Vu-Lan (Hán ngữ: 盂蘭) được viết tắc từ ba từ Vu-Lan-Bồn (盂蘭盆), còn được gọi là Ô-lam-bà-noa được phiên từ âm Phạn ngữ là Ullambana có nghĩa là Đảo huyền, chỉ nỗi đau khổ tột tận. Theo Vu-Lan-Bồn kinh sớ của truyền phái Mật tông có nói rằng: “Vu-Lan là từ ngữ của Tây Vực, nghĩa là Đảo huyền, Bồn là âm của Đông Hạ vẫn là đồ dùng cứu chữa. Nếu theo cách nói của địa phương thì phải nói là Cứu đảo huyền bồn”. Qua đó, tiết Vu Lan là dịp chúng ta mở rộng từ tâm, trên đền bốn ơn lớn, dưới cứu khổ ba đường. Đó mới chính là ý nghĩa cao thượng của mùa Vu Lan thắng hội.

Thông qua tấm gương hiếu hạnh của Tôn giả Mục-Kiền-Liên, ngày lễ Vu Lan đã từ lâu in sâu vào tâm khảm của con người đất Việt nói riêng và cả nhân loại nói chung. Không chỉ theo tín ngưỡng dân gian Đông Á là xá tội vong nhân, khai môn địa ngục, mà nó còn bao hàm ý nghĩa lớn lao hơn. Đó là sự báo hiếu của phận làm con đối với hai đấng sanh thành, đối với cửu huyền thất tổ.

Vì vậy, ý nghĩa ba chữ “Vu Lan tự” đã ra đời cũng không ngoài nguyên nhân trên.

Thông qua các thư tịch cổ Hán Nôm còn sót lại ở chùa, chúng tôi kính xin trình bày về lịch sử Tổ đình Vu Lan, để làm sáng tỏ vai trò của chùa đối với Phật Giáo tại Quảng Nam-Đà Nẵng trong thời kỳ cuối triều Nguyễn và đầu phong trào chấn hưng Phật Giáo.

Tổ đình Sắc tứ Vu Lan được người Pháp chụp khoảng thập niên 30.

01.Duyên khởi hình thành:

Vào đầu thế kỷ XX, xứ Hòa Thuận là một nơi còn khá hoang sơ, ruộng đất bạt ngàn, nhân dân khổ cực dưới thời đô hộ của thực dân Pháp. Đâu đó còn oán lên nỗi lầm than, mong nhờ một chốn Phật Môn để gởi gắm niềm tin cho sự an lạc.

Theo một đoạn văn bia năm Khải Định nguyên niên (1916): “…成泰十五六等年合私財揀買土園充物單憑構造…” (Thành Thái thập ngũ, lục đẳng niên hợp tư tài giản, mãi thổ viên sung vậtđan bằng cấu tạo). Vào năm Thành Thái thứ 15 và 16 (1904, 1905), chư bô lão đã cùng nhau mua một mảnh vườn nhỏ để kiến thiết Già Lam, nương nhờ cửa Phật, với sự đồng ý và cúng dường của Tỉnh đường địa phương, nhất tâm cung thỉnh Hòa thượng Phạm Hưng Long (nguyên là Tăng mục chùa Tam Thai) làm vị khai sơn bổn tự. Đây chính là cột mốc quan trọng trong việc hình thành Tổ đình Sắc tứ Vu Lan.

02.Lược sử hình thành và phát triển:

Biết được danh thắng Ngũ Hành là nơi quy tụ biết bao bậc Tăng tài, các ngài đã nhất tâm cung thỉnh Tăng mục Phạm Hưng Long làm vị tổ sư khai sơn, dưới sự chứng tri của Đức Tăng cang Nguyễn Từ Trí. “…御製三台靈應二寺敕賜僧綱阮慈智本師敕準住持黎慈忍阮福智本師垂情擬量仝單禀敍候承商許併擧.三台寺僧目范興隆為住持…” (..Ngự chế Tam Thai – Linh Ứng nhị tự Sắc tứ Tăng Cang: Nguyễn Từ Trí Bổn sư, Sắc chuẩn trụ trì: Lê Từ Nhẫn, Nguyễn Phước Trí Bổn sư. Thùy tình nghĩ lượng, đồng đơn bẩm tự hậu thừa. Thương hứa tính cử. Tam Thai tự Tăng Mục Phạm Hưng Long vi trụ trì…)

Giữa năm Thành Thái thứ 18 (1907), Hòa Thượng Phạm Hưng Long cùng sự hộ trợ của ngài Tú Tài Hồ Tiên Phong chính thức xây chùa theo lối nhà 3 gian 2 chái. Năm Duy Tân thứ 3 (1910), ngài chú tạo quả hồng chung nặng 250 cân dưới sự chứng minh của Tổ sư Từ Trí và các bảo tượng, pháp khí tại chùa để phụng thờ dài lâu. “…秀才胡仙峰相擇至成泰十八年丙午中建維新三年鑄大銅鐘嗣此像影…” (tú tài Hồ Tiên Phong tương trạch chí Thành Thái thập bát niên, Bính Ngọ trung kiến, Duy Tân tam niên, chú đại hồng chung tự thử tượng ảnh). Được sự bảo hộ của quan Tổng Đốc Nam Ngãi kiêm Thái Tử thiếu bảo họ Hồ. Năm Khải Định nguyên niên (1916), Hòa Thượng đại trùng tu chùa.

