Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) là một vị hoàng đế, anh hùng của dân tộc và là một thiền sư, thi sĩ Phật giáo Việt Nam. Ngài là người đã tiếp thu những tinh hoa tư tưởng từ một nền Phật giáo chức năng để chuyển sang nền Phật giáo thế sự, đáp ứng các nhu cầu lịch sử đặt ra mà các vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông đặt nền móng trước đó. Có thể nói, tư tưởng của ngài được đúc kết qua hai bài Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca và Cư trần lạc đạo phú được viết bằng chữ Nôm. Trong đó, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca được xem là một khúc ca chứng đạo, một tuyệt tác ca ngợi sự giác ngộ, giải thoát tự thân mà Phật hoàng đã chứng nghiệm. Đến nay, trải qua hơn 700 năm thăng trầm của lịch sử, sức sống giải thoát của nó vẫn còn lan toả đến những tâm hồn đang trên hành trình quay về nẻo giác.
1. Hoàn cảnh ra đời của bài Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca
Bài Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca (得 趣 林 泉 成 道 歌) được tìm thấy trong Thiền Tông Bản Hạnh (禪宗本行). Đó là bài ca thành đạo của Sơ Tổ Trúc Lâm. Theo Thanh Từ toàn tập, tập 35, HT. Thích Thanh Từ giải nghĩa tiêu đề bài thơ như sau: chữ “thú” là đến, “lâm” là rừng, “tuyền” là suối, có nghĩa là Tổ lên núi rừng, qua suối ngàn, tu thành đạo nên làm bài ca này. Trước khi xuất gia, ngài là một vị vua sống trong cung vàng điện ngọc, thấy rõ những sự ràng buộc nơi thế gian nên mới quyết tâm vào núi rừng, ở một mình trong cảnh yên lặng để sống với lẽ thật mà Ngài đã chứng ngộ.
Nguyên văn:
境 寂 安 居 自 在 心,
涼 風 吹 遞 入 松 陰.
禪 床 樹 下 一 經 卷,
兩 字 清 閑 勝 萬 金.
Phiên âm:
Cảnh tịch an cư tự tại tâm,
Lương phong xuy đệ nhập tùng âm.
Thiền sàng thụ hạ nhất kinh quyển,
Lưỡng tự thanh nhàn thắng vạn câm (kim).
Dịch nghĩa:
Cảnh lặng, sống yên, lòng tự tại,
Gió mát thổi đến dưới bóng cây thông.
Giường thiền ở dưới gốc cây, kinh một quyển,
Hai chữ thanh nhàn quý hơn vạn nén vàng.
Dịch thơ:
Sống yên giữa cảnh lặng lòng không,
Gió mát hiu hiu lọt bóng thông.
Dưới gốc, giường thiền, kinh một quyển,
Thanh nhàn hai chữ, đáng muôn đồng.1
(Huệ Chi dịch)
2. Nội dung tư tưởng
Thông thường, người mới học đạo đa phần đều hướng tâm tìm một không gian, môi trường thanh tịnh để tu tập. Bởi lẽ, họ cho rằng yếu tố ngoại cảnh sẽ tác động mạnh mẽ đến đời sống tu tập và nếu như mới phát tâm xuất gia mà ở trong môi trường không được thanh tịnh sẽ dẫn đến tâm dao động, phiền não sanh khởi, dễ thối tâm. Cho nên, đối với họ, ngoại cảnh là chất liệu cần thiết để nuôi dưỡng nội tâm an tịnh. Tuy nhiên, dưới cái nhìn của người đạt đạo lại hoàn toàn khác như vậy. Cụ thể, trong hai câu đầu của bài kệ Phật hoàng Trần Nhân Tông đề cập đến việc chọn nơi yên vắng, tĩnh lặng để tu hành nhưng nội hàm mang ý nghĩa sâu sắc:
“Cảnh tịch an cư tự tại tâm,
Lương phong xuy đệ nhập tùng âm.”
