Từ đầu thế kỷ 20, Phật giáo Việt Nam đã đón những làn gió lành chấn hưng Phật giáo từ các quốc gia châu Á như với những nhân vật đi đầu trong phong trào như ngài Anagārika Dharmapāla (1864–1933) tại Ấn Độ, Thái Hư Đại sư (1889-1947) ở Trung Quốc, … Nhờ ảnh hưởng những làn gió mát lành của phong trào chấn hưng đó, các Cao tăng và cư sĩ Việt Nam vận động cho sự phục hưng Phật giáo nhằm tìm lại các giá trị truyền thống và truyền bá Chánh pháp, phát triển Phật giáo tại Việt Nam. Một trong những nhiệm vụ thiêng liêng, trọng yếu của công cuộc chấn hưng đó chính là giáo dục Phật giáo.

Bài viết này nhằm tìm hiểu lịch sử giáo dục đào tạo Tăng tài tại đất Bình Định, cũng như sự đóng góp cho giáo dục Phật giáo của Tăng sĩ Bình Định tại nơi khác, theo niên biểu từ lúc phong trào chấn hưng Phật giáo đến nay. Do vậy, hệ thống trường Tư thục Bồ-đề,[1] vốn là một nỗ lực đóng góp lớn của Phật giáo cho xã hội, không bao hàm trong bài viết này. Vì tư liệu còn khan hiếm nên bài viết không sao tránh những điều thiếu sót, nhầm lẫn, kính mong các bậc thức giả chỉ giáo để bài viết được hoàn chỉnh.

1. Đạo tràng giảng dạy Phật pháp tại TĐ Tịnh Lâm:

Hòa thượng (HT) Thanh Chánh-Từ Mẫn (1853-1912) là một Cao tăng, trí đức kiêm ưu, đã mở lớp Gia giáo tại TĐ Tịnh Lâm để dạy Phật pháp. Theo học với ngài có Thiền sư Phước Huệ, Thiền sư Phổ Huệ, đệ tử tục gia Võ Trấp-Trừng Phước (sau khi xuất gia có Pháp hiệu là Huyền Ý), HT Phổ Huệ (1870-1931), sau một thời gian xuất gia thọ giáo với HT Từ Mẫn tại TĐ Tịnh Lâm, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, được Bổn sư cho vào tham học Phật pháp với HT Pháp Hỷ, tỉnh Phú Yên. Khi HT Bổn sư viên tịch, ngài kế tục trụ trì TĐ Tịnh Lâm và chùa Bảo Phong. Khoảng năm 1908, cũng như Quốc sư Phước Huệ, ngài được triều đình Huế thỉnh vào hoàng cung để thuyết pháp. Vì thế, Ngài được tôn xưng là “Pháp sư Phổ Huệ” và là một ngôi sao sáng của Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ.

Sau thời gian hoằng hóa tại Huế, ngài trở về TĐ Tịnh Lâm, mở đạo tràng giảng dạy Phật pháp. Vốn là bậc chân tu thạc đức, lại có biệt tài thuyết pháp, thi ca nên đạo tràng Tịnh Lâm lúc này rất thịnh vượng, tiếng tăm vang khắp cả Trung kỳ. Nhiều chư Tăng đến tham học với ngài như: HT Chơn Phước-Huệ Pháp (khai tổ chùa Minh Tịnh, tham học năm 1914), Trừng Phước-Huyền Ý, …

2. Lớp Phật học tại TĐ Thập Tháp:

Quốc sư Chơn Luận–Phước Huệ (1869-1945) là một bậc bác thông Tam tạng bậc nhất tại Việt Nam thời bấy giờ, được mệnh danh là “Phật Pháp Thiên Lí Câu” (khả năng giáo hóa vĩ đại, địa bàn giảng dạy Phật pháp rộng lớn như con ngựa chạy ngàn dặm không mỏi), được thỉnh vào cung thuyết pháp dưới đời các vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại triều Nguyễn và được phong làm Quốc sư.
Ảnh hưởng từ Phong trào chấn hưng Phật giáo, năm Canh Thân (1920), Quốc sư Phước Huệ đã đứng ra mở lớp Phật học tại TĐ Thập Tháp[2]. Kể từ đó, chư Tăng nhiều nơi về tham học rất đông như: Mật Khế, Mật Hiển, Đôn Hậu, Mật Nguyện, Trí Thủ, Phúc Hộ, Giác Tánh, Huyền Tân, … Những học Tăng này, sau đó, trở thành rường cột trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam.

3. Khóa Hương Kỳ tại TĐ Long Khánh:

Năm Đinh Mão (1927), HT Trừng Chấn-Chánh Nhơn (1882-1948) đã mở trường Hương[3] tại TĐ Long Khánh, cung thỉnh HT Như Đắc-Từ Nhẫn (1899-1950) làm Thiền gia Pháp chủ kiêm Bố-tát Hòa thượng và kính thỉnh rất đông chư vị Cao tăng tài đức như Quốc sư Phước Huệ, HT Khánh Hòa (1877-1947), HT Huệ Quang (1888-1956), HT Trí Hải-Bích Liên (1876-1950), HT Huyền Ý (1891-1951), HT Như Huệ-Hoằng Thông (1894-1972), HT Chơn Phước–Huệ Pháp (1887-1975), Như Phước-Tường Quang (1880-1976),… để tham dự trường Hương và giảng dạy kinh luật cho 80 chư Tăng trong và ngoài tỉnh. Sau khi mãn trường Hương 3 tháng, TĐ Long Khánh tiếp tục mở trường Kỳ, khai đàn thí giới do HT Trừng Chấn-Chánh Nhơn làm Đàn đầu, HT Từ Nhẫn làm Yết-ma A-xà-lê, HT Tâm Tịnh-Huệ Chiếu (1895-1970) làm Hóa chủ. Giới tử thọ Sa-di có HT Giác Tánh,…

Mặc dù trường Hương Long Khánh lúc ấy chỉ mở trong ba tháng để dạy kinh luật, nhưng vì Giáo thọ là các vị Cao tăng tài đức của bản tỉnh cũng như khắp nơi câu hội nên 80 học Tăng, giới tử có thể học hỏi rất nhiều từ khẩu giáo và thân giáo của các vị. Và do vậy, có thể nói đây là một sự kiện giáo dục đào tạo Tăng tài đáng được ghi nhận. Một sự kiện khác đáng được ghi nhận là trên đường về lại miền Nam, sau khi ra miền Bắc để vận động chấn hưng, Sư Thiện Chiếu (1898-1974) đã ghé TĐ Long Khánh để gặp và bàn công cuộc chấn hưng với HT Khánh Hòa và HT Huệ Quang. Nên có thể nói rằng trường Hương và trường Kỳ năm Đinh Mão tại TĐ Long Khánh với sự câu hội của các Cao tăng trong phong trào chấn hưng đã trở thành một trong những chiếc nôi quan trọng trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

4. Sơn Môn Học Đường (SMHĐ)Trúc Lâm, Tường Vân, Tây Thiên và sự đóng góp của Quốc sư Phước Huệ:

Năm 1929, tại Huế, HT Giác Tiên (1880-1936), người khởi xướng công trình phục hưng Phật giáo tại miền Trung, đã mở SMHĐ tại chùa Trúc Lâm và năm 1930 vào Bình Định rước Quốc sư Phước Huệ ra làm chủ giảng. Từ đó năm nào Quốc sư Phước Huệ cũng được thỉnh về Trúc Lâm để giảng huấn. Trong số học Tăng tại SMHĐ Trúc Lâm bấy giờ có Mật Khế, Mật Nguyện, Mật Hiến, Mật Thể, cư sĩ Tâm Minh–Lê Đình Thám, vốn là những đệ tử của HT Giác Tiên, đều đóng những vai quan trọng trong phong trào chấn hưng Phật giáo sau này.

