Trai đàn Giải oan bạt độ là một pháp phương tiện. Nó nhắc nhở mỗi con người nên tự thân ý thức về những hành nghiệp của mình, đừng để gây ương lụy để rồi thọ khổ quả, đó là ý nghĩa “lấy việc độ tử mà độ sinh” trong Đạo Phật.

Dẫn nhập:

Nghi lễ Phật giáo Việt Nam là một bộ phận cấu thành nên Phật giáo Việt Nam. Ở đó, nghi lễ Phật giáo nói chung hay nghi lễ Phật giáo Việt Nam nói riêng đều mang sứ mạng hoằng truyền chính pháp, truyền đạt về con đường diệt khổ theo lời dạy của đức Phật.

Việc tìm hiểu về nghi lễ Phật giáo Việt Nam là một trong những việc làm cần thiết để tìm về các giá trị Phật giáo Việt Nam. Nếu cho rằng văn hóa có mặt trong mọi khía cạnh cuộc sống, thì ở đây, nghi lễ Phật giáo Việt Nam sẽ phản ánh xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, để tìm về hệ giá trị nghi lễ Phật giáo Việt Nam, với sự đa dạng về vùng miền, truyền thống khác nhau, thì có lẽ cách tốt nhất là tìm hiểu một nghi lễ cụ thể. Do đó, với hiểu biết và cảm nhận của mình, người viết chọn đề tài Tìm hiểu Trai đàn Giải oan bạt độ trong nghi lễ Phật giáo xứ Huế làm đối tượng tìm hiểu.

Trong quá trình thực hiện bài tiểu luận, người viết dựa vào nội dung Giải oan bạt độ khoa, là khoa nghi thường được chư tăng theo nghi lễ Phật giáo Huế hành trì làm bản văn gốc. Bên cạnh đó, người viết tìm đọc, góp nhặt những tài liệu tác phẩm của Chư tôn đức, các bậc trí giả, thức giả có liên quan để vấn đề thêm sáng tỏ. Trong giới hạn của bài viết này, người viết tập trung tìm hiểu về nghi lễ Phật giáo xứ Huế và Trai đàn giải oan bạt độ theo nghi lễ Phật giáo xứ Huế.

1. GIỚI THIỆU VỀ NGHI LỄ PHẬT GIÁO XỨ HUẾ

1.1. Nghi lễ Phật giáo

1.1.1. Khái niệm nghi lễ

Nghi: là dáng, mẫu, nghi thức, nghi lễ, khuôn phép…

Lễ: là lễ giáo, lễ bái, cúng tế, tôn thờ, cung kính…

Nghi lễ như vậy có ý nghĩa rất rộng. Ở đó bao trùm hành vi, thái độ, tín ngưỡng, văn hóa, ngôn ngữ, phong cách của con người và xã hội. Trong nghĩa hẹp, nghi lễ là nghi thức hành lễ tụng niệm mang tính tín ngưỡng thờ phụng.

Nghi lễ thường đi đôi với âm nhạc. Lễ và nhạc là hai phạm trù của Nho giáo. Theo đó, đức Khổng Tử coi lễ rất quan trọng để kiểm soát hành vi, ước muốn bất thiện của con người, còn nhạc để điều hòa cảm hóa lòng người.

Nghi lễ Phật giáo cũng có hai phần Lễ và Nhạc, tùy theo truyền thống văn hóa nghệ thuật của mỗi miền mà phần lễ nhạc Phật giáo sẽ ảnh hưởng và biểu hiện theo truyền thống ấy. Nghi lễ Phật giáo mang màu sắc lễ nhạc cổ truyền của dân tộc, là một mảng của nền văn hóa truyền thống cần phải tôn trọng bảo tồn.(1)

1.1.2. Nguồn gốc và ý nghĩa nghi lễ Phật giáo

Nguồn gốc

Theo nghĩa rộng của nghi lễ, thì nghi lễ Phật giáo có mặt từ thời đức Phật còn tại thế. Để biểu lộ sự cung kính đối với Thế Tôn, chư tăng và phật tử tại gia thường dùng các hành động: đi nhiễu quanh đức Phật, hay trịch áo bày vai, chắp tay hướng Phật, đảnh lễ…(2) Chiếu theo nghĩa hẹp, thì tuy rằng thời đức Phật không có nghi thức hành lễ tụng niệm lễ bái theo kiểu ngày nay, nhưng hình thức đầu tiên cũng được ghi nhận. Với mục đích bảo tồn lời dạy của đức Phật, Ngài Xá-lợi-Phất đề nghị “mọi người cần phải cùng nhau tụng đọc”, đó là hình thức tụng niệm dưới thời đức Phật.(3)

Về sau, nghi lễ Phật giáo dần được hệ thống hóa. Khởi đầu là vào khoảng thế kỷ II, Bồ tát Mã Minh ở Ấn Độ viết những khúc nguyện cầu Phật bằng giai điệu trong sáng, an tịnh.(4) Trên cơ sở thành tựu đó, các Tổ sư, cao Tăng thừa kế và phát huy nền nghi lễ Phật giáo với diện mạo như hiện nay.

