MONK’S COSTUMES OF KHMER THERAVADA BUDDHISM
AND MAHAYANA BUDDHISM IN TRA VINH PROVINCE
TÓM TẮT
Phật giáo Việt Nam có nhiều hệ phái, riêng ở tỉnh Trà Vinh chủ yếu có hai hệ phái lớn đó là: hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer và Bắc tông. Y phục Phật giáo rất phong phú và đa dạng, điều này được nhận thấy rõ nhất ở những buổi thực hiện nghi lễ và thường nhật, các tông môn, hệ phái khác nhau sẽ có nhiều kiểu y phục khác nhau. Trong hai hệ phái chính của Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Trà Vinh nói riêng là hệ phái Nam tông và Bắc tông y phục có những quy định chặt chẽ, tạo thành nét đặc trưng của từng hệ phái. Bài viết bước đầu phác họa bức tranh phong phú về y phục của Phật giáo Bắc tông của người Kinh và Nam tông của người Khmer ở Trà Vinh dưới góc độ hình thức và ý nghĩa biểu tượng để thấy được điểm giống và sự khác nhau về y phục tu sĩ của hai hệ phái.
Từ khóa: Y phục Phật giáo, Phật giáo Trà Vinh, y phục hệ phái Bắc tông, y phục hệ phái Nam tông.
ABSTRACT
Tra Vinh province concludes two big schools among various Vietnamese Buddhism schools: Khmer Theravada Buddhism and Mahayana Buddhism. Buddhist costumes are diversified that are clearly shown in rituals and daily life. Different schools have different types of costumes. In Tra Vinh province in particular and in Viet Nam in general, Khmer Theravada Buddhism and Mahayana Buddhism are closely regulated that form distinctive features of each school. This article illustrates the picture of costumes of Kinh Mahayana Buddhism and Khmer Theravada Buddhism in the aspects of form and symbolic meaning in Tra Vinh province in order to demonstrate similarities and differences in monk’s costumes of the two schools.
Keywords: Buddhist costumes; Buddhism in Tra Vinh; Theravada Buddhism costumes, Mahayana Buddhism costumes.
1. Đặt vấn đề
Phật giáo ra đời ở Ấn Độ trong bối cảnh đa tôn giáo. Tuy nhiên, Đức Phật đã vận dụng trí tuệ, lòng từ bi cùng sự giác ngộ của Ngài để phát huy vai trò của Phật giáo trong việc giác ngộ cho Chư Thiên và loài người. Lời dạy của Ngài ví như không khí trong lành, là sự cần thiết cho muôn loài. Trong quá trình truyền bá đạo Phật, Đức Phật kiện toàn rất nhiều lĩnh vực cho phù hợp với tăng đoàn và giáo hội. Y phục và giới luật là hai vấn đề quan trọng để xây dựng tăng đoàn mà Đức Phật chế định ra và những điều đó tới ngày nay vẫn còn tuân thủ.
Nói đến y phục (hoặc pháp phục) của Phật giáo, chúng ta thường đề cập đến pháp phục của người xuất gia, bao gồm pháp phục nghi lễ và pháp phục thường nhật. Pháp phục Phật giáo được xem là hình thức thể hiện thân giáo, đó là pháp tướng bên ngoài của người xuất gia nên các luật nghi trong kinh Tam tạng quy định rất rõ về các hình thức của pháp phục. Do tính đặc trưng về pháp phục của từng hệ phái có nhiều điểm khác nhau về hình thức cũng như màu sắc, dẫn đến y phục Phật giáo rất phong phú và đa dạng.
Trong khi y phục của hệ phái Bắc tông đã nhiều lần được cách tân để phù hợp với văn hóa của từng vùng miền thì y phục của hệ phái Nam tông Khmer vẫn được gìn giữ nguyên vẹn như thời Đức Phật. Vì vậy, y phục của Phật giáo Bắc tông và Nam tông Khmer khác xa nhau, nghiên cứu sự khác nhau về y phục của hai hệ phái này giúp chúng ta hiểu hơn về quá trình biến đổi của Phật giáo, trong đó y phục của hệ phái Nam tông Khmer là đại diện của nét văn hóa Phật giáo nguyên thủy và y phục của hệ phái Bắc tông là kết quả của quá trình tiếp biến văn hóa Phật giáo Ấn Độ, văn hóa Trung Hoa và văn hóa Việt Nam. Mặt khác, ở Trà Vình, Phật giáo Bắc tông đại diện cho nét văn hóa của người Kinh và Phật giáo Nam tông Khmer là nét văn hóa của người Khmer. Việc tìm hiểu y phục của hai hệ phái này góp thêm tư liệu về văn hóa tộc người Kinh và Khmer, là hai tộc người chính của tỉnh Trà Vinh.
