DẪN NHẬP

Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, vào thời Trần, vua Trần Thái Tông đã tỏ ngộ lý thiền, thắp lên ngọn đuốc chân lý, soi đường cho người hữu duyên cùng tiến lên trên con đường giác ngộ, giải thoát. Trong số các trước tác của ngài, tác phẩm Khóa hư lục chứa đựng nhiều triết lý thâm diệu, nhất là tư tưởng bình đẳng của Phật giáo. Tư tưởng này thể qua các phương diện: bình đẳng trên nhân quả, bình đẳng trên tự tánh vô sinh, bình đẳng trên sự tu chứng. Quan trọng hơn hết, tư tưởng bình đẳng của Trần Thái Tông nói riêng và Phật giáo nói chung có tính thiết thực, có thể ứng dụng góp phần xây dựng đời sống xã hội lành mạnh, lan tỏa năng lượng tích cực đến cộng đồng, đẩy mạnh tinh thần hăng say làm việc, đem lại nguồn lợi ích cho tự thân và mọi người.
Từ khóa: Niết bàn, quản vị tu chứng, Trần Thái Tông, tư tưởng bình đẳng, tự tánh vô sinh.

Vua Trần Thái Tông từng bỏ hoàng thành trốn vào núi Yên Tử, tìm đến chỗ Quốc sư Phù Vân cầu xin xuất gia tu hành. Nhưng rồi, ngay hôm sau, Trần Thủ Độ đem quan quân tiến vào núi Yên Tử, quyết đưa vua về kinh cho bằng được, Trần Thái Tông đành quay về, nhưng lòng luôn ghi nhớ lời dạy của Quốc sư Phù Vân: “Phàm là đấng nhân quân, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, và tâm thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón bệ hạ về, bệ hạ không về sao được? Tuy nhiên, sự nghiên cứu nội điển xin bệ hạ đừng phút nào quên”.
(Ảnh: chùa Hoa Yên núi Yên Tử – sưu tầm)

TRẦN THÁI TÔNG VÀ TÁC PHẨM KHÓA HƯ LỤC

Hành trạng của vua Trần Thái Tông

Trần Thái Tông (1218 – 1277), là một vị vua anh minh, tài tuấn kiệt xuất, văn võ song toàn. Sự kiện năm 1225, vua Lý Chiêu Hoàng tuyên cáo trước thần dân về việc nhường ngôi cho chồng: “Nay trẫm suy đi tính lại một mình, duy có Trần Cảnh là người văn chất vẹn tuyền, thực là thể cách hiền nhân quân tử, uy nghi chễm chệ, có tư chất thánh thần văn võ, dù đến Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông cũng không hơn được. Sớm tối nghĩ kỹ, xét nghiệm từ lâu, nên nhường ngôi báu, để thuận lòng trời…” [1]. Sự chuyển giao quyền lực diễn ra trong sự hòa hợp, êm thắm. Sau khi lên ngôi trị vì đất nước, Trần Thái Tông yêu nước thương dân, lấy ý muốn của dân làm ý muốn của bản thân, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình; đoàn kết toàn dân chiến đấu chống quân xâm lược Nguyên – Mông toàn thắng.

Vua Trần Thái Tông từng bỏ hoàng thành trốn vào núi Yên Tử, tìm đến chỗ Quốc sư Phù Vân cầu xin xuất gia tu hành. Nhưng rồi, ngay hôm sau, Trần Thủ Độ đem quan quân tiến vào núi Yên Tử, quyết đưa vua về kinh cho bằng được, Trần Thái Tông đành quay về, nhưng lòng luôn ghi nhớ lời dạy của Quốc sư Phù Vân: “Phàm là đấng nhân quân, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, và tâm thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón bệ hạ về, bệ hạ không về sao được? Tuy nhiên, sự nghiên cứu nội điển xin bệ hạ đừng phút nào quên” [2].

Trần Thái Tông trở về kinh thành, vừa làm vua vừa nghiên cứu kinh điển, ứng dụng lời dạy của Quốc sư Phù Vân: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng mà biết, đó là Phật thật” [3] (Sơn bổn vô Phật, duy tồn hồ tâm. Tâm tịch nhi tri, thị danh chân Phật). Là người tin hiểu giáo pháp của Phật, tỏ ngộ lý thiền, Trần Thái Tông đã khéo léo đưa giáo lý Phật-đà vào việc trị quốc an dân, phát huy tinh thần bình đẳng, dân chủ, từ bi, khoan dung, khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân, phát huy tinh thần tự chủ dân tộc. Bên cạnh đó, ngài còn để lại cho đời nhiều tác phẩm văn học Phật giáo có giá trị về mặt tư tưởng, nhận thức, ứng dụng thực tiễn: Khóa hư lục, Thiền tông chỉ nam, kinh Kim Cang tam muội,…

Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, vào thời Trần, vua Trần Thái Tông đã tỏ ngộ lý thiền, thắp lên ngọn đuốc chân lý, soi đường cho người hữu duyên cùng tiến lên trên con đường giác ngộ, giải thoát. Trong số các trước tác của ngài, tác phẩm Khóa hư lục chứa đựng nhiều triết lý thâm diệu, nhất là tư tưởng bình đẳng của Phật giáo. (Ảnh: sưu tầm)