Ý nghĩa

Từ khái niệm và các hoạt động của Tăng già được ghi nhận trong kinh điển, có thể thấy được nghi lễ mang một số ý nghĩa như: biểu thị lòng tôn kính đức Phật – Tam Bảo, nghệ thuật hóa những giá trị triết lý, là phương tiện để hóa độ chúng sinh thông qua vấn đề cầu nguyện, làm trang nghiêm cá nhân và đạo tràng do tác động cộng hưởng cảm xúc tôn giáo…(5)

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 9.2023 Tim hieu trai dan giai oan bat do trong nghi le phat giao xu Hue 1

Một buổi Lễ Giải oan Bạt độ tại Huế- Ảnh: St

1.2. Nghi lễ Phật giáo xứ Huế theo dòng sử Việt

1.2.1. Tiến trình nghi lễ Phật giáo Việt Nam

Từ những dấu hiệu nghi lễ trong truyền thống sinh hoạt người Việt cổ, như nhảy múa, tế lễ… là những cơ sở cho nền nghi lễ Phật giáo Việt Nam. Bên cạnh đó là sự du nhập văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa, cùng với văn hóa Chămpa qua các thời kỳ, dĩ nhiên trong nền nghi lễ Phật giáo Việt Nam cũng mang những thành tố liên quan đến ba quốc gia ấy.

Kể từ khi người Việt giành lại độc lập sau chiến thắng Ngô Quyền (năm 938), Phật giáo đóng vai trò cố vấn trên vũ đài chính trị, ít nhất là ở các triều đại Đinh – tiền Lê – Lý – Trần. Trong khoảng thời gian ấy, Phật giáo có cơ hội phát triển về các mặt, bao gồm cả nghi lễ. Có mối quan hệ mật thiết như vậy, Phật giáo cũng góp mặt vào các lễ hội của triều đình. Một số lễ hội của Phật giáo trở thành lễ hội nhà nước, chẳng hạn như “lễ tắm Phật” là một nghi lễ của Phật giáo, nhưng nhà vua tham gia hành lễ.(6) Việc tham gia vào hoạt động cung đình như vậy, nghi lễ Phật giáo chắc chắn có những sáng tạo, điều chỉnh để phù hợp với triều nghi.

Ở những giai đoạn sau, có những lúc Phật giáo nhường lại vị trí điều hành quốc gia cho Nho giáo, nhưng nó cũng tạo điều kiện hơn để Phật giáo có cơ hội sống khăng khít hơn cùng với tầng lớp nhân dân. Vì thế nghi lễ Phật giáo thời này bên cạnh trọng trách phục vụ cung đình còn mang ý nghĩa trong các lễ hội dân gian.

1.2.2. Nghi lễ Phật giáo xứ Huế

Nhà Hậu Lê từ khi trung hưng lên, con cháu họ Lê vẫn giữ ngôi làm vua, nhưng quyền bính dần mất về tay người khác. Không chấp nhận cảnh Vua Lê – chúa Trịnh, Đoan quận công Nguyễn Hoàng rời đất Thăng Long, Nam tiến để rồi hình thành nên cục diện Đàng Ngoài – Đàng Trong năm 1558. Các chúa Nguyễn sau nhiều lần dời dựng thủ phủ(7) đã dừng chân tại Huế; và Huế thực sự trở thành kinh đô, trung tâm văn hóa của cả nước dưới vương triều Nguyễn.

Về Phật giáo xứ Huế, theo tác giả tập Lịch sử Phật giáo xứ Huế thì tính đến thời Nam – Bắc phân tranh tại Huế đã có Phật giáo, chùa chiền nhưng chưa thấy chùa Tổ có truyền thừa. Nhưng sau đó, Huế là nơi phát sinh của dòng thiền Tử Dung – Liễu Quán rất mạnh.(8) Liên tục sản sinh ra nhiều cao Tăng thạc đức, ra sức tạo dựng không khí Tùng lâm tu học.

Trong quá trình biên soạn các nghi lễ sinh hoạt thiền môn và triều đình, cũng như phụng sự tầng lớn nhân dân, chư Tổ đã khéo léo phối hợp, chọn lọc tinh hoa trong các truyền thống văn hóa khác nhau. Cái gọi là “nghi lễ Phật giáo xứ Huế” là sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc và nghi lễ, giữa âm nhạc và nghi lễ Phật giáo Trung Quốc, Chămpa, dân ca Trung bộ và triều Nguyễn.(9) Từ đó tạo nên hệ thống khoa nghi của Phật giáo Huế, trong đó có khoa Giải oan bạt độ được tìm hiểu trong bài tiểu luận này.

