TÓM TẮT

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là thiền phái Phật giáo yêu nước, nhập thế, kết hợp chặt chẽ giữa đời và đạo, đạo với đời. Vào thế kỷ XVII-XVIII, hệ tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm lại có điều kiện tỏa sáng trong đời sống người dân. Hệ tư tưởng này còn tiếp tục lan tỏa xuống phía nam, nhiều dòng Trúc Lâm với cơ sở Phật giáo được xây dựng ở Quảng Nam, Bình Định,.. Đó chính là sức sống của Phật giáo nói chung và thiền phái Trúc Lâm nói riêng trong đời sống tinh thần người dân Việt Nam.

Nối tiếp truyền thống Trúc Lâm ở Yên tử, thiền phái Liễu Quán do thiền sư Thiệt Diệu Liễu Quán sáng lập và phát triển ở đầu thế kỷ XVIII là sự dung hòa giữa Lâm Tế với Tào Động, với các yếu tố yêu thiên nhiên, yêu nước, vì dân tộc. Thiền phái Liễu Quán là phái thiền thuần Việt, do người Việt sáng lập, thoát khỏi mọi ràng buộc của văn hóa nước ngoài. Từ khi Tổ Thiệt Diệu – Liễu Quán viên tịch đến nay, đã trải dài hơn 270 năm. Đạo mạch do Tổ quật khai, không những đã tỏa rộng khắp mọi miền đất nước Việt Nam, mà còn tỏa rạng đến nhiều châu lục trên thế giới.

Do vậy, sẽ là một thiếu sót nếu nghiên cứu lịch sử và lịch sử tư tưởng Việt Nam mà không nghiên cứu lịch sử Phật giáo và lịch sử tư tưởng Phật giáo Việt Nam. Bài viết này góp phần nghiên cứu về những nét tương đồng giữa thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và thiền phái Liễu Quán trên một số phương diện.

Từ khóa: Đời và đạo, Liễu Quán, Trúc Lâm Yên Tử, tương đồng.

ABSTRACT

Truc Lam Yen Tu zen which is the patriotic Buddhism incorporate between life and religion, religion and life. In the 17th-18th century, the ideology of Truc Lam sect had conditions to shine in people’s lives. This ideology continued to spread southward so that several branches of Truc Lam were built in Quang Nam, Binh Dinh,… It is the vitality of Buddhism in general and of Truc Lam in particular in the Vietnamese spiritual life.

Following in the tradition of Truc Lam Yen Tu, Lieu Quan zen which was founded and developed by Thiet Dieu Lieu Quan monk in the early of eighteenth century was a reconcilement between Lam Te and Tao Dong zen, with elements of nature and patriotism. Lieu Quan zen is the only Buddhism sect in Vietnam and it was founded by the Vietnamese people, and escaped from all constraints of foreign cultures. Since the founder Thiet Dieu – Lieu Quan died, it has lasted over 270 years, his thought is not only expanded across the country Vietnam but also developed in many continents over the world.

If we research the history of Vietnam and the Vietnam’s thought history without Vietnam Buddhism’s history and Vietnam Buddhism’s thought history, we will make serious mistakes. This article contributed to research the similarities between Truc Lam Yen Tu zen and Lieu Quan zen in several aspects.

Keywords: Lieu Quan, life and religion, similaritiy, Truc Lam Yen Tu.

x
x x

Trong hàng ngàn năm qua, Phật giáo đã là tôn giáo luôn gắn bó với thăng trầm của lịch sử dân tộc, mang đậm màu sắc văn hóa Việt Nam và trở thành thành tố quan trọng chung tạo nền văn hóa và đời sống tinh thần của Việt Nam. Do vậy, sẽ là một thiếu sót nếu nghiên cứu lịch sử và lịch sử tư tưởng Việt Nam, mà không nghiên cứu lịch sử Phật giáo và lịch sử tư tưởng Phật giáo Việt Nam.

Đặc sắc của Phật giáo đời Trần là tính tích cực nhập thế. Trong số những vị vua, các thiền sư thời Trần, thì Trần Nhân Tông (1279-1293) nổi lên không chỉ với tư cách là nhà chính trị, nhà quân sự nổi tiếng, là một anh hùng dân tộc, là nhà văn hóa, nhà tư tưởng nổi tiếng đương thời, mà còn là vị hòa thượng chân tu, một nhà thiền học có công bậc nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ông sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, không chỉ đã thống nhất giáo hội Phật giáo thời Trần, mà còn xây dựng một giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, dứt bỏ với các truyền thừa có gốc từ nước ngoài.

Kế tục truyền thống tu học đó, trong những vị tổ có công lớn, đặt nền móng cho thiền học Việt Nam nói riêng, cho Phật giáo Việt Nam nói chung là thiền sư Liễu Quán (1670-1742). Ngài vừa là một bậc thầy khả kính, một thiền sư lỗi lạc, là vị tổ khai sáng dòng thiền Liễu Quán với những nét độc đáo, kết hợp hài hòa giữa thiền học Việt Nam và thiền học Trung Hoa. Dòng thiền này mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc, tinh thần thiền Liễu Quán đầy ắp sự uyên thâm bác học nhưng rất gần gũi với nhân dân lao động, là thiền phái hoàn toàn của người Việt Nam do người Việt Nam làm sơ tổ.

Nếu thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là nhập thế phụng sự cho đời sống; giải thoát tâm linh cũng như giải thoát đời sống xã hội là hai phương diện liên quan, bổ túc cho nhau; Phật tại tâm của Trúc Lâm Yên Tử là sự phát triển đến trình độ cao gần như hoàn thiện quan niệm Phật tại tâm của Phật giáo thì Liễu Quán là thiền phái Phật giáo của người Việt Nam nhờ gạn đục khơi trong, hoà quyện chắt lọc những tinh hoa của hai dòng Tào Động, Lâm Tế của người Trung Quốc với thuần phong mỹ tục của dân tộc trên tinh thần giáo lý chỉ như đò đưa khách qua sông, không nô lệ văn tự để chống nhau.

1. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

1.1. Điều kiện kinh tế – xã hội

Sau kháng chiến chống quân Nguyên Mông thắng lợi, do nhiều nguyên nhân khác nhau như mất mùa, đói kém làm nhân dân rơi vào tình trạng bần cùng hóa, trong khi đó, quan lại, quý tộc nhà Trần chiếm hết ruộng đất, ăn chơi xa xỉ, không quan tâm đến cuộc sống của người dân.

Nhận thức được những mâu thuẫn đó, tập đoàn quý tộc tôn thất nhà Trần đã cố gắng xoa dịu mâu thuẫn. Quan điểm “thập thiện” của Trần Nhân Tông phản ánh lợi ích của tập đoàn thống trị nhà Trần, vừa nhằm xoa dịu mâu thuẫn bằng đời sống đức độ. Từ chiến thắng Bạch Đằng đến ba lần đại thắng quân Nguyên Mông, dân tộc ta đã khẳng định sức mạnh chính trị, tinh thần, tài năng và nghệ thuật quân sự của mình, đồng thời cũng chứng tỏ rằng, nhiệm vụ chính trị có tính thường trực cấp bách của dân tộc ta là phải xây dựng và bảo vệ một quốc gia thống nhất có chủ quyền dân tộc. Với tư cách là hệ tư tưởng thống trị đời Trần, thiền phái Trúc Lâm không thể không phản ánh những nhiệm vụ chính trị đó.

