NHẬP TRUNG QUÁN LUẬN
Nguyệt Xứng
(Candrakīrti, 560-640)
TÀI LIỆU GIÁO KHOA TU HỌC
Huynh Trưởng bậc Lực Gia Đình Phật Tử Việt Nam
THÍCH NHUẬN CHÂU
biên dịch
LỜI DẪN
Nhập Trung quán, là đi vào tinh thần Trung đạo, siêu việt các cực đoan có, không, như trong bài kệ Bát bất của Long Thụ. Đó cũng là tinh thần Bất nhị trong Kinh Duy-ma-cật, là Tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sinh trong công hạnh của hàng Bồ-tát.
Bộ Luận nầy giúp cho người Huynh Trưởng GĐPTVN có những bước đi cụ thể sau khi đã phát nguyện làm Huynh Trưởng, phát Bồ-tát tâm bằng chí nguyện ‘Đào luyện Thanh Thiếu Đồng niên …’, tức là đi trên con đường thực hành Bồ-tát đạo, như Thiện Tài đã đi, trên con đường cầu học 52 Thiện tri thức để thành tựu sở nguyện của mình, theo lời chỉ dạy của Đại Trí Văn-thù-sư-lợi.
Nội dung của bộ Luận được cấu trúc theo nội dung của Thập địa, tức 10 giai vị (địa, bhūmi) tu đạo của hàng Bồ-tát. Thập địa tương ưng với Thập ba-la-mật-đa trong Thập địa kinh:
– Sáu địa đầu tiên tương ưng với Sáu ba-la-mật (Bố thí, Trì giới, An nhẫn, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ).
– Địa thứ 7. Phương tiện ba-la-mật-đa (方便波羅蜜多, upāya-pāramitā): Sự toàn hảo trong lúc dùng các phương tiện (giáo hóa). Tương ưng Viễn hành địa.
– Địa thứ 8. Nguyện ba-la-mật-đa (願波羅蜜多, praṇidhāna-pāramitā): lòng quyết tâm, ý nguyện thực hiện toàn hảo. Tương ưng Bất động địa.
– Địa thứ 9. Lực ba-la-mật-đa (力波羅蜜多, bala-pāramitā): sự toàn hảo của năng lực. Tương ưng Thiện huệ địa.
– Địa thứ 10. Trí ba-la-mật-đa (智波羅蜜多, jñāna-pāramitā): sự toàn hảo của trí lực. Tương ưng Pháp vân địa.
Trong các bộ Kinh Đại thừa, Huynh Trưởng GĐPTVN đã hiểu rõ về Lục độ, tức Sáu ba-la-mật. Nay tiến thêm 1 bước, Luận nầy sẽ giúp cho Huynh Trưởng GĐPT con đường thể nhập, tức thực hành chi tiết để sống đạo.
Cụ thể, để thâm nhập tư tưởng Trung đạo của Bồ-tát Long Thụ, thì người Huynh Trưởng GĐPTVN tu tập theo hạnh Bồ-tát, như trong Kinh Thập địa, 1 phần độc lập trong Kinh Hoa Nghiêm, nói về trình tự thứ lớp tu tập, từ thấp đến cao của hàng Bồ-tát, từ Sơ địa, cho đến Thập địa, cho đến Đẳng giác, Diệu giác, thành Chánh đẳng giác, tức thành Phật.
Nguyên bộ luận gồm 329 bài kệ tụng. Mỗi bài tụng gồm 4 câu. Trong tập sách nầy chúng tôi sẽ giới thiệu các bài kệ tụng bằng tiếng Hán và Anh ngữ. Phần tiếng Hán chúng tôi dùng bản dịch Nhập Trung luận tụng của Pháp sư Pháp Tôn. Phần tiếng Anh chúng tôi dùng bản Introduction to the Middle Way của Khyentse Foundation do Alex Trisoglio biên tập vào năm 2003.
Với lý tưởng giáo dục thế hệ trẻ bằng tinh thần Phật pháp, xin nguyện góp phần tư lương, chất liệu để cống hiến cho ngôi nhà Lam thêm vững chãi, cho Phật pháp được quang huy.
THÍCH NHUẬN CHÂU
Thiền viện Toàn Giác, cuối thu 2019
I. DẪN NHẬP
A/ TRUNG QUÁN LUẬN VÀ LONG THỌ
Long Thọ (s: Nāgārjuna; 150-250) 龍 樹; Nāgārjuna; dịch âm là Na-già Át-thụ-na – Một trong những luận sư vĩ đại nhất của lịch sử Phật giáo vào thế kỷ I-II. Lịch sử đánh giá sự xuất hiện của ngài là lần chuyển pháp luân thứ hai của Phật giáo (lần thứ nhất do Phật Thích-ca, lần thứ ba là sự xuất hiện của giáo pháp Tan-tra). Ðại thừa Ấn Ðộ xếp ngài vào ‘Sáu Bảo trang của Ấn Ðộ’ (năm vị khác là Thánh Thiên [Āryadeva], Vô Trước [Asaṅga], Thế Thân [Vasubandhu], Trần-na [Diṅnāga], Pháp Xứng [Dharmakīrti]).
Trong tranh tượng, ngài là vị duy nhất sau Đức Phật được trình bày với chóp trên đỉnh đầu (肉 髻; nhục kế; uṣnīṣa), một dấu hiệu của một Ðại nhân (mahāpuruṣa).
Ngài là người sáng lập Trung quán tông (Mādhyamika). Có rất nhiều tác phẩm mang danh của ngài nhưng có lẽ được nhiều tác giả khác biên soạn. Những trứ tác được xem là quan trọng nhất và đích thân ngài soạn gồm có (Căn bản) Trung quán luận tụng, 27 chương với 400 câu kệ, Thập nhị môn luận, Ðại trí độ luận…
Ngài cũng là Tổ thứ 14 của Thiền tông Ấn Ðộ. Truyền thống Tan-tra cũng xếp ngài vào 84 vị Ma-ha Tất-đạt (mahāsiddha).
Công lớn của ngài là hệ thống hoá các tư tưởng được nêu lên trong Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh (Pnajñāpāramitā-sūtra) và đào sâu các tư tưởng đó. Ngài phát triển một phương pháp biện chứng (e: dialectic) rất đặc biệt, siêu phàm và nương vào đây chỉ rõ những nhược điểm, những điểm sơ suất không thống nhất trong một lí thuyết mà chính đối thủ đưa ra.
Từ sự nhận thức rằng, một sự thật chỉ tồn tại bởi sự hiện diện của cái đối nghịch, ngài cho rằng các pháp đều tương đối, không có gì bất biến trường tồn nằm sau sự vật, tất cả đều là Không (śūnyatā).
Ngài bác bỏ mọi quan điểm cực đoan, và đây chính là điểm xuất phát của tư tưởng Trung đạo (Mādhyamāpradipadā), giáo lí căn bản của Trung quán tông.
Quan điểm Trung quán được biểu hiện bằng kệ tụng Bát bất (tám phủ nhận) trong phần mở đầu Trung quán luận:
不生亦不滅。不常亦不斷
不一亦不異。不來亦不出
Bất sinh diệc bất diệt. Bất thường diệc bất đoạn
Bất nhất diệc bất dị. Bất lai diệc bất xuất.
Dịch:
Không phải sinh cũng không phải diệt,
Không phải một cũng không phải khác,
Không phải thường cũng không phải đoạn,
Không phải đi cũng không phải đến.
Ngài là người đầu tiên trong lịch sử Phật giáo tạo dựng một hệ thống triết học rõ nét. Ngài tìm cách minh chứng thế giới hiện tượng không thật hiện hữu. Ðó thật ra là kiến giải xuất phát từ kinh nghiệm tu hành–theo kinh Bát-nhã. Với những thành tựu to lớn, ngài đã đặt nền tảng đầu tiên cho Trung quán tông và đã gây nhiều ảnh hưởng trong nền triết lí của các tông phái Phật giáo khác ra đời sau.
Long Thọ lấy thuyết Mười hai nhân duyên làm khởi điểm, vì đối với ngài, đó là qui luật nói lên bản chất của thế giới. Ngài xem bản chất đó là Không–vì trong đó không có thành hay hoại, vô thường hay trường cửu.
Tính chất rỗng lặng của thế gian được Long Thọ chỉ rõ bằng sự tương đối của khái niệm. Các khái niệm chỉ dựa lên nhau mà có, không có khái niệm nào tồn tại độc lập. Từ đó suy ra, sự vật cũng không có thật vì mỗi sự vật đều phải dựa lên trên những sự vật khác mà hiện hữu. Ðây là một trong những lí luận tối trọng về tính Không chính là Vô ngã.
Ngài trình bày quan điểm của mình trong tác phẩm Hồi tránh luận (迴 諍 論; vigraha-vyāvartanī hoặc vigraha-vyāvartanīkārikā), thông qua một ví dụ – ‘Hai cha con’:
‘Nếu đứa con được sinh thành bởi người cha, và người cha chỉ mới sinh thành với sự hiện diện của chính đứa con này – hãy nói thử xem ai sinh ra ai? Nói thử xem: Ai trong hai người này là cha, ai là con? Cả hai đều mang dấu hiệu của cha và dấu hiệu của một người con’.
Như thế thì, trước khi đứa con ra đời, người ta không thể nói đến một người cha. Và như vậy thì – theo ngài – trong đứa con phải có một cái gì đó dẫn khởi sự xuất hiện của một người cha – có thể gọi là một đặc tính trợ giúp một người nào đó trở thành một người cha. Trường hợp cũng tương tự như thế qui về đứa con. Trong bản chú giải bài luận này, ngài cho rằng, cả hai–cha cũng như con – đều mang những đặc tướng của cái thành tạo và cái được thành tạo. Và như vậy có nghĩa rằng, người ta chỉ nói về một sự vật nào đó qui về một sự vật khác nào đó, trong mối quan hệ với một sự vật khác và trong một sự vật nào đó đã có sự vật khác nào đó. Nói một cách khác, không có một nguyên nhân cơ bản mà chỉ có nhưng mối kết cấu, một mạng lưới duyên khởi. Và nếu chỉ có thể nói về một mạng lưới duyên khởi thì cũng không thể nào tìm thấy được một cách tồn tại độc lập, tự sinh, tự khởi. Và như vậy người ta có thể kết luận là: Tất cả đều trống không (śūnya) cách tuyệt một tự tính (svabhāva), không có một tự tính nào cả.
Theo ngài, mọi hiện hữu đều vô ngã vì nếu chúng có tự tính (svabhāva), tự ngã, chúng phải trường tồn bất biến, một điều kiện mà chúng không đạt được. Thế giới hiện tượng chỉ gồm những sự vật chịu dưới sự hoại diệt nên thế giới đó chỉ có thể là Không.
Theo ngài Long Thụ, tính Không có nghĩa là thiếu vắng cái ngã, chẳng phải không tồn tại như một trình hiện (có thể nói: Tất cả là ảo ảnh không thật, nhưng có những trình hiện có vẻ như thật). Vì vậy, nếu nói sự vật có hay không là đặt vấn đề sai. Sự thật nằm ở giữa hai khái niệm đó, trong tính Không (śūnyatā). Thế giới hiện tượng cũng phải được xem là sự thật, ta gọi là sự thật tương đối (Chân lí qui ước; saṃvṛti-satya), nó không phải là sự thật cuối cùng (Chân lí tuyệt đối; paramārtha-satya). Trong chân lí qui ước thì thế giới này và cả Phật pháp có giá trị. Theo chân lí tuyệt đối, tất cả chúng đều không có thật, chúng chỉ là những trình hiện. Theo ngài, thế giới hiện tượng xuất phát từ cái dụng thiên hình vạn trạng (prapañca), trên đó con người tưởng tượng ra và từ đó ta tưởng nhầm có một thế giới bên ngoài thật. Trong chân lí tuyệt đối thì lại vắng bóng cái dụng thiên hình vạn trạng đó. Ðộc lập với cái dụng đó thì chính là Niết-bàn. Trong Niết-bàn vắng hẳn tính đa nguyên của vạn sự. Niết-bàn là niềm an vui tự tại (sahajānanda). Ðối với Long Thọ–như kinh Bát-nhã chỉ rõ–Niết-bàn và thế giới hiện tượng thật tế chỉ là một, là hai mặt của một cái duy nhất. Niết-bàn không phải là một pháp có thể chứng đắc được; chỉ cần nhận chân ra thể tính của mọi sự, trong đó cái dụng thiên hình vạn trạng nọ trở lại yên nghỉ, đó là Niết-bàn.
Tên của Long Thọ gồm chữ Long (rồng, nāga) và Thọ (một loại cây; arjuna). Ngài sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn ở Trung Ấn (vidarbha) và xuất gia lúc còn trẻ tuổi. Ðến Na-lan-đà (Nālandā), một trung tâm Phật học danh tiếng thuộc thành Vương xá (Rājagṛha), ngài tu tập nghiên cứu kinh điển dưới sự hướng dẫn của La-hầu-la Bạt-đà-la (Rāhulabhadra). Sau đó Sư trở thành Pháp sư tại ngôi chùa vĩ đại này và tương truyền rằng, trong thời gian này ngài được Long vương đem về thuỷ cung giáo hoá. Vì vậy nghệ thuật Bắc Ấn và Tây Tạng thường vẽ những con rồng trong hào quang của ngài.
Khi tuổi đã cao, ngài trở về quê hương ở Trung Ấn, sống trên núi Phạm thiên (Brahmagiri) trên cao nguyên Śrīparvata, gần sông Kṛṣṇā. Ngọn đồi với ngôi chùa bây giờ vẫn còn và được mang tên của ngài, đồi Long Thọ (Nāgārjunakoṇḍa).
TRUNG QUÁN LUẬN
Tác phẩm then chốt của ngài, Căn bản trung quán luận tụng (Mūlamadhyamaka-kārikā), tác phẩm nầy sẽ cho ta thấy ít nhất quan niệm của chính ngài về tư tưởng Phật học trên nền tảng Đại thừa. Do bộ luận nầy được trình bày bằng thể thi kệ, rất súc tích và cô đọng, nên nghĩa lý của học thuyết trong thời điểm ấy đã vượt ra khỏi tầm hiểu biết của những bộ óc hời hợt.
Thời đại trước ngài Long Thọ hầu như là một ‘mảnh đất vô chủ’ đối với văn học đương thời, do vì các kinh luận rất hiếm. Toàn thể tác phẩm đồ sộ, Kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa, bắt đầu xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ I ttl. Kinh nầy vẫn còn được tiếp tục hoàn chỉnh cũng như ứng dụng trong hành trì mãi cho đến thế kỷ thứ 12 stl. là một ví dụ điển hình về dạng kinh điển căn bản và nguyên thuỷ nhất, thể hiện sự thẩm nhận sâu sắc và cao siêu nhất về tư tưởng Đại thừa, nhưng những nhận thức như vậy chắc hẳn là không thể được gán cho một cá nhân hoặc là một nhóm riêng biệt nào.
Như vậy ngài Long Thọ xuất hiện vào thời điểm thích hợp để thể hiện một tư tưởng có tính hệ thống và súc tích được kết tinh qua 5 hoặc 6 thế kỷ kể từ thời Đức Phật. Thực vậy, riêng về vấn đề thời gian, những thế kỷ nầy rất quan trọng và cần thiết để cho tiến trình ấy chín muồi và nhuần nhuyễn đến cực điểm, nên có thể nói, từ đó sản sinh ý tưởng độc tôn, ảnh hưởng đến sự phát triển xa hơn của tư tưởng Đại thừa Ấn Độ và nhiều quốc gia khác.
Về mặt ý thức hệ mà nói, không có thời kỳ nào trong lịch sử tư tưởng Phật giáo, dù Thượng toạ bộ hay Đại thừa, hoặc ngay cả sự phát triển đạo Phật mang tính quốc gia như đời Đường ở Trung Hoa, cũng không thể nào sánh với mức độ sinh động như thời kỳ A-tỳ-đạt-ma. Cái gọi là 18 bộ phái tranh cãi nhau kiến giải đúng đắn nhất về lời dạy của Đức Phật lịch sử đã khiến phơi bày ra những tinh tuý vốn có trong giáo lý mà Đức Phật giảng nói trong thời kỳ nầy.
Śūnya (không) hoặc śūnyatā (tánh không) là một thuật ngữ chẳng phải vay mượn ở tính quyết định vì nó bắt nguồn từ nền tảng bản thể tính của chúng sinh. Nó đề cập đến thể tánh viên mãn thanh tịnh của chúng sinh không một chút nhiễm ô chấp trước. Đạo Phật, từ khởi thuỷ, đã nói về tính chất nhị nguyên của nhiễm ô vốn thường tác hại cho chúng sinh, có nghĩa là đề cập đến cái gọi là phiền não chướng và sở tri chướng.
Do vậy, không–śūnya hoặc tánh không – śūnyatā có nghĩa là hiện hữu hoàn toàn không bị nhiễm ô hoặc chấp trước, và như vậy, chẳng có gì phải gỡ bỏ từ hiện thể của con người và những hành vi của họ, chẳng có gì là hư vô hoặc trống rỗng trong sự hiện hữu thường nhiên cả.