Khái quát nội dung tác phẩm Khóa hư lục

Dựa theo truyền bản tại chùa An Ninh, được Tổng hội Phật giáo Bắc Kỳ và Học viện Viễn Đông Bác Cổ tại Hà Nội cho in lại trong Việt Nam Phật Điển Tùng San năm 1943, sau được Thư viện Huệ Quang ảnh ấn vào năm 2018, nội dung tác phẩm Khóa hư lục gồm: 1. Thái Tông Hoàng đế ngự chế Khóa hư thượng quyển, 2. Tứ sơn kệ, 3. Phổ thuyết sắc thân. 4. Khuyến phát tâm văn, 5. Giới sát sinh văn, 6. Giới thâu đạo, 7. Giới sắc văn, 8. Giới vọng ngữ văn, 9. Giới tửu văn. 10. Giới định tuệ luận, 11. Thụ giới luận, 12. Niệm Phật luận, 13. Tọa thiền luận, 14. Tuệ giáo giám luận, 15. Thiền tông chỉ nam tự, 16. Kim Cang tam muội kinh tự, 17. Lục thời sám hối khoa nghi tự, 18. Bình đẳng lễ sám văn tự, 19. Phổ thuyết hướng thượng nhất lộ, 20. Ngữ lục vấn đáp môn hạ, 21. Niêm tụng kệ, 22. Thái Tông Hoàng đế ngự chế Khóa hư hạ quyển.

Cụ thể, chúng tôi chia nội dung tác phẩm thành 4 phần chính, gồm:
Phần 1: Chỉ ra cái khổ của thân tứ đại, năm uẩn, nói về bốn khổ: sinh, lão, bệnh, tử. Gồm 3 mục: 1. Thái Tông Hoàng đế ngự chế Khóa hư thượng quyển, Phần này là lời dẫn nhập để đi vào nội dung mục 2. Tứ sơn kệ, 3. Phổ thuyết sắc thân.
Phần 2: Khuyên người phát tâm tu hành để thoát khổ, gồm mục 4. Khuyến phát tâm văn.
Phần 3: Nói rõ phương pháp hành trì để trở về bản tâm, giải thoát khổ đau sinh tử. Gồm các mục: 5. Giới sát sinh văn, 6. Giới thâu đạo, 7. Giới sắc văn, 8. Giới vọng ngữ văn, 9. Giới tửu văn. 10. Giới định tuệ luận, 11. Thụ giới luận, 12. Niệm Phật luận, 13. Tọa thiền luận, 14. Tuệ giáo giám luận, 15. Thiền tông chỉ nam tự, 16. Kim Cang tam muội kinh tự, 17. Lục thời sám hối khoa nghi tự, 18. Bình đẳng lễ sám văn tự, 19. Phổ thuyết hướng thượng nhất lộ, 22. Thái Tông Hoàng đế ngự chế Khóa hư hạ quyển (mục này nói rõ về khoa nghi sáu thời sám hối do vua Trần Thái Tông soạn).
Phần 4: Đối cơ khai thị. Gồm 2 mục: 20. Ngữ lục vấn đáp môn hạ, 21. Niêm tụng kệ. Phần này nói về nội dung vấn đáp giữa vị Tăng Đức Thành và vua Thái Tông, cùng với các bài Niêm tụng kệ do Trần Thái Tông biên soạn; gồm 43 bài, mỗi bài chia làm ba phần: Cử, Niêm và Tụng. Cử là đề ra hay nêu lên một câu chuyện hoặc một câu trong kinh để giải thích. Niêm là rút gọn hay tóm tắt để nói rõ ý nghĩa của vấn đề. Tụng là giải bày thành một bài kệ bốn câu.

TƯ TƯỞNG BÌNH ĐẲNG QUA CÁC PHƯƠNG DIỆN

Tự tánh vô sinh

Trần Thái Tông nói: “Chớ luận đại ẩn tiểu ẩn, thôi phân tại gia xuất gia. Chẳng cuộc người tăng kẻ tục, chỉ cốt nhận được Bản tâm. Vốn không có nam nữ, đâu cần chấp tướng. Người chưa rõ dối chia tam giáo, liễu được rồi đồng ngộ nhất tâm. Nếu hay phản chiếu hồi quang, đều được kiến tánh thành Phật” [4]. Dù là người ẩn tu nơi thâm sơn cùng cốc hay cộng tu nơi tự viện thành thị, không luận là người xuất gia, tại gia, cốt yếu nhận ra và sống được với bản tâm thanh tịnh sẵn có nơi mỗi người. Nếu khéo phản quan tự kỷ thì đều có thể thấy tánh thành Phật.