2. GIÁO XỨ HUẾ

2.1. Khái quát nội dung khoa Giải oan bạt độ

2.1.1. Trai đàn Giải oan bạt độ

Trai đàn: nghĩa là Đàn chay. Trai, là chỉ tổ chức cúng lễ hoàn toàn dùng đồ thực phẩm hoa quả, đèn nến chay tịnh. Đàn, là cách thiết lập hình thức lớn và tuân thủ một nguyên tắc nhất định. Ở đây Đàn tràng tuân thủ theo nguyên tắc bố trí Mạn Đà La của Mật tông.

Giải oan: giải là cởi bỏ, oan là oan nghiệp oán thù. Nghĩa là cởi bỏ sự níu kéo oán thù của nhau. Khi sống, ta vô tình hay hữu ý tạo ra hiểu lầm, hay vì u mê, khốn khổ, sân hận đưa đến oán ghét muốn trả thù làm hại nhau.v….Vì oán hận nhau mà ta cột ta với người khác bằng sợi dây oan nghiệt. Bởi vậy, chỉ có năng lượng vô biên của Phật pháp được tạo ra bởi sức chú nguyện của chư tăng trong Đàn tràng mới mong cắt đứt sợi giây oan khiên nhiều đời nhiều kiếp.

Bạt độ: bạt là nhổ lên, độ là đi qua. Muốn thuyền qua được bờ bên kia, ta phải nhổ cái neo cắm, đã cột chặt chiếc thuyền vào bờ bên này. Ta muốn Hương linh(10) của chúng ta thoát mình ra khỏi những ràng buộc trong oan khiên nghiệp chướng nhiều đời để lên được bến bờ giải thoát, ta phải giúp họ nhổ sạch gốc rễ lầm lỗi. Do tham lam, do sân hận, do si mê mà ta như cái cây, càng sống càng đâm rễ bám sâu vào mảnh đất của tội lỗi nghiệp chướng. Không nhờ Đàn tràng với sức mạnh của công năng tập thể, ta không nhổ sạch được gốc rễ tội chướng.(11)

2.1.2. Chủ thể và đối tượng của đàn giải oan bạt độ

Chủ thể

Theo lời thỉnh đối trước Tam bảo trong Giải oan bạt độ khoa, chủ thể của đàn Giải oan bạt độ là Đại Thánh Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai. Đây là mô phỏng theo tinh thần của Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện mà xây dựng nên cách để giải oan đoạn nghiệp. Ngoài ra còn có sự chứng minh của chư Phật khác: Đức Phật Thích Ca; bảy vị Phật trong nghi Mông sơn thí thực; năm vị Phật theo năm phương.

Chư vị Bồ tát trợ giáo gồm bốn vị chính: Quán Thế Âm Bồ tát, Chuẩn Đề Vương Bồ tát, Phổ Quang Giải oan kết Bồ tát, Địa Tạng Bồ tát. Và cả chư vị thánh thần ở ngoại giáo đều được Phật giáo chấp nhận. Ở điểm này có thể thấy tinh thần dung thông Tam giáo, cởi mở của Phật giáo khi xử lý vấn đề nỗi khổ của con người. Phật giáo bỏ qua mọi rào cản về ý thức hệ, thổ ngữ, tín ngưỡng đề cùng nhau nhìn về những nỗi oan khiên của kiếp người.

Đối tượng

Đối tượng của đàn Giải oan bạt độ là hướng đến những đối tượng đang đau khổ, trầm luân trong Lục đạo. Theo Phật giáo, Lục đạo là thuật ngữ dùng để nói về sáu con đường luân hồi của chúng sinh. Trong đó có những sinh thú mà chúng sinh phải chịu đau khổ. Đàn giải oan bạt độ lập ra không gì khác hơn là tập trung tháo cởi những trói buộc nơi cõi địa ngục, ngạ quỷ. Đúng như lời thán đầu khoa: “tự thân đắm chìm trong mờ mịt, chẳng thể rõ ràng nẻo thác sinh. Hôm nay, mở đàn tràng này, tuyên dương lời Phật, diệt trừ nghiệp chướng, nhổ tận gốc khổ”.(13)

2.1.3. Nội dung chính khoa Giải oan bạt độ

Ngày nay, tùy theo phương tiện mà người hành đàn giải oan bạt độ thêm bớt, hay có sự sắp xếp khác nhau. Tuy nhiên, Giải oan bạt độ khoa vẫn ẩn chứa những phần có thể hiểu theo trình tự sau:

Nói lý do chúng sinh bị đọa lạc: trước khi đưa chúng sinh đối diện với Tam bảo giải bày, sám hối tội lỗi, chư tăng khai thị:“Thiết dĩ, sinh tử thù đồ, Âm Dương dị lộ, tự trầm u dạ, vị biện sinh phương. Kim tắc khai kiến hoa đàn, tuyên dương bảo phạm, khắc trừ nghiệp chướng, dĩ thích khổ căn, đoan kỷ tịnh tâm, tư chân niệm Phật, đồng thừa tế độ, cộng vãng sinh phương. Chiêm ngũ khí chi bảo hoa, thính Tam quy chi diệu giới, tham truyền bạch giản, siêu độ châu cung, đại chúng đồng thanh, tư thừa tiếp đệ”.

