứ Phần Luật (Caturvargika-vinaya). Nhiều nhà nghiên cứu Nhật Bản xem bộ luận này thuộc hệ truyền thừa của Pháp Tạng Bộ (Dharmaguptaka).

Bộ Thập Tụng Luật (Daśabhāṇavāra-vinaya) của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ có nói đến các loại giác ngộ, trong đó vài loại giác ngộ tương tự với những danh xưng của Thập Địa như:

– Noãn Pháp Giả (uṣmagata)

– Đảnh Pháp Giả (mūrdhan)

– Thuận Đạo Nhẫn Pháp Giả (kṣānti)

– Tam Độc Bạc Giả (tanū)

– Ly Dục Giả (vītarāga)

– Thế Gian Đệ Nhất Pháp Giả (laukikā-gradharma)

– Tu Đà Hoàn Quả (srotāpanna)

– Tư Đà Hàm Quả (sakridāgāmin)

– A Na Hàm Quả (anāgāmin)

– Thanh Văn Thừa (śrāvakayāna)

– Bích Chi Phật Thừa (pratyekabuddha-yāna)

– Phật Thừa (Buddha-yāna)

Không thể nói dứt khoát rằng tất cả nguồn tài liệu của Phật giáo Bộ Phái (Nikāya Buddhism) đã bàn luận ở trên là cổ xưa hơn kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa (Mahā-prajñāpāramitā-sūtra), nhưng chúng có lẽ được nhìn nhận như vậy, bởi vì, nếu người Phật tử Bộ Phái đã nhận biết được thuyết Thập Địa của nền văn học Bát Nhã hoàn hảo thì họ chắc chắn hình thành một thuyết Thập Địa có kết cấu chặt chẽ hơn của riêng họ. Các tác giả của những văn bản Bát Nhã rất có thể thiết lập thuyết Thập Địa Chung (Cộng Thập Địa), chỉ cho những khái niệm địa vị (bhūmi) chưa hoàn chỉnh nầy. Trong trường hợp nầy, cả Đại Tỳ Bà Sa Luận và Thập Tụng Luật cũng thuộc nền văn học Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, và nếu bộ luận Tỳ Ni Mẫu thuộc hệ truyền thừa của Pháp Tạng Bộ thì chúng ta không thể tưởng tượng nổi tầm ảnh hưởng của Đại Chúng Bộ vào sự thiết lập thuyết Thập Địa Chung của Đại Thừa.

f) Lục Ba La Mật (Six Pāramitā)

Kế tiếp, chúng ta sẽ khảo sát thuyết Lục Ba La Mật. Lục Ba La Mật nầy cũng xuất hiện trong bộ Đại Tỳ Bà Sa Luận. Tương phản với phái Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ chính thống1 tại Kaśmīr (Kế Tân Quốc) giảng dạy chỉ có Tứ Ba La Mật, gồm có: Bố Thí (dāna), Trì Giới (śīla), Tinh Tấn (vīrya) và Bát Nhã (prajñā), ngài Ngoại Quốc Sư2 (Bahirdeṣika) thêm vào Nhẫn Nhục (kṣānti) và Thiền Định (dhyāna) để đề xướng thuyết Lục Ba La Mật. Ngài Ngoại Quốc Sư chỉ cho những vị thuộc phái Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ cấp tiến tại Gandhāra (Kiền Đà La Quốc) đã tuyên giảng pháp Lục Ba La Mật cùng với những phương pháp tu tập dẫn đến sự giác ngộ của chính đức Bồ Tát Thích Ca (Śākya-bodhisattva). Trong nền văn học Bát Nhã, Lục Ba La Mật đã được nâng cao thành phương pháp tu tập phổ quát của tất cả Bồ tát. Điều nầy rõ ràng là một bước thăng tiến trong sự phát triển về phương diện tư tưởng. Bởi vì Lục Ba La Mật cũng được tìm thấy trong bộ Đại Sự (Mahāvastu)[10] nên rất khó xác định mối liên hệ về niên đại giữa bộ Đại Sự và bộ Tỳ Bà Sa Luận.

