Nói đến truyền thống Tôn sư trọng đạo là nói đến mối quan hệ tương tức và tương nhập. Đây là mối quan hệ cùng nhau, nếu thiếu hay tách biệt sẽ không tồn tại. Có cả thầy và trò trong mối quan hệ trong nhau, cùng nhau, để hiện hữu, chuyển tải và hóa Đạo và cuộc đời.
DẪN NHẬP
Từ xưa đến nay, tôn sư trọng đạo là một trong những truyền thống tốt đẹp và cao quý. Truyền thống đó là giá trị đạo đức quý báu trong việc thể hiện đạo lí “uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn và tôn vinh đối với người thầy trong xã hội. “Tôn sư” là thái độ thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn sâu sắc đối với thầy cô giáo – những người đã và đang dạy dỗ mình; “Trọng đạo” là coi trọng sự học vấn, đạo lí và những điều được học tập, lĩnh hội thông qua hoạt động truyền trao của thầy cô. Người thầy vừa trao kiến thức vừa dạy đạo lí làm người cho người học. Truyền thống tôn sư trọng đạo được thể hiện rõ ở việc người học ý thức trong cách rèn luyện đạo đức, chăm học để xứng đáng với sự dạy dỗ của thầy cô, là coi trọng và làm theo những điều đúng đắn mà thầy đã dạy mình.
Đối với người con của Phật, ngoài tình thầy trò ở ngoài đời, thì chúng ta còn có sự cảm nhận sâu sắc về ân nghĩa Thầy dạy đạo. Nếu như cha, mẹ và thầy giáo thế học có công ơn sinh thành, nuôi dưỡng thân xác, dạy dỗ và nâng cao trình độ kiến thức cho ta, nhưng đó chỉ là thân ngũ uẩn sinh diệt và tri kiến thế gian. Còn thầy dạy đạo là những người đã vun đắp, dìu dắt, xây dựng, truyền trao và hướng dẫn cũng như trang bị cho chúng ta những phương pháp tu học để giác ngộ, thoát khổ, thoát li sinh tử, trao cho ta giới thân huệ mạng bất sinh bất diệt, trưởng dưỡng hạnh lành, tu học và hành trì miên mật, sớm đạt được các quả vị Thánh.
1. Trách nhiệm của người Thầy
Trong đạo Phật, người thầy còn được gọi là sư phụ với một ý nghĩa bao quát và rộng hơn. Đây là một từ Hán Việt, trong đó sư (師) có nghĩa là thầy, phụ (父) có nghĩa là cha. Như vậy, người thầy trong đạo vừa làm thầy, vừa làm cha. Đây là một trọng trách rất lớn, khi đấng mô phạm đảm nhiệm vai trò hết lòng dạy dỗ, quan tâm, săn sóc với sự ưu tư và cả những trăn trở dành cho đệ tử – những đứa con tinh thần của mình.
Sinh thời, đức Phật là người rất coi trọng và quan tâm đến dạy dỗ, giáo dục. Trong Kinh Giáo giới La Hầu La, khi biết được hành vi của con mình (tức La Hầu La – vị Sa-di đầu tiên trong lịch sử Tăng già Phật giáo, là một trong Thập đại đệ tử của đức Phật, vị được mệnh danh là “Mật hạnh đệ nhất”), đức Phật đã quan tâm giáo dục đến vị Sa-di đặc biệt này theo cách riêng. Đức Phật đã mượn hình ảnh chậu nước dơ để giáo huấn về hạnh chân thật. Đức Phật cho rằng, nói dối được so sánh như là “lời nói như phân”. Qua đó, đức Phật khuyến tấn mọi người phải có chính niệm, chính định. Đức Phật còn dùng hình ảnh chiếc gương để dạy cho La Hầu La biết tự phản tỉnh mình.
Theo đó, Thế tôn đã hướng dẫn Tôn giả La Hầu La phải biết hành động sao cho đem đến lợi mình, lợi người và lợi cả hai; từ đó dần tịnh hóa ba nghiệp thân – khẩu – ý. Đây được xem là một minh chứng thuyết phục nhất cho thấy đức Phật vừa là người thầy có trách nhiệm, vừa là người cha có tình thương dành cho con – đệ tử của mình; và về sau, điều đó còn được đức Phật rải ban cho tất cả mọi người và chúng đệ tử khác.
