Chúng ta thường đoán định một cá nhân từ vẻ bề ngoài của họ, bởi vì hễ mắt nhìn thì sẽ sinh ra liên tưởng, trong tâm tự nhiên sẽ có yêu ghét, hiếm khi không có chút cảm xúc nào. Nhưng bạn đã từng phán đoán một người qua vẻ bề ngoài mà gặp sai lầm chưa?
Trong “Phật học cố sự tập” có ghi lại một câu chuyện như sau: Thành Xá Vệ có một người phụ nữ làm công việc quét dọn, mỗi ngày quét đường rất cần mẫn, chưa từng lười biếng. Dù bà rất nỗ lực quét dọn, nhưng vì công việc làm bà lúc nào cũng dơ bẩn nên người dân đều không thích gần gũi bà. Hễ thấy người phụ nữ này, mọi người không khỏi biểu lộ sự khó chịu trên nét mặt và nhanh chóng bịt mũi khi đi qua.
Nhưng có một người không như vậy, lại đặc biệt có thiện cảm đối với người phụ nữ này. Đó chính là Đức Phật, người được vạn dân kính ngưỡng. Đức Phật không ruồng bỏ người phụ nữ quét dọn, lại đặc biệt muốn bà đến nghe Ngài giảng Pháp, hơn nữa còn khuyến khích bà nỗ lực tinh tấn.
Người trong thành sau khi nghe được tin ấy thì cực kỳ phản đối, họ không tán đồng cách làm của Đức Phật. Vì thế, họ nhanh chóng thỉnh vấn Đức Phật rằng: “Chúng tôi kính ái Phật Đà nhất! Ngài luôn nói những lời thanh sạch, dạy mọi người phải làm được hành vi thanh tịnh, nhưng Ngài vì sao lại muốn nói chuyện với người phụ nữ bẩn thỉu như vậy? Ngài lẽ nào không cảm thấy chán ghét sao?”.
Đức Phật sau khi nghe xong các loại chất vấn có phần phẫn nộ đó, rất nghiêm túc nhìn những người này, tiếp theo mới nói: “Người phụ nữ đó làm việc chăm chỉ khó nhọc, nỗ lực giữ gìn sạch sẽ cho thành thị, cống hiến của bà ta đối với xã hội cực kỳ lớn. Huống chi bà không chỉ cần cù khổ nhọc, làm việc rất có trách nhiệm mà thái độ lại còn khiêm nhường, mọi người sao lại không thích bà chứ?”.
Chính tại lúc đó, người phụ nữ làm công việc quét dọn đã tắm rửa sạch sẽ, lại thay một bộ y phục sạch sẽ, rạng rỡ tiến đến diện kiến mọi người.
Đức Phật khi thấy điều này, tiếp tục nói: “Bề ngoài của các người tuy rằng sạch sẽ, nhưng thể hiện lại kiêu ngạo vô lễ, tâm trí dơ bẩn. Mọi người nên biết rằng, bẩn thỉu bên ngoài có thể dễ dàng tẩy rửa, nhưng nếu trong tâm dơ bẩn, đó mới là điều khó thay đổi”.
Những người vốn là tức giận tìm Đức Phật hỏi cho ra lẽ, và những người chê cười người phụ nữ kia, sau khi nghe những lời của Đức Phật đều hổ thẹn về sai lầm của mình, từ đó về sau không dám cười nhạo người khác như thế nữa.
Lời dạy của Đức Phật giúp chúng ta hiểu rằng: người có thể không lấy lợi ích bản thân làm thước đo để cân nhắc, không lấy ý nghĩ trần tục để nhìn sự vật, dám đứng lên nói lời đúng đắn, thì thật sự rất ít. Suy cho cùng, những người bị tâm trạng dẫn động đa phần là mù quáng. Nếu chúng ta có may mắn nghe được chân lý phá tan mây mù, thì hãy sớm ngộ ra, hối lỗi và thay đổi. Làm được vậy mới không bị chìm đắm trong sân hận phẫn nộ, vốn là tấm lưới ràng buộc con người khó mà tự thoát ra được.
Khổng Tử cũng từng nói: “Đánh giá người qua dung mạo thì cũng sẽ sai như ta đánh giá sai Tử Vũ vậy”. Ngay cả Thánh nhân Khổng Tử sau khi nhận ra sai lầm của bản thân cũng đã nói ra những lời cảm khái như thế để thức tỉnh hậu nhân. Khi chúng ta chưa tích trữ đủ nhận thức chính xác, sao không thể tự nhắc nhở bản thân, tránh phạm phải những sai lầm như vậy!
Tác giả: Yi-hsin Lu – Biên dịch: Mạn Vũ
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Chúng tôi cung cấp mọi tư liệu về Phật giáo một cách hoàn toàn miễn phí.
Mong nhận được sự hỗ trợ và đóng góp của bạn để Website được duy trì hoạt động.
STK: 102 867 430 455
Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank)
(Nội dung: Họ tên + ho tro website)