Khi so sánh bộ luận Duy Thức Tam Thập Tụng (Vijñaptimātratā-sisdhi) với bộ A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận (Abhidharmakoṣa-bhāṣya), chúng ta nhận thấy được điểm tương đồng gần gũi giữa cách phân loại về các yếu tố thành Tâm (citta), Tâm Sở (caitasika), Tâm Bất Tương Ưng Hành (cittaviprayakta), Sắc (rūpa) và Vô Vi (asṁskrta) trong Duy Thức Tam Thập Tụng và cách phân loại về Sắc, Tâm, Tâm sở, Tâm Bất Tương Ưng Hành  và Vô Vi trong A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận. Điều đáng nên chú ý ở đây là những điểm đại cương tổng quát của bộ A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận đã được trình bày hoàn toàn trong bộ Đại Tỳ Bà Sa Luận.

Trong thảo luận ở trên, tôi đã trình bày để thấy rằng mặc dù Đại Chúng Bộ (Mahāsāṁghika) có chia sẻ một số tư tưởng với Đại Thừa nhưng giáo lý Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ cũng ảnh hưởng tương tự như vậy. Bởi vì những bộ phái khác cũng có mối quan hệ với Đại Thừa, chỉ căn cứ vào những điểm tương đồng về phương diện giáo lý, do đó còn rất sớm để đưa ra kết luận rằng Đại Thừa có nguồn gốc trong một bộ phái cá biệt. Nếu giải quyết vấn đề như vậy có thể là không thỏa đáng, tôi xin đề nghị tìm hiểu phương diện cấu trúc Tăng già Đại Thừa ở buổi ban đầu và kết hợp với sự phân tích lịch sử giáo lý, như vậy mới làm sáng tỏ nguồn khởi nguyên của Phật giáo Đại Thừa.

 

Kulapuatra và Kuladuhitṛ là những vị hộ trì Phật giáo Đại Thừa

 

Bây giờ chúng ta chú ý đến một loại tín đồ Đại Thừa khác ngoài hàng Bồ Tát được biết là Thiện Nam Tử (kulaputra) và Thiện Nữ Nhân (kuladuhit). Khi tác giả của các văn bản Đại Thừa đề cập đến thính chúng, họ thường sử dụng những thuật ngữ này. Ví dụ, kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa trong phần giảng thuyết về bốn hàng Bồ tát có dạy rằng:

“Bạch đức Thế Tôn, nếu có Thiện Nam Tử hoặc Thiện Nữ Nhân nào hoan hỷ tán thán công đức của hàng Sơ Phát Ý Bồ Tát (prathamacittotpada-bodhisattva) thì sẽ đạt được phước đức vô lượng.”

Trong vài trường hợp, những ai thọ trì, đọc tụng kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa[11] được xem là Thiện Nam Tử và Thiện Nữ Nhân:

“Nếu có Thiện Nam Tử hoặc Thiện Nữ Nhân nào lễ bái, đọc tụng kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa (prajñā-pāramitā) và tu tập theo những lời dạy thì sẽ được che chở bảo hộ khỏi bị quân ma (māra), ma thiên (māradeva), phi nhân (amanuṣya), v.v… và sẽ không thọ cái chết bi thương.”

Trong kinh A Di Đà[12] (Sukhāvatī-vyūha-sūtra), đối tượng của bài thuyết pháp lại là Thiện Nam Tử và Thiện Nữ Nhân:

“Nầy Xá Lợi Phất, nếu có Thiện Nam Tử hay Thiện Nữ Nhân nào nghe được danh hiệu của đức Phật A Di Đà, nhất tâm bất loạn trì niệm danh hiệu trong một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày hoặc bảy ngày. Khi Thiện Nam Tử hoặc Thiện Nữ Nhân đó sắp lâm chung thì đức Phật A Di Đà cùng chư Thánh chúng (śrāvakasaṁgha) quây quanh và vô số Bồ Tát theo sau sẽ đến trước họ ngay giờ phút hấp hối.”

Lại trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa[13] (Saddharma-puṇḍarīka), người tôn kính kinh nầy được biết là Thiện Nam Tử và Thiện Nữ Nhân:

“Nầy Dược Vương (Bhaiṣajyarāja), nếu có Thiện Nam Tử hay Thiện Nữ Nhân nào cung kính lễ bái kinh nầy (Diệu Pháp Liên Hoa), cho đến một câu kệ, một niệm tùy hỷ, nầy Dược Vương, Ta đều thọ ký cho họ sẽ đặng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác (anuttarā saṁyaksambodhi).”