Sánh ví người thầy như một người cha, có thể thấy đức Phật là một hình ảnh tiêu biểu và rõ nhất. Đức Phật không chỉ là một người thầy đã hướng dẫn cho đệ tử của mình bước đi trên con đường chính đạo mà Ngài còn vô cùng ân cần, quan tâm, chăm sóc và bảo bọc chúng đệ tử trong cuộc sống hằng ngày.
Tích truyện của câu Kinh Pháp Cú, ở phẩm Tâm, câu 41, có nói về đức Phật thuyết cho tỳ kheo Pūtigattatissa, khi Ngài trú tại Jetavana ở Sāvatthi. Chuyện rằng, tỳ kheo Tissa người ở Sāvatthi xuất gia trong Phật pháp đã lâu, du phương hành đạo rày đây mai đó. Nhưng bị quả của ác nghiệp quá khứ nên tỳ kheo Tissa bị bệnh ung nhọt khắp người, hôi hám vô cùng. Các vị tỳ kheo và sa di lúc đầu còn ở bên cạnh chăm sóc, nhưng rồi các vị không chịu nỗi mùi hôi thúi từ thân vị ấy đã bỏ đi hết. Người ta gọi tỳ kheo ấy với cái tên là Pūtigattatissa (là Tissa thúi thây).
Một ngày kia, đức Phật theo thông lệ sáng sớm dùng Phật nhãn quán xét chúng sinh hữu duyên cần tế độ. Ngài thấy tỳ kheo Pūtigattatissa có duyên lành đắc quả A la hán và sẽ vô dư níp bàn trong ngày hôm nay. Đức Phật thân hành đến tịnh thất của tỳ kheo nầy và bảo các tỳ kheo khác khiêng chiếc giường tỳ kheo Tissa nằm đến aggisālā lấy nước nóng giặt y dính máu mủ hôi hám của vị ấy, đức Phật tự tay lau mình cho vị ấy, mặc cho vị ấy chiếc y khô sạch … khi biết tỳ kheo Tissa đã được thoải mái, Ngài thuyết pháp cho vị ấy nghe bằng bài kệ: “Aciraṃ vat’ayaṃ kāyo, không bao lâu thân này ..v.v
Không bao lâu thân này,
Sẽ nằm dài trên đất,
Bị vất bỏ, vô thức,
Như khúc cây vô dụng.
Vừa dứt bài kệ, tỳ kheo Pūtigattatissa chứng quả A la hán và vô dư y niết bàn, chúng tỳ kheo có mặt cũng đạt được thánh quả dự lưu.
Trước tình trạng bệnh tật u nhọt, ghẻ lở, hôi hám, đầy mủ máu của vị tỳ kheo Pūtigattatissa, đức Phật chẳng hề xa lánh, ngược lại Ngài đã ân cần, chăm sóc, lau chùi, tắm rửa và chỉ dạy cho đệ tử về thân xác là vô thường, giả tạm, là vay mượn, hoại diệt. Như vậy, đức Phật không những truyền trao các giá trị chân lí, kiến giải cho đệ tử về thân ngũ uẩn, giáo huấn những bài học về sự giác ngộ, mà Ngài còn gần gũi, quan tâm, yêu thương vô bờ bến dành cho chúng đệ tử và mọi người, với tư cách là người thầy trong ba cõi, đấng từ phụ của bốn loài.
Nói về bổn phận của nhà giáo, đức Phật nói trong Kinh Thiện Sinh: Nhà giáo mẫu mực săn sóc học trò với năm bổn phận. Một là huấn luyện đúng với chính pháp. Hai là dạy trò những điều chưa biết. Ba là giải rõ những điều thắc mắc. Bốn là truyền trao, không hề giấu nghề. Năm là giúp trò trưởng thành, hạnh phúc. (bản dịch của TT.Thích Nhật Từ).
Bên cạnh đó, nói về vai trò, trách nhiệm cao cả của người đạo sư – thầy dạy đạo, cũng trong bài Kinh Thiện Sinh, đức Phật có chỉ dạy: “Các bậc đạo sư giúp đỡ đệ tử với sáu bổn phận. Một là khuyên ngăn, không để làm ác. Hai là hướng dẫn nghệ thuật làm lành. Ba là dạy dỗ vì thiện chí lớn. Bốn là mở mang những điều chưa biết. Năm là giúp hiểu pháp sâu sắc hơn. Sáu là chỉ dạy con đường sinh thiên” (bản dịch của TT. Thích Nhật Từ).
