Trong quá trình hình thành, phát triển của Phật giáo Việt Nam, chúng ta thấy miền Trung và miền Nam chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo Trung Hoa. Sự ảnh hưởng này thể hiện rõ trong cách đặt pháp danh cho đệ tử theo từng pháp kệ truyền thừa. Sự ảnh hưởng ấy mãi theo dòng sử Phật Việt xuyên suốt 300 năm nay tạo nên sự đa dạng trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam. Trong bài khảo cứu này, chúng tôi muốn trình bày và làm sáng tỏ sự ảnh hưởng của các pháp kệ đối với sự truyền thừa của Ni giới tỉnh Quảng Nam.

Quý Sư bà an cư năm 1952

1. Khái lược sự hình thành Ni giới Quảng Nam

Trong lịch sử Nam tiến, Quảng Nam là vùng đất sáp nhập đầu tiên vào lãnh thổ Đại Việt. Từ đó, các thiền sư miền Bắc theo dòng di dân đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người Việt xa xứ và dần dần thay thế cho tín ngưỡng bản địa của người Chăm. Tính từ thời Hồng Đức (1471), khi Đạo thừa tuyên Quảng Nam thành lập cho đến khi chế độ phong kiến chấm dứt (1945) tổng cộng 474 năm. Xuyên suốt gần 5 thế kỷ, Phật giáo Quảng Nam hình thành và phát triển, đóng góp rất lớn cho Đạo pháp và Dân tộc. Và cũng ngần ấy thời gian, chúng ta thấy sự hoằng pháp do chư Tăng đảm nhiệm và hình bóng chư Ni mờ nhạt trong dòng chảy Phật sử Xứ Quảng. Thi thoảng, chúng ta bắt gặp một vài hình ảnh chư Ni được ghi lại trong bi ký như: Tỳ kheo ni Ngô Thị Ngọc Cảnh hiệu Diệu Phương1 hoặc trong tác phẩm Ngũ Hành Sơn, Albert Sallet ghi lại: “Lịch sử và truyền thống còn cho chúng ta biết rằng một công chúa, con gái vua Gia Long, em vua Minh Mạng, đã bí mật đến tu hành ở Ngũ Hành Sơn nhằm cầu nguyện thái bình cho vương quốc, từ bỏ tất cả danh vọng và tiện nghi đời sống để ẩn tu trong thạch thất cô tịch gần những hang đá được nhà vua cho lệnh sửa sang tươm tất để làm nơi cư trú của công chúa2. Hoặc đâu đó trong một vài Tổ đình, một số bà vãi thọ Sa di để lo cơm nước cho chư Tăng tu học. Chư Ni hoàn toàn chưa có chùa riêng, chưa được thu nhận đệ tử cũng như đảm nhận các Phật sự mang tầm ảnh hưởng đến quảng đại quần chúng.

Vào thập niên 30 của thế kỷ 20, trong phong trào chấn hưng Phật giáo cũng như theo trào lưu tiến hóa của nhân loại, vai trò người nữ dần được thể hiện. Bắt đầu, miền Trung và miền Nam đã có chư Ni ra trụ trì và nhận đồ chúng. Không những thế, chư Ni còn được đăng đàn diễn thuyết giáo lý đến các tầng lớp trong xã hội. Ở Huế thì có Sư trưởng Thanh Linh Diên Trường (1863-1925) khai sáng chùa Trúc Lâm và Ni xá Trúc Lâm. Kế tiếp có Sư trưởng Trừng Ninh Diệu Hương (1884-1971) khai sáng chùa Diệu Viên cũng như Ni viện Diệu Đức để đào tạo Ni chúng của miền Trung. Tại miền Nam có Sư trưởng Hồng Thọ Diệu Tịnh (1910-1942) khai sơn chùa Hải Ấn tại Gia Định và đào tạo được nhiều đệ tử ni hữu danh, phát triển Ni giới tại miền Nam.

Tại Quảng Nam, trong những năm 1945-1946, hình bóng của các sư cô: Đàm Minh, Như Hường, Đạt Hương v.v… thấp thoáng trong lòng phố Hội khiến cho một số thiếu nữ ao ước được khoác lên mình màu áo lam giải thoát. Và có những người con gái dòng dõi trâm anh thế phiệt tại phố cổ Hội An xả tục xuất gia, đầu tiên là Sư cô Diệu Lý (Trầm Thế Hiệp) và kế tiếp là Sư cô Diệu Hạnh (Trần Thị Nữ). Các Sư cô được gởi ra theo học tại Ni trường Diệu Đức, Huế, để tạo nhân tố sau này về phát triển Ni giới tại Quảng Nam.

Năm 1952, lần đầu tiên chư Ni tổ chức an cư tại chùa Tỉnh hội An Nam Phật Học hội Quảng Nam (nay là chùa Pháp Bảo, Hội An) dưới sự chứng minh của Hòa thượng Tăng cang Thích Thiện Quả, trụ trì tổ đình Chúc Thánh. Bấy giờ, chỉ có 6 vị là: Sư bà Diệu Không, Sư bà Đàm Minh, Sư cô Từ Hạnh, Sư cô Như Hường, Sư cô Đạt Hương và Sư cô Diệu Lý.

Năm 1954, xét thấy nhu cầu thiết yếu cần có một ngôi chùa Sư nữ để tiếp độ nữ lưu xuất gia tu học. Vì thế, Giáo hội Tăng già Quảng Nam Đà Nẵng đã thuyên chuyển Đại đức Thích Đồng Chơn từ chùa Bảo Thắng, Hội An, ra trụ trì chùa Bát Nhã, Đà Nẵng. Và chùa Bảo Thắng được giao lại cho Ni bộ Trung phần cử quý Sư cô về tu tập hành đạo. Sư bà Thích Nữ Đàm Minh và Sư cô Thích Nữ Như Hường được cử làm chánh phó trụ trì chùa Bảo Thắng. Từ đây, ngôi chùa Ni đầu tiên có mặt tại tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng.

Năm 1960, sau một thời gian xuất gia với Hòa thượng Tôn Thắng tại chùa Phổ Đà, và tu học tại Ni trường Diệu Đức, Huế, Sư cô Thích Nữ Từ Hạnh về tại quê nhà thôn Phong Ngũ, xã Điện Thắng, thị xã Điện Bàn, dựng chùa mới trên nền xưa và đặt tên là Châu Phong Tự. Đây là ngôi chùa Ni thứ 2 ra đời tại Quảng Nam Đà Nẵng. Năm 1962, Sư bà Đàm Minh ra khai kiến chùa Bảo Quảng, Đà Nẵng, lập nên một cơ sở thứ 3 để tiếp độ Ni giới tại Quảng Đà. Đến năm 1974, sau khi xây dựng xong chùa Diệu Quang tại thị xã Tam Kỳ, Hòa thượng Thích Từ Ý đã mời Sư bà Thích Nữ Diệu Trí từ Ni trường Diệu Đức, Huế, vào trụ trì để nhiếp hóa nữ lưu tại tỉnh Quảng Tín, ngôi chùa Ni thứ 4 tại Quảng Nam Đà Nẵng đã ra đời từ đó. Như vậy, trước năm 1975, toàn tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng chỉ có vỏn vẹn 4 ngôi chùa dành cho nữ giới xuất gia.