Năm Giáp Tý (1924?), Tổ khai sơn viên tịch. Ngài Tăng Cang Tôn Bảo được sơn môn thỉnh cử làm Tự trưởng. Năm Bảo Đại thứ 3 ( 1928), Hòa Thượng Tôn Bảo cùng cư sỹ Phạm Vinh Lương, Ngô Văn Vân… trùng tu tiền đường, tăng xá, xây dựng nhà bia… với sự cúng dường của các Quan lại, các tỉnh phía Bắc, ngoại quốc,..Mãi đến thập niên 30, chùa mới dựng cổng tam quan. Năm Bảo Đại thứ 5 (1930), Hòa Thượng Tôn Bảo được chính quyền quan tòa công nhận lý bạ chùa Vu Lan, từ đây ngài chính thức đăng ngôi vị Trụ trì. Từ đó ngài thế độ đồ chúng, truyền bá giáo lý.

Mùa thu năm Bảo Đại thứ 9 (1934), chùa Vu Lan được triều đình khâm ban “Sắc Tứ”.

Năm Nhâm Thìn (1952), Hòa Thượng Thích Tôn Bảo đúc quả hồng chung nặng 210 cân và quả chuông gia trì, đặt dưới sự chứng minh của Hòa Thượng Tăng Cang Thiện Quả, hộ chú bởi cư sỹ Trần Ngọc Lan. Năm Đinh Mùi (1967), chùa Vu Lan được trùng tu theo lối kiến trúc chùa hội. Năm 1973, Hòa Thượng Thích Tôn Bảo chú tạo pho tượng Phật A Di Đà bằng đồng cao 1,2 m.

Năm Giáp Dần (1974), Hòa Thượng Thích Tôn Bảo viên tịch. Đệ tử ngài là Hòa Thượng Thích Như Nghĩa kế vị trụ trì. Năm 1995, HT Thích Như Nghĩa trùng tu lại tam quan, hậu tổ và xây dựng tượng Quan Âm lộ thiên.

Năm 2010, HT Thích Như Nghĩa vì tuổi cao, Hòa Thượng Thích Như Thọ cùng môn phái Chúc Thánh đứng ra trùng tu ngôi Già Lam Vu Lan huy hoàng như ngày hôm nay, xây cổng tam quan mới, chú tạo Hồng chung nặng 1 tấn, đúc tượng Phật Thích Ca và nhị vị Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền. Năm 2012, Đại Lão Hòa Thượng Thích Như Nghĩa viên tịch. Năm 2013, Hòa Thượng Thích Như Thọ được Giáo Hội chuẩn y vào ngôi trụ trì Tổ Đình Vu Lan.

Hiện nay, HT Thích Như Thọ vẫn luôn thao thức trùng tu thêm tiền đường, nhà giảng, và tu bổ lại vườn tháp Tổ. Tổ Đình Sắc Tứ Vu Lan là một trong những nơi quy tụ của chư tôn đức môn phái Lâm Tế Chúc Thánh trong các dịp lễ húy kỵ, hội họp, an cư tự tứ… Tuy được hình thành khá trễ và trong giai đoạn đất nước rơi vào tình trạng khủng hoảng, nhưng đây là một nơi lưu dấu biết bao tinh hoa về giá trị thẩm mỹ, tính độc đáo về nghệ thuật mang đậm sự kết hợp giữa phong kiến và đầu phong trào chấn hưng Phật Giáo.

03.Lịch đại trụ trì Tổ đình Vu Lan:

Theo mạng mạch truyền thừa của Tổ Đình Sắc Tứ Vu Lan, chùa đã trải qua hơn một thế kỷ cùng thăng trầm với biến thiên của xứ Đà Thành. Với 110 năm kiết tập an cư, giáo hóa phàm chúng. Chùa đã trải qua 4 đời trụ trì như sau:

STT Tôn hiệu Năm sinh – tịch Năm trụ trì Chức Vụ
01. Hòa Thượng Phạm Hưng Long 1874– 1924 1907– 1924? Khai sơn
02. Hòa Thượng Thích Tôn Bảo 1895 – 1974 1924 – 1929 Tự trưởng
1930 – 1974 Trụ trì
03. Hòa Thượng Thích Như Nghĩa 1920 – 2012 1974 – 2012 Trụ trì
04. Hòa Thượng Thích Như Thọ 1930 – 2013 đến nay Trụ trì
Long vị Tổ sư Hưng Long bằng đồng mạ bạc. Hiện vật độc nhất Phật giáo Đà Nẵng hiện đang bảo lưu tại tổ đường chùa Vu Lan.
  1. Tư liệu văn bia:

Chùa Vu Lan hiện nay hiện còn 6 tấm bia. Nay chúng tôi chỉ viết về 4 tấm chính, còn 2 tấm kia nội dung chỉ nói về phương danh thiện tín cúng dường và cũng không rõ niên hiệu ( 2 tấm này đã bị bễ đôi do sự bất cẩn của thợ khi xây chùa). Khi xưa, các văn bia đều ốp vào Bi đình, sau năm 1967, bi đình được triệt hạ để mở rộng chùa nên tất cả các văn bia đều ốp vào tường, duy nhất 1 văn bia vẫn còn để trong nhà khuôn cũ.

a.Văn bia niên hiệu Khải Định nguyên niên (1916) [45*1m2]:

Nguyên văn:

維新四年庚戌二月十九日 . 盂蘭寺本譜員聀並善信等.恭聞

有善心能行善事開扵始可继扵終忝等法派皈依頂称佛子窃念人從樂土事或赴公其朔望頂香懸䀡節礼有發心願立寺所方便䀡誠前奉佛聖後祀先靈於成泰十五六等年合私財揀買土園充物單憑構造承省堂炤例不許新設乃仝應将等項奉供.

