Bộ kinh phản ánh đầy đủ giáo lý căn bản trong Kinh tạng Pāli của Phật giáo Theraveda, “những vấn đề được đề cập hoàn toàn là tinh yếu của Tam Tạng Pàli văn, ít bị pha tạp tư tưởng và kiến giải của các bộ phái phát triển sau này”
I. Tổng lược Kinh Milindapañha
1. Về thể loại
Milindapañha là tác phẩm triết học Phật giáo thuộc văn hệ Pāli, tác phẩm xuất hiện sau khi Phật nhập diệt khoảng 500 năm, tức là giai đoạn Phật giáo phân chia bộ phái, tác phẩm này không phải do Thế tôn thuyết hoặc các vị đại để tử của Ngài giảng.
Trong Đại Tạng kinh và Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng kinh đã sắp xếp vào Tạng Luận. Nhưng đối với một số nước Phật giáo Nam Truyền thì bộ Milindapañha được xem là Kinh Tạng.
Tác phẩm này là nguồn tư liệu quý về sử liệu, văn học Phật giáo Theraveda. Ngoài ra tác phẩm cũng là một sự khẳng định tư tưởng triết học Phật giáo, là suối nguồn chính pháp của Thế Tôn.
2. Về bản Việt dịch
Bản gốc Milindapañha bằng tiếng Pāli của Phật giáo Sri Lanka, được in ấn thành sách sau kết tập Tam tạng lần thứ sáu tại Rangon (Myanmar) vào năm 1956. Và toàn bộ Tam tạng Myanmar và Sri Lanka được Hội Pāli Text society, London Vihāra phiên dịch ra tiếng Anh.
– Na Tiên Tỳ kheo, do Đoàn Trung Còn dịch từ bản tiếng Pháp, mang số thứ tự 13, ra đời cùng với một số tác phẩm nghiên cứu, dịch thuật của Phật học Tòng thơ do Đoàn Trung Còn sang lập, Nxb Lưu Phương, Sài Gòn, 1941.
– Kinh Na-Tiên Tỳ kheo, do Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên Huế ấn hành, Nhà xuất bản Thuận Hóa vào năm 1996. Đây là bản Việt dịch của ông Cao Hữu Đính mang tính soạn thuật dựa vào bản Hán tạng cổ của giai đoạn đầu rất xưa (khoảng những kỷ nguyên đầu Tây lịch), như lời giới thiệu cho bản dịch của Hoà thượng Trí Thủ “Ông căn cứ vào cả hai bản nhất là bản 1670 B rồi tham khảo với Kinh Milindapanhà của Phật giáo Nam Phương và bản dịch Pháp văn kinh này, soạn thành bài học dạy cho Học Tăng ở Phật Học Viện, Trung Phần tại Nha Trang do tôi điều khiển”[1], vì dựa vào bản kinh cổ xưa nên nhiều chỗ mù mờ khó hiểu, hơi tối nghĩa. Ngay cả Cao Hữu Đính cũng nhiều lần ghi chú về tính chất “hơi tối nghĩa”. Ông là Giáo sư giảng dạy tại Phật học viện Nha Trang, ông dịch tác phẩm này nhằm mục đích giảng dạy và làm tài liệu cho tăng ni nghiên cứu.
-Tỳ kheo Na Tiên, Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải, Nguyễn Minh Hiền hiệu đính, Nxb Tôn Giáo, 2009. Nguyễn Minh Tiến Việt dịch có tham khảo bản dịch của Đoàn Trung Còn, nhưng dịch theo bản Hán tạng và phân chia như bản Hán Tạng làm 3 phần (No1.670B[2] gồm 3 quyển Thượng, Trung, Hạ trong ĐTK/ĐCTT, có chú giải và in kèm bản chữ Hán No1.670B có phiên âm).