Sau năm 1975, một số chư Ni ra đảm nhận trụ trì các chùa như: Sư cô Thích Nữ Hạnh Đạo: trụ trì chùa Hòa Quang, Duy Xuyên; Sư cô Thích Nữ Hạnh Từ: trụ trì chùa Hà Linh, Duy Xuyên; Sư cô Thích Nữ Hạnh Minh: trụ trì chùa Trà Kiệu, Duy Xuyên; Sư cô Thích Nữ Hạnh Nguyên: trụ trì chùa Minh Tân, Núi Thành v.v…

Đến năm 1997, tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng được chia thành hai đơn vị hành chánh độc lập là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Nam chưa quá 20 ngôi chùa do chư Ni đảm nhận trụ trì. Đến năm 2020, theo thống kê của phân ban Ni giới Quảng Nam thì toàn tỉnh có 105 cơ sở tự viện do chư Ni đảm nhận trụ trì và hướng dẫn Phật tử tu học. Phần lớn chư Ni được bổ nhiệm trụ trì từ năm 2010 trở về sau. Như vậy, chỉ trong vòng 2 thập niên trở lại, Ni giới Quảng Nam phát triển số lượng rất lớn. Trong đó có những vị xuất gia tu học tại Quảng Nam rồi ra trụ trì làm Phật sự và cũng có những vị xuất gia tại các địa phương khác tới nhận chùa trụ trì tùy theo nhân duyên Phật bổ xứ. Chính sự dịch chuyển ấy tạo nên sự phong phú trong sự truyền thừa của Ni giới Quảng Nam.

2. Sự ảnh hưởng của các thiền phái đối với sự truyền thừa Ni giới tỉnh Quảng Nam

Như trên đã trình bày, Phật giáo Việt Nam, nhất là hai miền Trung-Nam chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa Phật giáo Trung Hoa. Điều mà chúng ta thấy rõ nhất là cách đặt pháp danh cho đệ tử theo từng bài kệ của chư Tổ biệt xuất. Đa phần Tăng Ni miền Trung và miền Nam thọ lãnh sự truyền thừa của dòng thiền Lâm Tế. Từ trong thiền phái Lâm Tế, tùy theo chư tổ xuất kệ mà ngày nay các nhà nghiên cứu sử Phật giáo chia ra làm 4 chi phái. Đó là: Dòng Lâm Tế của tổ Vạn Phong Thời Ủy (1303-1381) đời 21 tông Lâm Tế biệt kệ: “Tổ Đạo Giới Định Tông… Liễu Đạt  Ngộ Chơn Không“. Dòng Lâm Tế Thiên Đồng do tổ Đạo Mân Mộc Trần (1596-1674) đời 31 tông Lâm Tế biệt kệ: “Đạo bổn nguyên… Vạn cổ truyền“. Dòng Lâm Tế Chúc Thánh do tổ Minh Hải Pháp Bảo (1670-1746), đời 34 tông Lâm Tế biệt kệ “Minh thiệt pháp… Nhân thiên trung” và cuối cùng là dòng Lâm tế Liễu Quán do tổ Thiệt Diệu Liễu Quán (1667-1742) đời 35 tông Lâm Tế biệt kệ: “Thiệt tế đại… ngộ chơn không“.

Khảo sát thực tế việc đặt pháp danh cho đệ tử của các chùa Ni trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, chúng tôi thấy có đầy đủ cả 4 bài kệ vừa nêu trên trong tổng thể 105 ngôi tự viện.Và ảnh hưởng từng kệ phái đến sự truyền thừa của chư Ni như sau:

a. Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh:

Dòng thiền này được tổ sư Minh Hải Pháp Bảo (1670-1746) khai sáng tại tổ đình Chúc Thánh, phường Tân An, thành phố Hội An. Tổ Minh Hải thuộc đời 34 dòng Lâm Tế theo kệ tổ Vạn Phong Thời Ủy. Khi sang Việt Nam hoằng pháp, Ngài lập chùa Chúc Thánh và biệt xuất kệ truyền thừa như sau:

明 實 法 全 彰 “Minh Thiệt Pháp Toàn Chương,

印 真 如 是 同 Ấn Chơn Như Thị Đồng,

祝 聖 夀 天 久 Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu,

祈 國 祚 地 長 Kỳ Quốc Tộ Địa Trường,

得 正 律 爲 宗 Đắc Chánh Luật Vi Tông,

祖 道 解 行 通 Tổ Đạo Giải Hạnh Thông

覺 華 菩 提 樹 Giác Hoa Bồ Đề Thọ

充 滿 人 天 中 Sung Mãn Thiên Nhơn Trung”

Và theo như sự mặc định của thiền phái Chúc Thánh, 4 câu đầu dùng để đặt Pháp danh và 4 câu sau dùng để đặt Pháp tự, còn pháp hiệu thì vị Bổn sư tùy nghi đặt.Vì thế, chúng ta thấy các đời pháp của dòng Chúc Thánh thường có pháp danh và pháp tự đi đôi với nhau. Ví dụ: Thiệt Dinh Chánh Hiển Ân Triêm, Thiệt Uyên Chánh Thông Chí Bảo; Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm, Pháp Liêm Luật Oai Minh Giác v.v… Đây là điểm đặc biệt của dòng thiền Chúc Thánh mà các thiền phái khác không có.

Từ khi tổ Minh Hải Pháp Bảo biệt kệ cho đến năm 1954 thì mới có vị Tỳ kheo ni đầu tiên của dòng thiền Chúc Thánh hành đạo tại Quảng Nam. Đó là Cố Sư trưởng Thích Nữ Như Hường lúc bấy giờ trong cương vị Phó Trụ trì chùa Bảo Thắng. Đến năm 1962, Sư trưởng Như Hường và Sư trưởng Diệu Hạnh đảm nhận Chánh, Phó Trụ trì chùa Bảo Thắng thì chính thức chư Ni truyền thừa theo kệ phái Chúc Thánh được thế độ. Năm 1974, Sư trưởng Diệu Trí từ Huế vào trụ trì chùa Diệu Quang, Tam Kỳ, thì tại đây mới có Ni chúng tu học. Sư trưởng Diệu Trí pháp danh Đồng An, thuộc đời 43 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 10 thiền phái Chúc Thánh. Như vậy, đến năm 1974, Quảng Nam có hai ngôi chùa truyền theo kệ phái Chúc Thánh và cụ thể sự truyền thừa ấy như sau:

– Sư trưởng Như Hường (1920-2000): Sư trưởng pháp danh Như Hường, tự Giải Liên, hiệu Thọ Minh, đệ tử xuất gia của Hòa thượng Chơn Sử Khánh Tín tại tổ đình Thọ Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Sự truyền thừa từ tổ Minh Hải đến Sư trưởng Như Hường như sau:

Đời 34: Minh Hải Đắc Trí Pháp Bảo: Chùa Chúc Thánh – Quảng Nam.

