Hương trầm phảng phất quyện theo tiếng chuông ngân xa từ mái chùa rêu phủ nằm ẩn mình dưới rặng cây xanh nơi thanh vắng khiến bao tâm hồn khô héo về kiếp khổ đau nhân thế trở nên tươi tỉnh, thư thái, hân hoan lần theo từng bước đi trong nếp sống yên tịnh, đạm bạc.

Cuộc sống những nơi như vậy thoảng nhìn chỉ là sinh hoạt thường nhật: quét rác, lau dọn, bửa củi, nấu cơm, đóng chuông, tụng kinh, ngồi thiền, niệm Phật và học thuộc lòng vài bài kinh, luật nhật dụng… nhưng lại là nơi xuất thân của nhiều Cao tăng, Thạc đức, thành công trong sự nghiệp đem đạo vào đời, làm hưng thịnh Phật giáo ở Thế gian, mà Thiền môn vẫn nghiêm tịnh, thanh tu. Phải chăng môi trường và phương pháp giáo dục nơi đây không chỉ là nơi tu dưỡng, hun đúc lý tưởng xuất trần mà còn đào tạo nhân tài?

Sinh hoạt hàng ngày trong Thiền môn như ở nước ta trông thật đơn giản: Mỗi sáng thức dậy đóng chuông, tụng kinh, quét rác, v.v… làm đến chiều tối, rồi ngồi thiền trước khi ngủ.

Giờ cầm sách học rất ít. Kinh nhật tụng và bộ luật trường hàng (gồm bốn quyển: Tỳ-ni, Sa-di, oai nghi, cảnh sách) chữ Hán phải học thuộc lòng, có nơi bắt phải học thuộc đến khi đọc xuôi, đọc ngược được mới thôi. Sách đọc tham khảo không có. Kinh bộ chỉ dành cho quý Tỳ- kheo học ở những trường Hạ vào mùa an cư hằng năm theo phương pháp gia giáo, chữ đâu nghĩa đó. Người học nghe dịch và giảng xong, trùng tuyên lại. Chương trình giáo dục truyền thống cho cả đời tu học của người xuất gia tính ra số kinh bộ đọc hiểu chỉ mất thời gian một năm đối với sinh viên đại học, bài học thuộc lòng chỉ mất một tháng đối với học sinh phổ thông, việc làm chỉ mất một ngày đối với cư sĩ trung niên. Song, sinh hoạt Thiền môn không đơn giản như vậy.

Ở đời, công việc đơn giản là công việc, những gì được thực hiện chỉ là hoàn tất công việc, với người học Phật thì công việc không đơn giản chỉ là công việc mà những gì được thực hiện là để hoàn thiện hành vi, điều phục tâm mình, hướng đến mục đích giác ngộ giải thoát.

Ngay khi mới vào chùa, thực tập đời sống xuất gia còn gọi là hành điệu, người học đạo bắt đầu bằng việc học quét chùa với bài kệ: Cần tảo già-lam địa, thời thời phước huệ sanh. Tuy vô tân khách chí, diệc hữu Thánh nhơn hành. Tạm dịch: Siêng năng quét dọn sân chùa, ngày ngày được phước lại vừa thông minh. Hoặc không khách đến nghe kinh, cũng thì Hiền Thánh ẩn mình dạo chơi.

Bài kệ bốn câu âm Hán, mới nghe qua ai cũng thuộc liền và đọc nhẩm mỗi khi cầm chổi quét. Nhờ vậy, sân chùa được quét sạch sẽ, không còn sót nhiều lá rụng, những vết chổi ngoằn nghèo trên đất dần dần thẳng đều và đến lúc không còn dấu chổi, đá gạch nằm lổm chổm trên lối đi được xếp ngay ngắn nằm ở góc sân hay dưới gốc cây.