Một vai trò thông dụng khác, rất quan hệ với vai trò của chủ thuyết hư vô và có khi được xem như một hệ luận, đó là phủ định luận (negativism)[1]. Dù thế nào chăng nữa, ý niệm không–śūnya dường như bao hàm kiến quan phủ định từ thực tế cho đến khinh suất. Nhưng phủ định luận (negativism) thì không phải là một vai trò hạn cuộc trong Tánh không luận. Vì từ đầu đạo Phật luôn luôn đề cập đến hoặc trình bày những giáo lý cơ bản theo cách phủ định, do vậy, nó có thể được dùng như một luận cứ cho cách dùng giới hạn của ngôn ngữ để diễn tả thực tại. Chẳng hạn, Tam pháp ấn[2] nổi tiếng độc đáo của đạo Phật, là ba nguyên lý cơ bản để phân biệt Phật giáo với các hệ thống tư tưởng Ấn Độ khác, đó là vô thường (anitya), vô ngã (anātman) và khổ (duḥkha). Cả ba ý niệm nầy đều mang ý nghĩa phủ định hiện tượng tồn tại.
Dường như có sự phát sinh đối với kiến giải về thuyết tương đối là do sự phiên dịch một thuật ngữ chuyên môn, đó là duyên sinh (pratītya-samutpāda). Thuật ngữ nầy đã vượt quá những đầu óc nhạy bén khi tìm kiếm một diễn đạt hợp lý. Chẳng hạn, có nhiều cách dịch như sau: nhân duyên (causal genesis), thuyết 12 nhân duyên (theory of the twelve causes), chuỗi 12 nhân duyên (twelve-fold causal chain), duyên khởi (arising from conditional causes), duyên sinh (dependent origination, dependent coorigination, dependent existence, conditional origination), tính tương đối (relativity) và nguyên lý tương quan của vũ trụ (principle of universal relativity). Cơ bản của những chuyển ngữ nầy là xuất phát từ định thức thông dụng của ý nghĩa vòng quay chu kỳ đời sống[3] được tìm thấy nhiều nơi trong tạng Nikāya, như Trung bộ kinh (Majjhima Nikāya II, 32), Tương ưng bộ kinh (Samyutta Nikāya II, 28)[4], trình bày như sau:
‘…Cái nầy có thì cái kia có
Cái nầy không thì cái kia không
Cái nầy sinh thì cái kia sinh
Cái nầy diệt thì cái kia diệt…’
Nếu Long Thọ không được gán cho danh hiệu là một nhà nhất nguyên luận, đa nguyên cực đoan luận (radical pluralist), hư vô luận, phủ định luận, tương đối luận, nhà luận lý học và cuối cùng là một nhà biện chứng pháp, thì thử hỏi có thể nói gì về ngài và triết học của ngài? Dường như chỉ có một đặc điểm xác định và thực tế tiếp cận để hướng dẫn chúng ta, đó là tư tưởng của ngài. Tuy tư tưởng ấy có vẻ khó nắm bắt, nhưng nó phải được trùng hợp ngẫu nhiên với giáo lý Nguyên thuỷ và cơ bản của Đức Phật lịch sử, nghĩa là giáo lý Trung đạo[5], như chính ngài đã khẳng định vài lần trong Căn bản trung quán luận tụng rằng ngài chỉ làm theo lời Đức Phật dạy. Đó là một giáo lý được chấp nhận bởi toàn thể và cùng lúc đáp ứng cho tất cả. Đó là ‘Nguyên lý bản thể luận’ tối thượng trong đạo Phật. Về sau, chắc chắn như vậy, ý niệm niết-bàn sẽ được dùng hoán chuyển với Trung đạo để diễn tả cảnh giới viên mãn của pháp giới chúng sinh.
Tư tưởng Trung đạo đầu tiên được nói đến trong kinh điển Nguyên thuỷ Phật giáo và khi kết tập được gọi là Kinh Chuyển pháp luân (Dhammacakkappavattana-sutta[6]. Kinh chỉ ra rằng có được sự thực chứng là do tránh xa hai cực đoan. Cực đoan gì? Cực đoan của lối sống theo thuyết duy thực, liên quan đến xa hoa và khổ hạnh. Một bên dẫn đến sự truy tìm những xa hoa hào nhoáng, đó là bản chất của thuyết thường hằng[7], trong khi phía kia thì mong cầu sự xả kỷ toàn triệt (self-abnegation) và tính khiêm hạ (self-effacement), và đó là bản chất của tính vô thường, của thuyết hư vô (nihilism) và đoạn diệt[8]. Trong cả hai trường hợp đều có dẫn khởi lực bất thiện, một bên là khách quan hoá hay thực thể hoá các yếu tố liên quan, phía kia là phủ định, đề cập đến hư vô, vô thể.
Giáo lý Trung đạo là chính nguyên lý bản thể luận Phật giáo, nhằm tránh hai cực đoan, và cùng lúc hoá giải chúng theo chiều hướng dung hợp nội tại của các pháp. Dĩ nhiên bao gồm bối cảnh và kiến quan của người liên hệ. Như vậy, Trung đạo là ‘cái nhìn thực tại trong thể chân thực của nó[9].’ Không có gì bị loại trừ, không có gì bị phủ nhận, không có gì bị trừu tượng hoá. Các pháp đều là… trong ý nghĩa của siêu việt dung hợp hay nội tại. Thế nên Trung đạo có thể được hiểu là có tính bao hàm bản thể luận, siêu tuyệt, thuần khiết, và là thực thể siêu việt nhất.
Mọi lập luận nầy dẫn đến một điểm: thực tại của các pháp không phải bị trói buộc trong luận lý hay trong nhận thức mang tính khái niệm. Thực tế hay kinh nghiệm con người tự vay mượn vào biểu tượng nhưng chỉ đến mức để nhận ra rằng biểu tượng liên quan là cách gọi nghiêm túc khác về tính bất toàn của thực tại tối thượng. Nội dung toàn thể Căn bản trung quán luận tụng là nhằm trình bày sự kiện nầy. Tinh thần nầy hoàn toàn được giải thích chu đáo trong luận giải của Nguyệt Xứng (Candrakīrti), mọi thực tại hoặc bất kỳ kinh nghiệm nào do bởi duyên sinh (pratītya-samutpāda). Nếu có thể mô tả được tất cả, thì chúng ta sẽ thấy chúng trong những ý nghĩa phủ định:
anirodham anutpādam anucchedam aśāśvataṃ
Không diệt, không sinh, không đoạn, không thường
anekārtham anānārtham anāgamam anirgamaṃ
Không đồng nhất, không dị biệt, không trở nên hiện hữu, chẳng phải không hiện hữu.
Đạo Phật đã vượt xa sự lựa chọn của luận lý vì luận lý học chỉ vận hành trong phạm vi lý trí. Nó được quan tâm theo cách bao gồm tính dễ dãi với toàn bộ tiến trình kinh nghiệm của con người. Nó tiến gần với tứ cú[10] khi nhìn mọi khía cạnh của thực tại.
1. Có hiện hữu (bhava) – hữu.
2. Không hiện hữu (abhāva)[11] – vô.
3. Vừa hiện hữu vừa không hiện hữu .
4. Chẳng hiện hữu, chẳng không hiện hữu.
Tinh thần của Long Thụ còn giữ được nguyên vẹn và truyền đạt đến chúng ta qua cửa ngõ nhiều quốc gia và nhiều ngôn ngữ khác nhau. Trong phương diện nầy, sự góp phần của Trung Hoa rất lớn. Lớn nhất, dĩ nhiên là Trung luận (Madhyamaka) của ngài Cưu-ma-la-thập. Ngài Thanh Mục[12] đã dựa vào bản nầy để viết Luận giải Căn bản trung quán luận tụng bằng tiếng Sanskrit, nay bản tiếng Sanskrit đã thất lạc. Bản dịch Trung luận nầy là khúc dạo đầu đầu của phong trào hình thành nên Tánh không luận (Śūnyavāda) ở Trung Hoa, được mở đầu bởi các ngài Tăng Triệu, Đạo Sinh, và được tiếp nối bởi Cát Tạng.
B/ NHẬP TRUNG QUÁN VÀ NGUYỆT XỨNG
1) Nguyệt Xứng
Nguyệt Xứng (月稱, Candrakīrti; 560-640), luận sư quan trọng nhất trong tông Trung quán sau Long Thọ. Ngài quê ở Nam Ấn, xuất gia từ lúc nhỏ tuổi. Nhân lúc đọc tác phẩm của Long Thọ, ngài thâm nhập sâu xa. Sau, ngài trở thành viện trưởng của Na-lan-đà và viết nhiều bài luận chú giải về các tác phẩm của Long Thọ. Các tác phẩm quan trọng của ngài là Minh cú luận (còn nguyên bản Phạn ngữ), Nhập trung quán luận.
Tương truyền rằng, trong một cuộc hành trình truyền pháp về hướng Nam, ngài đã giáo hóa rất nhiều người. Ngài sống rất thọ, nhưng chắc chắn là không thọ đến 300 tuổi như sử sách Tây Tạng thuật lại.
Ngài thuộc phái Trung quán cụ duyên, dòng dõi bà-la-môn ở vùng Sa-mãn-đa (Samanta), Nam Ấn độ. Ngài theo học với ngài Ca-ma-la-bồ-đề (Kamalabuddhi) xuất gia, học tập tông nghĩa và các bộ luận của ngài Long Thọ. Ngài cũng học về Tantra (mật chú), đạt được bí thuật. Sau khi học xong, ngài trụ trì Tu viện Na-lan-đà chuyên biên tập và chú thích các sách. Ngài chủ yếu xiển dương Trung quán cụ duyên của ngài Phật Hộ và có lần ngài đã tranh luận về tông nghĩa với ngài Nguyệt Quang thuộc phái Du già. Về cuối đời, ngài đại phá ngoại đạo ở Khang-ca-na (Koīkaja) tại Nam Ấn độ, rồi vào núi Mạn-nô-hãn-cát (Manubhaīga) tu luyện chân ngôn, sau ngài tịch ở đó.
Các tác phẩm còn lưu lại của ngài (trích):
- Minh cú luận (prasannapadā), gọi đủ là Trung quán minh cú luận (sa. madhyamakavṛtti-prasannapadā), tác phẩm chú giải Trung quán luận (sa. madhyamaka-śāstra) của Long Thọ (nāgārjuna) duy nhất bằng nguyên văn Phạn ngữ, bản Tạng ngữ cũng còn;
- Nhập trung quán luận (madhyamakāvatāra), chỉ còn bản Tạng ngữ;
- Nhập trung luận thích (madhyamakāvatāra-bhāṣya), chỉ còn bản Tạng ngữ;
- Nhân duyên tâm luận thích (pratītyasamutpāda-hṛdaya-vṛtti), một tác phẩm chú giải Nhân duyên tâm luận tụng (pratītyasamutpāda-hṛdaya-kārikā), được xem là của Long Thọ, chỉ còn bản Tạng ngữ;
- Thất thập không tính luận thích (śūnyatā-saptativṛtti), chú giải Thất thập không tính luận (sa. śūnyatā-saptati) của Long Thọ. Long Thọ (và Parahita) cũng có soạn một tác phẩm dưới tên này. Chỉ còn bản Tạng ngữ;
- Lục thập tụng như lý luận thích (yukti-ṣaṣṭhikā-vṛtti), luận giải Lục thập tụng như lý luận (yukti-ṣaṣṭhikā), một tác phẩm được xem là của Long Thọ, chỉ còn bản Tạng ngữ;
- Bồ-tát du-già hành tứ bách luận thích (bodhisattvayogācāra-catuḥśataka-ṭīkā), chú thích bộ Tứ bách luận (catuḥśataka) của Thánh Thiên (āryadeva), chỉ còn bản Tạng ngữ;
- Trung quán luận tụng (madhyamaka-śāstra-stuti).
2) Tác phẩm:
Nhập Trung luận (入 中 論), hay Nhập Trung quán luận (Madhyamakāvatāra) do ngài Nguyệt Xứng (Candrakīrti, thuộc phái Cụ duyên tông Trung quán soạn, ngài Pháp Tôn dịch. Nội dung sách này gồm 329 bài tụng, trình bày đại cương giáo nghĩa của phái Cụ duyên Trung quán tông, giải thích luận Trung quán của ngài Long Thọ; phần kết cấu căn cứ theo Kinh Thập địa (Daśabhūmika-śūtra). Luận này là 1 trong những sách giáo khoa của chư Tăng thuộc phái Cách-lỗ (Gelug-pa) của Phật giáo Tây Tạng.
C/ KINH THẬP ĐỊA:
Kinh Thập địa (十 地 經; S: daśabhūmika-śūtra), một phần độc lập của Ðại phương quảng Phật Hoa Nghiêm kinh (Buddhāvataṃsaka-śūtra) do Bồ-tát Kim Cương Tạng (Vajrā-garbha) trình bày với Ðức Phật về các giai đoạn tu chứng. Một bài luận quan trọng của Thế Thân (Vasubandhu) về Thập địa được Bồ-đề Lưu-chi (Bodhiruci) dịch ra chữ Hán, đã trở thành kinh sách cơ bản của Ðịa luận tông, một tông phái của Phật giáo Trung Quốc.
THẬP ĐỊA KINH LUẬN
Thập địa luận (s: Daśabhūmikasūtra-śāstra; Dasabhūmikabhāsya), luận giải, gồm 12 quyển. Thế Thân trứ tác, Bồ-đề Lưu-chi và nhiều người khác dịch vào thế kỷ thứ 6; còn được gọi là Thập địa luận 十地論 và Địa luận 地論. Là bản giải thích rộng về điểm chính của chương Thập địa trong kinh Hoa Nghiêm, bao gồm nhiều vấn đề, như tám thức, vô minh, tam thân Phật, tam tụ tịnh giới, nhân quả của Phật tính… Địa luận tông của Trung Hoa được lập căn cứ trên luận nầy. Hoa Nghiêm tông dùng luận nầy để giải thích nhiều giáo lý trong kinh.
CHÁNH VĂN
Nguyên bộ luận gồm 329 bài kệ tụng. Mỗi bài tụng gồm 4 câu. Trong tập sách nầy chúng tôi sẽ giới thiệu các bài kệ tụng bằng tiếng Hán và Anh ngữ. Phần tiếng Hán chúng tôi dùng bản dịch Nhập Trung luận tụng của Pháp sư Pháp Tôn. Phần tiếng Anh chúng tôi dùng bản Introduction to the Middle Way của Khyentse Foundation do Alex Trisoglio biên tập vào năm 2003.
I/ KỆ QUY KỈNH
- Kệ tụng 1: Giải thích nguyên do phát khởi tâm từ
聲聞中佛能王生,
諸佛復從菩薩生,
大悲心與無二慧,
菩提心是佛子因。
Âm:
Thanh văn trung Phật năng vương sanh
Chư Phật phục tùng bồ tát sanh
Đại bi tâm dữ vô nhị tuệ
Bồ đề tâm thị Phật tử nhân.
Anh ngữ:
Shravakas and pratyekabuddhas are born from the Muni king;
Buddhas are born from bodhisattvas;
And, from the mind of compassion, non-duality and
Bodhicitta is born the bodhisattva.
Dịch Việt:
Thanh văn, Duyên giác được sanh ra từ Năng Nhân,
Chư Phật cũng do từ Bồ-tát mà thành,
Chính tâm từ bi và trí tuệ không phân biệt,
Cùng tâm bồ-đề là nhân sanh ra Bồ-tát.
Giải thích:
Thông thường mở đầu các bộ luận, các Luận sư thường có lời tán thán Phật, Pháp, Tăng. Riêng trong bộ luận nầy, ngài Nguyệt Xứng lại có lời xưng tán hàng Bồ-tát, cùng 3 nguyên nhân sanh ra hàng Bồ-tát, đó là tâm Từ bi, Trí tuệ vô phân biệt, và Bồ-đề tâm.
* Vì sao chư Phật do từ Bồ-tát mà thành?
Chúng ta có thể nghĩ rằng do từ bồ-đề tâm mà chư Phật được thành tựu. Nhưng thực tế, chư Phật thành tựu từ một vị bồ-tát, từ một con người. Có 2 nguyên do cho việc nầy:
– Thứ nhất, bất kỳ vị Phật nào thì trước đó cũng là 1 vị bồ-tát, và quả vị Phật thành tựu ngay sau khi bồ-tát chứng đắc giai vị Thập địa. Nên để được thành Phật thì phải làm bồ-tát.
– Thứ hai, các vị bồ-tát như Kim cương trì (Vajrāpani) và Văn-thù-sư-lợi có công hạnh như là bậc thầy của nhiều vị bồ-tát. Chẳng hạn, trong giáo lý Đại thừa, khi Thái tử Tất-đạt-đa vui hưởng đời sống trong cung điện, bồ-tát như Kim cương trì (Vajrāpani) và Văn-thù-sư-lợi đã thị hiện thành 4 hiện tượng sanh, già, bệnh, chết để thức tỉnh Thái tử.
Do vậy, nên hàng Bồ-tát xứng đáng được tán thán.
* Giải thích 3 nguyên nhân mà từ đó, Bồ-tát được sinh ra.
– Tâm từ bi (lòng trắc ẩn; mind of sympathy): lòng thương xót khi nghĩ đến mọi người đang chịu khổ sinh tử luân hồi.
– Trí tuệ vô phân biệt: Có tâm từ, nhưng nếu không có trí huệ vô phân biệt thì bồ-tát sẽ bị dính mắc động cơ và mục tiêu của việc cứu độ. Nên bồ-tát mới có thể cứu giúp chúng sanh đời này qua đời khác mà không mệt mỏi và lui sụt.
– Bồ-đề tâm: Tổng hợp được 2 yếu tố trên.
