Toàn văn của tác phẩm này đến nay vẫn chưa tìm thấy mà chỉ còn tựa đề của tác phẩm được ghi lại trong Pháp uyển châu lâm, quyển một, Đại Tống Tăng sử lược, quyển hai, Đại Đường nội điển lục, quyển năm… Đây là tiền đề gợi mở để chúng tôi thực hiện đề tài Luận về vấn đề Tăng quan.

Như vậy, ngay từ thời vua Tùy Dạng Đế (569-618) tại Trung Hoa, vấn đề người xuất gia đảm nhận những chức vụ do triều đình sắp đặt (僧官), là một hiện thực lịch sử, được quan tâm và kiện toàn về cơ sở lý luận như tác phẩm của ngài Thích Ngạn Tông đã chỉ ra.

Trong khuôn khổ của đề tài, Tăng quan được hiểu là chức vụ của chư Tăng do triều đình bổ nhiệm, để thống lãnh Tăng, Ni các chùa viện trên toàn quốc, nhằm duy trì kỷ cương và phát triển Phật giáo3. Tăng quan có thực quyền và lương bổng cụ thể.

Nguồn gốc và niên đại hình thành Tăng quan ở Ấn Độ

Căn cứ vào tư liệu lịch sử, định chế Tăng quan không phải xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc mà được hình thành từ thời vua Āsoka (272-236 B.C)4 ở Ấn Độ cổ đại. Theo lịch sử, sau khi thống nhất toàn cõi Ấn Độ và trở thành một quốc gia rộng lớn, vua Āsoka đã tổ chức một bộ máy quản lý nhà nước quy mô và khoa học. Theo bi ký số 3 (Bi ký Girnar)5, nhà vua đã thành lập các chức quan như Rājuka, Yutā, Pādesika với chức năng tuần du đất nước trong mỗi năm năm nhằm phổ biến Chánh pháp và giải quyết các vấn đề cấp thiết khác của quốc gia.

 Đặc biệt, đối với vấn đề tôn giáo, ông đã thành lập một cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo gọi là Dharma Māhamātra6. Quan chức Dharma Māhamātra có thể là người thế tục và cũng có khả năng là người đại diện của các tôn giáo. Thông tin từ bi ký của vua Āsoka đã cho thấy điều này.

Theo chủ trương của vua Āsoka trong bi ký số 5 (Bi ký Mānsehrā), ta dùng các quan chức này trong mọi giáo phái nhằm xây dựng và phát triển Chánh pháp vì lợi ích và hạnh phúc cho những ai tận trung với tôn giáo. Các quan chức này cũng được cắt cử phục vụ tại các xứ sở và dân tộc như Yona, Kamboja, Gandhāra, Ràs)trika, Pitinika và các dân tộc Aparànta hay các bộ tộc biên giới phía Tây. Họ được đề cử phục vụ trong quân đội, trong các hội chúng ẩn sĩ Bà-la-môn, hội chúng gia chủ, giữa những người nghèo khó và người già yếu nhằm mục đích mang lại lợi ích và hạnh phúc cho họ và để giúp những người thực hành Chánh pháp thoát khỏi phiền toái. Họ cũng được đề cử nhằm xem xét đơn kháng án của các phạm nhân, giúp phạm nhân khỏi bị ngược đãi, giải phóng phạm nhân trong trường hợp phạm nhân phải nuôi con dại hay gặp quá nhiều bất hạnh hoặc bị khổ sở bởi tuổi già. Họ cũng được bổ làm việc tại Pàtaliputra và tại các tỉnh thành bên ngoài, trong các hậu cung của các anh chị em ta và bất cứ nơi nào có thân nhân của ta sinh sống. Ta dùng các quan chức Dharma-Mahàmàtra này khắp nơi trong vương quốc của ta để họ giúp mọi người thực hành Chánh pháp, tận trung với Chánh pháp và làm các việc thiện7.

Vua Āsoka đã dành nhiều quan tâm đến quan chức Dharma Mahāmātra bởi lẽ ở bi ký số 12, ông đã minh giải thêm chức năng và nhiệm vụ của quan chức này8. Theo bi ký số 12, vua Āsoka tôn trọng mọi giáo phái. Theo ông, tôn trọng giáo phái của mình không đồng nghĩa với việc chê bai giáo phái người khác. Điểm nhấn trong bi ký 12 là quan điểm về bình đẳng phát triển tôn giáo9. Đó là một trong những nguyên do ra đời của quan chức Dharma Mahāmātra.

Mặc dù đã trở thành một Phật tử chính thức (Upāsaka) vào năm thứ 8 sau khi lên ngôi10, tuy nhiên trong quan điểm đối với các tôn giáo đang hiện hữu trên đất nước mình, ông luôn dành cho họ một sự quan tâm và đối đãi hết mực trọng thị. Đây cũng là lời dạy của Đức Phật đối với tướng quân Sīha được thể hiện trong kinh Tăng chi11, mà có lẽ vua Āsoka đã tiếp thu và thực hành theo lời dạy đó.