Có thể nói, Đạo Phật là một trong số ít tôn giáo đầu tiên đề cập, luận bàn, đề cao và tôn vinh người thầy. Dĩ nhiên, chữ “thầy” ở đây mang ý nghĩa phạm vi rộng hơn, vì người thầy của thế gian, ở thế học là người dạy học, truyền đạt kiến thức và kĩ năng cho người học, nhằm phát triển và nâng cao về sự hiểu biết của bản thân về tri thức ở đời sống, bao gồm khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, … Còn người thầy trong đạo Phật, tức các vị chư tôn đức giáo phẩm, các vị đại trưởng lão, hòa thượng, các vị giảng sư và quý tăng ni nói chung, được xem là bậc đạo sư nối gót tiếp Đức Như Lai để hướng dẫn chỉ đường cho hàng đệ tử hậu học, gồm cả tăng, ni và phật tử đi theo trung đạo chính pháp. Không phải là một thầy giáo sư phạm hay một nhà triết học đơn thuần, người thầy trong đạo được biết đến là người thầy tâm linh, tỉnh thức. Người thầy tâm linh trong đạo Phật còn có một vai trò và trọng trách lớn hơn, khi vừa truyền trao kiến thức về Phật học vừa chuyển hóa được cuộc đời cho đệ tử, những người học trò trong đạo. Hiểu được mục đích cuối cùng là giác ngộ, giải thoát, hoằng hóa chúng sinh, do vậy người thầy truyền đạt đến cho người học bằng tất cả tâm huyết, kinh nghiệm tu học và thực nghiệm của chính bản thân. Để từ đó, người học có thể lĩnh hội, suy ngẫm và thực hành ứng dụng vào con đường tu nhân học Phật cũng như phụng sự chúng sinh. Đây thực sự là lợi ích và giá trị an lạc lâu dài. Công ơn và nghĩa tình của thầy trong đạo dành cho học trò vô cùng lớn và ý nghĩa, là những tình cảm tự nhiên, vô điều kiện, không vụ lợi, thật sâu lắng, khó mà có ngôn từ nào có thể lột tả hết được.
2. Bổn phận của người học trò
Vai trò của người thầy là rất quan trọng, mang ý nghĩa giáo dục và nhân văn cao, khi xã hội tôn vinh người thầy và lấy hình ảnh người thầy làm mô phạm, thước đo, tấm gương sáng để người học có thể soi chiếu, học hỏi và nương tựa. Người thầy trong đạo được ví như bồ đề cây cao bóng cả có thể chở che bóng mát và là nơi nương tựa của hàng đệ Tăng Ni và Phật tử hậu học.
Nhưng sẽ thiếu sót lớn khi nói về truyền thống tôn sư trọng đạo mà không đề cập đến bổn phận của người học trò, xét trong mối quan hệ với người thầy. Người học là đối tượng thọ nhận kiến thức và thực hành ứng dụng giáo pháp vào con đường tu học Phật và hành trì, phụng sự. Trong mối quan hệ tương quan với sư phụ, thì người học trong đạo thường được biết đến với tên gọi là đệ tử.
Thời đức Phật, Tôn giả Annada được xem là một người đệ tử hết lòng cung phụng đức Phật, “Ananda hầu hạ Thế tôn, đem nước, đem tăm xỉa răng, rửa chân, đi theo Thế Tôn, quét phòng cho Thế Tôn. Ban ngày, Ananda ở một bên đức Phật, nhắc nhở những điều cần làm; ban đêm cầm đèn và gậy. Ananda đi xung quanh phòng đức Phật sẵn sàng đáp ứng nếu Thế Tôn có gọi. Thế Tôn tại Jetavana, xác chứng Ananda là vị Tỳ kheo đệ nhất về năm phương diện: Ða văn, tâm tư cảnh giác, sức mạnh đi bộ, lòng kiên trì, và sự hầu hạ chu đáo” (Trích Kinh Tiểu Bộ (tập II), Hòa thượng Minh Châu dịch, 2015 – Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.472)
Theo đức Phật, trong Kinh Thiện Sinh, người đệ tử hay học trò, phải có bổn phận sau đây: Hỡi này Thiện Sinh, phương Nam tượng trưng các thầy cô giáo. Học trò chuẩn mực cung phụng nhà giáo với năm bổn phận, nhờ đó an ổn, không còn lo sợ. Một là hầu thầy, giúp những thứ cần. Hai là cung kính, cúng dường, đảnh lễ. Ba là khát ngưỡng, cầu học không chán. Bốn là kính thuận những điều thầy dạy. Năm là nhớ làm những điều đã học. (bản dịch của TT. Thích Nhật Từ). Đức Phật là bậc toàn giác, Ngài đã chỉ ra năm bổn phận của thầy, năm bổn phận của trò, tương ứng nhau. Nhờ đó, mối quan hệ giữa thầy và trò thêm gắn kết dài lâu, ý nghĩa thiêng liêng và cao cả hơn. Dù ở không gian và thời gian nào, người học trong đạo vẫn phải luôn hướng về đức Phật – người khai sáng ra đạo Phật, hướng về Thầy Tổ – những người thầy gián tiếp hoặc trực tiếp truyền đạo, trao giới, quy y và dạy dỗ chúng ta. Một lòng tôn kính thầy của mình với năm bổn phận mà đức Phật đã tuyên thuyết. Người học sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ thầy, luôn cung kính lễ nghi, luôn thể hiện tinh thần cầu học không ngừng, thực hiện theo những lời dạy bảo của thầy, để xứng đáng là người đệ tử của sư phụ.