(Sống yên giữa cảnh lặng lòng không,
Gió mát hiu hiu lọt bóng thông.)2
Đọc câu đầu tiên, ta có cảm nhận như là lời khuyên chân tình của Tổ, sống ở trên đời nên chọn cảnh nhàn tịnh để có thời gian học đạo Thiền, tu tập theo lời dạy của Đức Phật để cuộc sống có ý nghĩa và tâm được an lạc hơn. Song, việc chọn môi trường, trú xứ tu tập rất cần thiết, nhưng để tâm thanh tịnh, tự tại, Phật tính hiển lộ trong mọi hoàn cảnh thì chúng ta mới thực sự đang sống trong giác ngộ, đây mới là mục đích tối thượng của học đạo. Do đó, Tổ dạy: “Cảnh tịch an cư tự tại tâm” nghĩa là người tu hành ở yên trong cảnh lặng lẽ thì tâm tự tại. Cho nên, việc chọn ngoại cảnh phù hợp chính là thực hành pháp “an cư”, thân an thì tâm mới lạc, có pháp hỷ trong đời sống nội tâm. Liên hệ vấn đề này, đối chiếu với kinh tạng Nikàya có rất nhiều kinh đề cập đến môi trường tu tập như kinh số 17 Kinh Khu Rừng thuộc Trung Bộ kinh, tương đương với kinh số 107 Kinh Lâm thuộc Trung A Hàm và kinh số 4 Kinh Sợ hãi và khiếp đảm của Trung Bộ kinh tương đương kinh số 77 Kinh Sa kê đế tam tộc tánh tử thuộc Trung A Hàm. Cho thấy trú xứ tu tập của các vị Tỳ-kheo là những khu rừng chủ yếu ở dưới gốc cây để thiền định. Điển hình trong Khuddaka Nikàya ghi lại rằng: Đức Phật đã nói rằng một Tỳ-kheo thì nhất định phải “Ưa muốn ẩn dật Thiền tịnh, thích thú ẩn dật Thiền tịnh, chuyên chú nội tâm tịnh chỉ, không gián đoạn thiền tịnh thành tựu quán trí, hành trì hạnh đi đến các ngôi nhà trống, thì ngay trong hiện tại đạt được chánh trí” có nghĩa là lời tuyên bố về giác ngộ, mà giác ngộ chính là mục tiêu cuối cùng của hành giả đi tìm chân lý. Trong trường hợp khác, Sivaka trả lời: “Dù thân con đang ở trong làng nhưng tâm con thì bao giờ cũng hướng về nứi rừng”. Câu nói trên của Sivaka khiến ta nhớ đến câu trong Cư trần lạc đạo phú: “Mình ngồi thành thị/ Nết dùng sơn lâm”3 Khi còn là vua, ngài ở đời tuỳ duyên vui với đạo, nhưng khi quyết tâm từ bỏ danh vọng quyền uy để một lòng hướng về giải thoát thì ngài lên thẳng non xanh để tìm về con người thật của chính mình. Và khi đạt đạo, ngài thấy rằng khi tâm tự tại, giải thoát có mặt thì ở đâu cảnh cũng tịch, ở đâu cũng là nơi mình an cư mà theo ngài Duy Ma Cật trong kinh Duy Mật Cật sở thuyết ghi rằng: “Trà đình tửu điếm vô phi thanh tịnh đạo tràng” có nghĩa là trà đình tửu điếm đều là đạo tràng thanh tịnh, đây là cái nhìn vô chấp của các bậc Bồ-tát.