Sái tịnh đàn tràng và thỉnh Tam bảo chứng minh: sái tịnh là một nghi lễ thường thấy trong Phật giáo, với ý nghĩa làm sạch nơi thiết đàn bằng sức gia trì chú nguyện. Trong nghi lễ Phật giáo xứ Huế, thường được cử tán các bài như Dương chi, Giao thiên,…và trì tụng các thần chú mang tính tịnh hóa như Đại bi, Phổ am… Kế tiếp sau khi đàn tràng thanh tịnh như pháp, chư tăng thỉnh Tam bảo và chư thánh thần quang lâm chứng minh. Đàn tràng nương nhờ công đức chư Phật, Bồ tát, Thánh hiền mà chúng sinh được tiêu trừ tội lỗi. Việc thỉnh mời ấy, bên cạnh việc cầu thỉnh sự hộ trì cũng chính là phương tiện thực hành pháp niệm Phật.

Khất tích trượng: là phần bạch Tam Bảo xin được oai lực từ đức Phật Thích Ca, Tỳ-lô-giá-na và Bồ tát Địa Tạng, vì những vị này có pháp khí là tích trượng.(14)

Lễ ngũ phương và phá địa ngục: các bài tán thán công hạnh chư Phật năm phương và phá địa ngục bằng lời thỉnh, ấn chú.

Vượt Âm Dương kiều và Quy y: phần tiếp dẫn chúng sinh sau khi đã thoát khỏi địa ngục, ngạ quỷ qua cầu Âm Dương. Sau đó là phần hướng dẫn chúng sinh Quy y Tam Bảo.

Đó là trình tự cũng như bố cục của Giải oan bạt độ khoa theo nghi lễ Phật giáo xứ Huế thường thực hiện.

2.2. Thiết đàn Giải oan bạt độ

2.2.1. Địa điểm thiết đàn

Nói đến Trai đàn là nói đến sự tổ chức có quy mô và cần nhiều kinh phí, cũng như sự góp mặt của nhiều người. Tuy nhiên, qua thời gian, trai đàn Giải oan bạt độ không những được tổ chức từ những tự viện lớn, mà đôi khi còn được tổ chức tại tư gia, tùy theo tâm nguyện của chủ sự. Dù thế nào đi nữa, địa điểm thiết đàn thường được ưu tiên thỏa mãn các tiêu chí như: không gian rộng, thoáng, có sức chứa, và là nơi sạch sẽ.

2.2.2. Cách thiết đàn

Đàn Giải oan bạt độ thường được bài trí với hai phần:

Đàn nội

Là nơi thiết trí tôn tượng đức Phật Thích Ca, thỉnh Ngài làm đạo tràng giáo chủ. Trong tự viện, chính điện thường được thiết trí thành Đàn nội. Tại tư gia, thường được thiết trí tôn tượng sao cho không qua xa với đàn ngoại.

Đàn ngoại

Là nơi thiết trí tôn tượng đức Phật Giác Hoa, Ngũ phương Phật, Tiêu diện Bồ tát, Địa Tạng Bồ tát…và ngục.

Đặc sắc của thiết trí đàn Giải oan bạt độ chính là cách thiết trí ngục. Ở đàn này, ngục được trang trí lấy theo ý tưởng trong Kinh Địa Tạng, thường được đóng thành một khối lập phương, xung quanh trang trí. Theo hình thức thiết trí ngục thường thấy, phía trên của ngục là Sinh thiên bảo đài (cửa sinh lên trời Đao Lợi), bên trong đài ấy thiết đặt bài vị Tam nguyên. Dưới chân bảo đài là tấm vải trắng dài (thường được dán bùa Âm Dương ở giữa) kéo vào tận đàn nội. Xung quanh phía trên trang trí Nhị thập bát tú.(15) Bốn phía của ngục trang trí hương án của năm phương ngục và một cửa Tổng ngục. Thân ngục được dùng vải quấn theo thứ tự ba màu: trên cùng là màu xanh dương (hoặc xanh lá cây), ở giữa màu trắng, dưới cùng màu vàng. Cách quấn như vậy tượng trưng cho ba thức năng biến (ý thức, mạt- na thức, A-lại-da thức) trong giáo nghĩa Duy thức; hay trong cách nhìn về hình thể Thế giới theo cách “thiên thanh thanh, địa hoàng hoàng”. Qua đó cho thấy, ngục của đàn Giải oan bạt độ một mặt mô tả Trái đất và các vì sao, một mặt ám chỉ địa ngục chính là được tạo bởi Tâm của mỗi cá nhân. Vì thế nó không dành cho trả lời địa ngục có hay không có, mà nên hiểu nó được thành lập theo cách nghĩ nào.