Về niên đại thành lập tổ chức Dharma Mahāmātra, theo tác phẩm History of Indian Buddhism, thì vua Āsoka thành lập quan chức Dharma Mahāmātra vào năm thứ 13 sau khi lên ngôi. Phối kiểm tác phẩm thì được biết, đây không phải là quan điểm của tác giả Lamotte mà được ông dẫn lại từ một tác phẩm khác12.

Với tác phẩm King Ashoka and Buddhism13, tác giả Ananda W.P Guruge cũng cho rằng niên đại thành lập quan chức Dharma Mahāmātra vào năm thứ 13. Tác giả Smith A.Vincent trong tác phẩm Rulers of India14 cho rằng vào năm thứ 14 sau khi lên ngôi, vua Āsoka thành lập quan chức Dharma Mahāmātra. Tác phẩm tiếng Việt Vua A Dục Vương (Asoka) cuộc đời và sự nghiệp của tác giả Thích Tâm Minh cũng cho rằng quan chức Dharma Mahāmātra được thành lập vào năm thứ 13 sau khi vua Āsoka lên ngôi15.

Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả James Prinsep, được ghi lại trong tác phẩm The Journal of the Asiatic Society of Bengal16 thì cho rằng vua Āsoka thành lập quan chức Dharma Mahāmātra vào năm thứ 10 sau khi lên ngôi. Trong bản dịch Anh ngữ bi ký số 5, thuộc tài liệu của nhà khảo cổ Cunningham, trong tác phẩm Corpus Inscriptionum Indicarum: Inscriptions of Asoka, cũng cho rằng, sự kiện quan trọng đó diễn ra vào năm thứ 10.

Căn cứ vào cụm từ Dasavasabhisi17 được nhà khảo cổ Cunningham cẩn thận rập lại từ bi ký số 5 và cả bi ký số 818, đã khẳng định rằng, quan chức Dharma Mahāmātra đã được vua Āsoka thành lập vào năm thứ 10 sau khi lên ngôi.

Ở đây, nếu tạm thống nhất dùng bảng niên biểu Āsoka do tác giả Lamotte cung cấp, thì niên đại chính xác để vua Āsoka tổ chức thành lập quan chức Dharma Mahāmātra vào năm thứ 10 sau khi lên ngôi, tức là năm 258 trước Tây lịch19.

Với vua Āsoka, kể từ khi quy ngưỡng Phật giáo, ông đã nỗ lực hết mình trong sự nghiệp phát triển Phật giáo. Bản thân mình đi chiêm bái thánh tích, cho phép con trai xuất gia và đi hoằng pháp ở các nơi, xây dựng chùa tháp và lưu truyền Pháp Phật qua các dạng minh văn, bi ký ở nhiều nơi trong và ngoài đất nước… Tất cả những ý nguyện vĩ đại đó khó có thể hoàn thành trọn vẹn nếu như không có một bộ phận nhân sự chuyên trách. Sự ra đời của các quan chức Dharma Mahāmātra cũng nhằm vào mục đích này.

Không những vậy, với một quốc gia rộng lớn về lãnh thổ, đa dạng về sắc tộc, tôn giáo, thì việc thành lập một cơ quan chuyên trách về vấn đề tôn giáo có một ý nghĩa quan trọng. Vì lẽ, ngoài chức năng bảo hộ sự phát triển của tôn giáo thì cơ quan chuyên trách này còn góp phần vào việc ngăn ngừa sự xung đột giữa các tôn giáo, góp phần ổn định và phát triển đất nước.

Có thể nói, sự ra đời của quan chức Dharma Mahāmātra là một sáng tạo mang tính tiên phong của vua Āsoka trong lãnh vực liên quan đến tôn giáo.

Lược sử và định chế Tăng quan tại Trung Quốc

Định chế Tăng quan ra đời tại Trung Quốc nhằm giải quyết việc nội bộ của Tăng đoàn. Trong một vài trường hợp đặc biệt, Tăng quan còn đảm nhiệm những tước vụ quan quyền, có vai trò tương tự như một vị quan lại thế tục.