Bên cạnh đó, cảnh và tâm đồng nghĩa với tư tưởng “thân tâm nhất như” của Phật giáo Đại thừa Thiền tông. Do đó, đối với các bậc thiền sư ngộ đạo, liễu ngộ được lý sắc không, thấu rõ bản chất vạn vật nên ở chỗ nào cũng là cảnh yên tịnh vì trong tâm thanh tịnh nên thấy hoàn cảnh, trú xứ nào cũng thanh tịnh như Tuệ Trung thượng sĩ nói “Được nơi an định hãy cứ an định”4. Tiếp đến câu hai cho thấy, khi chúng ta ở trong cảnh an tịnh, tâm tự tại rồi thì nghe được gió mát thổi vào bóng cây tùng. Ở đây, Thiền sư đang sống với “tánh nghe” chân thật nên nghe được những âm thanh tự nhiên, thưởng thức tặng phẩm của thiên nhiên, nhưng những ai còn đang sống trong vọng niệm tuy nghe nhưng nghe với tâm phân biệt, tâm sanh diệt mà Tuệ Trung thượng sĩ cũng đã nói rằng: “Tâm sinh thì sống chết sinh /Tâm diệt thì sống chết diệt”5 có nghĩa là tâm là căn nguyên của cội nguồn sanh diệt, sanh tử và như vậy chừng nào chúng ta sống với bản thể bất sanh bất động, bản thể tánh không là chúng ta đang sống tiêu dao, tự tại, bình thản trước những biến thiên cuộc đời, như PGS.TS Nguyễn Công Lý cho rằng: “Hình ảnh thiên nhiên hiện thực…mà nhà thơ đã chiêm nghiệm…là thiên nhiên trong cuộc sống, gần gũi với con người, được cảm nhận thông qua cảm thức con người trung đại nên thiên nhiên ấy hoà với lòng người, mang tính cách rất người. Sống với thiên nhiên, con người sẽ được tiêu dao tự tại,… giải toả tâm linh… xua tan đi bao nỗi lo âu phiền muộn của cuộc đời.”6 Hình ảnh thiên nhiên có mặt xuyên suốt trong các tác phẩm của ngài Trần Nhân Tông, đó là tiếng nói giải thoát mà Thiền sư đã thể nhập. Và như vậy, từ những điều trên nói lên rằng nếu như Phật giáo Nguyên thủy ban đầu chủ trương đời sống xuất thế, ẩn mình nơi rừng núi thì Phật giáo Đại thừa hòa mình vào cuộc đời, giác ngộ ngay trong cuộc đời trên tinh thần “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”.
Với cương vị là nhà lãnh đạo, ngài đã hai lần lãnh đạo toàn dân đánh tan đạo quân xâm lược của đế quốc Nguyên Mông và cũng đã từng cầm quân đánh dẹp quân Ai Lao xâm phạm biên giới Tây Bắc của tổ quốc, đã hai lần đứng ra tiếp sứ bộ Bắc triều và đã vân du về phương Nam, biến hai châu Ô Mã, Việt Lý thành vùng đất Thuận Hóa sáp nhập vào bản đồ của đất nước. Để rồi Trần Nhân Tông đã cùng với dân tộc hát lên bài ca chiến thắng: “Non sông nghìn thuở vững âu vàng.” Nhưng khi việc xong, ngài lui về núi rừng, để tìm lại niềm vui muôn thuở, niềm vui của sự đạt đạo:
“Thiền sàng thọ hạ nhất kinh quyển,
Lưỡng tự thanh nhàn thắng vạn câm”.
(Dưới gốc, giường thiền, kinh một quyển,
Thanh nhàn hai chữ, đáng muôn đồng.)7
Câu thứ ba và tư là câu cực kỳ quan trọng, xác định điểm then chốt của người học đạo Thiền. Với khung cảnh dưới gốc cây có một bồ đoàn, nhưng điểm đáng lưu ý ở đây Trúc Lâm đại sĩ tu thiền nhưng có một cuốn kinh bên cạnh để dụng công tu tập đã cho thấy tinh thần “Thiền-Giáo song hành” của tư tưởng Phật giáo Việt Nam. Đó là kim chỉ nam như lời Đức Phật đã dạy trong kinh Trung Bộ rằng: “Hãy lấy pháp làm nơi nương tựa” vì đó là “Pháp thân của chư Phật”. Điều này thể hiện rõ trong nền Thiền học Việt Nam đều dựa trên cơ sở kinh Hoa Nghiêm, Kim Cang, Pháp Hoa như trước đó Thiền gia Hoàng đế Trần Thái Tông đã chọn kinh Kim Cương và Kim Cương tam muội rồi chú giải để làm cơ sở lý luận biện tâm, đến Trần Nhân Tông khai thác triệt để tư tưởng Đại thừa để làm cơ sở lý luận tiền đề hình thành nền minh triết Cư trần lạc đạo cho nhân dân Đại Việt.