– Vua Milinda Vấn Đạo, do Cư sĩ Liễu Pháp dịch ra Việt ngữ từ bản tiếng Anh của Pesala biên soạn gọn lại từ nguyên tác “The Debate Of King Milinda. An Abridgement of The Milinda Pañha”. Tác giả Pesala, là một vị sư Phật Giáo đã tu học ở Miến Điện và Thái Lan. Đây là bản dịch được dich giả Liễu Pháp lược bỏ một số chi tiết về bối cảnh lịch sử và dịch giả thêm vào việc giới thiệu tiểu sử Pesala, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2010.
– Mi Tiên Vấn Đáp, Giới Nghiêm dịch theo lối dịch giảng từ bản Pāli và Giới Đức hiệu đính, Nxb Hội nhà văn, 2019. Đây là bản dịch được cho là đầy đủ nhất, được xuất bản nhiều lần.
– Milindapañhapāli & Milinda vấn đạo là tập 45 thuộc về Tiểu Bộ, Tam Tạng song ngữ Pāli-Việt được Tỳ khưu Indacanda dịch, do Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka xuất bản lần đầu vào năm 2011. Đây là Tạng song ngữ Pāli-Việt, được xem có giá trị đúng với nguyên bản Pāli.
II. Nội dung Kinh Milindapañha
1. Nội dung chính Kinh Milindapañha
Xuyên suốt bản kinh tường thuật lại các cuộc đối thoại, vấn đáp đầy gay cấn giữa hai học giả trí tuệ yên bác là đức vua Menander và ngài Tỳ kheo Nāgasena đã diễn ra khoảng 500 năm sau Phật nhập diệt. Và thành quả là Tỳ kheo Nāgasena đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Giáo pháp và cảm hoá nhà vua, sau cuộc vấn đáp đức vua Menander: “vô cùng hoan hỷ, đức tin thanh khiết đối với Tam bảo được củng cố, tăng trưởng, ngài rất ngưỡng mộ oai đức của bậc xuất gia phạm hạnh.”[3] Sau đó đức vua “Xin ngài hãy chứng minh và nhận biết cho trẫm là người quy y Tam bảo, kể từ ngày nay trở đi, xin ngài là nơi nương nhờ cho đến trọn đời”[4]. Sau đó không lâu đức vua đã truyền ngôi cho hoàng tử và “lặng lẽ rời bỏ hoàng cung, đổi hoàng bào lấy chiếc áo khoác của người khất sĩ, tìm đường xuất gia, sau đó sống đời không nhà cửa của một sa-môn chân chính,” rồi “nhờ sự tinh cần, kiên trì tiến tu chỉ tịnh, quán minh; không bao lâu sau, ngài chứng ngộ Niết bàn, thành bậc A-la-hán vô sanh.”[5].
Đây cũng là một tuyệt tác văn xuôi của Ấn Độ, với lối văn phong đối thoại, cách lý luận có cơ sở vững chắc cùng với những ví dụ so sánh đầy thiện xảo của Tỳ kheo Nāgasena. Trong tác phẩm này, vua Menander đã được mô tả như là người rất thông hiểu giáo pháp, “Những câu hỏi thì đa trí, sắc bén mà lời giải đáp lại thâm sâu, quảng kiến, lợi tuệ; nhiều khi chỉ là những ví dụ cụ thể, bình dân, giản dị, rất bổ ích cho các nhà học giả, người nghiên cứu, kẻ đa nghi cũng như sự học Phật của các hàng hậu tấn.”[6].
Đây là một bộ kinh phản ánh đầy đủ giáo lý căn bản trong Kinh tạng Pāli của Phật giáo Theraveda, “những vấn đề được đề cập hoàn toàn là tinh yếu của Tam Tạng Pàli văn, chưa hề pha tạp tư tưởng và kiến giải của các bộ phái phát triển sau này”[7].
Với những ví dụ cụ thể mà Tỳ kheo Nāgasena đã khéo sử dụng để làm sáng tỏ giáo pháp của Thế Tôn và tạo ra không gian vấn đáp thêm lôi cuốn đầy hấp dẫn. Chính vậy, bộ kinh này được phần đông Phật tử các nước Nam truyền tôn thờ và truyền tụng, được xếp chung với kinh Phật thuyết.