2.3. Hành đàn Giải oan bạt độ

2.3.1. Chức sự đàn và trách vụ tầng lớp tham gia

Trong trai đàn Giải oan bạt độ thường được cung tuyên chức sự trai đàn. Đây vừa là bản cung thỉnh ai làm việc gì, phân chia công việc trong suốt thời gian thực hiện trai đàn, từ khâu chuẩn bị cho đến hành đàn. Theo nghi lễ Phật giáo xứ Huế thì chức sự trai đàn thường được nói đến: chứng minh, sám chủ – gia trì, công văn, kinh sư, nhạc lễ, tri sự đàn…ngoài ra còn có các tiểu ban ẩm thực, trật tự, hầu lễ…

Ngoài những vị có chức sự, thì những vị tham gia trai đàn đôi khi trong quá trình lễ lạy, hiến cúng được phân bổ đội Kiều Âm Dương, thỉnh Bài vị nhiễu đàn…

2.3.2. Cách hành đàn Giải oan bạt độ

Để hành đàn Giải oan bạt độ, chư tăng thực hiện nghi lễ thông hiểu cả hai phần là nghi lễ và âm nhạc. Vì thế nó là mối quan hệ bất khả phân ly như đã trình bày ở phần trước. Nhạc lễ Phật giáo xứ Huế được sử dụng trong đàn Giải oan bạt độ, góp phần tạo không khí trang nghiêm, sự điều hòa về hơi giọng trong khi chư Tăng thán, tán, vịnh, hò, tuyên pháp ngữ…

Cách hành đàn Giải oan bạt độ giống theo thứ tự nội dung của Giải oan bạt độ khoa đã viết. Trước khi hành đàn, Chư tôn đức chứng minh (thường là những tôn túc Hòa thượng) sẽ niệm hương cầu nguyện trước, đó là cách làm thường thấy trong các lễ hội của Phật giáo, mang hàm ý cung kính những bậc cao tăng thạc đức, kỳ túc trưởng lão.

Ở phần hành đàn theo Giải oan bạt độ khoa, có thể hình dung đó như tái hiện trở lại hình ảnh đức Bồ tát Địa Tạng. Vị sám chủ pháp phục trang nghiêm, đầu đội mũ Tỳ lô, tay cầm tích trượng, phá địa ngục, tiếp dẫn chúng sinh đảnh lễ chư Phật, Bồ tát, Thánh hiền, để nhờ đó sinh về cảnh giới lành.

KẾT LUẬN

Trai đàn Giải oan bạt độ là hình thức mà Phật giáo chuyển tải thông điệp Từ bi của đức Phật. Đó là một trong những việc làm theo tinh thần Đức Phật dạy trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa: “Các đức Thế Tôn sinh ra nơi đời, chỉ vì một đại sự nhân duyên là khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”.

Trai đàn Giải oan bạt độ là một pháp phương tiện. Nó nhắc nhở mỗi con người nên tự thân ý thức về những hành nghiệp của mình, đừng để gây ương lụy để rồi thọ khổ quả, đó là ý nghĩa “lấy việc độ tử mà độ sinh” trong Đạo Phật. Mặt khác, chư Tăng đóng vai trò hiện thân của chư Phật, Bồ tát để “thay Phật nói pháp” mang mục đích kép, một là nhắc nhở sách tấn tu tập hướng theo những mẫu hình cụ thể điển hình như Bồ tát, vốn là một đặc chất của Phật giáo Đại thừa; một là hướng cho tầng lớp tham gia nhờ đó có lòng tin sâu sắc nơi Tam bảo, tạo tiền đề tu học trở thành những con người an lành, giải thoát.

Dưới góc độ lịch sử, trải qua thời kỳ binh đao khói lửa, đất nước chia cắt, nội chiến, làm cho nhân dân đói khổ, lầm than thì đây là một phương pháp trị liệu khá hiệu quả, nhằm xoa dịu những nỗi đau đã nếm trải. Đó cũng là một nét đẹp cho nền văn hóa nước nhà. Dân tộc ta có một lòng nồng nàn yêu nước, người Việt thương những người đã nằm xuống vì bảo vệ Tổ quốc, cho non sông vững bền; thương người thân máu mủ ruột rà của mình đã chết vì đói lạnh; thương hết những kẻ cô hồn dã quỷ đọa đày không nơi thờ phụng, thọ khổ nhọc nhằn. Như ca dao Việt Nam có câu:

“Đói lòng ăn nửa trái sim
Uống lưng bát nước đi tìm người thương.”