1- Niên đại hình thành

Theo Lương cao tăng truyện, truyện của ngài Cưu Ma La Thập (344-413)20 và ngài Tăng Lược (347-416)21, thì vào thời kỳ Hậu Tần (384-417), Phật giáo phát triển mạnh mẽ, số lượng Tăng nhân ở thời kỳ này rất đông đảo22, và cũng do vậy đã bước đầu phát sinh những tệ trạng trong sinh hoạt Tăng-già. Với tâm nguyện góp phần trùng hưng Tam bảo, để đoàn thể Tăng-già thanh tịnh và trang nghiêm, vua Diêu Hưng (366-416) vào niên hiệu Hoằng Thủy năm thứ bảy (405) đã ban thư cầu thỉnh ngài Tăng Lược lên ngôi vị lãnh đạo Tăng-già toàn quốc, gọi là Tăng chánh. Đồng thời, để hỗ trợ Phật sự, nhà vua cũng cung thỉnh ngài Tăng Thiên làm Duyệt chúng, các ngài Pháp Khâm và Tuệ Bân làm Tăng lục.

Cũng theo Lương cao tăng truyện, quyển tám, ngài Thích Tuệ Cơ được ban sắc làm Tăng chủ, quản lý 10 thành. Nội dung tiểu truyện cũng cho rằng Tăng chánh của miền Đông Độ được khởi nguồn từ đây vậy (乃勅為僧主掌任十城. 蓋東土僧正之始也)23. Trong khi đó, ngài Tuệ Cơ thọ 85 tuổi và viên tịch vào niên hiệu Kiến Vũ năm thứ ba, triều Nam Tề Minh Đế, tức năm 496, điều đó đã cho thấy rằng, ngài Tăng Lược viên tịch thì ngài Tuệ Cơ vừa mới ra đời.

 Và như vậy, định chế Tăng quan tại Trung Quốc xuất hiện vào năm 405 và người đầu tiên làm Tăng quan là ngài Tăng Lược.

2- Cơ cấu tổ chức

Mô hình tổ chức của định chế Tăng quan ở Trung Quốc lúc đầu mang tính tự trị và độc lập tương đối. Tuy nhiên, cùng với sự thăng trầm của các triều đại tại Trung Quốc, tính tự trị độc lập đó cũng ít nhiều thay đổi, tùy theo quan điểm và sách lược của từng triều đại.

Về cơ quan lãnh đạo tối cao, theo Đại Tống Tăng sử lược24, quyển trung, vào thời Đông Hán, các Sa-môn Thích tử trực thuộc sự quản lý của Hồng Lô Tự.  Đến thời Bắc Ngụy, theo Quảng Hoằng minh tập, quyển 2, thì cơ quan lãnh đạo cao nhất của Phật giáo lúc đầu gọi là Giám Phước Tào. Sau đó, vào niên hiệu Thái Hòa năm thứ 21 (497) cơ quan này đổi tên thành Chiêu Huyền Tào. Đến thời nhà Đường, lập Sùng Huyền Thự thuộc Hồng Lô Tự. Đến thời kỳ nhà Minh, vào niên hiệu Hồng Vũ năm thứ 5 (1382) đã thành lập Tăng Lục Ty nhằm quản lý Tăng Ni toàn quốc và phụ thuộc vào Lễ Bộ25. Cơ chế quản lý Phật giáo thời nhà Minh cũng được áp dụng ở Giao Châu26.

Về chức danh lãnh đạo Tăng-già tối cao, ban đầu được gọi là Tăng chánh (thời nhà Tần), Đạo nhân thống, Sa-môn thống, Tăng thống (thời Bắc Ngụy), Đại Tăng chánh (thời nhà Lương), Tăng chủ (thời Lưu Tống, Nam Tề) Quốc thống (thời Đông Ngụy), Chiêu huyền thống (Bắc Tề), Đại thống (nhà Tùy), Tăng thống (nhà Đường), Thống lãnh (thời nhà Minh )…

Để hỗ trợ cho lãnh đạo Tăng-già tối cao điều hành Phật sự, tùy theo từng giai đoạn lịch sử mà nhân sự Tăng quan cấp dưới có các chức danh như Duy na, Duyệt chúng, Tăng đô, Sa-môn đô, Chiêu huyền đô, Thông thống, Đoạn sự Sa-môn, Đô ấp Tăng chánh, Công tào, Chủ bạ viên, Tả nhai Đại Công đức sử, Hữu nhai Đại Công đức sử, Tăng lục, Tả nhai Tăng lục, Hữu nhai Tăng lục… Bộ phận nhân sự này không những có đạo phong, giỏi về kinh điển mà còn vững vàng về kiến thức xã hội. Chính vì vậy, đã có trường hợp tiền triều ủng hộ Phật pháp thì làm Tăng quan, nhưng đến khi vương triều kế nhiệm bãi bỏ Phật pháp thì vẫn có khả năng làm một vị quan thế tục. Đây cũng là trường hợp của Đạt Ma Xà Na (達磨闍那), tiếng Tùy gọi là Pháp Trí, đã từng làm Sa-môn đô ở Chiêu Huyền Tự 27, sau khi Phật giáo bị bức hại, ông trở về đời sống thế tục và làm Thái thú quận Dương Xuyên ở Dương Châu28.