Đời 35: Thiệt Dinh Chánh Hiển Ân Triêm: Chùa Phước Lâm – Quảng Nam.

Đời 36: Pháp Liêm Luật Oai Minh Giác: Chùa Phước Lâm – Quảng Nam.

Đời 37: Toàn Chiếu Trí Minh Bảo Ấn: Chùa Thiên Ấn – Quảng Ngãi.

Đời 38: Chương Khước Tông Nguyên Giác Tánh: Chùa Thiên Ấn – Quảng Ngãi.

Đời 39: Ấn Kim Tổ Tuân Hoằng Tịnh: Chùa Phước Quang – Quảng Ngãi.

Đời 40: Chơn Sử Đạo Thị Khánh Tín: Chùa Thọ Sơn – Quảng Ngãi.

Đời 41: Như Hường Giải Liên Thọ Minh: Chùa Bảo Thắng – Hội An3.

Như vậy, Sư trưởng Như Hường thuộc đời 41 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 8 thiền phái Chúc Thánh theo chi phái Quảng Ngãi truyền ngược ra lại Quảng Nam. Sư trưởng quy y đệ tử cho pháp danh chữ Thị và đệ tử xuất gia cho pháp tự chữ Hạnh theo như kệ của tổ Minh Hải.

– Sư trưởng Diệu Hạnh (1928-2014): Sư trưởng pháp danh Thị Liễu, tự Diệu Hạnh, hiệu Giác Ngộ. Sư trưởng xuất gia vào năm 1947 tại tổ đình Phước Lâm với Hòa thượng Như Trạm Tịch Chiếu. Năm 1962 được Giáo hội cử làm phó trụ trì chùa Bảo Thắng. Đến năm 2000, chính thức trụ trì sau khi Sư trưởng Như Hường viên tịch. Sự truyền thừa của Sư trưởng Diệu Hạnh như sau:

Đời 34: Minh Hải Đắc Trí Pháp Bảo: Chùa Chúc Thánh – Quảng Nam.

Đời 35: Thiệt Bảo Cảm Ứng: Chùa Tập Phước – TP.HCM.

Đời 36: Pháp Nhân Thiên Trường: Chùa Tập Phước – TP.HCM.

Đời 37: Toàn Hiệu Gia Linh: Chùa Thiên Tôn – Bình Dương.

Đời 38: Chương Phụng Phước Lịch: Chùa Thiên Tôn – Bình Dương.

Đời 39: Ấn Thành Từ Thiện: Chùa Thiên Tôn – Bình Dương.

Đời 40: Chơn Phổ Nhẫn Tế Minh Tịnh: Chùa Thiên Chơn – Bình Dương.

Đời 41: Như Trạm Tịch Chiếu: Chùa Tây Tạng – Bình Dương.

Đời 42: Thị Liễu Diệu Hạnh Giác Ngộ: Chùa Bảo Thắng – Quảng Nam.

Như vậy, Sư trưởng Diệu Hạnh thuộc đời 42 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 9 thiền phái Chúc Thánh. Tuy nhiên, sự truyền thừa của thiền phái Chúc Thánh tại tỉnh Bình Dương có điểm đặc biệt là chỉ truyền pháp danh chứ không có đi kèm pháp tự như Quảng Nam. Vì lẽ đó, Sư trưởng chỉ có pháp danh Thị Liễu theo kệ phái mà thôi. Sư trưởng quy y cho đệ tử xuống chữ Đồng. Còn đệ tử xuất gia vẫn lấy pháp tự chữ Hạnh theo như Sư trưởng Như Hường. Và từ xưa đến nay, quý Sư đệ tử chùa Bảo Thắng đều thờ hai Sư trưởng làm Thầy chứ không có sự phân biệt đệ tử của ai cả. Dưới sự giáo dưỡng của nhị vị Sư trưởng, hàng đệ tử đã trưởng thành và ra đảm nhận Phật sự tại Quảng Nam và các tỉnh thành như: Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Chơn: trụ trì chùa Bảo Thắng, chứng minh Phân ban Ni giới tỉnh Quảng Nam; Ni trưởng Thích Nữ Giải Thiện: trụ trì thiền tự Bảo Châu, Hội An, trưởng Phân ban Ni giới tỉnh Quảng Nam; Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Nguyên: trụ trì chùa Minh Tân, Núi Thành, Phó Thường trực phân ban Ni giới tỉnh Quảng Nam; Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Hòa: trụ trì chùa Phổ Thiện, Quảng Ngãi; Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Thuận: trụ trì chùa Nam Lộ, Quảng Ngãi; Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Ngọc: trụ trì chùa Huệ Ân, chứng minh Phân ban Ni giới tỉnh Quảng Ngãi; Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Nguyện: trụ trì chùa Bảo Sơn, Pleiku, Trưởng Phân ban Ni giới tỉnh Gia Lai; Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Phước: Phó Trụ trì thiền viện Viên Chiếu, Đồng Nai v.v….

– Sư trưởng Diệu Trí (1927-1992): Sư trưởng pháp danh Đồng An, nối pháp đời 43 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 10 thiền phái Chúc Thánh. Sư trưởng là đệ tử Hòa thượng Thị Bình Diệu Khai tại chùa Viên Thông, Huế. Sư trưởng đảm nhận trụ trì chùa Diệu Quang, Tam Kỳ vào năm 1974 và sự truyền thừa của Sư trưởng như sau:

Đời 34: Minh Hải Đắc Trí Pháp Bảo: Chùa Chúc Thánh – Quảng Nam.

Đời 35: Thiệt Dinh Chánh Hiển Ân Triêm: Chùa Phước Lâm – Quảng Nam.

Đời 36: Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm: Chùa Từ Quang – Phú Yên.

Đời 37: Toàn Thể Vi Lương Linh Nguyên: Chùa Từ Quang – Phú Yên.

Đời 38: Chương Như Tông Chí Từ Ý: Chùa Thiên Hưng Phú Yên.

Đời 39: Ấn Chánh Tổ Tông Huệ Minh: Chùa Bảo Sơn – Phú Yên.

Đời 40: Chơn Kim Pháp Lâm: Chùa Châu Lâm – Phú Yên và Viên Thông – Huế.

Đời 41: Như Thừa Giải Trí Hoằng Nguyện: Chùa Viên Thông – Huế.

Đời 42: Thị Bình Diệu Khai: Chùa Viên Thông – Huế.

Đời 43: Đồng An Diệu Trí: Chùa Diệu Quang – Tam Kỳ.