Nguồn tư liệu chính của bài viết là tư liệu thành văn của những nghiên cứu trước có liên quan đến đề tài và tư liệu điền dã dân tộc học của tác giả qua nghiên cứu các trường hợp ở những điểm chùa như chùa Kompong, chùa Kompong San, chùa Âng… Bài viết mô tả, phân loại các kiểu y phục (hình thức, màu sắc, công năng) của hai hệ phái Nam tông Khmer và Bắc tông ở Trà Vinh, qua đó phân tích và lý giải ý nghĩa biểu tượng của những pháp phục này.
2. Y phục của tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer
Vấn đề nguồn gốc của y phục Phật giáo Nam tông đã có nhiều nghiên cứu, hầu hết các nhà nghiên cứu đồng nhất quan điểm có hai giả thuyết về nguồn gốc của y phục Phật giáo (nguyên thủy).
Giả thuyết thứ nhất cho rằng: “Xưa kia, theo truyền thống Phật giáo, các nhà sư phải tự đi nhặt những mảnh vải vụn, những tấm khăn đắp hay liệm người chết vứt bỏ ở những nơi hỏa táng, nghĩa địa hay những đống rác, rồi đem về tự mình nhuộm màu, chắp nối và may lấy áo để mặc. Bởi vậy. chiếc y cà sa mới mang hình của các mảnh vải vụn được ráp nối với nhau. Ngày nay, tại một số tu viện lớn ở Srilanka hay Mianma vẫn còn giữ được truyền thống đó. Điều đó cho thấy chiếc áo cà sa là biểu tượng của những gì khiêm tốn, đơn sơ và giản dị nhất mà ta có thể tưởng tượng ra. Nhưng đồng thời điều đó cũng toát lên một ý nghĩa hết sức lớn lao của chiếc áo cà sa trong đạo Phật, đó là để nhắc nhở các nhà tu hành Phật giáo về tấm thân vô thường của họ tại thế gian” (Phúc Nguyên. 2015).
Trong kinh điển tiểu sử Phật Thích Ca (Khunasuvattivedi Du Un. 1964, tr.52), kinh giải về kiếp có ghi lại lúc Thái Tử vượt cung thành xuất gia không bao lâu Phạm Thiên cúng dường y và bát cho Ngài khởi đầu cho việc xuất gia tầm đạo. Y và bát là hai thành phần quan trọng cho người xuất gia, y là để che thân, bình bát để khất thực nuôi thân. Việc xuất gia tầm đạo của Thái Tử cũng chấn động tới Tam thiên, Đại thiên thế giới thì Phạm Thiên cúng dường y bát cho Thái Tử. Tại sao không phải đối tượng khác mà là Phạm thiên? Có khả năng Phạm Thiên là người đại diện cho Tam giới. Tương tự vấn đề này, người thỉnh Phật Chuyển Pháp Luân đầu tiên cũng là Phạm Thiên Sahampati (សហបតីព្រហ្ម).
Giả thuyết thứ hai cho rằng trong Tương Ưng Bộ Kinh và Luật tạng Pāli (Ek Nhừm – Mol Sa Vươn. 1972, tr.20) có kể lại một lần nọ, Đức Thế Tôn và các Tỳ khưu đi hoằng pháp, tới một cánh đồng, Thế Tôn bảo đại đức Ānanda có thấy cánh đồng hay không? Đại đức Ānanda trả lời là có. Vậy, Đại đức Ānanda hãy vẽ y phục của chư tăng cũng giống như cánh đồng. Đại đức Ānanda vâng lời Thế Tôn thực hiện. Thế là đại đức Ānanda đã cắt y phục may vá theo ý của Đức Phật. Những miếng vải hình vuông, hình chữ nhật được may vá thành y phục thể hiện hình ảnh miếng ruộng lúa ở vương quốc Ma – Kiệt – Đà (មគធ Magadha). Vì ruộng lúa có lợi ích cho con người và là những hạt cơm mà những Phật tử đã cúng dường nuôi sống các tu sĩ hàng ngày, còn y phục ẩn dụ phước điền của Chư Thiên và loài người. Đức phật đã đồng ý với thiết kế và ý nghĩa này. Từ đó, y cà sa này trở thành y chuẩn trong giới tu sĩ hay còn gọi là Phước Điền Y.