Dù dưới hình thức nào đi nữa, thì Đạo Phật vẫn không ngoài lời dạy của đức Phật: “Xưa cũng như nay, Như Lai chỉ nói đến khổ và sự diệt khổ”. Trai đàn Giải oan bạt độ không ngoài ý nghĩa ấy.

Thích Tâm Thiện
Lớp: Cao học Phật học khóa II – Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2023

***

CHÚ THÍCH:
(1) Xem: Thích Viên Giác, Ý nghĩa nghi lễ Phật giáo. (https://thuvienhoasen.org/a26641/y-nghia-nghi-le-phat-giao)
(2) Như trong Kinh Pháp Hoa có chép: “…ngài Vô Tận Ý liền từ chỗ ngồi đứng dậy trịch áo bày vai hữu, chắp hướng Phật mà bạch…”. Hay trong Kinh Kinh Cang: “…Bấy giờ, nhiều vị Tỷ-kheo đến chỗ Ngài ngồi, đê đầu đảnh lễ dưới chân Ngài, nhiễu phải ba vòng…”; “…Tôn giả Tu-bồ-đề…để y ngoài qua một bên vai, gối hữu quỳ xuống…”. Xem: HT. Thích Trí Tịnh (dịch) (2011), Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Nxb. Tôn giáo, tr. 536; HT. Thích Chơn Thiện (2012), Tư tưởng Kinh Kim Cương Kinh Bát Nhã, Nxb. Phương Đông, tr. 16, 18.
(3) Xem: HT. Thích Minh Châu (dịch) (2017), Kinh Trường Bộ, Kinh Phúng Tụng (33), Nxb. Tôn Giáo, tr. 657.
(4) Nguyễn Hữu Thông (chủ biên) (2008), Nhạc lễ Phật giáo xứ Huế, Nxb. Văn nghệ, tr. 27.
(5) Thích Viên Giác, Ý nghĩa nghi lễ Phật giáo.
(6) Xem: Đỗ Trọng Huề (1965), Tạp chí Vạn Hạnh, “Lễ tắm Phật và phóng sinh thời Lý”, phần II – Dân tộc học, tr. 31 – 33.
(7) Phan Thuận An (2017), Kinh Thành Huế, Nxb. Hội Nhà Văn, tr. 25 – 43.
(8) Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb. Văn Hóa Sài Gòn, tr. 24.
(9) Xem: Nguyễn Hữu Thông (chủ biên), Sđd, tr. 60.
(10) Trong nghi lễ Phật giáo, Hương linh là từ chỉ cho những người đã mất.
(11) http://www.phatgiaodongnai.org/y-nghia-trai-dan-bat-do-chan-te-am-linh-co-hon.html
(12) Vị Phật trong Kinh Địa Tạng. Trong Phẩm Đao Lợi Thiên Cung Thần Thông thứ nhất, Quỷ Vương Vô Độc thưa với Thánh nữ Bà La Môn (tức tiền thân của Địa Tạng Bồ Tát) rằng nữ tội nhân Duyệt Đế Lợi sanh lên Trời đến nay, đã dược ba ngày, nương nhờ con gái hiếu thuận, vì mẹ thiết lễ dâng cúng, tu phước, bố thí chùa tháp của đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai; không phải chỉ có mẹ của Bồ Tát được giải thoát, mà các tội nhân trong Địa Ngục Vô Gián, ngày ấy thảy được hưởng vui sướng)”; thiết lễ, cúng dường đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, nhờ công đức đó mà chư tội nhân trong các Địa Ngục, chư vị âm linh cô hồn được siêu thoát khỏi cảnh khổ của ba đường ác. Cho nên, cũng có thể bàn thờ Giác Hoa (kim đài) trong đàn tràng Chẩn tế (hay Bạt độ) là bàn thờ Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai.
(13) Người viết dịch ý từ nguyên tác: “Tự trầm u dạ, vị biện sanh phương. Kim tắc khai kiến hoa đàn, tuyên dương bảo phạm, khắc trừ nghiệp chướng, dĩ thích khổ căn”.
(14) Nguyên lai, Tích Trượng được dùng để xua đuổi rắn độc, côn trùng, v.v. Hoặc khi đi khất thực, vị Tỳ Kheo chấn rung cây Tích Trượng, làm cho ở xa cũng nghe biết; và đời sau nó trở thành một trong những pháp khí. Phật dạy Tỳ Kheo nên thọ trì Tích Trượng, vì chư Phật trong quá khứ vị lai và hiện tại đều dùng đến.
(15) 28 ngôi sao vận hành trong 1 tháng, thuyết 28 ngôi sao này vốn xuất phát từ Ấn Độ. Trung Quốc cũng có. Trong kinh điển Phật Giáo cũng có đề cập đến như Ma Đăng Già Kinh. Tuy nhiên, 28 ngôi sao của Ấn Độ và Trung Quốc không có mối quan hệ về mặt ngôn ngữ, mỗi bên tự phát triển theo cách của mình. Về phương diện chiêm tinh và lịch pháp, 12 cung đóng vai trò quan trọng nhất. Sau khi Mật Giáo phát triển, tín đồ Phật Giáo đã kết hợp 12 cung và 28 ngôi sao lại với nhau. Như trong Tú Diệu Kinh có đề cập sự cấu thành pháp chiêm tinh của Mật Giáo, và tên tiếng Phạn của chúng phần lớn được dịch trực tiếp từ Thiên Văn Học Tây phương, hay có ảnh hưởng du nhập trực tiếp từ Thiên Văn Học ấy.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Thích Viên Giác, Ý nghĩa nghi lễ Phật giáo. (https://thuvienhoasen.org/a26641/y-nghia-nghi-le-phat-giao)
2. HT. Thích Minh Châu (dịch) (2017), Kinh Trường Bộ, Kinh Phúng Tụng (33), Nxb. Tôn Giáo.
3. Phan Thuận An (2017), Kinh Thành Huế, Nxb. Hội Nhà Văn.
4. HT. Thích Chơn Thiện (2012), Tư tưởng Kinh Kim Cương Kinh Bát Nhã, Nxb. Phương Đông.
5. HT. Thích Trí Tịnh (dịch) (2011), Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Nxb. Tôn giáo.
6. Nguyễn Hữu Thông (chủ biên) (2008), Nhạc lễ Phật giáo xứ Huế, Nxb. Văn nghệ.
7. Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb. Văn Hóa Sài Gòn.
8. Đỗ Trọng Huề (1965), Tạp chí Vạn Hạnh, “Lễ tắm Phật và phóng sinh thời Lý”, phần II – Dân tộc học.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Đóng góp của thiền phái Liễu Quán trong việc khẳng định chủ quyền của người Việt trên vùng đất phương Nam
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Từ khi xuất hiện cho đến khi tổ Thiệt Diệu Liễu Quán viên tịch, dòng thiền Liễu Quán được thắp sáng và lan tỏa chánh pháp bởi các đệ tử và các pháp tôn. Trong các thế kỉ XVII – đầu thế kỉ XIX, Thiền phái Liễu Quán ra đời, phát triển và mở...