御製三台靈應二寺敕賜僧綱阮慈智本師.敕準住持黎慈忍.阮福智本師.垂情擬量仝單.禀敍候承.商許併擧.三台寺僧目范興隆為住持叶同忝等兼領工作寺務秀才胡仙峰相擇至成泰十八年丙午中建維新三年鑄大銅鐘嗣此像影祀儀稍得贍用其辰出財力謹勒芳名以垂永久云.計.

太子少保南義總督胡命婦武夫人供二十五元並幢旛四幅.

十方善信供共銀壹百元零.化閨平順村供十元.

啓定元年秋諸譜員聀並善信誠心出財力重修增造誌 . 本譜仝録誌.

Phiên âm:

Duy Tân tứ niên, Canh Tuất, nhị nguyệt, thập cửu nhật. Vu Lan tự bổn phả viên chức tịnh thiện tín đẳng.

Cung văn.

Hữu thiện tâm năng hành thiện sự, khai ư thủy khả kế ư chung. Thiểm đẳng pháp phái quy y dự xưng Phật tử thiết niệm: nhân tùng Lạc độ, sự hoặc phó công kỳ sóc vọng đảnh hương huyền chiêm tiết lễ, hữu phát tâm nguyện lập tự sở phương tiện chiêm thành, tiền phụng Phật Thánh, hậu tế Tiên linh. Ư Thành Thái thập ngũ, lục đẳng niên, hợp tư tài giản, mãi thổ viên sung vật hạng, đơn bằng cấu tạo. Thừa Tỉnh đường chiêu lệ bất hứa tân thiết, nãi đồng ứng tương đẳng hạng phụng cúng.

Ngự chế Tam Thai – Linh Ứng nhị tự Sắc tứ Tăng Cang: Nguyễn Từ Trí Bổn sư, Sắc chuẩn trụ trì: Lê Từ Nhẫn, Nguyễn Phước Trí Bổn sư. Thùy tình nghĩ lượng đồng đơn bẩm tự hậu thừa thương hứa tính cử: Tam Thai tự Tăng Mục Phạm Hưng Long vi trụ trì, hiệp đồng thiểm đẳng kiêm lãnh công tác tự vụ, tú tài Hồ Tiên Phong tương trạch, chí Thành Thái thập bát niên, Bính Ngọ trung kiến. Duy Tân tam niên chú đại hồng chung, tự thử tượng ảnh, tự nghi sảo đắc thiệm dụng, kỳ thời xuất tài lực cẩn lặc phương danh dĩ thùy vĩnh cửu vân. Kê:

Thái tử thiếu bảo Nam – Ngãi Tổng đốc Hồ mạng, phụ Võ phu nhân cúng nhị thập ngũ nguyên tịnh tràng phan tứ bức.

Thập phương thiện tín cúng cộng ngân nhất bách nguyên linh. Hóa Khuê, Bình Thuận thôn cúng thập nguyên.

Khải Định nguyên niên thu, chư phả viên chức tịnh thiện tín thành tâm xuất tài lực trùng tu, tăng tạo chí. Bổn phả đồng lục chí.

Dịch nghĩa:

“Ngày 19 tháng 2 năm Canh Tuất, Duy Tân năm thứ 4. Bổn phả, viên chức cùng thiện tín chùa Vu Lan. Cung kính nói rằng:

Nếu có tâm thiện, nên phải làm việc thiện. Từ những khởi đầu đến cuối cùng, những người con Phật chúng tôi đã cùng quy y. Thiết niệm cho người đi về Lạc Bang hoặc đến các ngày mồng 1, rằm, dâng hương, viếng lễ, lại phát tâm nguyện lập chùa. Trước thì phụng thờ Phật tổ, sau là nơi lễ tiên linh. Vào các năm Thành Thái thứ 15, 16 cùng quyên góp tiền tư, chọn mua mảnh vườn làm vật ít ỏi, dâng đơn xin phép xây dựng. Tỉnh đường xét theo lệ, không đồng ý xây mới, bèn cùng thưa sẽ phụng cúng đầy đủ các phẩm hạng.

Ngự chế 2 chùa Tam Thai – Linh Ứng Sắc tứ Tăng cang Bổn sư Nguyễn Từ Trí. Sắc chuẩn trụ trì Lê Từ Nhẫn, Bổn sư Nguyễn Phước Trí cùng bẩm giao đơn. Lệnh trên vâng sự xem xét. Bàn bạc chấp thuận cho Tăng Mục chùa Tam Thai là Phạm Hưng Long làm trụ trì cùng hợp lực cùng chư vị đạo hữu nhận hỗ trợ công việc chùa, tú tài Hồ Tiên Phong định ngày đến giữa năm Bính Ngọ (niên hiệu Thành Thái thứ 18- 1906) thì xây dựng, năm Duy Tân thứ 3(1909), đúc Đại Hồng Chung và tượng, thực hiện các nghi tế lễ để cho đầy đủ, Nay, cẩn chạm phương danh lưu lại đời sau. Kê:

Ngài Thái Tử Thiếu Bảo tổng đốc Nam Ngãi họ Hồ cùng bà phu nhân họ Võ cúng 25 đồng tương đương 4 bức tràng phan.