Có một điều lưu ý trong chức danh lãnh đạo Tăng-già tối cao, đó là ngôi vị Pháp chủ. Thực ra, trong hệ thống chức danh Tăng quan không có tên gọi này. Trong kinh điển, Pháp chủ là mỹ hiệu tôn quý, dùng để chỉ cho Đức Phật Thích Ca29. Trong tác phẩm Sắc tu bách trượng thanh quy, tên gọi Pháp chủ chỉ cho Quốc sư (cũng còn gọi là Đế sư) như ngài Bạt-hợp-tư-bát (拔合斯八)30. Ngoài ra, Pháp chủ còn chỉ cho bậc Đại Pháp sư chuyên diễn giảng kinh điển như ngài Tăng Đạo31, ngài Pháp Viện (409-489)32, ngài Tăng Mân33 (467-527), ngài Tĩnh Tung (537-614)34

3- Thực quyền và lương bổng

Tăng quan về cơ bản có thực quyền. Trường hợp đầu tiên phải kể đến là sự kiện vua Diêu Hưng hạ chiếu cho Ngụy thượng thư lịnh Diêu Hiển bức ép hai vị xuất gia tên là Thích Đạo Hằng và Thích Đạo Tiêu cởi áo cà-sa ra đời, giúp vua thừa hành vương nghiệp. Hai vị Tăng nhân này đã khẩn thiết dâng biểu trình bày tâm nguyện và khẳng khái thệ rằng: thà bỏ thân mạng chứ không thể lìa ca-sa  (緇服之下誓畢身命)35. Do vì muốn nhị vị Tăng nhân này phò vua giúp nước, Diêu Hưng đã viết thư cầu thỉnh Quốc sư Cưu Ma La Thập và ngài Tăng chánh Đạo Lược, xin các ngài góp lời trợ khuyên (願法師等勗以喻之). Sau khi nhận thư, cả hai ngài đều viết tấu dâng lên với lời lẽ chí tình và thống thiết, tán thán chí nguyện của hai bậc xuất gia kỳ đặc này36. Để cuối cùng, hai ngài Thích Đạo Hằng và Thích Đạo Tiêu được vào núi Lang Tà (琅邪山) ẩn tu cho đến cuối đời37.

Theo Phật tổ thống kỷ, vào niên hiệu Cảnh Minh năm thứ hai (501), triều vua Tuyên Vũ Đế (483-515), thời Bắc Ngụy, đã ban chiếu rằng: nếu Tăng nhân phạm tội sát nhân, thì y theo luật của thế tục mà xử, ngoài ra nếu phạm các tội khác, thì giao cho Chiêu Huyền Đô thống để phân xử theo luật Phật38. Ở thời nhà Đường, vua Huyền Tông ban chiếu: Tăng Ni có tội thì y theo luật Phật mà phân xử. Đường Đại Tông cũng ban chiếu: Quan ty trong thiên hạ, không được đánh đập hay làm nhục Tăng Ni. Xem ra, trong vai trò quản lý Tăng Ni, Tăng quan có những quyền hạn nhất định, thể hiện ở vai trò bảo hộ cũng như độc lập phân xử những việc liên quan đến Tăng đoàn.

Ở đây, một trong những đặc điểm của cơ chế quan trật, đó là lương bổng. Tăng quan do vương triều cung cử và bổ nhiệm, nên cũng nằm trong định chế đặc thù này.

Khi ngài Tăng Lược nhận vai trò Tăng chánh, phẩm trật thuộc hàng Thị trung, nên được vua Diêu Hưng cấp xe và người hầu cận. Mặc dù vậy, ngài đã nhường xe cho người già yếu, tật bệnh, còn bổng lộc thì cúng dường cho chúng Tăng39.

Với ngài Tăng Cẩn (僧瑾), khi được vua Lưu Tống Minh Đế ban sắc làm Thiên hạ Tăng chủ (天下僧主), thì đồng thời cấp một bộ nghi trượng (法伎), 20 người hầu cận thân tín, xe cộ để đi lại và mỗi tháng cấp ba vạn tiền.

Vào năm Thái Thủy nguyên niên (465), Lưu Tống Minh Đế sắc Sa-môn Đạo Mãnh làm Cương lĩnh, mỗi tháng cấp ba vạn tiền, cử bốn người thân tín và 20 người hầu hạ, xe và kiệu mỗi loại một chiếc40. Với bổng lộc được ban, ngài Đạo Mãnh chẩn thí cho người nghèo và xây dựng chùa miếu.

4- Vài trường hợp đặc biệt

Trong một số trường hợp đặc thù, Tăng nhân đôi khi đảm nhận những tước vị tương tự như quan lại thế tục.