Có 2 dạng bồ-đề tâm: Tương đối và Tuyệt đối. Các chúng sinh đã phát bồ-đề tâm được chia làm 3 hạng: Chúng sinh, Bồ-tát và Phật. Trong luận nầy, Nguyệt Xứng đề cập đến hàng Bồ-tát đã phát bồ-đề tâm tuyệt đối, đó là các vị đã có thực chứng về Tánh không. Chúng ta biết điều nầy vì trong bài kệ tụng thứ 50 nói rằng: ‘Với chứng đắc nầy, từ đây các vị được gọi là bồ-tát’. Nguyệt Xứng cho biết kệ tụng nầy nói về hành giả đang ở giai vị Sơ địa bồ-tát hoặc cao hơn.
- Kệ tụng 2: Chỉ ra tại sao tâm từ bi là quan trọng nhất.
悲性於佛廣大果,
初猶種子長如水,
常時受用若成熟,
故我先讚大悲心.
Âm:
Bi tánh ư Phật quảng đại quả
Sơ do chủng tử trưởng Như Lai
Thường thời thọ dụng nhược thành thục
Cố ngã tiên tán đại bi tâm.
Anh ngữ:
Compassion alone is first seed for the abundant harvest of buddhahood;
Then water for its growth,
And finally, what matures as a state of lasting enjoyment
Therefore, first I praise compassion.
Dịch Việt:
Tâm từ là do thành thục quả Phật vô thượng,
Ban đầu từ hạt giống Như Lai mà lớn dậy
Lâu ngày tưới tẩm trở nên thành thục dần,
Nên đầu tiên tán thán đại từ bi.
Giải thích:
– Ba ẩn dụ được nêu ra để chỉ cho tâm đại bi, làm sinh trưởng các đức tính Phật. Đó là, hạt giống, nước, và sự chín muồi. Trước đây chúng sinh vốn đã có đức tính đó rồi, nhưng bị che lấp. Nay nếu có tâm từ bi, thì sẽ được hiển hiện. Như bạn chưa có trái cây, mà chỉ mới có hạt giống, thì bạn phải gieo hạt giống xuống đất và chờ đợi kết quả. Tâm từ bi cũng được ví như hạt giống.
– Ẩn dụ thứ hai là nước, tương tự như chất đất và việc cày xới, cũng như việc chăm bón cho hạt giống sau khi nẩy mầm. Với tâm từ, bồ-tát quyết định dứt khoát cứu độ chúng sinh ngay cả đến 3 a-tăng-kỳ kiếp[13]. Thế nên, tâm từ bi đóng vai trò như là người bạn đồng hành để khích lệ bồ-tát dấn bước trên đường tu.
– Thứ ba, khi bạn đã đạt đến giác ngộ rồi, tâm từ bi vẫn cần thiết ngay cả khi hoa đã nở và trái đã chín muồi. Sự chín muồi của trái rất quan trọng, vì nếu trái không chín thì sẽ không có hạt. Đó là sự tương tục.
- Kệ tụng 3: Lời tán thán chân thực y theo 3 dạng tâm từ.
最初說我而執我,
次言我所則著法,
如水車轉無自在,
緣生興悲我敬禮。
Âm:
Tối sơ thuyết ngã nhi chấp ngã
Thứ ngôn ngã sở tắc trước pháp
Như thủy xa chuyển vô tự tại
Duyên sinh dữ bi ngã kính lễ.
Anh ngữ:
Initially fixating on this so-called ‘I’ as an [existing] self,
‘Mine’ gives rise to grasping.
Helpless beings, driven as an irrigation wheel,
To compassion for these, I bow down.
Dịch Việt:
Do vì chấp Ngã nên chấp có Tự Ngã,
Theo đó chấp “của tôi”, nên chấp pháp,
Giống như trục xe bị nước đẩy không ngừng,
Kính lễ tâm Từ cùng chúng sanh trong luân hồi.
Giải thích:
Có 3 dạng tâm từ và 3 đối tượng khác nhau:
– Chúng sinh đang bị 3 loại khổ – khổ khổ và hoại khổ và hành khổ (Khổ khổ là lúc thân tâm đang chịu thống khổ; hoại khổ là cái khổ vì sự vật vui thú bị mất đi; hành khổ là cái khổ chuyển biến chẳng yên định. Dục giới có đủ ba khổ; Sắc giới chỉ có hoại khổ, hành khổ; Vô sắc giới chỉ có hành khổ).
– Theo Trung quán, tâm từ bi là ước nguyện bảo hộ cho chúng sinh thoát khỏi những cảnh khổ. Thế nên dạng tâm từ thứ nhất là ước nguyện cứu thoát chúng sinh khỏi 3 loại khổ nầy.
– Các chúng sinh đang bị bức bách bởi hành khổ (suffering of compounding), tức các chúng sinh bị khổ bởi vô thường (suffering of impermanence).
– Các chúng sinh không nhận ra các pháp vốn không có tự thể / không tồn tại trên cơ sở tự tính (phenomena lack inherent existence), tức các chúng sinh chưa thể nhập Tính không (emtiness).
Tất cả chúng sinh đang bị luân hồi, sống trong Dục giới, đều chịu 2 cái khổ đầu tiên, kể cả Thanh văn và Duyên giác. Vắn tắt, đối tượng của tâm từ thứ nhất là các chúng sinh bị sinh ra trong luân hồi mà không có chút chọn lựa nào, đó là do nghiệp. Người biết tu là sẽ tái sinh theo nguyện.
- Kệ tụng 4: Ý nghĩa của ẩn dụ bóng trăng trên mặt nước.
眾生猶如動水月,
見其搖動與性空。
Âm:
Chúng sinh do như động nguyệt thủy
Kiến kỳ diêu động dữ tánh không.
Anh ngữ:
Sentient beings are as the moon’s reflection in moving water.
Seeing them as empty in their change and in their nature.
Dịch Việt:
Chúng sanh hiện hữu như bóng trăng trên mặt nước chập chờn,
Biết họ trôi lăn trong tánh không.
Giải thích:
– Ẩn dụ được nêu ra ở đây, bóng trăng trên mặt nước, chỉ lay động nhẹ khi có làn gió lướt qua. Nhưng cùng một ẩn dụ mà được dùng 2 lần, cốt là để giải thích dạng tâm từ thứ 2 và thứ 3.
– Đối tượng của tâm từ thứ 2 là những chúng sinh chịu khổ đau của biến dịch vô thường. Hiện tượng hữu vi luôn luôn có chỗ khởi đầu. Nếu không có điểm khởi đầu, ắt là không có sự kết hợp. Có nghĩa là có đủ 4 tiến trình: thành, trụ, hoại, không.
Nguyệt Xứng giải thích điều nầy với dòng kệ: Chúng sanh hiện hữu như bóng trăng trên mặt nước. Ở đây chúng ta nên chú ý đến chữ lay động. Mặt nước lay động vì có gió. Mặt hồ ví như luân hồi, gió ví như nghiệp và ngã chấp.
II/ Ý NGHĨA CÁC GIAI VỊ TU TẬP TRÊN CON ĐƯỜNG BỒ-TÁT ĐẠO
Từng bước các Bồ-tát đi bằng Bồ-đề tâm để cứu độ chúng sinh, được đánh dấu bằng các công hạnh, trải qua các bậc, các giai vị, gọi là Địa (bhūmi). Có tất cả 10 Địa từ khi phát bồ-đề tâm, hành bồ-tát đạo cho đến khi thành Phật. Điều nầy được giải thích rõ qua Kinh Thập Địa.
* Giải thích về các Địa / Giai vị tu chứng (bhūmi) của Bồ-tát.
– Điều gì làm nên các Địa? Đơn giản, đó chính là sự kết hợp giữa trí tuệ và phương tiện của hàng Bồ-tát. Trong tiếng Sanskrit, chữ Địa (bhūmi) có nghĩa là đất (earth), lãnh thổ (land), quốc gia (country). Chúng ta hiểu Địa (bhūmi) như là sự kết hợp của trí tuệ và phương tiện, vì mặt đất xử sự như là nơi chứa đựng cho tất cả các hiện tượng vận hành. Tương tự, các phẩm tính giác ngộ có thể nẩy sinh từ nền tảng của sự kết hợp trí tuệ và phương tiện.
– Sự kết hợp nầy rất là quan trọng. Nếu chỉ có trí tuệ mà không có phương tiện, thì hành giả sẽ trở nên giống như Thanh văn và Duyên giác. Nếu chỉ có phương tiện mà không có trí tuệ, thì đó là tình trạng của kẻ phàm phu – như chúng ta, có rất nhiều phương tiện nhưng thiếu trí tuệ. Chính sự kết hợp nhuần nhuyễn trí tuệ và phương tiện đã tạo nên giai vị tu chứng, tức Địa (bhūmi) của Bồ-tát. Chẳng hạn, một vị Bồ-tát đang trong công phu thiền định, thì ta không thể nào phân định rõ ngài đang ở trong Địa nào, vì sự phân định nầy không chính xác chỉ khi hành giả trong trạng thái thiền định. Thế nên, điều căn bản nào để chúng ta phân biệt địa thứ nhất (sơ địa) cho đến địa thứ 10 (thập địa)?
– Sau công phu thiền định, 1 vị Bồ-tát phải được công nhận bằng một số phẩm đức của họ. Chẳng hạn, Bồ-tát sơ địa phải có 1200 phẩm đức trong tiến trình tu tập. Bồ-tát Nhị địa phải có 12000 phẩm đức. Hoặc còn có thể phân định các địa bằng sự chuyển hóa các lậu hoặc phiền não. Chẳng hạn, Bồ-tát sơ địa phải chuyển hóa sạch sẽ các phiền não qua cái thấy; gọi là Kiến đạo. Bồ-tát Nhị địa phải chuyển hoá sạch sẽ các phiền não qua thiền định; gọi là Tu đạo. Chúng ta sẽ được trình bày về các giai vị nầy trong từng phần nói về các Địa, từ Sơ địa đến Thập địa.
III/ THẬP ĐỊA
Thập địa; 十 地; S: daśabhūmi; Mười quả vị tu chứng của các vị Bồ-tát. Có nhiều hệ thống khác nhau nhưng theo Bồ-tát địa (菩 薩 地; bodhisattva-bhūmi) và Thập địa kinh (十 地 經; daśabhūmika-sūtra), mười giai vị đó là:
- Hoan hỷ địa (歡 喜 地; pramuditā-bhūmi): Ðắc quả này Bồ-tát rất hoan hỉ trên đường Giác ngộ (bodhi). Bồ-tát đã phát Bồ-đề tâm và thệ nguyện cứu độ tất cả các chúng sinh thoát khỏi luân hồi (saṃsāra), không còn nghĩ tới mình, Bố thí (dāna) không cầu phúc và chứng được tính Vô ngã (anātman) của tất cả các Pháp (dharma).
- Ly cấu địa (離 垢 地; vimalā-bhūmi): Bồ-tát giữ Giới (śīla) và thực hiện thiền định (dhyāna, samādhi).
- Phát quang địa (發 光 地; prabhākārī-bhūmi): Bồ-tát chứng được qui luật Vô thường (anitya), tu trì tâm An nhẫn (kṣānti) khi gặp chướng ngại trong việc cứu độ tất cả chúng sinh. Ðể đạt đến giai vị này, Bồ-tát phải diệt trừ ba độc là tham, sân, si, thực hiện được bốn cấp định an chỉ (dhyāna) của bốn xứ và chứng đạt năm thành phần trong lục thông (abhijñā).
- Diệm huệ địa (燄 慧 地; arciṣmatī-bhūmi): Bồ-tát thiêu sạch tất cả những quan niệm sai lầm, tu tập trí huệ, Bát-nhã (prajñā) và 37 Bồ-đề phần (bodhipākṣika-dharma).
- Cực nan thắng địa (極 難 勝 地; sudurjayā-bhūmi): Bồ-tát nhập định, đạt trí tuệ, nhờ đó liễu ngộ Tứ diệu đế và Chân như, tiêu diệt nghi ngờ và biết phân biệt. Bồ-tát tiếp tục hành trì 37 giác chi.
- Hiện tiền địa (現 前 地; abhimukhī-bhūmi): Bồ-tát liễu ngộ mọi pháp là vô ngã, ngộ lí Mười hai nhân duyên và chuyển hóa trí phân biệt thành trí bát-nhã, nhận thức tính Không. Trong xứ này, Bồ-tát đã đạt đến trí tuệ Bồ-đề (bodhi) và có thể nhập Niết-bàn thường trụ (pratiṣṭhita-nirvāṇa). Vì lòng từ bi đối với chúng sinh, Bồ-tát lưu lại trong thế gian, nhưng không bị sinh tử ràng buộc, đó là Niết-bàn vô trụ (apratiṣṭhita-nirvāṇa).
- Viễn hành địa (遠 行 地; dūraṅgamā-bhūmi): đạt tới cảnh giới này, Bồ-tát đầy đủ khả năng, có mọi phương tiện (upāya) để giáo hóa chúng sinh. Ðây là giai đoạn mà Bồ-tát tùy ý xuất hiện trong một dạng bất kỳ.
- Bất động địa (不 動 地; acalā-bhūmi): trong giai đoạn này, không còn bất kì cảnh ngộ gì làm Bồ-tát dao động. Bồ-tát đã biết lúc nào mình đạt Phật quả.
- Thiện huệ địa (善 慧 地; sādhumatī-bhūmi): Trí huệ Bồ-tát viên mãn, đạt Mười lực (daśabala), Lục thông (ṣaḍabhijñā), Bốn tự tín, Tám giải thoát. Biết rõ cơ sở mọi giáo pháp và giảng dạy giáo pháp.
- Pháp vân địa (法 雲 地; dharmameghābhūmi): Những vị Bồ-tát đạt đến địa này là Di-lặc (Maitreya), Quán Thế Âm (Avalokiteśvara) và Văn-thù-sư-lợi (Mañjuśrī).
Chúng ta sẽ thấy Thập địa tương ưng với Thập ba-la-mật-đa[14] trong Thập địa kinh:
– Sáu địa đầu tiên tương ưng Sáu ba-la-mật-đa.
– 7. Phương tiện ba-la-mật-đa (方便波羅蜜多, upāya-pāramitā): Sự toàn hảo trong lúc dùng các phương tiện (giáo hóa). Tương ưng Viễn hành địa
– 8. Nguyện ba-la-mật-đa (願波羅蜜多, praṇidhāna-pāramitā): lòng quyết tâm, ý nguyện thực hiện toàn hảo. Tương ưng Bất động địa.
– 9. Lực ba-la-mật-đa (力波羅蜜多, bala-pāramitā): sự toàn hảo của năng lực. Tương ưng Thiện huệ địa.
– 10. Trí ba-la-mật-đa (智波羅蜜多, jñāna-pāramitā): sự toàn hảo của trí lực. Tương ưng Pháp vân địa.
1/ SƠ ĐỊA – GIAI VỊ THỨ NHẤT: HOAN HỶ ĐỊA
(歡 喜 地; pramuditā-bhūmi, Complete Joy):
佛子此心於眾生
為度彼故隨悲轉
由普賢願善迴向
安住極喜此名初
Phật tử thử tâm ư chúng sanh
Vi độ bỉ cố tùy bi chuyển
Do Phổ Hiền nguyện thiện hồi hướng
An trú cực hỷ thử danh sơ.
Anh ngữ:
The victorious one’s son, possessing such understanding,
And overcome by compassion, wishes to completely liberate all beings.
Fully dedicated as in the aspirations of Samantabhadra,
His joy is complete. This is known as the first.
Dịch Việt:
Bồ-tát tư duy về các chúng sanh.
Vì nguyện cứu độ mà thành tựu lực Từ bi.
Nguyện lực các ngài chính là nguyện Phổ Hiền.
Như thế bồ-tát vào sơ địa đầy hoan hỷ.
Giải thích:
– Đầu tiên là Sơ địa, còn gọi là Hoan hỷ địa (歡 喜 地; pramuditā-bhūmi): Đến đây Bồ-tát rất hoan hỷ trên đường giác ngộ (bodhi). Bồ-tát đã phát Bồ-đề tâm và thệ nguyện cứu độ tất cả các chúng sinh thoát khỏi luân hồi (saṃsāra), không còn nghĩ tới mình, bố thí (dāna) không cầu phúc và chứng được tính vô ngã (anātman) của tất cả các pháp (dharma).
Khi nói: Bồ-tát tư duy về các chúng sinh, là Ngài Nguyệt Xứng muốn nói đến trí tuệ của hàng Bồ-tát, trí tuệ đó vượt ra ngoài mọi khái niệm. Còn câu Vì nguyện cứu độ mà thành tựu lực Từ bi, là nói đến phương tiện. Chúng ta không nên tách rời trí tuệ với phương tiện.
Ý nghĩa Bồ-tát tư duy về các chúng sinh, chính là trí tuệ được đề cập trong Thất giác chi[15] (七 覺 支; sapta-bodhy-angāni).
– Trí huệ nầy có khả năng giản trạch (phân biệt), không thủ đắc niết-bàn vì trí (wisdom), và không thủ chứng niết-bàn vì bi (compassion). Đây là đức tính quan trọng của Bồ-tát, và dù đang là hàng Sơ địa, Bồ-tát cũng có đủ 7 phẩm tính nầy.
* Giải thích chi tiết về phẩm tính của Hoan hỷ địa
從此由得彼心故
唯以菩薩名稱說
生於如來家族中
Tùng thử do đắc bỉ tâm cố
Duy dĩ Bồ-tát danh xưng thuyết
Sinh ư Như Lai gia tộc trung.
Anh ngữ:
With this attainment, from now on
He is known as a bodhisattva.