Y phục ngày nay các Tu sĩ mặc là y phục được quy định trong Luật tạng Pāli dựa trên thiết kế như thửa ruộng mà Ānanda vâng lời dạy của Đức Phật. Thửa ruộng vốn có nhiều bờ đê, nên y phục trong Luật tạng cũng có các ngăn dọc ngang dài ngắn khác nhau và quy định như sau: y 5 điều, y 7 điều, y 9 điều, y 11 điều. Tuy mỗi y phục có các điều khác nhau nhưng mẫu y phục điều có các khoảng ô như nhau, còn các điều y chỉ dùng cho các vị tu sĩ có chiều cao khác nhau. Cũng như Phật giáo Miến Điện tam y (y tăng già lê, y vai trái, y nội), có những chùa chư tăng mặc y 7 điều, 9 điều và thậm chí 11 điều. Đặc biệt, y nội cũng may theo điều giống như y vai trái và y tăng già lê.
Theo khảo sát của chúng tôi tại chùa Kompong, chùa Kompong San, chùa Âng… chư tăng Nam tông Khmer ở Trà Vinh đa số mặc y 5 điều. Hình thức tam y, quả bát vẫn còn giữ nguyên. Các tu sĩ là tỳ khưu trong tâm luôn có Giới, Định, Tuệ, bên ngoài thì có tam y và nhất bát. Tam y nhất bát của Đức Phật và Tăng đoàn thời xa xưa, ngày nay Phật giáo Nam tông Khmer ở Trà Vinh vẫn còn gìn giữ nguyên vẹn, không bị ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa.
Về màu sắc y phục chư tăng, Luật tạng Pāli quy định có 2 màu: màu vàng nghệ (ពណ៌លឿងលាយស្រអាប់) và màu vàng đục (ពណ៌លឿងស្រអាប់ដូច ពណ៌ខ្នុរ) (Ek Nhừm – Mol Sa Vươn. 1972, tr.21). Y phục của các chư tăng ở Trà Vinh luôn lấy hai màu này. Các chư tăng Nam tông Kinh có 3 màu: màu da bò, màu vàng đậm và màu măng cụt.
Về việc sử dụng, các vị tu sĩ hệ phái Nam tông Khmer luôn sử dụng tam y là chính: សង្ឃាដី (săng khia đây) y tăng già lê, ចីវរ (chây vô) y vai trái, ស្បង់ (sbong) y nội. Y nội 2 có ba phần được dùng như quần áo lót gồm: một miếng mặc như áo và hai miếng vải mặc như quần. Miếng thứ nhất gọi là oong sắc (អង្ស័ក) rộng 40 cm, dài từ 1m – 1,5m, vắt từ trước ngực qua vai trái, qua lưng, chéo xuống sườn phải, gần hai đầu vải có dải nhỏ để buộc lại với nhau. Miếng thứ hai gọi là So bong (ស្បង់) để nguyên khổ vải (từ 70cm – 90cm), chiều dài 1,5m, có vá chấp lại hai đầu ngang từ 4 – 5cm và hai đầu dọc từ 2 – 3cm, quấn quanh thắt bụng xuống dưới chân và cao đầu y dưới cao hơn mắt chân khoảng 8cm, đầu vải dắt vào mép vải cho chặt như chiếc váy (lớp ngoài). Miếng thứ ba gọi là Sa đok (សាដក), để nguyên khổ vải (từ 70cm – 90cm), chiều dài 1,5m, cũng quấn quanh thắt bụng, đầu vải dắt vào mép vải cho chặt như chiếc váy (lớp trong). Y nội là y mặc thường nhật ở trong chùa và cũng không được đi ra ngoài, đến khi tiếp khách thì phải sử dụng thêm cà sa.