Năm 1932, An Nam Phật Học[4] Hội được thành lập tại Huế để đào tạo Tăng tài, chấn hưng Phật giáo, truyền bá Chánh pháp để dân gian phân biệt đâu là chánh tín, đâu là mê tín. Quốc sư Phước Huệ được cung thỉnh làm Chứng minh Đạo sư cho Hội. Năm 1933, HT Giác Tiên giao cho Mật Khế mở một trường Tiểu học Phật học cho các vị chưa thọ giới Sa-di tại chùa Vạn Phước gọi là An Nam Phật Học Đường. Năm 1934, ngài lại cùng Mật Khế mở tiếp lớp An Nam Phật Học Đường cấp Trung học tại chùa Trúc Lâm, thu nhận được đúng 50 học Tăng. Cuối năm này ngài lại quy tụ các vị học Tăng có học lực khá về Trúc Lâm để mở cấp Đại học Phật giáo. Năm 1935, một lớp Đại học Phật giáo được mở tại chùa Trúc Lâm do HT Giác Tiên làm Gám đốc, một lớp Trung học được mở tại chùa Tường Vân do HT Tịnh Khiết trông nom. Quốc sư Phước Huệ phụ trách làm Đốc giáo giảng dạy cả hai lớp Đại học và Trung học. Giáo thọ giảng dạy lớp Trung học còn có HT Đắc Ân (1873-1935), HT Tịnh Khiết (1890-1973), HT Thánh Duyên, cư sĩ Tâm Minh (1897-1969) và một số các học Tăng Đại học. Lớp Trung học có nhận những học Tăng từ miền Nam tới như Thiện Hòa, Hiển Thụy, Hiển Không, Thiện Hoa, Chí Thiện v.v…

Ngày 19 tháng 9 năm Ất Hợi (16.10.1935), Hội đồng chứng minh An Nam Phật Học Hội quyết định thành lập và khai giảng một Phật Học Viện (PHV) rất qui mô tại chùa Tây Thiên và cung thỉnh HT Trừng Thủy-Giác Nhiên (1878-1979) chứng minh và làm Giám đốc.Năm 1937, các lớp từ Sơ-Trung-Cao đẳng cho đến Đại học tại Huế đều được sát nhập và đào tạo tập trung tại PHV Tây Thiên này. Quốc sư Phước Huệ từ Bình Định ra làm Đốc học dạy cả hai lớp Đại và Trung học. Học Tăng xuất thân từ PHV này sau đó làm rường cột cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam như: Quảng Huệ (1903-1950), Đôn Hậu (1905-1992), Trí Thủ (1909-1984), Chánh Thống (1901-1968), Mật Hiển (1907-1992), Mật Nguyện (1911-1972), Mật Thể (1913-1961), Huyền Không (1906-1983), Hoằng Thơ, Trọng Ân, Quang Phú (1921-1975), Vĩnh Thừa, Diệu Không (1905-1997) [Huế], Thiện Hòa (1907-1978), Thiện Hoa (1918-1973), Hiển Thụy, Hiển Không, Chí Thiện, Bửu Ngọc (1914-1994), Giác Tâm, [miền Nam], Huyền Tân (1911-1979) [Phan Rang], Hành Trụ (1904-1984), Trí Nghiêm (1911-2003) [Phú Yên] Giác Tánh (1911-1987), Bình Chánh (1916-1985), Bảo An, Huệ Đồng [Bình Định]…

5. Phật Học Đường (PHĐ) Báo Quốc và sự đóng góp của Pháp sư Trí Độ:

Pháp sư Như Đăng–Trí Độ (1895-1979) sinh tại Tuy Phước, Bình Định. Ngài học chữ Hán, chữ Quốc ngữ lúc thiếu thời và 18 tuổi học trường Sư phạm. Pháp sư Trí Độ xuất gia với HT Trí Hải-Bích Liên, và năm 31 tuổi theo học với Quốc sư Phước Huệ tại TĐ Thập Tháp. Nhờ có sở học uyên bác, lại đi sâu vào nghiên cứu Phật học nên ngài trở thành một vị học Phật lỗi lạc. Từ năm 1920, ngài đã bắt đầu giảng dạy Phật học tại Bình Định và trở thành một nhân vật quan trọng trong phong trào chấn hưng Phật giáo. Năm 1931, ngài được mời đóng góp cho tạp chí Từ Bi Âm do HT Khánh Hòa sáng lập (31/04/1931), HT Trí Hải-Bích Liên làm Chủ bút, HT Huyền Ý chùa Liên Tôn làm Phó Chủ bút. Từ Bi Âm đã đóng góp đáng kể trong công cuộc hoằng pháp và phổ thông hóa Phật học bằng Quốc ngữ.

Năm 1936, An Nam Phật Học Đường cấp Tiểu học được chuyển về chùa Ông, rồi chùa Thánh Duyên ở Túy Vân Sơn. Cuối năm 1936, trường lại được chuyển về chùa Báo Quốc do Pháp sư Trí Độ đảm đương làm Đốc giáo, cùng với các bậc Cao tăng và nhiều thiện trí thức khác, trong đó có Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám (1897-1969) đã trực tiếp giảng dạy và góp công sức vào việc điều hành nhà trường. Đến năm 1939, tại chùa Báo Quốc đã có trường An Nam Phật Học với 2 cấp Tiểu học và Trung học. Cuối năm 1939, tại đây, Hội Tăng già Thừa Thiên thành lập thêm một lớp cao hơn là Cao Đẳng Phật Học Đường Báo Quốc. Chương trình Sơ đẳng 6 năm, Cao đẳng và Siêu đẳng, mỗi cấp 2 năm.