Now born into the family of the Tathagatas.
Dịch Việt:
Từ lúc thành tựu quả vị này
Các ngài thực đúng danh Bồ-tát,
sanh trong mạch truyền thừa gia tộc Như Lai.
Giải thích:
– Là người Phật tử, chúng ta thường hay gọi người nầy là Bồ-tát, người kia là Bồ-tát. Khi nói như vậy, là muốn chỉ điều gì? Qua hai câu đầu, chúng ta sẽ hiểu thấu. Chúng ta đã tiếp xúc với điều nầy qua bài kệ quy kính, khi đề cập đến Thanh văn, Bích chi Phật, Bồ-tát và Phật. Qua 2 câu kệ nầy, bây giờ chúng ta biết rằng Nguyệt Xứng muốn đề cập đến hàng Bồ-tát Sơ địa khởi đi.
Nói chung, danh từ Bồ-tát có thể hiểu trên 2 phương diện. Một là phương diện tu tập (action) của hàng Bồ-tát; hai là nhận thức của hàng Bồ-tát. Có nghĩa là trực nhận về tánh Không.
a) Bồ-tát trên phương diện tu tập
Trong Nhập bồ-đề hành luận, Tịch Thiên (Śāntideva) dạy rằng phương thức trước tiên để thành tựu danh xưng Bồ-tát đó là từ quan điểm tu tập. Từ giây phút mà một người có ý nguyện cứu độ cho tất cả chúng sinh, thì đúng vào lúc đó, người ấy được xem là Bồ-tát, và người ấy sẽ được sự kính trọng và quy ngưỡng của chư thiên và loài người. Đây là Bồ-tát từ quan niệm tu tập.
b) Bồ-tát từ quan niệm trực nhận về tánh không (śūnyatā)
Câu Thành tựu quả vị này, các ngài thực đúng danh Bồ-tát, chỉ cho người có tâm cao thượng. Ngài có được danh xưng Bồ-tát khi ngài trực nhận về tánh không (śūnyatā). Ở giai vị nầy gọi là Kiến đạo (path of seeing). Ở đây ngài Nguyệt Xứng đề cập đến bồ-đề tâm tối thượng.
Khi đã có được danh hiệu Bồ-tát Sơ địa rồi, đó là Bồ-tát thực thụ, đích thực, không phải là hàng Bồ-tát bình thường. Vì lúc nầy, Bồ-tát đã có được 4 phẩm tính:
- Chủng tánh (race).
- Thuần tịnh.
- Khả năng tự hoàn thiện, tiến bộ rất nhanh.
- Vượt thắng hơn các giai vị thấp.
– Phẩm tính của Sanh trong mạch truyền thừa gia tộc Như Lai
Chúng ta tin chắc rằng đó không phải là một chúng sinh tầm thường, mà đối nghịch với chúng sinh tầm thường là chúng sinh giác ngộ. Chúng sinh giác ngộ có 3 hạng: Thanh văn, Bích-chi Phật và Phật. Bồ-tát sơ địa không phải là Thanh văn, cũng không phải là Bích-chi Phật, vậy họ là gì? Bồ-tát thì chắc chắn là sẽ thành Phật. Đó là lý do tại sao hàng Bồ-tát được gọi là vương tử (prince). Thế nên Bồ-tát thuộc về chủng tánh hay dòng tộc Phật. Từ Như Lai (tathāgata), có nghĩa là Phật. Là người đi trên đường Chánh đạo. ***
斷除一切三種結
此菩薩持勝歡喜
亦能震動百世界
從地登地善上進
Đoạn trừ nhất thiết tam chủng kết
Thử Bồ-tát trì thắng hoan hỷ
Diệc năng chấn động bách thế giới
Tùng thử đăng địa thiện thượng tiến.
Anh ngữ:
Completely abandoning the three constant fetters,
The bodhisattva possesses supreme delight
And is able to stir a hundred worlds.
Joyfully progressing from bhūmi to bhūmi.
Dịch Việt:
Nhờ đó ba ràng buộc hoàn toàn được tiêu trừ,
Bồ-tát trong tâm đạt được đại lạc.
Năng lực rung chuyển đến trăm cõi.
Từng cảnh giới, càng tiến lên cao.
Giải thích:
– Phẩm tính đoạn trừ 3 kiết sử (fetter).
Kiết sử là những điều không những trói buộc ta trong luân hồi sinh tử, mà còn kéo ta đọa vào vòng luân hồi sinh tử. Có 3 thứ:
1) Hữu thân kiến 薩 迦 耶 見 (Tát-ca-da kiến; satkāya-dṛṣṭi; Holding a certain view as supreme). Sai lầm khi tin vào sự hiện hữu của bản ngã trên cơ sở tự tướng. Hữu, tức thân là sự tập hợp của 5 uẩn, pháp thể của 5 uẩn này là có thật, cho nên gọi là Hữu thân; còn cái thấy duyên theo thân có thật này mà chấp trước ngã (ta) và ngã sở (của ta), gọi là Kiến, hợp chung lại gọi là Hữu thân kiến. Có 3 biểu hiện:
– Cho rằng ngũ uẩn là chủ tể. Chúng ta thường cho rằng ta (me) và cái của ta (mine) là chủ tể. Chúng ta duy trì quan điểm nầy là chủ tể nghĩ rằng ‘Ta là tối thượng, đó là lý do tại sao ta hiện hữu ở đây, và tại sao ta luân hồi một cách liên tục’.
– Cho rằng niết-bàn là tối thượng, như ước muốn tái sinh ở cõi trời, vì cho rằng cõi trời là tối thượng, hay sự giác ngộ đó là tối thượng.
– Quan niệm về một tà kiến là tối thượng: Chẳng hạn, có người có mặc cảm tự ti, thường cho rằng họ là vô dụng, không đáng kể. Đây là một suy nghĩ sai lầm, nhưng họ bị dính mắc vào nó như nghiện. Thích nghĩ rằng mình là xấu và vô dụng. Một số người khác có quan niệm rằng tự cao, ngã mạn là điều bẩm sinh và không thể nào phá hủy được.
2) Giới cấm thủ 戒 禁 取: Cho rằng giới luật hay quy tắc đạo đức mà mình đang tuân thủ là tối thượng. Bồ-tát Di-lặc dạy rằng bản chất của đạo đức là bạn phải không tự cao, không ngã mạn.
3) Nghi 疑: Điều nầy là 1 trong những vấn đề lớn của người tu hành, với ý nghĩa là không thể quyết định đâu là con đường chân chính. Điều đó có thể trở thành chướng ngại giải thoát, và có thể là nguyên nhân toàn diện dẫn đến tái sinh và luân hồi sinh tử.
Nếu có ai hỏi rằng điều gì đã khiến cho bạn phải tái sinh và ở trong luân hồi sinh tử, câu trả lời một cách sỗ sàng (touchy-feely) là ‘vô minh’. Thay vì vậy, tất cả những gì bạn cần phải làm là đọc 3 nguyên nhân trên, đó chính là những điều Bồ-tát đã xả bỏ.
* Đặc tính của sự vượt qua các cảnh giới thấp kém
滅彼一切惡趣道
此異生地悉永除
如第八聖此亦爾
Diệt bỉ nhất thiết ác thú đạo
Thử dị sinh địa tất vĩnh trừ
Như đệ bát thánh thử diệc nhĩ.
Anh ngữ:
The various paths to the lower realms have ended;
The levels of ordinary existence are exhausted
This is taught to be like the eighth sublime level.
Dịch Việt:
Từ đó con đường sanh vào cõi dưới bị đóng chặt,
Cảnh giới phàm phu bị diệt trừ.
Tương tự như bậc Thánh bát địa. (A-la-hán quả).
Giải thích:
– Con đường sanh vào cõi dưới bị đóng chặt, đề cập đến Gia hạnh vị (Path of Application). Có 2 con đường, một là Tu tập đạo (Paths of accumulation) và Gia hạnh đạo (Path of Application), đều là thuộc cảnh giới luân hồi sinh tử. Bồ-tát đã đóng chặt lại 2 con đường nầy. Có nghĩa là Bồ-tát không còn phải đi xuống đó vì nghiệp lực. Nhưng Bồ-tát vì tâm từ bi, có thể chọn cách tái sinh để đến những nơi đó.
– Dị sinh (pṛthag): hạng phàm phu, chúng sinh. Ở đây dịch là cảnh giới phàm phu, tức thế gian. Ngài Nguyệt Xứng ngay sau khi nói rằng Con đường sanh vào cõi dưới bị đóng chặt, ngài nói thêm rằng cảnh giới phàm phu bị diệt trừ. Ý nầy phải hiểu là có ý châm biếm giáo lý Hindu, vốn chủ trương rằng con người có thể đạt đến sự hiện hữu tối thượng bằng định (śamatha), trạng thái tâm dừng bặt, tĩnh lặng (pacification of the mind), cảnh giới cao nhất của chư thiên, chính là giải thoát.
Vào thời Nguyệt Xứng, Ấn Độ giáo (Hinduism) là đối thủ chính của Phật giáo, nhưng nói chung, có thể nói rằng các tôn giáo khác dường như có 3 mục tiêu:
1) Cảnh giới hiện hữu cao nhất: Theo một số tín ngưỡng, đó là cõi trời. Theo Ấn Độ giáo, đó là hiện hữu tối thượng. Ở cảnh giới nầy không có tưởng (perception), do vậy, tư tưởng nhị nguyên phân biệt không tồn tại. Vì vậy, trừ phi bạn là một chuyên gia, bạn có thể dễ dàng nhầm lẫn cảnh giới đó là có thực. Giống như người thiết kế đồng hồ. Sản phẩm thật được chế tạo tại Thụy sĩ, nhưng bạn có thể mua cái đồng hồ y như thật đó tại Thái lan. Trừ phi là một chuyên gia, không ai biết được đó là đồng hồ giả.
2) Sinh ở Bắc-câu-lư châu (s: uttara-kuru 北倶盧洲): Theo vũ trụ quan Phật giáo, bây giờ chúng ta đang ở châu Nam Diêm-phù-đề. Ở Bắc-câu-lư châu, con người sống thọ đến 1000 năm, mỗi năm ở đó bằng 1 triệu năm ở cõi nầy. Họ được hưởng đầy đủ lạc thú và của cải tài sản. Trong nhiều tôn giáo, kể cả Ấn Độ giáo và tín ngưỡng Phệ-đà, mục tiêu của họ là được sinh vào cõi nước nầy. Đó giống như thiên đường.
3) Cảnh giới Phạm thiên: Đây là ý châm biếm trực tiếp. Vì đối với một vị Bồ-tát, những cảnh giới đó đều đã xả bỏ, vì các ngài đã siêu việt qua các cảnh giới đó, nó không còn làm các ngài quan tâm đến nữa. Cõi trời và Phạm thiên không còn hấp dẫn các vị Bồ-tát. Bồ-tát thấy rằng ở những nơi nầy, có nhiều lý tưởng để tu tập nhưng không có gì quan trọng xảy ra.
Nguyên nhân chính mà hàng Bồ-tát không quan tâm đến các cảnh giới nầy là do nó có rất nhiều chướng ngại (ripening obscurations). Thường có 2 thứ:
– Bạn tích tập công đức qua tu thiền định (śamatha), rồi bạn đạt đến cảnh giới đó. Bạn cho rằng đó là tột đỉnh, nên không muốn tu tập tiến lên nữa.
– Khi bạn dừng lại ở đó và hưởng thụ dụng, sự cân bằng trong ngân hàng nghiệp quả của bạn sẽ bị cạn kiệt dần dần.
Điều này diễn ra hằng ngày đối với chúng ta. Nếu mình quá hạnh phúc, mình sẽ không nhớ được Pháp. Thế nên khi bạn cảm thấy mình có quá nhiều hạnh phúc trong chừng 5 phút, hãy nhớ rằng 5 phút đó mình đã tái sinh qua Trường thọ thiên (long-living gods). Nên bạn đừng nên nhất thiết phải dính mắc vào cảnh giới đó nhiều.
Tương tự như bậc Thánh bát địa (A-la-hán quả).
Trong giáo lý Ngũ đạo (Five Paths) của Đại thừa,
- Tư lương đạo.
- Gia hạnh đạo (stage of initial application; adhimukti-caryā-bhūmi).
- Kiến đạo.
- Tu đạo.
- Vô học đạo.
Sơ địa Bồ-tát tương đương giai vị Kiến đạo, thế nên ranh giới của luân hồi sinh tử và niết-bàn là nằm ngay trước giai vị Kiến đạo. Theo Ngài Nguyệt Xứng, giai vị Nhập lưu (Dự lưu, stream-winner) tương đương giai vị Kiến đạo. Thế nên Sơ địa Bồ-tát tương đương giai vị sơ quả Tu-đà-hoàn. Đó chỉ là sự khác biệt về ngôn ngữ giữa Tiểu thừa và Đại thừa. Tất cả đều là quả vị, đều đã ở trong niết-bàn.
* Đặc tính của thù thắng hơn các chúng sinh khác
即住最初菩提心
較佛語生及獨覺
由福力勝極增長
彼至遠行慧亦勝
Tức trụ tối sơ bồ-đề tâm
Hiệu Phật ngữ sinh cập Độc giác
Do phước lực thắng cực tăng trưởng
Bỉ chí viễn hành huệ diệc thắng.
Anh ngữ:
Striving for enlightenment, even when remaining on the first level,
He defeats those born from the speech of the Sage King, including solitary realisers.
And, through ever-increasing merit,
On “Far Gone”, his understanding also becomes greater.
Việt dịch:
Đạt đến giác ngộ an trú sơ địa,
So với Thanh văn cùng với Độc giác Phật,
Công đức Bồ-tát đều vượt trội;
Càng đi xa, trí tuệ Bồ-tát càng vượt trội (hơn Thanh văn v.v…)
Giải thích:
– Phật ngữ sinh: Sinh ra trong giáo pháp của Phật. Các vị Thanh văn nghe lời dạy từ kim khẩu của Phật, tu tập và thành tựu quả vị giác ngộ, nên gọi là từ miệng Phật sanh ra.
- Thù thắng hơn chúng sinh khác do lực công đức.
Sơ địa Bồ-tát giống như vị hoàng tử bé, rất nhỏ trước các bậc thông thái, các vị Thanh văn, Độc giác. Nhưng khi hoàng tử bé lên ngôi vua, Bồ-tát thành Phật, thì vượt trội hẳn các người khác.
- Thù thắng hơn chúng sinh khác do trí huệ phát sinh từ những giai vị cao hơn.
Đức Phật dạy rằng khi Bồ-tát lên đến địa thứ 7, Viễn hành địa (Far gone), các vị sẽ có được trí huệ thù thắng, vượt trội hơn tất cả các vị Thanh văn và Độc giác. Không những công đức của Bồ-tát vượt đội, mà trí huệ cũng vượt trội.
Như thế, hai phương diện Bồ-tát thù thắng hơn Thanh văn và Độc giác chính là nguyện lực từ bi và trí huệ siêu việt. Nguyện lực từ bi đã tạo nên công đức khiến cho Sơ dịa Bồ-tát vượt thắng hàng Thanh văn, và trí huệ siêu việt của chính Bồ-tát sẽ thành tựu trong địa thứ 7, Viễn hành địa.
* Bố thí là hạnh vượt trội hơn hẳn, là nguyên nhân đệ nhất của bồ-đề tâm
爾時施性最增勝
為彼菩提第一因
雖施身肉仍殷重
此因能比不現見
Nhĩ thời thí tính tối tăng thắng
Vị bỉ bồ-đề đệ nhất nhân
Tuy thí thân nhục nhưng ân trọng
Thử nhân năng tỷ bất hiện kiến.
Anh ngữ:
Here, the first cause for perfect enlightenment,
Generosity, is the most important.
Giving his flesh with enthusiasm,
Infers what is not seen.
Việt dịch:
Lúc này, nhân quyết định để giác ngộ hoàn toàn,
Bố thí ba-la-mật là quan trọng nhất.
Bố thí cả thân phần, nhưng bằng nguyện lực to lớn,
Điều nầy chỉ cảm nhận, không thể thấy được.
Giải thích:
– Có 3 loại bố thí: Tài thí (Material generosity), Pháp thí (Dharma) và Vô úy thí (Protection). Bồ-tát thực hành cả 3 loại đó. Nhưng ở đây nhấn mạnh đến Tài thí, bố thí vật chất. Có 2 loại tài thí: Nội tài thí và Ngoại tài thí.
Ngoại tài là: tiền, gạo, hoa, quả… Nội tài là vợ, chồng, con cái. Có nhiều ví dụ về nội, ngoại tài thí trong các câu chuyện tiền thân Đức Phật khi còn là Bồ-tát.
– Trong một kiếp trước, khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni còn là một vị Vua. Ngài đã đánh đổi toàn thể gia đình ngài để đổi lấy 1 bài pháp. Là một ông Vua, ngài có tất cả mọi thứ quý báu; nhưng Vua thật sự không thoả mãn với đời sống tâm linh của mình. Ngài tuyên bố rằng, người nào cho ngài có được trí huệ, ngài sẽ từ bỏ tất cả mọi thứ, kể cả vợ con, …Vua Trời Đế thích (Lord Indra) biết được tâm niệm nầy, liền biến thành một vị bà-la-môn, đến bảo rằng có thể cho Vua 1 lời nói có trí huệ nếu Vua tặng hết những người vợ của Vua. Vua liền đồng ý.