Theo, Phật tổ thống kỷ41, quyển 51, vào thời Bắc Ngụy, phong Sa-môn Pháp Quả làm Nghi thành tử, sau đó lại gia phong thêm là An thành công. Theo Phật tổ lịch đại thông tải42, việc phong quan tước cho Tăng nhân, được khởi đầu từ ngài Pháp Quả. Vào thời Lương Vũ Đế, đã sắc Sa-môn Huệ Siêu làm Thọ quang điện Học sĩ.

Đường Thái Tông phong Sa-môn Trí Uy làm Triều tán Đại phu. Vua Cao Tông cũng sắc cho Sa-môn Huệ Uy làm Triều tán Đại phu. Vua Trung Tông cũng sắc ngài Huệ Phạm làm Chánh nghị Đại phu. Vua Đường Đại Tông phong cho Sa-môn Bất Không làm Đặc tiến Hồng lô khanh, sau đó lại gia phong thêm là Khai phủ Nghi đồng Tam ty túc Quốc công, hưởng bổng lộc ba ngàn hộ…

Tăng quan là lãnh vực không chỉ dành riêng cho chư Tăng, vì ngay từ rất sớm, đã có sự tham gia của chư Ni. Theo Tỳ-kheo-ni truyện, quyển 2, Phật tổ thống kỷ, quyển 36, Đại Tống Tăng sử lược, quyển trung, vào niên hiệu Thái Thủy năm thứ hai (466), Lưu Tống Minh Đế đã  ban sắc cho Tỳ-kheo-ni Bảo Hiền làm Tăng chánh, quản lý chư Ni ở kinh đô (都邑僧正)43, cúng dường đầy đủ tứ sự và mỗi tháng cấp một vạn tiền. Để hỗ trợ với Bảo Hiền, nhà vua đã sắc phong cho Tỳ-kheo-ni Pháp Tịnh làm Duy na ở kinh đô (京邑都維那)44. Có thể nói, đây là hai vị Tỳ-kheo-ni đầu tiên tham gia vào lãnh vực quản lý Tăng nhân trong thiên hạ.

Cũng lưu ý rằng, với hai vị Tỳ-kheo-ni nêu trên, tuy mang tên gọi là Tăng chánh và Duy na nhưng chỉ có nghĩa là quản lý Ni chúng ở kinh đô, vì cùng thời kỳ này, Lưu Tống Minh Đế đã sắc phong cho ngài Tăng Cẩn làm Thiên hạ Tăng chủ45.

Kết luận

Tăng quan có khởi nguồn từ rất sớm, tuy nhiên tư liệu tại Ấn Độ không đề cập nhiều. Tại Trung Hoa, định chế Tăng quan được tổ chức mô phỏng theo bộ máy nhà nước thế tục, với phẩm trật và lương bổng rõ ràng.

Xuyên suốt thời phong kiến, định chế Tăng quan được thiết lập với tên gọi khác nhau, cách thức tổ chức và quản lý khác nhau. Thế nhưng, điểm chung trong định chế Tăng quan giữa các triều đại phong kiến là thừa nhận vai trò tự trị tương đối của tổ chức Tăng đoàn.

 Vào thời Đông Tấn, Tăng Ni đặt dưới sự quản lý của bộ máy vương quyền. Đến thời ngài Cưu Ma La Thập, từ khi bản kinh Phật thuyết kinh nhân vương Bát-nhã Ba-la-mật do ngài dịch được phổ biến, đã cho thấy rằng, một trong những điều kiện làm cho Phật pháp suy vong là lập quan lại thế tục để quản lý Tăng Ni46. Có lẽ thấy được điều này nên Diêu Hưng, là đệ tử của ngài Cưu Ma La Thập, đã giao việc Tăng cho chư Tăng quản trị, thể hiện ở việc lập ngài Tăng Lược lên làm Tăng chánh, điều hành và quản lý việc của Tăng.

Tuy làm Tăng quan, do tính chất công việc nên phải liên hệ đến đời sống thế tục, thế nhưng các ngài Tăng quan vừa được dẫn ở trên, không những khẳng định phẩm chất đạo đức riêng có của hàng Thích tử, mà còn cho thấy tính chất phụng sự dấn thân, mang dáng dấp của tâm hành Bồ-tát.

Nguồn: GNO

 ________________________

(1) 大正藏第 50 冊 No. 2060 續高僧傳, 卷第二, 釋彥琮.

(2) 大正藏第 54 冊 No. 2126 大宋僧史略, 卷中.

(3) Phật Quang Đại từ điển, tập 4, Thích Quảng Độ dịch, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản, 2000, tr.5043.

(4) Lamotte, Étienne,  History of Indian Buddhism, Paris: Institute Orientaliste Louvain-La-Neuve, 1988, p.213

(5) Cunningham, Alexander, Corpus Inscriptionum Indicarum: Inscriptions of Asoka, Vol. I. Calcutta: Office of the Superintendent of Government Printing,1877. p.68; 118.