1.2. Nguồn gốc tư tưởng

Trước yêu cầu của lịch sử cần có một hệ tư tưởng độc lập cho nhà nước Đại Việt, Lý Thánh Tông (1054-1068) đã lập một thiền phái mới – thiền phái Thảo Đường – kết hợp giữa thiền, tịnh và Nho. Thiền phái này mặc dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng nó cũng có ảnh hưởng nhất định đến tư tưởng triết học của Trần Nhân Tông với khuynh hướng “tam giáo đồng nguyên” và khuynh hướng trọng tri thức, triết lý thơ ca.

Những giáo lý cơ bản của thiền tông đã hòa mình vào cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên, càng về sau cả 3 thiền phái Vinitaruci, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường đều không đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển lịch sử dân tộc Việt Nam. Sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Trần Nhân Tông đứng đầu đã thống nhất 3 phái thiền trên bằng dung hợp nó trên nền tảng ý thức độc lập có chủ quyền của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Sự dung hợp này đã được các thiền sư Thường Chiếu (?- 1203), Huyền Quang (?- 1220), Trúc Lâm quốc sư và một vài thiền sư khác ở Yên Tử thực hiện bước đầu. Họ là chiếc cầu nối giữa thiền học đời Lý và thiền Trúc Lâm và tạo tiền đề cho Trần Thái Tông – “một ông vua”, “một Phật tử” đầy tài năng và tinh thần sáng tạo – đặt những nét chấm phá mới cho bức tranh thiền học Việt Nam.

Cũng như Trần Thái Tông (1225-1258), Tuệ Trung Thượng Sĩ (giữa đầu thế kỷ XIII) cũng coi cái bản thể là “không”. “Có mà không, không mà có”. Ông cũng dùng “tâm thể”, “Phật tính” để chỉ bản thể. Thiền ở Tuệ Trung Thượng Sĩ là một thái độ, hành động sống, đưa con người trở về với chính mình để khai mở con người đích thực không vị trí. Ở ông thiền không chỉ là hành thiền mà còn là “sống thiền” tức là đi cũng thiền, ngồi cũng thiền, đánh giặc cứu nước cũng là thiền, thậm chí chẳng thiền gì cả cũng là thiền. Với những ảnh hưởng triết lý Lão-Trang, tư tưởng Tuệ Trung Thượng Sĩ là vô vi. Song, tinh thần tự do, khoáng đạt của Tuệ Trung Thượng Sĩ “Phật là Phật, anh là anh, trong tâm có Phật ăn gì chẳng được” là sự khác biệt với triết lý vô vi thản nhiên đến lạnh lùng của Trang Tử.

Tất cả những tư tưởng đó đều ảnh hưởng rất lớn đến ngọn đèn tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông “là ngọn gió lành của nhà Phật, đề xướng những châm ngôn để dẫn dắt lớp người hậu học đi tới vầng sáng trác việt”. Phật hoàng Trần Nhân Tông kế thừa, tiếp thu có chọn lọc và phát triển để tạo dựng nên thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

1.3. Trần Nhân Tông – Người sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

Những tác phẩm tiêu biểu của Trần Nhân Tông bao gồm: Trần Nhân Tông thi tập, Tăng già toái sự, Đại Hương hải ấn thi tập, Thạch thất mỵ ngữ… Đáng chú ý nhất là hai tác phẩm chữ Nôm Cư Trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca không chỉ có giá trị về mặt nội dung tư tưởng thiền học mà còn góp phần mở đầu cho sự phát triển tiếng Việt trong lịch sử văn học dân tộc. Cư Trần lạc đạo phú là bản tuyên ngôn của con đường sống đạo mà Phật giáo Đại Việt đã đề ra và chi phối toàn bộ tư tưởng, cuộc sống người dân lúc bấy giờ. Nó cũng là một trong những tác phẩm được giới nghiên cứu Phật giáo và văn hoá dân tộc Việt Nam quan tâm đặc biệt. Nó góp phần tác động vào sự tồn tại và ảnh hưởng của nó trong quá trình truyền đạt tư tưởng thiền học Việt Nam.

Xuất phát từ quan niệm tâm chính là Phật (tức tâm tức Phật), Phật ở trong tâm (Phật tại tâm trung), Trần Nhân Tông cho rằng, chỉ cần loại bỏ được vọng niệm, ngay lập tức quay về tâm thanh tịnh là đạt đến giải thoát. Quan niệm tâm chính là Phật của Trần Nhân Tông đóng vai trò làm nền tảng lý luận cho giáo nghĩa của ông. Sự phân biệt giữa Phật và chúng sinh chỉ ở chỗ giác ngộ hay không giác ngộ. Đối với Trần Nhân Tông, con đường hiện thực để thành Phật chính là sự giác ngộ của “bản tính” trong mỗi một con người, nhấn mạnh đến truy cầu nội tại từ trong tâm: “Pháp tức là tính, Phật tức là tâm. Tính nào chẳng phải là pháp. Tính nào chẳng phải là Phật. Tức tâm tức Phật, tức tâm tức pháp, pháp vốn chẳng pháp. Tức pháp tức tâm, tâm vốn chẳng tâm, tức tâm tức Phật”.

Trên phương diện này, Trần Nhân Tông không hoàn toàn đi theo truyền thống thiền tông Nam phái mà cương quyết xác lập quy tắc cho thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Ông rất chú ý đến các quy phạm đạo đức, không coi nhẹ tu dưỡng ngôn – hành, chú trọng mối quan hệ giữa “đốn” và “tiệm”. Ngoài ra, ông có những kiến giải mới về sự kết hợp giữa Nho giáo với Phật giáo và những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc để rèn đúc nên một mẫu người lý tưởng của một thời đại anh hùng, một thời đại mà dân tộc Việt Nam đã ba lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông. Mẫu người Việt Nam lý tưởng đó, theo Trần Nhân Tông không những được rèn luyện theo tiêu chí của đạo Phật là “sạch giới lòng, chùi giới tướng”, mà còn theo tiêu chí của đạo Nho là “Ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu”. Hơn nữa những quy phạm đạo đức của đời thường mang nặng truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng là những chất liệu góp phần rèn luyện con người lý tưởng đó. Thực hiện giới luật của đạo Phật cần kết hợp với việc thực hiện những quy phạm đạo đức của đạo Nho và những quy phạm đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam đã tạo nên con người Phật giáo của thiền Trúc Lâm.

Xu hướng nhập thế là một vấn đề nổi bật trong quan niệm nhân sinh quan của Trần Nhân Tông. Nó thể hiện tư tưởng “gắn đời với đạo” của ông, góp phần đưa Phật giáo tham gia vào đời sống xã hội, vào sự nghiệp của dân tộc với mục đích cứu nhân độ thế, giải thoát chúng sinh bằng hành động thực tế là bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc, tránh cho nhân dân khỏi cảnh cửa nát, nhà tan, lầm than, đau khổ. Sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm chính là kết quả của những nỗ lực đưa Phật giáo sát cánh cùng dân tộc, trở thành hệ tư tưởng chủ đạo của xã hội.