Hình ảnh một cái bồ đoàn, cuốn kinh là tài sản của đời sống ít muốn biết đủ, cho nên dù là cung vàng điện ngọc hay danh tiếng quyền uy chỉ là giả tạm mà thôi. Lại nữa, hình ảnh ngồi thiền trên bồ đoàn lại xuất hiện ở ngữ cảnh khác dưới cái nhìn thiền quán khi thiền sư ung dung tự tại “Ngồi thiền trên nệm cỏ ngắm cánh hồng rơi rụng.” Dưới góc độ Thiền tông, thành đạo chính là “kiến tánh khởi tu” hay khác hơn đó là “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”, nghĩa là xoay lại chính mình là việc bổn phận gốc của người tu, không từ ngoài mà đạt được. Chúng ta tu hành để giác ngộ tính Phật sẵn có nơi mình, giải thoát khỏi mọi khổ đau triền phược, để sống an vui tự tại, thoát ly sanh tử. Qua câu thứ 3, chúng ta thấy Phật hoàng không chủ trương lấy riêng một pháp môn hay một bộ kinh nào làm cốt lõi, mà ngài dung hợp nhất quán các nguồn tư tưởng Đại thừa để vận dụng vào đời sống tu tập tự thân và làm đường lối tu hành cho mọi người vì “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Và Thiền của ngài là thực hành tất cả Phật pháp trên nền tảng Pháp thân, bản thể tánh không, tụng kinh niệm Bụt, Thiền Tịnh song tu mà ngay trong bài ca ngài đã chứng ngộ “Pháp thân thương trụ/ Phổ mãn thái hư”. Có thể nói, đây là một điểm khác biệt so với Thiền tông Trung Hoa.
Một trạng thái giải thoát lại được hiện thực hoá ở câu thứ 4: “Thanh nhàn hai chữ, đáng muôn đồng.” Thanh nhàn ở đây không phải cái nhàn thông thường với hàm nghĩa không làm gì hết, lại càng không phải là cái nhàn tiêu dao của nhà Nho Chu Văn An trong câu“Thân nhàn tựa áng mây trôi/ Gió trăng nửa gối việc đời nhẹ tênh”6 mà cái nhàn ở đây là cái nhàn của người đạt đạo với ý nghĩa thân không còn lệ thuộc nơi vật chất, tâm không còn tạo tác những ý niệm, vọng tưởng sai biệt như ta bắt gặp trong câu “Muôn nghiệp lặng/ An nhàn thể tánh”. Sự thanh nhàn đồng nghĩa với tâm đã được giải thoát và giải thoát có được từ sự tu tập khai mở trí tuệ tự thân.
Và nếu như người thế gian cho rằng tiền bạc là quý giá nhất, thì người đạt đạo lại cho rằng thanh nhàn trong từng khoảnh khắc, hoàn cảnh mới là điều quý báu. Bên cạnh đó, cái nhàn cũng được tìm thấy trong hai câu cuối của Trần Minh Tông: “Thế gian nhàn bán nhật/ Nhương đắc nhất thiên kim” (Ở trần gian mà nhàn nhã được nửa ngày/ Thì cũng quý như đoạt được ngàn vàng). Như vậy, sự thanh nhàn là chất liệu toả ra từ sự tu tập và nếu tu hành mà nội tâm không an lạc, tự tại thì suốt đời ta vẫn là kẻ: “Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách/ Nhật viễn gia hương vạn lý trình” (Lênh đênh làm khách phong trần mãi/ Ngày hết quê xa vạn dặm đường).