Tự tánh vô sinh hay bản thể vô sinh là chỉ cho tâm chân thật nơi mỗi chúng sinh. Đặc tính của bản thể vô sinh được biểu hiện bằng trí tuệ, từ bi, khoan hòa, rỗng lặng mà sáng suốt, bất động mà sống động, không hình không tướng, thường hằng bất biến. Tánh này còn có nhiều tên gọi khác nhau như: Phật trí, Phật tâm, Chân Như, Thể tánh Bát-nhã, Tánh Kim Cang, Tánh Như Lai tạng,… Kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy: “Ta nay thấy khắp tất cả chúng sinh đều có đầy đủ đức tướng trí tuệ của Như Lai”[5]. Vì tất cả chúng sinh đều đầy đủ Trí tính vô lậu, cùng một thể tính thanh tịnh với chư Phật cho nên hết thảy đều bình đẳng. Đứng trên góc độ pháp tướng thì có phân biệt rõ ràng, có cao thấp, có sang hèn, có trí ngu, có sinh diệt,… nhưng đứng ở góc độ pháp tánh thì bình đẳng không khác. Nói bình đẳng bởi vì tánh này không hình tướng, không sinh diệt, không nhơ sạch.

Nhân quả

Đức Phật dạy rằng: “Ta là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy” [6]. Như vậy, đã là chúng sinh có mặt trên cõi đời này đều mang theo trong mình vô số nghiệp: nghiệp thiện, nghiệp bất thiện. Người nhiều nghiệp thiện thì dung mạo khả ái, đời sống gặp nhiều thuận duyên,… Rõ ràng, nhân quả là một định luật tất yếu, dù Phật giáo có tồn tại hay không thì nhân quả vẫn luôn vận hành đúng quy luật của nó.

Vua Thái Tông nói: “Phàm các loài sanh từ trứng, thai, ẩm, hóa, tánh vẫn đồng, thấy nghe hiểu biết đâu khác. Chỉ do tạo nghiệp kết oán, nên thọ tên khác hiệu khác. Ngày trước vốn loài người, nay sanh đàn giống khác nhau. Hoặc là bạn bè, hoặc là anh em. Thay đổi áo xiêm đai mũ, biến làm mai vảy cánh lông. Vợ quên chồng, chồng quên vợ, con trái cha, cha trái con” [7]. Tức là, chúng sinh trong ba cõi, một khi đã gây nhân thì phải nhận lấy quả báo; tạo nhân lành thì gặp quả lành, kết oán thù ắt gặp quả ác. Luân hồi vay trả trả vay không mất, có chăng chỉ là thay tên đổi họ, thọ sinh nơi các loài khác, hoán xiêm y thành lông vảy. Dù trải qua vô lượng kiếp, quả báo đã gây tạo không mất.

Thiền sư Hoài Hải ở núi Bách Trượng, mỗi khi thượng đường dạy chúng thường thấy có ông lão theo nghe pháp. Một hôm, chúng ra về hết chỉ còn ông lão ở lại. Sư hỏi:
– “Ông là người gì? Ông già thưa: Con chẳng phải người. Thời quá khứ, thuở Đức Phật Ca Diếp, con làm Tăng ở núi này, nhân học trò hỏi: ‘Người đại tu hành lại rơi vào nhân quả chăng’? Con đáp: ‘Không rơi vào nhân quả’. Do đó, đến năm trăm đời đọa làm thân chồn. Nay thỉnh Hòa thượng chuyển một câu nói để con thoát khỏi thân chồn.
Sư bảo:
– Ông hỏi đi? Ông già hỏi: ‘Người đại tu hành có rơi vào nhân quả chăng’?
Sư đáp: Không lầm nhân quả” [8].
Ngay đó ông lão đại ngộ, thoát được kiếp chồn.

Vì sao bậc đại tu hành (tức bậc đã giác ngộ) lại không lầm nhân quả? Vì các ngài đã giác ngộ, sống được với tánh giác nên không mê lầm. Vì không mê nên không lầm tạo nhân để bị nhân quả chi phối; còn chúng sinh thì mê lầm tạo nhân xấu ác chờ khi có kết quả thì than khóc, còn khi tạo nhân lại không hề hay biết. Cho nên cổ đức nói “Bồ-tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. Cuộc đời Đức Phật cũng đã chứng minh điều này, ngài đã thành Phật, đầy đủ trí tuệ, thần thông tuy rằng đời này không còn tạo nhân hữu lậu, nhưng quả báo “kim thương mã mạch” (bị kim đâm vào chân, phải ăn lúa ngựa trong mùa an cư tại thôn Tỳ-lan-nhã) do nhân quá khứ còn sót lại ngài vẫn phải nhẫn thọ. Cho đến tôn giả Mục-kiền-liên có thần thông lớn mà vẫn bị ngoại đạo vây đánh, không thể trốn thoát. Tuy nhiên, khác với chúng sinh, các ngài tuy nhẫn thọ khổ báo mà tâm không hề dao động.

Qua đây cho thấy, nhân quả luôn vận hành một cách rõ ràng, bình đẳng với tất cả mọi người không luận là Phật hay chúng sinh, đã ngộ hay chưa ngộ. Khác chăng, người chưa ngộ thì vô minh tạo nghiệp, bị nghiệp quả kéo lôi; bậc giác ngộ thì không lầm trên tướng, không lầm tạo nhân xấu, khéo chuyển hóa nên quả báo sẽ nhẹ đi.