Trong vấn đề truyền thừa, Sư trưởng cho đệ tử xuống chữ Chúc, nhưng pháp tự cho chữ Nhật hoặc chữ Pháp chứ không cho chữ Giác theo như bài kệ pháp tự4 của tổ Minh Hải. Các đệ tử của Sư trưởng ra đảm nhận trụ trì các chùa tại Quảng Nam như: Ni trưởng Thích Nữ Nhật Tân: trụ trì chùa Diệu Quang, Tam Kỳ; Ni sư Thích Nữ Nhật Huy: trụ trì chùa Hiệp Phú, Núi Thành; Ni sư Thích Nữ Pháp Định: trụ trì chùa Lương Mỹ, Núi Thành; Cố Ni sư Thích Nữ Nhật Lý: trụ trì chùa Hòa Minh, Núi Thành; Ni sư Thích Nữ Nhật Hòa: trụ trì chùa Xuân Trung, Phú Ninh; Cố Ni sư Thích Nữ Nhật Thiện: trụ trì chùa Pháp Đàn, Phú Ninh; Cố Ni sư Thích Nữ Pháp Huệ: trụ trì chùa Tôn Lương, Thăng Bình v.v…

Theo sự khảo sát thực tế của người viết, hiện tại toàn tỉnh Quảng Nam có 42 ngôi chùa do chư Ni trụ trì truyền thừa theo kệ của thiền phái Chúc Thánh.

b. Thiền phái Lâm Tế Liễu Quán:

Thiền phái Liễu Quán do tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán (1667-1742) đời 35 tông Lâm Tế xuất kệ truyền thừa tại chùa Thiền Tông, Huế. Bài kệ truyền pháp của Tổ sư Liễu Quán như sau:

實 際 大 道 Thiệt Tế Đại Đạo

性 海 清 澄 Tánh Hải Thanh Trừng

心 源 廣 潤 Tâm Nguyên Quảng Nhuận

德 本 慈 風 Đức Bổn Từ Phong

戒 定 福 慧 Giới Định Phước Huệ

體 用 圓 通 Thể Dụng Viên Thông

永 超 智 果 Vĩnh Siêu Trí Quả

密 契 成 功 Mật Khế Thành Công

傳 持 妙 理 Truyền Trì Diệu Lý

演 暢 正 宗 Diễn Xướng Chánh Tông

行 解 將 應 Hành Giải Tương Ứng

達 悟 眞 空。Đạt Ngộ Chân Không”5

Thiền phái Liễu Quán ra đời vào thế kỷ 18 nhưng mãi đến những năm 20-30 của thế kỷ XX thì mới chính thức phát triển tại Quảng Nam Đà Nẵng khi chư Tăng từ kinh đô Huế vào tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng lập chùa hành đạo. “Từ năm 1920 đến nay, nhờ phong trào chấn hưng Phật giáo, các Ngài Thiền Tôn, Linh Mụ, Giác Tiên, Trà Am, Hồng Khê, Từ Hiếu, các vị ấy truyền thừa tổ đức đem Phật giáo xứ Huế vào Đà Nẵng dưới mọi hình thức với dòng kệ “Thiệt tế đại đạo”, nhờ vậy mà Phật giáo đồ Đà Nẵng đã thấm nhuần với dòng kệ truyền thừa này”6. Từ đó, thiền phái Liễu Quán dần hình thành và phát triển sâu rộng tại Quảng Nam – Đà Nẵng cho đến nay.

Vị Ni đầu tiên truyền pháp dòng Liễu Quán tại Quảng Nam là Sư trưởng Thích Nữ Đàm Minh. Trong giai đoạn trụ trì chùa Bảo Thắng từ năm 1954 đến năm 1962 Sư trưởng quy y cho đệ tử pháp danh chữ Nguyên. Sư trưởng pháp danh Tâm Quang, tự Đàm Minh, hiệu Minh Đức, nối pháp đời 43 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 9 thiền phái Liễu Quán. Sự truyền thừa của Sư trưởng như sau:

Đời 35: Thiệt Diệu Liễu Quán: Chùa Thiền Tôn – Huế.

Đời 36: Tế Ân Lưu Quang: Chùa Báo Quốc – Huế.

Đời 37: Đại Văn Chiếu Nhiên: Chùa Thiền Tôn – Huế.

Đời 38: Đạo Minh Phổ Tịnh: Chùa Báo Quốc – Huế.

Đời 39: Tánh Thiên Nhất Định: Chùa Từ Hiếu – Huế.

Đời 40: Hải Toàn Linh Cơ: Chùa Tường Vân – Huế.

Đời 41: Thanh Thái Phước Chí: Chùa Tường Vân – Huế.

Đời 42: Trừng Thông Tịnh Khiết: Chùa Tường Vân – Huế.

Đời 43: Tâm Quang Đàm Minh: Chùa Bảo Quang – Đà Nẵng.

Trong 8 năm hành đạo tại chùa Bảo Thắng, Sư trưởng Đàm Minh đã thế độ một số đệ tử như sau: Ni trưởng Thích Nữ Diệu Tâm: Khai sơn viện chủ chùa Bảo Quang, Đức quốc; Ni trưởng Thích Nữ Diệu Cảnh: trụ trì Tổ đình Bảo Quang, Đà Nẵng; Cố Ni sư Thích Nữ Diệu Hiền: trụ trì chùa Hòa Tiên, Đà Nẵng; Cố Ni sư Thích Nữ Diệu Lương; Cố Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nhơn: trụ trì chùa Phổ Thiện, Quảng Ngãi; Cố Ni trưởng Thích Nữ Diệu Quả: trụ trì chùa Thanh Hải, Đà Nẵng; Cố Ni sư Thích Nữ Diệu Nguyện, Thánh tử đạo Thích Nữ Diệu Định, cố Sư cô Thích Nữ Diệu Trân v.v…

Năm 1960, Sư trưởng Thích Nữ Từ Hạnh về lại quê nhà thôn Phong Ngũ để phụng dưỡng song thân và lập chùa Châu Phong để tu tập và hành đạo. Chùa Châu Phong ra đời từ đó và truyền thừa theo pháp kệ tổ Liễu Quán. Sư trưởng Từ Hạnh pháp danh Tâm Tánh, hiệu Diệu Hữu, nối pháp đời 43 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 9 thiền phái Liễu Quán. Sự truyền thừa của Sư trưởng như sau:

Đời 35: Thiệt Diệu Liễu Quán: Chùa Thiền Tôn – Huế.

Đời 36: Tế Ân Lưu Quang: Chùa Báo Quốc – Huế.

Đời 37: Đại Văn Chiếu Nhiên: Chùa Thiền Tôn – Huế.

Đời 38: Đạo Minh Phổ Tịnh: Chùa Báo Quốc – Huế.

Đời 39: Tánh Thiên Nhất Định: Chùa Từ Hiếu – Huế.

Đời 40: Hải Thuận Diệu Giác: Chùa Báo Quốc – Huế.

Đời 41: Thanh Minh Tâm Truyền: Chùa Báo Quốc – Huế.

Đời 42: Trừng Kệ Tôn Thắng: Chùa Phổ Đà – Đà Nẵng.

Đời 43: Tâm Tánh Từ Hạnh: Chùa Châu Phong – Quảng Nam.