Thập phương thiện tín cùng góp cúng 100 đồng bạc lẻ. Thôn Hóa Khuê, Bình Thuận cúng 10 đồng.

Mùa thu Khải Định nguyên niên(1916), chư viên chức cùng thiện tín thành tâm bỏ hết tài lực để trùng hưng và tôn tạo . Bổn phả cùng ghi chép”.

  1. Hai văn bia niên hiệu Bảo Đại tam niên (1928) [35*45cm]: (1)

(1) Nguyên văn:

保大三年戌辰秋.盂蘭寺寺長叶本譜等.葢聞

開来继往後先均出於眞誠大道法門踐履尤期於篤寔.本寺营造正殿前堂碑楼東舍並淂雅观惟三關心猶掛慮.

寺譜中范貴臺合妻心誠發願財力需行令見内外装完表表在人眼目叶應石勒芳名垂後庶望将来之餘地歩也. 謹誌.計

濰川縣美溪總茶饒社南村精兵正率隊范荣良廣平省廣澤府土臥社

正室陳氏_. 仝奉供 (2)

Phiên âm:

Bảo Đại tam niên, Mậu Thìn thu. Vu Lan tự Tự trưởng hiệp bổn phả đẳng. Cái văn.:

Khai lai kế vãng hậu tiên quân xuất ư chơn thành, đại đạo pháp môn, tiễn lý vưu kỳ ư đốc thiệt. Bổn tự doanh tạo chánh điện, tiền đường, bi lâu, đông xá tịnh đắc nhã quan, duy tam quan tâm do quải lự. Tự phả trung Phạm quý đài hợp thê tâm thành phát nguyện tài lực nhu hành, linh kiến nội ngoại trang hoàn biểu biểu tại nhân nhãn mục, hiệp ứng thạch lặc phương danh thùy hậu thứ vọng tương lai chi dư địa bộ giã. Cẩn chí. Kê:

Duy Xuyên huyện, Mỹ Khê tổng, Trà Nhiêu xã, Nam thôn, tinh binh chánh suất đội Phạm Vinh Lương, Quảng Bình tỉnh, Quảng Trạch phủ, Thổ Ngọa xã, chánh thất Trần Thị … đồng phụng cúng.

Dịch nghĩa:

Niên hiệu Bảo Đại thứ 3, mùa thu năm Mậu Thìn (1928). Tự Trưởng chùa Vu Lan cùng bổn phả. Nghe rằng:

“Nối tiếp từ trước đến sau, đầu tiên cần tất cả sự chân thành khi vào cửa Pháp, rũ bỏ những oán hờn, kỳ hẹn dốc lòng tại đây. Bổn tự xây Chánh điện, tiền đường, nhà bia, đông xá, cảnh quan nhưng vẫn còn tam quan đáng được lo ngại. Chùa được Phạm quý đài và vợ thành tâm phát nguyện tài lực vận chuyển các đồ dùng đẹp đẽ,trang nghiêm,ngoài trong đủ đầy. Do vậy, bổn phả chúng tôi chạm phương danh để mọi người về sau tưởng nhớ đến công lao này vậy.Cẩn trọng ghi chép, kê lại.

Huyện Duy Xuyên, tổng Mỹ Khê, xã Trà Nhiêu (3), thôn Nam. Chánh suất đội Phạm Vinh Lương tỉnh Quảng Bình, phủ Quảng Trạch, xã Thổ Ngọa.(4)

Vợ cả Trần Thị ... Đồng phụng cúng”.

(2) Nguyên văn:

保大三年戌辰秋.盂蘭寺寺長本譜等

佛法本無私大地欽崇南以北.聖恩垂永逺普天奉仰古来今.

本寺創造至茲前堂正殿碑楼各成壯麗其僧家東堂尚見草茅惟恐經年腐漏適有精兵正率隊范荣良並.本譜心誠勸助力敏經營東堂特出人天限目所有.十方貴臺宝號署供恭録姓名序銘子石是為誌 . 恭録

北圻河内宣光省十方供銀壹百五拾元

高綿省接府十方供淂銀貳百叁拾柒元.謹誌

Phiên âm:

Bảo Đại tam niên, Mậu Thìn thu. Vu Lan tự Tự trưởng bổn phả đẳng.

Phật Pháp bổn vô tư, đại địa khâm sùng Nam dĩ Bắc. Thánh ân thùy vĩnh viễn, phổ thiên phụng ngưỡng cổ lai kim.

Bổn tự sáng tạo chí tư tiền đường, chánh điện, bi lâu, danh thành tráng lệ; kỳ tăng gia, đông đường, thượng kiến thảo mao duy khủng kinh niên hủ lậu. thích hữu tinh binh chánh suất đội Phạm Vinh Lương tịnh bổn phả tâm thành, khuyến trợ lực mẫn kinh doanh đông đường, đặc xuất nhân thiên hạn mục sở hữu. Thập phương quý đài, bảo hiệu thự cúng cung lục tánh danh tự minh tử thạch thị vi chí. Cung lục.