Đức Phật thị hiện ở đời với trí tuệ tối thắng, tư tưởng của ngài đối với nhân sinh xã hội rất thiết thực và hiện tại.

Quả vị tu chứng

Trong Kinh Phạm Võng có chép: “Ông là Phật sẽ thành, Ta là Phật đã thành”[9]. Đức Phật vốn từ một chúng sinh, nhờ tinh tấn tu hành không mệt mỏi, không gián đoạn, công viên quả mãn mà thành đạo Vô thượng Bồ-đề. Điều này đã được khắc họa rõ nét trong lịch sử cuộc đời của Thái tử Siddhartha. Ngài đã có thể tu thành Phật thì tất cả chúng sinh trong mười phương cũng có thể giác ngộ thành Phật như ngài.

Thời Phật tại thế, ngài đã thu nhận rất nhiều đệ tử gia nhập Tăng đoàn, gồm đủ các thành phần giai cấp trong xã hội; kể cả người hốt phân như Ni-đề, không thuộc giai cấp nào trong bốn giai cấp xã hội Ấn Độ cũng có thể tu hành chứng đắc quả vị A-la-hán. Cho đến người nữ xuất gia tu hành, ứng dụng lời Phật dạy mà hành trì cũng có thể chứng đắc quả vị cao nhất trong tứ quả Thanh văn. Trong Kinh Tăng Chi Bộ có chép: “Này A-nan-da, sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia định trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, nữ nhân có thể chứng được quả Dự Lưu, quả Bất Lai, hay quả A-la-hán”[10]. Điển hình như các Tỳ kheo Ni A-la-hán: Ma-ha Ba-xà-ba-đề (Mahāprajāpatī), Gia-du-đà-la (Yasodharā), Liên Hoa Sắc (Utpalavarṇā),…

Cũng vậy, Trần Thái Tông nói: “Chồn hoang còn nghe Bách Trượng nói pháp. Loài ốc sò vẫn biết hộ Kinh Kim Cang. Mười ngàn con cá nghe danh hiệu Phật được hóa làm con trời. Năm trăm con dơi nghe tiếng pháp thảy được làm Hiền Thánh. Mãng xà nghe sám hối được sanh thiên. Rồng nghe kinh mà ngộ đạo. Chúng là loài vật còn hay lãnh ngộ, huống là người sao chẳng hồi tâm” [11].

Qua đây chứng minh rằng, quả vị Chánh đẳng Chánh giác không dành riêng cho Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, bốn quả vị Thánh không đặc quyền riêng cho người xuất gia; tất cả chúng sinh trong mười phương đều có thể thành tựu tùy vào sở nguyện, khả năng, sức tu hành của bản thân. Thế gian có câu “làm công ăn lương”, nghĩa là tùy vào khả năng, công sức mình bỏ ra đối với công việc mà có mức lương thu nhập tương ứng. Cũng vậy, mỗi chúng sinh khi phát nguyện tu hành, tùy vào năng lực hành trì của mỗi cá nhân mà quả vị có khác. Chính cái khác này mới thể hiện tột cùng sự bình đẳng. Cho nên nói, mọi người đều bình đẳng trên quả vị tu chứng.

GIÁ TRỊ ỨNG DỤNG CỦA TƯ TƯỞNG BÌNH ĐẲNG ĐỐI VỚI XÃ HỘI

Xây dựng đời sống lành mạnh

Đức Phật đã khẳng định, chúng sinh là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp; dù quả báo tốt hay xấu đều do chính mình gây tạo nên. Hiểu rõ điều này, mỗi cá nhân trong cộng đồng đều nên tích cực làm lành lánh dữ, rộng kết thiện duyên với mọi người xung quanh, ngõ hầu thành tựu phước lành cho bản thân, kế là lan tỏa năng lượng đạo đức đến cộng đồng.

Cố Hòa thượng Thiện Hoa từng dạy: “Ai cũng là người đáng thương, đáng giúp đỡ. Giữa người và người, giữa người và vật sẽ có một sự liên lạc, đoàn kết mật thiết. Con người sẽ vô cùng sung sướng khi thấy xung quanh mình đều là bà con quyến thuộc, bốn biển đều là anh em và cùng chan hòa trong Phật tánh” [12]. Lời lẽ tuy giản dị nhưng chứa đựng nghĩa lý uyên thâm của Đạo Phật. Đây cũng là lý do vì sao từ một triết lý cao siêu mà ngài có thể vận dụng, đưa vào đời sống sinh hoạt của người Phật tử tại gia, giúp họ ứng dụng tu hành có kết quả, góp phần xây dựng đời sống thuần thiện.

Phật giáo dạy người không làm việc ác để không bị luân chuyển trong ba đường khổ; siêng năng làm việc lành đem lại lợi ích mình và cho người khác. Phật pháp luôn hướng chúng ta đi đến chỗ thiết thực và hiện tại.

Tích cực trong công việc

Theo quan điểm của thế gian, bình đẳng nghĩa là ngang bằng nhau: “ngang nhau về thứ bậc và quyền lợi. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” [13]; tức mọi quyền lợi cá nhân, vị trí, vai trò, quyền và nghĩa vụ của mọi người đều như nhau không khác. Loại bình đẳng này chỉ mang tính tương đối. Thực tế xã hội đã chứng minh, xã hội tồn tại kẻ giàu người nghèo, người là giám đốc, người là nhân viên, kẻ nam người nữ,… Vậy giữa những sự đối lập hiển nhiên ấy, liệu rằng có tồn tại tính bình đẳng?