Trần Nhân Tông chủ trương tìm Phật ngay trong cuộc sống hiện tại, sống giữa đời mà vui với đạo (cư trần lạc đạo). Với Trần Nhân Tông, đạo và đời không có gì phân biệt dù ở “thành thị” gánh vác việc đời mà tấm lòng thanh tịnh thì cũng chẳng khác gì đang phiêu diêu tự tại chốn “sơn lâm”: “Mình ngồi thành thị/ Nết dụng sơn lâm”. Vậy nên: “Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc/ Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thực cả uổng công”. Tinh thần “vui đạo tùy duyên” mà Trần Nhân Tông đưa ra đã khẳng định tính chất đại chúng của Phật giáo, tất cả mọi chúng sinh đều có thể theo đuổi con đường giải thoát ở mọi nơi mọi lúc chứ không phải chỉ ở những nơi tu hành nghiêm trang, chẳng chút bụi trần. “Cư trần lạc đạo hãy tùy duyên/ Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền./ Châu báu đầy nhà đừng chạy kiếm./ Vô tâm đối cảnh hỏi chi thiền”. Theo Trần Nhân Tông, tu ở giữa đời thì phải giúp ích cho đời vì làm việc cho đời cũng là làm việc cho đạo. Khuynh hướng này khuyến khích con người sống “tốt đời đẹp đạo”, cứu nhân độ thế bằng chính những việc làm có ích với đời.

Tuy Trần Nhân Tông tôn sùng Phật học nhưng thái độ của ông đối với các học thuyết khác là thái độ cởi mở, tôn trọng và tiếp thu trên cơ sở thiền. Nền Phật giáo mà Trần Nhân Tông thiết định là nền Phật giáo nhập thế, phục vụ dân tộc và xây dựng một xã hội đạo đức lành mạnh. Trần Nhân Tông lấy giáo nghĩa Phật giáo để trị nước, lấy đạo đức Phật giáo làm tiêu chuẩn cho đạo đức xã hội. Song, không chủ trương loại bỏ các tôn giáo hay học thuyết khác để độc tôn Phật giáo. Ông không chỉ chủ trương phát triển tính đa dạng của Phật giáo lấy thiền phái Trúc Lâm làm cốt lõi, mà còn có khuynh hướng phát triển tính đa dạng tư tưởng lấy Phật giáo làm nền tảng. Chính vì vậy, ở thời ông, bên cạnh việc Phật giáo được suy tôn, Nho giáo và Đạo giáo cũng rất phát triển. Với tinh thần nhập thể cởi mở và khai phóng như vậy, Trần Nhân Tông đã làm cho giáo pháp thiền phái Trúc Lâm trở thành cầu nối giữa triều đình và người dân. Thiền học của ông không chỉ dành riêng cho một tầng lớp quý tộc hay bó buộc trong triều đình, mà đối tượng của nó thực sự được mở ra cho tất cả mọi người phù hợp với xã hội Việt Nam.

1.4. Đóng góp của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đối với Phật giáo Việt Nam

Trước hết, thiền phái Trúc Lâm là thiền phái Phật giáo hoàng gia, đây chính là điều kiện tiên quyết để thiền phái này hội tụ và phát triển. Đóng góp tích cực nhất, sáng giá nhất của thiền phái Trúc Lâm là khẳng định rõ hệ quy chiếu của Phật giáo Việt Nam theo tinh thần nhập thế tích cực. Chính tính chất này đã đưa thiền phái Trúc Lâm đến đỉnh cao của sự phát triển Phật giáo đời Trần.

Thiền phái Trúc Lâm ra đời là sự tiếp nối, mở đầu cho sự kết hợp giữa chính quyền và tôn giáo có tổ chức. Lần đầu tiên Phật giáo Việt Nam có một tổ chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương, có cơ sở vật chất, tăng ni hùng hậu giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội và tinh thần của dân tộc. Đường lối chính trị của nhà Trần mang dấu ấn của những quan điểm Phật giáo, đó là tinh thần khoan dung, tự do, cởi mở, đoàn kết được mọi tầng lớp quần chúng trong xã hội. Kế sách chính trị “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc” đã biểu hiện rõ tinh thần đó. Nhờ vậy mà ở đời Trần đã xuất hiện nhiều nhân tài về mọi mặt, tạo nên một thời đại vàng son, rực rỡ bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Thiền phái Trúc Lâm đã dung hợp và kế thừa tinh hoa của Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa để xây dựng và làm phong phú hơn hệ thống triết học thiền mang tính cách, tâm hồn Việt Nam, đó là quan niệm về “cái tâm” – “Phật là ta, ta là Phật” – đỉnh cao của quan niệm “Phật tại tâm” trong triết học Phật giáo theo khuynh hướng hướng nội và biện tâm. Trong quan niệm về thiền, với mục đích chủ yếu là “kiến tính thành Phật”, các vị tổ Trúc Lâm đã kết hợp nhuần nhuyễn hai đường lối gần như đối lập nhau: thiền tọa, tham cứu, thoại đầu và học hỏi, nghiên cứu kinh điển, giáo lý. Sự kết hợp này tạo thành khuynh hướng mới trong thiền tông Việt Nam, đó là khuynh hướng tổng hợp, thống nhất giữa giáo tông và thiền tông mà học giả Nguyễn Lang gọi là “Khuynh hướng thiền giáo nhất trí”. Khuynh hướng này đã thúc đẩy phong trào Phật học phát triển rộng rãi và mang tính đại chúng.

Thiền phái Trúc Lâm là sự kế thừa, kết tinh các tinh hoa đời trước bằng tâm hồn và cốt cách dân tộc Việt Nam, với các thiền phái Tì-Ni-Đa-Lưu-Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường nhà Lý. Đây là thời điểm Phật giáo phát triển sâu rộng khắp nhân gian. Đây cũng là thời điểm mà Phật giáo ở Việt Nam có quyền tự hào về một “Tập đại thành” – những tư tưởng triết học trừu tượng của Phật giáo đã được các vị tổ sư dòng thiền Trúc Lâm chú giải, bổ sung, cấu trúc lại và vận dụng nó cho tương thích và phù hợp với tình hình thực tại, mặc dù tập đại thành đó có sự tiếp nối, kế thừa từ “Khóa hư lục” của Trần Thái Tông và “Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục”.

Trong quá trình tồn tại và phát triển, thiền phái Trúc Lâm đã xây dựng nên hệ tư tưởng mang bản sắc riêng của Phật giáo Việt Nam, đó là sự kết hợp hài hòa giữa các hệ tư tưởng xã hội (Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo) mang tinh thần dân tộc và vì dân tộc. Ảnh hưởng quan điểm tự do, không kỳ thị các tôn giáo khác của Phật giáo, nên văn hóa, giáo dục đời Trần đã phát triển theo khuynh hướng tổng hợp tam giáo, chú trọng đến những kiến thức chứ không nặng về từ chương, cú pháp. Văn học thời kỳ này, một mặt phản ánh lòng yêu nước, tinh thần độc lập, tự cường dân tộc, mặt khác phản ánh tinh thần từ ái, hòa đồng và thanh tao của đạo Phật. Nền văn học đời Trần đã mang dáng vẻ riêng theo khuynh hướng độc lập, cố gắng thoát khỏi sự ràng buộc của văn hóa Trung Hoa. Xây dựng và bồi đắp hệ tư tưởng độc lập của dân tộc có hệ thống là nền tảng tư tưởng để xây dựng một triều đại phát triển.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là Phật giáo yêu nước, nhập thế, kết hợp chặt chẽ giữa đời và đạo, đạo với đời. Vào thế kỷ XVII-XVIII, hệ tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm lại có điều kiện tỏa sáng trong đời sống người dân. Hệ tư tưởng này còn tiếp tục lan tỏa xuống phía nam, nhiều dòng Trúc Lâm với cơ sở Phật giáo được xây dựng ở Quảng Nam, Bình Định,.. Đó chính là sức sống của Phật giáo nói chung và của thiền phái Trúc Lâm nói riêng trong đời sống tinh thần người dân Việt Nam.