Từ khi tất cả những bộ kinh Đại Thừa được sưu tập lại như là những bài thuyết pháp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, dòng mở đầu của bộ kinh giới thiệu đến thính chúng như tứ chúng Tỳ Kheo (bhikṣu), Tỳ Kheo Ni (bhikṣunī), Ưu Bà Tắc (upāsaka), Ưu Bà Di (upāsikā), Thiên Long Bát Bộ và vô số Bồ Tát khác nhau. Như một sự kiện lịch sử, những bài thuyết pháp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni được các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di lắng nghe; vì vậy, tứ chúng không thể nào bị loại bỏ ra ngoài bản danh sách chúng hội của các bản kinh Đại Thừa. Điều sai lầm lớn cho những ai có suy nghĩ rằng tác giả của các bản kinh Đại Thừa chỉ viết cho hàng Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni, bởi vì thính chúng thực sự là hàng Bồ Tát, những người được mệnh danh là Thiện Nam Tử, Thiện Nữ Nhân. Điều nầy đã được minh họa bằng những đoạn đã được trích dẫn ở trên, chỉ khảo cứu vào nội dung kinh điển sẽ làm điều nầy càng sáng tỏ hơn.

Thiện Nam Tử và Thiện Nữ Nhân có những vai trò quan trọng trong các tác phẩm Đại Thừa như vậy lại không được đánh giá đúng mức trong bộ A Hàm và hoàn toàn bị lãng quên trong các bản luận A Tỳ Đạt Ma. Trong Tăng Già nguyên thủy, người Tại Gia được gọi là Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di và hàng Tăng Sĩ bao gồm Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni cũng như Sa Di (śrāmaṇera) Sa Di Ni (śrāmaṇerikā) và Thức Xoa Ma Na (śikṣamāṇā). Upāsaka có nghĩa là “Cận Sự” và Bhikṣu nghĩa là “Khất Sĩ”, nghĩa đặc biệt là “Khất Thực”. Như vậy, Upāsaka (Cận Sự Nam), Upāsikā (Cận Sự Nữ) là những vị thí chủ, là những người không chỉ thực hành theo lời dạy của đức Phật mà còn có bổn phận thân cận cúng dường cho hàng Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni. Cúng dường nghĩa là dâng cúng Tứ Sự Cúng Dường cần thiết cho đời sống như: y phục, tọa cụ, vật thực và y dược. Trong cấu trúc đôi Upāsaka và Upāsikā – những người Cận Sự – và Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni – những vị Khất Sĩ, Tăng già Phật giáo nguyên thủy được thiết lập. Cấu trúc nầy vẫn duy trì mà không có một sự thay đổi quan trọng nào trong hàng Phật tử Bộ Phái (Nikaya Buddhists), những người kế thừa truyền thống của Tăng già nguyên thủy. Điều hết sức tự nhiên ở đây là trong số những vị nầy (Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di), thuật ngữ Kulaputra (Thiện Nam Tử) và kuladuhitṛ (Thiện Nữ Nhân), một thuật ngữ không tạo sự phân biệt rõ trong hàng Tăng Sĩ và hàng Cư Sĩ, lại không được sử dụng đến.

Thiện Nam Tử và Thiện Nữ Nhân có ý nghĩa đơn giản là những người con của những gia đình tốt. Đầu tiên, thuật ngữ nầy không có ý nghĩa Phật giáo đặc biệt; ví dụ, nó được sử dụng trong bộ A Hàm[14]:

“Chàng thanh niên Bà-la-môn, Ambattha, là một gã Thiện Nam Tử (p: kulaputta). Chàng thanh niên Ambattha thuộc dòng dõi quý tộc.”