Bắc kỳ Hà Nội, Tuyên Quang tỉnh, thập phương cúng ngân nhất bách ngũ thập nguyên.

Cao Miên tỉnh, Soài Tiếp phủ, thập phương cúng đắc ngân nhị bách tam thập thất nguyên. Cẩn chí.

Dịch nghĩa:

Niên hiệu Bảo Đại thứ 3, mùa thu năm Mậu Thìn (1928). Tự Trưởng chùa Vu Lan cùng bổn phả:

“Phật Pháp vốn không riêng, tất cả đều kính ngưỡng từ Nam đến Bắc. Thánh ân rũ lòng rộng khắpđược tôn thờ từ trước đến nay.

Bổn tự trước tiên tạo tiền đường, chánh điện, nhà bia trang nghiêm quang rạng, Đông đường của chư tăng vẫn còn lợp lá, sợ dột bao năm, bị mục, dột nát, nay khi có Chánh suất đội Phạm Vinh Lương cùng lập. Bổn phả thành tâm khuyến trợ kịp thời kiến tạo lại Đông đường thêm phần đẹp mắt.

Thập phương, quý đài, các hiệu cúng dường được cung lục thứ tự danh tánh vào tấm bia đá nhỏ này để tưởng nhớ. Cung lục.

Bắc kỳ Hà Nội, tỉnh Tuyên Quang thập phương cúng 155 đồng bạc.

Tỉnh Cao Miên, phủ Soài Tiếp thập phương cúng đúng 237 đồng.

Cẩn trọng ghi chép”.

  1. c. Văn bia niên hiệu Bảo Đại ngũ niên (1930) [50*60cm]:

Nguyên văn:

恭 聞

心地芝蘭博得茗香逺境福田菽粟栽来慧種大方.本寺合諸本道等

發心奉供銀元造買私田在灌漑社東甲地簿泡婆處田捌髙陸尺三寸永置馬三宝祀田其造契立券支費頗多所有原銀合供置祀碑誌芳名光垂永久云.計誌

盂蘭譜供壹佰元置千秋油

本善譜供壹百元置常年二月十九日觀音誕

宏化譜供四十元置常年四月初八日釋迦誕

灌桃譜供伍十元置常年六月二四日聖誕

護員阮桐合配范氏安供五十元置香油 . 置祀以下

仝門供壹佰元置祀陳先生七月初五日正忌

陳氏標供叁元.陳氏整供伍十元.武氏安供五十元

荼如財供五十元.李貴添供叁十元.總共銀陸百五十元

買田五百八十元里簿証認 二十三元扺座立券三十五元支費十二元

保大五年庚午中秋.盂蘭寺住持號尊保奉立

Phiên âm:

Cung văn:

Tâm địa chi lan bát đắc mính hương viễn cảnh phước điền thục túc tài lai tuệ chủng đại phương. Bổn tự hợp chư bổn đạo.

Phát tâm phụng cúng ngân nguyên tạo mãi tư điền tại Quán Khái xã, Đông Giáp địa, Bào Bà xứ, điền bát cao lục xích tam thốn, vĩnh trí mã Tam Bảo tự điền kỳ tạo khế lập khoán chi phí phả đa sở hữu nguyên ngân hợp cúng trí tự bi chíphương danh quang thùy vĩnh cửu vân. Kê chí:

Vu Lan phả cúng nhất bách nguyên trí Thiên Thu du.

Bổn Thiện phả cúng nhất bách nguyên trí thường niên nhị nguyệt, thập cửu nhật, Quan Âm đản.

Hoằng Hóa phả cúng tứ thập nguyên trí thường niên tứ nguyệt, sơ bát nhật, Thích Ca đản.

Quán Đào phả cúng ngũ thập nguyên trí thường niên lục nguyệt, nhị tứ nhật, Thánh đản.

Hộ viên Nguyễn Đồng hợp phối Phạm Thị An cúng ngũ thập nguyên trí hương du. Trí tự dĩ hạ.

Đồng môn cúng nhất bách nguyên trí tự Trần Tiên sinh, thất nguyệt, sơ ngũ nhật chánh kỵ.

Trần Thị Tiêu cúng tam nguyên. Trần Thị Chỉnh cúng ngũ thập nguyên. Võ Thị An cũng ngũ thập nguyên

Đồ Như Tài cúng ngũ thập nguyên. Lý Quý Thiêm cúng tam thập nguyên. Tổng cộng ngân lục bách ngũ thập nguyên.

Mãi tư ngũ bách bát thập nguyên, lý bạ chứng nhận nhị thập tam nguyên, chỉ tòa lập khoán tam thập ngũ nguyên, chi phí thập nhị nguyên.

Bảo Đại ngũ niên, Canh Ngọ, trung thu. Vu Lan tự trụ trì hiệu Tôn Bảo phụng lập.

Dịch nghĩa:

Cung kính nói rằng:

“Tâm địa cao thượng như hương thơm của đọt non lan xa tận những đồng ruộng phúc,phát khởi trí tuệ rộng lớn. Bổn tự hợp cùng chư bổn đạo.