Tóm lại, bài kệ tuyệt cú Đắc thú lâm thuyền thành đạo ca của Trần Nhân Tông đã chuyển tải thông điệp giải thoát tự thân với tâm an nhiên tự tại, đó là lúc chúng ta khám phá ra rằng cảnh luôn luôn vẫn tĩnh lặng như vậy và ngọn gió trong mát thổi vào hàng tùng tuy động mà tĩnh. Để rồi Thiền sư ngồi dưới gốc cây với một giường Thiền, cùng với một quyển kinh và đó được xem là sự “thanh nhàn” mang ý nghĩa giải thoát quý hơn cả mọi thứ sang trọng nơi trần gian.
Và hơn hết, nếu như Trung Hoa có Chứng đạo ca của Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác, Việt Nam có Phật tâm ca của Tuệ Trung thượng sĩ, và Phật hoàng Trần Nhân Tông đã đóng góp tiếng nói giải thoát trong bài Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca. Qua hai văn bản tác phẩm trên, chứng tỏ Thiền tông đời Trần là dòng thiền có nhiều bậc thiền sư thực tu thực chứng, toát ra một sức sống rất mạnh mẽ linh hoạt, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tâm linh của dân tộc ta vào thời bấy giờ. Do nhận ra được tâm chân thật ngay nơi thân sanh diệt này mà các ngài sống tùy duyên nhưng vẫn luôn an lạc, sống với tâm chân thật trong mọi hoàn cảnh. Qua bài kệ này, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã thiết lập tính cách vừa xuất thế lại vừa nhập thế, không phân biệt xuất gia và tại gia cư sĩ, chỉ cần tu tập đúng pháp thì trải nghiệm giải thoát có mặt ngay trong hiện tại. Đây là tông chỉ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Tinh thần đó, được HT. Thích Thanh Từ nhận định: “Con người của Sơ tổ Trúc Lâm làm việc gì phải đến nơi đến chốn, đạt kết quả viên mãn mới thôi. Đánh giặc khi nào quân xâm lăng ra khỏi nước mới dừng. Nghiên cứu Phật pháp đến chỗ uyên thâm nhất mới thỏa mãn. Tu hành đến ngộ đạo mới đi hoằng hóa. Thật là một tấm gương sáng ngời để cho kẻ đời, người đạo học hỏi theo”.
Đã gần tám thế kỷ trôi qua, thế mà những người con của quê hương đất nước vẫn tiếp tục ngóng vọng về dãy núi Yên Tử, như để tìm lại âm hưởng giải thoát của ngài. Phải chăng ngài là biểu tượng cho sự trở về nhận lại chân tâm Phật tính của mỗi cá nhân và của cả dân tộc Việt Nam?
TRUNG BẢO GIÁC NGỌC
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-
Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978.
-
Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978.
-
Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 3, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978.
-
Trúc Thiên (dịch) (1969), Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục, Tu thư Đại học Vạn Hạnh.
-
Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Phương Đông.
-
Lê Mạnh Thát (1999), Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh
-
Nguyễn Công Lý (2003), Văn học Phật giáo thời Lý - Trần, Diện mạo và đặc điểm, Nxb. Đại học Quốc gia TP.HCM.
-
Thích Phước Đạt (2016), Giá trị văn học trong tác phẩm của thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức.
-
Thích Hạnh Tuệ (2019), Văn học Phật giáo Việt Nam - Một hướng tiếp cận, Viện Nghiên cứu Phật học VN, Nxb. Khoa học xã hội.
-
Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga (dịch), Thiền uyển tập anh, ViệnNCPHVN, Nxb. Hà Nội.