Xã hội hiện nay, nữ giới đang cố gắng lên tiếng đòi bình đẳng, bình quyền với nam giới; thế nhưng, tính bình đẳng này cũng nằm trong sự tương đối nhất định, không có sự tuyệt đối toàn hảo. Thử hỏi, thu nhập hàng tháng của một giám đốc và một nhân viên, giữa người công nhân và lao công,… có bình đẳng không? Nói đến vị trí, cương vị của một người lãnh đạo và công nhân viên chức có giống nhau chăng? Nói đến vai trò, thiên chức làm mẹ của nữ giới mãi không có nam giới nào có thể thay thế được, và ngược lại. Có chăng, tính bình đẳng chỉ tồn tại trong phạm vi tương đối nào đó mà không phải là hoàn toàn trong các lĩnh vực. Cụ thể, nam giới lẫn nữ giới đều có quyền học tập và làm việc, thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của một công dân Việt Nam là như nhau; họ đều có quyền bầu cử làm chủ tịch nước, thủ tướng, cho đến làm giám đốc, quản lý, công nhân viên,… nhưng phải tùy thuộc vào năng lực của mỗi cá nhân. Như vậy, mỗi cá nhân đều có cơ hội như nhau, bình đẳng với nhau trong công việc; cùng tích cực phấn đấu, cùng phát huy hết khả năng vốn có của mình.

Dù là người ẩn tu nơi thâm sơn cùng cốc hay cộng tu nơi tự viện thành thị, không luận là người xuất gia, tại gia, cốt yếu nhận ra và sống được với bản tâm thanh tịnh sẵn có nơi mỗi người. Nếu khéo phản quan tự kỷ thì đều có thể thấy tánh thành Phật.

Phát huy tinh thần hướng thượng

Tính bình đẳng trong Phật giáo mang một giá trị cao siêu, giải thoát, vượt xa giá trị bình đẳng mà xã hội đang quan niệm. Vậy, ứng dụng tinh thần bình đẳng trong Phật giáo vào xã hội như thế nào? Phật giáo hướng đến giải thoát nội tâm, nội chứng. Khi hiểu rõ tinh thần bình đẳng mà Đức Phật giảng nói nằm ở ba phạm trù trên, thì mỗi chúng ta phải khéo léo áp dụng tính bình đẳng này vào ngay trong đời sống sinh hoạt. Cụ thể, vì ai cũng có tánh Phật nên mọi người cần tôn trọng, cung kính lẫn nhau, không có tâm thù hận, khinh miệt,… Vì mọi người đều bình đẳng trên nhân quả nghiệp báo, nên tùy duyên phụng sự, tùy hỷ cống hiến, không khởi tâm khen chê cao thấp, sang hèn,… Vì chúng sinh đều có thể thành Phật, mọi người đều có thể tu chứng như nhau, vậy nên không phỉ báng, không ganh ghét, đố kỵ,… Nắm được nguyên lý, tính chất bình đẳng trong Phật giáo, ứng dụng vào đời sống xã hội để cùng nhau xây dựng một cộng đồng an vui, hạnh phúc, hướng đến giá trị cao đẹp của chân – thiện – mỹ.

Trần Thái Tông nói: “Nếu chưa đạt được Phật tâm, Tổ ý hãy trước nương trì giới tụng kinh. Đến lúc Phật cũng chẳng phải, Tổ cũng chẳng phải, thì giới gì trì, kinh nào tụng. Nơi sắc huyễn cũng là chân sắc, ở thân phàm cũng là thân Phật. Phá sáu thức làm sáu thần thông, dạo tám khổ thành tám tự tại” [14]. Ngài nói, khi chưa ngộ tâm Phật thì phải nương nơi kinh giáo, giữ giới tu hành; đến khi nhận lại chân Phật nơi chính mình thì sắc tướng, ngôn từ ‘Phật’, ‘Tổ’ đều không can hệ, vì lẽ phàm vật gì có hình tướng đều là hư vọng. Tuy nói sắc thân của Phật, Tổ là huyễn những vẫn một tâm cung kính, y giáo phụng hành. Có y giáo phụng hành mới có thể nhận lại chân Phật nơi mình.

Lại nói, không có giới để trì, chẳng có kinh nào để tụng nghĩa là thế nào? Sau khi thành đạo, Đức Phật nói ra vô lượng pháp môn, thuyết giới, giảng kinh để độ chúng sinh; tức là kinh và giới vốn từ bản tâm thanh tịnh của ngài nói ra, cho nên khi nhận lại Phật thật nơi mình tức tự đầy đủ Giới – Định – Tuệ, suốt thông kinh giáo. Tuy ngài nói không có giới để trì, không có kinh để tụng nhưng hằng ngày ngài vẫn sám hối, vẫn khuyên người giữ năm giới… Đây là cảnh giới trì giới ba-la-mật, giữ giới mà không thấy có giới để giữ; tụng kinh ba-la-mật, tụng muôn ngàn bộ kinh mà chưa đọc chữ nào. Muốn được như vậy thì phải không tâm chấp trước, không có tướng ngã, tướng nhân trong khi tu tập. Đây cũng chính là tinh thần hướng thượng mà người tu Phật cần phát huy.