Tại Châu Phong, Sư trưởng đã giáo dưỡng được nhiều vị đệ tử như sau: Cố Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Nguyện; Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Từ: trụ trì chùa Châu Phong, Điện Bàn; Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Châu: trụ trì chùa Từ Tâm, Điện Bàn; Ni sư Thích Nữ Hạnh Trí: trụ trì chùa Long Phước, Điện Bàn; Sư cô Thích Nữ Hạnh Lý: trụ trì chùa Phổ Tịnh, Điện Bàn; Sư cô Thích Nữ Hạnh Giải: Ni chúng chùa Châu Phong; Sư cô Thích Nữ Hạnh Thanh: trụ trì chùa Hội Phước, Điện Bàn; Sư cô Thích Nữ Hạnh Thảo: trụ trì chùa Phong Quang, Điện Bàn v.v..

Cho đến nay, hàng đệ tử và đồ tôn của quý Sư trưởng Thích Nữ Đàm Minh và Thích Nữ Từ Hạnh đã ra đảm nhận trụ trì nhiều chùa tại Quảng Nam. Theo thống kê, hiện nay trên toàn tỉnh Quảng Nam có 48 ngôi chùa ni truyền theo pháp kệ tổ Liễu Quán.

c. Thiền phái Lâm Tế Thiên Đồng:

Dòng Lâm Tế Thiên Đồng do tổ Đạo Mân Mộc Trần (1596-1674) đời 31 tông Lâm Tế biệt kệ truyền pháp tại chùa Thiên Đồng tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Kệ truyền pháp của tổ như sau:

道 本 元 成 佛 祖 先 Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên

明 如 红 日 麗 中 天 Minh Như Hồng Nhật Lệ Trung Thiên

靈 源 廣 潤 慈 風 普 Linh Nguyên Quảng Nhuận Từ Phong Phổ

照 世 真 燈 萬 古 傳 Chiếu Thế Chơn Đăng Vạn Cổ Truyền7.

Pháp kệ này được tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch (1648-1728) truyền sang Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ 17. Kệ phái này phát triển rất rộng tại các tỉnh miền Nam và Tây Nam Bộ. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, một số Chư Ni tu học tại miền Nam về nhận chùa trụ trì tại Quảng Nam. Quý Sư cô thọ pháp với quý Sư trưởng thuộc kệ phái Thiên Đồng có pháp danh chữ Lệ hoặc chữ Trung, tức thuộc đời 42, 43 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 12, 13 thiền phái Thiên Đồng. Sự truyền thừa của quý Sư cô đa phần xuất phát từ tổ Như Hiển Chí Thiền khai tổ chùa Phi Lai, Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Đời 33: Nguyên Thiều Thọ Tông: Chùa Thập Tháp – Bình Định

Đời 34: Thành Đẳng Nguyệt Ân: Chùa Phổ Bảo Hoằng Truyền – Bình Định

Đời 35: Phật Ý Linh Nhạc: Chùa Từ Ân – Sài Gòn.

Đời 36: Tổ Tông Viên Quang: Chùa Giác Lâm – Sài Gòn.

Đời 37: Tiên Giác Hải Tịnh: Chùa Giác Lâm – Sài Gòn.

Đời 38: Minh Khiêm Hoằng Ân: Chùa Giác Viên – Sài Gòn.

Đời 39: Như Hiển Chí Thiền: Chùa Phi Lai – An Giang.

Đời 40: Hồng Thọ Diệu Tịnh: Chùa Hải Ấn – Sài Gòn.

Đời 41: Nhật Định Huyền Huệ: Chùa Hải Ấn – Sài Gòn.

Đời 42: Lệ Mẫn Huệ Từ: Chùa Giác Tâm – Sài Gòn.

Đời 43: Trung Thiện Tâm Thành: Chùa Long An – Duy Xuyên.

Đời 44: Trung An Tâm Tường: Chùa Tất Viên – Thăng Bình.

Ngoài ra, còn có 2 Sư cô đệ tử Sư bà Huyền Huệ về trụ trì tại Quảng Nam đó là Sư cô Thích Nữ Như Hướng pháp danh Lệ Huy trụ trì Chùa Hưng Mỹ – Thăng Bình và Sư cô Thích Nữ Huệ Tâm pháp danh Lệ Hoa trụ trì chùa Hòa Hữu, Đại Lộc.

Hệ của Ngài Như Hiển Chí Thiền truyền về Quảng Nam theo các pháp mạch sau:

– Hồng Tích Diệu Kim – Nhật Thân Trí Hải – Lệ Hảo Huệ Niệm: Chùa Phú Trạch, Quế Sơn.

– Hồng Trung Huệ Hải – Nhật Hạnh Như Mỹ – Lệ Hảo Như Phú: Chùa Phú Phong, Quế Sơn.

– Hồng Rạng Thiện Tâm – Nhật Chơn Diệu Tịnh – Lệ Đức Thanh Minh – Như Liên Đồng Bảo: Chùa Hương Xuân, Quế Sơn.

Bên cạnh còn một vài chùa truyền theo hệ ngài Minh Phương Chơn Hương và Như Nhãn Từ Phong nhưng chỉ số rất ít và sự truyền thừa chưa được sâu rộng.

Khảo sát thực tế cho thấy toàn tỉnh Quảng Nam có 11 trong tổng số 105 ngôi chùa truyền thừa theo dòng kệ này.

d. Thiền phái Lâm Tế Vạn Phong Thời Ủy (Lâm Tế Thập Tháp8)

Dòng Lâm Tế này do tổ Vạn Phong Thời Ủy (1303-1381) đời 21 tông Lâm Tế biệt kệ như sau:

袓 道 戒 定 宗 Tổ Đạo Giới Định Tông

方 廣 證 圓 通 Phương Quảng Chứng Viên Thông

行 超 明 寔 際 Hành Siêu Minh Thiệt Tế

了 達 悟 真 空 Liễu Đạt Ngộ Chơn Không.

Pháp kệ này cũng do tổ Nguyên Thiều Thọ Tông hay còn có pháp danh là Siêu Bạch Hoán Bích truyền thừa tại tổ đình Thập Tháp, Bình Định. Tổ có hai pháp danh Nguyên Thiều Siêu Bạch nên truyền xuống đệ tử hai pháp danh của hai dòng thiền như: Minh Giác Thành Đạo, Minh Dung Thành Chí, Minh Lượng Thành Đẳng v.v… Bài kệ này được truyền ở tổ đình Thập Tháp, Bình Định. Đến đời Hòa thượng Ngộ Thiệu Minh Lý, Ngài nhận thấy pháp kệ sắp hết nên tục kệ để mạch pháp tương tục không dứt. Bài tục kệ9 của Hòa thượng Minh Lý như sau:

如 日 光 常 照 Như Nhật Quang Thường Chiếu

普 周 利 益 同 Phổ Châu Lợi Ích Đồng

信 香 生 福 慧 Tín Hương Sanh Phước Huệ

相 繼 振 慈 風 Tương Kế Chấn Từ Phong.

Cho đến nay, bài kệ này đã truyền đến chữ Nhật, chữ Quang tức đời 43, 44 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 2, 3 theo tục kệ của tổ Ngộ Thiệu Minh Lý.