– Khi tiền thân Đức Phật Thích-ca Mâu-ni trong một kiếp trước là Thái tử. Ngài đã có tên là Thái tử Can đảm. Ngài đi trong rừng và đã hiến thân cho cọp đói cũng chỉ để học được một câu kệ. (Chư hành vô thường, Thị sanh diệt pháp, Sanh diệt diệt dĩ, Tịch diệt vi lạc).
Câu sau cùng rất quan trọng, vì làm sao một kẻ phàm phu có thể biết được ai đã là Bồ-tát Sơ địa? Không ai có khả năng sờ, chạm, nếm, ngửi đức tính đó được Nhưng nếu người nào có lòng dũng cảm, hy sinh máu thịt thân phần. Điều nầy cho chúng ta biết rằng người đó có đức tính nội tại rất cao, mà ta không thể nào nhìn thấy được, và đó chính là Sơ địa Bồ-tát. Tuy nhiên, đến khi đạt được giai vị Kiến đạo, Bồ-tát được chỉ dạy không được từ bỏ mạng sống hay xả bỏ những thân phần của mình, ngoại trừ sự hiến tặng các cơ phận sau khi chết.
* Tán thán những đức tính khác của hạnh bố thí
1. Là nguyên nhân để thoát khỏi khổ đau
彼諸眾生皆求樂
若無資具樂非有
知受用具從施出
故佛先說布施論
Bỉ chư chúng sinh giai cầu lạc
Nhược vô tư cụ lạc phi hữu
Tri thọ dụng cụ tùng thí xuất
Cố Phật tiên thuyết bố thí luận.
Anh ngữ:
Ordinary individuals, craving happiness,
Cannot live without comfort.
Recognising that comfort comes from generosity,
It was this the Muni spoke of first.
Việt dịch:
Tất cả chúng sanh đều mong được an lạc,
Họ không thể an lạc nếu thiếu tiện nghi,
Nhận ra sự thọ dụng này là do bố thí,
Nên đầu tiên Đức Phật dạy về bố thí.
Giải thích:
– Đây là đề cập đến tất cả chúng sinh, chứ không phải riêng Sơ địa Bồ-tát. Ngài Nguyệt Xứng nói rằng chừng nào con người còn nghèo khó về vật chất, nói chung người nầy được xem là không được vui. Tài sản vật chất không thể nào có được nếu không có nguyên nhân và điều kiện. Có 2 dạng:
a) Kiến thức và năng lực để tích lũy tài sản, như kiến thức về chiến lược kinh doanh, lòng nhẫn nại, thông minh, và đặt trọng tâm đúng chỗ. Nhưng đây chỉ mới là điều kiện, không phải là nguyên nhân chính, như chúng ta đều thấy nhiều người có tầm cỡ trong kinh doanh nhưng vẫn nghèo và đói.
b) Nguyên nhân chính ẩn tàng, đó là hạnh bố thí trong những kiếp trước hay ngay trong kiếp nầy. Đức Phật biết rõ đức tính tốt đẹp của tâm bố thí và sự suy vi khi không bố thí. Đó là lý do ngài dạy pháp Bố thí đầu tiên trong các hạnh ba-la-mật-đa.
– Nói chung, có thể nói Đức Phật có 3 phương thức giảng dạy Phật pháp trên thế gian này, mỗi cách nhằm hàng phục, chuyển hoá 1 vấn đề:
a) Thứ nhất, để chuyển hoá thói phi đạo đức, ngài dạy về nhân và quả, nghiệp báo v.v… chung cho hàng chúng sinh.
b) Thứ hai, để hàng phục thói chấp ngã, ngài dạy về Duyên sinh, pháp Duyên khởi, v.v… đây là giáo lý chung cho cả Thanh văn, Thượng toạ bộ (Theravāda) và Đại thừa (Mahāyāna).
c) Thứ ba, để hàng phục thói chấp pháp, phương thức nầy đặc biệt cho hàng có căn cơ Bồ-tát Đại thừa.
Vì bố thí là hành vi của nghiệp, nên được dạy cho tầng lớp đầu tiên.
Nguyệt Xứng dạy thêm:
悲心下劣心粗獷
專求自利為勝者
彼等所求諸受用
滅苦之因皆施生
Bi tâm hạ liệt tâm thô cảnh
Chuyên cầu tự lợi vi thắng giả
Bỉ đẳng sở cầu chư thọ dụng
Diệt khổ chi nhân giai thí sinh.
Anh ngữ:
Uncompassionate, extremely insensitive,
Striving solely for personal benefit –
Even such individuals will obtain comforts,
And have all sufferings pacified, through generosity.
Việt dịch:
Người ít từ bi, tâm sân hận sung mãn,
Người hăng say vì lợi ích cá nhân,
Kể cả những ai cầu nhân phúc báu,
Đều bớt khổ đau nhờ hành bố thí.
2. Là nguyên nhân để giữ gìn hạnh phúc
此復由行布施時
速得值遇真聖者
於是永斷三有流
當趣證於寂滅果
Thử phục do hành bố thí thời
Tốc đắc trực ngộ chân thánh giả
Ư thị vĩnh đoạn tam hữu lưu
Đương thú đăng ư tịch diệt quả.
Anh ngữ:
Furthermore, practising generosity,
They will swiftly meet with a superior,
Completely cutting the stream of samsara.
Having such a cause, they proceed to the yield of peace.
Việt dịch:
Những người này do hành bố thí,
Nên gặp được các bậc Thánh,
Nhờ đó chặt đứt vòng luân hồi,
Chính là chánh nhân vào an lạc.
Giải thích:
– Thông thường, người ta hành bố thí vì muốn có được những lợi lạc ở thế gian hơn là mong được giác ngộ. Nhưng ở đây ngài Nguyệt Xứng dạy rằng, thậm chí những ai không có động cơ to lớn nầy, và dù họ thực hành bố thí chỉ vì động cơ phàm tình, chẳng hạn, như muốn được giàu hơn…, miễn là họ chịu hành bố thí, thì sau cùng họ sẽ có được nhân duyên gặp được Thánh nhân. Đó là chúng sinh không còn ở trong luân hồi sinh tử, như hàng Bồ-tát.
– Có lần, trên y của Đức Phật có một vết rách nhỏ. A-nan xin được vá lại. Đức Phật từ chối. Như ngày thường, ngài đắp chiếc y đó đi khất thực ở làng bên. Trên đường ngài gặp một cô gái nghèo, xin được vá chỗ rách trên y. Đức Phật đồng ý. Cô ta dùng cỏ để khâu lại vết rách trên y. Khi đó, niềm vui rạng rỡ chợt lóe lên trên khuôn mặt tôn giả Xá-lợi-phất. Đức Phật thấy biết liền hỏi. Xá-lợi-phất trả lời, giờ nầy trên cung Tam thập tam (Đao-lợi; Heaven of the Thirty-Three). Thiên chủ Indra ra lệnh cho Viśvakarma, người phụ trách thiết kế xây dựng, lo đo đạc kiến trúc cung điện cho cô gái. Nhờ phước báo nầy, sau khi mạng chung cô ta sẽ tái sinh trên cõi trời đó.
* Tán thán hạnh bố thí của hàng Bồ-tát
發誓利益眾生者
由施不久得歡喜
由前悲性非悲性
故唯布施為要行
Phát thệ lợi ích chúng sinh giả
Do thí bất cửu sanh hoan hỷ
Do tiền bi tánh phi bi tánh
Cố duy bố thí vi yếu hành.
Anh ngữ:
Those pledged to others’ welfare,
Will soon gain happiness through generosity.
Hence, for those with compassion and those without
The importance of generosity is stressed.
Việt dịch:
Những ai phát tâm làm lợi lạc chúng sanh,
Liền được an lạc nhờ bố thí
Vì vậy với từ bi hay thiếu tâm từ bi,
Cần lấy bố thí làm căn bản.
Giải thích:
– Nay nói về bố thí của hàng Bồ-tát. Đối với chúng ta, kết quả của bố thí có thể là giàu có hay hạnh phúc trong tương lai, có thể trong vòng 10 năm hay thậm chí ngay vào năm sau. Điều đó chẳng phải là dĩ nhiên có, cũng chẳng phải là nhanh có, chóng hay chầy; để giải thích tại sao nhất thiết không chịu bố thí. Nhưng hàng Bồ-tát không mong cầu giàu có hay quyền lực, họ đã phát nguyện vì lợi lạc cho chúng sinh, mục đích là làm cho chúng sinh được an lạc. Thế nên, ngay khi họ ban tặng điều gì, họ biết rằng người khác được vui, và đây là cách thức Bồ-tát đạt được hạnh phúc. Đối với chúng ta, động cơ đằng sau việc bố thí là làm sao để mình đạt được niềm an lạc. Còn đối với Bồ-tát, động cơ là làm sao người khác đạt được an lạc. Thế nên, thông thường Bồ-tát đạt kết quả rất nhanh.
Vì vậy với từ bi hay thiếu tâm từ bi,
Cần lấy bố thí làm căn bản.
– Sự an lạc hạnh phúc của chúng sinh chỉ nhờ vào việc bố thí, dù họ có tâm từ bi, như các vị Bồ-tát, hay không có tâm từ bi, như những kẻ phàm phu chúng sinh như chúng ta. Đây là lý do tại sao tầm quan trọng của bố thí được nhấn mạnh.
* Lớn hơn dạng niềm vui tương tự
且如佛子聞求施
思惟彼聲所生樂
聖者入滅無彼樂
何況菩薩施一切
Thả như Phật tử văn cầu thí
Tư duy bỉ thanh sở sinh lạc
Thánh giả nhập diệt vô bỉ lạc
Hà huống Bồ-tát thí nhất thiết.
Anh ngữ:
When hearing or thinking of “give!”
The pleasure of a bodhisattva
Exceeds the pleasure of the arhat’s nirvana,
Not to mention [the joy of] giving everything.
Việt dịch:
Chỉ nghe hay nghĩ đến bố thí,
Bồ-tát liền có niềm an lạc,
Vượt trên an lạc của niết-bàn,
Huống gì niềm vui vì cho tất cả.
Giải thích:
– Chúng ta lại nói về hạnh bố thí của Bồ-tát. Ngay cả an lạc của Thanh văn, của Độc giác cũng không hơn được niềm vui đơn giản của Bồ-tát, chỉ khi Bồ-tát nghe được chữ ‘cho’. Điều nầy hoàn toàn hợp lý, vì Thanh văn và Độc giác có mục tiêu là giải thoát cho chính mình, trong khi mục tiêu của Bồ-tát là làm cho mọi người được an vui. Thậm chí chúng ta không cần phải để ý thực sự Bồ-tát phải cho cái gì, vì chỉ cần nghe chữ ‘cho’ cũng đủ làm tâm các ngài vui rồi. Chữ ‘cho’ tiếng Sanskrit, dānapāramitā, (e: give), còn có nhiều nghĩa khác. Nó còn biểu thị cho vô thường, chết, tái sanh, kiếp trước, kiếp sau, v.v… Nó còn biểu thị cho cơ hội để tích tập phước đức. Đó là lý do khác khiến Bồ-tát vui thích khi có người nói lên chữ ‘cho’. Không chỉ tạo cơ hội để người khác được cho, mà còn nhắc nhở họ rất nhiều giáo lý.
* Bàn luận cách làm sao để đạt được niềm vui nầy
由割自身布施苦
觀他地獄等重苦
了知自苦極輕微
為斷他苦勤精進
Do cát tự thân bố thí khổ
Quán tha địa ngục đẳng trùng khổ
Liễu tri tự khổ cực khinh vi
Vi đoạn tha khổ cần tinh tấn.
Anh ngữ:
Suffering when cutting and giving his body,
He realises the pain
Others endure in the hells and so forth.
He thus endeavours in eradicating suffering.
Dịch Việt:
Nỗi đau đớn khi cắt thịt để cho,
Cùng nỗi khổ địa ngục của chúng sanh,
thấy như chính mình đang chịu từng chút một,
Nên tinh tấn diệt trừ nhân gây khổ.
Giải thích:
– Khi Bồ-tát bố thí từng chi phần thân thể, ngài cảm thấy rất đau đớn khi cắt thịt xương, vì ngài vẫn còn bám chặt vào hình tướng. Vì sự khó chịu nầy, một chúng sinh bình thường sẽ không tiếp tục nữa. Nhưng Bồ-tát cảm thấy cái khổ ở địa ngục và khổ của loài ngạ quỷ ngay chính trong thân của Bồ-tát, nên ngài được nhắc nhở trách nhiệm của mình là phải chấm dứt nỗi khổ của các loài chúng sinh. Thế nên Bồ-tát thay vì dừng lại, các ngài sẽ phải hoàn thành sứ mệnh nầy càng nhanh hơn.
* Phạm trù của ba-la-mật-đa nầy
施者受者施物空
施名出世波羅蜜
由於三輪生執著
名世間波羅蜜多
Thí giả thọ giả thí vật không
Thí danh xuất thế ba-la-mật
Do ư tam luân sinh chấp trước
Danh thế gian ba-la-mật-đa.
Anh ngữ:
Giving, which is empty of giver, gift and receiver
Is known as transcendent paramita.
Attachment to these three
Is taught as being ordinary paramita.
Việt dịch:
Người cho, vật cho, người nhận đều không,
Đây chính là bố thí siêu việt
Nếu còn chấp vào ba thứ đó,
gọi là bố thí thường tình.
Giải thích:
– Bây giờ phân tích về 2 loại ba-la-mật-đa. Ba-la-mật-đa chân thực không có trong sơ địa. Ba-la-mật-đa (pāramitā) có nghĩa là vượt qua, siêu việt, hàng Sơ địa Bồ-tát thì chưa được siêu việt. Các ngài đã có nhiều điều hầu như là đích thực nhưng vẫn chưa hoàn toàn.
– Khi không còn sự chấp trước điều gì đối với bản ngã của người cho, hay dính mắc vào vật phẩm đem cho, và không dính mắc đến người nhận – thì việc bố thí đó được gọi là ‘siêu việt ba-la-mật-đa phàm tình’.
– Dù Bồ-tát có thể dính mắc với 3 điều trên, không phải vì thực chất mà chỉ là hình tướng, nếu các ngài hồi hướng tất cả việc bố thí nầy vì lợi ích giác ngộ cho chúng sinh, việc nầy được gọi là ‘ba-la-mật-đa phàm tình’.
– Ví dụ như khi tôi cho người bạn 1 cuốn sách, người đó nói rằng, ‘Nay tôi không mang túi xách, bạn vui lòng giữ giúp mình, cuối buổi sinh hoạt sẽ xin nhận lại.’ Bây giờ cuốn sách dù trên tay tôi, nhưng nó đã không thuộc về tôi nữa. Nó đã được tặng rồi. Dù đó là quà tặng từ tôi. Nhưng nếu tôi bỏ về cùng với cuốn sách, có nghĩa là tôi mang tội ăn cắp.
– Tương tự, nếu Bồ-tát còn tâm chấp trước, nếu ngài hồi hướng việc bố thí cho lợi ích giác ngộ chúng sinh, đó vẫn là ‘ba-la-mật-đa phàm tình.’ Đó được gọi là ‘lấy quả làm nhân’. Cũng giống như mặt trời chiếu qua mái lều thủng mà thôi.
* Tóm tắt ngắn gọn các phẩm tính Bồ-tát sơ địa qua ẩn dụ
極喜猶如水晶月
安住佛子意空中
所依光明獲端嚴
破諸重闇得尊勝
Cực hỷ do như thủy tinh nguyệt
An trú Phật tử ý không trung
Sở y quang minh hoạch đoan nghiêm
Phá chư trùng ám đắc tôn thắng.
Anh ngữ:
The bodhisattva, firmly established in such mind,
Has become a holy being, ravishing and radiant with joy,
Which, as the water crystal jewel,
Perfectly vanquishes dense darkness.
Việt dịch:
Quyết định trụ vào tâm Bồ-tát như thế,
Căn bản thánh thiện này được chiếu sáng đẹp ngời,
Niềm an lạc này như viên ngọc thủy pha lê (mặt trăng),
Bóng tối dày đặc xua tan hoàn toàn dành thắng lợi.
Giải thích:
– Thế nên Bồ-tát an trụ vững chãi trong nhận biết về đối tượng của tâm mình như thế. Và khi Bồ-tát an trụ trong trạng thái nầy, một luồng ánh sáng hoan hỷ sẽ phát sinh từ thực chứng của ngài, đó là khi Bồ-tát đạt đến Sơ địa. Niềm vui nầy cũng giống như thủy pha lê (water crystal jewel). Đó là tên của người Ấn Độ gọi ánh trăng. Ánh sáng sẽ chiếu soi bóng đêm chấp trước dày đặc, do bám vào ngã chấp và pháp chấp.
2/ ĐỆ NHỊ ĐỊA – GIAI VỊ THỨ HAI: LY CẤU ĐỊA
(歡 喜 地; 離 垢 地; vimalā-bhūmi, Without Stain)
彼戒圓滿德淨故
夢中亦離犯戒垢
Bỉ giới viên mãn đức tịnh cố
Mộng trung diệc ly phạm giới cấu.
Anh ngữ:
Here, because he possesses perfect discipline
He abandons the stains of faulty ethics, even in dreams.
Việt dịch:
Giới đức viên mãn, phẩm chất tròn đầy,
trong mơ cũng không phạm giới bất tịnh.
Giải thích:
– Giai vị thứ hai của Bồ-tát nhấn mạnh đến đạo đức. Tức giới luật. Khi nói về giới luật, trong đạo Phật thường nói về ‘đọa lạc’; bao hàm sự ‘đọa lạc tự nhiên’ và ‘đọa lạc do phạm giới’.