KẾT LUẬN

Có thể thấy, Đức Phật thị hiện ở đời với trí tuệ tối thắng, tư tưởng của ngài đối với nhân sinh xã hội rất thiết thực và hiện tại. Trong thời bấy giờ, mặc dù xã hội phân chia giai cấp nặng nề, phân biệt xã hội rõ rệt, gần như không ai có thể vượt qua rào cản giai cấp xã hội. Vậy mà, Đức Thế Tôn có thể hùng hồn tuyên bố, không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn. Cho thấy, tư tưởng minh triết trong giáo lý giải thoát của ngài; tinh thần bình đẳng mà ngài thuyết giảng đã đi trước thời đại, nhưng cũng rất thiết thực đối với xã hội Ấn Độ thời bấy giờ, đồng thời cũng phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới hiện nay.

Trên tinh thần đó, vua Trần Thái Tông là người tin Phật, học Phật, hiểu lời Phật, tỏ ngộ bản tâm, thấu đạt lý thiền; vậy nên, ngài đã kế thừa tư tưởng bình đẳng mà đức Phật đã giảng nói, đồng thời lan tỏa tư tưởng ấy, gieo vào tàng thức người dân Đại Việt chủng tử hướng thượng, giải thoát.

Tư tưởng bình đẳng trong Phật giáo hoàn toàn có thể ứng dụng vào đời sống xã hội. Vì bình đẳng nên mỗi cá nhân trong cộng đồng xã hội đều có thể phát huy năng lực vốn có của mình để hoàn thành công việc, trách nhiệm được giao phó. Mọi cá nhân hoàn toàn làm chủ cuộc đời và sự nghiệp của chính mình mà không trông chờ vào một thế lực nào khác.

Xin nhấn mạnh thêm, tinh thần bình đẳng mà Đức Phật nói là giáo lý tuyệt đối, là bình đẳng tuyệt đối: bình đẳng trên nhân quả, bình đẳng trên tự tánh vô sinh, bình đẳng trên quả vị tu chứng. Chính vì vậy, tư tưởng bình đẳng trong Phật giáo rất phù hợp với tinh thần công bằng, dân chủ, văn minh mà đất nước ta đang cố gắng phấn đấu hoàn thiện từng ngày.

Tác giả: ĐĐ.Thích Đạt Ma Thiền Tuệ Thanh

Nguồn: tapchivanhoaphatgiao.com


Chú thích:
* ĐĐ.Thích Đạt Ma Thiền Tuệ Thanh, Học viên Thạc sĩ Phật học Khóa VI, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.
[1] Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, chú thích và khảo chứng (tái bản 2022), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.327.
[2] Thích Thanh Từ (2018), Thiền sư Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.240.
[3] 陳太宗御製課虛: “ 山本無佛,惟存乎心。心寂而知是名真佛”,慧光書院影印 (2018), no. 25, p. 305.
[4] Ban Văn hóa Thường Chiếu (2013), Thanh Từ toàn tập, tập 25, Khóa hư lục giảng giải, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.127.
[5] 《註華嚴法界觀門》, Cbeta, T1884, No. 1884: 我今普見一切眾生。具有如來智慧德相。
[6] Thích Minh Châu dịch (2020), Kinh Tăng Chi Bộ, tập 4, Chương Mười Pháp, X. Phẩm Thân do nghiệp sanh, Nxb. Hồng Đức, tr.77.
[7] Ban Văn hóa Thường Chiếu (2013), Sđd, tr.49.
[8] Thích Thanh Từ dịch (2011), Thiền sư Trung Hoa, tập 1, Nxb. Tôn giáo, tr.118-119.
[9] 《梵網經》, Cbeta,T1484, No. 1484, p.1003:汝是當成佛,我是已成佛.
[10] Thích Minh Châu dịch (2020), Kinh Tăng Chi Bộ, tập 3, Chương Tám Pháp, VI. Phẩm Gotamì, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.1003.
[11] Ban Văn hóa Thường Chiếu (2013), Sđd, tr.127.
[12] Thích Thiện Hoa (2014), Phật học phổ thông, Khóa IV, quyển 1, Quán từ bi, Nxb. Thời đại, Hà Nội, tr.474.
[13] Từ điển Tiếng Việt, ‘Bình đẳng’, nguồn: <https://vtudien.com/viet-viet/dictionary>.
[14] Ban Văn hóa Thường Chiếu (2013), Sđd, tr.103.