Y vai trái3 có chiều dài 3m và chiều ngang 2,5m. Mặc y Cà sa cần theo một trình tự như sau: khoác tấm vải ra sau lưng, tay phải cầm mép vải (bên phải) luồn từ sau nách phải ra trước ngực rồi vắt phần vải còn lại qua trên vai trái (như vậy là cánh tay phải và vai phải để hở ra). Còn đoạn vải bên trái vắt chùm lên phần vải trước, qua vai, buông xuống phía ngực.
Khi ra đường, y Cà sa không được để hở vai và tay mà mặc theo trình tự như sau: quàng tấm vải từ sau lưng ra phía trước hai mép vải luồn dưới hai nách, chụm hai mép vải ở trước ngực lại cho chặt. Cho tay trái vào trong giữ ở đoạn vải cách ngực khoảng 40cm tạo một khoảng trống ở trước ngực. Xong lại kéo đoạn vải ấy tì vào ngực và dùng tay phải cuộn tròn từ hai mép đầu tấm vải vào dần cho đến đoạn tay trái đang giữ, thành một cuộn tròn dài thẳng đứng (tay phải cũng tì vải vào ngực mới cuộn dễ dàng được). Sau đó, nhờ có khoảng trống ở trước ngực, người mặc kéo mép vải trên lên đầu với mục đích cho mép vải phía dưới cao hơn mắt cá chân. Tiếp tục vắt cuộn vải lên vai trái, đưa luồn dưới nách từ sau ra trước, cánh tay trái cặp chặt lại là xong. Như vậy, cánh tay trái sẽ không được tự do cử động bình thường.
Y Tăng già lê là y được chấp lại từ y Cà sa, chiều dài 2,5m và chiều ngang 50cm. Chỉ sử dụng trong các nghi lễ: lễ bái tam bảo, lễ xuất gia, lễ Kathina, lễ kiết giới sây ma… Tức là các nghi lễ này phải sử dụng đủ ba y.
3. Y phục của tu sĩ Phật giáo Bắc tông
Về xuất xứ của y phục, trong Luật nghi ghi rằng: “Phật chế ba pháp y là áo mặc duy nhất của Tăng đồ khi thọ giới và cũng để làm trang phục hoặc dùng thường ngày như hành lễ, thuyết pháp thọ trai, khất thực… vì đó là y phước điền, y giải thoát trong giới đức tinh nghiêm biểu hiện sự trang sức, là lễ phục đẹp nhất của người tu sĩ Phật giáo” (Giang Phong).
Tuy nhiên, khi truyền từ Ấn Độ sang Trung Hoa, Phật giáo đã có nhiều biến đổi bởi Phật giáo Bắc truyền mang tư tưởng cách tân, nhập thế, đi sâu hòa nhập vào xã hội. Vào đời nhà Đường, Phật giáo phát triển ngày càng mạnh mẽ dẫn đến những cải biến quan trọng về lễ phục. Lúc này, ngoài pháp phục còn xuất hiện mão, hia trong lễ phục nhằm trang trọng hóa tướng mạo của người sử dụng khi hành lễ, thuyết pháp…
Từ đó, lễ phục Phật giáo Bắc tông được thay đổi theo từng vùng miền, phong tục khác nhau, và khi đến Việt Nam lại được thay đổi thêm một lần nữa. Hiện nay, chúng ta chưa có tài liệu mô tả chi tiết và đầy đủ về lễ phục của Phật giáo Bắc tông. Trong công trình Bửu đỉnh hằng trì bí yếu có đề cập đến mũ Phật quang, nhưng chỉ điểm qua chứ không có hình vẽ hay mô tả gì. Toàn bộ y, mão đều là sự truyền thừa.
Pháp phục của Phật giáo Bắc tông ở Trà Vinh hiện nay gồm: pháp phục thường nhật và pháp phục nghi lễ. Pháp phục thường nhật chia làm hai loại: thường phục trong chùa và thường phục đi ra ngoài hoặc tiếp khách. Theo truyền thống, y phục mặc trong chùa chủ yếu là áo vạt hò và quần dài. Đây là kiểu áo mặc thường nhật của các tu sĩ thuộc hệ phái Bắc tông.