Tại Quảng Nam chỉ có chùa Thạnh Mỹ, huyện Núi Thành, do Sư cô Thích Nữ Hồng Hải trụ trì truyền theo pháp kệ này. Sư cô pháp danh Nhật Phương, tự Hồng Hải, hiệu Phương Hà, đời 43 tông Lâm Tế, đời pháp thứ 2 theo bài tục kệ tại Tổ đình Thập Tháp. Sư cô là đệ tử của Ni trưởng Như Dương Diệu Thọ tại chùa Kim Quang, Đà Nẵng. Pháp mạch truyền thừa của Sư cô tính từ tổ Siêu Bạch Hoán Bích xuống như sau:

Đời 33: Siêu Bạch Hoán Bích: Chùa Thập Tháp – Bình Định.

Đời 34: Minh Giác Kỳ Phương: Chùa Thập Tháp – Bình Định.

Đời 35: Thiệt Kiến Liễu Triệt: Chùa Thập Tháp – Bình Định.

Đời 36: Tế Đoan Hạo Nhiên: Chùa Thập Tháp – Bình Định.

Đời 37: Liễu Trí Huệ Nhật: Chùa Thập Tháp – Bình Định.

Đời 38: Đạt Lượng Hưng Long: Chùa Thập Tháp – Bình Định.

Đời 39: Ngộ Thiệu Minh Lý: Chùa Thập Tháp – Bình Định.

Đời 40: Chơn Luận Phước Huệ: Chùa Thập Tháp – Bình Định.

Đời 41: Không Tín – Kế Châu: Chùa Thập Tháp – Bình Định.

Đời 42: Như Dương – Diệu Thọ: Chùa Kim Quang – Đà Nẵng.

Đời 43: Nhật Phương – Hồng Hải: Chùa Thạnh Mỹ – Quảng Nam.

Như vậy, sự truyền thừa của kệ phái Vạn Phong Thời Ủy hay nói chính xác là tục kệ của tổ đình Thập Tháp chỉ duy nhất một chùa tại Quảng Nam.

3. Đặc điểm sự truyền thừa của Ni giới tại tỉnh Quảng Nam

Như mục 2 đã trình bày, chư Ni Quảng Nam thọ lãnh và truyền thừa 4 kệ phái tông Lâm Tế đang hiện hành tại Việt Nam. Đi sâu vào sự truyền thừa ấy, chúng ta có những đặc điểm như sau:

a. Tuân thủ việc đặt pháp danh cho đệ tử theo pháp phái của mình:

Trong phong trào chấn hưng Phật giáo, Ni bộ tại miền Nam thống nhất chỉ đặt 1 pháp danh chữ Như cho các đệ tử đã thọ giới Tỳ kheo ni. Điều này nhằm mục đích tránh sự phân biệt hệ phái tông môn, dễ đưa đến sự phân hóa trong Ni bộ. Tuy nhiên, chư Ni Trung bộ nói chung và Quảng Nam nói riêng đều cho pháp danh đệ tử theo pháp phái của mình từ trước đến nay không thay đổi.

b. Một số việc bất cập trong việc đặt pháp danh của chư Ni hiện tại:

Qua quá trình khảo sát, điền dã thực tế, người viết thấy có một số điểm bất cập trong việc đặt pháp danh của một số chùa Ni, từ đó khó phân biệt chùa đó truyền thừa theo kệ phái Chúc Thánh hay Liễu Quán, hoặc giả vị Ni đó thuộc đời thứ mấy trong pháp kệ truyền thừa của pháp phái mình?

Trong tinh thần thọ trì “Bát Kỉnh Pháp”, quý Sư trưởng khi thế độ đệ tử đều giữ nguyên pháp danh nếu vị đó đã quy y 5 giới với chư Tăng. Vì thế, trong hàng đệ tử của quý Sư trưởng có pháp danh không đồng theo pháp kệ truyền thừa. Đơn cử như sau:

– Sư trưởng Như Hường có trên 50 vị đệ tử. Sư trưởng pháp danh chữ Như thì đệ tử phải có pháp danh chữ Thị theo kệ phái Chúc Thánh. Nhưng khảo sát thì người viết thấy đệ tử của Sư trưởng có các pháp danh như: chữ Như, chữ Thị, chữ Đồng hoặc chữ Tâm, chữ Nguyên, chữ Quảng v.v… lẫn lộn vừa kệ phái Chúc Thánh và Liễu Quán, không có sự đồng nhất một đời pháp. Từ đó, các đệ tử của Sư trưởng cho xuống theo thứ hệ pháp danh của mình. Ví dụ như:

+ Ni trưởng Giải Thiện khi tại gia thọ 5 giới với Hòa thượng Tôn Bảo tại chùa Vu Lan, Đà Nẵng, có pháp danh Như Hoa. Khi có đệ tử Ni trưởng cho xuống chữ Thị, pháp tự chữ Hạnh.

+ Ni trưởng Hạnh Nguyên thọ 5 giới với Hòa thượng Từ Ý, chùa Hòa An, nên có pháp danh Nguyên Hữu. Khi nhận đệ tử, Ni trưởng cho pháp danh xuống chữ Quảng, pháp tự chữ Huệ (chứ không dùng chữ Thông). Hoặc có những vị quy y rồi Ni trưởng vẫn giữ nguyên pháp danh như: Nguyên Chánh Hạnh Bảo, Nguyên Hành Huệ Phúc v.v…

+ Cố Ni sư Hạnh Đạo thọ 5 giới với Hòa thượng Chơn Phát, chùa Long Tuyền, có pháp danh Như Tiến, xuất gia với Sư trưởng Như Hường nên có pháp tự Hạnh Đạo. Khi quy y 5 giới thì Ni sư cho pháp danh chữ Thị, thọ Thập giới Sa di thì cho pháp tự chữ Thông. Nếu tính theo kệ phái Chúc Thánh thì giữa pháp danh (đời 42) và pháp tự (đời 43) lệch nhau một đời pháp.

– Sư trưởng Diệu Trí tại chùa Diệu Quang, Tam Kỳ, có gần 10 vị đệ tử xuất gia. Trong đó có 2 vị có pháp danh dòng Liễu Quán là Nguyên Xuân Nhật Tân và Nhuận Hựu Pháp Huệ, 4 vị có pháp danh dòng Chúc Thánh là Thị Lễ Pháp Định, Đồng Huệ Nhật Huy, Chúc Liên Nhật Lý và Chúc Phước Nhật Thiện. Trong đó, chỉ có 2 vị Nhật Lý và Nhật Thiện là được Sư trưởng truyền pháp danh theo thứ hệ của mình. Còn các vị Nhật Huy và Pháp Định trước đó quy y với chư Tăng nên vẫn giữ nguyên pháp danh cũ.

