Ai cũng biết, thiền định là cốt tủy của pháp hành trong Phật giáo. Muốn chuyển hóa phiền não, thanh tịnh thân tâm, thăng hoa tuệ giác cần phải thực hành thiền định, tinh chuyên Chỉ và Quán. Để vào sâu thiền định, hành giả phải từng bước chuyển hóa và đoạn trừ năm triền cái (ngũ cái), tức năm món trói buộc và ngăn che: Tham dục, Sân nhuế, Thùy miên, Trạo hối và Nghi. Tâm của chúng ta luôn bị năm triền cái này chi phối, chướng ngại, khiến cho các pháp bất thiện dấy khởi, không thể thành tựu định và tuệ.
Bước đầu hành thiền cần thực hiện điều hòa thân, điều hòa hơi thở. Tiếp theo là an trú chánh niệm, phát huy thiền Chỉ và thiền Quán, thành tựu năm thiền chi (Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc và Nhất tâm) để lần lượt đoạn trừ năm triền cái.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nay Ta sẽ thuyết về bất thiện tụ. Các Thầy nên khéo nghĩ nhớ.
Các Tỳ-kheo đáp:
– Xin vâng, Thế Tôn!
Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy. Thế Tôn bảo:
– Thế nào gọi là bất thiện tụ? Nghĩa là năm món che đậy (ngũ cái). Thế nào là năm? Tham dục cái, sân nhuế cái, thùy miên cái, điệu hý cái, nghi cái. Đó gọi là ngũ cái. Muốn biết bất thiện tụ thì đây gọi là ngũ cái. Vì sao thế?
Tỳ-kheo nên biết! Nếu có ngũ cái này, liền có phần súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Các pháp bất thiện đều từ đây khởi lên. Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy tìm phương tiện diệt tham dục cái, sân nhuế cái, thùy miên cái, điệu hý cái, nghi cái. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm 32.Thiện tụ,
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.197)
Suy nghiệm:
Để chuyển hóa tâm tham muốn về năm trần cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc), hành giả cần quán sát về tính vô thường, vô ngã của chúng. Bản thân mình có thể chết bất cứ lúc nào, các sự vật và hiện tượng khác cũng liên tục thay đổi. Quán sát về sự nguy hiểm của các dục, nhờ đó mà xả buông, lắng dịu các dục, thành tựu ly tham.
Khi tâm có sân hận, hành giả cần làm lắng dịu hay giập tắt. Rải tâm từ, quán sát về sự nguy hại của sân hận, tư duy cách nào đó để tâm hoan hỷ sinh. Lòng bi mẫn, hoan hỷ và tha thứ phát sinh thì sân hận được chuyển hóa.
Khi hành thiền, nếu mất chánh niệm thì dễ dàng rơi vào hôn trầm thùy miên (buồn ngủ, dã dượi, dật dờ). Cần điều hòa thân, điều chỉnh tư thế, tăng cường tỉnh giác, chú tâm vào đề mục thì hôn trầm sẽ tan biến. Đức Phật đã chỉ ra 8 cách chuyển hóa hôn trầm cụ thể: “Khi có hôn trầm thì chớ tác ý đến tưởng ấy, tư duy các pháp đã được nghe, tụng đọc, kéo hai lỗ tai và xoa bóp chân tay, đứng dậy lấy nước rửa mặt, tác ý tưởng ánh sáng, đi kinh hành, nằm nghỉ một lát”.
Trạo cử (điệu hí, trạo hối) là tâm dấy khởi không dừng khiến hành giả không trú niệm vào đề mục. Để lắng dịu trạo cử, hành giả phải tăng cường chú tâm vào đề mục, phát huy chánh niệm cao độ. Duy trì sự chú tâm và chánh niệm thường trực thì trạo cử sẽ lắng yên. Ngoài ra, một lối sống đầy đủ về giới, thiểu dục, tri túc và biết ơn cũng giúp cho hành giả bớt lăn tăn, trạo cử.
Nghi ngờ là tâm lý thường gặp, gây ra sự bất ổn, thiếu quyết định, loạn động. Trong quá trình hành thiền, vì gặp các trở ngại nên có nhiều mối nghi xuất hiện. Nghi ngờ về pháp, về thầy, về bản thân v.v…, nói chung nghi ngờ là do chưa thành tựu Chánh kiến. Hành giả cần phát huy Chánh tư duy và Chánh kiến để nhận ra con đường và đích đến của sự hành thiền. Từ đó mới có thể buông xả tất cả loạn động, nghi ngờ, tin sâu vào sự thực tập.
Thế Tôn đã xác định, năm triền cái có mặt thì “liền có phần súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục”, “các pháp bất thiện khởi lên” nên người tu cần phải từng bước chuyển hóa và đoạn diệt mới có thể thành tựu định và tuệ.
Quảng Tánh