Về màu sắc, màu sắc chủ yếu của y phục Bắc tông là màu lam, nâu và vàng. Người mới xuất gia (chú điệu, Sa di) thì thường mặc bộ đồ vạt hò màu nâu hoặc lam. Khi ra đường mặc áo dài Nhật bình, màu lam dành cho chư Ni, màu nâu dành cho chư Tăng. Đối với những vị thọ đại giới, ngoài chiếc áo Nhật bình dài mặc khi ra đường, có thể mặc thêm loại áo tràng dài (còn gọi là thông y) khi ra đường hoặc tiếp khách. Về cơ bản, màu sắc của áo tràng (Thông y) chỉ có hai màu: màu lam dành cho chư Ni và màu nâu dành cho chư Tăng. Ngày nay, để tiện việc giao tiếp, hoạt động Phật sự… chư Tăng mặc áo tràng màu vàng. Màu áo tràng này chỉ xuất hiện cách đây không lâu, nhất là trong giai đoạn thời kỳ hội nhập.
Về việc sử dụng pháp phục, pháp phục nghi lễ còn gọi là lễ phục, là những loại áo mặc bên ngoài khi thực hiện nghi lễ Phật giáo. Loại pháp phục này được quan tâm và chú trọng nhiều nhất, được chư Tăng, Ni Phật giáo Bắc tông gìn giữ đến ngày nay gồm ba y: Ngũ y, Thất y và Đại y, đều màu vàng sậm (màu phấn tảo). Đặc biệt, khác với các tông phái Phật giáo khác, Phật giáo Bắc tông ngoài ba y là lễ phục căn bản; mặc bên trong y còn có áo tràng màu vàng dành cho chư Tăng và màu u lam cho chư Ni, gọi là “áo hậu”. Áo có hình thức giống áo tràng dài nhưng cổ tay áo rộng.
Ba y trên là những pháp phục của Tỳ kheo, nên những vị Sa di không được sử dụng khi chưa được thọ giới Cụ túc. Bên cạnh ba y của Tỳ kheo, còn có y của những vị Sa di, Sa di Ni và Thức xoa ma na, được gọi là y “Mạn điều”, “Man y” hay là “Vô tướng y” (pháp y không điều), không có những ô ruộng phước trên y mà chỉ là một tấm vải may lại thành. Tuy nhiên, Sa di cũng được chia thành ba bậc: Một là khu ô Sa di (Sa di đuổi quạ), chỉ những em nhỏ xuất gia, chưa được mặc pháp y. Hai là hình đồng Sa di (Sa di chưa thọ thập giới) nên chưa được đắp y Mạn điều. Ba là Trì pháp Sa di (đã thọ thập giới) được đắp y Mạn điều, trở thành hàng ngũ dự bị trong đời sống Tỳ kheo chứ chưa phải là Tăng chính thức. Khi đắp y Mạn điều, phải quán chiếu bài kệ: “Đại tai giải thoát phục, Vô tướng phước điền y, Phi phụng như giới hạnh, Quảng độ chư chúng sanh4 ” (Giang Phong). Ngũ y hay còn gọi là Y ngũ điều, tiếng Phạn gọi là An đà hội, tiếng Hán dịch là Trung túc y. Ngũ điều y cũng được gọi là y bậc hạ, bởi là y thấp nhất trong ba y của hàng tăng sĩ. Y còn có tên là Tạp tác y, tức là mặc y này để làm các công việc nặng nhọc trong chùa hay đi ra đường, phản ánh chức năng sử dụng của y phục. Ngoài ra, Ngũ điều y còn có tên là Nhẫn nhục y, có nghĩa là trau dồi tính nhẫn nhục của thân, ngữ, ý phát triển, khiến hàng phục được sân tâm, tham tâm, si tâm. Ngũ y được ghép lại từ 10 tấm vải với 5 đường dọc dài tượng trưng cho 5 điều. Trên mỗi điều, được chia thành hai ô: một ô ngắn và một ô dài, trong đó, ô dài tiêu biểu cho chất thánh, ô ngắn biểu thị chất phàm, nên người đắp y này Thánh nhiều mà phàm ít. Y này có tác dụng loại trừ được tham dục của tâm thức, làm cho thân được luôn thanh tịnh, nên đắp y này, làm cho ba nghiệp sát, đạo, dâm không xảy ra, ngăn ngừa được sự vọng động của tâm và ý. Khi đắp y, phải quán chiếu bài kệ: “Thiện tai giải thoát phục, Vô thượng phước điền y, Ngã kim đảnh đới thọ, Thế thế bất xả ly, Án tất đà da sa ha” (Giang Phong).