Phát tâm cúng tiền bạc để mua ruộng tư tại xã Quán Khái, khu vực Đông Giáp, xứ Bào Bà, 8 mẫu (6 thước 3 tấc) thiết trí cúng lễ lớn lâu dài cho Tam Bảo bằng mẫu ruộng ấy bên khế ước, chi phí hợp cúng tiền, thiết trí lễ tế nay viết phương danh vào bia để lưu lại vĩnh cửu.

Xét viết rằng:

Vu Lan phả cúng 100 đồng mua dầu Thiên Thu.

Bổn Thiện phả cúng 100 đồng hằng năm để thiết trí ngày Quan Âm Đản ( ngày 19 tháng 2 ).

Hoằng Hóa phả cúng 40 đồng hằng năm thiết trí ngày Thích Ca Đản ( ngày 8 tháng 4 ).

Quán Đào phả cúng 50 đồng hằng năm thiết trí ngày Thánh Đản ( ngày 24 tháng 6 ).

Hộ viên Nguyễn Đồng cùng vợ Phạm Thị An cúng 50 đồng mua hương dầu. Trí linh về sau.

Đồng môn cúng 100 đồng thiết trí lễ tế ngày kỵ chính của Trần tiên sinh ( ngày 5 tháng 7).

Trần Thị Tiêu cúng 30 đồng. Trần Thị Chỉnh cúng 50 đồng. Võ Thị An cúng 50 đồng.

Đồ Như Tài cúng 50 đồng. Lý Quý Thiêm cúng 30 đồng. Tổng cộng là 650 đồng bạc.

Mua ruộng là 580 đồng, chứng nhận lý bạ 23 đồng, xuống tòa làm khoán 35 đồng, chi phí là 12 đồng.

Niên hiệu Bảo Đại thứ 5, Trung Thu năm Canh Ngọ. Trụ trì chùa Vu Lan hiệu Tôn Bảo phụng lập”.

05.Tầm ảnh hưởng và đóng góp của chùa Vu Lan cho sự phát triển của Phật giáo Đà Nẵng và thiền phái Chúc Thánh:

5.1. Đối với Phật Giáo Đà Nẵng:

Trải dài hơn một thế kỷ, qua bao cảnh biến thiên của lịch sử, Tổ Đình Vu Lan đã đồng hành cùng với bước chân phát triển của Phật Giáo tại vùng đất Đà Nẵng. Bên cạnh các Chùa Phổ Đà, Chùa Tỉnh Hội,… Tổ Đình Vu Lan đóng góp một vai trò rất quan trọng trong việc đào tạo Tăng tài, tổ chức các kỳ Bố tát, An cư tự tứ… Đặc biệt thay, chính nơi đây, Tạp Chí Tam Bảo – một trong những cơ quan ngôn luận Phật Giáo đầu tiên tại Trung Kỳ được bảo trợ bởi HT Tôn Bảo. Sở dĩ có như vậy, chúng ta phải kể đến công ơn lớn lao của Cố Đại lão Hòa Thượng Thích Tôn Bảo, một vị lãnh tụ tinh thần tối cao của Phật Giáo Đà Nẵng vậy. Ngài đã hy hiến cuộc đời mình cho Phong trào chấn hưng Phật giáo, thắp lên ánh đuốc hùng thiên cho thời kỳ Pháp nạn – 1963 tại Đà Nẵng.

Trước năm 1975, Tăng ni tại Đà Nẵng đều vân tập về chốn tổ Vu Lan để thành lập đạo tràng An cư kiết hạ. Trong đạo tràng này, dưới sự chứng minh của HT Thích Tôn Bảo, đã quy tụ biết bao danh Tăng, sau này là các bậc mô phạm, phát huy ngôi nhà Đạo pháp như HT Thích Bảo Toàn, HT Thích Hương Sơn, HT Thích Trí Giác, HT Thích Quang Thể, HT Thích Như Khương, HT Thích Như Thọ,…

Từ khi sau năm 1974, HT Thích Tôn Bảo viên tịch, chốn già lam Vu Lan theo đó cũng dần trôi nổi trên vòng chảy vô thường. Nhưng nhờ có sự quan tâm của nhị vị Hòa Thượng Thích Như Thọ, Thích Như Nghĩa, các ngài đã ra sức phát khởi tùng lâm Vu Lan, thiết lập lại các đạo tràng An cư lớn mạnh theo đúng tinh thần của Phật dạy, xây dựng Phật giáo Đà Nẵng ngày càng phát triển.

Chân dung cố Đại lão HT Thích Tôn Bảo (1895 – 1974)

5.2. Đối với Tông môn Chúc Thánh:

Vào đầu thế kỷ XX, ở tại mảnh đất này, thành lập 2 Tổ đình truyền theo dòng thiền Minh Hải – Pháp Bảo, đó là Tổ đình Sắc tứ Vu Lan và Tổ đình Sắc tứ Từ Vân. Cả hai chùa đều thuộc sơn môn của Quốc tự Tam Thai – Linh Ứng, đều có sự liên hệ cùng nhau, có tầm lịch sử quan trọng tương đương nhau.