2. Thiền phái Liễu Quán

2.1. Tiền đề về lịch sử, văn hóa và ảnh hưởng của Phật giáo Huế

2.1.1. Tiền đề lịch sử, văn hóa

Từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX, Huế là trung tâm chính trị, trung tâm kinh tế của Đàng Trong và là kinh đô của triều đại phong kiến trung ương tập quyền nhà Nguyễn. Thời kỳ này do có giao lưu buôn bán với nước ngoài (Nhật, Trung, Anh, Pháp, Bồ, Tây Ban Nha…) mà ở thế kỷ XVIII Huế được coi là nơi “phồn hoa đô hội” kinh tế, văn hóa đều rất phát triển. Từ cuối thế kỷ XVIII trở đi Huế có nhiều biến động lịch sử buộc con người phải đứng trước những vấn đề hết sức lớn lao thuộc về vận mệnh của mình và xã hội. Chính trong những biến động đó mà Huế đã khẳng định mình, khẳng định cuộc sống và con người Huế trên nhiều mặt: Tiếng Huế, Hò Huế, Pháp lam Huế, Kinh thành Huế, Ca Huế, Lăng tẩm Huế, đền chùa Huế, Ẩm thực Huế, Y phục Huế, Nhà vườn Huế…

Trong tính phổ quát của cả nước và của miền Trung, Thừa Thiên Huế đã biết chọn lọc, tôn kính bảo lưu, phát huy những giá trị nhân văn của các vị thần địa phương gắn bó với núi sông cảnh sắc con người Huế. Thông qua hành vi thờ phụng thần linh, cư dân Huế sớm hình thành niềm tin, sự khát khao mong mỏi về một cuộc sống hài hòa với tự nhiên, phát triển về nhiều mặt trong một xã hội thuận hòa, nhân ái, no đủ, hạnh phúc dưới sự che chở đùm bọc của cái tốt, cái đẹp, cái thiện đã hóa thành thần.

Gần 400 năm (1558-1945), Huế là thủ phủ của các Chúa và là kinh đô của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền Nhà Nguyễn, vì thế tư tưởng Nho giáo để lại khá nhiều dấu ấn trong đời sống văn hóa tinh thần con người Huế cả trên hai phương diện tích cực và tiêu cực. Huế có khu di tích văn hóa Nho giáo Văn Thánh, Bia tiến sỹ Ngọ Môn, điều này tạo ra ở Huế những lớp người hiếu học, chăm học, học giỏi có tiếng ở nhiều thời đại.

Lão giáo không cung cấp cho người Huế một nhân sinh quan, một con đường tu tập hay xử thế nhưng những biện pháp cầu cúng tôn giáo của nó lại ảnh hưởng phổ biến rộng khắp dân gian Huế. Tuy nhiên, việc cầu cúng cũng mang tính hai mặt.

Cùng với các tín ngưỡng dân gian Huế, từ thế kỷ XVII, Công giáo cũng đã để lại những dấu ấn trong đời sống văn hóa tinh thần con người Huế như đạo đức sống thiện, nhân từ; kiến trúc Tây phương, cách ứng xử Tây phương,.. Ngày nay đạo Công giáo cũng là yếu tố góp phần tạo nên văn hóa Huế.

Huế từ lâu đã là một trong các trung tâm Phật giáo lớn của cả nước. Người Huế xưa đến với Phật giáo trong thế tam giáo đồng nguyên: họ vừa thờ Phật vừa thờ Quan Thánh và Thánh Mẫu Thiên Yana. Những người tu tại gia cho dù có thuộc lòng phương châm quy y tam bảo của Phật giáo, thì họ vẫn hướng về những lực lượng siêu nhiên nhằm nguyện cầu cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ được siêu thoát ở thế giới bên kia và nguyện cầu cho con người phàm tục khỏi ốm đau, bệnh tật, cho đất nước được an bình không loạn lạc1.

Với hoàn cảnh địa lý – lịch sử, di sản tín ngưỡng bản địa, sự di dân, sự du nhập các tôn giáo nước ngoài với các triều đại mà văn hóa Huế, văn hóa tinh thần con người Huế không ngừng giao lưu, lan tỏa, củng cố, phát triển tạo nên nền văn hóa Huế có màu sắc dung hợp, phong phú, đa dạng nhưng vẫn rất Huế.

2.1.2. Ảnh hưởng của Phật giáo Huế

Do ảnh hưởng của tự nhiên và tính cách người Huế mà mỗi chùa Huế đều là những nhà vườn làm mê hồn khách. Huế nhà vườn, chùa Huế nhà vườn khó phân biệt được cái nào đã ảnh hưởng đến cái nào, mà từ lâu nó đã hòa quyện vào nhau một cách tự nhiên, hài hòa, đẹp đến ngây ngất.

Huế đất Thần Kinh, đa thần với nhiều tôn giáo, tín ngưỡng được nhiều tín đồ tin theo. Người Huế tin ở cái tâm của mình: Trọng nghĩa, vẹn tình, không làm điều ác, sống đời bình yên. Người Huế thực hành tập quán trong không gian thờ cúng nơi trang trọng nhất để thờ Phật, sau đó mới là bàn thờ tổ tiên, là theo đạo đức Phật giáo đem lòng từ bi – hỷ xả đối đãi với mọi chúng sinh, vì tâm tức Phật. Tâm Phật vừa là thế giới quan vừa là nhân sinh quan của thực tiễn hầu hết các cư dân trên lãnh thổ Thừa Thiên Huế.

Trong cái chung nhân ái; yêu nước; lao động cần cù; anh dũng, bất khuất chống giặc ngoại xâm; đoàn kết gắn bó vì độc lập dân tộc; trọn nghĩa vẹn tình của người Việt Nam, tính cách con người Huế là bình tĩnh, kín đáo, dịu dàng, thủy chung, giữ trọn chữ tín và cũng rất hiện đại. Và Phật giáo Huế luôn biết chọn cho mình cách riêng góp phần quan trọng trong động lực ấy. Tín ngưỡng Phật giáo và sinh hoạt theo nghi lễ Phật giáo đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tinh thần quan trọng của con người Huế.

Từ 1305–1558, Phật giáo Huế với tư cách là tín ngưỡng truyền thống của người Việt, với những ngôi chùa đơn sơ bằng tranh, tre, lán lá đã là nơi che chở ôm ấp cho tâm hồn người Việt Nam vào định cư ở Thuận-Hóa. Tuy dưới thời thuộc Pháp, Phật giáo Huế cũng như cả nước luôn luôn bị thực dân Pháp chèn ép, nhưng nhìn chung từ 1558-1945, Phật giáo Huế luôn là phương tiện cứu cánh cho các chúa, các vua giữ vững sự thống trị của mình, cho dù trong tư tưởng của họ Phật giáo chưa bao giờ được đưa lên địa vị độc tôn2. Nhưng với việc các chúa thậm chí phải đích thân sang Trung Quốc mời các thiền sư Trung Quốc sang truyền bá Phật giáo ở Huế và Đàng Trong, đồng thời cử các thiền sư Trung Quốc làm quốc sư cho thấy hạn chế của các Chúa do quy định của tư tưởng cát cứ (Đàng Trong, Đàng Ngoài).