Vốn là một nhà giáo, nên lối giảng dạy của Pháp sư Trí Độ rất được học Tăng ưa thích và các khóa dạy của ngài rất hiệu quả. Dưới thời của Pháp sư trực tiếp điều hành và làm Đốc giáo, PHĐ Báo Quốc đã đào tạo được những vị Tăng ưu tú, làm rường cột cho Phật giáoViệt Nam như quí ngài: Trí Quang (sinh 1923), Trí Nghiễm (Thiện Minh; 1922-1978), Trí Đức (Thiện Siêu; 1921-2001), Trí Thuyên (1923-1947), Trí Tịnh (1917-2014), Trí Hữu (1912-1975), Trí Thành (1921-1999),Thiện Hoa (1918-1973), Thiện Hòa (1907-1978), Trí Nghiêm (1911-2003), Tâm Hoàn (1924-1981), Đức Thiệu (1919-1993), Huyền Quang (1920-2008), …Từ năm 1958 đến khi viên tịch (1979), Pháp sư Trí Độ gữ chức Hội trưởng Hội Phật Giáo Thống Nhất ở Bắc kỳ.

6. PHĐ Long Khánh:

Năm Kỷ Mão (1939), HT Trừng Chấn–Chánh Nhơn (1882-1948) mở PHĐ Long Khánh tại TĐ Long Khánh, cung thỉnh Quốc sư Phước Huệ làm chủ giảng. Quốc sư Phước Huệ, vì lí do sức khỏe nên từ năm 1938, chỉ ở lại Bình Định để giảng dạy chứ không ra Huế nữa. Ban Giảng huấn còn có chư vị: HT Trí Hải-Bích Liên, Huyền Ý chùa Liên Tôn, HT Như Huệ-Hoằng Thông, Chơn Phước chùa Minh Tịnh, Tâm Tịnh-Huệ Chiếu TĐ Thiên Đức. Đông đảo học Tăng từ miền Nam và các tỉnh lân cận tới tòng học. Trường dạy chương trình Trung đẳng một khóa 2 năm (1939-1940) thì đình giáo vì nhiều vị trong Ban Giảng huấn bận nhiều công tác Phật sự khác. Các học Tăng từng học tại đây sau này trở thành những rường cột trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam như: Thiện Hòa, Thiện Hoa, Hiển Thụy, Hiển Không, Bửu Ngọc, [miền Nam], Huyền Tân  [Phan Rang], Hành Trụ, Hành Long [Phú Yên], Giác Tánh, Bảo An [Bình Định], …

7. PHĐ Phổ Thiên và sự đóng góp của HT Giác Tánh:

Tại Đà Nẵng, năm 1933, HT Tôn Thắng khởi xướng thành lập Hội Đà Thành Phật Học tại chùa Phổ Thiên[5] để đào tạo Tăng tài, hướng dẫn Phật tử tu học, và xuất bản tạp chí Tam Bảo, số ra mắt đầu tiên là ngày 15 tháng 1 năm 1937 do HT Trí Hải-Bích Liên làm Chủ bút. HT Giác Tánh (1911-1987) được cung thỉnh làm Giảng sư tại PHĐ này từ năm 1938 đến năm 1942.

8. PHĐ Hưng Long:

Năm 1943, HT Giác Tánh được Bổn sư truyền trao chức vụ Trụ trì chùa Hưng Long, quận An Nhơn, Bình Định. Để tiếp nối chí nguyện tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức, ngài thành lập PHĐ tại Hưng Long để giảng dạy Kinh-Luật-Luận cho hơn 40 Tăng ni trẻ tại bản tỉnh và một số học Tăng của PHĐ chùa Phổ Thiên (Đà Nẵng) đưa vào. Lúc bấy giờ, HT Tâm Tịnh-Huệ Chiếu được cung thỉnh làm Chứng minh Đạo sư. HT Giác Tánh vừa điều hành trường ốc, vừa lo giảng dạy và tạo nguồn kinh tế. HT Huyền Quang vừa giảng dạy vừa coi quản chúng lý. Ban Giảng huấn còn có: HT Trí Nghiêm,… Chương trình học gồm các môn như: Sa Di Luật Giải, Duy Thức Tam Thập Tụng, Duy Thức Phuơng Tiện Đàm, và các kinh bộ như Lăng Già, Viên Giác,… Do thời cuộc khó khăn nên ngoài giờ học, Ban Giảng huấn và học Tăng đều phải lao động để lo kinh tế tự túc,… Đến năm 1945, nhiều biến động lịch sử xảy ra (Nhật đảo chánh Pháp–09.03.1945, Cách mạng tháng 8 thành công–23-9-1945), mọi hoạt động của PHĐ bị ảnh hưởng nên phải tạm ngưng sinh hoạt. Từ sau 1945 đến 1954, trường tái tục hoạt động theo hình thức Gia giáo. Dù thời cuộc khó khăn nhưng PHĐ đã ươm mầm trí tuệ cho những học Tăng, sau này trở thành những danh Tăng đóng góp lớn cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam như quý HT: Nguyên Trạch, Thiện Nhơn, Thiện Duyên, Đồng Thiện, Đỗng Quán, Minh Quang, Tâm Hiện, Bửu Quang, Liễu Không, Như Bửu, Như Cầu, Ni trưởng Hạnh Nghiêm,…

9. PHĐ Thiên Đức:

Năm 1946, HT Tâm Tịnh-Huệ Chiếu mở PHĐ tại TĐ Thiên Đức để giảng dạy Kinh-Luật-Luận cho những Thanh niên Tăng trong bản tỉnh. PHĐ Thiên Đức do HT Tâm Tịnh-Huệ Chiếu làm Giám đốc, HT Giác Tánh làm Phó Giám đốc, vừa điều hành trường sở vừa phụ trách giảng dạy. Giáo sư đoàn của PHĐ này gồm có quý HT: Kế Châu (1922-1996), Tâm Hoàn, Huyền Quang, Tâm Thanh… Trường sau đó được dời về chùa Nhạn Sơn, rồi vềTĐ Thập Tháp.

10. Tăng học đường Nha Trang, Phật học viện Hải Đức và sự đóng góp của HT Huyền Quang cùng chư Tăng Bình Định:

Tăng Học Đường Nam Phần Trung Việt cũng gọi Tăng Học Đường Nha Trang (THĐNT), vốn là đứa con chính thống thừa tự đạo nghiệp Đại học đường Kim Sơn (Huế) truyền lại, ra đời, khai giảng tháng 10 năm 1952. Ban Giám đốc niên khóa đầu (10/1952 – 1/1954) gồm có: HT Thiện Minh (Giám đốc), HT Huyền Tân (Phó Giám đốc).