Tác phẩm được chia làm ba phần: phần dẫn nhập, phần nội dung gồm; “Các câu hỏi của đức vua Milinda được truyền đạt ở trong tập sách này gồm có hai trăm sáu mươi hai câu hỏi (262),”[8] và phần sau cuộc vấn đáp. Đây là một tác phẩm quý dành cho người muốn học Phật, được hệ thống đầy đủ giáo lý cốt lõi của Phật giáo. Theo đó rất nhiều câu hỏi đặt ra từ một vị vua đa trí Menander và được trả lời cực kỳ trí tuệ của Tỳ kheo Nāgasena một cách tường tận, dễ hiểu, đôi khi bằng những ví dụ cụ thể, giản dị, sôi động đầy lôi cuốn.
Điểm đặc biệt của bộ kinh Milindapañha là cuộc đàm luận về giáo pháp Phật giáo giữa một người tây phương (vua Menander) với văn hóa Hy-lạp (Bà La Môn giáo), muốn học hỏi giáo pháp cao siêu Phật giáo ở phương đông qua sự giải đáp của một vị sư (Tỳ kheo Nāgasena- Phật giáo) ở thung lũng Indus “đây là sự kiện có thật đã xảy ra ở tu viện Sankheyya, thuộc kinh đô Sagala của nước Bactria. Và các công trình nghiên cứu đã xác định rằng đức vua Milinda chính là vị vua người gốc Hy Lạp (Greek) tên Menander đã cai trị xứ Bactria ở vùng tây bắc của Ấn Độ (India) vào khoảng thế kỷ thứ 2 theo Tây lịch”[9] . Đây được xem như là sự giao thoa văn hóa tôn giáo Âu – Á, Đông – Tây đầu tiên trong lịch sử được ghi lại.
Bộ kinh Milindapañha được xem như một công cụ truyền bá Phật giáo rất mạnh, nên được mọi người yêu thích và lan truyền nhanh chóng khắp Ấn Độ, SriLanka đến nhiều vùng lãnh thổ khác nhau, cho nên xuất hiện nhiều phiên bản tuy khác về tên gọi nhưng nội dung (khế lý và khế cơ) vẫn không thay đổi.
2. Về tác giả và thời kỳ xuất hiện của bộ kinh Milindapañha
Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa xác định tác giả bộ kinh này. Qua xuyên suốt bộ kinh, chúng ta không thấy nhắc đến những thành phố nổi tiếng thời bây giờ ở phía Nam sông Hằng, cho nên có thể suy đoán tác giả là người sống ở vùng Tây Bắc xa xôi hoặc vùng Punjab. Qua nghiên cứu bộ kinh Milindapañha, chúng ta thấy được sự hiểu biết rất sâu sắc và thâm thúy về Phật giáo của đức vua Menander. Cho nên cũng có thể tác giả là một nhà sư, người tường thuật lại cuộc vấn đáp của hai nhân vật lịch sử, dựa trên sự hiểu biết sâu rộng giáo pháp của bản thân để làm sáng tỏ giáo pháp đức Phật. Và một lần nữa, tác giả bộ kinh khẳng định lại chính pháp trong thời kỳ Phật giáo phân phái nhiều bộ phái với sự ngộ nhận giáo lý từ các giáo phái khác chống phá đạo Phật.
Theo bộ kinh Milindapañha (do Ht. Giới Nghiêm dịch) thì cuộc vấn đáp giữa vua Menander và Tỳ kheo Nāgasena được diễn ra vào khoảng 500 năm sau khi Phật Niết bàn. Về sau được đại đức Pitakaculābhaya, là người trung Ấn biên tập lại bằng tiếng Pāli từ khẩu truyền.[10].