“Tại thành Ba-la-nại (bārānasī) có một Thiện Nam Tử, con của một vị trưởng giả, tên là Yasa. Anh có thân tướng nhu nhuyến đoan trang.”[15]

Trong đoạn trích dẫn đầu tiên, Thiện Nam Tử chỉ cho một chàng thanh niên không phải Phật tử, ở trong đoạn trích dẫn thứ hai, nó mô tả chàng trai trẻ Yasa trước khi được đức Phật chuyển hóa tại vườn Lộc Uyển (mṛgadava). Thuật từ “Thiện Nam Tử” trong hai đoạn trích dẫn trên đều không có ý nghĩa Phật giáo, nhưng có một sự biến đổi dần dần xuất hiện trong đoạn văn dưới đây[16]:

“Lý do mà Thiện Nam Tử cạo bỏ râu tóc, mặc y Cà Sa, từ bỏ đời sống thế tục, tài bồi chánh tín và tu hành khổ hạnh là để truy cầu đời sống phạm hạnh thanh tịnh (brahmacaryā) và mong đạt tuệ giác.”

Trong đoạn trích dẫn nầy không nói gì khác hơn là những chàng trai trẻ của những gia đình tốt xuất gia gia nhập Tăng Đoàn, nhưng khi mô hình nầy trở nên vững chắc nhờ sự lặp đi lặp lại nhiều lần trong bộ A Hàm, thuật từ “Thiện Nam Tử” bắt đầu được sử dụng như là từ đồng nghĩa với từ “Phật Tử”. Nhưng nó vẫn chưa rõ ràng lắm không biết nó chỉ cho một người Cư Sĩ Phật Tử hay là một vị Tu Sĩ. Chính vì lý do này mà bộ A Hàm không đề cập nhiều đến Thiện Nam Tử và Thiện Nữ Nhân. So sánh với bộ Pāli Nikaya, bộ A Hàm Trung Hoa có đề cập nhiều gương mẫu về Thiện Nam Tử và sự sử dụng thuật từ Thiện Nữ Nhân trong Pāli đặc biệt rất hiếm.

Như đã trình bày ở trên, những thuật từ Thiện Nam Tử và Thiện Nữ Nhân không khai triển trong bộ A Hàm để chỉ rõ một người tín đồ Phật giáo. Trong các bản luận A Tỳ Đạt Ma, thậm chí chúng không được quan tâm đến. Chính những thuật từ nầy được tác giả của các văn bản Đại Thừa sử dụng để diễn tả tín đồ của mình. Điều nầy có nghĩa rằng những người ủng hộ Đại Thừa bao gồm một hội chúng hoàn toàn khác với Phật tử Bộ Phái (Nikaya Buddhists). Nếu họ bị rút ra khỏi Tứ Chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di thì có lẽ Phật tử Đại Thừa đã sử dụng những thuật từ truyền thống, có phải là Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, v.v… hay không. Thực tế điều nầy sẽ nhiều thuận tiện hơn. Điểm đặc biệt ở đây là Đoàn Thể Tăng Già mới đã sử dụng những thuật từ Bồ Tát, Thiện Nam Tử mà chưa bao giờ được phát triển trọn vẹn trong bộ A Hàm, nói lên rằng ngoài Đoàn Thể Tăng Già chính thống ra, một lịch sử phát triển riêng biệt đã xảy ra. Đặc điểm của những thuật từ Bồ Tát, Thiện Nam Tử là chúng không tạo sự khác biệt giữa người Cư Sĩ và hàng Tu Sĩ. Đây cũng là một trong những điểm đặc trưng quan trọng của Phật giáo Đại Thừa.

(Còn tiếp)