Trước Hiệp Định Geneve (20.07.1954) một tháng, HT Huyền Quang (1920-2008) được thả tự do và được mời vào giảng dạy tại THĐNT. Tại Bình Định, lúc bấy giờ, HT Giác Tánh nhận định rằng rất khó tái lập một PHĐ tại Hưng Long ổn định dài hạn, nhất là trong hoàn cảnh ngài được tín nhiệm giao phó nhiều chức vụ Giáo Hội cấp Trung Phần và Trung Ương, nên ngài đã mạnh dạn chấm dứt sinh hoạt PHĐ Hưng Long, rồi khuyến khích và gởi gắm số cựu học TăngPHĐ Hưng Long trên 20 vị để theo chân HT Huyền Quang vào học tại THĐNT. Theo hồi ký của Tăng sinh Giác Tuệ thì “Đoàn Học Tăng khởi hành từ chùa Hưng Long Bình Định đi bộ vào Tuy Hòa rồi lên xe vào Nha Trang, đến Tăng học đường Nam phần Trung Việt, tại chùa Long Sơn, lúc 5 giờ chiều, ngày 10 tháng 11 năm 1954. Đoàn gồm có: Đỗng Quán (Vào rất sớm rồi quay trở về đưa đoàn vào, làm trưởng đoàn), Quảng Y (Từ Hạnh), Thiện Nhơn (Hồ Sĩ Từ), Thiện Duyên (Võ Đình Như), Nguyên Hồng (Lý Kim Hoa), Nguyên Trạch (Giác Lâm), Đồng Thiện (Trần Đình Hiếu), Như Cầu (Đỗng Quang, Nguyễn Như Minh), Tâm Hiện (Hồ Thoại), Phước Khánh (Trần Bì), Như Kế, Thiện Trí (Võ Phi Thiên), Thị Vị (Nguyễn Thành Ký), Như Bửu (Võ Mạnh Hùng), Tâm Lâm (Đức Minh), Đồng Từ (Lê Văn Huấn), Liễu Không (Nguyễn Xuân Đệ), Giác Tuệ (Trần Nguyên Sanh)…”[6], Hạnh Nghiêm, …
Sang năm thứ hai từ 2/1954 đến 1/1955, THĐNT đã bầu một Ban Giám đốc và Ban lãnh chúng mới, có cả học Tăng từ Bình Định tham gia: Thầy Thiện Minh (Cố vấn), Thầy Huyền Quang (Giám đốc), Thầy Viên Giác (Phó Giám đốc), Tăng sinh Như Bửu (Thư ký), Thầy Đỗng Minh (Thủ chúng), Tăng sinh Từ Hạnh (Phó thủ chúng), Tăng sinh Nguyên Hồng (ủy viên). Sang năm học từ 2/1955 đến 1/1956, Ban Giám đốc có sự điều chỉnh và bổ sung thêm: Thầy Trí Thủ (Phó giám đốc thay Thầy Viên Giác), Thầy Thiện Siêu (Đốc giáo), Tăng sinh Từ Hạnh (Thư ký thay cho Tăng sinh Như Bửu).

Lớp Trung học đệ nhất niên sĩ số 20 Tăng sinh mà đa số là học Tăng từ Bình Định. Chương trình học gồm: Kim Cang Giảng Lục, Bát Thức Quy Củ, Duy Ma, Lăng Nghiêm Trực Chỉ, Nhơn Minh Luận, Đại Thừa Khởi Tín Luận,… Dịch thuật, Diễn giảng, Soạn đề tài. Song song là học chương trình phổ thông ở các lớp Trung học Bồ-đề. Bên cạnh việc tu học, học Tăng còn lao động cải tạo xây dựng: dọn bằng ngọn đồi để chuẩn bị cất tu viện, trực tiếp quản trị nhà in Hoa Sen, phá núi đào hầm trồng 200 cây ăn trái, lấy củi trong mùa mưa gió, củng cố hàng ngũ Chi, Khuôn hội trong Thị xã Nha Trang,…Ban Giám đốc thừa nhận chương trình như thế là khá nặng, nhưng vì để bắt kịp thời gian, bắt kịp Phật sự dày đặc, mang tính cấp bách, nên học Tăng phải học ngày học đêm để đạt trình độ kiến thức nhất định nhằm đối ứng với hoàn cảnh đất nước đang rơi vào tay ngoại đạo.

Sau hai năm, dưới sự lãnh đạo của Ban Giám đốc dày kinh nghiệm, những học Tăng ưu tú của THĐNT mà nổi trội nhất là Đoàn học Tăng từ Bình Định đã hỗ trợ, nỗ lực tu học, lao động, thực hiện đúng chủ trương của Ban Giám đốc nên đã vực dậy THĐNT từ chỗ èo ọp, yếu đuối thành một trường có nề nếp, quy củ nghiêm minh, sinh khí năng lực dồi dào về mọi mặt và đạt thành tích vô cùng mỹ mãn.
Lớp Trung học mà Đoàn học Tăng Bình Định chiếm đa số, sau khi tốt nghiệp (năm 1957), đã  lên đường hoằng pháp hoặc làm Giảng sư, Giáo sư Đại học, du học, Trụ trì, Hiệu trưởng Bồ-đề, Giám học, Giám thị, Giáo sư bộ môn giáo lý, điều hành phòng thí nghiệm, sản xuất xì-dầu, điều hành phòng phát hành kinh sách, ấn quán,… tại các tỉnh Duyên hải, Cao nguyên Trung phần và miền Nam và nhiều vị là danh Tăng có đóng góp rất lớn cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam từ đó đến bây giờ.

Trên nền tảng phát triển của THĐNT, Tổng Trị sự Tăng già và Phật học đã quyết định hợp nhất PHĐ Báo Quốc và THĐNT thành PHV Hải Đức Nha Trang vào thượng tuần tháng 1-1957, nhằm đào tạo chính qui tu sĩ trẻ cho các tỉnh miền Trung, Cao nguyên và miền Nam.HT Huyền Quang được bầu làm Tổng Thư ký của Ban Quản trị PHV. Từ năm 1957 đến 1959, các học Tăng từ Bình Định đã nối gót các bậc đàn anh, vào học PHV này, gồm có chư vị: Hồ Bửu Thanh, Nhật Ban (Hồ Bửu Hoa), Nhật Châu (Hồ Công Luận), Thị Phước, Phước Sơn (Đặng Thành Công), Thiện Huệ (Trần Hữu Kiều), Phước An (Trần Hữu Cư), Phước Mỹ (Nguyễn Du), Phước Đạt (Đào Duy Thị), Đức Thắng (Nguyễn Bá Nghị), Phước Chí (Nguyễn Văn Huy), Viên Quán (Nhữ Đình Thân), Đặng Ngọc Chức (Tịnh Minh), Đặng Hữu Ích, Quảng Hạnh (Nguyễn Hồng Minh), …

11. THĐ Thập Tháp, Nhạn Sơn:

Năm 1956, TĐ Thập Tháp mở THĐ nhằm đào tạo chương trình nội điển cho học Tăng có trình độ Tiểu học. THĐ do HT Kế Châu làm Hiệu trưởng và đặt dưới sự bảo trợ của HT Không Hoa-Huệ Chiếu. Cũng trong năm 1956, HT Không Hoa-Huệ Chiếu đứng ra trùng tu Chánh điện TĐ Thập Tháp, nên THĐ được dời về chùa Nhạn Sơn. Từ đó đến năm 1959, mọi sinh hoạt giáo dục của THĐ đều diễn ra ở chùa Nhạn Sơn. Ban Giáo thọ của THĐ gồm quý ngài như: Trí Diệu (dạy A Di Đà Sớ Sao, Quy Nguyên Trực Chỉ), Trí Nhàn (dạy kinh bộ: Thủy Sám, Địa Tạng, Tam Bảo), Thành Ký (Duy Thức Học), Bửu Tịnh (Sa Di Luật Giải), Đỗng Tánh (dạy Văn hóa 2 năm cuối).