Theo bản dịch của Tỳ khưu Indacanda thì: “Căn cứ vào dòng chữ cuối của bản Kinh, được biết rằng vị đại trưởng lão Doni sống ở thành phố Doni thuộc xứ Lanka đã nghe và viết lại thành sách đúng theo sự sắp xếp của nó”[11].
Theo bản Hán dịch “Na tiên tỳ kheo kinh” hiện đang lưu hành thì cho rằng tác giả là Nāgarjuna (Long Thọ – Đệ nhị Thích Ca), ông là vị luận sư xuất hiện vào những năm đầu kỷ nguyên, có nghĩa là ông xuất hiện sau khi bộ kinh này đã ra đời 100-200 năm.
Trong tác phẩm Abhidharmakosa (câu xá luận) xuất hiện vào thế kỷ thứ V Tây lịch, ngài Vasubandhu (Thế Thân) cũng đề cập đến kinh Milindapañha.
Các tác phẩm của Buddhagosa (Phật Âm) cũng thường trích dẫn kinh Milindapañha để làm luận cứ.
Trong bộ Mahavamsa do Mahānāma viết vào đầu thế kỷ thứ 6 Tây lịch có đề cập đến Moggaliputta Tissa (người chủ trị Đại hội kết tập Phật giáo lần III) đã sống khoảng trăm năm trước Nāgasena.
Ngoài ra trong Milindapañha có đoạn được tác giả hư cấu nói rằng đức vua Menander từng đàm đạo với “sáu vị Giáo chủ ngoại đạo Purana Kassapa, Makkhali Gosala, Nigantha Nataputta, Sanjaya Bellatthiputta, Ajjita Kesakambali, Kakudha Kaccayana; điều này xét ra không hợp lý vì những vị giáo chủ này sống cùng thời với đức Phật”[12].
Và “có nhiều trích dẫn của tỳ khưu Nāgasena cho biết là lời dạy của đức Phật nhưng không thể tìm ra được ở Tam tạng Pāli đang sử dụng hiện nay, do đó chúng tôi chỉ ghi lại những phần trích dẫn mà chúng tôi có thể kiểm tra được dựa vào kết quả nghiên cứu qua bản dịch tiếng Anh Milinda’s Questions của I.B.Horner”[13].
III. Triết lý trong Kinh Milindapañha
Với nỗi bâng khuâng bất mãn của đức vua Menander trên con đường tầm đạo, rồi cơ duyên ông gặp được ngài Tỳ khưu Nāgasena và đức vua được người thầy (Nāgasena) trực tiếp giáo hoá.
Tư tưởng triết học Phật giáo Theraveda trong Milindapañha được thể hiện qua nội dung “gồm có hai trăm sáu mươi hai (262) câu hỏi, được chia thành hai mươi hai phẩm, thuộc về sáu chương. Tuy nhiên, còn có bốn mươi hai câu hỏi chưa được truyền đạt. Tổng cộng tất cả các câu hỏi đã được truyền đạt và chưa được truyền đạt là ba trăm lẻ bốn câu hỏi.”[14]. Nhằm giải tỏ mọi nghi vấn của đức vua Menander cũng như cho tất cả hàng Phật tử về các câu hỏi: Tại sao đi tu làm Sa môn; Sự tái sinh, nghiệp lực và thuyết Luân hồi; Sự phân biệt các điều thiện và bất thiện; về 37 Phẩm trợ Đạo; Trí tuệ, minh và vô minh; về các loại cảm thọ; Sự chứng đạo và cảnh giới Nibbāna; về Đức Phật; về con người, ngũ uẩn trong Phật giáo và thuyết vô ngã. Tuy nội dung không ngoài giáo pháp Pāli, nhưng với cách trình bày thật sống động, sắc sảo và tinh vi, cùng với nhiều ví dụ cụ thể làm cho nội dụng cuộc vấn đáp thêm lôi cuốn, hài hước, tạo cảm giác thoải mái, phấn khởi cho đọc giả. Và theo sự phân chia của Hoà thượng Giới Nghiêm thì các câu hỏi và trả lời trong tác phẩm được chia thành 5 loại:
- Mendakapañha: Câu hỏi có tính triết học và Phật học chuyên sâu.