Thời hành điệu như vậy chắc chắn được phước, nhiều hay ít tùy theo việc đã làm. Song trí huệ sanh hay không thì không phải ở số lượng công việc mà là ở nhận thức, tu chứng. Lúc đầu, ai cũng phấn khởi vì học thuộc bài kệ quét rác nhanh hơn so với Bàn-đặc trong Kinh A-di-đà Sớ Sao của Tổ Chu Hoằng thuật, mất đến tám năm mà vẫn học không thuộc. Sau cùng, thì niềm tự hào đó khó có ai giữ được, nó tan biến theo năm tháng quét rác. Bởi vì, Bàn- đặc trong kinh này đã ngộ đạo nhờ học thuộc chỉ hai chữ Tảo Chửu (chổi quét) do đức Phật dạy và đã chứng quả A-la-hán. Còn chúng ta thì học càng ngày càng nhiều, nhưng kết quả thì ngược lại.

Mẩu chuyện Bàn-đặc chứng Thánh quả là một trong những phương pháp giáo dục đặc biệt của Thiền môn. Trong giáo pháp đức Phật, dù căn trí chậm lụt như Bàn-đặc vẫn học và tu chứng Thánh.

Trong Tích truyện Pháp cú (Buddhist Legends của Eugene Watson Burlingame, TV. Viên Chiếu dịch), Bàn-đặc được kể ở đây chỉ mất bốn tháng học một bài kệ không thuộc. Đức Phật đổi phương pháp dạy, đưa cho Bàn-đặc một chiếc khăn sạch và dạy vừa lau vừa nói: “Tẩy sạch dơ bẩn, tẩy sạch dơ bẩn”. Bàn- đặc nhận khăn và làm đúng như lời Phật dạy. Chiếc khăn sạch ban đầu dần dần bị nhớp nhúa, Bàn-đặc đã ngộ ra các pháp vô thường, tiếp tục chuyên chú vào sự biến dị này, trí tuệ khai mở. Ngay lúc đó đức Phật dạy: “Đừng nghĩ rằng chỉ mảnh vải ấy trở thành cáu bẩn mà ngay trong tâm ông tham ái, bất tịnh và những cấu uế khác cũng đầy rẫy. Ông hãy tẩy sạch chúng đi”. Trong một buổi sáng, Bàn- đặc đã tu chứng A-la-hán, thần thông đầy đủ, thông suốt cả ba tạng kinh điển.

Mẩu điển hình khác là chuyện Ngũ tổ Hoằng Nhẫn dạy cho Huệ Năng bửa củi, giã gạo ở nhà trù chùa Đông Thiền, Trung Quốc. Huệ Năng không biết chữ, người ốm yếu, giã gạo phải đeo đá để tăng trọng lượng đứng trên chày, làm ròng rã tám tháng trời. Một hôm Ngũ Tổ đến bên hỏi: “Gạo trắng chưa?” Huệ Năng đáp: “Đã trắng nhưng chưa có sàng”. Tổ lấy gậy gõ xuống cối ba cái, rồi bỏ đi. Hiểu được ý, nửa đêm Huệ Năng vào phòng Tổ, được học kinh Kim Cang, ngộ đạo và được phú pháp, truyền y bát trở thành Lục Tổ.

Phương pháp giáo dục như đức Phật dạy cho Bàn-đặc, Ngũ Tổ dạy cho Lục Tổ được áp dụng trong Thiền môn từ xưa đến ngày nay. Mọi sinh hoạt thường nhật đều có bài kệ kèm theo để người học Phật tu tập và đã trở thành luật như Tỳ-ni Nhật dụng Thiết yếu. Quyển luật này do ngài Độc Thể (1601- 1679) sống vào cuối nhà Minh đầu nhà Thanh bên Tàu biên soạn, và HT. Trí Quang dịch là Những điều nhật dụng thiết yếu của giới luật gồm 51 bài xếp theo số thứ tự. Trong đó, 45 bài đầu là kệ và chú tiêu biểu cho những sinh hoạt thường nhật của người xuất gia. Sáng sớm thức dậy đọc bài kệ số 1 – Tảo giác: Thụy miên thỉ ngộ, đương nguyện chúng sanh, nhất thế trí giác, châu cố thập phương. (Ngủ nghỉ mới thức, nên nguyện chúng sanh, tất cả trí giác, nhìn khắp mười phương). Và khi ngủ nghỉ thì đọc kệ số 37 – Thụy miên: Dĩ thời tẩm tức, đương nguyện chúng sanh, thân đắc an ẩn, tâm vô loạn động. (Ngủ nghỉ theo giờ, nên nguyện chúng sanh, thân được yên ổn, tâm không loạn động). Mỗi động niệm đều gắn liền với bài kệ để giữ tâm không buông lung, luôn ở trong chánh niệm, phát bồ-đề nguyện và hành bồ- tát hạnh.