Tăng ni sinh của THĐ này gồm 36 chư vị: Liễu Minh, Huệ Quang, Huệ Minh, Trí Thắng (Võ Đình Bá), Tâm Lập, Tâm Quang, Nhật Ban (Hồ Bửu Hoa, học năm đầu), Thị Phước (học năm đầu), Thiện Trí (Từ Năng), Thiện Huệ, Nguyễn Đình Bá, Tịnh Viên, Thị Lộc-Nguyên Ngôn, Quảng Trang, Nguyên Quả, Nguyên Bích, Hải, Nhã, Phúng, Thìn, Giáo, Từ Hòa, Từ Trí,…

Năm 1960, THĐ dời về lại TĐ Thập Tháp. Đến cuối 1960, THĐ làm lễ Bế giảng. Sau khi tốt nghiệp, có 4 Tăng sinh xuất sắc được chư Tôn đức Ban Đốc giáo tuyển chọn, gởi vào PHĐ Nam Việt, tức chùa Ứng Quang, nay là Tổ đình Ấn Quang, Sài Gòn để tiếp tục tu học. Ngài Liễu Minh và Thị Lộc-Nguyên Ngôn là hai trong 4 vị Tăng sinh xuất sắc đó. Hai vị này sau đó trở thành Giảng sư ưu tú của miền Nam. Các vị khác tiếp tục theo học tại PHV Nguyên Thiều hoặc ra hành đạo.

12. PHV Nguyên Thiều:

Đầu năm 1958, một nhóm Tăng sĩ Bình Định gồm 12 vị[7] đã đứng ra thành lập cơ sở nhằm đào tạo cơ bản về trình độ Phật pháp và phổ thông cho các Tăng sinh; xúc tiến việc nghiên cứu giáo lý, phiên dịch kinh điển, truyền bá Chánh pháp; đồng thời làm nơi tham thiền, tu tập cho toàn thể Tăng, Tín đồ Phật giáo. Trong lần đi thăm dò địa cuộc, nhóm Thanh niên Tăng nhận thấy khu đất dưới tháp Bánh Ít (tháp Bạc, tháp Yang Mtian) thuận tiện đi lại, phong cảnh tịch mịch, thâm nghiêm, thích hợp cho việc bồi dục Tăng tài. Các vị Tăng sĩ này đã liên lạc trưng khẩn, xin và mua đất với sự hỗ trợ tích cực và nhiệt tình của các ông: Bùi Hàn (Ấp trưởng Đại Lộc), Lê Trọng Cừu (Xã trưởng Phước Hiệp), Lê Phái Thêm, Nguyễn Công, Trần An, Kỹ sư Đặng Đình Đạm, bà Quách Thị Quế và nhân dân ấp Đại Lộc. Ngày 15 tháng 08 năm Mậu Tuất, nhằm ngày 27/09/1958, sau khi nhận được giấy có ngàn chữ ký của nhân dân ấp Đại Lộc thuận cho đất, Tu viện lấy tên Tổ sư Nguyên Thiều được chính thức công bố sáng lập. Tu viện tọa lạc trên khu đất khoảng 60 mẫu Tây tại đồi Tháp Bạc, ấp Đại Lộc, xã Phước Hiệp.

Tu viện Nguyên Thiều Bình Định được quản lý theo thế chế Quản trị: Cứ mỗi 5 năm, toàn thể Tăng Ni bản tỉnh, dưới sự triệu tập và chủ tọa của Phật giáo cấp Tỉnh mở một Đại hội bầu Ban Quản trị, Ban Giáo thọ để điều hành công tác giáo dục Tăng Ni tại viện. Từ thời gian đầu dến năm 1969, HT Giác Tánh được bầu làm Trưởng Ban Quản trị, HT Bảo An làm Phó Ban Quản trị, HT Huyền Quang làm Đốc giáo, HT Tâm Hoàn làm Phó Đốc giáo,…

Khóa đầu của PHV Nguyên Thiều khai giảng ngày 06-03-1961, đào tạo chương trình Sơ-Trung đẳng Phật học và ngoại điển. Ban Giảng huấn của PHV gồm có quý Ngài: Giác Tánh (Giám luật và dạy luật), Tâm Hoàn (Lăng Nghiêm Trực Chỉ,…), Bảo An (Nghi lễ), Đổng Quán (Toán), Đồng Từ (Hán văn và các bộ luận), Bửu Tịnh (Pháp văn), Giác Ngộ (Giáo lý), Nguyên Trạch (Nghi lễ, Giáo lý), Nguyên Huệ-Đào Văn A (Việt văn), … Học Tăng khóa I gồm 84 vị được chia làm 3 lớp (Đệ nhất niên, Đệ nhị niên, Đệ tam niên) để đào tạo tương ứng với trình độ của mỗi vị. Học Tăng khóa I gồm quý Tôn Đức như: Huệ Quang, Trí Thắng, Quảng Cố, Huệ Minh, Nhật Quang, Tâm Minh, Đồng Hạnh, Trí Hải, Nguyên Điền, Quảng Hiển, Hạnh Hòa, Tịnh Nghiêm, Quảng Hạnh,…

Năm 1964, Tu viện xây cất một cơ sở giáo dục mệnh danh là: Trung Học Tư Thục Bồ Đề Nguyên Thiều và khai giảng khóa II, thu nhận 108 Tăng sinh từ lớp 6 đến lớp 9 để đào tạo nội điển và kiến thức phổ thông. Học sinh bên ngoài cũng được theo học phổ thông và giáo lý tại Trung Học Tư Thục Bồ Đề Nguyên Thiều. Cuối năm 1964, Tu viện đặt trong tình trạng kém an ninh nên toàn bộ dời về Tổ đình Long Khánh, Quy Nhơn theo lệnh của Giáo Hội Tỉnh Bình Định.

Năm 1965, Tu viện Nguyên Thiều xây dựng cơ sở giáo dục Tư thục Bồ Đề Nguyên Thiều thứ nhì tại Diêu Trì để tiếp tục đào tạo số học sinh đang học dang dở vì cơ sở một bị tàn phá nặng nề và bị mất an ninh do chiến cuộc đang ác liệt. Đến 1966, tình hình an ninh Tu viện bình thường, Tăng sinh trở lại tiếp tục tu học.