2. Vimaticchedanapañha: Câu hỏi nhằm cắt đứt sự nghi ngờ đối với Pháp.
3. Anumānapañha: Câu hỏi nhằm xác định, khẳng định, kết luận.
4. Lakkhanapañha: Câu hỏi về tính chất, hình tướng, đặc tính của Pháp.
5. Upamāpañha: Câu hỏi bằng lối ví dụ, so sánh…[15].
Triết lý Phật giáo trong Milindapañha:
– Vũ trụ quan Phật giáo trong Milindapañha là Duyên khởi, Duyên khởi đã khẳng định vạn vật trên thế giới được tạo nên bởi nhiều nhân duyên, không điểm đầu và cũng không điểm kết, vạn vật luôn hổ tương và trùng trùng duyên khởi, nên chúng không có thuộc tính hay bất biến, đủ duyên thì sanh, thiếu duyên thì diệt. Và Duyên khởi cũng phủ định các quan điểm thần thánh về Đấng sáng tạo toàn năng Brahman. Vũ trụ quan trong Milindapañha khẳng định thế giới này không phải do một lực lượng siêu nhiên nào đó sanh ra, mà vạn vật luôn theo một quy luật thành – trụ – hoại – không (hay sanh – lão – bệnh – tử), luôn thay đổi không ngừng.
– Nhân sinh quan Phật giáo trong Milindapañha khẳng định bản chất con người là Vô ngã, là duyên sinh, là sự kết hợp tạm thời của Ngũ uẩn, cuộc đời là Vô thường theo luật sinh – lão – bệnh – tử với Thập nhị nhân duyên qua nhiều mối tương quan trong ba thời (quá khứ, hiện tại, vị lai) và qua ba giới (Dục giới, sắc sới, vô sắc giới). Do vậy bản chất thật của con người là rỗng không, sinh diệt là hợp tan của ngũ uẩn.
– Tu tập quan Phật giáo trong Milindapañha: Milindapañha khẳng định ai cũng trải qua các nỗi khổ và luôn bình đẳng với nhau về khổ. Song càng giác ngộ cao thì ít khổ hơn, sống lương thiện thì ít khổ hơn. Đây chính là con đường mở ra cho mọi người tu tập cho hết khổ. Học thuyết Tứ đế về khổ và con đường diệt khổ là lộ trình cho mọi người tự giác tu tập và hành trì đưa đến giải thoát. Giới và phương pháp tu tập để được giải thoát theo tinh thần hướng nội, vô thần: Ngũ giới, Thập thiện và Thiền định.
– Nhân quả và nghiệp báo trong Milindapañha giải thích rõ về các vấn đề tất yếu của con người, hạnh phúc hay khổ đau do chính bản thân mình tạo ra, mình là chủ nhân của nghiệp, chịu sự vận hành của nghiệp do mình tạo ra trong ba thời. Nhân quả luôn bình đẳng đối với mọi người. Nhân quả chi phối nghiệp, nên nhân quả và nghiệp báo quan hệ với nhau.
Milindapañha phân tích rỗ luật luân hồi trong Phật giáo qua sự vận hành của 12 nhân duyên trong ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai.
– Giải thoát quan Phật giáo trong Milindapañha là Nibbāna, Nibbāna chính là diệt, một trạng thái ngưng nghỉ vắng lặng, mọi nguyên nhân khổ đau đã hết, tịch diệt. Nibbāna của Phật giáo Theraveda không phải là của thần thánh, thần linh ban tặng cho, mà đó là kết quả của một quá trình tự thân tu tập bằng đạo đức và trí tuệ. Nibbāna là cơ hội cho mọi người tu tiến, không phân biệt giai cấp hay dân tộc trên con đường tu tập, luôn bình đẳng trong quả vị giải thoát. Milindapañha cũng chỉ rỏ khả năng giải thoát khác nhau ở Cư sĩ, Tu sĩ, Bồ tát,.. tại gia hay xuất gia. Cũng như khẳng định bổn phận của Cư sĩ tại gia nhiều hơn người xuất gia vì ngoài việc phụng sự, hành trì, họ còn trách nhiệm với gia đình và xã hội.