Tỳ-ni Nhật dụng Thiết yếu là quyển đầu trong bộ luật trường hàng dành cho những người xuất gia tập sự phải học thuộc và thực hành trước khi thọ Cụ túc giới, trở thành người xuất gia thực sự. Vì có tính thiết yếu và nhật dụng nên Tỳ-ni được người xuất gia học Phật áp dụng trọn đời.

Khoảng hai mươi năm trước, ai muốn học quyển sách này thì phải ghi lại từ bản chép tay của những vị học trước hoặc may mắn thì chép được từ bản gốc in trước năm 1975. Trong chùa, chỗ nào cần phải đọc kệ thì thường thấy có dán sẵn câu kệ ở đó, ngay cả nhà xí, nơi rửa tay… để nhắc nhở mọi người giữ chánh niệm, lìa tham sân si. Nên khi nhìn thấy mẩu giấy nhỏ dán trên tường được đóng khung ngay ngắn thì ai cũng nhớ ngay bài kệ đó là gì và từng dòng chữ tái hiện trong đầu.

Trong Nẻo vào Thiền học, Thiền sư Nhất Hạnh đã khẳng định, quyển Tỳ-ni Nhật dụng Thiết yếu này “chính là bản thân của Thiền học và tinh hoa của đạo Phật”, và chứng minh điều này qua mẩu đối thoại giữa đức Phật và một giáo chủ ngoại đạo:

– Nghe nói đạo Phật là đạo giác ngộ, vậy phương pháp của đạo Phật thế nào? Các ngài làm gì mỗi ngày?

– Chúng tôi đi, đứng, nằm, ngồi, tắm, giặt, ăn, ngủ…

– Phương pháp đó nào có chi đặc biệt đâu? Ai lại không đi, đứng, nằm, ngồi, tắm, giặt, ăn, ngủ?

– Ðặc biệt lắm chứ, thưa ngài. Khi chúng tôi đi, đứng, nằm, ngồi, tắm, giặt, ăn, ngủ thì chúng tôi biết là chúng tôi đi, đứng, nằm, ngồi, tắm, giặt, ăn, ngủ. Còn khi những người khác đi, đứng, nằm, ngồi v… thì họ không ý thức được là họ đang đi, đứng, nằm, ngồi…

Đạo giác ngộ bắt đầu từ những sinh hoạt thường nhật giản dị, không hình thức cầu kỳ như vậy, nhưng chứa đựng phương pháp tu học cốt tủy của đạo Phật – đó là chánh niệm. Sinh hoạt như vậy có từ thời đức Phật, đã phổ biến trở thành nếp sống trong Thiền môn. Trong nếp sống này, những công việc thường nhật, những lời dạy vắn tắt và phong cách của người Thầy đã giúp cho người học Phật dễ dàng bỏ những thói quen sống ở đời, sớm hòa nhập vào chốn đạo, ngõ hầu đạt đến mục đích xuất gia.

Ngày nay, sinh hoạt Thiền môn không còn thuần nhất như xưa nữa, nếp sống truyền thống đang bị ảnh hưởng bởi thời đại văn minh vật chất. Tu học truyền thống là gia giáo, thầy truyền trò, tâm truyền tâm, chú trọng chiều sâu. Tu học hiện đại theo trường lớp, vừa học Phật học vừa học thế học, một người thuyết giảng nhiều người nghe, chủ yếu kiến thức mở rộng.