[4] Ngũ Phần Luật 1, T. 22, no. 1421, p. 1c. Mặc dù hình thức chính của Thập Nhị Bộ Kinh có thể được thành lập bằng cách thêm ba bộ kinh Nhân Duyên (Nidāna), Thí Dụ (Avadāna), Luận Nghị (Upadeśa) vào Cửu Phần Giáo như đã thấy trong Ma Ha Tăng Kì Luật, chưa có văn bản nào biểu hiện trật tự nầy. Trong Ngũ Phần Luật, Nhơn Duyên (Nidāna) được đặt giữa Tự Thuyết (Udāna) và Bổn Sanh (Itivṛttaka). Lý do là trật tự Udāna-Nidāna (Tự Thuyết-Nhơn Duyên) có thể giúp chúng ta dễ nhớ về Thập Nhị Bộ Kinh hơn. Chúng ta xem trật tự nầy trong Ngũ Phần Luật như là hình thức cổ xưa nhất hiện còn. Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ đã thay đổi Avadāna (Thí Dụ) đến vị trí thứ bảy như: Udāna, Nidāna, Avadāna, Itivtṛtaka, v.v… Trật tự nầy cũng đựợc thực hiện có lẽ để dễ nhớ hơn. Như vậy trật tự về Thập Nhị Bộ Kinh của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ có thểđược xem là muộn hơn trật tự của Hóa Địa Bộ. Tuy nhiên, Maeda Egaku (前田惠學) quan sát trật tự về Thập Nhị Bộ Kinh trong kinh Trường A Hàm của Trung Hoa như sau: Udāna, Itivuttaka, Nidāna, Jātaka, v.v… và chođây là hình thức cổ xưa nhất. Cf. Maeda, 前田惠學 “九分教之 Itivuttaka 之原意” in 東方學論集 7, (1962), p. 321. Nhưng tôi không tán thành sự nhận xét của ông về trật tự Thập Nhị Bộ Kinh trong Trường A Hàm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Vai trò của vua Trần Thái Tông trong việc thiết lập nền tảng cho sự hình thành Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Bên cạnh vai trò là một vị vua hiền về mặt trị quốc, Trần Thái Tông còn được biết đến với tư cách là người đã có vai trò quan trọng trong việc tiếp nối, duy trì và phát triển Thiền tông Việt Nam trong giai đoạn chuyển giao quyền lực Lý –...

Sự thành lập Giáo đoàn Ni Phật giáo
Lịch sử, Nghiên cứu

Hơn hai nghìn năm Giáo đoàn Ni có mặt trên thế gian này, dù trải qua bao biến cố trong những giai đoạn thăng trầm của lịch sử, nhưng những nữ tu sĩ Phật giáo vẫn luôn thể hiện khả năng xuất sắc của giới nữ trong tu tập, hộ quốc an dân và phát...

Đóng góp và giá trị của Tạp chí Viên Âm
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Hoạt động hoằng pháp của tạp chí Viên Âm ở miền trung đã trở thành cơ quan ngôn luận góp phần trong công cuộc chấn hưng Phật giáo… Hoạt động hoằng pháp của Tạp chí Viên Âm ở miền trung đã trở thành cơ quan ngôn luận góp phần trong công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt...

Vài nét về âm nhạc Phật giáo
Nghiên cứu, Văn hóa

Âm nhạc là lĩnh vực không được nói đến nhiều trong Phật giáo, càng không phải lĩnh vực được đề cao và khuyến khích, ít nhất là trong Phật giáo thời kỳ đầu. Điều này không có gì lạ, vì theo truyền thống Phật giáo, âm nhạc là thứ đức Phật khuyên dạy những đệ...

Về tên gọi Thượng Tọa và Thượng Tọa Bộ trong các nguồn tư liệu Phật giáo Trung Hoa
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

VỀ TÊN GỌI THƯỢNG TOẠ (STHĀVIRA, THERA) VÀ THƯỢNG TOẠ BỘ (STHĀVIRAVĀDA) TRONG CÁC NGUỒN TƯ LIỆU PHẬT GIÁO TRUNG HOA (Sthavira, Thera and ‘*Sthaviravāda’ in Chinese Buddhist Sources)  của Max Deeg THÍCH NHUẬN CHÂU dịch Lời người dịch Bhikkhu Sujato, vị tỉ-khưu uyên bác người Úc châu, đã dịch bốn bộ Nikāya từ tiếng Pāli sang tiếng Anh. Bhikkhu...

Văn bản Giải Địa Tạng Kinh của Hương Hải Thiền sư
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt Địa Tạng kinh giải thích Hoa ngôn đây là một trong 20 tác phẩm dịch Nôm lớn của Hương Hải thiền sư, được nhắc tới trong Hương Hải Ngữ Lục và trong Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn với tên gọi là Giải Địa Tạng kinh. Đây là tác phẩm dịch...

Khảo sát “Pháp Bảo Đàn Kinh giải” ở chùa Linh Quang Điều Hạ, Hải Phòng
Nghiên cứu

Pháp bảo đàn kinh giải của Hương Hải Thiền sư, là một tác phẩm diễn Nôm có giá trị về nhiều mặt. Qua khảo sát sơ bộ văn bản tại Linh Quang tự có thể thấy đây là một bản dịch từ Hán sang chữ Nôm theo thể văn xuôi. Tóm tắt: Trong quá trình...

Nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng và ý nghĩa biểu tượng cổ – Bát bảo (P.1)
Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu

Phật giáo tại Tây Tạng có sức chú trọng vào các nghi lễ, thực hành thần bí cùng các biểu tượng cát tường có sức mạnh siêu linh. Đối riêng với nghệ thuật biểu tượng học Phật giáo, nổi bật hơn cả với đại chúng là tại Tây Tạng. Phần I. Bát bảo nói chung...

Hệ Phái Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam
Lịch sử, Nghiên cứu

Bài viết ngắn nầy chỉ nhằm phác họa lại sơ lược về sự thành hình và phát triển của Hệ Phái Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam hồi giữa thế kỷ thứ mười chín. Giáo hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam được Đức Tôn Sư Minh Đăng Quang sáng lập năm 1944. Giáo Hội được sáng lập trong giai đoạn suy đồi của Phật giáo Việt Nam. Đức Tôn Sư đã khéo léo phối hợp giữa hai truyền thống giáo lý Nam...

Các thiền sư thời Lê sơ và sự nỗ lực chấn hưng truyền thống văn hóa dân tộc Đại Việt
Lịch sử, Nghiên cứu

Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước, đánh bạt âm mưu xâm lược, nô dịch văn hóa của thế lực phương bắc ngay từ những thế kỷ đầu. Tóm tắt Phật giáo thời Lê sơ (1428 – 1527) tuy ít được triều đình...

Sự hình thành Đại thừa
Lịch sử, Nghiên cứu

Phong trào phát triển một đường lối Phật Giáo mới, về sau nầy được gọi là Mahayana (Đại thừa), bắt đầu thành hình trong thời gian 250 năm, từ năm 150 TCN đến 100 CN, là kết quả tích tụ của nhiều phát triển vốn có từ trước. Nguồn gốc của nó không liên hệ...

Chúa Nguyễn Hoàng (1525 – 1613) với đạo Phật
Lịch sử, Nghiên cứu

Việc Nguyễn Hoàng cho xây dựng và tu sửa những ngôi chùa trên đất Thuận Quảng đã làm cho Phật giáo ngày càng lan rộng ảnh hưởng trong đời sống xã hội, từ chốn cung nội ra khắp dân gian. Chúa Nguyễn Hoàng sinh ngày 28/8/1525, còn gọi là Chúa Tiên, vị chúa Nguyễn đầu...

Khảo cứu Nghi lễ Vu Lan trong không gian văn hóa Phật giáo Thừa Thiên Huế
Nghiên cứu, Văn hóa

Nghi lễ Vu Lan Bồn còn là một pháp hội thù thắng và có tính phổ cập nhất trong Phật Giáo Việt Nam và có sự ảnh hưởng rất lớn về văn hóa sống, đạo đức làm người trong xã hội Việt Nam nói chung và Huế nói riêng. Phật giáo du nhập và phát...

Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Phật giáo thời Lý
Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu

Tóm tắt: Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, tư tưởng từ bi, vị tha của Phật giáo nhanh chóng được cư dân bản địa tiếp thu và trở thành tâm thức của người Việt, đa phần người dân Việt Nam điều tôn sùng Phật giáo. Thời Lý là một trong những thời...

Chúa Nguyễn Phúc Chu và hai bảo vật quốc gia chùa Thiên Mụ
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Bia “Ngự kiến Thiên Mụ tự” của chúa Nguyễn Phúc Chu là hiện vật gốc độc bản – một trong số những di vật hiếm hoi thời chúa Nguyễn còn giữ được gần như nguyên vẹn, có nhiều giá trị về mặt mỹ thuật. Chúa Nguyễn Phúc Chu (Quốc Chúa) (1691-1725) là vị chúa thứ...

Biểu tượng hoa sen trong trang trí chùa ở Huế
Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu, Văn hóa

PHẦN MỞ ĐẦU Đã là công dân nước Việt thì dù có ở đâu đi chăng nữa mà khi nghe ai đó nhắc nhắc đến sông Hương, núi Ngự thì mỗi người con đất Việt đều nghĩ ngay đến một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, thơ mộng và hoài cổ. Nơi mảnh đất thần...