3. Mối quan hệ giữa Thầy và Trò
Nói đến truyền thống Tôn sư trọng đạo là nói đến mối quan hệ tương tức và tương nhập. Đây là mối quan hệ cùng nhau, nếu thiếu hay tách biệt sẽ không tồn tại. Có cả thầy và trò trong mối quan hệ trong nhau, cùng nhau, để hiện hữu, chuyển tải và hóa Đạo và cuộc đời. Nếu như với cha mẹ là mối quan hệ huyết thống, thì với thầy là mối quan hệ tâm linh khắng khít, không có một tác nhân nào làm chia cắt, tách biệt. Thầy và trò là mối quan hệ thiêng liêng, cao cả. Người học trò đạt thành tích giỏi trên bước đường học tập và lập nghiệp là nhờ công ơn giáo huấn và dạy dỗ từ người thầy, và ngược lại. Thầy giỏi, ắt sẽ có những học trò xuất sắc, nối tiếp. Hình ảnh về mối quan hệ thầy trò thật tuyệt vời và sáng đẹp giữa trời đất vũ trụ sinh diệt này.
KẾT LUẬN
Những gì là giá trị, là truyền thống thì sẽ mãi được gìn giữ, lưu truyền và phát huy. Tôn sư trọng đạo cũng thế. Trải qua hàng ngàn năm lịch sự, với nhiều biến cố và thăng trầm, quốc gia và nền giáo dục lúc thịnh lúc suy. Nhưng dù ở bối cảnh và thời điểm nào thì truyền thống tốt đẹp tôn sư trọng đạo với hình ảnh người thầy mẫu mực, tôn kính vẫn luôn sáng ngời đối với học trò qua năm tháng với các thế hệ khác nhau. Giá trị và truyền thống hiếu học, tôn sư, kính thầy, mến bạn đó dường như là vĩnh cửu với thời gian. Ngày nay, thực tế, xã hội phát triển không ngừng, khi mà đời sống vật chất lên ngôi, nhân cách và giá trị của một con người lại bị quy chiếu bởi giá trị vật chất. Do đó, là người tu học Phật, chúng ta phải nhận rõ được những giá trị tinh thần, tâm linh, văn hóa,… cần được bồi đắp, gìn giữ và phát huy tối đa, bằng cách lan tỏa năng lượng tích cực và an lành, truyền tải giá trị lợi lạc, giá trị chân lí cao quý từ những truyền thống cội nguồn của các thế hệ tiền nhân để lại. Người học ở đời hay trong đạo cũng đều có trách nhiệm khắc sâu ghi lòng tạc dạ về hai chữ “ân sư” đối với thầy tổ của mình. Không những vậy, người học luôn tự răn và nhắc nhở rằng, phải thường xuyên lấy hình ảnh người thầy mẫu mực của mình để quán chiếu và soi lại chính bản thân – tiếp thu học hỏi, sửa sai và hoàn thiện nhân cách, tu dưỡng đạo hạnh, trau dồi tri thức và thực hành ứng dụng những lời dạy của thầy vào đời sống và trên từng bước của chặng đường tu học. Dẫu thời gian với nhiều đổi thay, song tôn sư trọng đạo mãi là một truyền thống tốt đẹp. Là thế hệ hậu học, chúng ta cần phải có trách nhiệm và bổn phận tiếp nối, gìn giữ và làm rạng ngời truyền thống tôn sư trọng đạo tốt đẹp đó.
Nguyễn Văn Tiếng – Pháp danh Ngộ Tự Chung