Thừa Thiên Huế là vùng lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam. Văn hóa Huế chỉ là sản phẩm chung của hoàn cảnh địa lý, lịch sử và sự tác động của cải tạo thế giới của con người Huế trên vùng đất Thừa Thiên Huế trong lịch sử của Việt Nam. Văn hóa Huế nói chung, thiền phái Liễu Quán nói riêng là sản phẩm của quá trình lao động cần cù, đấu tranh trung dũng kiên cường với các lực lượng tự nhiên khắc nghiệt, các lực lượng xã hội phản tiến bộ ít nhất cũng từ 1306 đến nay của nhân dân Thừa Thiên Huế tạo nên.

2.2. Tiền đề tư tưởng của thiền phái Liễu Quán

2.2.1. Nhìn từ góc độ giáo lý truyền thống, Phật giáo Liễu Quán là sự kết hợp giữa thiền Lâm Tế với thiền Tào Động của Trung Quốc và với tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam tạo nên cái riêng của thiền phái Liễu Quán.

Nếu nói Phật giáo Liễu Quán là Phật giáo Lâm Tế thì đây là Lâm Tế của riêng Huế. Bởi ở Hội An, Thiền sư Minh Hải, Lâm Tế đời 35, là đệ tử của thiền sư Nguyên Thiều đã có một bài kệ truyền thừa khác. Liễu Quán cũng là Lâm Tế đời 35, nhưng là đệ tử của thiền sư Minh Hoằng Tử Dung tại Huế. Ở Nam kỳ trước đây và miền Nam ngày nay, phái Lâm Tế cũng còn hai bài kệ truyền thừa khác: một của Đạo Mân, Lâm Tế đời 31 người Trung Quốc; một của Trí Thắng Bích Dung, Lâm Tế đời 413.

Phái Liễu Quán của Huế có kệ truyền thừa riêng: “Thật tế đại đạo tánh hải thanh trừng,/ Tâm nguyên quảng nhuận đức bổn từ phong./ Giới định phước huệ, thể dụng viên thông,/ Vĩnh siêu trí quả mật khế thành công./ Truyền trì diệu lý, diễn xướng chánh tông,/ Hạnh giải tương ứng đạt ngộ chân không”. Từ bài kệ này mà dễ thấy ở Huế các chùa Thuyền Tôn, Ấn Tông thời chúa Minh Vương; Chùa Đông thuyền, Quốc Ân thời chúa Ninh Vương; Chùa Viên Thông thời chúa Minh Vương; chùa Viên Giác, chùa Thuyền Tôn thời chúa Định Vương; chùa Thuyền Tôn, chùa Từ Lâm thời chúa Trịnh chiếm; chùa Viên Thông, Viên Giác thời Tây Sơn; Chùa Thuyền Tôn, Ấn Tông (Từ Đàm), Kỳ Viên thời Gia Long đều thuộc phái Liễu Quán.

Khi Ngài Liễu Quán (1670-1742) đến Huế tu học, Huế (1558-1682) đã là một trung tâm để thiền phái Trúc Lâm Yên Tử tồn tại, phục hưng4. Ngài tên thật là Thiệt Diệu, quê ở Bạc Mã, Đồng Xuân, Phú Yên. Ông mồ côi mẹ từ năm lên sáu, xuất gia tu hành với thiền sư Tế Viên tại chùa Hội Tôn từ năm lên 12 và rất được thiền sư yêu mến. Năm 1690, sau một năm tang lễ của thầy, ông ra Thuận Hoá đến chùa Thiên Thọ cầu đạo với thiền sư Giác Phong. Năm 21 tuổi, do bố ốm nặng ông quay về Phú Yên để chăm sóc cha. Năm 1695, sau khi ma chay cho bố xong ông ra Huế thọ giới sa di với thiền sư Thạch Liêm (phái Tào Động). Năm 1697, ông lại thọ giới tỳ kheo với thiền sư Từ Lâm (phái Tào Động tại chùa Từ Lâm – Huế). Năm 1702, ông đến chùa Long Sơn – Huế cầu ấn chứng với thiền sư Minh Hoằng Tử Dung (phái Lâm Tế) nhưng chưa phá được công án do Tử Dung nêu ra “Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ”. Năm 1708, khi ông trở lại Long Sơn trình bày công phu của mình thì được Tử Dung hết sức khen ngợi và đến năm 1712, tại lễ Toàn viện tại Quảng Nam ông đã được Tử Dung trao ấn chứng.

Ngài Liễu Quán là người đã Việt hoá Lâm Tế và Tào Động trên nền tảng tinh hoa văn hóa dân tộc thành thiền phái Liễu Quán hoằng dương đạo pháp từ thế kỷ XVIII ở Đàng Trong. Sự chấn hưng của Phật giáo thế kỷ XX ở miền Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng là dựa trên môn phái Liễu Quán5.

2.2.2. Nhìn từ góc độ sinh hoạt tôn giáo, Phật giáo Liễu Quán là sự dung hợp giữa thiền tông và tịnh độ tông nhưng nặng về tịnh độ tông. Đây là đặc điểm nổi bật của Phật giáo Huế – Phật giáo Liễu Quán – so với Phật giáo ở những miền quê khác trên lãnh thổ Việt Nam, nó là điểm xuất phát và căn cứ để có thể lý giải thấu đáo những gì liên quan đến Phật giáo Huế. Ở một số các vị xuất gia tu hành thì có thể nặng về thiền, nhưng trong dân gian, những người dân lao động bình thường thì lại nặng về tịnh độ.

“Đối với sinh hoạt Thiền ở nước ta, việc trao truyền và tham cứu công án, nếu có thì chỉ diễn ra một cách âm thầm kín đáo, ít khi được ứng dụng trong cách dạy đạo hằng ngày giữa thầy và trò. Cho nên, tại các chốn thiền môn Việt Nam không có cái không khí vừa lắng đọng tịch tĩnh, vừa nóng bỏng sôi trào của cách thức tu tập công án. Trường hợp thầy trò của ngài Liễu Quán là một biệt lệ đáng chú ý và nổi bật trong sinh hoạt thiền ở nước ta. Có thể nói rằng thiền sư Liễu Quán đã làm sống dậy cái không khí tham cứu công án đầy hứng khởi của sinh hoạt thiền bắt nguồn từ Trung Hoa”6.

Người tịnh độ tông chuộng cái tâm hơn sự học. Học thuyết của họ là thành tâm mà niệm A di đà Phật thì khi thác sẽ được về nơi cực lạc. Người tịnh độ tông không phân biệt xuất gia tu hành hay tu tại gia, không phân biệt kẻ tu hành với người trần thế,, không phân biệt kẻ dữ với người hiền, cũng không phân biệt người thông kinh sử với kẻ chẳng ăn học gì, tất cả đều bình đẳng trước Phật. Dốc niệm đến Phật thì đều được giải thoát về với Phật. Người theo tịnh độ tông nhấn mạnh đức tin tuyệt đối nơi Phật A di đà mà không cần phải tự cầu khổ tu chứng. Tín tâm là phương tiện duy nhất để giải thoát. Cốt lõi của tín tâm đó thể hiện rõ ở ba lời nguyện 18, 19, 20 trong 48 lời nguyện của kinh A di đà là Tín – Hạnh – Nguyện7.

