Chùa Huyền Không Sơn Thượng nằm giữa lưng chừng núi, được bao bọc bởi rừng thông xanh tại thôn Chầm, P.Hương Hồ, TP.Huế (Thừa Thiên-Huế), là điểm đến cho những ai muốn tìm chút an yên, tạm quên những xô bồ phố thị.
Từ trung tâm TP.Huế, đi theo hướng chùa Thiên Mụ lên phía tây nam tầm 10 km sẽ đến chân núi Vạn Tùng Sơn, men theo những con đường bê tông khúc khuỷu, đến lưng chừng núi du khách sẽ thấy chùa Huyền Không Sơn Thượng hiện ra.
Vừa bước chân vào chùa, du khách sẽ cảm nhận ngay không khí trong lành bởi thiên nhiên hùng vĩ. Tản bộ dưới những tán cây, hít một hơi thật dài, lắng nghe tiếng côn trùng kêu râm ran là cách thú vị nhất để tận hưởng sự bình yên tại ngôi sơn tự này.
Với diện tích khoảng 10.000m², chùa được quy hoạch gồm 2 khu vực chính là ngoại viện và nội viện. Trong đó, ngoại viện là nơi tổ chức các nghi lễ thờ cúng, sinh hoạt của các lễ nghi Phật giáo, còn nội viện sẽ dành cho các nhà sư tu tập, sinh hoạt.
Khuôn viên ngoại viện của chùa Huyền Không Sơn Thượng được thiết kế theo phong cách phóng khoáng, hòa mình vào thiên nhiên với vườn cỏ và nhiều cây cổ thụ xanh mát. Hàng ngày, các nhà sư ra đây để thiền, đàm đạo và ngâm thơ. Chùa còn được bao quanh bởi hệ thống hồ nước rộng lớn, được chia thành từng khu vực, như những hòn đảo nhỏ có các cây cầu bắc qua.
Không gian kiến trúc trong chính điện và khu nhà của chùa cũng rất đặc biệt, bởi không sơn son thiếp vàng nguy nga, ngôi sơn tự mang phong cách kiến trúc rất thuần Việt, bình dị, nhẹ nhàng…
Hàng ngày, chùa đón tiếp Phật tử, du khách phương xa ghé thăm. Chị Đoàn Thanh Thảo (32 tuổi, du khách Nghệ An) đã vượt hơn 500 km vào Huế để viếng thăm chùa Huyền Không Sơn Thượng. “Ngôi chùa nằm trên núi cao nên tạo cho tôi một cảm giác rất khác lạ. Bất cứ ai đặt chân đến đây đều cảm nhận được không khí trong trẻo, mát lành tuyệt vời. Tiếng chim hót líu lo, sự yên tĩnh, cảnh vật nên thơ… như níu chân người”, chị Thảo nói.
Từ trung tâm TP.Huế, du khách theo hướng đường Kim Long để đến chùa Huyền Không Sơn Thượng. Sau khi qua chùa Thiên Mụ, đi thẳng hết đường Văn Thánh, qua cầu Xước Dũ khoảng 1 km là đến địa phận thôn Đồng Chầm, từ đây, du khách đi theo bảng chỉ dẫn khoảng 3 km sẽ đến được chùa.