Nghiên cứu triết lý Phật giáo để thấy được giá trị giáo lý Phật pháp trong tác phẩm, làm rõ tính minh triết của chính pháp. Cũng như thấy rõ tính thực tiễn và giá trị của tác phẩm trong kho tàng văn học Pāli, cùng nhiều sự kiện lịch sử liên quan, cũng như làm sáng tỏ tư tưởng, triết lý Phật giáo có nguồn gốc rõ ràng, là nguồn tài liệu có thẩm quyền nhất.
Nghiên cứu tác phẩm Milindapañha, cho thấy giá trị phương pháp truyền giáo, phương pháp giáo dục giữa người thầy (giảng pháp) và người học (thính chúng), cũng như một lần nữa củng cố tư tưởng triết lý Phật giáo đúng theo chính pháp.
Việc nghiên cứu nhằm phổ biến rộng rãi và truyền bá triết lý, tư tưởng Phật giáo trong tác phẩm ra cộng đồng xã hội, giúp phát triển nền tảng giáo pháp Phật giáo, cảm hóa tâm người, góp phần phát triển xã hội ổn định và hòa bình, mang đến an vui và hạnh phúc bền vững cho dân chúng.
Việc nghiên cứu triết lý Phật giáo để phát huy ảnh hưởng tích cực và hạn chế mặt tiêu cực triết lý Phật giáo đến xã hội Việt Nam. Và thấy rõ giá trị, tầm ảnh hưởng của triết lý Phật giáo đến đời sống tinh thần người dân, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chính sách và chủ trương của nhà nước về công tác tôn giáo, dân tộc, văn hoá, khối đại đoàn kết dân tộc, nhằm nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho người dân Việt.
IV. Ảnh hưởng triết lý Phật giáo đến xã hội Việt Nam
Phật giáo ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội Việt Nam. Triết lý nhà Phật là một bộ phận không thể tách rời với truyền thống văn hóa dân tộc. Triết lý Phật giáo ảnh hưởng quan trọng đến đời sống văn hoá, nghệ thuật, tinh thần và lối sống giao tiếp của người Việt qua các hình thức sau:
– Qua sự dung hoà với các tín ngưỡng dân gian, các nghi thức ma chay, cưới hỏi,…
– Chung sống hoà bình với các tôn giáo bạn, nội bộ Phật giáo nhiều tông phái luôn đoàn kết, dung hoà với nhau.
– Luôn đồng hành cùng dân tộc, dung hoà cùng thế hệ chính trị xã hội.
– Ảnh hưởng qua ngôn ngữ Việt, qua giao tiếp ứng xử.
-Ảnh hưởng qua văn học, ca dao, tục ngữ, văn hoá nghệ thuật, ca kịch, sân khấu tuồng cổ, kiến trúc tạo hình, tranh ảnh….
– Qua phong tục tập quán: tục ăn chay, cúng rằm, thờ Phật, niệm Phật, phóng sinh, bố thí, lễ chùa ngày rằm, lễ Phật đầu năm, cầu an, cúng dàng, cầu siêu người mất,…
V. Phần kết
Trong suốt chiều dài lịch sử, ta thấy được tôn giáo luôn thịnh suy từ ảnh hưởng của giới cầm quyền nước đó. Phương Tây luôn sử dụng tôn giáo như một “vũ khí mềm” để xâm chiếm thuộc địa, đưa tôn giáo đi trước mở đường để đế quốc thực dân đến xâm chiếm quốc gia đó. Đến ngày nay vấn đề tôn giáo vẫn là vấn đề quan tâm của xã hội, chiến tranh vì sắc tộc, chiến tranh vì tôn giáo,… Thế nhưng Phật giáo luôn là một tôn giáo hòa bình, tránh xa bạo lực; lấy yêu thương, nhẫn nhục cảm hóa con người; lấy từ bi, trí tuệ mà dung hợp cộng đồng, sắc tộc.