Từ khóa III (1967-1970), đường hướng giáo dục và sinh hoạt của PHV Nguyên Thiều được hội nhập vào hệ thống giáo dục của Tổng vụ Văn hóa Giáo dục[8], thuộc GHPGVNTN đương thời tại miền Nam, Việt Nam. Năm 1969, Giáo hội có chương trình luân chuyển học Tăng giữa các PHV để đào tạo tương ứng với trình độ phổ thông của họ. PHV Nguyên Thiều tiếp nhận học Tăng có trình độ phổ thông lớp 9. Khóa học (1969-1970) tại PHV Nguyên Thiều, có 48 học Tăng, được đào tạo song song cả hai chương trình ngoại điển và nội điển. Các học Tăng khóa này gồm có quý Tôn đức: Nguyên Siêu, Đức Nghi,…

Đại hội khoáng đại kỳ nhất của Tu viện ngày 28/09/1969 tức 17/08/Kỷ Dậu, với sự hiện diện chứng minh của đông đảo chư Tăng trong bản tỉnh, được tổ chức tại Hội trường Tu viện nhằm lược trình thành tích xây dựng, kiểm thảo công tác giáo dục của Tu viện trong 10 năm kể từ ngày thành lập. Đại hội đã thảo luận, biểu quyết thông qua bản Quy chế gồm 9 chương, 45 điều và cung thỉnh một Hội đồng Chứng minh, Ban Cố vấn, suy cử Ban Quản trị, Ban Giáo thọ cho niên khóa 1970-1973.

Năm 1970, PHV Nguyên Thiều khai giảng khóa học đào tạo cấp Trung đẳng I Phật học Phổ thông và ngoại điển 4 năm (1970-1973) cho 42 học Tăng có trình độ phổ thông từ lớp 6. Giáo Thọ trực tiếp đứng lớp cho khóa này gồm có quý Ngài: Tâm Hoàn, Tâm Hiện, Giác Ngộ (Giám luật), Đồng Từ, Nguyên Trạch, Quảng Bửu, Đồng Hạnh, Trí Hải, Quảng Hạnh, Nguyên Dương, Minh Đức, Minh Hạnh, … Học Tăng khóa này có quý vị: Minh Dung, Đồng Tu (Thanh Quang), Hồng Thiện, Hồng Châu, Đặng Tâm Truyền, Đồng Lễ, Nhã, Nguyện, …
Năm 1974, PHV mở thêm Bồ-đề Nghĩa Thục để đào tạo song song hai chương trinh nội và ngoại điển cho học Tăng, học sinh bên ngoài được tham học ngoại điển và một số môn giáo lý. Từ năm 1975 về sau, mọi sinh hoạt đào tạo giáo dục tại PHV đều đình chỉ.

13. PHV Phước Huệ:

Năm 1970, HT Kế Châu đứng ra thành lập PHV Phước Huệ tại TĐ Thập Tháp nhằm đào tạo chương trình Trung đẳng Chuyên khoa Phật học (1970-1973).  Ban Giám đốc gồm quý ngài: Kế Châu (Giám viện), Tâm Hoàn (Phó Giám viện), Giác Tánh (Giám luật), Giác Ngộ (Giám học 2 năm) Bửu Quang (Giám học), Đỗng Quán (Giám sự kiêm Thủ bổn), Đồng Giác (Quản chúng), Mật Hạnh (Thư ký), Viên Thành (Phó Thư ký); Ban Giảng huấn gồm quý ngài: Giác Tánh (Giáo Thọ Trưởng), Kế Châu, Tâm Hoàn, Đồng Từ,  Bửu Quang, Đạo hữu Trần Bùi Thao, Đạo hữu Nguyễn Siêu; Ban Bảo trợ gồm quý ngài: Phước Thành (1914-2014), Bửu Quang, Minh Quang, Đỗng Quán,… Học Tăng trong và ngoài tỉnh về tòng học đông đảo trên 100 vị, như quý Tôn Đức: Nhật Quang, Đồng Hạnh, Đồng Chơn, Quảng Xả, Quảng Ba, Đồng Hương, Đồng Hùng, Quảng Trừ, Hạnh Bảo, Nguyên Khiết, Nguyên Quang, Viên Thành, Đồng Trí, Đồng Lưu, Như Định, Thị Cao, Tâm Liên,… Sau khi tốt nghiệp, nhiều vị học Tăng khóa này, được tiếp tục gửi vào tòng học khóa Cao đẳng Phật học tại PHV Hải Đức-Nha Trang. Các học Tăng tại PHV Phước Huệ sau này nhiều vị trở thành những Tăng sĩ ưu tú giữ vai trò lãnh đạo Giáo hội, các Tổ chức Phật giáo quốc tế, hoặc tham gia đóng góp nhiều Phật sự lớn trong cũng như ngoài nước.

Khóa II (1974-1977) được tiếp tục khai giảng, nhưng đến năm 1975 vì hoàn cảnh chiến tranh nên phải giải tán.

14. Trường Cơ Bản Phật Học, Trung Cấp Phật Học Bình Định[9]:

Đầu tháng 11 năm 1989, BTS GHPGVN tỉnh Bình Định mở cuộc họp dưới sự Chủ tọa của HT Kế Châu và có sự tham dự của chư Tôn Trưởng lão HT: Bảo An, Phước Thành, Đồng Thiện, Đỗng Quán, Thiện Nhơn, và quý HT: Nguyên Phước, Nguyên Chơn, Đồng Hạnh, Viên Đạt, Như Quang, Tịnh Nhãn … nhằm bàn thảo kế hoạch thành lập Trường Cơ Bản Phật Học Bình Định để truyền trì đạo mạch, đào tạo Tăng tài gánh vác Phật sự trong tương lai. Sau cuộc họp, Hội nghị đã thống nhất cử HT Thiện Nhơn với sự tháp tùng của HT Nguyên Chơn lo thủ tục giấy phép để thành lập trường. Trường Cơ Bản Phật Học Bình Định được thành lập dựa trên Quyết định số 777/QĐ-UB ngày 09-02-1992 của UBND tỉnh Bình Định, sau khi được sự chấp thuận của Trung Ương Giáo Hội. Lễ khai giảng khóa I được long trọng tổ chức vào ngày 16-09-1992 với sự chứng minh của HT Thiện Hào, HT Kế Châu, HT Trí Quảng, Chư Tôn Đức Tăng Ni bản tỉnh, sự hiện diện của Chính quyền, Thiện tín Phật tử và 144 Tăng ni sinh. Trường được chính thức đổi tên từ Cơ Bản Phật Học thành Trung Cấp Phật Học theo Quyết định 1326/UB-NC ngày 11-05-2000 của UBND Tỉnh Bình Định.