Tài liệu tham khảo:
 Sách:
1. Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, chú thích và khảo chứng (tái bản 2022), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
2. Thích Thanh Từ (2018), Thiền sư Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
3. Ban Văn hóa Thường Chiếu (2013), Thanh Từ toàn tập, tập 25, Khóa hư lục giảng giải, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
4. Thích Minh Châu dịch (2020), Kinh Tăng Chi Bộ, tập 3, Chương Tám Pháp, VI. Phẩm Gotamì, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
5. Thích Minh Châu dịch (2020), Kinh Tăng Chi Bộ, tập 4, Chương Mười Pháp, X. Phẩm Thân do nghiệp sanh, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
6. Thích Nguyên Hiệp (2018), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh.
7. Thích Thanh Từ dịch (2011), Thiền sư Trung Hoa, tập 1, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
8. Thích Thiện Hoa (2014), Phật học phổ thông, Khóa IV, quyển 1, Quán từ bi, Nxb. Thời đại, Hà Nội.
 Internet:
9. Từ điển Tiếng Việt, ‘Bình đẳng’, nguồn: <https://vtudien.com/viet-viet/dictionary>.
 Hán tạng:
10.《梵網經》, Cbeta, T1484, No. 1484, p.1003.
11.《註華嚴法界觀門》, Cbeta, T1884, No. 1884.
2.《陳太宗御製課虛》, 慧光書院影印 (2018), no. 25, p. 305.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Duyên khởi và ý nghĩa của Kiết hạ An cư
Kiến thức, Luật, Phật học

Theo luật Tứ phần[1] duyên khởi của Ðức Phật qui định mùa an cư của chúng tỳ kheo xảy ra khi Ngài đang trú tại Xá Vệ, trong vườn của Ông Cấp Cô Ðộc. Nguyên do của việc chế định này là bởi vì sự than phiền của các người cư sĩ đối với nhóm 6...

Lịch Sử Kết Tập Kinh Luật Lần Thứ Năm Và Sáu
Luật, Phật học

LỊCH SỬ KẾT TẬP PHÁP TẠNG LẦN THỨ V Sau lần kết tập pháp tạng thứ tư đúng 2015 năm thì đến lần kết tập pháp tạng thứ 5. Theo sự ghi chép của Pàli giáo sử chương 6 và sử Miến Điện; thì vào năm 1871, quốc vương Miến Điện là Mẫn Đông (Mindon – tại vị từ 1853 – 1878) đứng ra triệu tập 2400 vị cao tăng, cử hành kết...

Lịch Sử Kết Tập Kinh Luật Lần Thứ Tư
Luật, Phật học

I– Thuyết thứ nhất Sau Phật Niết bàn khoảng 400 năm, tại nước Kiền Đà La (Gandhàra) có vua Ca Nị Sắc Ca (Kanishca) trị vì, đất nước phú cường, danh vang khắp nơi ,các nước xung quanh đều quy phục. Trong những lúc rảnh rỗi việc triều đình, nhà vua thường đọc kinh Phật. Mỗi ngày vua thỉnh một vị cao tăng vào cung thuyết pháp. Nhưng vua thấy quan...

Lịch Sử Kết Tập Kinh Luật Lần Thứ Ba
Luật, Phật học

Sau Phật Niết bàn 100 năm thì Đại hội kết tập Pháp Tạng lần thứ hai diễn ra, và sau lần kết tập lần thứ 2 đúng 118 năm lại diễn ra cuộc kết tập lần thứ 3. Như vậy lần kết tập này xảy ra sau Phật Niết bàn 218 năm, tức là 325 năm trước Tây lịch. Đại hội lần này do Hoàng đế A Dục (Asoka) đề xướng và bảo trợ . Vua...

Lịch Sử Kết Tập Kinh Luật Lần Thứ Hai
Luật, Phật học

Sau khi Phật Niết bàn độ 100 năm, các Tỳ kheo Bạt Kỳ ở Tỳ Xá Ly đề ra 10 điều phi pháp như sau: 1/ Tỳ kheo ăn muối gừng để dành qua đêm vẫn hợp pháp, 2/ Tỳ kheo ăn xong, nhận được thức ăn khác, dùng hai ngón tay cầm thức ăn để ăn vẫn hợp pháp, 3/ Tỳ kheo ăn xong, rời khỏi chỗ, rồi ngồi ăn lại vẫn hợp pháp, 4/ Tỳ kheo ăn xong, đi sang nơi...

Lịch Sử Kết Tập Kinh Luật Lần Thứ Nhất
Luật, Phật học

Không bao lâu sau khi Đức Thế Tôn nhập Niết bàn, tôn giả Đại Ca Diếp tập họp 500 vị đại Tỳ kheo tại giảng đường Trùng Các, bên dòng sông Di Hầu, thành Tỳ Xá Ly, để chuẩn bị kết tập kinh luật. Trong số 500 Tỳ kheo này, 499 vị đã đắc quả A La Hán, chỉ trừ tôn giả A Nan. Bấy giờ, tôn giả Đại Ca Diếp nói với các vị Tỳ kheo:...

Tu tập tịnh giới và pháp môn Tịnh Độ
Luận, Phật học

Thầy Thích Thái Hòa giảng tại trường Hạ chùa Vạn-đức, Thủ-đức, Phật lịch 2564  I. Im lặng 1- Pháp môn Tịnh độ được thiết lập trên nền tảng của Tịnh giới Chúng ta muốn công cụ Tịnh độ thành công nên phải đặt nền tảng của Tịnh giới. Bởi vì, thế giới Tịnh độ của Phật...