(6) M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary, Springfield, VA: Nataraj Books, 2014, p.511.

(7) Thích Tâm Minh, A Dục vương (Ashoka) Cuộc đời và sự nghiệp, NXB. Tôn giáo, 2004, tr.308-309.

(8) Cunningham, Alexander, Corpus Inscriptionum Indicarum: Inscriptions of Asoka, Vol. I. Calcutta: Office of the Superintendent of Government Printing, 1877. p.84;125.

(9) Ibid.

(10) Lamotte, Étienne,  History of Indian Buddhism, Paris: Institute Orientaliste Louvain-La-Neuve, 1988, p.226.

(11) Kinh Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Lớn, kinh Tướng quan Sīha,  NXB.Tôn Giáo, 2005, tr.540. Nguyên văn: Bạch Thế Tôn, con lại bội phần hoan hỷ, bội phần thỏa mãn với những lời Thế Tôn nói với con: “Này Sìha, đã từ lâu gia đình Ông như là giếng nước mưa nguồn cho các người Nigantha. Hãy cúng dường những món ăn cho những ai đến với Ông”. Bạch Thế Tôn, con nghe như sau, Sa-môn Gotama nói: “Chỉ bố thí cho Ta, chớ bố thí cho các người khác. Chỉ bố thí cho đệ tử Ta, chớ bố thí cho đệ tử các người khác. Chỉ bố thí cho Ta mới có phước lớn, bố thí những người khác không có phước lớn. Chỉ bố thí cho đệ tử Ta mới có phước lớn, bố thí cho đệ tử những người khác không có phước lớn”. Nhưng Thế Tôn lại khuyến khích con bố thí cho Nigantha.

(12) Lamotte, Étienne,  History of Indian Buddhism, Paris: Institute Orientaliste Louvain-La-Neuve, 1988, p.227.

(13) King Ashoka and Buddhism, Anuradha Seneviratna Ed. Sri Lanka: Kandy, 1994. p. 50.

(14) Vincent A. Smith, M.R.A.S, Rulers of India: Ashoka- the Buddhist Emperor of India, London: Oxford, 1901, p.119.

(15) Thích Tâm Minh, A Dục Vương (Ashoka) Cuộc đời và sự nghiệp, NXB.Tôn Giáo, 2004, tr.308.

(16) James Prinsep F.S.R., Journal of the Asiatic Society of Bengal, Vol 7, Part 1. Calcutta: 1838, p.252.

(17) Cunningham, Alexander, Corpus Inscriptionum Indicarum: Inscriptions of Asoka, Vol. I. Calcutta: Office of the Superintendent of Government Printing,1877. p 72.

(18) Cunningham, Alexander, Corpus Inscriptionum Indicarum: Inscriptions of Asoka, Vol. I. Calcutta: Office of the Superintendent of Government Printing,1877. p.77.

(19) Lamotte, Étienne,  History of Indian Buddhism, Paris: Institute Orientaliste Louvain-La-Neuve, 1988, p.226.

(20) 大正藏第 50 冊 No. 2059 高僧傳, 卷第二.

(21) 大正藏第 50 冊 No. 2059 高僧傳,卷第六. Ngài Tăng Lược viên tịch vào năm cuối niên hiệu Hoằng Thủy, hưởng thọ 70 tuổi.

(22) 大正藏第 54 冊 No. 2126 大宋僧史略, 卷中. Nguyên văn: 殆姚秦之世. 出家者十室而半.

(23) 大正藏第 50 冊 No. 2059 高僧傳, 卷第八.

(24) 大正藏第 54 冊 No. 2126 大宋僧史略.

(25) 卍新續藏第 77 冊 No. 1521 (古今圖書集成)釋教部彙考, 卷第六.

(26) Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản, tập 2, NXB. KHXH, Hà Nội, 2004, tr. tr. 259.

(27) Theo Lịch đại Tam bảo ký, quyển 9, truyện ngài Na Liên Đề Da Xá, Đạt Ma Xà Na đảm nhận chức Sa-môn đô.

(28) 大正藏第 50 冊 No. 2060 續高僧傳, 卷第二, 闍那崛多. Nguyên văn: 智因僧職轉任俗官, 再授洋州洋川郡守.

(29) 大正藏第 01 冊 No. 0001 長阿含經, 卷第六, 小緣經. Nguyên văn: 為世間法主.

(30) 大正藏第 48 冊 No. 2025 敕修百丈清規, 卷第二.

(31) 大正藏第 50 冊 No. 2059 高僧傳, 卷第七.

(32) 大正藏第 50 冊 No. 2059 高僧傳, 卷第八.

(33) 大正藏第 50 冊 No. 2060 續高僧傳, 卷第五.

(34) 大正藏第 50 冊 No. 2060 續高僧傳, 卷第十.