Khoảng thập niên 30, chùa Vu Lan cũng có các mối liên hệ mật thiết trong môn phái thông qua tổ chức của Bản tỉnh Chư sơn hội do ngài Tăng Cang Phổ Thoại lập. Các ngài khi đó nhằm mục đích chấn chỉnh Thanh quy, làm tiền đề cho phong trào Chấn Hưng Phật Giáo. Khi đó HT Tôn Bảo được sung vào chức phó Tri sự Chư Sơn Quảng Nam kiêm kiểm Tăng huyện Hòa Vang.

Đến khoảng thập niên 60 – 70, HT Thích Tôn Bảo cùng chư tôn đức trong sơn môn tại Hội An, tổ chức các Giới Đàn tại Phật Học Viện Long Tuyền. Đa phần, Ngài đều thỉnh cử làm Đường Đầu tôn sư.

Từ sau năm 1975, Chùa Từ Vân không còn nữa. Do vậy, chùa Vu Lan đã trở thành nơi tập trung chính của Chư tôn đức Lâm Tế Chúc Thánh QN-ĐN khi đến các ngày lễ húy nhật, hiệp kỵ môn phái. Mỗi năm, vào ngày húy nhật HT Thích Tôn Bảo 27/10 al, Tăng ni các nơi về Tổ đình Vu Lan để họp bàn, đóng góp cho môn phái, từ đó thực hiện những kế hoạch trong các năm tới.

Suốt hơn 100 năm qua, Tổ đình đã duy trì, phát triển theo thời gian. Đó quả thật là sự thành công lớn trong việc truyền thừa mạng mạch của chư Tổ.

06.Tóm kết:

Qua vài dòng sử liệu ít ỏi này, kính xin xưng tán công hạnh của các Bậc Tiền nhân đã có công kiến thiết, hưng long một thời. Cũng như để lại cho các thế hệ tương lai biết rằng cách đây hơn 10 thập kỷ qua, tại xứ Hòa Thuận – Đà Nẵng vẫn còn hiện hữu một ngôi Tổ Đình vang bóng trong mái nhà Phật Giáo Việt Nam, mang tên: “Sắc Tứ Vu Lan Tự”.

Tổ đình Sắc tứ Vu Lan hiện nay.

Nam Mô Sắc Tứ Vu Lan tổ tự, Tương thừa Lịch đại Tổ Sư Hòa thượng khai sơn, trụ trì, liệt vị Tăng chúng Giác linh thùy từ chứng giám.

Đà Thành, Mùa Vu Lan, PL 2565.

TÂM AN

Đinh Công Thanh Minh


(1) Hai tấm bia này hiện được cẩn vào cổng chùa.

(2) Trần Thị Nhớn (chữ Nhớn có bộ 大, 13 nét).

(3) Trà Nhiêu bây giờ thuộc xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

(4) Làng Thổ Ngọa nay thuộc phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Chúng tôi cung cấp mọi tư liệu về Phật giáo một cách hoàn toàn miễn phí.
Mong nhận được sự hỗ trợ và đóng góp của bạn để Website được duy trì hoạt động.

STK: 102 867 430 455
Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank)
(Nội dung: Họ tên + ho tro website)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Biểu tượng hoa sen trong trang trí chùa ở Huế
Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu, Văn hóa

PHẦN MỞ ĐẦU Đã là công dân nước Việt thì dù có ở đâu đi chăng nữa mà khi nghe ai đó nhắc nhắc đến sông Hương, núi Ngự thì mỗi người con đất Việt đều nghĩ ngay đến một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, thơ mộng và hoài cổ. Nơi mảnh đất thần...

“Bản Sắc Hóa” Pháp Phục Phật Giáo Việt Nam
Nghiên cứu, Văn hóa

I. Y PHỤC LÀ BẢN SẮC VĂN HÓA CỦA DÂN TỘC Nếu trang phục truyền thống của một dân tộc hay quốc gia biểu đạt bản sắc văn hóa về y phục của dân tộc hay quốc gia đó, thì pháp phục Phật giáo thể hiện bản sắc đặc thù, khác hẳn với và vượt lên trên các quốc phục và thường phục của người đời, dù ở phạm vi dân tộc hay quốc gia. Lễ phục tôn...

A Dục, Ashoka -Một Vị Vua Phật Tử
Lịch sử, Nghiên cứu

Hoàng đế A-dục trị vì nước Ấn vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch và cũng là một trong những nhân vật sáng chói nhất trong lịch sử Phật giáo. Là vị hoàng đế nổi tiếng nhất của triều đại Maurya ông đã thống nhất gần toàn thể bán lục địa Ấn độ. Dưới triều đại của ông, văn hóa được phát triển cao độ và cũng là lần...

Biểu tượng Phật giáo trong kiến trúc chùa Việt ở Bắc bộ
Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu, Văn hóa

1. Vị trí, vai trò biểu tượng Phật giáo trong kiến trúc chùa Việt ở Bắc Bộ Trong kiến trúc một ngôi chùa Việt, các biểu tượng Phật giáo được hiện diện ở khắp mọi nơi, từ các hoa văn trên từng viên gạch, viên ngói, đến trên các trang trí cửa võng, y môn,...

Góp thêm những tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật giáo
Lịch sử, Nghiên cứu

Nghiên cứu cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều chúng ta dễ dàng bắt gặp là ở chỗ Người có nhiều mối quan hệ gắn bó với Phật giáo, không chỉ ở mặt tư tưởng, tình cảm mà cả chính bằng những việc làm cụ thể. Trên bình diện...