– Sư trưởng Đàm Minh khi còn ở chùa Bảo Thắng hay khi ra chùa Bảo Quang thế độ nhiều đệ tử. Đa phần đệ tử của Sư trưởng có pháp danh chữ Nguyên, có một số vị đã quy y rồi nên Sư trưởng vẫn giữ nguyên pháp danh như: Tâm Độ Diệu Nhơn, Tâm10 Dung Diệu Quả, Tâm Đại Diệu Thục, Thị Châu Diệu Trân, Thị Hiếu Diệu Tỉnh, Thị Hòa Diệu Bình v.v… Sau này, có một số vị cho đệ tử xuống chữ Nguyên như Ni trưởng Tâm Đại Diệu Thục hoặc cho đệ tử xuống chữ Đồng như Ni trưởng Thị Hiếu Diệu Tỉnh v.v…

Bên cạnh đó, có một số chư Ni từ trong Nam về trụ trì. Vì ảnh hưởng tư tưởng không truyền theo kệ phái nên quý Sư bà trong đó chỉ cho chữ Diệu theo tinh thần nam Thiện nữ Diệu. Các vị này chiếm số lượng rất ít trong tổng số 105 Ni tự tại Quảng Nam.

Chùa Bảo Thắng 2020

Kết luận

Từ trước đến nay, chư Tăng Ni tại miền Trung rất chú trọng đến sự truyền thừa của tông môn pháp phái. Sự truyền thừa ấy thể hiện qua sự đặt pháp danh theo kệ phái mà mình đã lãnh thọ, để mạch pháp được tương tục không dứt. Khảo sát các Ni tự tại Quảng Nam, chúng tôi thấy có đầy đủ sự truyền thừa các pháp phái thuộc tông Lâm Tế như: Chúc Thánh, Liễu Quán, Thiên Đồng và Thập Tháp. Trong quá trình tiếp nhận đệ tử, có một số vị đã quy y với chư Tăng nên quý Sư trưởng không đổi pháp danh mà chỉ cho pháp tự. Chính từ chỗ ấy mà trong môn hạ các chùa: Bảo Thắng, Diệu Quang thuộc thiền phái Chúc Thánh lại có đệ tử có pháp danh và truyền xuống theo kệ phái Liễu Quán. Hoặc trong môn hạ của Sư trưởng Đàm Minh có các vị có pháp danh và truyền xuống theo kệ phái Chúc Thánh. Tuy nhiên, quý Sư trưởng trước đây và quý Ni trưởng bây giờ vẫn luôn luôn nhất quán với tôn chỉ: “Dĩ giới vi sư” nên không thấy có sự bất ổn nào trong việc tiếp chúng độ Ni. Vì thế, từ xưa đến nay Ni giới Quảng Nam vẫn giữ vững tinh thần lục hòa để phụng sự chánh pháp và làm rạng danh con cháu Kiều Đàm Di Mẫu.

THÍCH NỮ TRUNG PHÚC
Học viên cao học Phật học
chuyên ngành Lịch sử Phật giáo Việt Nam
tại Học viện Phật giáo Việt Nam Tp.Hồ Chí Minh


1. Theo văn bia Bảo Khánh Tự Bi năm Chánh Hòa, Bính Tý (1696). Văn bia được bảo tồn tại đình Nam Diêu, phường Thanh Hà, thành phố Hội An.

2. Albert Saiiet, Nguyễn Sinh Duy dịch và chú, Ngũ Hành Sơn, (Les Montagnes De Marbre), nxb Đà Nẵng, 1996, tr. 32.

3. Thích Như Tịnh (2007), Phổ hệ truyền thừa thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Quảng Nam và Đà Nẵng, tr. 217.

4. Theo như sự tìm hiểu của chúng tôi, kể từ khi tổ Chơn Kim Pháp Lâm từ Phú Yên truyền thừa ra chùa Viên Thông ở Huế thì Tổ vẫn giữ tôn chỉ này. Cụ thể đệ tử của Ngài là Như Thừa Giải Trí Hoằng Nguyện kế thừa trụ trì chùa Viên Thông. Ngài Hoằng Nguyện có đệ tử kế thừa là Thị Bình Diệu Khai. Ngài Thị Bình không có pháp tự chữ Hạnh đi kèm. Ở đây có hai khả năng xảy ra: 1. Tổ Hoằng Nguyện chỉ cho pháp danh Thị Bình và hiệu là Diệu Khai thôi chứ không có chữ Hạnh. Hoặc là ngài vẫn có pháp tự chữ Hạnh nhưng ít xử dụng nên không ai biết. Sau này Ngài viên tịch thì hàng đệ tử không biết để cung xưng. Ngài Thị Bình Diệu Khai có các đệ tử: Đồng Chơn Thông Niệm Long Hưng: Khai sơn chùa Bát Nhã, Đà Nẵng; Đồng Huy Quảng Tú: đương kim trụ trì chùa Viên Thông và Sư trưởng Đồng An Diệu Trí. Nhưng chúng tôi chỉ thấy ngài Đồng Chơn có pháp tự Thông Niệm theo như pháp kệ của Tổ. Còn ngài Quảng Tú và Sư trưởng Diệu Trí không có pháp tự chữ Thông. Vì lẽ đó mà Sư trưởng Diệu Trí không cho đệ tử pháp tự chữ Giác.

5. Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 2, Nxb Phương Đông, tr. 493-494.

6. Thích Đức Trí (2013), Lược khảo Phật giáo sử Đà Nẵng, Nxb Tôn Giáo, tr. 41.

7. Thích Như Tịnh (2009), Lịch Sử Truyền Thừa Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh, Phần Phụ Lục – Các Bài Kệ Truyền Thừa Của Tông Lâm Tế tại Việt Nam, Nxb Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, trang 557.

8. Bài kệ này được truyền tại tổ đình Thập Tháp. Về sau Tổ sư Ngộ Thiệu Minh Lý tục kệ nối mạch để sự truyền thừa không gián đoạn.

9. Bài tục kệ này được tổ sư Ngộ Thiệu Minh Lý khắc trên bức hoành

vào năm Giáp Tuất (1874) và hiện treo trước Tổ đường Tổ đình Thập

Tháp, tỉnh Bình Định.

10. Quý Ni trưởng Tâm Độ Diệu Nhơn, Tâm Dung Diệu Quả là đệ tử 5 giới của Hòa thượng Như Bình Giải An tại chùa Từ Quang, Quảng Ngãi. Đúng ra Hòa thượng cho xuống chữ Thị, nhưng thấy chữ Thị đọc lên nghe như chữ đệm tên lót của người nữ ở Việt Nam nên Hòa thượng trại qua chữ Tâm, chứ chữ Tâm đây không phải thuộc kệ phái Liễu Quán: Tâm Nguyên Quảng Nhuận.


QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Chúng tôi cung cấp mọi tư liệu về Phật giáo một cách hoàn toàn miễn phí.
Mong nhận được sự hỗ trợ và đóng góp của bạn để Website được duy trì hoạt động.

STK: 102 867 430 455
Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank)
(Nội dung: Họ tên + ho tro website)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Biểu tượng hoa sen trong trang trí chùa ở Huế
Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu, Văn hóa

PHẦN MỞ ĐẦU Đã là công dân nước Việt thì dù có ở đâu đi chăng nữa mà khi nghe ai đó nhắc nhắc đến sông Hương, núi Ngự thì mỗi người con đất Việt đều nghĩ ngay đến một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, thơ mộng và hoài cổ. Nơi mảnh đất thần...