2.3. Thiền sư Thiệt Diệu Liễu Quán, người sáng lập thiền phái Liễu Quán

Theo đánh giá, kết luận của Cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu: “Tìm được một người chấp nhận hy sinh cho đạo pháp, nhất là lúc Phật giáo đang suy đồi như Hòa thượng Liễu Quán của chúng ta thật là điều hy hữu… Ngài là người có trí thông minh phi thường, chí nguyện siêu việt… Đương thời Hiếu Minh vương Nguyễn Phúc Chu cảm phục đạo đức và danh tiếng của ngài, triệu ngài vào cung, nhưng ngài muốn giữ sự tự tại ở chốn lâm tuyền nên đã từ tạ lời thỉnh mà không đến… Khi Ngài viên tịch (1742), Chúa Minh vương Nguyễn Phúc Chu ban thụy hiệu là Chánh Giác Viên Ngộ Hòa thượng để khắc bia… Xin thú nhận rằng, nhân duyên nhập đạo, sự nghiệp truyền đăng của ngài quá đặc biệt lớn lao, tôi không sao rõ hết được, nên nơi đây chỉ thuật lại được đôi phần, như kẻ mù rờ voi vậy8”. “Tổ Liễu Quán có 49 đệ tử xuất gia danh tiếng và rất nhiều đệ tử tại gia. Ở Huế có 9 vị, tỉnh Phú Yên có khoảng 10 vị kế thừa Tổ Liễu Quán9.

Quan niệm truyền tâm ấn của phái Liễu Quán là “Thạch chuẩn trừu điều trường nhất trượng, quy mao phất phủ trọng tam cân”10. Trong truyền đạo, khi gặp cảnh “Cao cao sơn
thượng hành thuyền, thâm thâm hải để tẩu mã”11, thì vẫn kiên trì, lâm cơ ứng biến, hoà như nước với sữa “Chiếc giác nê ngưu triệt dạ hống, một thuyền cầm tử tận nhựt đờn”12. Mục đích cuối cùng của phái Liễu Quán vẫn là “vô thường”, “vô ngã”, là “giải thoát” và giữ tâm thanh tịnh, thanh thản trước khi thị tịch: “Thất thập dư niên thế giới trung/ Không không sắc sắc diệc dung thông./ Kim triêu mãn nguyện hoàn gia lý/ Hà tất bôn mang vấn tổ tông”.

Tổ Liễu Quán đã làm cho thiền phái Lâm Tế trở thành một thiền phái đặc thù Việt Nam, linh động, có một nền móng vững chắc ở Đàng Trong. Chính tổ Liễu Quán đã Việt hóa tất cả từ văn hóa, kiến trúc và nghi lễ, v.v của Lâm Tế và Tào Động thành văn hóa Phật giáo Việt Nam. Từ thế kỷ thứ XVIII trở về sau nghiễm nhiên với danh xưng thiền phái Liễu Quán cứ phát triển và lớn dần lên mãi. Trong các thời kỳ chấn hưng Phật giáo, thiền phái Liễu Quán đã đóng một vai trò trọng yếu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

2.4. Đóng góp của thiền phái Liễu Quán đối với Phật giáo Việt Nam

Tổ Liễu Quán là nhân vật quan trọng cho phong trào phục hưng Phật giáo ở đàng Trong. Liễu Quán là thiền phái Phật giáo của người Việt do chính người Việt sáng lập nhờ gạn đục khơi trong, hoà quyện chắt lọc những tinh hoa của hai dòng thiền Trung Quốc với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam. Thiền Liễu Quán là một tông phái đặc thù Việt Nam và linh động, có một nền móng vững chắc ở Đàng Trong trước đây và miền Nam ngày nay.

“Trong những biến động lịch sử của thời chúa Nguyễn Phúc Chu, các thiền sư ở trong phái thiền Lâm Tế, có thể đã bị Chúa nghi ngờ, nên Chúa phải nhọc công tìm kiếm một phái thiền khác để ủng hộ mình, ấy là phái thiền Tào Động mà Thạch Liêm Hòa Thượng là tiêu biểu… Nên, bài kệ thị tịch của Tổ sư Liễu Quán vừa có tính tác dụng giác tỉnh nội quán, để thể chứng pháp thân thường trú hay thể tính không, bất sinh, bất diệt, nơi tự tâm và vạn hữu, đồng thời cảnh báo cho học trò và những thế hệ tiếp sau, đừng dong ruổi tìm cầu thầy Tổ bên ngoài, mà luống uổng công phu tu tập và đồng thời cũng cảnh báo cho những người lãnh đạo xã hội đương thời, không nên biến Tổ tông trở thành một công cụ sắc thanh, danh tướng để phục vụ cho thời đại, mà cụ thể là danh tướng cho bản ngã của chính mình”13.

“Thực tại từ bổn lai vẫn như vậy, không sinh không diệt, không đoạn không thường, không đến không đi, không một không hai… Càng mang tâm vọng động đi tìm thực tại thì càng đi càng lạc lối. Nếu biết dừng lại thì bến bờ chính là đây… Thật ra đèn là lửa không hai không khác. Quán trọ cũng là quê nhà. Vậy tại sao còn phải hỏi đi về đâu? “Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý/ Hà tất bôn man vấn tổ tông.”

Ngộ chứng của thiền thì siêu thoát như thế, nhưng không phải vì thế mà buông lung phóng túng đối với lục căn, lục trần… Do vậy, cho nên, trong bài kệ truyền pháp Tổ đã dạy: “Giới định phước huệ, thể dụng viên thông.” Tu tập cả Giới, Định và Tuệ để thể nhập vào chỗ viên thông vô ngại của thể và dụng. Đây là chỗ đặc thù của thiền học của Tổ sư Liễu Quán… Siêu thoát tự tại cũng chính là thể tính tối hậu của giới và định. Thể dụng của Giới là siêu thoát tự tại, của Định là thanh tịnh tịch lặng, của Tuệ là linh minh chiếu kiến. Chính vì vậy, còn thấy giới luật và thiền định là những quy ước ràng buộc thì thật sự chưa thể nhập vào chỗ viên thông của chúng…

Liễu giải của thiền là diệu dụng của giác ngộ, là sự chiếu kiến tận cùng vào thực thể của con người và vạn hữu. Trong ý nghĩa này, kiến giải của thiền không thể tách rời sự chứng nghiệm hay công hạnh tu tập. Giải chính là Hạnh. Cho nên Tổ Liễu Quán nói trong bài kệ truyền pháp rằng: “Hạnh Giải tương ưng, đạt ngộ Chơn Không”. Hạnh và giải xứng hợp nhau, tương tức nhau, từ đó đạt ngộ đến Chơn Không. Chơn Không cũng chính là Chơn Như, Thực tại, Niết bàn, Chơn Tâm.