Trong Thiền môn ngày càng nhiều việc, đòi hỏi chuyên môn, phân công làm: trụ trì tiếp tăng độ chúng, giảng sư hoằng pháp, giáo thọ đứng lớp dạy học, v.v… Nếp sinh hoạt truyền thống dần dần thu hẹp lại, chức năng gia giáo trong Thiền môn giảm dần, sinh hoạt hiện đại mở rộng ra. Nhiều chùa ngày nay được xây dựng nhiều tầng, mái cao, có thể nhìn thấy từ xa, trước cổng có bảng hiệu, địa chỉ và chức năng chuyên môn nhằm phục vụ cho sự nghiệp hoằng pháp, độ sanh, độ tử mau chóng, dễ dàng. Cũng bắt nhịp từ thực tế đó, các trường Phật học vừa dạy nội điển vừa dạy ngoại điển hoặc đưa ra trường ngoài học thế học, hoặc xuất dương du học để cung cấp nhân lực có trình độ chuyên môn cao cho nhu cầu phong phú, đa dạng trong thực tế.

Chủ trương đạo Phật “nhập thế” được khai thác triệt để. Thiền môn mở cửa phục vụ quần chúng tối đa, trở thành cơ sở sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa, xã hội và kinh tế nhộn nhịp. Thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin được ứng dụng hầu hết trong mọi sinh hoạt. Thực tế như vậy chúng ta không thể chối bỏ, không thể chống lại mà phải đón nhận xu hướng phát triển và hội nhập đó trong thế chủ động, tùy duyên bất biến, không bị hòa tan. Có như vậy Thiền môn không bị hoen ố, ánh đạo mới được thế nhân tôn thờ và mang về thắp sáng nhân gian, mới mong thế giới an lạc, Thiền môn vẫn giữ nếp sống tự muôn đời.

Hoàng hôn buông xuống, tiếng chuông ngân lên, tất cả chìm vào bóng đêm, không gian thu hẹp lại trong một đốm lửa hồng, rồi tan theo làn hương hóa thân giữa trời sao mênh mông…

HƯƠNG SƠN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Triết học cho giáo dục gia trong thế giới cuồng loạn
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

“Chúng ta đang thiếu tinh thần công cộng và lòng ái quốc chân chánh ngay bây giờ. Chúng ta còn đang mưu cầu lợi ích cá nhân, gia đình quá nhiều. Nếu mưu lợi này được thỏa mãn, xin đừng nhân danh này, nọ đến mọi người, khi sự việc bất hạnh xảy đến họ....

Thiền Trúc Lâm Yên Tử – Dòng thiền Việt Nam
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Xuất phát từ dân tộc Việt, với đặc thù riêng, không như các thiền phái khác, thiền Trúc Lâm Yên Tử là dòng thiền Việt Nam. Lịch sử Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Thiền phái Trúc Lâm xuất hiện cách chúng ta hơn 8 thế kỷ. Do sử liệu Thiền tông Việt Nam bị...

Vua Phật Việt Nam
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

(Đề tài tham luận Hội thảo: “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Thiền phái Trúc Lâm” Do trường Đại Học Quốc Gia Hà Nội tổ chức ngày 27/11/2016 tại Thiền viện Sùng Phúc) Đã hơn bảy thế kỷ trôi qua từ khi Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông viên...

Họ Thích những vấn đề lịch sử
Điểm nhìn

Việc sử dụng chữ Thích làm tộc danh cho người xuất gia, lâu nay nhiều người cho rằng do Thích Đạo An (312-385, Tây Tấn Trung Quốc) thiết định ra, và như vậy danh xưng đó là một sản phẩm của Phật giáo Trung Quốc, còn Việt Nam ta thì “bắt chước” theo. Phải chăng đây...

Khảo sát về nguồn gốc của nghi lễ tấn hương
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Tập tục tấn hương qua các mục thảo luận trên chúng ta thấy có rất nhiều thuyết khác nhau, nhưng rõ và gần nhất là về câu chuyện của ngài Sa Môn Thích Chí Đức ở chùa Thiên Hỷ tại Kim Lăng vào đời nhà Nguyên được ghi chép trong “Đại Minh Cao Tăng truyện”....

Chuyện vua Minh Mạng với những lần ghé chùa Thiên Mụ
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Minh Mạng là vị vua thứ hai của vương triều Nguyễn, giữ ngôi từ năm 1820 đến năm 1840. Ông nổi tiếng thông minh giỏi giang, quyết đoán và siêng năng. Ở mọi lĩnh vực của đất nước từ nội trị đến ngoại giao đều có dấu ấn trị vì của nhà vua. Đại Nam...