“Bản Sắc Hóa” Pháp Phục Phật Giáo Việt Nam
Nghiên cứu, Văn hóa

I. Y PHỤC LÀ BẢN SẮC VĂN HÓA CỦA DÂN TỘC Nếu trang phục truyền thống của một dân tộc hay quốc gia biểu đạt bản sắc văn hóa về y phục của dân tộc hay quốc gia đó, thì pháp phục Phật giáo thể hiện bản sắc đặc thù, khác hẳn với và vượt lên trên các quốc phục và thường phục của người đời, dù ở phạm vi dân tộc hay quốc gia. Lễ phục tôn...

A Dục, Ashoka -Một Vị Vua Phật Tử
Lịch sử, Nghiên cứu

Hoàng đế A-dục trị vì nước Ấn vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch và cũng là một trong những nhân vật sáng chói nhất trong lịch sử Phật giáo. Là vị hoàng đế nổi tiếng nhất của triều đại Maurya ông đã thống nhất gần toàn thể bán lục địa Ấn độ. Dưới triều đại của ông, văn hóa được phát triển cao độ và cũng là lần...

Biểu tượng Phật giáo trong kiến trúc chùa Việt ở Bắc bộ
Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu, Văn hóa

1. Vị trí, vai trò biểu tượng Phật giáo trong kiến trúc chùa Việt ở Bắc Bộ Trong kiến trúc một ngôi chùa Việt, các biểu tượng Phật giáo được hiện diện ở khắp mọi nơi, từ các hoa văn trên từng viên gạch, viên ngói, đến trên các trang trí cửa võng, y môn,...

Góp thêm những tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật giáo
Lịch sử, Nghiên cứu

Nghiên cứu cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều chúng ta dễ dàng bắt gặp là ở chỗ Người có nhiều mối quan hệ gắn bó với Phật giáo, không chỉ ở mặt tư tưởng, tình cảm mà cả chính bằng những việc làm cụ thể. Trên bình diện...

Hôn nhân hạnh phúc trên nền tảng đạo đức Phật giáo
Nghiên cứu, Văn hóa

Việc ứng dụng giáo lý nhà Phật vào cuộc sống lứa đôi mang lại rất nhiều tích cực cho cuộc sống gia đình của các phật tử, hướng phật tử đến một cuộc hôn nhân tốt đẹp trên nền tảng đạo đức Phật giáo. A. Mở đầu Trong muôn vàn giá trị mà con người...

Sơn môn Bổ Đà-Dấu thiêng còn vang mãi
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Thời kỳ Lê Trung Hưng (Thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII) dòng thiền Lâm Tế Trung Hoa được truyền vào Việt Nam và đã vô cùng phát triển ở cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài. Ngoài những sơn môn nổi tiếng của Lâm Tế Đàng Ngoài như: chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chùa...

Hoạt động đào tạo Tăng tài trong phong trào chấn hưng PGVN giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX
Lịch sử, Nghiên cứu

Tăng sĩ không tu tập, không am hiểu giáo lý để hoằng pháp, điều này ảnh hưởng rất lớn trong quần chúng tín đồ phật tử. 1. Dẫn nhập    Phật giáo du nhập vào nước ta đã trải qua hơn 2000 năm, những giá trị tâm linh Phật giáo để lại trên mảnh đất...

Ứng dụng Kinh tạng Pali về đạo đức, xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả và bền vững
Nghiên cứu

Sự phát triển của kinh tế hôm nay và sự bình ổn của xã hội, sự an toàn của môi trường trong tương lai không thể tách rời nhau, có mối quan hệ hỗ tương cho nhau A. Dẫn nhập Kinh doanh nhằm tạo ra lợi nhuận, nhưng kinh doanh như thế nào để tạo...

Vai trò của Phật giáo thời Lý trong lĩnh vực chính trị, tôn giáo và đoàn kết chống ngoại bang
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt Khi đề cập đến sự tín ngưỡng tâm linh của người Việt thì không thể không nói đến Phật giáo. Phật giáo du nhập vào Việt Nam vòa khoảng thế kỷ thứ III trước Công nguyên, tư tưởng từ bi, vị tha của đạo Phật nhanh chóng được cư dân bản địa tiếp...

Hành trạng và tư tưởng Phật học của Tổ sư Hoán Bích – Nguyên Thiều
Lịch sử, Nghiên cứu

Thiền sư Nguyên Thiều được biết là một vị tổ sư, cao tăng gốc Trung Hoa thuộc thế hệ thứ 33 dòng thiền Lâm Tế, đã sang Việt Nam hoằng đạo ở Đàng Trong vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh (1627-1789) và giúp phục hồi Phật giáo Xứ Đàng Trong.  1. Vấn đề về hành...

Chùa Diệu Ðế và hai bài thơ liên quan vừa được tìm thấy trong Cống Thảo Viên Tập của Nguyễn Phúc Miên Cư
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Trong dòng chảy lịch sử, văn hóa, văn học Việt Nam, có không ít những công trình kiến trúc từ lâu đã trở thành kinh điển, đại diện cho tinh thần và tư duy của một triều đại với những thăng trầm bi hùng. Không chỉ thế, nó còn mang xu hướng linh thiêng, là...

Mối liên hệ về chữ “Hiếu” trong Nho giáo và văn hóa Lễ Vu Lan ở Trung Quốc: từ thế tục tới tính thiêng!
Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt Phật giáo được truyền bá từ Ấn Độ sang Trung Quốc vào thời nhà Hán (202 TCN – 220 CN); kết hợp các nền văn hóa bản địa cố hữu, Phật giáo dần trở thành một tôn giáo có sức ảnh hưởng lớn ở Trung Quốc. Trong thời kỳ Phật giáo sơ truyền,...

Xu thế biến đổi trong Kiến trúc, cảnh quan chùa Huế
Kiến trúc-Mỹ thuật, Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Phật giáo Huế với một bề dày lịch sử, gắn liền với thăng trầm vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân xưa, đã hàm chứa, bảo tồn được nét riêng có trên nhiều mặt của yếu tính truyền thống Phật giáo. Tuy nhiên, trong chiều hướng phát triển của xã hội thì trong...

Tín ngưỡng thờ Long Vương trong Phật giáo Nam bộ
Nghiên cứu, Văn hóa

Tượng Long Vương ở Tổ đình Hội Khánh (Bình Dương). LONG VƯƠNG TRONG PHẬT GIÁO Trong Phật giáo, rồng là một trong Bát bộ chúng thủ hộ Phật pháp. Lãnh tụ của Long tộc gọi là Long Vương, có đầy đủ uy lực lớn mạnh, thường theo bảo vệ Phật. Trong các kinh sách Phật...

Vai trò nhập thế qua những biểu hiện, một số vấn đề đặt ra và giải pháp nhằm phát huy vai trò của nữ Phật tử
Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhân loại. Ở phương diện tích cực, chúng phục vụ nhiều nhu cầu, đem lại hiệu suất làm việc cao cho con người. Song ở phương diện tiêu cực, chúng khiến đời sống tinh thần đứng...