– Theo đạo Phật, điều quan trọng cần phải biết là, chẳng phải một nhân vật tối thượng như Đức Phật là người quyết định những việc như nghiệp xấu hay việc bất thiện. Mà chính bạn là người quyết định những điều đó.
– Chẳng hạn, giả sử bạn rất ghét anh A. Bạn muốn anh A bị những điều bất hạnh và không bao giờ có được an vui. Bây giờ, nếu bạn vừa mới đến trần gian này, có thể bạn không biết điều gì khiến người ta bất hạnh hay làm người ta vui, thế nên có thể chính bạn sẽ làm những việc điên đảo.
– Nhưng bạn không như vậy. Bạn đã ở trong luân hồi sinh tử cả triệu lần rồi. Thế nên, dĩ nhiên bạn tin vào tái sinh. Ít nhất bạn đã ở trần gian nầy vài năm, có nghĩa là bạn có một nền giáo dục ở đây. Chúng ta biết rằng, thông thường, khi khen ngợi ai thì khiến người ấy được vui. Khi chê bai thì người ta thấy bực tức. Thế nên bạn sẽ có suy luận, ví nếu có ai chê bai bạn thì bạn cảm thấy đau khổ. Nếu ta lắc bàn tay với một ý định nào đó, điều đó có thể tạo ra nghiệp tốt. Đó được gọi là ‘đọa lạc tự nhiên’.
– Khi chúng ta nói ‘nghiệp lành’ hay ‘nghiệp dữ’, chữ lành hay dữ chỉ là để phân biệt kết quả. Gọi là ‘nghiệp lành’ vì kết quả của nó tốt đẹp, và gọi ‘nghiệp dữ’ vì kết quả của nó khổ đau.
– Còn ‘đọa lạc do phạm giới’ thì sao? Khi Đức Phật dạy tỷ-khưu không được chặt cây. Nếu bạn là đệ tử Phật và bạn không tuân theo lời dạy ấy, có nghĩa là bạn không làm đúng lời phát nguyện. Điều nầy không liên quan nhiều đến ‘đọa lạc tự nhiên’, nhưng đó là điều bạn đã tự hứa mà nay bạn đã đánh mất lời hứa.
– Theo giáo lý Nguyên thủy, những lời nguyện thực sự có thực thể, là sắc (form). Giáo lý Nguyên thủy thường đề cập đến 2 loại sắc. Một là Biểu sắc, là những gì bạn có thể thấy và sờ mó được bằng giác quan. Hai là Vô biểu sắc, là những gì không thể thấy được, nhưng Vô biểu sắc nầy vẫn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn, khi một người thọ tỷ-khưu, sự phát nguyện thọ giới đó là sắc, và nó phụ thuộc vào những yếu tố của người đó, như ngũ uẩn. Do vậy, khi người đó mạng chung, thì giới tỷ-khưu cũng mất. Tuy nhiên quả báo của giới tỷ-khưu, tức công đức, vẫn còn. Nhưng giới không còn. Đó là lý do tại sao, nếu tỷ-khưu đó tái sinh thành con voi, thì đó không phải là con voi tỷ-khưu.
– Theo giáo pháp Đại thừa, một vị Bồ-tát có thể phát lời nguyện từ nay cho đến khi giác ngộ. Trung gian, ngài có thể tái sinh làm voi, ngựa hay người, nhưng các ngài vẫn là một vị Bồ-tát. Điều nầy không có nghĩa là nếu một vị Bồ-tát Đại thừa đã phát nguyện nhận giới tỷ-khưu rồi thì ngài sẽ tiếp tục làm tỷ-khưu. Vì uy tín của tự viện xuất phát từ kinh tạng Nguyên thủy, nên các Phật tử Đại thừa khi thọ giới tỷ-khưu, phải thọ giới Thanh văn trước, rồi ngay sau đó, phải thọ giới Bồ-tát Đại thừa, thì mới đúng pháp để hành đạo.
– Nguyệt Xứng nói rằng Bồ-tát Nhị địa được nhấn mạnh vào phương pháp hành trì giới luật nhiều hơn, không chỉ trong đời sống thường nhật mà cả trong giấc mơ. Do vì các hạnh của thân, khẩu, ý đều thanh tịnh. Thanh tịnh vì các hành vi đều hoàn toàn từ bỏ việc gây hại cho chúng sinh. Và trên hết Bồ-tát đã phát nguyện cứu độ chúng sinh.
* Mười hạnh lành
身語意行咸清淨
十善業道皆能集
如是十種善業道
此地增勝最清淨
Thân ngữ ý hành hàm thanh tịnh
Thập thiện nghiệp đạo giai năng tập
Như thị thập chủng thiện nghiệp đạo
Thử địa tăng thắng tối thanh tịnh.
Anh ngữ:
Because deeds of body, speech and mind are pure,
He accumulates the ten-fold aspect of the sacred path
On this tenfold path of virtue,
As he progresses, it becomes exceedingly pure.
Việt dịch:
Thân khẩu ý nghiệp đều tịnh hóa,
Mười thiện nghiệp đạo đều tu tập.
Mười thiện nghiệp đạo thật trang nghiêm,
Thành rất thanh tịnh và hơn hẳn.
Giải thích:
– Mười nghiệp lành, gồm:
- Thân 3: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm.
- Miệng 4: Không nói dối, không nói 2 lưỡi, không nói thô tục, không mắng nhiếc.
- Ý 3: Không tham, không sân, không si mê (tà kiến).
– Khi Nguyệt Xứng nói Thành rất thanh tịnh và hơn hẳn, không có nghĩa là ở Sơ địa, Bồ-tát không có 10 thiện nghiệp nầy, nhưng ngài muốn nói rằng, ở Nhị địa, thiện nghiệp nầy càng siêu việt hơn.
* Tạo nên vẻ đẹp của Bồ-tát
彼如秋月恒清潔
寂靜光飾極端嚴
Bỉ như thu nguyệt đản thanh khiết
Tịch tịnh quang sức cực đoan nghiêm.
Anh ngữ:
As the autumn moon, ever immaculate [discipline] Is ravishing in its soothing light.
Việt dịch:
Như trăng thu tròn luôn trong sáng,
Bình an, tỏa chiếu thật đoan nghiêm.
Giải thích:
– Ngài Nguyệt Xứng nói về một trong những đức tính của giới luật, đó là điều khiến cho Bồ-tát được thanh tịnh, tốt đẹp và trong sáng. Ví như mặt trăng mùa thu. Tương tự, Bồ-tát Nhị địa là hoàn toàn không bị đọa lạc bởi các nghiệp thân, khẩu, ý.
* Tự tại đối với phân biệt nhị nguyên:
若彼淨戒執有我
則彼尸羅不清淨
故彼恒於三輪中
二邊心行皆遠離
Nhược bỉ tịnh giới chấp hữu ngã
Tắc bỉ thi la bất thanh tịnh
Cố bỉ hằng ư tam luân trung
Nhị biên tâm hành giai viễn ly.
Anh ngữ:
Dwelling on the purity of his own discipline,
Is not pure discipline.
Thus in regard to its three [aspects], at all times
He is perfectly free of the engagements of dualistic mind.
Việt dịch:
Giữ giới nhưng còn chấp có ngã, (hình tướng)
Như thế hoàn toàn không thanh tịnh,
Bởi thế phải thường thấy tam luân,
Mới hoàn toàn xả ly nhận biết nhị nguyên.
Giải thích:
– Bồ-tát không nên chấp trước vào 3 sự sai lầm về chủ thể, đối tượng và hành vi, dù là rất khó. Nếu Bồ-tát còn ngã mạn (1 trong 3 kiết sử, xem phần trước), cho mình là người rất am hiểu giới luật, thì không còn là người trì giới thanh tịnh nữa. Do vậy, Bồ-tát Nhị địa là người hoàn toàn xa lìa tâm thức nhị nguyên, khiến trở thành dính mắc với giới luật cần phải giữ, hành vi giữ giới, hay Bồ-tát là người phải giữ gìn giới luật.
* Tán thán việc giữ giới
失壞戒足諸眾生
於惡趣受布施果
生物總根受用盡
其後資財不得生
Thất hoại giới túc chư chúng sinh
Ư ác thú thọ bố thí quả
Sinh vật tổng căn thọ dụng tận
Kỳ hậu tư tài bất đắc sinh.
Anh ngữ:
Having comforts through generosity, yet miserable,
This arises from breaking the limb of discipline.
Having exhausted all your investments,
Later these will not yield much comfort.
Việt dịch:
Chúng sinh phạm các chi phần giới,
Bố thí của cải có khi còn sanh vào cõi thấp,
Khi phước báu hoàn toàn tiêu thất,
Của cải không còn sinh lại nữa.
Giải thích:
– Một người có thể phát nguyện làm việc bố thí và trở nên rất sung túc với mọi thứ của cải trên đời, nhưng dù họ sung túc, chúng ta vẫn thấy chúng sinh trên thế gian nầy còn trong tình trạng khổ đau. Ví dụ như khi trở thành vua rồng Nāga, được xem là người rất giàu. Có người rất giàu vì hạnh bố thí của họ trong quá khứ, nhưng đời nầy họ lại rất keo kiệt, thậm chí họ không chia sẻ cho người khác, hay chi dùng cho chính họ.
– Từ cái nhìn Phật pháp, trở thành người may mắn hay không, thường được phán xét theo người đó có phải là người hiểu được Pháp hay không? Từ quan điểm nầy, khi một chúng sinh được sinh vào một gia đình rất giàu, nhưng chúng sinh ấy được xem như 1 con thú cưng, con mèo, hay con gì tương tự như thế, đó là vì chúng sinh ấy đã phạm giới luật. Khi con người sinh vào tình trạng như vậy, có nghĩa là anh ta đã cạn kiệt mọi nghiệp lành. Vì chúng sinh nầy đã dùng hết mọi nguyên nhân để tạo ra của cải, mà không tạo thêm nguyên nhân để sinh ra của cải, nên về sau không còn hưởng được sự giàu có ở thế gian nữa. Đây là một phương diện của sự sai lầm khi không giữ giới.
若時自在住順處
設此不能自攝持
墮落險處隨他轉
後以何因從彼出
Nhược thời tự tại trú thuận xứ
Thiết thử bất năng tự nhiếp trì
Đọa lạc hiểm xứ tùy tha chuyển
Tùng dĩ hà nhân tùng bỉ xuất.
Anh ngữ:
Dwelling independently in an agreeable place,
One may still not be able to stay,
Falling into an abyss and losing one’s independence,
How will one get out later on?
Việt dịch:
Nếu đang tự do và sống thoải mái,
Nhưng không tạo nhân khỏi đoạ lạc,
Khi rơi xuống và đánh mất tự do,
Không gì có thể kéo lộn trở lên.
Giải thích:
– Đây là lời khuyên chúng ta nên giữ giới. Khi một người chiến binh can đảm được tự do, khỏe mạnh và ở trong hoàn cảnh thuận lợi, anh ta sẽ vận dụng cơ hội nầy và sẽ rất tiến bộ – có thể thắng trận, hay đạt sự chiến thắng lớn. Nếu các bạn được sống tự tại trong một hoàn cảnh tốt đẹp, thì không có gì để nói. Nhưng nếu bạn ở trong 1 nơi không được tiện nghi cho lắm, rồi khi bạn rơi vào nơi hố thẳm và trở nên tùy thuộc vào những thứ khác, làm sao bạn thoát ra được?
Do vậy giới luật rất quan trọng để có được sự giải thoát.
* Giữ giới như là chất hóa giải cho những vấn đề nầy
是故勝者說施後
隨即宣說尸羅教
尸羅田中長功德
受用果利永無竭
Thị cố thắng giả thuyết thí hậu
Tùy tức tuyên thuyết thi la giáo
Thi la điền trung trưởng công đức
Thọ dụng quả lợi vĩnh vô kiệt.
Anh ngữ:
For this reason, having spoken of generosity,
The Buddha spoke of discipline.
Qualities grown in the pasture of discipline,
Yield unending fruits of enjoyment.
Việt dịch:
Vì thế Đức Phật sau khi tuyên thuyết bố thí,
Ngài liền giảng dạy pháp giữ giới,
Khi ruộng giới đức đầy phẩm chất,
Quả phước báu thọ dụng không bao giờ cạn.
Giải thích:
– Vì sẽ có rất nhiều lỗi lầm khi đánh mất giới luật và đạo đức, nên Đức Phật dạy về trì giới ngay liền sau khi nói về bố thí.
– Nếu đã có mảnh ruộng tốt giới luật, thì tất cả những phẩm tính giác ngộ sẽ tăng trưởng không bao giờ ngừng.
* Giới luật là nguyên nhân để được tái sinh vào tầng lớp cao và thù thắng hơn.
諸異生及佛語生
自證菩提與佛子
增上生及決定勝
其因除戒定無餘
Chư dị sinh cập Phật ngữ sinh
Tự chứng bồ-đề dữ Phật tử
Tăng thượng sinh cập quyết định thắng
Kỳ nhân trừ giới định vô dư.
Anh ngữ:
Ordinary individuals, speech-born,
Those certainly possessing enlightenment for themselves,
And bodhisattvas, all attain certain excellence and
Higher rebirth solely from discipline.
Việt dịch:
Chúng sanh cùng chúng Thanh văn,
Độc giác Phật chứng tự tánh,
Tất cả công đức của Pháp vương tử (Bồ-tát),
Nhân đạt cảnh giới cao không gì hơn là trì giới.
Giải thích:
– Những chúng sinh hạng phàm phu mà đạt được cảnh giới tái sinh cao hơn, nguyên nhân chính là nhờ giữ giới. Giới cũng là nguyên nhân chính để cho hàng Thanh văn đạt được quả vị tối thượng. Đây cũng là trường hợp của hàng Độc giác và Bồ-tát. Ở đây ngài Nguyệt Xứng đang nói về 2 loại kết quả thù thắng, đó là niết-bàn và các cảnh giới tái sanh cao hơn.
– Khi nói ‘Phật ngữ sanh’ chính là đề cấp đến hàng Thanh văn. Họ nghe lời dạy từ Đức Phật rồi tu tập, chứng quả, nên gọi là được sinh ra từ giáo pháp của Phật.
– Khi ta làm một điều ác, là một trong 10 điều bất thiện nghiệp, nếu việc ấy quá nặng, sẽ có quả báo tái sinh ở cõi địa ngục. Nếu tương đối nặng, sẽ có quả báo tái sinh ở cõi súc sinh. Nếu điều ác nhẹ, sẽ có quả báo tái sinh trong cõi quỷ đói. Nếu sau khi tái sinh rồi mà vẫn còn vài nghiệp lực rơi rớt, thì dù có sinh vào cõi người, vẫn còn chịu những quả báo như sau:
- Nếu tạo nghiệp sát trong quá khứ, nay bạn sẽ bị bệnh tật hoặc chết yểu.
- Nếu tạo nghiệp trộm cắp nhiều, nay sẽ bị thiếu thốn, hoặc phải bị phân chia tài sản với người khác.
- Nếu mắc vào tà hạnh, nay bạn sẽ gặp bạn bè không trung thực, hay người phối ngẫu, người mà luôn luôn tạo nên nhiều thù nghịch.
- Nếu bạn nói dối nhiều, nay bạn sẽ là đối tượng của sự bàn tán và bị lừa dối.
- Bạn gặp quả báo với sự phỉ báng, nếu bạn luôn luôn kết thúc trong tình trạng mâu thuẫn mà bạn không thể nào hóa giải những xung đột. Bạn sẽ có những bạn đồng hành với tính cách xấu.
- Nếu bạn nói lời thô ác, bạn sẽ bị nghiêng về tin tức xấu. Bất luận bạn nói điều gì, lời nói của bạn luôn luôn trở thành nguyên nhân cho sự tranh cãi, hay cho vài sự bất bình.
- Nếu bạn thích buôn chuyện (gossip; nói thêu dệt), thì không ai để ý, lấy làm trọng đến điều bạn nói.
- Tà hạnh sẽ tạo nên sự bất bình thường xuyên, và tham muốn tất cả các thứ vật chất.
- Sân hận có quả báo khiến bạn luôn luôn muốn tìm kiếm một điều gì đó, và điều bạn tìm kiếm luôn luôn gây tác hại đến bạn. Người khác cũng có thể gây hại đến bạn.
- Si mê, tà kiến có quả báo là dù bạn có thông minh đến cỡ nào, nếu có người nói về điều gì đó có vẻ rất kỳ cục và điên rồ, thế mà bạn vẫn tin.
* Ẩn dụ cho giới thuần thanh tịnh
猶大如海與死屍
亦如吉祥與黑耳
如是持戒諸大士
不樂與犯戒雜居
Do như đại hải dữ tử thi
Diệc như cát tường dữ hắc nhĩ
Như thị trì giới chư đại sĩ
Bất lạc dữ phạm giới tạp cư.
Anh ngữ:
Just as a corpse and the ocean,
And auspiciousness and misfortune [cannot] co-exist,
So a great sovereign applying himself to discipline,
Cannot live with carelessness.
Việt dịch:
Cũng như biển cả đối với xác chết,
Như may mắn cùng rủi ro,
Cũng thế, bậc đại nhân giữ giới,
Không cùng người phá giới sống chung.