(35) 大正藏第 50 冊 No. 2059 高僧傳, 卷第六.

(36) Toàn văn các bản thư, tấu giữa Diêu Hưng và các ngài Cưu Ma La Thập, Tăng Lược, Tăng Thiên… hiện bảo lưu tại: 大正藏第 52 冊 No. 2102 弘明集, 卷第十一.

(37) 大正藏第 49 冊 No. 2036 佛祖歷代通載, 卷第七.

(38) 大正藏第 49 冊 No. 2035 佛祖統紀,卷第三十八. Nguyên văn: 景明二年. 詔僧犯殺人依俗格斷. 餘犯悉付昭玄都統. 以內律僧制判之.

(39) 大正藏第 50 冊 No. 2059 高僧傳,卷第六. Nguyên văn: [(丰*力)/石]躬自步行. 車輿以給老疾. 所獲供䘏常充眾用.

(40) 大正藏第 49 冊 No. 2035 佛祖統紀, 卷第三十六; 大正藏第 50 冊 No. 2059 高僧傳,卷第七.

(41) 大正藏第 49 冊 No. 2035 佛祖統紀, 卷第五十一, 沙門封爵.

(42) 大正藏第 49 冊 No. 2036 佛祖歷代通載, 卷第二十二.

(43) 大正藏第 50 冊 No. 2063 比丘尼傳, 卷第二普賢寺寶賢尼傳二十一.

(44) 大正藏第 50 冊 No. 2063 比丘尼傳, 卷第二, 普賢寺法淨尼傳二十二.

(45) 大正藏第 50 冊 No. 2059 高僧傳, 卷第七.

(46) 大正藏第 08 冊 No. 0245 佛說仁王般若波羅蜜經, 卷下. Nguyên văn: 大王. 未來世中一切國王太子王子四部弟子. 橫與佛弟子書記制戒. 如白衣法. 如兵奴法. 若我弟子比丘比丘尼立籍. 為官所使. 都非我弟子. 是兵奴法. 立統官攝僧. 典主僧籍. 大小僧統共相攝縛. 如獄因法兵奴之法. 當爾之時佛法不久.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Vai trò của vua Trần Thái Tông trong việc thiết lập nền tảng cho sự hình thành Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Bên cạnh vai trò là một vị vua hiền về mặt trị quốc, Trần Thái Tông còn được biết đến với tư cách là người đã có vai trò quan trọng trong việc tiếp nối, duy trì và phát triển Thiền tông Việt Nam trong giai đoạn chuyển giao quyền lực Lý –...

Sự thành lập Giáo đoàn Ni Phật giáo
Lịch sử, Nghiên cứu

Hơn hai nghìn năm Giáo đoàn Ni có mặt trên thế gian này, dù trải qua bao biến cố trong những giai đoạn thăng trầm của lịch sử, nhưng những nữ tu sĩ Phật giáo vẫn luôn thể hiện khả năng xuất sắc của giới nữ trong tu tập, hộ quốc an dân và phát...

Đóng góp và giá trị của Tạp chí Viên Âm
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Hoạt động hoằng pháp của tạp chí Viên Âm ở miền trung đã trở thành cơ quan ngôn luận góp phần trong công cuộc chấn hưng Phật giáo… Hoạt động hoằng pháp của Tạp chí Viên Âm ở miền trung đã trở thành cơ quan ngôn luận góp phần trong công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt...

Vài nét về âm nhạc Phật giáo
Nghiên cứu, Văn hóa

Âm nhạc là lĩnh vực không được nói đến nhiều trong Phật giáo, càng không phải lĩnh vực được đề cao và khuyến khích, ít nhất là trong Phật giáo thời kỳ đầu. Điều này không có gì lạ, vì theo truyền thống Phật giáo, âm nhạc là thứ đức Phật khuyên dạy những đệ...

Về tên gọi Thượng Tọa và Thượng Tọa Bộ trong các nguồn tư liệu Phật giáo Trung Hoa
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

VỀ TÊN GỌI THƯỢNG TOẠ (STHĀVIRA, THERA) VÀ THƯỢNG TOẠ BỘ (STHĀVIRAVĀDA) TRONG CÁC NGUỒN TƯ LIỆU PHẬT GIÁO TRUNG HOA (Sthavira, Thera and ‘*Sthaviravāda’ in Chinese Buddhist Sources)  của Max Deeg THÍCH NHUẬN CHÂU dịch Lời người dịch Bhikkhu Sujato, vị tỉ-khưu uyên bác người Úc châu, đã dịch bốn bộ Nikāya từ tiếng Pāli sang tiếng Anh. Bhikkhu...

Văn bản Giải Địa Tạng Kinh của Hương Hải Thiền sư
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt Địa Tạng kinh giải thích Hoa ngôn đây là một trong 20 tác phẩm dịch Nôm lớn của Hương Hải thiền sư, được nhắc tới trong Hương Hải Ngữ Lục và trong Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn với tên gọi là Giải Địa Tạng kinh. Đây là tác phẩm dịch...