Hiện tại nhà trường đang đào tạo khóa VIII (2017-2020; gồm hơn 220 Tăng ni sinh). Từ khóa I đến khóa VII, số lượng Tăng ni tốt nghiệp là 1087 vị. Trong đó, hơn 20 vị đã tốt nghiệp Tiến Sĩ, 50 vị tốt nghiệp Thạc sĩ, rất nhiều vị đã tốt nghiệp Cử nhân, nhiều vị đang du học chương trình Cao học, theo học Học viện Phật giáo, Cao đẳng, Giảng sư, đa số các vị đã ra trụ trì, tham gia Phật sự của Giáo hội để đóng góp cho Phật giáo tỉnh nhà và các nơi khác trong nước cũng như nước ngoài.

THÍCH NHUẬN HUỆ

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

I. Sách:

  1. Lộc Xuyên Đặng Quý Địch, Chuyện Cũ Nhà Sư Bình Định, NXB Văn Hóa Dân Tộc, 2010.
  2. Lộc Xuyên Đặng Quý Địch, Những Ngôi Chùa Tiêu Biểu Trong Tỉnh Bình Định, Tập Thượng Quyển Thượng, NXB Đà Nẵng, 2011.
  3. Mật Thể, Việt Nam Phật giáo Sử Lược, NXB Tôn giáo, 2004.
  4. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận I-II-III, NXB Văn Học, 2008.
  5. Thích Đồng Bổn, Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam tập I, NXB Tp.HCM, 1996.
  6. Thích Đồng Bổn, Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam tập II, NXB Tôn Giáo, 2002.
  7. Thích Hải Ấn & Hà Xuân Liêm, Lịch Sử Phật Giáo Xứ Huế, NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2006.
  8. Thích Như Tịnh, Lịch Sử Truyền Thừa Thiền Phái Chúc Thánh, Lưu hành nội bộ, 2008.
  9. Thích Viên Đạt, Lịch Sử Tổ Đình Thập Tháp, NXB Tôn Giáo, 2015.

II.Kỷ yếu:

  1. Kỷ Yếu Về Cội, Cựu học Tăng Phật Học Viện Trung Phần thực hiện, 2012.
  2. Tưởng Niệm Giác Linh Hòa Thượng Thích Đồng Thiện, Tu Viện Nguyên Thiều, 2001.
  3. Tưởng Niệm Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Thiện Nhơn – Đèn Thiền Tỏa Rạng, NXB Tôn Giáo, 2015.
  4. Các tài liệu Kỷ niệm Đệ thập chu niên Tu viện Nguyên Thiều Binh ĐịnhBản tóm lược sở nhân thành lập Tu viện Nguyên Thiều-Bình Định của HT Đổng Quán.

III. Phỏng vấn: Phỏng vấn với HT Huệ Minh, HT Nguyên Phước, HT Nguyên Chơn, HT Nhật Quang, HT Trí Hải, HT Quảng Ba, TT Đồng Tu, NT Hạnh Nghiêm, Thầy Quảng Trang.

References
1 Trường Tư thục Bồ-đề do Giáo Hội Tăng Già Trung Việt thành lập đầu tiên tại Huế năm 1952. Sau đó, hệ thống các trường Tiểu học và Trung học Bồ-đề có mặt ở nhiều tỉnh thành, tính đến năm 1970 trên toàn quốc có 137 trường Bồ-đề, trong đó có 65 trường Trung học với tổng số học sinh là 58.466.
2 TĐ Thập Tháp Di Đà do Tổ sư họ Tạ, húy Nguyên Thiều-Siêu Bạch-Thọ Tôn, tự Hoán Bích (1648-1728), khai sơn năm Đinh Tỵ (1677). Theo Đồ Bàn Thành Ký do Nguyễn Văn Hiển viết năm 1860, Sắc Tứ Thập Tháp Di Đà Tự Bi Ký (bài minh khắc trên bia chùa Sắc tứ Thập Tháp Di Đà) do Dương Tùng Khê viết năm 1876, bài Thập Tháp Tự Chí do Võ Khắc Triển viết năm 1928 thì chùa Thập Tháp Di Đà kiến lập (khánh thành) năm Chánh Hòa (1680-1705) thứ 4, đời Lê Hi Tông, tức năm 1683.
3 Trường Hương là cách gọi khóa An cư kiết hạ hay trường hạ thời đó. Chữ ‘hương’ có nghĩa là thơm nên ý nghĩa trường Hương là nơi mà giới xuất gia tề tựu về để tu học Kinh-Luật-Luận, lấy giới hương xoa ướp, trang nghiêm thân tâm. Mỗi trường hương thường có mở trường Kỳ, một kỳ được mở ra trong 3 ngày để khảo hạch giới tử, tuyển chọn người thọ giới, rồi khai đàn thí giới; trường Kỳ cũng là nơi để cung cử suy tôn giáo phẩm cho chư Tôn đức Phật giáo.
4 Theo Trí Quang Tự Truyện thì chữ “Phật học”của Hội là lấy từ  đại nguyện vương của ngài Phổ hiền, “bát giả thường tùy Phật học”, có nghĩa thường tu học theo Phật.
5 Lúc đầu chùa có tên là Phổ Thiên, năm 1958 cải hiệu thành Phổ Đà.
6 Kỷ Yếu Về Cội, tr. 8.
7 Danh sách 12 vị này vẫn còn chưa thống nhất. Theo Bản tóm lược sở nhân thành lập Tu viện Nguyên Thiều-Bình Định của HT Đổng Quán thì 12 Thành Viên Sáng Lập gồm: HT Giác Tánh, HT Tâm Hoàn, HT Huyền Quang, HT Bảo An (1914-2011), HT Ngọc Lộ, HT Minh Quang (1918-1995), HT Bửu Quang (1927-1995), HT Đồng Thiện (1922-2001), HT Thiện Nhơn (1930-2013), HT Liễu Không, HT Đổng Quán (1926-2009), HT Như Bửu.
8 Đại hội Giáo dục của Tổng vụ Văn hóa và Giáo dục năm 1968 quy định: a. Tất cả các cơ sở giáo dục Tăng Ni phật giáo: Tăng gọi là  Phật Học viện, Ni gọi là Ni viện; b. Ban điều hành Tăng Ni sinh tại các cơ sở giáo dục gọi là Ban Giám viện -trước kia gọi là Ban Quản trị -cứ 5 năm bầu lại Ban Giám viện một lần; c.  Mỗi Phật Học viện chỉ nhận dạy 1 hay 2 lớp tùy theo khả năng;….
9 Phần này chỉ  khảo sát sơ lược vì thông tin về trường đã có các  bài viết khác trong Kỷ yếu này cung cấp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Bốn trường phái nghiên cứu Phật học trên thế giới
Nghiên cứu

Đến thế kỷ XX, Phật giáo lan toả sang vô phương Tây, việc nghiên cứu Phật giáo ở phương Tây được định hình có phương pháp tư duy khoa học nên phát triển mạnh mẽ, với ba trường phái lớn tại các khu vực Anh – Đức, Pháp – Bỉ, và Nga. Mỗi trường phái...