Giải thích:
– Ở Ấn Độ, họ thường thảy xác chết xuống biển. Nhưng vào buổi sáng, biển luôn luôn ném xác lên bờ trở lại. Bài kệ cho thấy chính biển và thây chết không chung sống cùng nhau. Sự may mắn và rủi ro cũng như vậy. Tương tự, trong giai vị địa thứ hai, Bồ-tát đã an trụ trong giới luật, thế nên không thể nào sống chung với người phá giới.
* Phân tích về ba-la-mật-đa nầy
由誰於誰斷何事
若彼三輪有可得
名世間波羅蜜多
三著皆空乃出世
Do thùy ư thùy đoạn hà sự
Nhược bỉ tam luân hữu khả đắc
Danh thế gian ba-la-mật-đa
Tam trước giai không nãi xuất thế.
Anh ngữ:
Who abandons, what is abandoned, and for whom – Discipline with these three points of reference,
Is taught to be ordinary paramita;
Absence of clinging to these three, transcendent.
Việt dịch:
Chủ thể, hoạt động, đối tượng trong buông xả,
Vẫn còn chấp thấy ba thứ này khi trì giới,
Giữ giới như thế gọi là theo thế pháp,
Không còn ba thứ này mới là chân giải thoát.
Giải thích:
– Ba điều nầy, một là người đoạn trừ (Bồ-tát ở Nhị địa), hai là sự việc cần phải đoạn trừ (như việc sát hại), ba là đối tượng của sự việc đó (ví dụ là súc vật, v.v..). Nếu Bồ-tát còn chấp vào 3 điểm nầy, thì đó được gọi là ba-la-mật-đa thế gian. Tuy nhiên, nếu không dính mắc vào 3 điều trên, sẽ giống như ba-la-mật-đa thứ nhất, hành vi đó siêu việt phàm tình, gọi là ba-la-mật-đa siêu việt.
* Tóm tắt các đức tính của giai vị nầy
佛子月放離垢光
非諸有攝有中祥
猶如秋季月光明
能除眾生意熱惱
Phật tử nguyệt phóng ly cấu quang
Phi chư hữu nhiếp hữu trung tường
Do như thu quý nguyệt quang minh
Năng trừ chúng sinh ý nhiệt não.
Anh ngữ:
The moon-like bodhisattva while non-worldly,
Is the glory of this world.
Like the radiance of the autumn moon – the Stainless –
His stainlessness soothes the anguish of sentient beings.
Việt dịch:
Bồ-tát như ánh trăng lìa phàm tình,
Bằng ánh sáng tịnh hóa các cấu nhiễm,
Như ánh trăng rằm mùa thu soi tỏa
Xua tan phiền não trong tâm chúng sanh.
Giải thích:
– Bồ-tát ở trong giai vị địa thứ hai không còn là phàm tình, mà ngài là sự vinh quang của thế gian, vì các ngài có thể hộ trì cho chúng sinh ở thế gian. Các ngài được gọi là Vô cấu, vì không sai phạm giới luật. Ví như ánh trăng mùa Thu, có thể làm mát dịu những người đang khổ vì nóng bức. Bồ-tát Nhị địa là người có thể xoa dịu nỗi khổ cho chúng sinh.
3/ ĐỆ TAM ĐỊA – GIAI VỊ THỨ BA: PHÁT QUANG ĐỊA
(發 光 地; prabhākārī-bhūmi; Luminous; Giving out Light)
火光盡焚所知薪
故此三地名發光
入此地時善逝子
放赤金光如日出
Hỏa quang tận phần sở tri tân
Cố thử tam địa danh phát quang
Nhập thử địa thời Thiện Thệ tử
Phóng xích kim quang như nhật xuất.
Anh ngữ:
Because the wisdom-fire, burning the firewood of all phenomena,
Blazes, so the third bhūmi
[Is called] ‘Luminous’. Here as the son of the Sugata
Radiates like the sun’s copper light.
Việt dịch:
Trí tuệ cũng như củi cháy trong lửa lớn,
Ánh sáng tỏa ra là cảnh giới địa thứ ba
Các pháp vương tử khi vào cảnh giới nầy
Hiển hiện mặt trời chứng ngộ rực rỡ.
Giải thích:
– Hai giai vị trước là phát Bồ-đề tâm, tương ưng với Bố thí và Trì giới. Giai vị nầy là thực sự bước vào Trung đạo. Gọi là Phát quang. Ý nghĩa tu tập chính là An nhẫn.
– Hiện tượng được ví như củi. Trí huệ ví như lửa. Lửa trí huệ thiêu đốt sạch các thứ củi hiện tượng, đốt cháy mọi bám chấp vào ý niệm hiện tượng là tồn tại thực hữu.
* An nhẫn ba-la-mật-đa. Nhẫn chính yếu thông qua tâm từ.
設有非處起瞋恚
將此身肉并骨節
分分割截經久時
於彼割者忍更增
Thiết hữu phi xứ khởi sân nhuế
Tương thử thân nhục tịnh cốt tiết
Phần phần cát tiệt kinh cửu thời
Ư bỉ cát giả nhẫn cánh tăng.
Anh ngữ:
Although he is innocent, aggressive individuals may
Carve from his flesh and bones,
Slowly, measure by measure,
Yet, such dissection merely makes his patience grow.
Việt dịch:
Nếu như vô cớ nổi sân giận,
Đem thân thể cùng xương tủy này
Từ từ cắt ra từng chút một,
Người bị cắt càng Nhẫn thêm hơn.
Giải thích:
– Bồ-tát không phải là đối tượng để xâm hại. Vì các ngài rất cao quý, thương yêu mọi loài, không bao giờ khiêu khích mọi sự xâm hại. Nhưng cũng có người rất ích kỷ, độc ác, họ có thể cắt đứt từng phần thân thể của Bồ-tát, từng lúc, từng chút một. Như câu chuyện tiền thân Đức Phật là Nhẫn nhục Tiên nhân trong Kinh Kim Cang.
– Nhưng dù Bồ-tát ở trong hoàn cảnh nầy, thay vì giận dữ hạng người thô ác như vậy, Bồ-tát ở giai vị thứ ba vẫn khởi tâm đại từ bi đối với người đã tạo nên sự xâm hại nầy. Bài kệ nầy cho chúng ta thấy năng lực của An nhẫn, khi An nhẫn có động lực từ đại bi tâm.
* An nhẫn thông qua nhận thức
已見無我諸菩薩
能所何時何相割
彼見諸法如影像
由此亦能善安忍
Dĩ kiến vô ngã chư Bồ-tát
Năng sở hà thời hà tương hại
Bỉ kiến chư pháp như ảnh tượng
Do thử diệc năng thiện an nhẫn.
Anh ngữ:
Because for the bodhisattva who sees selflessness
Victim, perpetrator, moment, manner,
Purpose – are all seen as a reflection,
[He attains] patience.
Việt dịch:
Bồ-tát khi không còn thấy Ngã,
Đối tượng, chủ thể đâu còn hại được nữa.
Nhận ra các pháp như ảnh chiếu,
Do thế nên khéo đạt an nhẫn.
Giải thích:
– Ngài Nguyệt Xứng chỉ cho chúng ta sức mạnh của tâm từ khi đã trực nhận ra thực tại của tánh không (śūnyatā). Bồ-tát ở giai vị thứ ba đã thấy rõ hoàn toàn Ngã không. Các ngài cũng nhận ra được tự tánh vô ngã của các pháp, và không còn bám chấp vào thế giới hiện tượng, xem các pháp là thực hữu. Đó là thấy Pháp không. Vào lúc nầy, Bồ-tát nhìn thấy các cảnh giới hiện tượng như là ảnh chiếu trong gương. Đối với các ngài, không còn thấy đâu là chủ thể, đâu là đối tượng, đâu là tác nhân nữa. Do thông đạt sự thật, nên các ngài đạt An nhẫn.
* Quả báo do thiếu An nhẫn
若已作害而瞋他
瞋他已作豈能除
是故瞋他定無益
且與後世義相違
Nhược dĩ tác hại nhi sân tha
Sân tha dĩ tác khởi năng trừ
Thị cố sân tha định vô ích
Thả dữ hậu thế nghĩa tương vi.
Anh ngữ:
If you take revenge upon having been harmed,
How can this reverse the harm done?
Accordingly, revenge is useless for this life,
And counterproductive with regard to the next.
Việt dịch:
Khi việc hại xảy ra, sanh nóng giận,
Nóng giận ấy liệu có thể giải trừ?
Vì vậy nóng giận có ích gì
Không lợi lạc gì, cả đời sau.
Giải thích:
– Có những việc thông thường, như lỗi lầm do thiếu kiên nhẫn. Nếu có người hãm hại bạn và bạn có ý định trả thù kẻ ấy. Liệu sự trả thù ấy có đem lại kết quả là vốn như trạng thái ban đầu khi bạn chưa bị hãm hại? Nói cách khác, liệu sự trả thù ấy có giải quyết được mọi vấn đề? Câu trả lời là dòng kệ 3 và 4.
– Đó là lý do tại sao không cần thiết phải trả thù và đánh mất lòng nhẫn nại trong đời mình. Những gì mình làm khi nóng giận sẽ là nhân, và sẽ có quả trong tương lai. Đề-bà (Āryādeva)[16] nói: ‘Nếu có người phê phán, bạn nên xem xét người đó nói đúng hay sai. Nếu đúng, thì bạn không nên giận dữ hay bất bình, vì đó là sự thật. Nếu sai, thì bạn cũng không nên giận dữ hay bất bình, vì đó là là điều không đúng.
既許彼苦能永盡
往昔所作惡業果
云何瞋恚而害他
更引當來苦種子
Ký hứa bỉ khổ năng vĩnh tận
Vãng tích sở tác ác nghiệp quả
Vân hà sân khuể nhi hại tha
Cánh dẫn đương lai khổ chủng tử.
Anh ngữ:
The result of earlier non-virtuous action,
Is regarded as having been called purification [by the Buddha].
[Yet] you harm the other. The suffering from that anger,
Is what you now proceed to sow.
Việt dịch:
Người đã nguyện trừ sạch các khổ đau,
Những quả do ra từ nghiệp ác đời trước,
Sao còn sân hận muốn hại người.
Lại nhân giống khổ cho đời sau?
Giải thích:
– Đây lại nói về sai lầm của tâm thiếu An nhẫn. Khi ta phải chịu khổ đau do người khác gây ra, ta nên xem đây như là sự chín muồi của nghiệp trong đời trước. Nếu ta có ý định hãm hại người kia hay cố ý trả thù, đó là nhân khổ đau. Thế nên tại sao mình lại dẫn mình đến việc tạo nghiệp khổ?
* Không An nhẫn sẽ làm tiêu tan công đức đã tạo được
若有瞋恚諸佛子
百劫所修施戒福
一剎那頃能頓壞
故無他罪勝不忍
Nhược hữu sân khuể chư Phật tử
Bách kiếp sở tu thí giới phước
Nhất sát-na khoảnh năng đốn hoại
Cố vô tha tội thắng bất nhẫn.
Anh ngữ:
Because getting angry at a bodhisattva,
One hundred kalpas’ virtue accumulated through generosity and discipline,
Is destroyed in an instant.
Therefore, an evil worse than anger does not exist.
Việt dịch:
Nếu sân giận các pháp vương tử
Công đức bố thí, trì giới hằng trăm kiếp,
Tức thì tiêu mất trong sát-na
Nên không có tội nào hơn giận dữ.
Giải thích:
– Nếu người nào sân hận với Bồ-tát, thì công đức đã tích tập trong 100 kiếp bằng bố thí và trì giới sẽ bị tiêu tán trong phút chốc. Do vậy, trong các ác nghiệp phá hoại phước đức, sân hận là mạnh nhất.
– Có vài phạm trù ác nghiệp, có quả báo làm tiêu tán công đức hay chín muồi khác nhau. Chẳng hạn, ác nghiệp có quả báo nặng nhất đó là giết cha mình. Đây là 1 trong Ngũ vô gián tội. Trong những hành vi khiến phá hủy công đức, sân hận là tệ hại nhất.
– Trong Nhập Bồ-đề hành (Bodhicārya-vatāra), ngài Tịch Thiên (Śāntideva) nói rằng sân hận có thể làm tiêu tán công đức của 1.000 kiếp. Nhưng trong Nhập Trung luận (Madhyamaka-vatāra), chúng ta thấy đề cập 100 năm. Do Nguyệt Xứng và Tịch Thiên đều thuộc về phái Cụ duyên-Trung quán (prāsaṅgika- madhyamika)[17], làm sao mà họ có quan điểm khác nhau? Thuật ngữ, không có gì mâu thuẫn ở đây. Vì 2 vị luận giải từ 2 bộ kinh Đại thừa khác nhau. Tịch Thiên luận giải từ kinh Bảo Tích (Sutra of the Heap of Jewels, Ratnakuta Śūtra), còn Nguyệt Xứng luận giải từ kinh Śūtra of the Display of Mañjuśrī. Kinh Bảo Tích đề cập đến hàng Bồ-tát có giai vị thấp ở Tư lương vị (path of accumulation). Tuy nhiên, trong kinh Sutra of the Display of Mañjuśrī đề cập đến hàng Bồ-tát giai vị cao hơn, Gia hạnh vị (path of application). Điểm chung ở đây là 2 hàng Bồ-tát đều còn đang tu tập An nhẫn và phẫn nộ, nhưng không phải là hàng phàm phu. Nếu hàng phàm phu nổi tâm sân hận với hàng Bồ-tát, sẽ không lường được kết quả trong ý nghĩa 100 hay 1.000 kiếp.
– Trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy rằng một hành nghiệp sẽ không bao giờ bị tiêu hủy bằng 1 điều gì khác, ngoại trừ khi nó chín muồi. Có nghĩa là Bồ-tát ở giai vị Tư lương đạo sẽ không bao giờ đạt đến giải thoát, nếu còn tâm sân hận. Nếu còn sân hận, công đức trong 100 kiếp, hoặc trong 1000 kiếp đều mất sạch. Thế nên, nghĩa chính xác của ‘tiêu hủy, destroy’ là bị dừng lại (postponed). Sân hận sẽ làm dừng lại sự chín muồi của công đức từ kết quả của bố thí và trì giới.
* Quả báo thấy được và không thấy được
使色不美引非善
辨理非理慧被奪
不忍令速墮惡趣
忍招違前諸功德
Sử sắc bất mỹ dẫn phi thiện
Biện lý phi lý huệ bị đoạt
Bất nhẫn linh tốc đọa ác thú
Nhẫn chiêu vi tiền chư công đức.
Anh ngữ:
It creates an ugly body and leads to the unholy,
Robbed of discriminating mind,
Impatience will hurl you into the lower realms –
Patience remedies the above and develops qualities.
Việt dịch:
Ngoại hình xấu xí, thường cùng người xấu ác,
Cướp mất khả năng phân biệt đúng và sai,
Không nhẫn mau chóng đưa người vào cõi thấp.
Nhẫn nâng phẩm tánh, đem lại nhiều công đức.
Giải thích:
– Cho dù người giàu có, sang trọng, quý phái, khi họ nổi giận, liền bị dẫn đến đọa lạc, khiến mất đi sự giàu sang quý phái, tính tốt. Họ trở nên bị dính mắc với sự nóng giận, bị cái giận cướp mất tất cả tính thông minh sáng suốt của họ, khiến không phân biệt được đúng sai. Nếu bạn kiểm chứng điều nầy, sẽ thấy rất rõ ràng. Chúng ta sẽ gây rất nhiều sai lầm khi chúng ta nóng giận.
– Nóng giận cũng dẫn ta đến các cảnh giới thấp kém, như súc sinh, ngạ quỷ hay địa ngục. Còn trái lại, có tâm an nhẫn thì không gặp các cảnh giới trên, mà được nhiều công đức.
* Tính chất thù thắng của hạnh An nhẫn
忍感妙色善士喜
善巧是理非理事
歿後轉生人天中
所造眾罪皆當盡
Nhẫn cảm diệu sắc thiện sĩ hỷ
Thiện xảo thị lý phi lý sự
Một hậu chuyển sinh nhân thiên trung
Sở tạo chúng tội giai đương tận.
Anh ngữ:
Through patience [you will be] beautiful;
Adored by holy beings; skilful in
Discerning right and wrong; and thereafter
Born as a human or god, you will exhaust evil.
Việt dịch:
Nhẫn được tướng trang nghiêm, bậc thiện sĩ hoan hỷ,
Giỏi phân biệt chuyện đúng sai,
Đời sau sanh vào cõi trời người.
Các tội đã tạo đều tiêu sạch.
Giải thích:
– An nhẫn, tạo nên thân tướng tốt đẹp; dẫn đến sự thánh thiện thanh cao, khả năng giản trạch đúng sai tăng trưởng, và dẫn đến các cảnh giới cao hơn. Những điều nầy nghịch với khi tạo ra lỗi lầm do nóng giận.
* Tầm quan trọng của thực hành An nhẫn
了知異生與佛子
瞋恚過失忍功德
永斷不忍常修習
聖者所讚諸安忍
Liễu tri dị sinh dữ Phật tử
Sân khuể quá thất nhẫn công đức
Vĩnh đoạn bất nhẫn thường tu tập
Thánh giả sở tán chư an nhẫn.
Anh ngữ:
Ordinary individuals and bodhisattvas,
Knowing the defects and qualities of anger and patience,
Abandon impatience and rely on
Patience as praised by Superiors.
Việt dịch:
Chúng sanh và những vị pháp vương tử (Bồ-tát),
Biết rằng sân hận làm mất công đức
Thường tu tập hạnh an nhẫn
Nên an nhẫn được bậc Thánh tán thán.