Tổ sư Liễu Quán ra đời và trưởng thành trong bối cảnh lịch sử bất an và phân hóa của đất nước ta vào thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh… Các chúa Trịnh và Nguyễn… đã không ngần ngại tranh bá đồ vương với nhau qua nhiều cuộc chinh chiến, khiến cho dân chúng lầm than, sơn hà điêu đứng…

Trước vận nước điêu linh và tâm thức con người thời đại đảo điên, Tổ sư Liễu Quán đã chọn cho ngài một đạo lộ để vừa tự giải thoát mình, vừa giải thoát quần sanh. Đạo lộ ấy chính là pháp môn thiền thuần túy Việt Nam có công năng chuyển hóa tận gốc vô minh, phiền não, bất an và tăm tối cho con người và xã hội… Đây chính là lý do tại sao các chúa Nguyễn đã nhiều lần triệu thỉnh Tổ vào cung để đàm đạo nhưng ngài nhất quyết không vào. Không vào không phải vì sợ uy quyền thế tục,.. mà vì không muốn làm mất thì giờ cho những việc làm hữu ích khác đối với hàng vạn dân lành đang khốn khó, khổ đau. Suốt mấy mươi năm còn lại của đời người, Tổ đã vân du khắp nơi từ Phú Yên ra Thuận Hóa để hoằng hóa độ sanh. Ngài đã kiên trì và tận tụy khơi dậy từng ánh lửa trong tâm thức con người thời đại với niềm tin sắt đá rằng chính những ánh lửa này sẽ góp lại thành mặt trời soi sáng nhân gian”14.

Nối tiếp truyền thống Trúc Lâm ở Yên tử, thiền phái Liễu Quán do thiền sư Thiệt Diệu Liễu Quán sáng lập và phát triển ở đầu thế kỷ XVIII là sự dung hòa giữa Lâm Tế với Tào Động, với các yếu tố yêu thiên nhiên, yêu nước, vì dân tộc. Thiền phái Liễu Quán là phái thiền thuần Việt, do người Việt sáng lập, thoát khỏi mọi ràng buộc của văn hóa nước ngoài. “Niềm tin của Tổ đã hiện thực, vì sau khi Ngài viên tịch, dòng thiền Liễu Quán của Ngài đã phổ cập khắp nơi, rồi cùng đi theo với bước chân của dòng thiền ấy là vô số những ánh lửa bùng lên thắp sáng cả một miền Nam đất Việt suốt trên hai thế kỷ nay. Trong đó có biết bao người nhờ ánh sáng này mà tái dựng lại cuộc đời hướng mục tiêu của đời người đến cứu cánh giác ngộ!”15. “Từ khi Tổ Thiệt Diệu – Liễu Quán viên tịch đến nay, đã trải dài hơn 270 năm. Đạo mạch do Tổ quật khai,.. không những đã tỏa rộng khắp mọi miền đất nước mà còn tỏa rạng đến nhiều châu lục trên thế giới. Đúng như lời Tổ dạy, trước khi viên tịch: “Kìa trời biếc lắng trong, trăng thu vằng vặc, toàn thân hiển lộ nơi sa giới đại thiên!” 16.

Tác giả bài viết:  HOÀNG NGỌC VĨNHHOÀNG TRẦN NHƯ NGỌC
(Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Khoa học Huế)

Nguồn: Tạp chí Khoa học và Công nghệ,
Trường Đại học Khoa học Huế, tập 2, số 2 (2014)


1. Trần Đại Vinh (1995), Tín ngưỡng dân gian Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr 56.

2. Từ 1558-1682, thiền phái Trúc Lâm ở Yên Tử có sự chấn hưng tại Thừa Thiên Huế bởi công lao của thiền sư Minh Châu Hương Hải (Vân Thanh (1974 PL2518), Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam, Sài Gòn, tr 40-77). Từ 1683-1694, Huế là trung tâm của thiền phái Lâm tế ở Đàng Trong với sự hoằng pháp của thiền sư Hoán Bích Tạ Nguyên Thiều (Vân Thanh, sđd, tr 126-147). Từ 1695-1712, Huế là trung tâm của thiền phái Tào Động ở Đàng Trong với sự hoằng pháp của các thiền sư Khắc Huyền, Quả Hoằng, Thạch Liêm Đại Sán (Vân Thanh, sđd, tr 166-184). Từ 1712 trở đi, Huế dần trở thành trung tâm của Phật giáo Liễu Quán ở Đàng Trong (Vân Thanh, sđd, tr 290-309).

3. Hoàng Ngọc Vĩnh (1998), “Nét riêng Phật giáo Huế”, Tạp chí Triết học, 1998(2), tr. 41-43. Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận – Tập2, Nhà xuất bản Văn học Hà Nội, tr 155, 156.

4. Vân Thanh (1974 PL2518), Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam, Sài Gòn, tr 40-77.

5. Vân Thanh (1974 PL2518), Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam, Sài Gòn, tr 201-208.

6. Pháp bảo Đàn Kinh, Đại Chính 48, tr 349a.

7. Đoàn Trung Còn (1995), Các tông phái đạo Phật, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr 115-132. Tuệ Sỹ (Dịch 1973 PL2517), Các tông phái của đạo Phật, Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, tr 315-334.

8. Xem http://tuvien.com/to_su_thien/show.php?get=1&id=thiensulieuquan

9. Xem http://www.todinhbaotinh.org/index.php? -liu-quan&catid=45:phat-giao-phu-yen&Itemid=82

10. Vân Thanh (1974 PL2518), Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam, Sài Gòn, tr 328.

11. Vân Thanh (1974 PL2518), Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam, Sài Gòn, tr 328.

12. Vân Thanh (1974 PL2518), Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam, Sài Gòn, tr 328.

13. Pháp bảo Đàn Kinh, Đại Chính 48, tr 349a.

14. Xem http://daitangkinhvietnam.org/content/view/311/261/

15. Xem http://daitangkinhvietnam.org/content/view/311/261/

16. Xem http://giacngo.vn/thuvien/giaohoiphatgiaovietnam/2011/12/09/5E720B/

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Đoàn Trung Còn (1995). Các tông phái đạo Phật, Nxb Thuận Hóa, Huế, trang 87-104, 115-132.
[2]. Nguyễn Lang (1994). Việt Nam Phật giáo sử luận – Tập2, Nhà xuất bản Văn học Hà Nội, trang 155, 156.
[3]. Tuệ Sỹ (Dịch 1973 PL2517). Các tông phái của đạo Phật, Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, trang 293- 334.
[4]. Vân Thanh (1974 PL2518). Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam, Sài Gòn, trang 40-77, 126-147, 166- 184, 201-208, 290-309, 328.
[5]. Trần Đại Vinh (Cùng các tác giả 1993). Danh lam xứ Huế, Nxb Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, trang 14-18, 23-38, 56.
[6]. Hoàng Ngọc Vĩnh (1998). Nét riêng Phật giáo Huế, Tạp chí Triết học, 1998(2), trang 41-43.
[7]. Pháp bảo Đàn Kinh, Đại Chính 48, tr 349a.
[8]. http://daitangkinhvietnam.org/content/view/311/261/
[9]. http://giacngo.vn/thuvien/giaohoiphatgiaovietnam/2011/12/09/5E720B/
[10].http://www.todinhbaotinh.org/index.php?-liu-quan&catid=45:phat-giao-phu-yen&Itemid=82
[11]. http://tuvien.com/to_su_thien/show.php?get=1&id=thiensulieuquan

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Vai trò của vua Trần Thái Tông trong việc thiết lập nền tảng cho sự hình thành Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Bên cạnh vai trò là một vị vua hiền về mặt trị quốc, Trần Thái Tông còn được biết đến với tư cách là người đã có vai trò quan trọng trong việc tiếp nối, duy trì và phát triển Thiền tông Việt Nam trong giai đoạn chuyển giao quyền lực Lý –...