Với người xuất gia, cứu cánh là giải thoát, là thoát tục, không màng đến thế sự, không tham gia chính trị thì nói gì đến việc cổ xuý chiến tranh hay xâm chiếm quốc gia khác.
Thế nhưng, lịch sử cũng chứng minh rằng sự thịnh suy của Phật giáo, có thời kỳ phát triển huy hoàng, có lúc suy yếu, đôi khi bị hủy diệt bởi tôn giáo khác hoặc không nhận được sự ủng hộ của thể chế chính trị đương thời ở một vài vùng miền hay quốc gia nào đó.
Phật giáo không tranh giành tín đồ và tránh xa bạo lực, trong khi những tôn giáo khác có tôn giáo dùng bạo lực, chính trị, kinh tế để xâm nhập, truyền đạo, tranh giành tín đồ.
Qua bài học lịch sử này, tăng, ni nên suy xét đến đường lối tổ chức và lãnh đạo trong giáo hội, tăng đoàn; cũng như lãnh đạo hàng phật tử trở thành lực lượng kinh tế, chính trị quan trọng của quốc gia. Tôn giáo gắn liền với dân tộc, cũng như Phật giáo luôn phải đồng hành cùng thể chế chính trị xã hội qua các thời đại.
Ở Việt Nam vào thời Trần, thời Lý, Phật giáo phát triển bền vững cũng vì lý do này. Nếu như tăng ni thụ động, xa rời quần chúng, giáo hội thiếu tổ chức, không uyển chuyển thích nghi phù hợp với thời đại và thiếu đoàn kết thì vai trò Phật giáo sẽ lặp lại vết xe cũ của dòng lịch sử.
Tác giả: Tỳ kheo, Thạc sĩ Thích Phước Nhân
(Thiền Viện Phước Sơn, ngày 2 tháng 12 năm 2024)
Nguồn: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tim-hieu-tong-luoc-ve-bo-kinh-milindapa-ha.html
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Milindapañhapāli & Milinda vấn đạo, Tam Tạng song ngữ Pali-Việt, quyển 45, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, 2011
Mi Tiên vấn đáp, Giới Nghiêm dịch, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2019
Na Tiên Tỳ kheo kinh, Cao Hữu Đính dịch, Nxb Thuận Hoá, Huế, 1996
CHÚ THÍCH
[1] Na Tiên Tỳ kheo kinh, Cao Hữu Đính dịch, Nxb Thuận Hoá, Huế, 1996, tr.3
[2] Do Ngài Long Thọ (Nāgarjun) soạn tập
[3] Mi Tiên vấn đáp, Giới Nghiêm dịch, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2019, tr. 787
[4] Sdd, tr. 788
[5] Sdd, tr. 790
[6] Sdd, tr. 12
[7] Sdd, tr.12
[8] Milindapañhapāli & Milinda vấn đạo, Tam Tạng song ngữ Pali-Việt, quyển 45, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, 2011, tr. xxv
[9] Milindapañhapāli & Milinda vấn đạo, Tam Tạng song ngữ Pali-Việt, quyển 45, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, 2011, tr. xxv
[10] Mi Tiên vấn đáp, Giới Nghiêm dịch, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2019, tr.12
[11] Milindapañhapāli & Milinda vấn đạo, Tam Tạng song ngữ Pali-Việt, quyển 45, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, 2011, tr. xxiv
[12] Sdd, tr. xxvi
[13] Sdd, tr. xxvi
[14] Milindapañhapāli & Milinda vấn đạo, Tam Tạng song ngữ Pali-Việt, quyển 45, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, 2011, tr.xxv
[15] Mi Tiên vấn đáp, Giới Nghiêm dịch, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2019, tr.18