Vai trò của vua Trần Thái Tông trong việc thiết lập nền tảng cho sự hình thành Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Bên cạnh vai trò là một vị vua hiền về mặt trị quốc, Trần Thái Tông còn được biết đến với tư cách là người đã có vai trò quan trọng trong việc tiếp nối, duy trì và phát triển Thiền tông Việt Nam trong giai đoạn chuyển giao quyền lực Lý –...

Sự thành lập Giáo đoàn Ni Phật giáo
Lịch sử, Nghiên cứu

Hơn hai nghìn năm Giáo đoàn Ni có mặt trên thế gian này, dù trải qua bao biến cố trong những giai đoạn thăng trầm của lịch sử, nhưng những nữ tu sĩ Phật giáo vẫn luôn thể hiện khả năng xuất sắc của giới nữ trong tu tập, hộ quốc an dân và phát...

Đóng góp và giá trị của Tạp chí Viên Âm
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Hoạt động hoằng pháp của tạp chí Viên Âm ở miền trung đã trở thành cơ quan ngôn luận góp phần trong công cuộc chấn hưng Phật giáo… Hoạt động hoằng pháp của Tạp chí Viên Âm ở miền trung đã trở thành cơ quan ngôn luận góp phần trong công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt...

Vài nét về âm nhạc Phật giáo
Nghiên cứu, Văn hóa

Âm nhạc là lĩnh vực không được nói đến nhiều trong Phật giáo, càng không phải lĩnh vực được đề cao và khuyến khích, ít nhất là trong Phật giáo thời kỳ đầu. Điều này không có gì lạ, vì theo truyền thống Phật giáo, âm nhạc là thứ đức Phật khuyên dạy những đệ...

Về tên gọi Thượng Tọa và Thượng Tọa Bộ trong các nguồn tư liệu Phật giáo Trung Hoa
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

VỀ TÊN GỌI THƯỢNG TOẠ (STHĀVIRA, THERA) VÀ THƯỢNG TOẠ BỘ (STHĀVIRAVĀDA) TRONG CÁC NGUỒN TƯ LIỆU PHẬT GIÁO TRUNG HOA (Sthavira, Thera and ‘*Sthaviravāda’ in Chinese Buddhist Sources)  của Max Deeg THÍCH NHUẬN CHÂU dịch Lời người dịch Bhikkhu Sujato, vị tỉ-khưu uyên bác người Úc châu, đã dịch bốn bộ Nikāya từ tiếng Pāli sang tiếng Anh. Bhikkhu...

Văn bản Giải Địa Tạng Kinh của Hương Hải Thiền sư
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt Địa Tạng kinh giải thích Hoa ngôn đây là một trong 20 tác phẩm dịch Nôm lớn của Hương Hải thiền sư, được nhắc tới trong Hương Hải Ngữ Lục và trong Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn với tên gọi là Giải Địa Tạng kinh. Đây là tác phẩm dịch...

Khảo sát “Pháp Bảo Đàn Kinh giải” ở chùa Linh Quang Điều Hạ, Hải Phòng
Nghiên cứu

Pháp bảo đàn kinh giải của Hương Hải Thiền sư, là một tác phẩm diễn Nôm có giá trị về nhiều mặt. Qua khảo sát sơ bộ văn bản tại Linh Quang tự có thể thấy đây là một bản dịch từ Hán sang chữ Nôm theo thể văn xuôi. Tóm tắt: Trong quá trình...

Nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng và ý nghĩa biểu tượng cổ – Bát bảo (P.1)
Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu

Phật giáo tại Tây Tạng có sức chú trọng vào các nghi lễ, thực hành thần bí cùng các biểu tượng cát tường có sức mạnh siêu linh. Đối riêng với nghệ thuật biểu tượng học Phật giáo, nổi bật hơn cả với đại chúng là tại Tây Tạng. Phần I. Bát bảo nói chung...

Hệ Phái Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam
Lịch sử, Nghiên cứu

Bài viết ngắn nầy chỉ nhằm phác họa lại sơ lược về sự thành hình và phát triển của Hệ Phái Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam hồi giữa thế kỷ thứ mười chín. Giáo hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam được Đức Tôn Sư Minh Đăng Quang sáng lập năm 1944. Giáo Hội được sáng lập trong giai đoạn suy đồi của Phật giáo Việt Nam. Đức Tôn Sư đã khéo léo phối hợp giữa hai truyền thống giáo lý Nam...

Các thiền sư thời Lê sơ và sự nỗ lực chấn hưng truyền thống văn hóa dân tộc Đại Việt
Lịch sử, Nghiên cứu

Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước, đánh bạt âm mưu xâm lược, nô dịch văn hóa của thế lực phương bắc ngay từ những thế kỷ đầu. Tóm tắt Phật giáo thời Lê sơ (1428 – 1527) tuy ít được triều đình...

Sự hình thành Đại thừa
Lịch sử, Nghiên cứu

Phong trào phát triển một đường lối Phật Giáo mới, về sau nầy được gọi là Mahayana (Đại thừa), bắt đầu thành hình trong thời gian 250 năm, từ năm 150 TCN đến 100 CN, là kết quả tích tụ của nhiều phát triển vốn có từ trước. Nguồn gốc của nó không liên hệ...

Chúa Nguyễn Hoàng (1525 – 1613) với đạo Phật
Lịch sử, Nghiên cứu

Việc Nguyễn Hoàng cho xây dựng và tu sửa những ngôi chùa trên đất Thuận Quảng đã làm cho Phật giáo ngày càng lan rộng ảnh hưởng trong đời sống xã hội, từ chốn cung nội ra khắp dân gian. Chúa Nguyễn Hoàng sinh ngày 28/8/1525, còn gọi là Chúa Tiên, vị chúa Nguyễn đầu...

Khảo cứu Nghi lễ Vu Lan trong không gian văn hóa Phật giáo Thừa Thiên Huế
Nghiên cứu, Văn hóa

Nghi lễ Vu Lan Bồn còn là một pháp hội thù thắng và có tính phổ cập nhất trong Phật Giáo Việt Nam và có sự ảnh hưởng rất lớn về văn hóa sống, đạo đức làm người trong xã hội Việt Nam nói chung và Huế nói riêng. Phật giáo du nhập và phát...

Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Phật giáo thời Lý
Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu

Tóm tắt: Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, tư tưởng từ bi, vị tha của Phật giáo nhanh chóng được cư dân bản địa tiếp thu và trở thành tâm thức của người Việt, đa phần người dân Việt Nam điều tôn sùng Phật giáo. Thời Lý là một trong những thời...

Chúa Nguyễn Phúc Chu và hai bảo vật quốc gia chùa Thiên Mụ
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Bia “Ngự kiến Thiên Mụ tự” của chúa Nguyễn Phúc Chu là hiện vật gốc độc bản – một trong số những di vật hiếm hoi thời chúa Nguyễn còn giữ được gần như nguyên vẹn, có nhiều giá trị về mặt mỹ thuật. Chúa Nguyễn Phúc Chu (Quốc Chúa) (1691-1725) là vị chúa thứ...