Động và tĩnh – Triết lý sống trong bài thơ “Dụng chân tâm” của Trần Thánh Tông
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Dụng chân tâm không chỉ đơn thuần là một bài thơ thiền sâu sắc mà còn là một lời nhắc nhở giản dị về lối sống hài hòa giữa động và tĩnh. Hãy để bài thơ này trở thành kim chỉ nam cho cuộc sống của chúng ta, dẫn dắt chúng ta tìm thấy sự...

Trong thời đại chiến tranh, cộng đồng Phật giáo sẽ làm gì?
Điểm nhìn

Đã đến lúc vượt qua những hạn chế của chính trị và không nhận ra sự ràng buộc và nỗi buồn lớn lao. Này hỡi những phật tử, các bạn không nghe thấy tiếng la hét và tiếng kêu la của hàng xóm chúng ta xuyên thấu bầu trời sao? Báo cáo của Viện Nghiên...

Giới thuyết về Thiền uyển tập anh
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Trích yếu: Thiền uyển tập anh là bộ sử Phật giáo quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Thiền uyển tập anh tập hợp các tiểu truyện thiền sư trong khoảng gần 1000 năm lịch sử, hàm chứa các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa, tôn giáo của Việt Nam từ...

Ảnh hưởng của Phật giáo thời Lý đến các lĩnh vực giáo dục, văn học và phong tục tập quán của người Việt
Lịch sử, Văn hóa - Xã hội

Phật giáo thời Lý có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các lĩnh vực giáo dục, văn học và phong tục tập quán của người Việt góp phần tạo nên bản sắc dân tộc ta trong giai đoạn nhà Lý trị vì. Tóm tắt: Khi đề cập đến sự tín ngưỡng tâm linh của người Việt thì...

Hai bảo vật quốc gia ở chùa Sùng Khánh và chùa Bình Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Vị Xuyên – Hà Giang không chỉ nổi tiếng về phong cảnh thiên nhiên phong phú, nhiều phong tục tập quán, văn hóa truyền thống và những di tích lịch sử mang đậm nét bản sắc dân tộc, mà còn nhiều điểm du lịch tâm linh như: Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, đền thờ...

Chủ nghĩa Platon và giáo lý đạo Phật
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Thời đó, khoa học chưa phát triển, máy móc còn thô sơ nhưng họ hướng tới sự tìm tòi thế giới, bản tính con người một cách sâu sắc. Phật pháp ở thế gian, không xa sự giác ngộ của thế gian, tuy hai nền triết học khác nhau nhưng đều chung tư tưởng giúp...

Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian qua trường hợp Thiền sư Từ Đạo Hạnh
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian ở vùng đồng bằng sông Hồng qua trường hợp thiền Sự Từ Đạo Hạnh đã tạo nên hỗn hợp Phật – Thánh mang tính quy chuẩn từ kiến trúc không gian thờ tự cho đến nội dung tôn giáo, trở thành một tổng thể tương đối...

Sự kiện lịch sử của Phật giáo Việt Nam
Điểm nhìn, Sự kiện

Sau khi đất nước được độc lập và hòa bình, thống nhất Phật giáo là nguyện vọng của tất cả Tăng Ni, Phật tử trong cũng như ngoài nước. Lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, các tổ chức, giáo hội, hệ phái có mặt ở nước ta đã cùng một ý...

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên… Tín ngưỡng thờ...

Giữa Tâm Bão Xã Hội: Phật Giáo và Con Đường Tỉnh Thức
Điểm nhìn

Trong thế giới hiện đại, khi sự ồn ào của mạng xã hội và sự chuyển động không ngừng của truyền thông làm khuấy đảo tâm trí con người, Phật giáo dường như đang bị đẩy vào một vở kịch xã hội đầy rẫy những diễn đàn tranh luận vô nghĩa. Người ta nhìn nhận...

Ads Blocker Image Powered by Code Help Pro

Đã phát hiện trình chặn quảng cáo!!!

Chúng tôi đã phát hiện thấy bạn đang sử dụng tiện ích mở rộng để chặn quảng cáo. Vui lòng hỗ trợ chúng tôi bằng cách vô hiệu hóa các trình chặn quảng cáo này.