Giải thích:
– Nên biết rằng chúng sinh phàm phu (dị sanh) có thiếu sót về tính nóng giận, bạn nên từ bỏ tính thiếu kiên nhẫn và nương tựa vào tính an nhẫn.
– Biết rằng hàng Bồ-tát vốn có phẩm tính giác ngộ về hạnh An nhẫn, bạn nên từ bỏ tính thiếu kiên nhẫn và nương tựa vào tính an nhẫn như sự tán tán của các bậc Thánh.
* Phân tích về An nhẫn ba-la-mật-đa
縱迴等覺大菩提
可得三輪仍世間
佛說若彼無所得
即是出世波羅蜜
Túng hồi đẳng giác đại bồ-đề
Khả đắc tam luân nhưng thế gian
Phật thuyết nhược bỉ vô sở đắc
Tức thị xuất thế ba-la-mật.
Anh ngữ:
Dedicating to perfect enlightened buddhahood,
With threefold reference is ordinary paramita.
If non-referential, the Buddha
Taught this to be transcendent paramita.
Việt dịch:
Ngay cả hồi hướng quả Phật toàn giác,
Còn chấp ba tướng vẫn là thế gian pháp,
Phật dạy nếu không chấp vào sở đắc
Chính là pháp ba-la-mật siêu việt.
Giải thích:
– Ngài Nguyệt Xứng dạy về các loại An nhẫn. Cũng như các ba-la-mật-đa khác, dù có hồi hướng công đức nhẫn của mình, nhưng nếu bạn vẫn còn dính mắt với 3 tướng đề cập ở trên (chủ thể, đối tượng và tác nhân), thì nhẫn đó vẫn còn là ba-la-mật-đa phàm tình. Nếu không chấp trước 3 tướng trên, Đức Phật dạy đó chính là ba-la-mật-đa xuất thế gian.
– Trong Nhập bồ-đề hành của Tịch Thiên có đề cập đến nhiều hạnh An nhẫn và sai lầm do sân hận. Có rất nhiều chi tiết, chẳng hạn, có đến 24 loại nhẫn. Nay xin giải thích vắn tắt đến 4 loại nhẫn. Chúng ta nên an nhẫn khi:
a) Gặp những trường hợp không thuận lợi cho mình, cho bạn bè hoặc người thân.
b) Gặp chướng ngại cho những hoàn cảnh thuận lợi của chính mình.
c) Những hoàn cảnh thuận lợi cho kẻ thù của mình.
d) Chướng ngại đối với những hoàn cảnh không thuận lợi cho kẻ thù của mình.
Hai loại đầu rất dễ hiểu. Loại thứ 3 là điều mình không thích khi kẻ thù của mình có cơ hội tốt. Loại thứ 4 là điều mình không thích nếu có ai đó sắp sửa can thiệp hay giải quyết những vấn đề thuộc kẻ thù địch của mình.
* Thế nào các đức tính khác cũng có được trong giai vị nầy
此地佛子得禪通
及能遍盡諸貪瞋
彼亦常時能摧壞
世人所有諸貪欲
Thử địa Phật tử đắc thần thông
Cập năng biến tận chư tham sân
Bỉ diệc thường thời năng suy hoại
Thế nhân sở hữu chư tham dục.
Anh ngữ:
On this bhūmi the bodhisattva [attains] samadhi and foreknowledge,
Exhausting entirely desire and anger.
And is always able to overcome
This world’s gross attachment to desire.
Việt dịch:
Địa này Bồ-tát đạt thần thông
Tham sân bị tiêu diệt hoàn toàn,
Nên pháp thế gian đều trừ sạch
Do người đời đầy đắm chấp tham dục.
Giải thích:
– Ở giai vị thứ ba, Bồ-tát có đầy đủ định lực (samādhi). Và có 6 thứ thần thông (clairvoyance; foreknowledge):
- Thiên nhãn (Divine eye).
- Thiên nhĩ (Divine ear).
- Túc mạng thông (Remembering past lives).
- Tha tâm thông (Knowing other people’s minds).
- Thần túc thông (Knowing things through miraculous powers).
- Lậu tận thông (Knowing things without emotion).
Bồ-tát ở giai vị thứ 3 bây giờ đã có được thần thông thứ 5.
– Hai dòng kệ đầu nói về phẩm đức của Bồ-tát đạt được sự thuần tịnh. Hai dòng kệ sau nói về những gì Bồ-tát có thể làm vì lợi lạc chúng sinh. Có thể nói rằng ở giai vị thứ ba, tự thân Bồ-tát không chỉ tìm cách chuyển hoá tham dục – nguyên nhân của Dục giới – vì chính mình, mà vì chúng sinh.
* Giải thích 3 hạnh tu thông thường, Bố thí, Trì giới, An nhẫn
如是施等三種法
善逝多為在家說
彼等亦即福資糧
復是諸佛色身因
Như thị thí đẳng tam chủng pháp
Thiện Thệ đa vi tại gia thuyết
Bỉ đẳng diệc tức phước tư lương
Phục thị chư Phật sắc thân nhân.
Anh ngữ:
These general practices – generosity and so forth –
The Sugata advocated for householders.
[These] known as the accumulations of merit,
Are seeds of the body, containing the Buddha’s form.
Việt dịch:
Bố thí… ba pháp thường hành,
Thiện Thệ dạy cư sĩ tại gia,
Cũng là công đức được tích tụ
Là nhân thành Phật thân viên mãn.
Giải thích:
– Bài kệ nầy hầu như là kết luận. Ba công hạnh bố thí, trì giới, an nhẫn được tán thán là pháp môn tu tập lý tưởng cho người tại gia cũng như cho hàng Bồ-tát. Theo Đại thừa, chúng ta nói đến 2 loại tư lương, đó là từ bi và trí huệ. Nếu có người nào hỏi bạn về phước đức, điều ấy được giải thích bằng dòng kệ thứ 3. Tương tự nếu có ai hỏi về Ứng thân, Báo thân, và Phật thân, câu trả lời là dòng kệ thứ 4.
* Phẩm đức của địa nầy
發光佛子安住日
先除自身諸冥闇
復欲摧滅眾生闇
此地極利而不瞋
Phát quang Phật tử an trú nhật
Tiên trừ tự thân chư minh ám
Phục dục tồi diệt chúng sinh ám
Thử địa cực lợi nhi bất sân.
Anh ngữ:
The bodhisattva who is the radiance of the sun,
First completely dispels his own darkness,
He then wishes to dispel the darkness of sentient beings.
On this bhūmi, though very sharp, he knows no aggression.
Việt dịch:
Bồ-tát an trú trong ánh sáng mặt trời,
Trước tiên xua tan bóng tối nơi tự thân,
Phát nguyện dẹp tan tối tăm của chúng sanh,
Địa này bén nhạy mà không sân.
Giải thích:
– Bồ-tát giai vị thứ 3 chính là người tạo nên ánh sáng hay hào quang. Trong khi các ngài đạt được trí huệ trong giai vị thứ ba, Bồ-tát xóa tan mọi tối tăm của chính mình, khi nhận ra nó chỉ là hình tướng. Trong khi làm điều đó, ngài cũng xóa tan bóng tối của những người khác, và lúc dó, Bồ-tát rất thông lợi để phá tan mọi nguyên nhân đưa đến sự đọa lạc của chúng sinh.
– Bây giờ chúng ta đi đến 1 phát biểu rất quan trọng của Đại thừa. Dù Bồ-tát rất thông lợi, ngài cũng không bao giờ giận dữ đối với một ai dù người đó có sai lầm. Hàng chúng sinh phàm phu thì không như vậy. Chúng sinh có thể giải quyết những vấn đề riêng của mình, nhưng khi chúng ta xoay sở để làm được điều đó, thì chúng ta trở nên kiêu hãnh và ngã mạn dẫn chúng ta đến sự sân hận, nếu có người phê phán. Kiêu ngạo luôn luôn được xây dựng trên một dạng so sánh nào đó. Bạn nhìn thấy có người mắc phải lỗi lầm, và bạn nghĩ rằng lỗi lầm đó chính là cái mình đã phạm từ trước, thế nên bạn thấy mình hơn họ, bạn liền khởi tâm kiêu ngạo.
– Nhưng khi Bồ-tát thấy lỗi lầm ở người khác, ngài thấy họ hoàn toàn có khả năng để tự hóa giải vấn đề riêng của họ. Chẳng hạn, nếu mình tỉnh giấc từ một cơn mộng mị, và nhận thấy những người khác vẫn đang còn trong cơn mộng mị, thì mình sẽ không khoa trương về cách thức nào mà mình đã xoay sở để tỉnh cơn mộng, vì đó chỉ là 1 việc nhỏ cần phải làm.
– Ðể đạt đến giai vị này, Bồ-tát phải diệt trừ Ba độc là tham, sân, si, thực hiện được bốn cấp định an chỉ (dhyāna) của Sắc giới và chứng đạt năm thành phần trong Lục thông (abhijñā).
4/ ĐỆ TỨ ĐỊA – GIAI VỊ THỨ TƯ: DIỆM HUỆ ĐỊA
(燄 慧 地; arciṣmatī-bhūmi)
功德皆隨精進行
福慧二種資糧因
何地精進最熾盛
彼即第四燄慧地
Công đức giai tùy tinh tấn hành
Phước huệ nhị chủng tư lương nhân
Hà địa tinh tấn tối xí thạnh
Bỉ tức đệ tứ Diệm huệ địa.
Anh ngữ:
All qualities depend on diligence –
Cause of the two accumulations of merit and wisdom.
Blazing with diligence,
The fourth bhūmi is known as Radiant.
Việt dịch:
Tất cả công đức đều do tinh tấn
Là nhân chánh yếu của phước đức và trí tuệ,
Nơi nào tinh tấn tỏa sáng rạng ngời,
Đó là địa thứ tư, Diệm huệ địa.
Giải thích:
– Đây là phát bồ-đề tâm thứ tư khi bước vào Trung đạo, Diệm huệ địa – Tinh tấn.
– Diệm huệ có nghĩa là trí huệ chiếu sáng. Bồ-tát giai vị nầy là người có trí huệ để chiếu phá mọi tối tăm, đưa chúng sinh ra khỏi vùng tối vô minh.
* Liên hệ của Địa nầy với kinh nghiệm thiền định.
此地佛子由勤修
菩提分法發慧燄
較前赤光尤超勝
自見所屬皆遍盡
Thử địa Phật tử do cần tu
Bồ-đề phần pháp phát huệ diệm
Hiệu tiền xích quang vưu siêu thắng.
Tự kiến sở thuộc giai biên tận.
Anh ngữ:
Here the bodhisattva’s radiance
From thoroughly meditating on the aspects of buddhahood,
Shines brighter than copper.
Belief in self and its effects are exhausted.
Việt dịch:
Lúc này Bồ-tát chứng ngộ được,
Từ (37) Bồ-đề phần phát ánh sáng trí huệ
Sáng chói hơn cả tia sáng hào quang,
Thấy những gì sanh ngã chấp hoàn toàn tiêu diệt.
Giải thích:
– 37 bồ-đề phần gồm:
- Tứ niệm trụ (xứ) (Four contemplations).
- Tứ chánh cần (đoạn) (Four perfect abandonments).
- Tứ thần túc (Four limbs of miracles).
- Ngũ căn (Five powers).
- Ngũ lực (Five forces).
- Thất bồ-đề phần (Seven limbs of enlightenment).
- Bát chánh đạo phần (Eight noble paths).
– Giai vị nầy Bồ-tát thiêu sạch tất cả những quan niệm sai lầm, tu tập trí huệ, Bát-nhã (prajñā) và 37 Bồ-đề phần (bodhipākṣika-dharma).
5/ ĐỆ NGŨ ĐỊA – GIAI VỊ THỨ NĂM: NAN THẮNG ĐỊA
(難 勝 地; sudurjayā-bhūmi; Difficult to Overcome / Practice)
大士住於難勝地
一切諸魔莫能勝
靜慮增勝極善知
善慧諸諦微妙性
Đại sĩ trụ ư Nan thắng dịa
Nhất thiết chư ma mạc năng thắng
Tịnh lự tăng thắng cực thiện tri
Thiện huệ chư đế vi diệu tánh.
Anh ngữ:
All the demons of self-importance,
Cannot defeat the [bodhisattva] on the bhūmi Difficult to Overcome:
Meditation is excellent, mind is good, the nature of truth
Is thoroughly realised, thus he becomes skilful.
Việt dịch:
Bồ-tát trụ nơi Nan thắng địa,
Các ma đều không thể thắng ngài được.
Thiền định siêu việt biết rõ chân pháp tánh,
Chứng ngộ sâu sắc các chân lý vi diệu.
Giải thích:
– Bậc Đại sĩ (Bồ-tát) không còn bị đánh bại bởi các loại Thiên ma, huống gì quyến thuộc của các loại ma. Nên giai vị nầy có tên là Nan thắng.
– Trong 10 loại ba-la-mật-đa, tịnh lự ba-la-mật-đa là vượt trội nhất. Thiện huệ là các bậc thánh. Chân lý của các bậc Thánh gọi là Thánh đế. Trí vi diệu thông đạt các tánh, tức liễu tri thống suốt thể tánh vi diệu của chân đế. Tức Tứ thánh đế, khổ tập diệt đạo.
– Giai vị nầy Bồ-tát an trú trong định, đạt trí huệ, nhờ đó liễu ngộ Tứ diệu đế và Chân như, tiêu diệt nghi ngờ nên khéo phân biệt, tiếp tục hành trì 37 giác chi.
(HẾT PHẦN I)
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
– Tāranatha, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Thích Nhuận Châu dịch.
– Kenneth K. Inada, Nāgārjuna, A Translation of his Mūlamadhyamaka-kārikā with an Introdutory Essay. Hokuseido Press,1970.
– Từ điển Phật học Đạo Uyển, NXB Thời đại, 2005.
– Pháp Tôn Pháp sư, Nhập Trung luận tụng, bản Hán.
– Alex Trisoglio biên tập, Introduction to the Middle Way, Chandrakirti’s Madhyamakavātara Khyentse Foundation, 2003.
[1] Đề tài Phủ định luận được đề xuất bởi AB.Keith trong tác phẩm gây ấn tượng và có ảnh hưởng của ông nhan đề Buddhist Philosophy in India and Ceylon. Xuất bản năm 1923. [2] E:three seals of the dharma. [3] E: Cycle, wheel. [4] Tương đương Tap A-hàm trong Hán tạng. [5] Mādhymaya-pratipad; e: Middle path. [6] e: The Sutra on the Exposition of the Buddhist Dharma or Truth. Xem Tương Ưng Bộ kinh (Samyutta-nikāya) IV, 329 và V, 420.-轉 法 輪 經 Chuyển pháp luân kinh. [7] S: (śāśvata-vāda); e: permanency and eternality. [8] S: Uccheda-vāda; e: annihilationism. [9] e: vision of the real in its true form. [10] s: Catuṣkoṭkā; e: the four possibles. [11] :abhāva: sự không tồn tại, sự khiếm diện. Hán dịch: 無 vô, 無有 vô hữu, 無性 vô tính, 無實性 vô thực tính, 無有性 vô hữu tính, 無物 vô vật, 無体 vô thể, 無有体 vô hữu thể, 無有實体 vô hữu thực thể. [12] S: Piṅgalanetra; Piṅgala: Thường gọi là Thanh Mục Phạm Chí. [13] Tam a-tăng-kì kiếp 三 阿 僧 祇 劫; Ba vô lượng kiếp (a-tăng-kì; asaṃkheya). Năm mươi hai cấp bậc tu tập của Bồ-tát được chia thành 3 a-tăng kì kiếp. Thập tín (十 信), Thập trú (十 住), Thập hạnh (十 行) và Thập hồi hướng (十 迴 向) thuộc về đại kiếp thứ nhất. Từ địa vị thứ nhất đến thứ bảy của Bồ-tát thập địa là đại kiếp thứ hai, địa thứ tám đến mười là đại kiếp thứ ba. [14] Đối chiếu Thập ba-la-mật (pāramī) theo theo Thượng tọa bộ: 1. Dāna (sa. dāna): bố thí 2. Sīla: trì giới; 3. Nekkhamma: xuất gia (từ bỏ cuộc sống tại gia cư sĩ), 4. Paññā : trí tuệ; 5. Viriya: tinh tấn; 6.Khanti: nhẫn nại; 7.Sacca: chân thật; 8.Adhiṭṭhāna: quyết định; 9.Mettā: từ; 10. Upekkhā: xả. [15] Bảy bồ-đề phần; Nhóm thứ sáu trong ba mươi bảy bồ-đề phần (s: bodhipākṣikadharma), gồm có: Trạch pháp (擇 法; s: dharmapravicaya; phân tích, biết phân biệt đúng sai), tinh tiến (精 進; s: vīrya), hỉ (喜; s: prīti), khinh an (輕 安; s: praśabdhi), Niệm (念; s: smṛti), Ðịnh (定; s: samādhi), Xả (捨; s: upekṣā). [16] Còn gọi là Thánh Thiên. Đệ tử của ngài Long Thọ. [17] Gòn gọi là Ứng thành tông (應 成 宗); Quy mậu luận chứng phái. Phái kia là Trung quán-Tự ý lập tông (中觀自意立宗) hay Trung quán-Y tự khởi tông (中觀依自起宗, svātantrika-mādhyamika). Do Thanh Biện (bhāvaviveka) áp dụng luận lý học của Duy thức tông và Nhân minh học của Trần-na ( 陳那, Dignāga).