Khảo sát “Pháp Bảo Đàn Kinh giải” ở chùa Linh Quang Điều Hạ, Hải Phòng
Nghiên cứu

Pháp bảo đàn kinh giải của Hương Hải Thiền sư, là một tác phẩm diễn Nôm có giá trị về nhiều mặt. Qua khảo sát sơ bộ văn bản tại Linh Quang tự có thể thấy đây là một bản dịch từ Hán sang chữ Nôm theo thể văn xuôi. Tóm tắt: Trong quá trình...

Nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng và ý nghĩa biểu tượng cổ – Bát bảo (P.1)
Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu

Phật giáo tại Tây Tạng có sức chú trọng vào các nghi lễ, thực hành thần bí cùng các biểu tượng cát tường có sức mạnh siêu linh. Đối riêng với nghệ thuật biểu tượng học Phật giáo, nổi bật hơn cả với đại chúng là tại Tây Tạng. Phần I. Bát bảo nói chung...

Hệ Phái Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam
Lịch sử, Nghiên cứu

Bài viết ngắn nầy chỉ nhằm phác họa lại sơ lược về sự thành hình và phát triển của Hệ Phái Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam hồi giữa thế kỷ thứ mười chín. Giáo hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam được Đức Tôn Sư Minh Đăng Quang sáng lập năm 1944. Giáo Hội được sáng lập trong giai đoạn suy đồi của Phật giáo Việt Nam. Đức Tôn Sư đã khéo léo phối hợp giữa hai truyền thống giáo lý Nam...

Các thiền sư thời Lê sơ và sự nỗ lực chấn hưng truyền thống văn hóa dân tộc Đại Việt
Lịch sử, Nghiên cứu

Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước, đánh bạt âm mưu xâm lược, nô dịch văn hóa của thế lực phương bắc ngay từ những thế kỷ đầu. Tóm tắt Phật giáo thời Lê sơ (1428 – 1527) tuy ít được triều đình...

Sự hình thành Đại thừa
Lịch sử, Nghiên cứu

Phong trào phát triển một đường lối Phật Giáo mới, về sau nầy được gọi là Mahayana (Đại thừa), bắt đầu thành hình trong thời gian 250 năm, từ năm 150 TCN đến 100 CN, là kết quả tích tụ của nhiều phát triển vốn có từ trước. Nguồn gốc của nó không liên hệ...

Chúa Nguyễn Hoàng (1525 – 1613) với đạo Phật
Lịch sử, Nghiên cứu

Việc Nguyễn Hoàng cho xây dựng và tu sửa những ngôi chùa trên đất Thuận Quảng đã làm cho Phật giáo ngày càng lan rộng ảnh hưởng trong đời sống xã hội, từ chốn cung nội ra khắp dân gian. Chúa Nguyễn Hoàng sinh ngày 28/8/1525, còn gọi là Chúa Tiên, vị chúa Nguyễn đầu...

Khảo cứu Nghi lễ Vu Lan trong không gian văn hóa Phật giáo Thừa Thiên Huế
Nghiên cứu, Văn hóa

Nghi lễ Vu Lan Bồn còn là một pháp hội thù thắng và có tính phổ cập nhất trong Phật Giáo Việt Nam và có sự ảnh hưởng rất lớn về văn hóa sống, đạo đức làm người trong xã hội Việt Nam nói chung và Huế nói riêng. Phật giáo du nhập và phát...

Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Phật giáo thời Lý
Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu

Tóm tắt: Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, tư tưởng từ bi, vị tha của Phật giáo nhanh chóng được cư dân bản địa tiếp thu và trở thành tâm thức của người Việt, đa phần người dân Việt Nam điều tôn sùng Phật giáo. Thời Lý là một trong những thời...

Chúa Nguyễn Phúc Chu và hai bảo vật quốc gia chùa Thiên Mụ
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Bia “Ngự kiến Thiên Mụ tự” của chúa Nguyễn Phúc Chu là hiện vật gốc độc bản – một trong số những di vật hiếm hoi thời chúa Nguyễn còn giữ được gần như nguyên vẹn, có nhiều giá trị về mặt mỹ thuật. Chúa Nguyễn Phúc Chu (Quốc Chúa) (1691-1725) là vị chúa thứ...

Biểu tượng hoa sen trong trang trí chùa ở Huế
Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu, Văn hóa

PHẦN MỞ ĐẦU Đã là công dân nước Việt thì dù có ở đâu đi chăng nữa mà khi nghe ai đó nhắc nhắc đến sông Hương, núi Ngự thì mỗi người con đất Việt đều nghĩ ngay đến một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, thơ mộng và hoài cổ. Nơi mảnh đất thần...