Hôn nhân hạnh phúc trên nền tảng đạo đức Phật giáo
Nghiên cứu, Văn hóa

Việc ứng dụng giáo lý nhà Phật vào cuộc sống lứa đôi mang lại rất nhiều tích cực cho cuộc sống gia đình của các phật tử, hướng phật tử đến một cuộc hôn nhân tốt đẹp trên nền tảng đạo đức Phật giáo. A. Mở đầu Trong muôn vàn giá trị mà con người...

Sơn môn Bổ Đà-Dấu thiêng còn vang mãi
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Thời kỳ Lê Trung Hưng (Thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII) dòng thiền Lâm Tế Trung Hoa được truyền vào Việt Nam và đã vô cùng phát triển ở cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài. Ngoài những sơn môn nổi tiếng của Lâm Tế Đàng Ngoài như: chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chùa...

Hoạt động đào tạo Tăng tài trong phong trào chấn hưng PGVN giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX
Lịch sử, Nghiên cứu

Tăng sĩ không tu tập, không am hiểu giáo lý để hoằng pháp, điều này ảnh hưởng rất lớn trong quần chúng tín đồ phật tử. 1. Dẫn nhập    Phật giáo du nhập vào nước ta đã trải qua hơn 2000 năm, những giá trị tâm linh Phật giáo để lại trên mảnh đất...

Ứng dụng Kinh tạng Pali về đạo đức, xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả và bền vững
Nghiên cứu

Sự phát triển của kinh tế hôm nay và sự bình ổn của xã hội, sự an toàn của môi trường trong tương lai không thể tách rời nhau, có mối quan hệ hỗ tương cho nhau A. Dẫn nhập Kinh doanh nhằm tạo ra lợi nhuận, nhưng kinh doanh như thế nào để tạo...

Vai trò của Phật giáo thời Lý trong lĩnh vực chính trị, tôn giáo và đoàn kết chống ngoại bang
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt Khi đề cập đến sự tín ngưỡng tâm linh của người Việt thì không thể không nói đến Phật giáo. Phật giáo du nhập vào Việt Nam vòa khoảng thế kỷ thứ III trước Công nguyên, tư tưởng từ bi, vị tha của đạo Phật nhanh chóng được cư dân bản địa tiếp...

Hành trạng và tư tưởng Phật học của Tổ sư Hoán Bích – Nguyên Thiều
Lịch sử, Nghiên cứu

Thiền sư Nguyên Thiều được biết là một vị tổ sư, cao tăng gốc Trung Hoa thuộc thế hệ thứ 33 dòng thiền Lâm Tế, đã sang Việt Nam hoằng đạo ở Đàng Trong vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh (1627-1789) và giúp phục hồi Phật giáo Xứ Đàng Trong.  1. Vấn đề về hành...

Chùa Diệu Ðế và hai bài thơ liên quan vừa được tìm thấy trong Cống Thảo Viên Tập của Nguyễn Phúc Miên Cư
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Trong dòng chảy lịch sử, văn hóa, văn học Việt Nam, có không ít những công trình kiến trúc từ lâu đã trở thành kinh điển, đại diện cho tinh thần và tư duy của một triều đại với những thăng trầm bi hùng. Không chỉ thế, nó còn mang xu hướng linh thiêng, là...

Mối liên hệ về chữ “Hiếu” trong Nho giáo và văn hóa Lễ Vu Lan ở Trung Quốc: từ thế tục tới tính thiêng!
Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt Phật giáo được truyền bá từ Ấn Độ sang Trung Quốc vào thời nhà Hán (202 TCN – 220 CN); kết hợp các nền văn hóa bản địa cố hữu, Phật giáo dần trở thành một tôn giáo có sức ảnh hưởng lớn ở Trung Quốc. Trong thời kỳ Phật giáo sơ truyền,...

Xu thế biến đổi trong Kiến trúc, cảnh quan chùa Huế
Kiến trúc-Mỹ thuật, Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Phật giáo Huế với một bề dày lịch sử, gắn liền với thăng trầm vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân xưa, đã hàm chứa, bảo tồn được nét riêng có trên nhiều mặt của yếu tính truyền thống Phật giáo. Tuy nhiên, trong chiều hướng phát triển của xã hội thì trong...

Tín ngưỡng thờ Long Vương trong Phật giáo Nam bộ
Nghiên cứu, Văn hóa

Tượng Long Vương ở Tổ đình Hội Khánh (Bình Dương). LONG VƯƠNG TRONG PHẬT GIÁO Trong Phật giáo, rồng là một trong Bát bộ chúng thủ hộ Phật pháp. Lãnh tụ của Long tộc gọi là Long Vương, có đầy đủ uy lực lớn mạnh, thường theo bảo vệ Phật. Trong các kinh sách Phật...

Vai trò nhập thế qua những biểu hiện, một số vấn đề đặt ra và giải pháp nhằm phát huy vai trò của nữ Phật tử
Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhân loại. Ở phương diện tích cực, chúng phục vụ nhiều nhu cầu, đem lại hiệu suất làm việc cao cho con người. Song ở phương diện tiêu cực, chúng khiến đời sống tinh thần đứng...