Căn Bản Giới Bồ Tát Của Phật Giáo Tây Tạng
Luật, Phật học

CĂN BẢN GIỚI BỒ TÁT CỦA PHẬT GIÁO TÂY TẠNG Nguyên tác: Root Bodhisattva Vows modified, March 2002, from Berzin, Alexander. Taking the Kalachakra Initiation Chuyển ngữ: Tuệ Uyển – Thursday, March 05, 2015 Giới Thiệu Giới là một hình thức vi tế không thấy trong sự tương tục tinh thần, là thứ hình thành thái độ. Một cách đặc biệt, nó là một sự kềm chế khỏi “một hành...

Phổ Hiền nguyện qua cái nhìn Phật tử sơ cơ
Phật học

Phật tử tu học theo truyền thống Bắc tông thường tụng niệm mười Phổ Hiền hạnh nguyện trong mỗi khoá lễ. Hầu như ai cũng thuộc lòng, tụng như cháo chảy nhưng nhiều khi chỉ là đọc tụng theo quán tính, theo trí nhớ chứ ít khi tìm hiểu thấu đáo, hoặc là thật sự...

Hạnh nguyện của Đức Bồ tát Quán Thế Âm
Luận, Phật học

Hiện tướng bản thể vũ trụ là một trò chơi vừa có tính thực và bất thực, hay vừa có tính hòa âm và bất hòa âm. Nếu người biết được trò chơi này, là người nắm được thực tại trên mười đầu ngón tay; thì trái lại, kẻ không nắm được thực tại trên...

Tánh Khởi Luận: Lý thuyết phân phối trật tự trong Hoa Nghiêm Tông
Luận, Phật học

(I) Sự thành tựu tối thượng mà những vị đang đi trên con đường độc nhất tiến tới giác ngộ, là khả năng thành tựu tất cả từ hư vô. Họ khởi đầu bằng nỗ lực nghe và thấu hiểu mọi lời được nói ra. Họ nỗ lực để thấy hiểu mọi chiều hướng tác...

Bài Kinh Dài Về Tánh Không
Kinh, Phật học

BÀI KINH DÀI VỀ TÁNH KHÔNG Kinh Mahasunnata-sutta-sutta (dựa theo các bản tiếng Pháp của Môhan Wijayaratna và tiếng Anh của Thanissaro Bikkhu) Bản dịch Việt: Hoang Phong Tôi từng được nghe như thế này: Có lần Đấng Thế Tôn ngụ tại vùng của bộ tộc Thích-ca (Sakka) tại thành Ca-tì-la-vệ (Kapilavatthu) trong khu vườn Ni-câu-đà (Nigrodha). Vào buổi...

Quy Sơn Cảnh Sách Văn
Luật, Phật học

溈山大圓禪師警策文 Quy Sơn Cảnh Sách Văn (Bài Văn Cảnh Sách Của Ngài Quy Sơn) (Đề này còn viết “Qui sơn Đại viên thiền sư cảnh sách”, nghĩa: Bài văn Cảnh sách của Đại viên thiền sư ở núi Quy sơn.) (1) 夫業繫受身。未免形累。禀父母之遺體。假衆緣而共成。雖乃四大扶持。常相違背。 Phù nghiệp hệ thọ thân, vị miễn hình lụy. Bẩm phụ mẫu chi di thể, giả chúng duyên nhi cọng thành. Tuy nãi tứ đại phù trì, thường tương vị...

Chánh niệm phát huy khả năng nhận thức, điều tiết cảm xúc và làm chủ hành vi
Luận, Phật học

Chánh niệm viết đầy đủ trong tiếng Pali là “sammā-sati”, nghĩa là sự tâm niệm đúng đắn. Nó có nguồn gốc xuất phát từ tuyền thống thiền quán phương Đông, cụ thể là từ Phật giáo Nguyên thủy (Hart, 1987). Có mặt hơn 25 thế kỷ, thế nhưng chánh niệm mới được tiếp cận và...

Bài kinh về sự Chú Tâm Tỉnh Giác
Kinh, Phật học

BÀI KINH VỀ SỰ CHÚ TÂM TỈNH GIÁC Satipatthana Sutta (Majjhima Nikaya 10) HOANG PHONG chuyển ngữ Lời giới thiệu của người dịch Satipatthana Sutta là một bản kinh quan trọng làm nền tảng cho một phép thiền định chủ yếu trong Phật giáo là Vipassana, nghĩa từ chương là “Sự quán thấy chuyên biệt” hay “sâu sắc”, kinh sách Hán ngữ gọi là “Minh Tuệ” hay...

Tứ diệu đế với vấn đề giáo dục đạo đức toàn cầu
Luận, Phật học, Văn hóa

TÓM TẮT Tứ diệu đế hay là bốn chân lý vĩ đại của Phật giáo chính là cốt tủy cơ bản để hợp thành học thuyết nhân sinh cứu đời. Đó là kết quả suy ngẫm và trải nghiệm thông qua thực tiễn cuộc sống của chính Phật tổ và sự tổng kết những suy...