Sự thành lập Giáo đoàn Ni Phật giáo
Lịch sử, Nghiên cứu

Hơn hai nghìn năm Giáo đoàn Ni có mặt trên thế gian này, dù trải qua bao biến cố trong những giai đoạn thăng trầm của lịch sử, nhưng những nữ tu sĩ Phật giáo vẫn luôn thể hiện khả năng xuất sắc của giới nữ trong tu tập, hộ quốc an dân và phát...

Đóng góp và giá trị của Tạp chí Viên Âm
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Hoạt động hoằng pháp của tạp chí Viên Âm ở miền trung đã trở thành cơ quan ngôn luận góp phần trong công cuộc chấn hưng Phật giáo… Hoạt động hoằng pháp của Tạp chí Viên Âm ở miền trung đã trở thành cơ quan ngôn luận góp phần trong công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt...

Vài nét về âm nhạc Phật giáo
Nghiên cứu, Văn hóa

Âm nhạc là lĩnh vực không được nói đến nhiều trong Phật giáo, càng không phải lĩnh vực được đề cao và khuyến khích, ít nhất là trong Phật giáo thời kỳ đầu. Điều này không có gì lạ, vì theo truyền thống Phật giáo, âm nhạc là thứ đức Phật khuyên dạy những đệ...

Về tên gọi Thượng Tọa và Thượng Tọa Bộ trong các nguồn tư liệu Phật giáo Trung Hoa
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

VỀ TÊN GỌI THƯỢNG TOẠ (STHĀVIRA, THERA) VÀ THƯỢNG TOẠ BỘ (STHĀVIRAVĀDA) TRONG CÁC NGUỒN TƯ LIỆU PHẬT GIÁO TRUNG HOA (Sthavira, Thera and ‘*Sthaviravāda’ in Chinese Buddhist Sources)  của Max Deeg THÍCH NHUẬN CHÂU dịch Lời người dịch Bhikkhu Sujato, vị tỉ-khưu uyên bác người Úc châu, đã dịch bốn bộ Nikāya từ tiếng Pāli sang tiếng Anh. Bhikkhu...

Văn bản Giải Địa Tạng Kinh của Hương Hải Thiền sư
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt Địa Tạng kinh giải thích Hoa ngôn đây là một trong 20 tác phẩm dịch Nôm lớn của Hương Hải thiền sư, được nhắc tới trong Hương Hải Ngữ Lục và trong Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn với tên gọi là Giải Địa Tạng kinh. Đây là tác phẩm dịch...

Khảo sát “Pháp Bảo Đàn Kinh giải” ở chùa Linh Quang Điều Hạ, Hải Phòng
Nghiên cứu

Pháp bảo đàn kinh giải của Hương Hải Thiền sư, là một tác phẩm diễn Nôm có giá trị về nhiều mặt. Qua khảo sát sơ bộ văn bản tại Linh Quang tự có thể thấy đây là một bản dịch từ Hán sang chữ Nôm theo thể văn xuôi. Tóm tắt: Trong quá trình...

Nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng và ý nghĩa biểu tượng cổ – Bát bảo (P.1)
Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu

Phật giáo tại Tây Tạng có sức chú trọng vào các nghi lễ, thực hành thần bí cùng các biểu tượng cát tường có sức mạnh siêu linh. Đối riêng với nghệ thuật biểu tượng học Phật giáo, nổi bật hơn cả với đại chúng là tại Tây Tạng. Phần I. Bát bảo nói chung...

Hệ Phái Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam
Lịch sử, Nghiên cứu

Bài viết ngắn nầy chỉ nhằm phác họa lại sơ lược về sự thành hình và phát triển của Hệ Phái Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam hồi giữa thế kỷ thứ mười chín. Giáo hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam được Đức Tôn Sư Minh Đăng Quang sáng lập năm 1944. Giáo Hội được sáng lập trong giai đoạn suy đồi của Phật giáo Việt Nam. Đức Tôn Sư đã khéo léo phối hợp giữa hai truyền thống giáo lý Nam...

Các thiền sư thời Lê sơ và sự nỗ lực chấn hưng truyền thống văn hóa dân tộc Đại Việt
Lịch sử, Nghiên cứu

Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước, đánh bạt âm mưu xâm lược, nô dịch văn hóa của thế lực phương bắc ngay từ những thế kỷ đầu. Tóm tắt Phật giáo thời Lê sơ (1428 – 1527) tuy ít được triều đình...

Sự hình thành Đại thừa
Lịch sử, Nghiên cứu

Phong trào phát triển một đường lối Phật Giáo mới, về sau nầy được gọi là Mahayana (Đại thừa), bắt đầu thành hình trong thời gian 250 năm, từ năm 150 TCN đến 100 CN, là kết quả tích tụ của nhiều phát triển vốn có từ trước. Nguồn gốc của nó không liên hệ...

Chúa Nguyễn Hoàng (1525 – 1613) với đạo Phật
Lịch sử, Nghiên cứu

Việc Nguyễn Hoàng cho xây dựng và tu sửa những ngôi chùa trên đất Thuận Quảng đã làm cho Phật giáo ngày càng lan rộng ảnh hưởng trong đời sống xã hội, từ chốn cung nội ra khắp dân gian. Chúa Nguyễn Hoàng sinh ngày 28/8/1525, còn gọi là Chúa Tiên, vị chúa Nguyễn đầu...

Khảo cứu Nghi lễ Vu Lan trong không gian văn hóa Phật giáo Thừa Thiên Huế
Nghiên cứu, Văn hóa

Nghi lễ Vu Lan Bồn còn là một pháp hội thù thắng và có tính phổ cập nhất trong Phật Giáo Việt Nam và có sự ảnh hưởng rất lớn về văn hóa sống, đạo đức làm người trong xã hội Việt Nam nói chung và Huế nói riêng. Phật giáo du nhập và phát...

Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Phật giáo thời Lý
Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu

Tóm tắt: Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, tư tưởng từ bi, vị tha của Phật giáo nhanh chóng được cư dân bản địa tiếp thu và trở thành tâm thức của người Việt, đa phần người dân Việt Nam điều tôn sùng Phật giáo. Thời Lý là một trong những thời...

Chúa Nguyễn Phúc Chu và hai bảo vật quốc gia chùa Thiên Mụ
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Bia “Ngự kiến Thiên Mụ tự” của chúa Nguyễn Phúc Chu là hiện vật gốc độc bản – một trong số những di vật hiếm hoi thời chúa Nguyễn còn giữ được gần như nguyên vẹn, có nhiều giá trị về mặt mỹ thuật. Chúa Nguyễn Phúc Chu (Quốc Chúa) (1691-1725) là vị chúa thứ...

Biểu tượng hoa sen trong trang trí chùa ở Huế
Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu, Văn hóa

PHẦN MỞ ĐẦU Đã là công dân nước Việt thì dù có ở đâu đi chăng nữa mà khi nghe ai đó nhắc nhắc đến sông Hương, núi Ngự thì mỗi người con đất Việt đều nghĩ ngay đến một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, thơ mộng và hoài cổ. Nơi mảnh đất thần...