Thất y còn gọi Y thất điều, tiếng Phạn gọi là Uất đa la tăng, Hán dịch là Thượng trước y. Thất y còn được gọi là Nhập chúng y với công năng là đắp y này để lạy Phật, để sám hối các tội lỗi, để tụng kinh, ngồi thiền, thọ trai, nghe kinh, làm lễ Tự tứ, làm lễ Bố tát. Y này có 7 điều gồm 21 tấm ghép lại, trong mỗi điều được chia làm ba, với hai ô dài và một ô ngắn. Khi đắp y, phải quán niệm bài kệ: “Thiện tai giải thoát phục, Vô thượng phước điền y, Ngã kim đảnh đới thọ, Thế thế thường đắc phi, Án độ ba độ ba sa ha” (Giang Phong).
Đại y theo tiếng Phạn gọi là Tăng già lê tiếng Hán dịch là Hiệp. Hiệp y có nghĩa là cắt rọc từng miếng rồi hợp lại may thành y. Trùng y là may chồng nhiều lớp vải bị cắt ấy lên nhau. Đại y cũng được dịch là Tạp toái y. Tạp toái vì số điều của nó rất nhiều: từ 9 – 25 điều. Theo Luật tạng quy định, đắp Đại y vào ba trường hợp sau: vào cung vua, thăng tòa thuyết pháp và đi khất thực.
Đại y gồm có 3 loại và 9 phẩm bậc: bậc hạ có ba y và mỗi điều của nó được chia làm ba với hai ô dài và một ô ngắn: Y hạ hạ: 9 điều, gồm 27 tấm ghép lại. Y hạ trung: 11 điều, gồm 33 tấm vải ghép lại. Y hạ thượng: 13 điều, gồm 39 tấm vải ghép lại. Bậc trung có 3 y và mỗi điều của y được chia làm bốn với ba ô dài và một ô ngắn: Y trung hạ: 15 điều, gồm 60 tấm vải ghép lại. Y trung trung: 17 điều, gồm 76 tấm vải ghép lại. Bậc thượng có 3 y và mỗi điều của y được chia làm năm với bốn ô dài và một ô ngắn: Y thượng hạ: 21 điều, gồm 105 tấm vải ghép lại. Y thượng trung: 23 điều, gồm 125 tấm vải ghép lại. Đặc biệt, Y thượng thượng có thể là màu đỏ còn gọi là “Tử y”. Người sử dụng y thượng thượng phải là những bậc cao tăng (tuổi tác, đức hạnh, phước trí). Y này thường chỉ được sử dụng trong những dịp đại lễ Phật giáo nên rất ít phổ biến trong nghi lễ thông thường. Riêng Tỳ kheo Ni cũng sử dụng ba y giống như Tỳ kheo Tăng, nhưng khi sử dụng Đại y thì hầu như chỉ sử dụng đến Thập ngũ điều y trở xuống và đó cũng là một sự tôn trọng của hàng Ni chúng đối với chư Tăng. Khi đắp Đại y, phải quán chiếu bài kệ: “Thiện tai giải thoát phục, Vô thượng phước điền y, Phụng trì như lai mạng, Quảng độ chư quần mê, Án ma ha ca bà ba tra tất đế sa ha” (Giang Phong).
Sự phân chia ô dài, ngắn trên một điều y có ý nghĩa là nhiều ô dài biểu hiện sự ngày càng tăng trưởng chất Thánh; còn ô ngắn thể hiện cái tính phàm phu chúng sanh đang ngày càng ít. Trong Giới Đàn Kinh chép: “Người xuất gia đắp Đại y với ý nghĩa là dứt tâm si của ý nghiệp. Do đó, khi đắp ba y: Ngũ y, Thất y, Đại y là biểu hiện sự dứt sạch hết thảy tâm tham, tâm sân và tâm si” (Giang Phong). Bên cạnh đó, đắp Đại y còn để chống đỡ với thời tiết mùa đông, vì chúng được may chồng nhiều lớp, bảo dưỡng thân thể để làm Phật sự, hóa độ quần mê.