Tục Bầu Hậu Phật qua một số văn bia ở Thanh Hóa
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

DẪN NHẬP Bầu Hậu Phật, lập Hậu Phật là hoạt động văn hóa trong sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo ở làng xã nước ta trước đây. Người gửi hậu Phật có thể là do hoàn cảnh, nhu cầu và mục đích khác nhau, nhưng tựu trung, hoạt động này phản ánh tâm linh, tư...

Phổ hệ truyền thừa thiền phái Liễu Quán tại Khánh Hoà
Lịch sử, Nghiên cứu

Thiền phái Liễu Quán, một trong năm thiền phái của dòng thiền Lâm Tế có sự ảnh hưởng lớn ở nước ta. Trong dòng chảy lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế tại Việt Nam, Liễu Quán tuy ra đời muộn nhưng là dòng thiền có phạm vi rộng khắp bởi tính bản địa....

Hành trình Phật giáo du nhập vào Trung Quốc thông qua Con đường tơ lụa
Lịch sử, Nghiên cứu

BƯỚC ĐƯỜNG TÂY CHINH VÀ LỘ TRÌNH KHAI THÔNG THƯƠNG MẠI – VĂN HÓA Trung Quốc là nước đầu tiên tìm ra cách trồng dâu nuôi tằm, lấy kén ươm tơ, dệt lụa sớm nhất trên thế giới cổ đại. Tơ lụa thời đó được dành riêng cho vua chúa và hàng quý tộc, sau...

Thiền sư Nguyên Thiều cầu nối cho sự giao lưu Phật giáo Trung-Việt thế kỷ XVII-XVIII
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Giữa thế kỷ XVIII, Thiền sư Nguyên Thiều thuộc thiền phái Lâm Tế đời thứ 33, từ Quảng Đông chấn tích đến Đàng Trong truyền đạo. Dưới uy đức và đạo hạnh của Ngài cùng sự hộ trì của chính quyền chúa Nguyễn, Phật giáo Đàng Trong đã từng bước khởi sắc và...

Tính dân gian trong Phật giáo ở Thừa Thiên Huế
Nghiên cứu, Văn hóa

DẪN NHẬP Đối với người Việt, Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, có quá trình gắn bó và phát triển lâu dài trong lịch sử dân tộc. Trong quá trình định cư của cư dân Việt trên vùng đất được mệnh danh là “Ô châu ác địa”, “lam sơn...