Trong lễ phục Phật giáo Bắc tông, ngoài ba y còn có mão (hoặc mũ) được sử dụng trong quá trình thực hiện nghi lễ: thuyết pháp, đăng đàn truyền giới, chẩn tế bạt độ âm linh… các loại mão thông dụng được tuyên truyền cho đến ngày nay:
Mão Hiệp Chưởng còn gọi là Liên hoa ấn. Mão có hình dạng giống như hai bàn tay chắp lại hình búp sen mang ý nghĩa biểu hiện trí tuệ và phước đức, nên còn có tên gọi khác là mũ phước và trí. Trên mão luôn có sáu đường viền tượng trưng cho sáu Ba la mật: ba đường bên phải là phước đức gồm: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục; 3 đường bên trái là trí tuệ gồm: Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ. Mão Tỳ Lư: mão ghép bằng ba mảnh với sáu hình giống cánh sen. Mỗi mặt đều có những đường viền chạy xung quanh xếp theo sự uốn lượn của mũ. Mặt trước của mũ có ba chữ “Án Dạ Hồng” ở chính giữa, mặt sau may chữ Vạn, mang ý nghĩa “Vạn đức câu viên”, tức là tất cả vô số đức lành đều quy tập về ở nơi mũ này. Mỗi hình cánh sen trên mũ tượng trưng cho Lục độ bao gồm: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ. Bên trên được kết đính bằng một tấm vải hình tròn và chia làm ba vòng, tượng trưng cho Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát. Hình tròn nhỏ ngoài có màu đỏ, được chia làm 4 phần bằng nhau, mỗi phần có bốn giọt nước tượng trưng cho Tứ niệm xứ và Tứ diệu đế. Trên cùng là chóp mão màu đỏ hình một cái núm nhỏ được cột bằng 8 sợi chỉ vàng biểu trưng Bát Chánh đạo.
Mão Quan Âm: mão mang hình dáng và ý nghĩa giống mũ Hiệp Chưởng ở phần trên, phần dưới được kéo dài xuống đến nửa lưng. Mão Quan Âm thường được làm bằng gấm màu vàng hoặc màu đỏ sậm, trên đó có những chữ Thọ cách điệu trong những ô tròn (hay còn được gọi là đoàn thọ) hoặc là những chữ Phước. Mão Quan Âm mang ý nghĩa cứu khổ chúng sanh bằng phước, trí, được xem là nguyện lực tầm thanh cứu khổ của Bồ tát Quan Thế Âm. Do đó, người sử dụng mão này phải là những bậc cao tăng (tuổi tác, đức hạnh, phước trí). Mão thường chỉ được sử dụng trong những dịp đại lễ Phật giáo nên cũng rất ít phổ biến trong nghi lễ thông thường khác.
Ngày nay, cũng trên hình tướng căn bản như vậy, nhưng do xã hội đang ngày càng phát triển, ngành dệt may đã đạt đến trình độ tinh xảo, sản xuất ra nhiều loại vải khác nhau đã đẩy mạnh việc không đồng bộ về màu sắc trong lễ phục Phật giáo, làm cho lễ phục không còn một màu chính thống, chất liệu vải cũng khác nhau. Chỉnh đốn và thống nhất về màu sắc trong lễ phục Phật giáo Bắc tông là điều hết sức khó khăn đối với các ban ngành chức năng của Giáo hội, cụ thể là Ban Tăng sự. Những năm gần đây, Ban Tăng sự ít nhiều đã kêu gọi các chư tăng, tăng ni trong tỉnh mặc pháp phục cùng một màu sắc (màu vàng sậm), đây thật sự là một việc làm đẹp mà Phật giáo các nơi phải nhìn nhận và noi theo. Tuy nhiên, cho dù chưa thống nhất được màu sắc nhưng về cơ bản lễ phục không xa rời ba y từ xưa đến nay của Phật giáo. Đó là Ngũ y, Thất y và Đại y.
4. Kết luận
Y phục trong tôn giáo tô điểm thêm cho oai nghi tế hạnh của người xuất gia. Đầu xuống tóc (cạo tóc), y phục và bình bát là biểu hiện của người xuất gia Phật giáo. Tuy là hình thức nhưng chính nó giúp cho người tu sĩ tu tâm dưỡng tánh, chuyển mê khai ngộ, tức là tâm trong sạch và hướng đến sự giác ngộ. Người xuất gia chỉ có tam y, quả bát là tài sản. Vì tam y là để che thân, bình bát dùng để đi khất thực hàng ngày, để thực hành đời sống phạm hạnh của mỗi tu sĩ trong Phật giáo.