Nguyên Nhân Phân Phái Phật Giáo
Lịch sử, Nghiên cứu

Mọi tư tưởng, triết lý, quan điểm hay học thuyết của một đấng giáo chủ nào, sau khi trải qua những giai đoạn truyền thừa, đều có một vài sự thay đổi để thích ứng với các giai đoạn đó. Vì thế, cách chuyển tải nội dung tư tưởng hay cách lý giải về chúng đương nhiên sẽ có những sự thay đổi, phát triển, thậm chí có những...

Điển cố Phật giáo trong sáng tác của Nguyễn Du
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Trong các sáng tác của đại thi hào Nguyễn Du, Phật giáo để lại dấu ấn sâu đậm. Một trong những dấu ấn đó là sự xuất hiện thường xuyên với vai trò quan trọng của lớp từ ngữ điển cố Phật giáo trong các tác phẩm của ông. Bài viết hướng đến nhận...

Nguồn càng sâu – Dòng càng dài
Danh Tăng, Lịch sử, Nghiên cứu

Tác giả bài viết: TT. Thích Tâm Hạnh* Tóm tắt: Tổ sư Liễu Quán ở tổ trên nhánh cây, ăn rong “sột soạt” mà thiền cơ dĩnh ngộ, xuất kệ lập nên thiền phái, đời đời nối thạnh. Từ xưa đến nay, bậc Tổ đức nào miên mật công phu, chứng ngộ, bảo nhậm rồi sáng...

Anāthapiṇḍika (Tu Đà Cấp Cô Độc): Cuộc đời và sự đóng góp cho Phật giáo
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Đạo Phật ra đời không ngoài mục đích ban cho chúng sanh niềm an lạc và hạnh phúc. Nhưng để tồn tại, chúng đệ tử cần biết giữ gìn và thực hiện theo lời dạy của Ngài. Trong số đệ tử của Đức Phật thời bấy giờ có một vị Ưu-bà-tắc được mệnh danh...

Tứ diệu đế với vấn đề giáo dục đạo đức toàn cầu
Luận, Phật học, Văn hóa

TÓM TẮT Tứ diệu đế hay là bốn chân lý vĩ đại của Phật giáo chính là cốt tủy cơ bản để hợp thành học thuyết nhân sinh cứu đời. Đó là kết quả suy ngẫm và trải nghiệm thông qua thực tiễn cuộc sống của chính Phật tổ và sự tổng kết những suy...

Giải mã Phật viện Đồng Dương nhìn từ cấu trúc của Thai tạng giới mạn-đà-la Mật tông.
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Phế  tích Đồng Dương (1) là tổ hợp kiến trúc đền-tháp Phật giáo quan trọng nhất của vương quốc Champa, hiện tọa lạc tại xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Phế tích đồ sộ này đã được Henri Parmentier và Charles Carpeaux khai quật trong thời gian từ ngày 07-9-1902 đến...

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và Thiền phái Liễu Quán – Những nét tương đồng
Lịch sử, Nghiên cứu

TÓM TẮT Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là thiền phái Phật giáo yêu nước, nhập thế, kết hợp chặt chẽ giữa đời và đạo, đạo với đời. Vào thế kỷ XVII-XVIII, hệ tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm lại có điều kiện tỏa sáng trong đời sống người dân. Hệ tư tưởng này...

Tư tưởng nhập thế của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trong sự nghiệp đoàn kết, xây dựng và phát triển đất nước
Luận, Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ thế kỉ thứ I trước Công nguyên và đồng hành trong đời sống tinh thần của dân tộc. Tuy nhiên, đến thế kỷ 13 khi xuất hiện Thiền phái Trúc Lâm mà vua Trần Nhân Tông là vị tổ sư khai sáng thì Phật giáo...

Tinh thần nhập thế, hộ quốc an dân và công hạnh các bậc cao tăng trong lịch sử
Nghiên cứu, Văn hóa

Tinh thần nhập thế của Phật giáo đã có từ thời Mâu Tử, nhưng dưới thời Vua Trần, thì được phát triển mạnh mẽ nhất. Đặt nền móng cho tinh thần nhập thế ấy là khi tướng Trần Thủ Độ nói với Vua Trần Thánh Tông: “Tôi dám nói rằng bệ hạ vì sự tự...

Ảnh hưởng của Phật giáo trong văn học chữ Nôm giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Giai đoạn lịch sử xã hội đầy biến chuyển, phản ảnh đời sống con người văn học chữ Nôm giai đoạn này cũng đã ghi nhận vào mình khá đầy đủ mọi phương diện về đời sống tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng. Đời sống ấy được quy chiếu vào văn thơ...