Như vậy, y phục của hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer và hệ phái Phật giáo Bắc tông ở Trà Vinh khác nhau về kiểu áo, màu sắc và cách vận y phục. Chính sự không đồng nhất ấy đã tạo nên nét đặc trưng riêng ở mỗi hệ phái. Y phục của hệ phái Nam tông, đặc biệt là hệ phái Nam tông Khmer có xu hướng bảo tồn yếu tố nguyên thủy vốn có trong thời Đức Phật tạ thế. Nhưng y phục của phái Bắc tông trải qua nhiều lần biến đổi để phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể, là kết quả của sự dung hợp văn hóa Việt và văn hóa Trung Hoa.
Tác giả bài viết: LÂM SO RONE
(1Trường Trung cấp Pali – Khmer tỉnh Trà Vinh)
Nguồn: Khoa học Xã hội & Nhân văn, Số 17, tháng 3/2015
2. Y nội: còn gọi là y An đà hội.
3. Y vai trái: Y cà sa (còn gọi là y uất đà la tăng).
4. Tất cả mọi sinh vật hữu tình đều gọi là chúng sanh hoặc chúng sinh.
Tài liệu tham khảo
Phan, An . 2009. Dân tộc Khmer Nam Bộ. NXB Chính trị Quốc gia. Hà Nội. Nguyễn, Mạnh Cường. 2008. Phật giáo Khmer Nam Bộ. NXB Tôn giáo. Trần, Trọng Kim. 2011. Phật giáo. NXB Tôn giáo. Hà Nội. Viện Hàn Lâm. 1960. Diễn giải Kinh học đệ nhị niên Kinh-Luận-Giới phần I, phần II, Campuchia. ពុទ្ធសាសនបណ្ឌិត្យ (១៩៦០), ប្រស្នាធម្មវិន័យ ថ្នាក់ទោ ភាគ១, ភាគ២, ភ្នំពេញ។ Trần, Hồng Liên. 2000. Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ – Việt Nam (từ thế kỷ XVII đến 1975), tái bản lần thứ nhất. NXB Khoa học Xã hội. Hà Nội, tr. 133 – 140. Ek Nhừm – Mol Sa Vươn. 1972. Vấn đáp giới luật, tái bản lần thứ 4. NXB Kim Sêng, Campuchia, tr. 20 – 21. ឯក ញឹម – មល់ សាវឿន (១៩៧២), ប្រស្នាវិន័យ, ផ្សាយលើក ទី៤, រោងពុម្ព គិម សេង, ភ្នំពេញ, ទំព័រ ២០ – ២១។ Phúc, Nguyên, Nguồn gốc và ý nghĩa chiếc áo cà sa của đạo Phật, http://btgcp.gov.vn, truy cập ngày 4/9/2015. Trương Bội Phong; Nguyễn Kim Dân biên dịch. 2012. Nghi lễ Phật giáo. NXB Lao động. Song Siu. 1972. Phật giáo và khoa học. NXB Yaytadhar Phnom Penh. សុង ស៊ីវ (១៩៧២), ពុទ្ធសាសនានិង វិទ្យាសាស្រ្ត, បណ្ណាគារ យាយតាធម៌។ Ngô, Văn Lệ (Tổng nhóm biên tập) (22/9/2014), Nhân học & cuộc sống, NXB Hội Dân tộc học – Nhân học Thành phố Hồ Chí Minh. Khunasuvattivedi Du Un. 1964. Vấn đáp lịch sử Đức Phật, tái bản lần thứ 7, NXB Campuchia, tr.50-52. ឃុនសុវត្តិវេទី យូ អ៊ុន (១៩៦៤), ប្រស្នាពុទ្ធប្រវត្តិ, ផ្សាយចេញលើកទី៧), នៅពុទ្ធសាសនាបណ្ឌិត្យ, ភ្នំពេញ, ទំព័រ ៥០ – ៥២។ Giang, Phong, Tìm hiểu pháp phục Phật giáo Việt Nam, http://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=77E251, truy cập ngày 31/5/2015.